• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Phép Đối và Đãi

Apr 27 2015
Ani Pandit - Sand Dunes - 7504089 Ani Pandit - Sand Dunes - 7504089 500px

Biết ơn là một hành động diễn tả hay bộc lộ sự tha thiết nhớ đến những gì mà người khác đã làm cho mình, đã giúp đỡ mình hay ban bố cho mình.

Nó bao gồm: một điều tốt đẹp, một lời khuyên hữu ích, một sự dễ dàng mà kẻ khác dành cho mình, hay một món vật nào mà người khác đã ban tặng cho mình.

Sự biết ơn nói lên tư cách của một người khi nhận chịu sự giúp đỡ của kẻ khác đối với mình. Sự biết ơn cần phải được phân biệt hẳn hòi: ĐỜI và ĐẠO.

Phương Diện ĐỜI:

Khi một người làm điều tốt đẹp cho mình, giúp mình thoát khỏi cơn nguy khốn, ban cho mình một cái gì mà mình không có hoặc đang rất cần, giúp cho mình giải quyết tất cả những khó khăn mà mình gặp phải, không biết cách đối phó, dẫu là một người không biết tu tập, cũng vẫn phải lấy sự ĐỐI ĐÃI làm đầu.

Người ta Đối tốt với mình thì mình phải Đãi trở lại bằng những điều tốt đẹp. Như vậy mới có sự tương xứng!

Nếu có sự đối tốt mà đãi thì quá xấu, sự tương xứng không hiện hữu, việc gì sẽ xảy ra?

Dạ, sẽ dẫn đến việc mích lòng lẫn nhau, chạm đến tự ái rồi gây ra nghiệp lực.

Đúng vậy! Việc đối đãi một khi không tương xứng sẽ dễ dàng đưa đến sân hận. Dù cho người đối tốt bảo rằng: Không để ý đến sự đáp lại của người kia, nhưng một lần, hai lần, rồi ba lần,… sẽ khiến cho lòng tốt trở thành ra không còn tốt nữa.

Vì sao? Vì như đã nói ở trên, tự ái của người đối tốt bị va chạm, họ cảm thấy rằng việc mình làm chỉ nhận được một sự thờ ơ. Tự ái là đầu mối của sân hận; có thể rằng sân hận trong trường hợp này không cao lắm, không bộc lộ, nhưng nó tiềm tàng và khởi đầu cho những hành động sau này.

Người nhận sự đối tốt mà có những cử chỉ hững hờ, có những lời bạc bẽo thì sẽ là đầu mối khiến cho sự tốt đẹp trở thành ra không còn tốt đẹp nữa. Người nhận sự đối tốt đó cũng mang danh là kẻ vô ơn, bội bạc.

Nên nhớ rằng: những cử chỉ, những hành động dù rằng rất nhỏ nhặt nhưng nó tạo nên một vết hằn rất lớn. Một lời bạc bẽo, một cử chỉ thiếu hiểu biết, một hành động không tốt đẹp sẽ tạo nên cái mầm cho những sân hận sẽ xảy ra trong tương lai.

Cần phải ghi nhớ một điều: trong cuộc sống hằng ngày, một Chúng sanh không thể nào sống tự túc được mà phải nương tựa vào người này hay người khác. Đã là nương tựa thì đòi hỏi một sự giúp đỡ để chống đỡ cho mình đứng vững; mình chống đỡ cho người này thì kẻ khác sẽ chống đỡ cho mình.

Đời sống hằng ngày có đầy dẫy sự chung đụng, cần rất nhiều sự nương tựa lẫn nhau và sự đối đãi sao cho tương xứng là điều không thể lơ là được.

Đừng bao giờ xem thường những điều nhỏ nhặt. Chính những điều nhỏ nhặt mới đem lại sự không hay và dẫn tới một tình trạng trầm trọng bất ngờ!

Hằng ngày có rất nhiều việc xảy ra cho Chúng sanh mà nguyên nhân không phải là điều lớn lao, chính lại là chuyện nhỏ li ti. Những việc nho nhỏ, vụn vặt, xem ra không đáng, nhưng nếu cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần, qua nhiều ngày tháng sẽ lại là nguyên nhân lớn, là đầu mối phát sinh sân hận, khơi mào cho nghiệp lực xảy ra.

Trong vấn đề Đối và Đãi, Thầy cần phải nhắc nhở đến việc Sửa Tánh.

Một người biết chăm Chút, trau giồi Tánh của mình, không bao giờ bỏ qua bất kỳ một điều nhỏ nhặt nào cả. Tất cả những điều nhỏ nhặt sẽ gom lại tạo thành ngòi nổ, khiến cho cái Tánh của mình lẫy lừng lên. Tánh đó là tánh gì? Chính là Tánh thiếu sự tỉ mỉ.

Thiếu sự tỉ mỉ sẽ khiến cho phép Đối và Đãi trở nên không tương xứng.

Thiếu sự tỉ mỉ sẽ khiến cho đường tu tập không tiến xa được và khó lòng mang đến một kết quả như mình mong muốn.

Việc tu tập đòi hỏi những bước đi thật ngắn, không thể bước một bước quá dài được vì sẽ không kiểm soát được bước chân mình.

Khi trì Chú, khi niệm Phật, hành giả bắt buộc phải tỉ mỉ rất là nhiều! Vì sao?

Câu thần Chú tự nó có một cái Lực. Nếu khi trì Chú mà hành giả để ý đến cái Lực của câu thần Chú thì mới có thể chuyển cái Lực đó vào chân khí để trở thành cái Lực cho chính bản thân mình.

Ngày qua ngày, Lực đó mới trở nên Đạo Lực được. Còn nếu bỏ qua, chỉ trì Chú mà không để ý, sẽ không thể nào nhận ra cái Lực của câu thần Chú, như vậy khó lòng đem cái Lực của Câu thần Chú hòa lẫn vào trong cái chân khí của mình để tạo thành một ánh hào quang được.

Việc niệm Phật cũng thế, nhiều Chúng sanh nghĩ rằng: tôi niệm Phật, tôi lần từng hột chuỗi, hết xâu chuỗi này đến xâu chuỗi khác, một ngày tôi lần cả chục xâu chuỗi, cả trăm xâu chuổi, như thế là xong việc tu tập!

Nếu việc giản dị như thế thì niệm Phật không trở thành một Pháp môn!

Nên nhớ một điều rằng: niệm Phật là kêu gọi Phật, kêu gọi Bồ Tát đến với mình.

Muốn giao cảm được với Chư Phật, Chư Bồ Tát, phải biết Lắng Tâm, tức là phải giữ Tâm Bình trong lúc niệm Phật.

Nếu lúc niệm Phật, đầu óc rối bời, tâm viên ý mã, sẽ không thể nào có được một sự giao cảm với Phật và Bồ Tát.        

Dù rằng Chúng sanh đó vẫn chưa đủ sức để có thể thấy được Phật và Bồ Tát, nhưng nếu biết Lắng Tâm thì sẽ dễ dàng cảm nhận được Phật và Bồ Tát đang ở trước mặt mình.

Vì vậy, niệm Phật không phải là lần chuỗi, mà phải giữ Tâm Thanh Tịnh, niệm liên tục danh hiệu Phật hay danh hiệu Bồ Tát để khiến cho Tâm không có kẻ hở, chỉ ngưng lại để hít hơi vào và tiếp tục, chuyển hóa toàn bộ chân khí của mình để trở thành hào quang và mình đắm chìm trong cái hào quang đó. Khi hào quang của mình hòa nhập vào hào quang của Phật và Bồ Tát, mình sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Phật và Bồ Tát ở trước mặt mình.

Niệm Phật thường xuyên như thế mới bảo đảm được sự Nhất Tâm Bất Loạn ở phút lâm chung và việc tiếp rước Vãng Sanh ngay giờ phút cuối cùng mới có cơ hội thành tựu được.

Niệm Phật mà Tâm loạn động, không Bình, dù niệm cho tới suốt tháng, suốt năm, vẫn không bao giờ có được cảm giác hòa nhập vào trong hào quang của Chư Phật và Bồ Tát.

Thầy đã từng nói rằng: dù chỉ có 5 phút tu tập, nhưng trong 5 phút đó, Tâm mình lắng đọng hoàn toàn, Tâm Thanh Tịnh tuyệt đối, khi niệm Phật, hào quang của mình mới hòa lẫn vào hào quang của Phật và Bồ Tát.

Sau 5 phút niệm Phật ngắn ngủi đó, mình sẽ cảm thấy một sự sảng khoái và thư giản.

Sự tỉ mỉ là một điều tối cần thiết trong vấn đề tu tập.

Người thiếu sự tỉ mỉ không thể nào thành công được một cách nhanh chóng trên đường tu tập.

Muốn có được sự tỉ mỉ đó, cần phải để ý và hành sử phép Đối và Đãi sao cho tương xứng.

Thiếu sự tương xứng trong cách ĐỐI và ĐÃI sẽ không mang lại cho mình một sự vừa ý đúng mức.

Không ĐÃI TỐT, sẽ khó lòng nhận được một sự ĐỐI TỐT.

Phương Diện Đạo:

Trên phương diện Đạo, phép Đối và Đãi cũng không kém phần quan trọng.

Người bước vào đường tu tập phải luôn tự hỏi rằng: Phật và Bồ Tát đã Đối với tôi như thế nào?

Câu trả lời là: Phật và Bồ Tát đã cho tôi hết tất cả những gì mà các Ngài có, không dấu diếm, không chừa lại bất cứ điều gì.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, khi còn tại thế, đã ban cho Chúng sanh hằng triệu… triệu lời Pháp, được gom góp lại trong 5 tạng Kinh điển.

Những lời Ngài thốt ra là lời tâm huyết. Ngay ở phút cuối của cuộc đời, Ngài vẫn còn có đôi lời để dẫn dạy Chúng sanh.

5 tạng Kinh điển gồm triệu triệu lời, đã thể hiện một sự ĐỐI vô bờ bến của Đức Bổn Sư với Chúng sanh.

Đây là những lời Vàng chân thật, không dấu diếm hay gợn một ý xấu nào cả.

Ngài đã vạch cho Chúng sanh thấy rõ con đường Ngài đi, cách thức phải làm sao để tiến đến sự Thành Công, đến Quả Vị Phật.

Câu nói của Ngài:

Ta là Phật đã thành
Chúng sanh là Phật sẽ thành

Đã chứng tỏ sự chân thành, lòng tha thiết của Ngài, mong mỏi tất cả Chúng sanh đều đạt Quả Vị Phật như Ngài.

Chúng sanh cứ y theo lời Ngài chỉ dẫn thì sẽ thành đạt, tới nơi tới chốn và không bị lạc lối.

Đức Bổn Sư đã ĐỐI với Chúng sanh bằng cả tấm lòng của Ngài, một tấm lòng không bến, không bờ, không một giới hạn nào cả.

Tuy nhiên, sự ĐÃI lại của Chúng sanh hoàn toàn không tương xứng. Vì sao?

Điều thứ 1:

Chúng sanh luôn tỏ ra nghi ngờ câu nói của Ngài, xem như lời của Ngài là một lời “nói chơi”, nói để lấy lòng mọi người, nói để cổ võ.

Bỗng chốc mà trở thành Phật, đó là một điều không tưởng!

Đại đa số Chúng sanh đều mắc phải sự nghi ngờ này.

Điều thứ 2:

Đức Bổn Sư đã lấy tấc dạ chân thành ĐỐI với Chúng sanh, vạch vòi, chỉ dẫn không thiếu sót.

Ngài đã tốn rất nhiều công sức để vẽ ra con đường mình đi và muốn rằng Chúng sanh cũng cùng cất bước chung với Ngài trên con đường đó để thành tựu Đạo Quả.

Chúng sanh đã ĐÃI lại tấm chân tình của Ngài bằng cách từ chối không đi theo con đường Ngài đã vạch ra, tự làm theo ý mình, do đó không theo một nề nếp, một giới Luật tuyệt đối.

Chúng sanh tự ý tách rời con đường Ngài chỉ dẫn, đi trên một con đường khác, như vậy, không thể nào bảo đảm được con đường mà Chúng sanh lựa chọn có thể dẫn đến sự thành đạt đúng nghĩa.

Điều thứ 3:

Trong phép ĐÃI, Chúng sanh đã vì cái Tánh không tốt của mình mà làm nhiều điều sái quấy, khiến cho lời của Đức Bổn Sư chỉ dạy bỗng trở nên mờ ảo, không còn là Kim Chỉ Nam để giúp cho Chúng sanh đi đúng đường được, cũng như Hành đúng những điều mà Đức Bổn Sư đã vạch ra.

Tánh xấu là một con dao sắc bén vô cùng, chỉ cần một cái “vuốt nhẹ” trên con dao là đủ RỤNG hết những ngón tay của mình.

Đức Bổn Sư đã hiểu rõ việc đó và cũng đã nhắc đi nhắc lại, bàn bạc trong tất cả lời Kinh của Ngài, về Tánh Xấu mà Chúng sanh bắt buộc phải sửa đổi.

Tuy nhiên, Chúng sanh đã không nhìn thấy sự ĐỐI Tốt của Đức Bổn Sư mà đã ĐÃI lại bằng những hành động, những cử chỉ do chính mình mong muốn.

Người tu tập chân chính phải hiểu rõ từng ý nghĩa của những hành động, cử chỉ, lời nói, tư tưởng của mình, luôn luôn phải kiểm soát để thẩm định mức độ đúng sai, phải trái.

Nói tóm lại, lúc nào cũng phải “giăng lưới” trước mặt mình để ngăn chận hết tất cả những điều sai trái mà mình có thể gây tạo nên.

Dù không phải là người Xuất gia, vẫn phải tự đặt cho mình những Giới Luật. Tất cả những giới Luật đó bao gồm Ngũ Giới và Giới Luật do chính mình đặt ra.

Những Giới Luật đó căn cứ trên cái gì?

Căn cứ trên chính cái Tánh của mình!

Càng có nhiều tánh xấu, càng phải tạo ra nhiều Giới Luật để mới có thể kiểm soát được những Tánh xấu của mình. Có kiểm soát được những Tánh xấu thì mới có cơ hội hủy bỏ những Tánh xấu.

Việc hủy bỏ đi một Tánh xấu không phải chỉ thực hiện trong 1 hay 2 ngày là xong, đó là việc làm của nhiều ngày, nhiều tháng, đôi khi nhiều năm. Tánh xấu càng gắn bó với mình càng lâu chừng nào thì việc hủy bỏ cũng sẽ phải mất một thời gian tương đương, chỉ trừ khi có sự dũng mãnh và sự quyết tâm thu ngắn thời gian.

Tánh xấu được triệt lần mỗi ngày một Chút, cho đến khi nào mình rơi đúng vào trường hợp, đúng vào môi trường để Tánh xấu có thể lẫy lừng lên mà mình vẫn không hành động, không phản ứng theo Tánh xấu, nếu không muốn nói là làm ngược lại với Tánh Xấu cố hữu của mình, khi đó mới đoan chắc rằng Tánh xấu đó đã được hoàn toàn hủy bỏ.

Người tu tập chân chính, ngoài việc Sám Hối, Trì Chú, Niệm Phật, còn phải trau giồi Tánh của mình, trau giồi phép Đối và Đãi, phải tư duy Pháp, phải hiểu Pháp, phải thâm nhập Pháp và tu tập trên lời Pháp.

Có tu tập trên lời Pháp, mới có thể tiến đến một sự rung động do ở việc Ngộ Pháp, tức là hiểu được cốt tủy của Pháp.

Chính sự ngộ Pháp, sự rung động này mới góp phần vào việc tạo cho mình một Trí Huệ phát sáng được.

Lời Kinh cũng là lời Pháp từ Kim Khẩu của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Tụng Kinh là lập lại lời Pháp của Ngài, tư duy lời Pháp đó, hiểu lời Pháp đó, hành lời Pháp đó, áp dụng lời Pháp đó vào trong cuộc sống ĐỜI lẫn ĐẠO của mình; đó mới chính là một sự ĐÃI TỐT của người con Phật, tương xứng với cái ĐỐI quá tốt đẹp, quá thiết tha của Vị Cha Lành không quản khó khăn, không nề cực nhọc, mang ÁNH ĐẠO VÀNG ban phát cho từng đứa con thân yêu của mình.

Đường ĐỜI hay đường ĐẠO, phép ĐỐI và ĐÃI vẫn quan trọng như nhau.

Trên đường Đời, phép Đối và Đãi giúp cho sự tương quan, giao tế giữa Người và Người được diễn ra tốt đẹp, tránh gây tạo nghiệp lực.

Trên đường Đạo, phép Đối và Đãi giúp cho hành giả dễ dàng thăng tiến.

Càng tu tập lâu ngày, càng thấm nhuần lời Pháp, càng hiểu rõ được giá trị của từng lời nói, của từng tư tưởng, của từng hành động, tuyệt đối không làm bất kỳ một điều gì trái với phép Đối và Đãi.

Mong rằng Chúng sanh hiểu rõ tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của phép Đối và Đãi để từ đó có được một cuộc sống An Bình do ở việc biết cách cư xử lẫn nhau.

Dù ĐỜI hay ĐẠO, phép Đối và Đãi vẫn luôn mang đến cho người hành sử nó một sự Lợi Lạc, sự Hữu Ích và nhất là tránh tạo nên bất cứ một nghiệp chướng nào có thể làm ngăn trở sự Thăng Hoa của người tu tập.


+ 137