• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Ngũ Giới

Jun 19 2017
129337454 129337454

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật sống trong một thời đại, có thể nói, rất là nhiễu nhương. Cái xã hội thời bấy giờ vô cùng là tạp nhạp, đa số Chúng Sanh trong đó đều nghèo hèn, rách rưới, sự hiểu biết rất là thô thiển, trình độ kiến thức thật thấp thỏi. Những người giàu sang, trưởng giả, quyền uy, chiếm ngự một tầng lớp không đông đảo lắm, và họ không sở hữu một kiến thức dồi dào, phong phú. Phần lớn Chúng Sanh không thông hiểu được những nguyên tắc căn bản của cuộc sống làm Người, cũng như phải hành xử cái tư cách NGƯỜI như thế nào để chứng tỏ rằng mình xứng đáng hiện diện trên cõi Đời.

Khi đã đắc Đạo, được tôn xưng là PHẬT, tức là một Đấng với một Trí Huệ sáng rực, tỏa sáng và soi thấu khắp mọi Loài, Đức Bổn Sư rất đau lòng xót dạ trước một số quá lớn Chúng Sanh hết lòng ngưỡng mộ Ngài, và rất mong mỏi được tiếp nhận những lời chỉ dạy của Ngài. Đoàn Tăng Lữ bao gồm những người tình nguyện Cắt Ái Ly Gia giống như Ngài, và một số khác không nhỏ, vẫn tha thiết với Đạo, muốn hòa nhập vào Đạo, nhưng vẫn còn ràng buộc với gia đình, với cuộc sống, với Cuộc Đời. Họ hoàn toàn không Cắt Ái Ly Gia.

Để có thể dễ dàng lãnh đạo, chỉ huy cái đoàn Tăng Lữ lớn lao này, Đức Bổn Sư đã phân chia làm hai nhóm:

  • Nhóm Cắt Ái Ly Gia
  • Nhóm không Cắt Ái Ly Gia

Mỗi nhóm bắt buộc phải theo những nguyên tắc, những luật lệ do Đức Bổn Sư quy định. Đây chính là cơ hội để cho Ngài đề ra những Giới Luật có tính cách dạy dỗ, giáo dục và truyền bá sự hiểu biết cho đại đa số tầng lớp Chúng Sanh còn quá ư kém cỏi, mờ mịt về mọi phương diện từ vật chất lẫn tinh thần.

Nhóm Cắt Ái Ly Gia quyết noi theo gương của Đức Bổn Sư để tu tập và mong cầu một Trí Huệ tỏa sáng như Ngài; do đó phải chịu sự chi phối của hằng trăm Giới Luật rất chặt chẽ, rất là tế nhị, phải chịu ép mình vào một khuôn khổ thật cứng rắn để tôi luyện từ li từ tí cái Tâm, cái Ý, cái Tánh của mình ngõ hầu làm phát sáng cái Trí Huệ, làm tỏa rộng cái tánh chất Phật, để xứng đáng hành xử vai trò thay thế Phật mà dắt dìu Chúng Sanh trong tương lai.

Đối với nhóm không Cắt Ái Ly Gia, Đức Bổn Sư cũng đã đặt ra một Giới Luật riêng biệt cho những người mới làm quen với việc tu tập. Trong chiều hướng dạy dỗ, giáo dục, Đức Bổn Sư đã đem sự hiểu biết đặt vào những Người trong nhóm này qua 5 Giới Luật mà Người Đời thường hay gọi là NGŨ GIỚI.

Giới thứ nhất: KHÔNG SÁT SANH

Tại sao không sát sanh?

Con Người lúc đó chưa hiểu được cái tầm quan trọng của Sự Sống, của việc sanh ra làm Người, con Người vẫn chưa có kiến thức và không được chỉ dạy rằng: MẠNG NGƯỜI LÀ QUÝ. Hiện diện trên cõi Đời là một điều Quý, dù đó là một con Người hay đó là một Sinh Vật.

Con Người có cái vui chơi của cuộc sống con Người. Sinh Vật vẫn ham muốn một sự sống và nó có cái vui chơi của cuộc sống con vật.

Dù rằng không được chỉ bảo, không được cho biết rằng: sanh mạng con Người là quý, con Người vẫn luôn luôn tìm đủ mọi cách để bảo vệ sanh mạng của mình. Sinh vật tuy rằng không có tri giác như con Người, chúng nó vẫn mong mỏi một cuộc sống vui tươi, thoải mái, không ràng buộc. Do đó, sinh vật cũng không muốn người ta phá hại cái cuộc sống của bọn chúng.

Ở vào thời đại của Đức Bổn Sư, cái ý niệm tôn trọng mạng sống của loài Người vẫn còn rất mù mờ. Mạng sống của nhau đã còn không tôn trọng, thì huống hồ chi mạng sống của Sinh Vật. Một xã hội mà trong đó người ta tha hồ chém giết nhau, kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, và một khi không vừa ý một điều gì thì cứ thẳng tay sát hại, không ngập ngừng, không do dự. Con người đôi khi trở thành nô lệ của nhau, và một khi đã trở thành nô lệ của một ai đó rồi, thì sẽ phải nhận chịu cái quyền sanh sát của người chủ đó trên cái sanh mạng của mình.

Vì vậy, Đức Bổn Sư phải xem Giới Cấm này là một Giới Cấm vô cùng quan trọng, đứng hàng đầu trong Ngũ Giới. Ngài biết rằng: nếu Chúng Sanh xem thường sanh mạng của nhau, Chúng Sanh tức khắc sẽ rơi vào trong Luật Nhân Quả. Chúng Sanh thời đó làm sao có thể thấu đáo được Luật Nhân Quả? Khi một Chúng Sanh ở vào một vị thế cao trong xã hội, vị thế của người giàu tiền lắm bạc, thừa uy quyền, sẵn sàng vung tay chém giết không một chút đắn đo, họ đã gây ra điều tai hại và không ngừng tạo ra vô số Nghiệp Chướng, chất chồng như mạng nhện. Đa số Chúng Sanh thời đó đã vướng vào Nghiệp Sát rất nhiều do ở tánh ngã mạn, cao ngạo, tự cao, tham lam, sân hận. Chỉ cần tiếng trước, tiếng sau là rút kiếm ngay, không cần biết mình đúng hay sai, đó là “Luật của Kẻ Mạnh”; việc giết hại lẫn nhau quá là kinh khủng, tạo nên trùng trùng điệp điệp Nghiệp Chướng!

Đức Bổn Sư bắt buộc phải đặt ra Giới Luật KHÔNG SÁT SANH để khuyến khích mọi người đến với Đạo, học Đạo và hiểu Đạo. Một khi đã hiểu Đạo rồi, Chúng Sanh sẽ được giải thích, cắt nghĩa rõ ràng, tường tận về Luật Nhân Quả. Khi đó, Chúng Sanh sẽ nhận ra rằng: nếu tôi vẫn tiếp tục gieo Nhân không Lành, vẫn không ngừng giết hại cả Người lẫn Sinh Vật, cái Quả tôi nhận được chắc chắn sẽ là những Quả không ngon, không ngọt, Quả đắng, Quả chua, Quả hình thù xấu xí, dị dạng. Tôi gây tạo Nghiệp thì đương nhiên tôi sẽ phải tròng dây Nghiệp Lực vào cổ của mình. Cho nên, Nghiệp gây ra do việc sát hại vô cùng là nhiều, vì vậy Đức Bổn Sư phải xem việc SÁT SANH là một vấn đề trọng đại và đưa lên hàng đầu của 5 Giới Luật.

Giới thứ hai: KHÔNG TRỘM CẮP

Trộm cắp cũng là một vấn nạn rất lớn của xã hội thời Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Một xã hội mà số người giàu có, trưởng giả không có nhiều; người có kiến thức, học cao hiểu rộng cũng chỉ đạt đến con số khiêm nhường. Đa phần đều là người nghèo khó, bần cùng và dốt nát. Thông thường, “bần cùng thì hay sanh đạo tặc”, do đó trộm cắp xảy ra là một việc đương nhiên của xã hội thời đó. Người ta ăn cắp không những là các vật lớn, vật quý giá, mà ngay cả những vật nhỏ mọn, tầm thường cũng được chiếu cố đến. Chúng Sanh thời đó quá nghèo nàn, luôn thiếu ăn, thiếu mặc; dưới mắt họ, cái gì cũng là lớn lao, cũng là có giá trị cả, vật nhỏ mọn không đáng đối với người giàu có, nhưng lại vô cùng to tát đối với kẻ nghèo hèn. Cái gì họ cũng cần, cũng muốn, do đó họ sẵn sàng để có thể lấy bất cứ cái gì trong tầm tay của họ mà không cần phải suy nghĩ, phải đắn đo. Họ không từ nan sử dụng bất cứ một thủ đoạn nào để trộm cắp hay cướp giựt, luôn cả việc sát hại lẫn nhau chỉ để dành lấy một món đồ. Do đó, Sát Sanh và Trộm Cắp dính chặt vào nhau, không rời!

Giới thứ ba: KHÔNG NÓI DỐI

Nói dối là một hành động man trá, thiếu chân thật, luôn che đậy và dấu diếm sự thật. Vì mang cái Tánh Sát Sanh, vì mang cái Tánh Trộm Cắp, Chúng Sanh bắt buộc phải dối trá để qua mặt lẫn nhau. Hai cái Tánh Sát Sanh và Trộm Cắp mang tính cách hiện thực, lộ hẳn ra ngoài; trong khi Nói Dối lại ẩn tàng trong tâm tư nhiều hơn. Người ta sắp xếp để cho có mạch lạc, lớp lang những gì mà người ta muốn dối trá; gieo vào đầu óc của người chung quanh cái ý tưởng là mình thật thà chơn chất, vì vậy, cái thực chất của việc Nói Dối quả là vô cùng tai hại. Từ việc Nói Dối mới nảy sinh ra những ý tưởng bất thiện, để rồi được hiện thực hóa bằng việc Trộm Cắp hay Sát Hại kẻ khác.

Đức Bổn Sư đặt ra Giới Luật KHÔNG NÓI DỐI để giúp cho Chúng Sanh nhận thức được sự tai hại của hành động man trá, dối gạt kẻ khác, lợi dụng sự dễ tin của Người để làm điều xằng bậy, mang tai họa đến cho người chung quanh. Một xã hội mà trong đó mọi người đều sống thiếu chân thật, luôn luôn dấu diếm và tìm cách qua mặt lẫn nhau, chắc chắn rằng cái xã hội đó sẽ không bền vững và nguy cơ sụp đổ là việc đương nhiên, vì không được xây dựng trên một nền tảng vững chắc là sức mạnh của sự tin tưởng, của sự thật thà và chân chính.

Đức Bổn Sư rất mong muốn mọi người trong xã hội đương thời sớm triệt tiêu cái Tánh Nói Dối để tránh những tình trạng đáng tiếc và bất ổn luôn xảy ra, tạo nên sự xáo trộn trật tự trong xã hội.

Giới thứ tư: KHÔNG UỐNG RƯỢU

“Rượu vào thì lời ra”, mà lời ra là một lời không chân thật, một lời gian dối, chắc chắn sẽ gây tai hại vô cùng! Rượu vào thì dễ dàng hành động, có khi người ta mượn rượu giả say để làm những chuyện khuất lấp mà không gây sự chú ý của người chung quanh, mọi người không biết rằng tôi đã giả say để làm chuyện sái quấy. Có khi mình say thật rồi làm chuyện sái quấy thật, đến khi tỉnh cơn say thì sự thể đã muộn màng rồi, mình đã gây ra điều tai hại trong lúc say sưa.

Vì say sưa nên dễ dàng làm chuyện quấy, vì say sưa nên thất thoát, vì say sưa nên không kiểm soát và kềm hãm được những thói tật xấu xa của mình. Sự say sưa được ví như cái chìa khóa mở toác cánh cửa phòng mà mình đã dung chứa biết bao nhiêu điều xấu xa trong đó. Cánh cửa phòng rộng mở, tất cả những khuất lấp được che đậy, được dấu kín từ bấy lâu nay, có dịp túa ra một cách danh chánh ngôn thuận, chúng đi ra để gây tại hại, đi ra để làm đau khổ cho người chung quanh và thậm chí cho chính bản thân mình. Rượu vào khiến người ta dễ dàng đánh mất lương tri, triệt hạ tư cách của mình, làm cho thiếu sự kềm hãm, đắn đo trong cử chỉ, trong hành động và tỏ lộ sự sỗ sàng trong lời nói.

Giới thứ năm: KHÔNG TÀ DÂM

Tà dâm dính chặt với việc uống rượu. Một người khi đã say sưa rồi thì khó lòng kềm chế được cái bản năng của mình, nói chi đến việc lọc lừa những tư tưởng, những hành động sái quấy. Họ ung dung, thoải mái và thẳng tay làm tất cả những gì mà bản năng mình réo gọi. Cái bản năng đó đã được khích động bởi cái gì? Chính là bởi những ly rượu, những chai rượu mà mình đã uống cạn.

Trong lúc đầu óc không còn một sự sáng suốt nữa thì việc làm quấy trá, gây tai hại cho kẻ khác sẽ rất...rất dễ dàng để có thể tạo nên. Vì vậy, tà dâm dính liền với rượu, mà rượu thì đi đôi với nói dối, việc nói dối không rời nửa bước việc trộm cắp và sát sanh.

Nói tóm lại, 5 cái Tánh Xấu này đi chung với nhau như bóng với hình, khó lòng rứt bỏ ra được. Cả 5 cái Tánh đều hỗ trợ cho nhau để tăng thêm sự lẫy lừng. Cho nên, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã thấy rằng: muốn tạo lại trật tự cho cái xã hội mà Ngài đang sống đó, muốn tạo dựng sự an lành để mọi người trong đó luôn cảm thấy yên ổn và được chở che, bắt buộc phải thanh lọc 5 cái Tánh Xấu này!

Kính bạch Sư Phụ,
Như vậy thì Tham - Sân - Si có liên quan chặt chẽ dây chuyền với 5 cái Tánh Xấu này như thế nào?

Tham - Sân - Si là 3 đặc tánh chung của tất cả các Tánh. Còn việc sát sanh, trộm cắp, nói láo, uống rượu, tà dâm là những Tánh Xấu bắt nguồn từ ở 3 cái đặc tánh chung này.

  • Sát sanh là 1 cái Tánh bắt nguồn từ chữ Sân
  • Trộm cắp là 1 cái Tánh bắt nguồn từ chữ Tham
  • Nói dối là 1 cái Tánh bắt nguồn từ chữ Si
  • Uống rượu là 1 cái Tánh bắt nguồn từ chữ Si
  • Tà dâm là 1 cái Tánh bắt nguồn từ chữ Tham và chữ Si

Mặc dầu đó là cái Tánh đồng loại của Tham - Sân - Si, nhưng 5 cái Tánh vừa kể trên cũng bao gồm Tham - Sân - Si, do đó nó dẫn dắt Chúng Sanh đi lần đến chỗ tự hủy diệt mình qua 5 cái Tánh Xấu đó.

Như Thầy đã nói ở trên, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật sống trong một thời đại vô cùng nhiễu nhương. Chúng Sanh nơi đó không được dạy dỗ và có một cuộc sống rất nghèo nàn, đói khổ. Đức Bổn Sư muốn dạy dỗ cho Chúng Sanh, nên đã đặt ra 5 Giới Luật để khuyên bảo Chúng Sanh phải khắc phục 5 cái Tánh xấu xa này. Có khắc phục được thì mới thăng tiến được, mới có thể bước từ nấc thang này sang qua nấc thang khác trong xã hội. 5 cái Tánh Xấu này là 5 cái Tánh căn bản mà Chúng Sanh ở trong bất cứ xã hội nào thuộc bất kỳ một Quốc Gia nào cũng đều phải đối diện với chúng. Những sự xáo trộn trong các tầng lớp Chúng Sanh trong xã hội, đều bắt nguồn từ ở 5 cái Tánh kể trên.

Diệt được 5 cái Tánh đó, Chúng Sanh sẽ cảm thấy an ổn hơn, dễ chịu hơn trong cuộc sống. Chúng Sanh sẽ cảm thấy mình lên cao chớ không xuống thấp, và cũng tỏ ra ít nhiều hãnh diện vì mình đã triệt tiêu được 5 cái Tánh Xấu đó.

Đã hơn 2500 năm nay, sự chỉ dạy của Đức Bổn Sư từ cái thuở ban đầu, vẫn luôn được Chúng Sanh của cõi Ta Bà ghi nhớ và tuân hành. Những bước chân hằn sâu của Ngài trên con đường mà Ngài đã họa vẽ ra cho Chúng Sanh, cho tới ngày hôm nay, Chúng Sanh vẫn tiếp tục giẫm lên những bước chân đó mà đi. Những ai muốn làm quen với Đạo Pháp, muốn bước vào việc tu tập, đều phải nên THỌ NGŨ GIỚI.

Thọ Ngũ Giới có nghĩa là gì? Có nghĩa là tôi bằng lòng nhận chịu sẽ không hành động theo 5 cách thức sau đây:

  1. Tôi hứa rằng: tôi không sát hại Người lẫn Sinh Vật để có thể mang đến 1 Nghiệp Sát.
  2. Tôi hứa rằng: tôi sẽ không trộm cắp để có thể tạo nên một cái Nghiệp là Tham Lam, lấy của Người và có thể gây nên điều sai trái vô cùng là phiền muộn.
  3. Tôi hứa rằng: tôi sẽ không gian dối, không nói láo để có thể biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn; để có thể gieo tai ương lụy phiền vì lời nói đi nói lại của tôi; để không gây ra một việc hiểu lầm mang đến sự khó khăn hay tạo nhiều phiền muộn do ở lời nói không đúng sự thật của tôi.
  4. Tôi hứa rằng: tôi sẽ không rượu chè be bét để có thể gây nên những điều đáng tiếc do ở việc tôi quá si mê khiến Trí Huệ lu mờ trong cơn say.
  5. Tôi hứa rằng: tôi sẽ không dâm dục để có thể tạo nên những điều sai trái cho kẻ khác.

Điều dâm dục được thể hiện qua việc:

  • Cướp tình yêu của kẻ khác
  • Cướp người yêu của kẻ khác
  • Có thể gây ra việc sát hại
  • Những hành động hiếp dâm, ấu dâm hay cưỡng bức kẻ khác

Tất cả những cái Tánh thuộc về Ngũ Giới đều dính chặt vào nhau, không rời xa nhau. Cái Tánh này sẽ là nguyên nhân gây tạo nên sự sai trái kia. Chẳng hạn như: Tánh trộm cắp hay Tánh sát sanh sẽ dẫn đến việc nói dối một cách rất dễ dàng và trôi chảy.

Ngũ Giới tuy chỉ bao gồm vỏn vẹn có 5 cái Tánh để tuân hành, nhưng Ngũ Giới có mặt trong tất cả những Giới Luật do Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đặt ra: Giới Luật cho Tỳ Kheo - Giới Luật cho người thọ Bồ Tát Giới.

Có thể nói rằng: Ngũ Giới là một cái khung vô cùng cứng chắc, làm nền tảng vững chãi cho cuộc sống của mọi Chúng Sanh hiện diện ở cõi Đời.

Ngũ Giới được triệt để tuân hành bởi những Người đến với Đạo Phật; Ngũ Giới cũng được khuyến khích hành sử qua những người không có Đạo, hay những người có một niềm tin tôn giáo khác. 5 cái Tánh được dùng làm Giới Luật cho Ngũ Giới chính là những Nguyên Tắc Căn Bản để giúp cho NGƯỜI đối xử với NGƯỜI trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hòa hợp lẫn nhau nhằm tạo dựng và cải thiện một đời sống tốt đẹp trong bất cứ xã hội nào của bất kỳ một Quốc Gia nào trên cõi Ta Bà.

Bất kỳ một Chúng Sanh nào muốn làm quen với Đạo, muốn bước chân vào đường tu tập, muốn chánh thức trở thành “con nhà Phật”, đều bắt buộc phải qua buổi Lễ Truyền Giới để được Vị Lãnh Đạo Tinh Thần giải thích một cách cặn kẽ 5 Giới Luật mà mình muốn được thọ lãnh. Sau mỗi lời giải thích, người thọ lãnh Ngũ Giới sẽ long trọng hứa trước tôn tượng của Chư Phật và Bồ Tát, nhất là trước hình tượng của Vị Cha Lành đã không quản ngại dắt dìu, chỉ bảo, dạy dỗ cho Chúng Sanh của cõi Ta Bà ròng rã suốt 49 năm. Hứa cái gì? Lời hứa sẽ là giữ cho thật tròn mỗi Giới Luật bằng cách triệt tiêu hẳn cái Tánh Xấu ghi trong Giới Luật đó.

Lời hứa đã được thốt ra, người thọ lãnh Ngũ Giới bắt buộc phải tôn trọng lời hứa đó của mình. Một sự lơ là, thiếu sự để tâm, chú ý, sẽ đưa đến việc PHẠM GIỚI rất là nhanh chóng.

Đừng vội cho rằng: nếu mình phạm giới thì chỉ có mỗi mình biết, chỉ có mỗi mình hay, nào ai quan tâm, nào ai ghé mắt mà theo dõi? Thêm vào đó, có nhiều Chúng Sanh đã nghĩ suy rất là đơn giản: đi đến chùa, người ta thọ, mình cũng thọ theo, mọi người đồng thọ hết cho vui, Ngũ Giới dễ quá mà, đâu có gì là khó khăn, rắc rối đâu!!

Thật sự ra, việc không giản dị đến như vậy. Nếu việc THỌ NGŨ GIỚI - GIỮ NGŨ GIỚI - HÀNH NGŨ GIỚI không đi chung với nhau mà tản mác ở mỗi hướng khác nhau thì có thể nói rằng việc Thọ Ngũ Giới đã hoàn toàn “ĂN TRỚT”, tức là không mang lại một kết quả nào cả, vì không có sự hòa hợp giữa người thọ lãnh với việc giữ và hành các Giới Luật này.

Điều quan trọng không nằm ở chỗ lời hứa trước Chư Phật và Bồ Tát, điểm then chốt chính là một sự BỘI TÍN BẢN THÂN MÌNH nếu mình phạm giới. Chư Phật và Bồ Tát giúp cho tôi vững niềm tin, xem như lời hứa của tôi đã được đóng dấu ấn, đã được chứng minh. Việc giữ sao cho không phạm giới và hành như thế nào để làm bung đi cái rào cản của những Giới Luật, nói nôm na là tự giùi mài 5 cái Tánh Xấu đó trên bản thân của mình để triệt tiêu hẳn sự hiện diện của nó, điều này mới thật sự là mục đích chánh yếu của việc THỌ NGŨ GIỚI.

Khi mình cất cao lời để long trọng hứa thì toàn bộ Tâm Thức, Mạc Na Thức của mình đã ghi trọn lời hứa đó. Một sự vi phạm vào bất cứ Giới Luật nào của Ngũ Giới, có nghĩa là mình tự triển khai cái Tánh Xấu mà mình đã từng long trọng hứa sẽ giùi mài để sửa đổi nó, tức khắc Ý nảy sinh, kẹp thêm sự ghi nhận của Ngũ Thức về tất cả những gì mình đã HÀNH khi phạm giới, Mạc Na Thức nhanh nhẹn làm công việc của cái máy chụp hình, ghi lại không thiếu sót những hình ảnh, những hành động phạm giới của mình. Bao nhiêu lần phạm giới là bấy nhiêu lần ghi nhận. Cho đến ngày Chúng Sanh đó nhắm mắt hắt hơi, nếu vẫn không có sự sửa đổi nào trong Tâm Thức, thì toàn bộ những hình ảnh phạm giới đó sẽ được lần lượt chuyển vào A Lại Da Thức theo thứ tự lớp lang.

Cứ mỗi lần phạm giới là xem như tự tay mình đã thắt chặt một vòng Nghiệp Lực, có điều rằng: vòng Nghiệp Lực này không cần phải mặt đối mặt với Chủ Nợ, Nghiệp Lực vẫn có thể được tạo ra do chính tay mình và cũng do chính tay mình thảy cái vòng Nghiệp Lực vào bất cứ người nào mỗi khi mình phạm giới.

Cho nên, phạm giới là một sự Bội Tín Bản Thân mình, là một hành vi gian dối nặng nề với Tâm Thức của mình. Nếu việc phạm giới cứ được lập đi lập lại nhiều lần, không từng được sửa đổi hay ăn năn sám hối, tất cả sẽ trở thành CỐ TẬT và cái Cố Tật đó sẽ nằm trong những Bài Học Nghiệp Lực mà Chúng Sanh đó phải gánh chịu trong một hay nhiều kiếp kế tiếp.

Chúng Sanh đừng vội nghĩ rằng: những điều ghi trong Ngũ Giới không có gì là quan trọng cả, tất cả chỉ là TỪ NGỮ mà thôi. Rất sai lầm! Không như vậy đâu!

Vì Chúng Sanh không nhận lấy một phản ứng ngược nên vẫn xem nó không quan trọng. Chính vì lẽ đó mà có đôi khi vừa mới thọ giới xong, xoay qua là đã có dối trá ngay. Chúng Sanh nghĩ rằng không có ai ghi ra những lời, những chữ đó của tôi đâu, do đó cứ nói cho xong việc. Vấn đề không đơn giản như thế đâu! Qua lời giải thích ở trên, cứ mỗi lần phạm giới thì chính tay mình đã thắt chặt một vòng Nghiệp Lực. Nhiều lần phạm giới thì sẽ có nhiều vòng Nghiệp Lực được thảy ra. Một mai sức mỏn hơi tàn, Thần Thức xa lìa cái thân xác im lìm bất động, mang cái túi A Lại Da Thức với nhiều cái Cố Tật do ở những lần phạm giới, lại còn thêm một số các viên đá nặng Nghiệp Lực khác nữa, liệu rằng Thần Thức đó (Vong Linh đó) sẽ cất bước, có được chăng?

Cái Cố Tật đã trở thành vướng mắc cộng thêm với những vướng mắc từ ở Nghiệp Lực khác nữa, sẽ khiến cho Vong Linh khó lòng siêu thoát. Tự bản chất của cái Cố Tật bao gồm những điều gian dối, lọc lừa, bội tín của Vong Linh khi còn sống; nếu Vong Linh được giúp cho siêu độ, người Chủ Lễ cần phải biết Vong Linh đã có từng được Thọ Giới hay không để mà nhắc nhở, khuyên nhủ Vong Linh ăn năn sám hối về những Cố Tật mà mình đã tạo nên qua những lần phạm giới.

Cho nên, khi còn sống, nếu đã có lần Thọ Ngũ Giới, Chúng Sanh cần phải soát lại để xem coi mình đã có từng phạm giới hay không?

Nếu thì phải nên ăn năn, sám hối, sửa đổi để cho tất cả được yên ổn, tốt đẹp; việc ra đi vào phút cuối được dễ dàng, nhẹ nhàng, không vướng mắc. Nếu lơ là với phần Tâm Linh của mình thì Thần Thức sẽ dễ bị vướng mắc vào những Cố Tật của mình, chắc chắn sẽ trở thành những Bài Học Nghiệp Lực vô cùng kiên cố ở kiếp Vị Lai.

Kính bạch Sư Phụ,

Tại sao Đức Bổn Sư chỉ chọn có 5 cái Giới này để buộc ràng Chúng Sanh vào việc ngưng tạo Nghiệp, trong khi còn biết bao nhiêu Tánh Xấu khác cũng dễ dàng dẫn dắt Chúng Sanh vào con đường tạo nên trùng trùng điệp điệp Nghiệp Chướng?

Như Thầy đã có đề cập ở trên, 5 Giới Luật này là 5 Giới Luật căn bản để tạo nên cái Tư Cách Làm Người của một Chúng Sanh, tạo nên Cách Đối Đãi giữa Người và Người, đồng thời cũng tạo nên Sự Tương Trợ giữa những Người cùng sống chung với nhau trên cõi Ta Bà này. Điều đó có nghĩa là sẽ không có sự phân biệt giữa màu da hay tiếng nói, đồng loại hay dị chủng. Tất cả cũng chỉ một chữ NGƯỜI mà thôi. Có giữ được 5 Giới căn bản này thì việc giùi mài, triệt tiêu những Tánh Xấu khác cũng sẽ dễ dàng như trở bàn tay, vì 5 Giới căn bản này có sự liên kết chặt chẽ với nhau, không rời rạc. Tuy rằng chúng được phân loại, nhưng gốc rễ cũng dính chùm nhau, chúng tuy là 5, nhưng cũng chỉ gồm lại có 1 mà thôi, vì tất cả 5 cái Tánh đó đều có chung một cội nguồn là Tham - Sân - Si.

Từ ở 5 cái Tánh căn bản này phát sinh ra vô số những Tánh Xấu khác. Do đó, diệt được 5 cái Tánh này thì tức khắc những cái Tánh Xấu vây quanh nó cũng sẽ dễ dàng đối phó.

Vấn đề chánh yếu là phải luôn luôn “Tự Kỷ Ám Thị” để kiểm soát thường xuyên cái Tam Độc Tham - Sân - Si vì Tam Độc biến hóa vô cùng cực, đôi lúc làm lòe mắt Người, khó lòng đối phó nhanh nhẹn, kịp thời.

Chúng Sanh ngày nay càng học cao hiểu rộng, càng có nhiều ý tưởng thì Sự Sát Hại lẫn nhau càng tinh vi hơn. Sự Sát Hại không còn bằng gươm đao nữa mà bằng những Kỹ Thuật, những cách thức rất cao, rất tân kỳ, khó tìm ra thủ phạm.

Người ta ĂN CẮP cũng rất là tinh vi, không cần phải thò tay để lấy món đồ khiến kẻ khác có thể chận tay của mình được. Kỹ Thuật càng ngày càng lên cao, chỉ cần một cái BẤM nhẹ thôi là có thể chuyển hết tất cả tài sản của kẻ khác vào trong trương mục của mình rồi!

Người ta ăn cắp không phải chỉ đồ vật, mà còn ăn cắp thì giờ nơi làm việc - ăn cắp sự đối tốt của kẻ khác đối với mình - ăn cắp một tình thương, một tình cảm chân thật của kẻ khác ban cho mình - ăn cắp những sự nâng niu, phụng sự của kẻ khác đối với mình - ăn cắp một ơn sâu nghĩa nặng - ăn cắp lòng tin cậy của kẻ khác đối với mình - ăn cắp bản quyền - ăn cắp Trí Tuệ - ăn cắp một công trình về phim ảnh và âm nhạc v.v…Tóm lại, chỉ một cái phủi tay là mình XÓA hết tất cả những gì mà kẻ khác đã làm cho mình.

Ngày nay người ta GIAN DỐI một cách rất có khoa học, không cần những lời cao xa, không cần những lời có tính cách hiện thực, mà người ta dùng hành động để gian dối nhau, do đó khó có thể truy tầm ra thủ phạm.

Đâu cần phải đợi SAY SƯA mới có những hành động quấy trá. Người ta vẫn tỉnh như thường nhưng vẫn thực hiện được những hành động quấy trá của một kẻ được cho là say sưa, không kiểm soát được thần trí của mình, hành động trong trạng thái mờ mờ ảo ảo. Người ta tạo ra cảm giác đó để đánh lừa mọi người chung quanh, tưởng đâu rằng mình không tỉnh trí, nhưng thật sự ra mình lại là kẻ tỉnh hơn thiên hạ lúc bấy giờ.

Cũng không cần phải tỏ cái hành động tà dâm mới gọi là TÀ DÂM. Người ta có thể tà dâm qua tư tưởng, qua lời nói, qua cử chỉ mà không cần phải có đối tượng mới có thể diễn tả được cái tà dâm của mình. Kỹ thuật càng lên cao, phương tiện càng nhiều, càng dễ dàng thỏa mãn cái Tánh Tà Dâm của mình.

Chúng Sanh phải hiểu rằng: dù dưới bất kỳ một hình thức nào, sự Phạm Giới được thể hiện một cách cụ thể hay không cụ thể, ẩn tàng hay lộ liễu, tất cả đều được xem là một sự GIAN DỐI vô cùng lớn lao đối với CHÍNH BẢN THÂN MÌNH.

Tất cả mọi hình thức Phạm Giới đều là do Ý nảy sinh, tác động vào TÂM, tạo nên một sự rung động theo chiều hướng xấu, đồng thời phối hợp với NGŨ THỨC để đưa toàn bộ cảnh tượng vào Mạc Na Thức dưới dạng của những vòng Nghiệp Lực do chính tay mình tạo nên cho chính bản thân mình.

Nếu không có một sự chân thành sửa đổi nào vào giờ phút lâm chung, thì các vòng Nghiệp Lực này sẽ trở thành CỐ TẬT, và được Mạc Na Thức chuyển vào A Lại Da Thức, để vĩnh viễn trở thành những Bài Học về Nghiệp Lực của một hay nhiều kiếp tới.

Tình thương vô cùng tha thiết của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đối với Chúng Sanh của cõi Ta Bà lên rất cao. Ngài đã tìm đủ mọi cách để lôi kéo Chúng Sanh thoát khỏi cái Biển Khổ mênh mông, Chúng Sanh ngập chìm trong Biển Khổ chỉ vì Chúng Sanh đã sở hữu quá nhiều Tánh Xấu. Chính những Tánh Xấu mới làm cho Chúng Sanh nặng nề, chìm lần….chìm lần trong Biển Khổ. Những Giới Luật mà Ngài đặt ra, bắt buộc đoàn Tăng Lữ phải tuân hành, chính là những cái phao để giúp cho họ nổi lên trên mặt nước, không còn chìm ngấm dưới lòng Biển Cả nữa.

Ngài bắt đầu với 5 Giới Luật Căn Bản để đào tạo, uốn nắn một Con Người với tất cả những đặc tánh căn bản của Con Người trong việc hành xử và đối đãi lẫn nhau.

Có khắc phục được 5 cái Tánh Căn Bản này, Chúng Sanh mới có thể tiến xa hơn trong việc tạo dựng một đời sống Tâm Linh vững chãi, từ đó mới có thể ổn định được một Cuộc Đời ít sóng gió, trong một xã hội có trật tự, có kỷ cương, ngăn nắp.

Ngoài 5 Giới Luật Căn Bản này, tùy theo người thọ giới muốn ràng buộc nhiều hay ít mà những Giới Luật sẽ có tính cách chi tiết hơn. Thọ Giới Tỳ Kheo cũng vẫn phải lấy Ngũ Giới làm đầu, sau đó thêm vào những chi tiết của hơn 200 Giới Luật khác nhằm tôi luyện để vị Tỳ Kheo mang được cái tính chất của một Vị Bồ Tát còn hiện thế.

Người thọ Bồ Tát Giới cũng vẫn phải giữ Ngũ Giới trước tiên và sau đó hành thêm những Giới Luật khác để giúp cho người đó có được một cái Tâm Bồ Tát.

Chúng Sanh ngày hôm nay (phần đông tu theo thị hiếu), và thường tự cho rằng “tôi đã thọ Ngũ Giới”, nhưng xoay đi ngoãnh lại thì mình không giữ được bất kỳ một Giới nào cả!

Phải nghĩ cho tận cùng, dù cho tôi không thọ Ngũ Giới, tôi vẫn bắt buộc phải giữ Ngũ Giới trong cuộc sống Làm Người. Nếu tôi không giữ những Nguyên Tắc Căn Bản đó, thì tôi sẽ không thể nào có được mối tương quan tốt đẹp mật thiết giữa Người và Người trên cõi Ta Bà. Nhất là ngày nay, kỹ thuật càng ngày càng lên cao, bắt buộc mỗi Chúng Sanh phải giữ cho thật kỹ lưỡng những Nguyên Tắc Căn Bản này để đừng làm hại nhau một cách vô tình!

Tu tập là phải sáng suốt để nhận ra rằng mình không nên làm cái này hoặc không nên làm cái kia. Đạo chỉ là con đường mà Đức Bổn Sư đã đi trên con đường đó. Vì cảm nhận được một niềm Sảng Khoái, An Nhiên khi đi trên con đường đó, nên Ngài đã rủ mọi người cùng đi chung. Đã nhận lời Ngài cùng đi trên con đường Đạo này rồi thì hãy cố gắng hoàn tất vì đó là con đường dẫn tới một sự An Bình đúng nghĩa, một niềm Cực Lạc vô biên.


+ 90