• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Chấp

Mar 02 2015
Flow - Joshua Zhang - 69320731 Flow - Joshua Zhang - 69320731 500px

Thế nào là Chấp? Chấp có nghĩa là ôm lấy, là cầm giữ, là nắm chặt. Một người ôm lấy, giữ lấy, nắm chặt lấy một vật gì, một lời gì, một hành động gì, một tư tưởng gì, thậm chí một tình cảm gì, sẽ khư khư không muốn rời ra, không muốn thả xuống và bất kỳ ai đụng chạm đến vật mà người đó ôm chặt, nắm chặt đều bị một phản ứng rất là mạnh bạo, đôi khi có thể đi đến những việc đáng tiếc.

  • Người chấp tánh là người giữ mãi cái tánh của mình không thay đổi, dù cho bất kỳ một lời khuyên nào cũng đều nhất quyết không thay đổi.
  • Người chấp ý là khi ý kiến của mình đưa ra, bắt buộc kẻ khác phải theo, dù cho một ý kiến khác hay hơn cũng vẫn không thể nào thay thế được.
  • Người chấp một tình cảm thì cái tình cảm đó phải là như vậy, không thể thay đổi. Nếu có sự thay đổi, người đó sẽ có thể nổi cơn điên.
  • Kẻ chấp lời là lời nói của người đó đưa ra, luôn luôn bắt buộc kẻ khác phải tuân hành, nếu không tuân hành sẽ có những việc không hay xảy tới.

Thầy lấy thí dụ sau đây:

Có hai người: người A và người B.

Người A mỗi khi thốt ra lời gì thường hay kèm theo sự cắt nghĩa rõ ràng, vạch trần phải trái, cân phân lợi hại. Lời của người A thốt ra cốt chỉ để làm lợi ích cho chúng sanh, đem lại điều tốt đẹp cho kẻ khác. Người đó không màng sự lợi lạc cho chính bản thân mình, chỉ mong góp phần vào việc giúp đỡ cho mọi người với kiến thức của mình. Nếu có người nghe theo và làm y theo thì rất tốt. Nhưng người B là người không muốn nghe theo và không muốn làm y theo. Người B cho rằng người A nói sai nhưng không thể bắt bẻ được và cũng không thể nào chứng minh cho mọi người thấy rằng lời nói của người A không đáng tin cậy. Người B hành động chỉ vì bướng bỉnh, không muốn nghe theo lời chỉ dẫn của người A và luôn cho rằng người A đã chấp lời của mình, lúc nào cũng tự cho rằng lời mình là đúng. Như vậy, người B có thật tâm phê phán người A hay không?

Nên biết rằng, khi mình khởi tâm làm một điều gì, nói một điều gì, suy nghĩ một điều gì, nếu điều đó không đem lại lợi ích cho kẻ khác, gây nhiều phiền não cho kẻ khác, làm cho tâm kẻ khác chao động, tóm lại không làm lợi ích cho bất kỳ một chúng sanh nào, thì lời đó, hay ý đó, hay hành động đó mới thật sự gọi là CHẤP nếu người đó khư khư giữ lấy và không chấp nhận một ý kiến tốt nào hết.

Ngược lại, nếu luôn luôn làm điều lợi ích cho chúng sanh, từng hành động, từng suy nghĩ, từng lời nói, từng cử chỉ đều cốt yếu làm lợi ích cho chúng sanh thì không thể gọi là CHẤP được.

Chấp có thiên hình vạn trạng; tùy hoàn cảnh, tùy cơ hội mà chấp từ tốt trở thành xấu, nhưng tất cả đều xuất phát từ ở Tâm và Ý. Cho nên bất kỳ một hành động nào, một lời nói nào, một cử chỉ nào, một tư tưởng nào, cũng đều có thể trở thành chấp hay không chấp. Đó là tùy vào cách hành sử của người chủ động.

Nếu tâm của người đó là một Tâm Lành thì điều mà người đó hành sử không gọi là chấp. Còn nếu người hành sử có tâm không tốt, việc hành sử của người đó sẽ gọi là chấp, vì người đó khư khư giữ lấy những điều không lợi ích cho chúng sanh.

Làm bất kỳ một điều gì, nghĩ suy một điều gì, lời mình thốt ra, tình cảm mình đưa ra, nếu không kèm với một tâm tốt, ý tốt, đều bị xem là chấp.

Thông thường, đối với chúng sanh, chữ chấp bàn bạc rất nhiều. Tại vì sao? Tại vì cái ngã của chúng sanh quá lớn. Chúng sanh tự thương mình rất nhiều, những gì của mình là phải của mình, là phải nắm giữ và phải ôm chặt. Chúng sanh thường không bao giờ chịu nghĩ đến kẻ khác, chịu chia sẻ những điều tốt đẹp của mình cho kẻ khác và nhất là tánh cao ngạo lên rất cao. Vì cao ngạo cho nên không bao giờ muốn phục tùng kẻ khác, không bao giờ muốn nghe lời kẻ khác, không bao giờ muốn chia sẻ với kẻ khác. Chúng sanh tự cho rằng cái gì của mình cũng đều hay, đều đẹp, đều tốt, đều đúng cả, còn của người khác đều không đúng, cho nên khư khư ôm chặt cái gì thuộc của mình, dù cho bất kỳ một lời khuyên bảo, một lời phê bình, một lời chỉ dạy cũng đều không nghe. Do đó để có thể vạch mặt, chỉ tên cái CHẤP, điều cần yếu là mình phải hiểu rằng mình làm đúng hay sai, mình đã suy nghĩ đúng hay sai? Đúng hay sai có nghĩa là có lợi ích cho người khác hay không? Nếu mình làm điều có lợi ích cho người khác thì mình có quyền trả lời rằng tôi làm đúng. Một khi tôi làm đúng thì tôi sẽ giữ con đường đúng đó để đi. Do đó hành động này không gọi là chấp. Còn nếu mình thấy rằng, việc mình làm không đem lại lợi lạc cho người khác, không chia sẻ được cho người khác, tức là điều mình làm đã sai. Nếu biết sai mà vẫn còn khư khư giữ lấy, thì đó là Chấp. Thông thường thì chúng sanh chấp ngã rất nhiều.

Thế nào là chấp ngã? Chấp ngã có nghĩa là những gì mình làm, những gì mình nghĩ, những gì mình ban phát ra đều đúng, không bao giờ sai. Chấp ngã là đầu mối tạo ra rất nhiều … rất nhiều nghiệp chướng. Vì sao? Vì sẽ tạo ra nhiều kẻ thù, mà tạo ra nhiều kẻ thù là tạo ra nhiều nghiệp chướng. Do đó, chấp ngã là điều vô cùng quan trọng, gần như đa số chúng sanh đều chấp ngã!

Phần lớn những điều không hay xảy tới cho chúng sanh đều là do chữ Chấp. Cho nên phải thận trọng rất nhiều trong từng suy tư, trong từng lời nói, trong từng cử chỉ, trong từng hành động, trong từng tình cảm mình đưa ra, phải xem coi tất cả có mang lại lợi lạc cho kẻ khác hay không. Do đó, nếu muốn giữ lấy những gì mình đã hành sử, phải tự đặt câu hỏi rằng: “Nếu tôi giữ những cái đó, nó có thực sự đem lại lợi lạc cho người khác hay không? Có làm lợi ích cho người khác hay không?” Nếu câu trả lời là có thì tôi cứ mạnh dạn giữ lấy những gì tôi hành sử, vì đó không phải là Chấp. Còn nếu tôi không đem lại lợi lạc cho kẻ khác mà tôi vẫn khư khư giữ lấy, đó sẽ gọi là Chấp.

Người Cố Chấp còn nặng nề hơn người Chấp nữa.

Đối với người Cố Chấp, việc sửa đổi là một điều không tưởng, khó lòng thực hiện được.

Người Cố Chấp gần như không bao giờ giờ hủy bỏ tư tưởng mình, những gì mà người đó đã nghĩ, đã tưởng, đã cho là như vậy rồi thì sẽ phải là như vậy, không có sự sửa đổi.

Trên phương diện giao tế, người Cố Chấp không mang lại lợi lạc cho ai cả vì thiếu sự cảm thông.

Về phương diện tu tập, tánh Cố Chấp được xem là một con dao khá dài, đâm thủng vào người của mình và xoáy cho nát ngũ tạng của mình.

Nói về sự thăng hoa, tánh Cố Chấp là một sự ngăn cản rất nặng nề cho việc tiến bước của mình.

Người trong cửa Đạo hay ngoài cửa Đạo mà Cố Chấp, sẽ không thể nào thành công được, dù chỉ là một thành công nhỏ. Người ấy đã phạm vào điều căn bản của việc tu tập, phạm vào điều căn bản của việc thăng hoa.

Người Cố Chấp luôn luôn để lên vai của mình một gánh nặng rất lớn, không bao giờ có thể bỏ xuống được.

Người tu tập chân chính tuyệt đối không bao giờ Cố Chấp; phải biết lắng nghe, phải biết cảm thông và phải suy tư.

Suy tư để hiểu rằng mình đã có nghĩ quấy cho người khác hay không?

Phải lắng nghe để thẩm định lời nói của người khác, đó là một lời nói đúng hay là một lời nói sai? Nếu đó là một lời nói sai thì liệu rằng mình có thể nào giúp đỡ, hướng dẫn cho người đó sửa đổi sự sai lầm để đi đến điều tốt đẹp hay không?

Nếu trong trường hợp người đó có tánh Cố Chấp, khư khư giữ lấy ý của mình thì phải tức khắc tránh xa để ngăn chận điều sân hận có thể xảy ra, gây tạo nghiệp lực.

Người Cố Chấp rất khó hòa hợp với bất cứ ai và tự mình đào hố sâu vực thẳm cho mình; với một gánh nặng trên vai, họ không thể nào cất bước đi đâu lâu dài được.

Kính bạch Sư Phụ,
Chấp hay Cố Chấp vẫn là tánh xấu, nếu không muốn nói là rất tai hại cho việc tu tập, cho sự thăng hoa. Làm cách nào để diệt trừ tánh xấu này?

Người có tánh Chấp, việc sửa đổi vẫn còn tương đối dễ dàng, chỉ cần người đó tập Thản Nhiên, đừng để tất cả những gì từ bên ngoài ảnh hưởng đến mình.

Sự Thản Nhiên sẽ đưa lần đến việc không Thụ Đắc, đó là tính chất cốt yếu của việc giữ Tâm Bình.

Nếu chấp vì do một sự hiểu lầm hoặc vì do một sự sơ ý hay chấp vì do không biết, không tường tận một sự việc gì, việc hủy bỏ cái “Tánh Chấp” cũng không khó khăn nếu được hành sử với tất cả Thiện Ý và với một Tâm Thành.

Người có tánh Cố Chấp, việc sửa đổi hay hủy diệt cái tánh này không phải là việc làm dễ dàng và nhanh chóng.

Tuy nhiên, nếu thật tâm muốn sửa đổi, người này cần phải biết lắng nghe, phải biết suy tư và nhất là phải biết buông xả, không buông xả thì nhất định không thể nào sửa được Tánh Cố Chấp.

Ngoài ra, tuyệt đối không bao giờ nghĩ quấy cho kẻ khác, vì một khi đã nghĩ quấy rồi, người Cố Chấp sẽ khư khư giữ lấy tư tưởng đó, không thể nào xóa bỏ được. Do đó sự buông xả là một điều… tối ư cần thiết mà người Cố Chấp bắt buộc phải chu toàn, nếu muốn cải sửa tánh của mình.

Kính Bạch Sư Phụ,
Người Cố Chấp thì Tâm Không Bình, do đó việc trước tiên là bắt buộc phải giữ Tâm Bình, thưa có đúng như vậy không?

Nên nhớ kỹ rằng: người Cố Chấp là người tự đào lỗ để chôn mình, không thể nào tiến lên được vì cái gánh nặng trên vai mình lúc nào cũng trĩu nặng, không buông xuống được.

Sống phải cho vui tươi, phải cho thảnh thơi, phải cho thư thả.

Phải sống làm sao mà cái sống của mình là cái sống của người, như vậy mới tạo được sự An Bình.

Cái sống của mình là cái sống của người, có nghĩa là: mình muốn cho mình vui thì phải làm cho người vui; nếu người không vui tức là mình đã đem lại sự buồn phiền cho kẻ khác.

Mình muốn được yên ổn thì đừng nên đem sự khó khăn đến cho kẻ khác.

Kẻ khác không vui, liệu rằng mình có vui được hay không?

Mình phải đem sự yên ổn đến cho kẻ khác thì mình mới không bị vướng mắc bởi những khó khăn mà mình đã tạo cho kẻ khác.

Sự thụ đắc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ Tâm Bình.

Một người nói với tôi những lời không đẹp, vô cùng khiếm nhã, nếu tôi không chấp những lời nói đó, có nghĩa là tôi không thụ đắc lời nói đó, xem như người đó nói vào khoảng không, tôi sẽ không cảm thấy bực dọc, tức tối, tự ái bị va chạm, Tâm tôi được An Bình!

Có thụ đắc mới có Khổ Sở
Có thụ đắc mới xảy ra Sân Hận
Có thụ đắc mới cảm thấy niềm Đau Khổ.

Càng thụ đắc càng bị vướng mắc, càng đâm ra bực bội, tức tối, mở ngõ cho nghiệp lực ùa tới.

Người tu tập chân chính không bao giờ nên thụ đắc bất kỳ một sự vật hay sự việc gì cả. Niềm vui tới thì biết đó là niềm vui, nếu phải chia sẻ lại niềm vui, sau khi chia sẻ xong rồi thì chấm dứt, không trì kéo, không luyến tiếc. Nếu là sự buồn đau thì sau khi chia sẻ sự đau buồn cũng sẽ không bận bịu, không vương vấn. Như vậy mới giữ được Tâm Bình. Nếu lúc nào cũng bị quấn chặt bởi lục dục thất tình, đường tu tập sẽ bị đình trệ rất nhiều, không tiến được.

Càng tu tập càng hiểu rõ một cách sâu sắc tầm quan trọng của sự Thản Nhiên và sự Thụ Đắc.

Không Thụ Đắc tức là Buông Xả, không trì níu, không chấp chặt, không cất giữ và nhất là không tích lũy để trở thành một gánh nặng trĩu trên vai.


+ 125