• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Hộ Niệm Vấn Đáp

Apr 21 2016
407895259 407895259

Kính bạch Sư Phụ,
Khi thần thức xuất ra khỏi thân tứ đại, trong lúc còn đang phân vân không biết đi về đâu, người hộ niệm có thể nào dùng câu thần chú, kèm với hào quang tỏa ra từ đạo lực của mình, để dẫn dắt thần thức khỏi rơi vào con đường tối hay không? Giả sử: nếu theo nghiệp lực của người này thì họ phải trở lại kiếp
Người, song, nhờ lực của người hộ niệm, họ được về cõi Trời. Làm sao biết được nghiệp lực thác sanh của một thần thức để hộ niệm đưa đi cho đúng?

Một người lúc còn tại thế đã bỏ nhiều công sức trong vấn đề tu tập một cách chân chính, khi thần thức thoát ra khỏi thân xác, thần thức đó sẽ rất ung dung tự tại, muốn đi về cõi nào thì tức khắc sẽ được như ý.

Đối với một người không biết tu tập, khi thần thức thoát ra khỏi thân xác rồi thì rất sợ ánh sáng, phải nói là rất … rất sợ! Ánh sáng của Cực Lạc rất là chói chang, ánh sáng của cõi Trời cũng chói chang, ánh sáng của cõi Người cũng sáng nhưng không chói chang, Tam Đồ, nếu nói rằng không có ánh sáng thì không đúng, nhưng cái ánh sáng đó rất là mờ ảo. Tuy vậy, nó có một sức hút mãnh liệt để thu hút thần thức đi vào ánh sáng đó, vì vậy mà thần thức thích đi theo ánh sáng của Tam Đồ. Hộ niệm cho một người là phải tuyệt đối tránh ánh sáng của tam đồ.

Ý Nghĩa Của Hộ Niệm:

Hộ niệm là giúp cho thần thức biết chọn lựa con đường để đi. Việc hộ niệm có hai phần rõ rệt: hộ niệm lúc hấp hối và hộ niệm (siêu độ) trong 49 ngày.

Hộ niệm lúc hấp hối:

Một người đang hấp hối thường bị lôi kéo bởi nghiệp lực rất là nhiều. Nếu nghiệp lực lôi kéo thần thức vào con đường Tam Đồ với đầy đủ những dấu hiệu của Tam Đồ, khi đó, người Hộ Niệm đúng nghĩa sẽ dùng thần lực của mình tức là Hào Quang cùng với Tâm Lực để hướng dẫn thần thức ra khỏi Tam Đồ và di chuyển về cõi Người.

Nên nhớ rằng: những dấu hiệu trên thân thể chỉ mới là những dấu hiệu chớ chưa phải thực sự là thần thức đó đi vào Tam Đồ. Tuy nhiên, nếu thần thức không được hộ niệm khi hấp hối và sau đó cũng không được siêu độ hay siêu độ không đúng cách trong suốt 49 ngày, thần thức sẽ theo nghiệp Tam Đồ mà đi sau 49 ngày.

Đối với một người khi còn sống, biết tu tập chút ít, Thầy nói: không nhiều, chỉ chút đỉnh thôi, người Hộ Niệm sẽ dùng Tâm Lực của mình cộng với ánh hào quang phát ra qua công năng tu tập của mình để hướng dẫn Thần Thức tránh đi vào con đường Tam Đồ.

Như vậy, Thần Thức sẽ còn lại 3 con đường để lựa chọn trong thời gian 49 ngày siêu độ: Cực Lạc – Trời và Người.

Ghi nhớ: một người hộ niệm đúng nghĩa có thể chuyển hướng đi của Thần Thức (lúc hấp hối) từ Tam Đồ đi vào cõi Người, khó có thể nào từ Tam Đồ mà về cõi Phật, cõi Trời được. Tối đa chỉ là chuyển con đường đến cõi Người mà thôi. Rồi sau đó, trong thời gian 49 ngày, người chủ lễ khéo léo dẫn dắt Thần Thức, khiến cho Thần Thức thực sự rung động về một cõi mà Thần Thức muốn đi, lúc đó mới có thể chuyển hóa được con đường thác sanh.

Siêu độ trong 49 ngày:

Đã được giảng giải rất kỹ càng qua quyển sách: 49 Ngày Siêu Độ Cho Thân Nhân: Nghi Thức Và Giảng Giải.

 

Dấu hiệu dù như thế nào đi chăng nữa thì thần thức vẫn phải trải qua bốn mươi chín ngày siêu độ. Ngoại trừ người đó vãng sanh ngay phút lâm chung, có nghĩa là chưa hề bao giờ ghé qua cõi Âm, còn bất kỳ vong linh nào đã đặt chân đến cõi Âm rồi thì đều phải qua thời gian 49 ngày siêu độ để có dịp hoán chuyển cảnh giới thác sanh.

Đúng vậy! Vì thời gian bốn mươi chín ngày là thời gian đặc ân. Trong thời gian này, sự chăm sóc kỹ càng của người chủ lễ đúng nghĩa sẽ giúp cho thần thức rung động chân thật để đi về đúng cõi mà thần thức đó muốn.

Có phải là khi đã biết dấu hiệu thần thức sẽ đi về đâu rồi thì sẽ dễ dàng hơn trong việc hộ niệm giúp cho thần thức chuyển hướng thác sanh?

Thầy đơn cử một thí dụ cho dễ hiểu: một người vừa mới mất, trên thân thể họ có dấu hiệu rằng thần thức của họ sẽ bị đọa vào Tam Đồ. Người hộ niệm có thể giúp đỡ bằng cách hướng dẫn thần thức của họ đi về cõi Người.

A Lại Da Thức sẽ căn cứ vào nghiệp lực nặng nề nhất của Thần Thức mà dẫn Thần Thức đi thác sanh.

Trên thân thể của người vừa mới mất, nếu hơi ấm cuối cùng tụ vào Tam Đồ (tức là hoặc ở BỤNG hoặc ở ĐẦU GỐI, hoặc ở BÀN CHÂN, điều đó có nghĩa là A Lại Da Thức sẽ dẫn Thần Thức thác sanh hoặc trong cảnh giới Ngạ Quỷ, hay trong cảnh giới Súc Sanh, hoặc trong cảnh giới Địa Ngục), người hộ niệm khi đó sẽ dùng cái hào quang phát sáng của mình qua công năng tu tập, cộng với cái Tâm Lực thật mạnh mẽ mà chuyển cái hơi ấm cuối cùng từ Tam Đồ tiến lần lên đến vùng Ngực tượng trưng cho cảnh giới thác sanh của Người.

Giả sử hơi ấm cuối cùng tụ vào Đầu Gối, tượng trưng cho cảnh giới Súc Sanh. Người hộ niệm 2 tay bắt ấn Kiết Tường để sát vào nhau, 2 ngón út chạm vào nhau, đặt 2 tay bắt ấn ngay chỗ Đầu Gối, cao khoảng 3cm, dùng hết Tâm Lực trì LỤC TỰ ĐẠI MINH CHƠN NGÔN (OṂ MAṆI PADME HŪṂ). Miệng trì chú, Tâm Thức quán hơi ấm, 2 tay bắt ấn chuyển hơi ấm từ Đầu Gối lên đến Ngực, đi một đường thẳng, chậm rãi, không ngắt đoạn.

Làm liên tục cho đến khi sờ vào ngực thấy ấm thì ngưng lại. Đôi khi phải làm rất lâu mới có kết quả, do đó phải chuẩn bị người Hộ Niệm thứ 2 để thay thế, tiếp sức.

Nếu người quá cố tạo một nghiệp chướng quá sức nặng nề khi còn sống, khó hoán chuyển từ cảnh giới Tam Đồ sang cảnh giới Người, thân nhân nên giúp Thần Thức sám hối, sau đó niệm Phật thật nhiều, trong lúc người Hộ Niệm làm công việc chuyển hơi ấm từ Đầu Gối lên đến Ngực.

Khi hơi ấm cuối cùng di chuyển đến vùng Ngực rồi thì ngưng hộ niệm. Thân nhân có thể thu xếp việc ma chay. Sau đó, người chủ lễ bắt đầu việc siêu độ liên tục trong 49 ngày (ngày mất được kể là ngày thứ nhất).

Trong suốt thời gian này, người chủ lễ đúng nghĩa sẽ giải thích, phân tích để giúp cho vong linh buông xả những vướng mắc; sau đó thì hướng dẫn cho vong linh tu tập, biết sám hối, ăn năn những việc làm tác tệ của mình, những nghiệp chướng nặng nề mà vong linh đã gây tạo nên. Người chủ lễ càng biết rõ chi tiết của những việc làm không tốt đẹp của vong linh khi còn sống, sẽ càng giúp cho việc siêu độ dễ dàng hơn. Từng điểm một, người chủ lễ sẽ vạch ra cho vong linh nhận thức được những sai lầm của mình, vong linh thật sự ăn năn sám hối.

Do đó, thân nhân người quá cố phải làm việc tích cực, cung cấp đầy đủ chi tiết về những hành vi xấu xa, lợi hại đã khiến cho người quá cố gây tạo quá nhiều oan trái; người chủ lễ có được đầy đủ những dữ kiện về người quá cố, sẽ dễ dàng khuyên bảo vong linh hơn.

Sau đó, giúp cho vong linh có cơ hội để nghe Pháp, để hiểu Pháp và từ đó Tâm của vong linh rung động thật sự chân thành. Vong linh dốc lòng tu tập sẽ hoán chuyển được cảnh giới thác sanh của mình.

Vong linh tha thiết niệm Phật, Tâm rung động theo ý muốn về Cực Lạc, sau 49 ngày, vong linh sẽ được Thánh Chúng đến rước.

Nếu vong linh chỉ muốn được về Cõi Trời để hưởng Phước Thù Thắng, Tâm của vong linh sẽ rung động theo ý muốn về Cõi Trời, khi đó Thiên Chúng sẽ đến rước.

Nếu vong linh nhất dạ về lại cõi Người, Tâm sẽ rung động theo chiều hướng của cõi Người; sau 49 ngày, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ tiếp dẫn vong linh thác sanh về cõi Người.

Theo con nhận xét, cái điểm chánh yếu nơi đây là người chủ lễ phải khéo léo giảng Pháp, khuyên lơn trong suốt 49 ngày để thần thức sớm tỏ ngộ chơn tâm của mình hầu đạt tới một kết quả tốt đẹp là chọn được cho mình một cảnh giới để thác sanh.

Con nên nhớ một điều rằng: sự rung động của thần thức là một sự rung động đúng nghĩa, chân thật, không che đậy. Thần thức không còn có thể suy nghĩ như khi còn thân xác, sự rung động theo một chiều hướng mà thần thức muốn, sẽ phát sanh ra những dấu hiệu tương hợp có thể tạo nên một băng tần liên lạc với cõi Cực Lạc hay cõi Trời hoặc cõi Người.

Như thế thì chính cái thần thức đó mới kêu gọi được sự tiếp dẫn của Thánh Chúng hay của Thiên Chúng hoặc của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát?

Đúng vậy! Đúng vậy! Người hộ niệm không có khả năng làm chuyện đó! Chỉ có thần thức, với sự rung động đúng nghĩa, mới có thể tạo nên được một sự giao cảm với cõi Cực Lạc, hay cõi Trời, hoặc cõi Người mà thôi.

Một chúng sanh khi còn sống biết chăm lo tu tập, tức là biết chăm chút cái phần hồn của mình, năng lau chùi cái Kiếng Tâm của mình để cho nó luôn ngời sáng, lúc nào cũng làm cho Trí Huệ của mình phát sáng, ngay khi Thần Thức vừa thoát ra khỏi thân tứ đại, Thần Thức đã biết rõ mình sẽ đi về đâu?

Lời phát nguyện vãng sanh được lặp đi lặp lại hằng ngày mỗi khi tu tập là một cách huấn luyện tinh tế, giúp cho Thần Thức phải ghi nhớ con đường mình sẽ đi.

Sự hoán chuyển Tâm – Ý –Tánh của người chân chính tu tập, giúp cho ngọn đèn Trí Huệ luôn phát sáng. Thần Thức đã được trang bị bằng ngọn đèn rực sáng đó rồi thì không thể nào lạc lối được.

Do đó, nếu người tu tập chân chính đã phát nguyện vãng sanh về cõi Cực Lạc hay về cõi Trời thì xem như Thần Thức đã khắc ghi điều đó.

Thầy đã từng giảng rằng: một người vào phút lâm chung, ra đi với nụ cười an nhiên tự tại, điều đó có nghĩa rằng họ đã chọn được con đường mà họ ước mong và họ ung dung trên con đường đó. Ngoại trừ trường hợp này, còn thì bất cứ vong linh nào cũng phải trải qua thời gian 49 ngày siêu độ mới biết chắc rằng vong linh được thác sanh về đâu? Thưa có đúng như vậy không?

Đúng vậy! Một sự vãng sanh về cõi Phật hay cõi Trời ngay phút lâm chung mới được chư Phật và Bồ Tát cùng Thánh Chúng tiếp dẫn về Cực Lạc, cũng như sẽ được Tứ Thiên Vương đến rước về cõi Trời.

Sau bốn mươi chín ngày có cách nào để giúp cho người chủ lễ biết rằng thần thức đó đã rung động, đã giao cảm được với cõi nào rồi?

Chỉ trừ khi người chủ lễ có một công năng tu tập siêu việt thì mới có thể biết được điều đó. Tuy nhiên, người chủ lễ vẫn cảm giác được! Trong vấn đề hộ niệm, như Thầy đã có từng nói qua, vai trò của người chủ lễ vô cùng quan trọng.

Nếu người này đem tấc dạ chân thành, đem hết Tâm Lực của mình để giúp Thần Thức tu tập, hoán chuyển Tâm – Ý – Tánh, Thần Thức có thể rung động rất sớm, không phải đợi đến 49 ngày đâu. Tuy nhiên, Thần Thức cũng vẫn phải đợi đến ngày thứ 49 mới được tiếp đón về cõi mình mong muốn.

Có điều rằng, sau sự rung động, nếu Thần Thức muốn về cõi Trời thì suốt thời gian chờ đợi, Thần Thức sẽ có cảm giác phơi phới, vui tươi của một Thiên Chúng.

Nếu Thần Thức rung động theo hướng về cõi Phật thì trong thời gian chờ đợi, Thần Thức vẫn tha thiết niệm Phật, Thần Thức sẽ mang một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản, không còn nặng trĩu phiền não, Thần Thức được sống trong “hương vị” của Cực Lạc dù rằng chưa về tới Cực Lạc.

Tất cả mọi việc xảy ra trên đời này đều do nghiệp lực chiêu cảm. Mục đích của người hộ niệm là muốn giúp cho thần thức tìm đúng đường thác sanh để đi. Như vậy, có phương cách nào để giúp cho người hộ niệm bảo vệ thần thức được an toàn ngay khi xuất ra khỏi thân xác hay không? Ý con muốn nói là thần thức có thể bị bắt hồn hay phải hứng chịu những việc gì đó xảy ra, có thể làm tổn đến thần thức đó?

Nếu thần thức đó vướng vào cái việc bị người ta bắt hồn thì đó là nghiệp lực của người đó. Tuy nhiên, nếu người đó có một công năng tu tập, họ sẽ được cứu. Cực Lạc che chở cho người thật sự ăn năn hối lỗi và cho người thật sự thành tâm tu tập để có thể thoát khỏi nghiệp lực quá nặng này. Do đó, nếu người có công năng tu tập mà không may có một nghiệp lực quá nặng nề thì, nếu với tất cả với sự thành tâm thành ý nguyện cầu, vẫn có thể được cứu giúp ở phút lâm chung bằng cách này hay bằng cách khác.

Nhiều người xem thường việc tu tập, chỉ nghĩ đơn thuần rằng: mở một cuốn Kinh, đọc một vài trang, niệm vài tiếng, vài câu niệm Phật, như vậy là đã hoàn tất một buổi tu! Thật sự ra mọi việc không giản dị như vậy, việc tu tập đi kèm với rất là nhiều việc khác, không phải chỉ thuần có đọc vài trang kinh sách và niệm một vài danh hiệu Phật là làm xong việc tu tập. Cái chánh yếu của việc tu tập là phải giữ sao cho đừng tạo cái vòng tròn nghiệp lực, và phải làm sao để cắt cho được cái vòng sanh tử.

Muốn đừng tạo nên cái vòng tròn nghiệp lực, cần phải:

  • Giùi mài, giùi mài không ngừng nghỉ tâm tánh của mình.
  • Phải giữ cho tâm không vọng động
  • Phải điều khiển được ý của mình để đừng bước vào những điều không tốt đẹp.

Tất cả mọi thứ đó cần có một sự cố gắng liên tục không ngừng nghỉ chớ không phải chỉ một giờ một khắc là đủ.

Muốn được về Cực Lạc là phải luôn luôn giữ cho Tâm chánh niệm để không chao động và con đường ra đi của mình phải đúng là con đường của Cực Lạc, không thể bước qua con đường khác, vì tất cả những con đường khác chỉ xê xích nhau chút ít mà thôi, cho nên rất dễ bị lạc lối. Nếu giữ tâm không chánh niệm thì khó có thể thẳng tắp về Cực Lạc được ngay phút lâm chung, vì vậy, bị bắt giữ hồn cũng là nằm trong vấn đề nghiệp lực mà thôi. Khi còn sống nó không bắt được thì đến khi chết nó cũng sẽ làm!

Có những người tiến gần đến giây phút lâm chung họ thường thấy vong ma, quỷ, chó hoặc những loài thú hay những hình ảnh tạp nhạp không rõ ràng. Điều này nói lên cái gì?

Tất cả đều là oan gia của người đó! Họ đến để sẵn sàng đòi nợ ngay khi thần thức thoát ra. Họ không có dịp để gặp gỡ nhau trên dương thế nữa thì họ gặp nhau ở cõi âm.

Trong trường hợp người đó bị đòi nợ, chuyện gì sẽ xảy ra khi thần thức thoát ra khỏi thân xác?

Vong linh sẽ không còn có dịp để chọn cho mình một con đường đúng nghĩa nữa.

Tức là họ sẽ bị những oan gia lôi họ đi vào trong những nẻo Tam Đồ để khổ chung với nhau?

Đúng vậy! Cho nên khi còn hơi thở, người khôn ngoan phải nghĩ đến việc tạo cho mình một con đường đi cho đúng, cho tốt đẹp ở phút lâm chung. Thời gian ở Cõi Ta Bà rất ngắn, không kéo dài lâu, thoắt một cái là đã tóc bạc, da mồi, khi đó khó lòng có thể tu tập hầu hiểu rõ những cách thức tự lo cho mình, tự bảo vệ mình và tự chọn cho mình một con đường đúng nghĩa. Đừng để quá muộn màng, lúc đó lại trở nên sân hận vì thấy rằng kêu khan cả cổ mà Phật và Bồ Tát không đến cứu. Thật ra Phật và Bồ Tát cũng muốn đến lắm, nhưng nghiệp lực nặng nề của người đó đã ngăn trở sự tiến tới của các Đấng Từ Bi. Đừng tưởng rằng Phật và Bồ Tát có thần thông muốn đến đâu là đến, muốn làm gì thì làm tự ý. Không đúng như vậy. Phật và Bồ Tát bình đẳng với tất cả chúng sanh, những chúng sanh nào đáng được thưởng thì mạnh dạn để thưởng, những chúng sanh nào làm quá nhiều điều sằng bậy thì không thể nào vì một tiếng kêu thương đau của người đó mà Phật và Bồ Tát bất chấp tất cả những nghiệp chướng nặng nề của người này để đến cứu họ.

Người tu tập chân chính hoặc người phước đức gặp nạn tai sẽ được sự tiếp cứu của chư Phật và Bồ Tát trong nháy mắt. Ngoài ra thì tất cả đều bị ngăn chận bởi nghiệp lực của chúng sanh. Vì chúng sanh đã không cảm thấy chùng tay khi mình tạo ra ác nghiệp, thì ngày giờ này, nếu có phải nếm mùi thương đau cũng phải chịu mà thôi! Phật và Bồ Tát đều bình đẳng với tất cả mọi chúng sanh. Không có ai cao, không có ai thấp, không có kẻ sang, không có người hèn, không có người trên, cũng không có người dưới. Dù là một vị vua chọc trời khuấy nước cũng vẫn được xem ngang hàng với người hạ tiện. Trong vấn đề nghiệp lực của mỗi người, một vị vua ở trên ngôi cao chín bệ mà tạo quá nhiều nghiệp chướng nặng nề, gây nên không biết bao nhiêu oan trái, nếu đem so với người hạ tiện lúc nào cũng giữ một mực nghiêm chỉnh tốt lành, tâm tư không sai trái thì Phật và Bồ Tát vẫn phải đưa tay cứu người hạ tiện chớ không thể cứu vị vua này được.

Ngoài ra còn phải kể đến Tâm Chúng Sanh! Do ở Tâm Chúng Sanh mà nghiệp chướng được gây tạo ra, rồi cũng do Tâm Chúng Sanh mà có sự van xin cầu khẩn Chư Phật và Bồ Tát ra tay cứu độ khi bị nghiệp chướng hoành hành.

Phật và Bồ Tát tuy rằng thần thông quảng đại, cũng vẫn phải nương vào Tâm Ý của chúng sanh mới hành động được. Các Ngài không thể tùy tiện làm bất cứ điều gì ngược lại với ý muốn của chúng sanh.

Một người không muốn vãng sanh về Cực Lạc thì Phật và Bồ Tát cũng không thể nào ép buộc họ phải đi.

Một chúng sanh thật sự chân chính tu hành thì Ma Vương cũng không thể nào cưỡng ép, bắt họ trở thành ma chúng được.

Do Tâm chúng sanh tự mở đường, mở lối cho mình đi, tự mời gọi nghiệp chướng thì cũng đừng nên than Trời, trách Phật sao không ứng phó kịp thời để cứu giúp chúng sanh.

Nói đến Ma Vương, chúng sanh của cõi Ta Bà có rất nhiều ác cảm với vị Bồ Tát này. Đây là một vị Bồ Tát chớ không phải một bóng ma đâu! Vị Bồ Tát này hiện thân làm Ma Vương để đối với những kẻ không xem trời đất ra gì, không xem Phật Trời ra gì, không xem tất cả các Đấng Từ Bi ra gì, khi đó vị này sẽ đến để hành động. Còn đối với những kẻ thật tâm tu tập, vị này sẽ luôn luôn hổ trợ, giúp đỡ để có thể thành đạt đạo quả. Cho nên, đây là một vị Bồ Tát hiện thân chớ không phải là một bóng ma. Sở dĩ Thầy phải nói rõ điều này là vì có rất nhiều người mang một ác cảm rất lớn đối với Ma Vương, họ đã xem Ma Vương như là một kẻ đáng ghê sợ. Vị này quả thật ghê sợ, nhưng đó là đối với những kẻ không thật tâm tu tập, những kẻ lợi dụng đạo pháp để làm chuyện sai trái ở chốn chùa chiền, những kẻ lợi dụng danh nghĩa của Phật và Bồ Tát để hiếp đáp người cô thế, khi đó Ma vương sẽ hành sử vai trò Ma Vương của mình. Còn đối với những người thật sự chân chính tu tập, Ma Vương vẫn âm thầm giúp đỡ để cho người đó đạt thành đạo quả.

Người ta thường hay nói: “ma bất khảo bất thành đại đạo”. Có phải từ ngữ “ma khảo” diễn tả cái ma tâm ma tánh của mình chớ đâu phải là một động lực từ bên ngoài?

Trong vấn đề tu tập, tất cả đều là thu vào ở bên trong, không có cái gì từ bên ngoài tác động cả, vì tu là sửa đổi lại, là hoán chuyển lại tâm thức của mình. Tâm thức đó trước dở thành tốt, trước hẹp hòi thành rộng lượng, trước bủn xỉn thành rộng rãi, trước tham lam trở thành ra từ bi hỷ xả, rộng lượng ban phát. Vì vậy tu tập là một hành động trở về với tâm thức chớ không phải là một hành động bước ra khỏi tâm thức. Phải quay trở về với tâm thức, nhìn thẳng vào tâm thức để từ đó sửa đổi, trau giồi hầu tạo nên một tâm thức rực rỡ ánh hào quang.

Lúc chưa bước vào việc tu tập, Tâm Thức của mình đã quen với lề lối làm việc, cách thức suy nghĩ của mình.

Tâm Thức cũng chứa đầy ắp những toan tính, những suy tư theo chiều hướng của một người có nhiều thói hư, tật xấu.

Khi bước vào việc tu tập rồi, Tâm – Ý – Tánh bắt đầu được hoán chuyển lần lần  theo cách thức của “công việc đồng thời”, tức là cùng một lúc cho nước trong vào và thải nước đục ra ngoài.

Những tư tưởng cao thượng từ ở việc sửa đổi Tâm – Ý – Tánh được ví như nước trong.

Nước đục, nước dơ tượng trưng cho những ý nghĩ xấu xa, những toan tính hại người, những tánh xấu đầy sân hận, tham lam, hẹp hòi, ích kỷ...

Khi nước đục, nước dơ tràn ra, đó là lúc mà người tu tập mới nhận chịu cái phản ứng của Tâm Thức, sự dằn co của Tâm Thức giữa cái Tốt và cái Xấu, giữa cái Cao Thượng và cái Thấp Hèn. Người tu tập sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản vì phải đối phó với quá nhiều khó khăn xảy tới cho mình. Họ sẽ cho rằng: trước kia không tu tập, tôi đâu gặp những điều bực mình này, càng tu tập, việc không hay càng đổ tới cho tôi.

Nếu không có sự quyết tâm để cải sửa, không có sự kiên nhẫn để chịu đựng và nhất là không có kỷ luật tự giác để buộc ràng mình, chắc chắn rằng dòng nước trong, nước sạch sẽ được khóa lại, không cho chảy vào nữa.

Dòng nước đục, nước dơ cũng sẽ ngưng trào ra, mang theo cặn cáu, đồ dơ bẩn để thải ra ngoài.

Tất cả đều trở về vị trí cũ! Nhưng...nếu thật tâm tu tập, cải sửa, đem hết Tâm Lực, Ý Lực, Cường Lực để vào việc tu tập, thì dòng nước trong sẽ càng được mở lớn hơn., chảy mạnh hơn để tống cho nhanh, cho lẹ các cặn bả thải ra ngoài.

Chẳng bao lâu, nước không còn đục nữa, bình chứa toàn nước trong, người tu tập cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Tâm thức không còn chứa toàn rác rưởi nữa, hoàn toàn trong sạch và luôn ngời sáng.

Người tu tập đã can đảm khoét bỏ hết những ung nhọt làm nhức nhối thân xác mình, đã moi tận rễ những nơi nào làm cho Tâm Thức của mình thối nát lên.

Dùng những lời Pháp như dòng nước mát, trong vắt, chảy vào gột rửa cho sạch Tâm Thức.

Đó là ý nghĩa sâu xa của câu:

“Ma bất khảo bất thành đại đạo”

Vượt qua được trận đòn chí tử của Ma Tâm Ma Tánh thì mới có thể mang về một chiến công hiển hách là sự vãng sanh vào giờ phút lâm chung.

Ma Vương đã được biết qua, còn Quỷ Vương thì sao?

Ma Vương hay Quỷ Vương hoặc Tinh vương đều là những vị Bồ Tát cả. Các Vị này hiện thân làm ma, làm quỷ, làm tinh, tất cả đều không có ý muốn hại người đâu, nhưng vì chúng sanh không hiểu cho nên đã xem những vị đó như là Ma, là Quỷ hay là Tinh thật sự. Tuy nhiên, những kẻ theo tà đạo thường mượn danh nghĩa của Tinh Vương để làm chuyện sái quấy, nhưng họ quên một điều rằng, tất cả những gì họ làm đều bị một phản ứng ngược trở lại, đánh thẳng vào người họ và có thể họ rất khó vẫy vùng ở bước vị lai.

Người ta cho rằng: Tâm mình là Phật, Phật là tâm, hay nói khác đi là chính bản thân mình đã có Phật rồi. Mà đã là có Phật trong Tâm thì càng phải năng lau chùi kiếng Tâm để cho tỏ rạng hình hài của Phật, không thể để bụi mờ che lấp được.

“Phật tại Tâm” là từ ngữ nói lên rằng: cái Tâm của mình không còn dung chứa tất cả những gì xấu xa, mà những gì xấu xa đó đều nằm vào trong Tam Độc: Tham, Sân, Si hay trong Lục Dục Thất Tình. Chính những xấu xa đó đã tạo nên những phiền não, những điều ràng buộc, những lớp bụi mờ càng ngày càng đóng dày đặc lên và làm cho cái kiếng Tâm của mình trở thành ra lu mờ, đen sạm. Cho nên, cần phải làm cho cái lớp vỏ Tâm được tróc ra cho tới khi để lộ được cái ánh sáng phát ra từ nơi kiếng tâm. Khi cái kiếng tâm đã hoàn toàn không còn một dấu vết nào trong đó, nó mới thật sự hiện rõ ra bốn chữ Từ Bi Hỷ Xả. Từ Bi Hỷ Xả chính là những từ ngữ đại diện cho Phật và Bồ Tát.

Khi Tâm của một chúng sanh nào đã hiện một cách rõ ràng bốn chữ Từ Bi Hỷ Xả thì có thể khẳng định được rằng chúng sanh đó đã đạt được một quả vị tốt đẹp, họ không phải đạt được quả vị Phật mà chính là đã đạt được cái tánh chất Phật ở trong Tâm của mình.

Tất cả những việc làm của một người khi còn sống sẽ không thật sự tác động trên thân tứ đại của người đó, mà sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến Thần Thức của họ.

Chính cái Linh Hồn đó, sau khi rời thân xác rồi mới thật sự chịu nghìn muôn sầu khổ do những việc làm tác tệ, tai hại, vô bổ của cái thân xác đã cưu mang mình.

Cho nên, khi thân xác còn cử động, cần phải nên suy nghĩ thật kỹ lưỡng trước khi hành động một việc gì. Phải tự thẩm định xem coi cái tầm ảnh hưởng của việc mình làm đến cái linh hồn của mình sẽ là bao nhiêu? Nhiều hay ít? Có lợi hay tai hại cho Thần Thức của mình?

Cái gì đã che lấp cái tầm nhìn của mình, đã khiến cho mình mù mịt, quên bẵng đi cái linh hồn mà mình đang ấp ủ nó?

Đó chính là cái Tự Ái!

Cái Tự Ái làm cho mình hả hê khi nó được xoa dịu, được thỏa mãn.

Cái Tự Ái, cũng chính nó, làm cho mình bất nhẫn, buồn đau và thôi thúc mình phải trả thù, phải trả hận, mỗi khi nó bị xâm phạm, không được vuốt ve.

Cái tự ái là đầu mối gây tạo nên biết bao nhiêu nghiệp chướng.

Thỏa mãn Tự Ái là hành động vuốt ve thân tứ đại nhưng, lại là ngọn roi cực kỳ mạnh bạo đập thẳng vào Linh Hồn của chính mình, tạo nên một vết hằn và cái Linh Hồn đó sẽ mãi mãi mang cái vết hằn này.

Chính cái Linh Hồn mới trực tiếp đóng vai trò lên cao hay xuống thấp, thăng hoa hay đọa đày.

Một Thần Thức “dễ dạy”, ít “bướng bĩnh”, nhiều tánh tốt, khi bước vào một thân xác nào cũng đều làm cho thân xác đó trở nên tốt đẹp, được sự mến phục, nể vì.

Một thân xác ấp ủ một Thần Thức ”ương ngạnh’, dễ “nổi loạn”, nhiều thói hư tật xấu, chắc chắn rằng thân xác đó suốt đời sẽ không làm nên việc gì đáng kể cả.

Thầy đã có dịp nói qua: tự ái là nghiệp chướng nền tảng tạo nên không biết bao nhiêu nghiệp chướng khác. Nghiệp chướng càng chất chồng, Linh Hồn càng nặng trĩu; ngay khi còn hiện đời, một chúng sanh mang quá nhiều nghiệp chướng trên người cũng đã cất những bước đi thật nặng nề rồi, huống hồ gì khi chỉ còn là một Thần Thức nhẹ như sương như khói, Thần Thức đó mang trên người quá nhiều vết hằn, lại thêm quấn chung quanh mình bao nhiêu tảng đá nặng của nghiệp chướng, thử hỏi làm sao cất bước cho được?

Tìm được một người thành Tâm thành Ý giúp mình tháo gỡ những tảng đá Nghiệp Lực nặng nề, đó không phải là một việc dễ dàng, phải nói là duyên may!

Xác suất để được hộ niệm đúng cách và siêu độ đúng cách còn quá thấp, do đó chúng sanh đừng nghĩ rằng: tôi tha hồ làm việc xấu, sẽ có người hộ niệm, người siêu độ cho tôi khi tôi qua đời.

Nếu nghĩ như vậy thì cứ cầm chắc trong tay là tôi sẽ phải trải qua kiếp vong linh trong nhiều trăm năm hay nhiều ngàn năm.

Tìm được Thiện Tri Thức trên cõi Đời đã là khó.
Gặp được Thiện Tri Thức ở cõi Âm, quả là Mò Kim Đáy Biển !!

 


+ 102