• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Thọ Tam Quy

Jan 13 2018
Thọ Tam Quy 485414863

Một người khi quyết định chọn vị lãnh đạo tối cao cho Tâm Linh của mình là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, người đó sẽ được hướng dẫn để thọ TAM QUY.

TAM QUY LÀ GÌ?

Quy có nghĩa là nương tựa.

Quy y Phật là nương tựa vào Phật.

Quy y Pháp là nương tựa vào lời giảng dạy, chỉ dẫn, dạy dỗ của Phật.

Quy y Tăng là nương tựa vào người thay mặt Phật mà hành xử vai trò lãnh đạo Tâm Linh cho Chúng Sanh.

Chúng Sanh cần phải nên hiểu một cách rộng rãi việc quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Đối với những người có phương tiện, gần gũi chốn chùa chiền, việc thọ Tam Quy vô cùng dễ dàng thực hiện. Đối với những người mà việc di chuyển khó khăn, ở nơi xa xôi hẻo lánh hay miền hoang dã, đừng quá xem trọng việc thọ Tam Quy! Cái chánh yếu vẫn là việc tu tập, chân thành, siêng năng tu tập. Tu tập là hướng về cái nội tâm, cốt làm sao cho nó bừng sáng chớ không lệ thuộc vào những hình thức bên ngoài.

Tại sao phải quy y Phật? Quy y Phật tức là trở về ngôi nhà của Phật, an trụ trong ngôi nhà của Phật để tìm cái TỰ TÁNH của cái Tâm. Cái Tâm đó chính là ngôi nhà của Phật. Đức Phật đã cho mỗi Chúng Sanh một ngôi nhà rất đẹp để an trụ, và một khi đã an trụ vào trong ngôi nhà đó rồi, Chúng Sanh sẽ cảm thấy thơ thới, thật thoải mái và không còn những cảm giác phiền não, âu lo; Chúng Sanh sẽ cảm nhận được rằng mọi vật chung quanh mình, từ người đến vật, đến không gian đều hòa lẫn vào nhau, sẽ không còn là 2, là 3… mà duy nhất chỉ có 1 mà thôi!! Sẽ không có sự phân biệt mà cũng không có sự khác biệt. Vì vậy cần phải quy y Phật để được an trụ trong ngôi nhà của Phật.

Tại sao cần phải quy Pháp? Quy y Pháp là lắng nghe lời của Phật dạy dỗ Chúng Sanh; một sự lắng nghe và thấu hiểu những điều Phật chỉ dạy, dốc lòng nương theo lời của Phật mà cải thiện cuộc sống của mình.

Quy y Pháp là LẮNG NGHE lời Pháp chớ không phải ĐỌC lời Pháp. Lắng nghe và Đọc là hai hành động khác biệt nhau. Khi lắng nghe, sẽ có sự phân biệt điều phải, điều trái, điều nên làm, điều không nên làm, nhờ đó mới đưa đến một sự sửa đổi cái quan niệm sống của mình, cũng như việc chỉnh đốn lại toàn bộ những thói hư tật xấu của mình.

Đọc Pháp là hành động lướt chữ, nuốt chữ, sao cho mau hết, đọc thật nhiều nhưng không hiểu được một lời nào cả, hoặc hiểu rất ít, rất nông cạn, do đó không mang lại lợi ích gì cả, chỉ làm mất thì giờ mà thôi!

Đọc Pháp mà kèm với TƯ DUY Pháp để đi đến chỗ THÂM NHẬP thì mới đúng với ý nghĩa của ĐỌC PHÁP.

Tại sao phải quy y Tăng? Ý nghĩa chánh của quy y Tăng là trở về nương tựa vào cái TỰ TÁNH của mình. Có quy về cái Tự Tánh, mình mới tìm được cái Chân Lý rốt ráo. Tuy nhiên, ý nghĩa này hầu như bị bỏ quên, vì người Đời đã sử dụng cụm từ “quy y Tăng” vào cái quan niệm: không có Phật thì có Tăng thay thế, do đó thấy Tăng như thấy Phật, Tăng bảo làm điều gì thì phải làm như thế đó!!

Điều này cũng đúng, không sai! Vì một khi Phật không còn tại thế, người đại diện cho Phật trên thế gian này là Tăng.

TĂNG là ai? Là những người đã từ bỏ hết tất cả những lợi lạc cho riêng bản thân mình để chu toàn cái công việc làm lợi ích cho Chúng Sanh, họ đem cái công năng tu tập của mình hồi hướng cho Pháp Giới Chúng Sanh, họ thay Phật mà dắt dìu, chỉ dạy cho Chúng Sanh biết chắt chiu cái đời sống Tâm Linh của mình.

Ngay khi bước chân vào cửa Đạo, người xuất gia đã phát thệ làm tròn những Hạnh Nguyện này cho Chúng Sanh, mãi mãi và vĩnh viễn cho đến lúc tàn hơi kiệt sức. Nếu người xuất gia đã giữ đúng lời phát nguyện thì quả thật xứng đáng với vai trò TĂNG của mình, đã thay thế Phật mà HÀNH ĐẠO. Tuy nhiên, nếu người xuất gia đó không làm đúng theo Hạnh Nguyện, không mang lại lợi lạc cho Chúng Sanh mà chỉ lo lợi riêng cho mình, thì cái tư cách thay mặt Phật sẽ không thể nào chấp nhận được, vị này đã không đạt đúng tiêu chuẩn để cho hàng Phật Tử nương tựa, quy y.

Thầy lập lại lời đã nói ở trên: quy y Tăng là trở về nương tựa vào cái Tự Tánh của mình; nếu mình thực sự muốn tu tập, chọn lựa hướng đi cho đời sống Tâm Linh của mình, cương quyết làm cho Trí Huệ rực sáng để thăng hoa, thì việc quy y Tăng hay không quy y Tăng sẽ trở thành không cần thiết nữa. Mình vẫn phải tự tu, tự chứng, tự dẫn dắt mình!!

Thời mạt Pháp, mọi việc từ Nguyên Thủy đã lần lần được hiểu sai lệch rất nhiều và khiến cho những người thật dạ chân chính tu tập cũng cảm thấy chùng bước, không dám tiến lên. Cho nên, nếu chân thật tu tập, dốc lòng đem hết tâm lực để tu tập, trước là cho bản thân mình, sau là giúp đỡ cho Chúng Sanh, thì không nhất thiết phải Quy y Tăng! Đối trước Tôn Tượng của Phật, bày tỏ lòng chân thành của mình, muốn được theo đúng con đường mà Phật đã vạch ra, đã chỉ dạy và dẫn dắt Chúng Sanh. Bao nhiêu đó cũng đủ để có thể an tâm tu tập, yên chí mà an trụ trong Tâm của mình rồi.

Kính bạch Sư Phụ,
Phần cuối của mỗi nghi thức là bảng TỰ TAM QUY, đây có phải là chính bản thân mình đối trước tôn tượng của Phật để nói lời Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng hay không?

Đúng vậy! việc Thái Tử Sĩ Đạt Ta rời bỏ cung điện đi tìm chân lý, đã nói lên rằng: Ngài quyết tâm phá bỏ những xiềng xích bao quanh và trói buộc. Khi Ngài đã chứng đắc và trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni của cõi Ta Bà, Ngài cũng đã không đặt ra những sợi dây ràng buộc Chúng Sanh. Ngài đã phá bỏ xiềng xích cho chính mình thì không thể nào đem xiềng xích trói buộc chúng sanh. Cho nên, người tu tập chân chính phải hiểu rằng: tất cả đều là ung dung tự tại; ta thích thì ta làm, ta không thích thì ta không làm. Tuy nhiên, những gì ta làm đều phải có Lợi cho Chúng Sanh, những gì ta không thích làm thì những điều không thích đó cũng phải là không làm tổn hại cho Chúng Sanh.  

Ung dung tự tại vẫn là đặc tánh của một người tu tập chân chính, không ràng buộc, không vướng mắc, lúc nào cũng mở rộng Tâm mình để tiếp nhận những khổ đau của kẻ khác; sẵn sàng an ủi, xoa dịu những đau thương của những ai cần đến mình. Xong việc, phủi tay, giũ áo, an nhiên ra đi, không để ý đến bất kỳ một việc gì xảy ra sau lưng mình. Được như vậy thì lòng mới thơ thới, Tâm mới luôn được an trụ trong ngôi nhà của Phật. Nếu lúc nào cũng bị vướng mắc vào những dây trói chằng chịt và dày đặc thì sao gọi là An Nhiên và Tự Tại cho được?

Người tu tập chân chính phải luôn luôn tâm niệm rằng: Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã cố gắng bứt bỏ xiềng xích quấn trên người mình để tìm cầu một sự Ung Dung và Giải Thoát, thì tại sao mình lại dại dột tự quấn sợi dây lên người mình? Như thế là đi ngược lại tôn chỉ của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật hay của bất cứ một vị Phật nào; tôn chỉ đó chính là Bứt Xiềng Xích - Thoát Ràng Buộc - Sống An Nhiên và cầu sự Giải Thoát.


+ 70