• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Tiền Thật - Tiền Giả

Apr 30 2022
Kính Mừng Phật Đản Kính Mừng Phật Đản

Kính lạy Phật Tổ Từ Bi
Xin Ngài cứu giúp Sanh Linh Ta Bà
Chiến tranh - Nạn đói khắp nơi
Dịch bệnh tiếp tục hoành hành chẳng tha
Chúng Sanh tạo nghiệp không Lành
Ngày nay Quả Báo gặp nhiều tai ương
Chúng con ghi nhận lỗi lầm
Thành Tâm Sám Hối một lòng Ăn Năn
Hôm nay ngày Phật Đản Sanh
Chúng con ghi nhớ công ơn dắt dìu
Giữ Thân - Khẩu - Ý rạng ngời
Ngàn đời ghi tạc Ơn Sâu của Ngài.

Kính bạch Sư Phụ,

Có lần Sư Phụ nói rằng: ngày hôm nay, trên cõi Đời này, Người Giả thì đông, còn Người Thật thì càng ngày càng trở nên khó kiếm. Tiếc thay, người Đời bỏ nhiều công sức, phí nhiều thì giờ để thu gom về cho mình những Đồng Tiền Giả.

Con vẫn chưa tư duy được một cách sâu sắc và chín chắn lời nói này của Sư Phụ. Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích thật cặn kẽ ý tưởng này để con có thể chia sẻ cùng với những người hữu duyên, để cùng nhau tiến bước trên con đường Đạo Pháp.

Khi đề cập đến Người Thật thì phải hiểu rằng, đó là người có Tâm Thật - có Ý Thật - có Tánh Thật.

Cái Tâm Thật là cái Tâm chân chính, cái Tâm trong sáng, cái Tâm không nhơ bẩn, cái Tâm lúc nào cũng ngời ngời, dù cho ở trong bất cứ hoàn cảnh nào hay dù cho bị đưa đẩy vào bất cứ trường hợp nào.

Thầy đơn cử một thí dụ như sau: một cô gái bị đưa đẩy vào chốn lầu xanh, nhưng cô có một cái Tâm Thật, Tâm chân chính. Tuy là gái lầu xanh, nhưng cô vẫn giữ cho mình một tư cách rất là đàng hoàng và một tấm lòng nhân hậu.

Người có Tâm Thật thì dù cho bị xô đẩy vào hang cùng ngõ hẹp nào, cũng vẫn giữ cái sự chân thật đó, không bị sa lầy và không bị vướng mắc, có nghĩa là, dù cho ai nói Đông nói Tây gì thì mình cũng vẫn đứng vững, không có ngã đỗ. Người có Tâm chân thật tuyệt đối không làm theo thị hiếu, cũng không hành động theo đám đông, và họ chọn lựa từng đường đi nước bước cho chính mình.

Người có Ý Thật thì, trong một hoàn cảnh bắt buộc nào đó khiến cho họ phải nói láo, phải nói lời thô tục, phải nói lời dữ dằn, nhưng, họ vẫn lồng vào đó cái thâm ý chân thật của mình, và họ làm đủ mọi cách để cho đối phương hiểu rõ rằng nói vậy mà không phải vậy, làm như vậy mà không phải như vậy. Đó là người có Ý Thật, nhưng mà bị sa vào một hoàn cảnh kêu là “gần bùn nhưng không có hôi tanh mùi bùn”.

Người có Tánh Thật thì phải hiểu rằng Tánh đó không phải là Tánh Xấu mà là gồm những Tánh Tốt.

Nói tóm lại, một con người Thật là một con người có Tâm Thật - có Ý Thật - có Tánh Thật, không bải buôi, không qua lề và sống chết không màng, lúc nào cũng giữ cái Tính Cách Thật của mình. Dù cho gặp bao nhiêu phong ba bão tố, dù cho có gặp phải những sự đe dọa đến tánh mạng, hay đến một cái gì đó vô cùng quý giá đối với mình, thì cái tính cách Thật đó vẫn không hề thay đổi. Nếu có phải bắt buộc thay đổi thì đó cũng chỉ là sự thay đổi bên ngoài, nhưng bên trong vẫn mang một hào khí Thật.

Còn Người Giả thì mình phải hiểu ngược trở lại, đó là Người có Tâm Giả, Ý Giả, Tánh Giả.

Người có Tâm Giả, điều trước tiên là thích bải buôi, thích nói cho qua lề, nói cho có lợi lạc, mà lợi lạc cho ai? Cho chính bản thân mình. Nếu gặp một hoàn cảnh khó khăn, một môi trường không tốt đẹp thì dễ dàng chiều theo hoàn cảnh, chiều theo môi trường.

Người có Tâm Giả không bao giờ lắng nghe cái tiếng lòng của mình, tiếng lòng đó chính là cái gì? Tức là cái Lương Tâm của mình. Dù rằng lương tâm của mình bảo rằng “hãy ngừng đi”, hay là “không cho phép để làm”, người có Tâm Giả vẫn tiếp tục và không quản ngại lao mình vào hố sâu vực thẳm. Nếu có ai đó bảo rằng, trong đó có Vàng, có Kim Cương Hột Xoàn thì dù cho nguy hiểm cách mấy, họ vẫn lao vào và tìm kiếm. Người có Tâm Giả không bao giờ nói ngược lại cái ý của mình mà hay đưa đẩy để cho thuận chèo mát mái. Để chi? Để mối lợi sẽ về phần mình!!

Phải hiểu rằng, với Người có Ý Giả, chữ dối trá đi đầu. Cái Ý đã không chân thật, cái Ý đã không cao thượng thì làm sao nói lời thật thà cho được? Chỉ có nói lời dối trá, nói lời mị kẻ khác, nói lời sàm sỡ, nói những lời làm đau lòng kẻ khác, và những toan tính của cái Ý Giả là những toan tính lọc lừa, đem phần lợi về cho mình, còn phần hại thì về cho đối phương. Tất cả những mưu tính, sắp xếp đều đặt trên cái căn bản là TƯ LỢI.

Người có Tánh Giả thì đương nhiên những cái tánh mà họ thụ đắc toàn là những Tánh Xấu, vì chính những tánh xấu mới liên kết với nhau để khiến cho một người trở thành ra một con Người Giả.

Tóm lại, Người Thật và Người Giả rất là dễ phân biệt!

Một con người Thật với Tâm-Ý-Tánh Thật, thì những hành động của họ phải là những Hành Động Thật, những cử chỉ của họ, những lời nói của họ phải là Thật, dù cho lời đó có thể đem lại một sự không vừa ý cho kẻ khác, họ vẫn nói lên cái Sự Thật và họ không cần đến sự nịnh bợ, đến sự vuốt ve.

Cho nên Người Thật thì từ hành động cho đến cử chỉ, cho đến lời nói đều là Thật. Họ đối xử với mọi người trên căn bản Chân Thật, Lương Thiện; những suy tư của họ cũng đặt nền tảng trên sự thật thà, không dối trá, không bải buôi. Vì Người Thật sở hữu nhiều tánh tốt, cho nên họ sẽ không bị vướng mắc bởi những tánh xấu, và những Tánh Tốt góp phần vào việc làm cho cái Tâm Thật của họ, làm cho cái Ý Thật của họ sáng rực lên.

Phải nên nhớ một điều rằng, Người Thật, tự nơi họ toát ra ánh hào quang mà mắt thường khó nhận biết được.

Còn Người Giả với cái Tâm Giả, Ý Giả, Tánh Giả, với hàng hàng lớp lớp những điều Giả tác động vào Ý, vào Tâm, vào Tánh, thì thử hỏi làm sao người đó có thể làm những điều gọi là THIỆN được? Họ lo cho họ còn chưa xong, làm sao mà họ lo cho kẻ khác được? Họ phải kiếm làm sao để họ ăn cho đủ no, mặc cho đủ ấm, tiền cho đủ nhiều, đã gọi là ĐỦ thì biết đến bao giờ mới đủ? Như vậy thì làm sao mà họ có đủ để phân phát cho những kẻ sa cơ?

Như thế thì, giữa Con Người với nhau đã có sự phân biệt giữa Người Thật và Người Giả.

Thử hỏi rằng, người Thật thì hành động như thế nào? Người Thật có bao giờ làm chuyện quấy trá hay không? Người Thật có bao giờ làm những việc mà chỉ có lợi cho mình và hoàn toàn để người khác ôm lấy cái bất lợi hay không?

Đối với Người Thật, từ hành động cho đến sự suy tư, sự tính toán của họ, không có sự lọc lừa ở trong đó, không có sự lừa dối, không có sự dối gian, mà trái lại, những tư tưởng của họ là những tư tưởng cao thượng, những tư tưởng nghĩ đến Người nhiều hơn đến mình.

Trong khi đó, Người Giả sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể đem lại mối lợi lớn cho họ, vì vậy, họ không ngại thốt ra một lời nói dối, đưa ra một cử chỉ hoàn toàn không chân thật, và lúc nào họ cũng nghĩ đến 2 chữ Mối Lợi, làm bất kỳ cái gì miễn đem lại mối lợi cho mình là đủ rồi.

Họ không thể nào tiến xa hơn được, họ cũng không thể gây tạo cho họ một nhân cách sáng ngời, cũng như không thể nào gieo một niềm tin tưởng vào cho kẻ khác, vì trên nét mặt của Người Giả, trong lời nói của Người Giả, trong hành động của Người Giả đều lộ ra một cách rõ ràng 2 chữ Gian Xảo.

Người Thật như đã nói khi nảy, dù cho hoàn cảnh nào cũng không đem cái Nhân Cách của mình thẩy xuống bùn, họ rất là đắn đo trong từng bước đi của họ, trong từng suy tư, trong từng lời nói, trong từng cử chỉ, trong từng cách đối xử.

Còn người Giả thì bất cần, miễn sao họ có lợi là được, dù chỉ là một lời nói, nhưng, nếu lời nói đó thỏa mãn cái tự ái của họ, họ vẫn nói! Họ không bao giờ nghĩ đến kẻ khác và nghĩ Tốt cho kẻ khác, nếu không muốn nói là chỉ toàn nghĩ quấy cho kẻ khác. Vì có nghĩ quấy thì họ mới tìm được cái Tốt hoặc cái Đúng của họ, theo quan niệm của họ, cho nên họ không bao giờ nghĩ đến việc tôn vinh hay ngợi khen kẻ khác.

Tiếc thay, trên cõi Đời hiện nay, hành động theo người Giả rất…rất…là đông. Hằng ngày phải giao tế, phải tiếp xúc, phải đối mặt, tranh giành nhau trong từng tấc đường, trong từng giao dịch, trong từng lời nói, trong từng hành động, thì cái sự Thật - Giả nó hiện ra rất rõ, nhưng người Giả thì không nhận chân ra được người Thật, ngược lại, người Thật nhận chân ra người Giả rất là dễ dàng.

Nếu vì một lý do nào đó mà có những kẻ đem cái tư cách Thật của mình để làm một cuộc đổi trao về Lợi Lạc, thì cái Thật của họ đã bị ố đen rồi. Trên nguyên tắc, Người Thật, dù cho ở vào bất kỳ một hoàn cảnh nào, họ cũng vẫn giữ cái tư cách Thật, họ không dại dột để nhuộm đen cái tư cách Thật của mình, trong khi Người Giả thì sẵn sàng nhuộm không biết bao nhiêu lần cái tư cách của mình.

Kính bạch Sư Phụ,

Sư Phụ đã giải thích thật tỉ mỉ và rõ ràng về Người Thật và Người Giả. Sự phân biệt Thật - Giả vẫn không ngoài cái nguyên tắc căn bản là Tâm - Ý - Tánh. Từ đó con tư duy về Tiền Thật và Tiền Giả như sau:

Vật Chất phù du trên thế gian thoạt có, thoạt không, thoạt đi, thoạt đến, rất là mơ hồ, huyễn hoặc, không định được, không trường tồn, chỉ là tạm bợ, dễ dàng biến mất, do đó nó không có Thật, và được ví như những Đồng Tiền Giả.

Công Đức - Phước Đức là những đồng tiền đòi hỏi một công sức tu tập đáng kể, một thời gian dài trui rèn, chỉnh sửa, giùi mài, vun bồi cái Tâm, cái Ý và luôn cả việc hoán chuyển những Tánh xấu thành Tánh Tốt, những Thói quen hư đốn thành Thói quen hữu ích. Đó mới chính là “Đồng Tiền Thật” vì dù cho trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc đời, bao nhiêu biến đổi trong hoàn cảnh, bao nhiêu đổi thay trong môi trường, những đồng tiền đó vẫn đứng vững với thời gian, không bị mất giá, không bị đổi thay bản chất.

Dùng tiền Thật để mua tiền Giả, tức là dùng cái tiền Công Đức, dùng cái tiền Phước Huệ của mình để đánh đổi lấy cái giàu có, cái vật chất, tiền của thế gian. Một cái nó chỉ là tạm bợ thôi, còn một cái nó mới thật là vĩnh viễn, nhưng mà mình lại dùng cái Thật để mua cái Giả.

Trong đời sống hằng ngày qua mọi hình thức, từ việc vui chơi cho đến việc xây dựng nền tảng căn bản của cuộc sống, Người Đời đã đánh đổi lấy cái Tâm của mình, cái Phước Đức của mình vào những việc gian lận, những hành động tạo nên Nghiệp Chướng, để phụng sự cho cái túi Tham của mình…Tất cả đều là dùng tiền Thật để mua tiền Giả.

Trên phương diện thực tế, Đồng Tiền Thật “nặng” hơn Đồng Tiền Giả, ở chỗ cái giá trị tiền tệ. Đồng Tiền Thật có giá trị, trong khi Đồng Tiền Giả thì không có. Người ta có thể dùng Đồng Tiền Thật để đánh đổi lấy những vật mà mình muốn, còn với Đồng Tiền Giả thì không thể trao đổi được, chỉ để nhìn ngắm mà thôi.

Trên Đời này, hiện nay Đồng Tiền Giả được làm khéo léo vô cùng, cho đến nỗi khó mà nhận ra được đó là Đồng Tiền Giả; chính vì vậy mà việc lường gạt, lừa đảo, lọc lừa rất dễ dàng thực hiện. Trật tự xã hội bị xáo trộn, nhà cầm quyền bao phen điêu đứng trong việc đối phó với nạn Tiền Giả.

Vì khó mà phân biệt được đâu là Đồng Tiền Thật và đâu là Đồng Tiền Giả, nên “Vàng Thau Lẫn Lộn,” phải mất nhiều công khó và phải vô cùng tinh tế mới có thể lượm lặt được những Đồng Tiền Thật trong cái mớ Đồng Tiền Giả.

Nhưng trớ trêu thay, ngày nay, người Đời lại có khuynh hướng chạy theo các Đồng Tiền Giả, sử dụng Đồng Tiền Thật để mua những Đồng Tiền Giả.

Điều này thể hiện rất rõ trong những trò chơi điện tử hiện nay, trong đó có những đồng tiền, hột xoàn, kim cương, vàng bạc ... nó chỉ là tiền điện tử thôi, không có thật, không sờ mó được, nhưng mà người chơi lại phải sử dụng tiền thật trong tài khoản ngân hàng của mình để chuyển vào, mới có thể mua được những món đồ ảo đó để cuộc chơi không bị gián đoạn.

Mọi giao dịch trong thế giới văn minh ngày nay, đa phần đều xuyên qua Thị Trường Chứng Khoán. Đồng Tiền Thật được sử dụng để mua bán, trao đổi những Mảnh Giấy có tên là Cổ Phiếu hay Trái Phiếu mà trị giá của chúng có khi vượt lên cao, mà cũng có lúc tuột xuống thấp đến không còn một trị giá nào hết.

Chủ nhân của những cổ phiếu này buồn vui theo sự lên xuống của những con số mà mình không hề kiểm soát được. Cũng có khi, từ lúc mua cho tới lúc cổ phiếu bị tuột dốc hoàn toàn, người này vẫn chưa hề bao giờ hưởng được một chút lợi lạc nào do cổ phiếu mang tới.

Bên cạnh đó còn có những loại tiền điện tử mà trị giá cho rằng rất là cao, phải sử dụng một số rất lớn Đồng Tiền Thật mới đánh đổi được.

Những loại Tiền Ảo này có một sức thu hút vô cùng là mãnh liệt, khiến cho không biết bao nhiêu người lao vào như những con thiêu thân, tán gia bại sản, hoàn toàn trắng tay chỉ một đêm tới sáng.

Có một điều ít ai để ý tới dù rằng nó vẫn xảy ra trong cuộc sống, đó là tính cách Giả của những Đồng Tiền Thật.

Tuy rằng trong tay nắm đầy những Đồng Tiền Thật, nhưng đích thực, đó chính là những Đồng Tiền Giả. Nó đến với mình thật dễ dàng, và nó rứt áo ra đi cũng nhanh chóng và không bao giờ luyến tiếc.

Những Đồng Tiền góp nhặt được từ ở việc mua bán, chuyển vận ma túy, buôn bán những đồ quốc cấm, những đồ lậu thuế, những đồng tiền có được qua những giao dịch thương mại dối gian, lừa đảo, những đồng tiền lường gạt, cướp bóc,..... những đồng tiền đó thật sự chính là những Đồng Tiền Giả.

Có những kẻ làm việc quần quật suốt ngày, suốt tuần vô cùng là cực nhọc, thế mà đã không chùn tay khi đặt những đồng tiền mồ hôi nước mắt đó lên những ván bài, canh bạc, lên những chiếc máy đánh bạc, với tất cả lòng kỳ vọng sẽ thu về cho mình thật là nhiều tiền. Đây cũng là cách đem Đồng Tiền Thật để đổi lấy những Đồng Tiền Giả từ ở các Casino.

Cũng không thiếu những Chính Trị Gia, hăm hở gầy dựng nhanh chóng sản nghiệp của mình bằng cách nhắm mắt làm ngơ cho bọn trục lợi tha hồ phá nát tài sản Quốc Gia, hủy hoại môi trường, gây bao điều bất lợi cho dân chúng địa phương. Đó là chưa kể đến những thành tích phản quốc, cấu kết với ngoại bang, phá nát bờ cõi của Cha Ông để lại hay tạo nên điều bất lợi cho Đồng loại của mình. Những kẻ chạy theo Đồng Tiền Giả, cũng sẽ có ngày ngã gục vì Đồng Tiền Giả.

Càng văn minh tiến bộ chừng nào, đời sống vật chất càng lên cao, con người càng ra sức, càng tranh đua nhau để bắt cho kịp những Đồng Tiền Giả!!

Khi mà lòng Tham của con người lên cao tột, cái Muốn cứ tiếp tục dâng trào thì những Đồng Tiền Giả trở nên chiếm thế thượng phong. Người ta không do dự khi vung Đồng Tiền Thật ra để thu vào một số lớn những Đồng Tiền Giả.

Người Thật chỉ sử dụng Đồng Tiền Thật, chỉ có Người Giả mới chạy theo Đồng Tiền Giả.

Người Đời không để ý rằng, mình đã gây tạo ra Nghiệp Chướng trong lúc rượt đuổi theo cái Đồng Tiền Giả. Sau đó rồi người ta lại đến chùa để cầu Phước. Rồi thì người ta lại dùng cái Đồng Tiền Phước Huệ đó để tiếp tục rượt đuổi theo mối Lợi, Nghiệp Chướng lại phát sinh theo cái hành động thu gom những Đồng Tiền Giả của người đó.

Cứ cái vòng lẩn quẩn không bao giờ chấm dứt!! Trong tuần thì bận rượt đuổi theo những Đồng Tiền Giả, cuối tuần thì đi chùa cầu Phước, trông thật là mâu thuẫn, thế mà không ai để ý tới, mọi người mạnh ai nấy làm, và cùng làm theo đúng một phương cách.

Việc đi đến chùa để cầu Phước thì cái Phước đó cũng là Giả chớ không phải là Thật, cái Phước Thật không cần đi cầu, không cần đi kiếm, tự cái con Người Thật cũng đã tạo ra cái Phước Thật rồi.

Từng hành động, từng cử chỉ của con Người Thật, tự nó đã tạo ra cái Phước, còn đi đến chùa, đi đến nhà thờ để mà cầu Phước thì đó là cầu cái Giả chớ không phải cầu cái Thật.

Nói cho đúng hơn là dùng thì giờ để mua Đồ Giả. Người Thật không cần làm chuyện đó. Người Thật không cần làm những điều gọi là phô trương.

Những sự âm thầm giúp đỡ, những hành động ở bên trong nhằm cổ võ, thúc đẩy một người thành công trong một công trình nào đó - những lời nói khiến cho người ta hừng chí để người ta vươn lên mà sống - những sự chỉ dạy giúp cho người ta tìm được phương cách mưu sinh - những lời khuyên lơn dẫn dắt người ta bước ra khỏi cảnh tối tăm - giúp đỡ người mù chữ để họ có thể mở mang Trí Tuệ, hòa nhập vào thế giới của kiến thức, của sáng tạo, của tư duy - hướng dẫn Thế Hệ Trẻ sống có đạo đức, biết trau giồi Tâm - Ý - Tánh cho ngời sáng, sống đúng với tư cách làm Người của mình ... còn nữa, còn rất … rất là nhiều cái cơ hội để giúp cho một người tạo nên Phước Báu.

Đó chính là cái Phước Báu mà người đó có được một cách tự nhiên do hành động, do cử chỉ, do cái tính chất Thật của họ. Nó tự có chớ không cần phải tìm cầu, một khi đi tìm cầu thì đó là đồ Giả, không phải là đồ Thật vì nó không xuất phát từ ở cái Tâm - Ý - Tánh Thật của một người.

Cho nên, phải để ý cái việc đó! Tự mình làm cho Tâm mình Thật, Ý mình Thật, Tánh mình Thật là mình đã tỏa sáng cái Phước Báu của mình rồi.

Chúng Sanh lặn hụp trong Biển Khổ, đau xót muôn vàn. Một ngày qua là một ngày chịu đựng những thống khổ, tai ương. Một người có Tâm Thật thì Tâm họ rung động trước sự đau khổ của kẻ khác. Hoặc là họ hành động bằng cách là họ giúp đỡ cho người đó qua cảnh đói lòng, qua cơn hoạn nạn, hoặc là họ dùng lời nói để giúp đỡ cho người đó vơi bớt đi sự buồn khổ, sự đau đớn, dùng cái Tánh Tốt của họ, mà cái tánh tốt đó là gì? đó là tánh tương trợ, tánh giúp đỡ, tánh che chở, để ủng hộ, để khuyến khích người đó vượt qua được những sóng gió.

Chỉ cần bao nhiêu đó thôi cũng đủ tạo nên Phước Báu rồi! Chớ đâu có cần phải là: tôi đi đến chùa đó để tôi lạy Phật, tôi ra mắt Phật, tôi đọc Kinh cho Phật nghe, tôi Trì Chú cho Phật nghe, tôi niệm Phật cho Phật nghe, thì tôi mới được Phước Báu.

Những cơ sở tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ, miếu đình…. là nơi tôn nghiêm thờ phượng những Vị Giáo Chủ đã dày công tìm kiếm những con đường, những cách thức để dẫn dắt, để hướng dẫn Chúng Sanh tiến đến sự Thăng Hoa hầu thoát cảnh trầm luân của Sanh Tử Luân Hồi.

Với tư cách là một tín đồ, khi bước vào những nơi trang nghiêm này, vị tín đồ đó bắt buộc phải sống THẬT với những Giáo Điều mà mình đã phát lời thệ nguyện khi quy y. Đối trước Tôn Tượng của Vị Giáo Chủ, là những lời bộc bạch chân thành của tín đồ đó, về tất cả những hành vi của người đó (trong một giai đoạn) đối với sự Lợi Lạc của Đồng Loại của mình. Nếu lỡ làm những điều sai trái, không phù hợp với Giáo Điều, hay vô tình hoặc cố ý gây tạo oan trái với người nào đó, thì đây chính là giờ phút nói lên lời thành tâm sám hối, ăn năn.

Các cơ sở Tôn Giáo mang tính cách nhắc nhở các Tín Hữu của mình hãy ráng cố gắng sống đúng với tính chất Thật, hãy luôn là một con Người Thật với cái Tâm Thật, cái Ý Thật và cái Tánh Thật. Đó không phải là nơi để cầu Phước!

Ai sống trên cõi Đời này mà không ham muốn sự giàu có? Tuy nhiên, làm giàu bằng Đồng Tiền Thật mới là điều đáng nói.

Người giàu có là người hưởng nhiều Phước Dư, tức là những Phước Báu của chính họ từ trong Quá Khứ còn tích lũy đến Hiện Kiếp. Nếu người đó vẫn tiếp tục tạo thêm Phước Báu thì sự giàu có của họ vẫn luôn kéo dài, có khi sang đến tận kiếp Vị Lai.

Như đã đề cập ở trên, Phước Báu được tạo ra do từ ở một con Người Thật, với Tâm Thật - Ý Thật - Tánh Thật. Những hành động, những việc làm, những cư xử của họ đã giúp cho họ tích lũy Phước Báu, tránh việc tạo thêm Nghiệp Chướng, và đồng thời cũng ngăn chận bớt sự hung hãn của Nghiệp Lực.

Một khi đã tích tụ được nhiều Phước Báu rồi thì chính cái Phước Báu sẽ tạo cơ hội để biến Phước Báu thành hiện thực. Trong một trường hợp nào đó, họ bỗng trở nên giàu có hay tối thiểu họ cũng có được một cuộc sống thoải mái hơn, ít lo lắng hơn. Nếu họ vẫn giữ trước sau như một thì những gì họ thụ đắc sẽ vĩnh viễn không rời xa họ.

Họ đâu cần phải đi Casino, đâu cần phải đi buôn ma túy, đi buôn rượu lậu hay hàng lậu, họ cũng không cần dối gạt ai, lừa đảo ai, họ đâu cần làm những việc đó, vì tất cả những cái gì mà họ thu nhập được từ ở cái Giả, nó cũng chỉ là đồ Giả, mà đồ Giả thì không hiện hữu lâu, không giữ gìn lâu được, rồi nó cũng biến mất từ lúc nào mình cũng không hay, không biết.

Trong khi đồ Thật, tiền Thật thì nó luôn luôn ở mãi với mình, không bao giờ mất.

49 năm giảng Pháp của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cô động lại chỉ trong 3 chữ TÂM - Ý - TÁNH mà thôi, nhưng mà Chúng Sanh không có chịu nghe, tại vì sao? Là vì đã bỏ Đồng Tiền Thật để đi tìm Đồng Tiền Giả. Chúng sanh bỏ rơi cái đồng tiền Thật để chạy theo cái đồng tiền Giả, không để tâm gìn giữ cái Đồng Tiền Thật của mình.

Cầm Đồng Tiền Thật trong tay nhưng mà mình buông nó, buông nó hồi nào mình cũng không hay biết, rồi mình lại đi tìm. Không khác gì mình có viên ngọc trong túi áo nhưng mà lại không gìn giữ nó, cứ lòng vòng đi tìm cái này cái kia cái nọ để tích tụ tài sản, nhưng cuối cùng rồi tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Cho nên, cái mấu chốt của vấn đề khiến cho chúng sanh cứ phải lẩn quẩn trong cái biển khổ chính là vì không phân biệt được đâu là Đồng Tiền Thật và đâu là Đồng Tiền Giả. Cứ lấy giả làm thật, không biết phân biệt cái nào đáng buông bỏ, cái nào đáng gìn giữ; chúng sanh cứ nắm giữ những thứ không quan trọng, không cần thiết.

Những cái gì mà thoạt có thoạt không, thoạt đi thoạt đến đều được liệt kê là ĐỒ GIẢ.

Còn ĐỒ THẬT thì không bao giờ mất.

Sự lương thiện của tôi, có bao giờ mà ai bốc được sự lương thiện đó để đem đi cho người khác được hay không? Hay bản thân tôi tự bốc sự lương thiện đó đem đi chia lại cho người khác, không ai làm được việc đó cả. Sự lương thiện của tôi nó ở với tôi kiếp này, mà nó cũng sẽ ở với tôi mãi mãi trong nhiều kiếp khác nữa, chỉ trừ khi nào tôi không còn chấp nhận nó nữa thì nó sẽ cất cao cánh để bay đi.

Thành ra là phải nhớ một điều rằng, Đồ Thật thì sẽ giữ mãi, giữ mãi từ kiếp này qua kiếp khác, còn Đồ Giả thì không có giữ được cái gì hết.

Cuộc sống bây giờ dính liền với 2 chữ “dối gian”, người ta hằng ngày tiếp nhận Đồ Giả rất…rất là nhiều, gần như Đồ Thật không còn nữa, do đó nếu mà mình may mắn giữ được những món đồ Thật thì hãy cố gắng mà giữ gìn, đừng buông bỏ nó, đừng làm cho nó mất đi, vì một khi nó đã mất rồi thì mình khó lòng mà thăng hoa.

Thời buổi này, Đồ Thật, Người Thật trở nên rất hiếm, đa số đều là đồ Giả, Người Giả. Cho nên người ta nói rằng, chết không đem theo được gì cả, đó là thường tình! Nếu tư duy cho đúng mức thì mình sẽ mang theo thật khá nhiều, và những gì mình mang theo sẽ vĩnh viễn ở với mình, những món đồ đó sẽ là những phương tiện không khác chiếc xe hơi, không khác chiếc xe lửa, nó đưa mình đến cái nơi mà mình mong muốn.


+ 35