• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Vô Thường

Feb 01 2015
Cherish These Moments Cherish These Moments DylanFox.com

VÔ THƯỜNG là một từ ngữ mà chúng sanh thường hay nói đến nhiều nhất, nhưng chúng sanh có thật sự hành động vô thường hay không? Và đã nhận thức về vô thường như thế nào?

Cái gì mà mình không vừa ý, không thành tựu được, hoặc thành tựu không đúng ý, thì cho là vô thường; thế thì cái gì đúng ý thì mình sẽ gọi nó ra sao? Chắc chắn rằng không thể gọi là vô thường được!

Hai người đang tranh giành nhau một vật gì đó, kẻ thua cuộc thì cho vật đó là vô thường. Nhưng kẻ thắng có gọi đó là vô thường hay không? Người thắng sẽ cho đó là hữu thường, vì nếu không hữu thường thì làm sao có việc đem sức lực ra để tranh đoạt nó cho được. Còn người thua cho đó là vô thường để tự an ủi mình và ngăn đi niềm đau mất mát một cái gì mà mình mong cầu, mình mong mỏi mà không được.

Như vậy, vô thường hay hữu thường cũng chỉ là một mà thôi. Tùy theo tầm nhìn, tùy theo phương vị của người nói câu nói đó.

Như thế thì: Thế nào là vô thường? Cái gì là vô thường?

Kính bạch Sư Phụ,
Cái gì mà không thể tồn tại một cách vĩnh viễn và mãi mãi được thì gọi là vô thường.

Trên đời này có cái gì tồn tại vĩnh viễn và mãi mãi?

Không có vật gì hết.

Nếu không có vật gì tồn tại vĩnh viễn và mãi mãi thì tại sao cho rằng nó hiện hữu? Mà nếu không xem nó hiện hữu thì tại sao lại muốn chiếm đoạt nó?

Chỉ để thỏa cái muốn của mình.

Như vậy, đầu mối của vô thường chính ở cái gì? Chính ở cái Muốn của mình. Một khi cái muốn của mình thỏa được thì cho rằng nó hiện hữu. Khi cái muốn của mình không được thỏa đáng thì xem là vô thường. Cho nên, tất cả mọi sự vật trên đời, nếu cho nó là vô thường hay cho nó là hữu thường thì cũng như nhau thôi không có gì khác cả. Tùy theo cái muốn của mình có được thỏa đáng hay không, mà một vật hay một sự việc sẽ trở nên hữu thường hay vô thường.

Thật sự ra, tất cả mọi sự vật trên đời đều ở thế như như bất động.

Đây là một mảnh vải. Nếu tôi muốn khoác mảnh vải này lên người, tôi phải biến mảnh vải này thành cái áo, cái quần, cái khăn, hay thành bất kỳ cái gì để tôi có thể khoác lên người của tôi được.

Cũng mảnh vải này, vì tôi không ưa màu sắc của nó, không ưa những hình ảnh trên mảnh vải, tôi không muốn nhìn thấy nó nữa, tôi sẽ hủy hoại nó, để cho nó không còn hiện hữu ở trước mắt của tôi nữa.

Mảnh vải này, khi tôi muốn nó trở thành ra cái áo, cái quần, cái khăn hay bất kỳ cái gì để quấn lên người của tôi theo đúng như ý muốn của tôi, nó đâu có mở miệng nói ra là: “tôi rất thích, rất thích.” Khi tôi không còn thích nó nữa, tôi muốn xé tan nát nó đi, hay muốn quẳng nó vào một nơi nào đó để tôi đừng thấy nó nữa, nó cũng không thể nào buồn rầu mà nói rằng: “đừng liệng tôi, đừng liệng tôi.”

Miếng vải này trước sau như một, ở vào thế như như bất động. Tự tôi, tôi cho nó một niềm vui để trở thành ra một vật ở trên thân thể tôi, để khoe khoang với tất cả mọi người, và cũng tự chính tôi đem nó xuống và liệng nó vào một góc hay xé nát nó đi.

Như vậy, tất cả mọi sự vật trên đời, tự bản chất của nó, ở vào thế như như bất động, vô thường hay hữu thường là do người sử dụng nó, do người cầm nắm nó, gán ghép cho nó một từ ngữ là hữu thường hay vô thường, tùy vào cái muốn, muốn nhiều hay muốn ít hay không muốn của người sử dụng nó.

Cho nên, đối với bất kỳ một vật gì mà tôi cũng đều đặt vào chữ MUỐN thì nó sẽ trở thành ra hiện hữu. Nếu bây giờ lòng tôi thản nhiên, giữ thế như như bất động trước cái như như bất động của một đồ vật, có nghĩa là tôi không đặt chữ MUỐN vào cái như như bất động của một đồ vật, tức là tôi đã không tạo nên cái giềng mối, cái cơ sở cho cái như như bất động đó.

Một viên ngọc quý giá được đặt ở vị trí đó, nếu tất cả mọi người đều giữ tâm như như bất động, viên ngọc đó sẽ đời đời ở tại vị trí đó, không di chuyển. Nhưng, nếu tất cả các tâm đều động, viên ngọc sẽ không còn ở vị trí đó nữa, mà nó sẽ trở thành nguyên nhân gây tạo sự tương tàn cho tất cả những cái tâm muốn sở đắc nó.  

Vì vậy, đầu mối của vô thường hay hữu thường chính là cái muốn của mình, mà cái muốn đó là hình thức của cái Tham. Vì tham cho nên mới Muốn, nếu không Tham sẽ không Muốn. Và mọi chúng sanh đều lợi dụng hai chữ “vô thường” rất là nhiều.

Tại sao Thầy lại nói là lợi dụng “Vô Thường”?

Khi một người có tâm ý xấu, dàn dựng, sắp xếp những cách thức để chiếm đoạt vật sở hữu của kẻ khác, người đó sẽ dựa vào hai chữ Vô Thường để an ủi, khuyên lơn người sở hữu món đồ quên đi niềm đau mất mát. Kẻ ném đá dấu tay đã chiếm đoạt vật, rồi lợi dụng chữ Vô Thường để khiến cho người chủ của món đồ, vì ý tưởng vô thường, nên không còn để ý đến vật đã mất nữa.

Đó là Thầy nói đến sự vật vô thường.

Đối với một đời người, thời gian như nước chảy qua cầu, mới vừa buổi sáng, thoắt một cái đã chiều tối, mới thức dậy đó, lại phải lên giường ngủ nữa, mới vừa mở mắt, cất tiếng khóc chào đời, rồi lại tới nhắm mắt, cũng lại khóc tiếng khóc tiễn đưa. Cuộc đời như gió thoảng mây bay, không định, không trụ, không kéo dài, vừa thoạt thấy có rồi lại biến không. Trong suốt quãng thời gian mở mắt chào đời cho đến khi nhắm mắt lìa đời, bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu trôi nổi, việc đến rồi việc đi, cái có rồi cái không, bàn tay nắm lại rồi bàn tay thả ra, tất cả mọi thứ chớp mắt. Một kẻ mang, nắm giữ một vật quý trong tay, thoắt một cái đã bị người cướp mất, cho nên có rồi không. Vừa vui tao ngộ lại đến buồn biệt ly, có đến rồi có đi, không có cái gì an trụ cả, cũng không có cái gì là vĩnh viễn. Có an trụ cũng chỉ trong khoảng một thời gian nào đó, có rời xa thì cũng không phải là mãi mãi. Khi lên khi xuống, khi trầm khi bổng, khi có khi không.

Không bao giờ áp dụng được hai chữ vĩnh viễn vào tất cả mọi sự việc, sự vật ở Đời. Nếu có vĩnh viễn thì sẽ không có vô thường. Chữ vĩnh viễn và chữ vô thường không bao giờ được sử dụng chung với nhau, đó là hai chữ đối nghịch nhau.

Trên đời này có cái gì là vĩnh viễn? Không có cái gì là vĩnh viễn cả! Vĩnh viễn trong một giai đoạn nào đó, để rồi sau đó là một sự chia ly hay một sự chấm dứt.

Cho nên, khi đã hiểu rõ việc đó rồi, chúng sanh cần phải nên thấu đáo rằng: trong vấn đề giao tế, đừng bao giờ nên đối xử với nhau trong tư cách vô thường, vì nếu đối xử với nhau trong tư cách vô thường, sẽ rất dễ dàng hãm hại nhau. Cũng đừng bao giờ đối xử với nhau theo tư cách hữu thường, vì đối xử với nhau theo tư cách hữu thường, tức khắc sẽ có sân hận, ganh tị, ghen ghét và đau khổ.

Con có thể cắt nghĩa cho Thầy nghe, tại sao đối xử với nhau theo cách hữu thường lại có sự ganh tị, ghen ghét, đau khổ xảy ra kèm luôn sân hận?

Kính bạch Sư Phụ,
Hữu thường luôn luôn đi kèm với cái muốn của mình. Một khi mình muốn chiếm đoạt, muốn sở hữu một cái gì đó, mình sẽ bất chấp thủ đoạn, bất chấp thái độ, hành động không cần đắn đo, miễn sao thỏa được cái muốn của mình mà thôi. Do đó mới đưa đến sự sân hận khi va chạm với nhau.

Trong sự giao tế, nếu dùng tính cách hữu thường để đối xử với nhau thì mặc nhiên chấp nhận cái có. Mà một khi chấp nhận cái có rồi, đến một lúc nào đó cái có chắp cánh bay xa, lúc đó mình sẽ nghĩ như thế nào?

Hai người bạn chí thân, nhưng một ngày nào đó lại có người thứ 3 xen vào để chia sẻ sự thắm thiết đó, tức khắc sẽ có kẻ ganh tị, tức tối và đưa đến sân hận, chỉ vì người đó tưởng rằng cái sự thắm thiết đó nó an trụ mãi mãi và vĩnh viễn. Cho nên Thầy muốn nhắc nhở rằng: chúng sanh đừng bao giờ theo chân tính cách vô thường mà cũng đừng bao giờ chạy theo tính cách hữu thường. Không vô thường, không hữu thường mới giữ được tính cách như như bất động. Giữ được tính cách như như bất động là giữ cho cái Muốn không phát khởi, cái tham không nổi lên. Tham Muốn một khi đã xuất đầu lộ diện rồi thì sân hận sẽ tiếp nối theo sau.

Thầy thường hay nói rằng: người tu tập nên giữ Tâm Bình. Trong cái tâm bình đó đã chứa cái như như bất động, chớ không phải tâm bình là im lặng suốt ngày không lên tiếng, không hành động, không bất kỳ một phản ứng nào.

Đừng hiểu sai chữ Tâm Bình mà phải hiểu rằng, khi tôi giữ Tâm Bình là tôi giữ thế như như bất động; khi tôi giữ thế như như bất động, tôi sẽ không bị chi phối bởi vô thường hay hữu thường. Khi tôi không bị chi phối bởi vô thường hay hữu thường thì những sự thay đổi trong tâm của tôi sẽ không có. Một khi sự thay đổi đó không có, thì sẽ không có một động lực nào để khơi dậy cái Muốn, làm nền tảng, làm cái gốc cho cái Tham. Khi đó tôi sẽ cảm thấy An Ổn, cảm thấy một sự An Bình đúng nghĩa. Tất cả mọi sự vật trên đời đều đến với tính cách hữu thường, ai cũng nhìn thấy, ai cũng sờ mó, ai cũng bị dao động vì cái tính chất hữu thường của sự vật cũng như sự việc.

Nhưng, người tu tập chân chính sẽ làm cho tính cách hữu thường đó không tác động mạnh vào trong tâm tư của họ; nếu những sự việc xảy đến có tính cách bắt buộc, thì phải dùng Tâm Bình để biến hữu thường trở thành vô thường một cách nhẹ nhàng.

Trong cuộc sống hằng ngày, giữ được Tâm Bình trước bao nhiêu cái sôi động, bao nhiêu sự dồn dập, bao nhiêu biến cố xảy ra trong cuộc đời, biến tất cả những thứ hữu thường đó lần lượt trở thành vô thường, mình sẽ cảm thấy đời sống trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ thở hơn và bớt vướng bận hơn.

Nên tập lắng nghe, tập tư duy, gom hết tất cả những gì mình thấy, nghe, biết, để trước mặt, dùng Tâm Bình, Tâm Lắng Đọng để phân tích bản chất của từng việc một, nhận thức rõ từng chi tiết một, tức khắc sẽ tìm ra được mấu chốt của sự việc và dễ dàng chuyển tính cách hữu thường thành ra vô thường.

Như vậy, sẽ cảm thấy cuộc sống không quá ồ ạt, không quá khó khăn. Nhất là đối với những việc thương tâm xảy đến cho mình, càng phải giữ Tâm Bình để biến đổi những thương tâm thành ra sự nhẹ nhàng, thơ thới, bằng cách hóa giải hữu thường thành vô thường.

Như Thầy đã nói ở đoạn trên, chúng sanh lúc nào cũng nói đến hai chữ vô thường, nhưng lại xâu xé nhau, chém giết nhau, đập lộn nhau, giành giật nhau cũng bởi hai chữ Vô Thường. Vì vậy chữ vô thường đã bị lợi dụng rất là nhiều. Phải nhớ một điều rằng, bản chất của vô thường chính là hữu thường, có hữu thường mới ra vô thường. Vì vậy, mình đã thấy rõ ràng rằng, từ hữu thường biến thành ra vô thường, từ vô thường tạo thành hữu thường, do đó không biến mất đi đâu cả. Vô thường hay hữu thường tùy thuộc vào vị trí đứng của mình, tầm nhìn của mình mà thôi.

Điều đó nói lên cái gì? Nói lên rằng, đã hiểu rõ như vậy rồi thì dù cho tôi có cầm một vật quý trong tay, hay tôi đánh mất cái vật đó đi, sẽ không có gì phải hối tiếc cả.

Mạng sống của tôi ngày hôm nay đã chấm dứt thì cũng không có gì phải nuối tiếc. Cái hữu thường đã trở thành vô thường rồi. Khi cái linh hồn còn trong một thân xác thì có sự cử động, sự hoạt động của một con Người. Nhưng khi linh hồn đó bước ra khỏi thân xác rồi, cái danh xưng “con Người” đã không còn tồn tại nữa, nó trở thành vô thường rồi. Linh hồn giờ đây mang một cái tên hữu thường là “Vong Linh”.

Khi vong linh này tìm được nơi an trụ và trở vào một thân xác mới thì cái hữu thường của 2 chữ Vong Linh biến mất, vong linh khoác lên tính cách hữu thường của một con Người. Như vậy, từ hữu thường bước sang vô thường, từ vô thường trở thành hữu thường, chỉ là một bước không quá xa, rất gần, rất lẹ, rất nhanh. Ngày giờ này vong linh mang tên là vong linh, tức là đã đánh mất cái hữu thường của con người rồi, nhưng lại được cái hữu thường của 2 chữ vong linh. Rồi khi linh hồn tiến vào một thân xác mới, cái hữu thường của Vong Linh sẽ biến mất để trở thành cái hữu thường của con Người.

Kính bạch Sư Phụ,
Thế thì cái A Lại Da Thức cũng không được xem là vĩnh viễn và mãi mãi hay sao?

Tại sao người ta gọi A Lại Da Thức là vĩnh viễn? Thật ra đó chỉ là cách dùng danh từ mà thôi. So với những cái thức khác bị hủy diệt, chỉ có A Lại Da Thức còn hiện hữu để cho linh hồn mang A Lại Da Thức đi theo. Như Thầy đã giảng giải rất rõ ràng trong quyển sách 49 Ngày Siêu Độ Cho Thân Nhân, song song với việc chỉ dẫn cho vong linh tu tập, người chủ lễ còn phải tận tình hướng dẫn, phân tích, chỉ bảo để vong linh nhận ra được những đồ vật nào không cần thiết chứa trong túi A Lại Da Thức.

Khi ra đi, vong linh chỉ biết rằng tôi có mang theo cái túi, đó là hành trang của tôi. Vong linh chưa hề kiểm soát lại những gì trong cái túi đó, chỉ biết cái túi rất nặng, và cứ chắc chắn trong lòng là mình có hành trang đủ đầy để mang theo. Khi siêu độ cho một vong linh, người chủ lễ sẽ giúp cho vong linh bỏ cái túi xuống, mang cái túi trên vai rất nặng, bày những đồ nằm trong túi đó ra, cái gì cần thiết thì giữ lại, cái nào không cần thiết thì quẳng nó đi.

Do đó, cũng có thể rằng tới một lúc nào đó, cái túi sẽ không còn một thứ gì trong đó cả. Vì sao? Vì từ trước tới giờ, những vật trong túi toàn là những thứ không cần thiết; không cần thiết không phải là không cần thiết đối với vong linh, mà là khi người chủ lễ với một trí huệ sáng suốt chỉ rõ cho vong linh: mang theo món này không xài được, mang theo món kia cũng không xài được, mang theo món nọ sẽ không sử dụng được trong tương lai, cho nên bắt buộc phải bỏ ra, tới lúc đó, vong linh mới sáng lên, mới nhận biết rằng tôi đã mang những thứ không cần thiết.

Cái túi A Lại Da Thức này có khi không còn có một thứ gì chứa ở trong đó nữa, nhưng mà hình dạng của cái túi đó vẫn còn dùng để chứa. Chỉ rõ cho vong linh nhận ra tính cách Vô Thường ở điểm này. Đó là: những gì mà vong linh mang theo, vì có cảm giác nặng, nên vong linh cho nó là hữu thường. Ngày giờ này, khi đã được hướng dẫn để nhận ra thực chất của từng vật mang theo, vong linh mới thấy rằng mình đã mang theo quá nhiều rác rưởi. Do đó, có phải liệng bỏ nó đi, hủy hoại nó đi, cũng không có gì là nuối tiếc. Cái thân xác mà vong linh vừa bước ra khỏi đó, chỉ trong vòng vài ba hôm nữa, vì người ta không muốn cái thân xác đó bốc mùi nên đem thiêu hủy nó đi, cái ngôi nhà mà vong linh an trụ trong đó, cũng sẽ không phải là một vật hữu thường như vong linh tưởng.

Huống chi là tài sản, là danh lợi hay tình cảm!

Cái gì được xem là hữu thường đối với vong linh? Đó chính là ánh sáng trí huệ, giúp soi tỏ con đường trước mặt mà vong linh muốn cất bước. Ngày giờ này, vong linh chỉ cần có bao nhiêu đó mà thôi để ra đi, và đeo trên người một cái túi hành trang càng nhẹ chừng nào, càng tốt chừng nấy.

Lấy thí dụ: trước kia vong linh đeo trên người của mình 100 cục đá, so với ngày nay, vong linh chỉ mang có một viên minh châu nhỏ xíu nhưng sáng rực và vô cùng quý giá, thử hỏi rằng vong linh lựa chọn cái nào?

Cho nên cần phải giúp cho vong linh nhận chân ra cái nào không cần thiết và cái nào cần thiết để mang đi. Cái cần thiết đó chính là cái ánh sáng trí huệ, rất tối cần!

Vong linh được thác sanh về Cõi Người cũng rất cần cái ánh sáng trí huệ, vong linh thác sanh về Cõi Trời cũng vẫn cần ánh sáng trí huệ, vong linh thác sanh về cõi Cực Lạc cũng vẫn cần ánh sáng trí huệ. Do đó, cái hữu thường thật sự đối với vong linh, chính là ánh sáng trí huệ mà người chủ lễ sẽ phải giúp cho vong linh tu tập để đạt được cái ánh sáng trí huệ đó.

Tất cả những gì không cần thiết sẽ được xem là vô thường, phải hủy bỏ, chỉ còn giữ lại những cái gì thật sự cần thiết và ích lợi cho việc trường tồn của một linh hồn.

Trong vấn đề vô thường, cần phải nhớ rất rõ ràng rằng, Hữu Thường và Vô Thường chỉ là một mà thôi! Tuy hai mà một, tuy một mà hai, tùy ở vị trí, tùy ở tầm nhìn mà vô thường biến thành hữu thường và hữu thường biến thành vô thường. Cho nên, khi giữ được tâm như như bất động rồi thì dù là hữu thường hay là vô thường, cũng chẳng đem lại một sự khó khăn nào đối với một kẻ giữ được Tâm bình.

Chư Phật và Bồ Tát vì giữ được cái thế như như bất động, nói nôm na là cái Tâm bình của Phật và Bồ Tát, nên trước những đau khổ của chúng sanh, Chư Phật và Bồ Tát mới thấu hiểu được chúng sanh kêu khổ vì cái vô thường hay vì cái hữu thường.

Trước lời kêu gào, rên la, cầu cứu của một người bị mất mát một món đồ nào đó, nếu chư Phật và Bồ Tát không giữ được cái thế như như bất động, sẽ cảm thấy rất là xao xuyến trước bao nhiêu tiếng kêu khổ của chúng sanh. Hằng ngày, các Đấng Từ Bi phải tiếp nhận không biết bao nhiêu lời cầu xin: xin cho con được cái này, xin cho con được cái kia, xin cho con được chiến thắng, xin cho con lấy được vợ đẹp, xin cho con được sự nghiệp, xin cho con được công việc tốt, xin cho con có được một đứa con kháu khỉnh, xin cho con được thăng quan tiến chức,… những lời cầu xin đó toàn là gì?

Toàn là sự mong cầu của chúng sanh mà thôi.

Dâng một nải chuối, dâng một dĩa trái cây để cầu xin: cho con có được một sự nghiệp cao, cho con được một người vợ đẹp, con đang phải tranh công việc này với nhiều người, do đó cầu xin cho con thành công … đó là sự cầu xin hữu thường.

Rồi bây giờ lại cũng một tiếng kêu: Phật và Bồ Tát cứu con vì con mất công việc làm rồi, Phật và Bồ Tát cứu con vì con đã mất đứa con rồi, Phật và Bồ Tát cứu con vì gia đình con tan nát rồi, Phật và Bồ Tát cứu con vì xe con hư không đi được, Phật và Bồ Tát cứu con vì tình cảm của con và người đó bị sứt mẻ … Lại là một tiếng kêu, tiếng kêu vô thường.

Một bên là sự cầu xin “Hữu Thường”, một bên là tiếng kêu “Vô Thường”, Phật và Bồ Tát phải làm sao đây? Nếu không giữ như như bất động, chắc chắn rằng các Ngài cũng phải rối trí lên và vô cùng xao xuyến.

Nên nhớ một điều rằng: Phật và Bồ Tát sẵn sàng để cứu giúp người phước đức gặp nạn tai đúng nghĩa, chớ không phải để giúp cho những tiếng kêu về hữu thường hay những tiếng kêu về vô thường, vì đó là vấy vào nghiệp lực của chúng sanh.

Trong cuộc sống hằng ngày, một người phải liên tục, liên tục trả nghiệp. Đừng nói rằng tôi chưa hề bao giờ tạo nghiệp, nghiệp từ tiền kiếp, nghiệp tới hiện kiếp; một lời nói của mình, một hành động của mình vẫn có thể tạo nên nghiệp được, nghiệp lớn hay nghiệp nhỏ.

Nếu ngày giờ này biết tu tập, biết tìm đủ mọi cách để ngưng việc tạo nghiệp, đó là làm công việc kéo lại thời gian, để cho thời gian ngưng đọng lại; thời gian ngưng đọng lại có nghĩa là để cho nghiệp không trôi lăn. Không trôi lăn, không phải là nghiệp lực của tiền kiếp đâu, mà là nghiệp lực của kiếp hiện tại. Mình kéo thời gian đứng lại, nhưng vẫn phải tiếp tục trả những nghiệp lớn, nghiệp nhỏ từ trong quá khứ.

Vì vậy, nếu biết tu tập sẽ có sự san qua sớt lại. Dùng cái gì để san qua sớt lại? Dùng cái công đức tu tập của mình, dùng cái phước đức của mình để san qua sớt lại những nghiệp lực mà mình phải đối đầu. Đôi khi phải gánh chịu những nghiệp nhỏ để chan hòa vào nghiệp lớn.

Điều quan trọng là cố gắng giữ tình trạng bình cho Tâm – Ý – Tánh của mình. Đồng thời tánh xấu phải sửa, không sửa tánh dù cho tu đến nhiều đời, nhiều kiếp cũng vẫn y như vậy mà thôi, không thể nào tiến lên được. Song song với việc sửa Tánh là phải luôn luôn kiểm Tâm, kiểm Ý, giữ Tâm Bình. Phải thường xuyên … thường xuyên biến nghiệp dữ thành nghiệp hiền, phải hoán chuyển nghiệp lớn thành nghiệp nhỏ. Như vậy mới giữ được sự an ổn cho mình ở vào phút lâm chung. 

Không biết được rằng mình đã tạo nghiệp gì trong tiền kiếp, nhưng vẫn luôn luôn đem công đức tu tập của mình, đem hết phước đức mà mình có được, hồi hướng lại cho oan gia, trái chủ xem như là một sự đáp đền của mình đối lại với những khổ đau mà mình đã tạo nên. Đương nhiên là nghiệp vẫn đổ tới cho mình chớ không có dừng đâu. Có điều rằng,  nếu biết tu tập, sẽ biết cách hoán chuyển, làm cho nghiệp dữ ồ ạt kéo tới, tự nhiên sẽ nhẹ nhàng bớt đi.

Người tu tập chân chính đừng bao giờ than thân trách phận, đừng bao giờ nói rằng: tại sao tôi tu tập mà hết việc không may này đến việc không may kia xảy tới cho tôi? Nó đến thì cứ đến, tôi có chịu đựng được hay không? Tôi có sửa đổi được nó hay không? Tôi có ngăn chận được nó hay không? Việc đó phải hỏi rằng, khả năng tu tập của tôi đã đến đâu rồi? Không thể nào một chiếc thuyền chỉ chứa được có 1 hay 2 người mà bây giờ có tới 10 người, 20 người bước lên thuyền, chắc chắn thuyền sẽ chìm! Do đó, muốn có thể quán xuyến được từ nghiệp nhỏ tới nghiệp lớn xảy đến cho mình, phải ra sức tu tập thật nhiều, để chiếc thuyền tu của mình được to rộng lên, khi đó mới có thể dùng để chứa được nhiều nghiệp lực ồ ạt kéo đến.

Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng: đem hết tâm thành tu tập thì kết quả mới tốt đẹp, còn ồ ạt rầm rộ sẽ không mang tới kết quả gì cả. Người nào nói nhiều là người không chuyên tu tập, người thật sự tu tập gần như ít nói. Vì sao? Vì họ phải giữ tâm bình; nói nhiều thì tâm vọng động, không giữ được Tâm Bình, sẽ khó lòng phân định được nghiệp lực đến với mình?

Nghiệp lực không phải lúc nào cũng kéo đến rầm rầm, rộ rộ để cho mình nhìn thấy đâu. Nhiều khi nó đến với mình ở một dạng rất là vi tế, khiến cho mình không ngờ được. Chính vì cái không ngờ mới mắc vào nghiệp lực, nếu mình ngờ được là mình đã chuẩn bị rào đón rồi. Mà trong cái không ngờ đó, mới thể hiện được cái Tâm phẳng lặng của mình.


+ 117