• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Vấy Vào Nghiệp Lực Của Kẻ Khác

Jun 14 2014
Rakotzbrücke Kromlau - Marco D - 48246578 Rakotzbrücke Kromlau - Marco D - 48246578 500px

Người tu tập cần phải nhớ kỹ một điều rằng: tất cả mọi việc trên đời, dù nhỏ bằng hột cát, cũng bị chi phối bởi Nhân và Quả. Cho nên, nếu gặp một hoàn cảnh không được như ý, hoặc nhìn thấy, nghe thấy một cử chỉ, một lời nói, một hành động không tốt đẹp, không thuận lợi, đừng dại dột khởi tâm rung động. Thầy dùng chữ “dại dột” là vì sao? Vì người tạo cho mình những điều không hay đó đang bị dấy bởi Nghiệp Lực của chính họ thì tại sao mình phải chia phần nghiệp lực với họ để làm gì?

Cho nên, giữ Tâm thanh tịnh, không phản ứng, không làm bất cứ một điều gì hết thì mình sẽ không bị vấy vào nghiệp lực của họ. Họ gieo Nhân, họ gặt Quả, không có gì để cho mình phải lo âu, nghĩ ngợi, sợ sệt giùm cho họ. Đôi khi, tuy là nghiệp lực của họ, nhưng vì mình dại dột vấy vào cho nên khiến mình tức tối, bực dọc và đôi lúc lại gây ra một Nghiệp Lực do chính bản thân mình tạo tác. Điều đó rất là đáng tiếc... đáng tiếc... không nên!

Nghiệp lực của một người đang dấy động, mình chỉ nên đứng ngoài mà xem, dù rằng thoạt xem ra thì mình là nạn nhân, nhưng không phải thế, mình chỉ là phương tiện để cho nghiệp lực của người đó dấy lên. Do đó, đừng vội vàng mang lấy Tâm sân hận, Nghiệp Lực luôn luôn tìm những người có thể tạo phương tiện cho nó bùng lên, mọi việc xem ra sẽ rất đau lòng, nhưng cần phải Định Tâm! Định Tâm! và tuyệt đối đừng vấy vào Nghiệp Lực của kẻ khác.

Cái gì khiến cho người ta vấy vào nghiệp lực của kẻ khác?

Kính bạch Sư Phụ,
Dạ thưa chính cái tình cảm.

Đúng vậy! Tình cảm nói chung là chữ "Ái". Có ái mới có tình cảm. Người hiểu đạo một cách chân chính sẽ biết rằng Ái là đầu mối gây ra oan trái. Trên phương diện Đời, chữ Ái rất là quan trọng. Nương vào chữ Ái, mọi người sẽ đối xử nhau một cách tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chữ Ái trong trường hợp đó có một ý nghĩa hoàn toàn khác biệt với chữ Ái thường tình.

Chữ ái để giúp cho mọi người đối xử nhau tốt đẹp là một chữ Ái cao thượng, một chữ Ái vì Đời, vì Người, vì tất cả chúng sanh, không phân biệt thấp hèn hay màu da, chủng tộc. Nếu áp dụng chữ Ái trong trường hợp đối xử như vậy, thì nó sẽ làm cho những tánh tốt của mình được nâng cao lên.

Chữ ái đó nằm vào cái Tánh, không nằm vào cái Thức. Tại sao Thầy bảo rằng nó nằm vào cái tánh? Là bởi vì nó thuộc về tánh tốt chứ không thuộc về tánh xấu. Người có tánh thương người, ưa giúp người, ưa chia sẻ sự hoạn nạn với kẻ khác, đó là một tánh tốt. Nhưng nó cũng phải đi kèm với một trí huệ sáng suốt. Nếu tánh tốt đó đi kèm với sự mù quáng, tức khắc nó sẽ đưa đến một hậu quả không tốt. Nó vẫn còn mang tính chất của một tánh tốt, nhưng vì sử dụng nó trong một hoàn cảnh có sự mù quáng trong đó, tánh tốt này bỗng trở nên không còn tốt đẹp nữa. Chính nhờ chữ Ái đó mà trật tự trong xã hội mới được duy trì, làm giảm đi sự ghen ghét, ganh tỵ lẫn nhau và tạo nên một sự tương thân tương trợ chặt chẽ.

Nhưng chữ Ái mà con đề cập ở trên là một chữ Ái thường tình, chữ Ái đó nó khác biệt với chữ Ái kia như thế nào? Với chữ ái thường tình, bắt buộc phải có một sự biết nhau từ lúc bắt đầu, rồi thì hiểu nhau từng chút ... từng chút. Sự hiểu biết lẫn nhau lớn rộng ra, song song với sự hiểu biết nhau là một chút cảm tình. Cảm tình đó được nuôi dưỡng cho lớn mạnh ra. Rồi từ từ, cảm tình đó mọc rễ, bám víu, làm cho hai người hay ba người hay thậm chí cả một nhóm người có một sự thương yêu nhau, mà sự thương yêu đó lại là đầu mối của những sự việc có thể xảy ra do kết quả của chuyện "thương nhau". Thương nhau giữa trai và gái cũng là chữ Ái thường tình, y hệt, nhưng sâu rộng hơn và chặt chẽ hơn. Đối với cả hai, hoặc chỉ trai và gái, hoặc cả một nhóm người, cấu trúc của chữ Ái không khác nhau. Cũng phải có một sự tương quan, sự tương quan đó từ thuở xa xưa trong quá khứ, để rồi ngày giờ này, khi có sự kết hợp, tương quan đó sẽ lớn lần ... lớn lần, và tạo ra rất nhiều sự tương quan khác biệt nữa chằng chịt bao quanh, cho đến nỗi, nếu một lúc nào đó có phải tách rời các tương quan này ra thì sẽ đem đến một sự đau đớn cho cả 2 người hay nhiều người. Đây là một vấn đề rất là tế nhị!

Có những sự việc không phải hiển hiện trước mắt, mà nó là những việc rất là nhỏ nhặt của từ ở quá khứ đi lần đến hiện tại.

Thầy đơn cử một thí dụ: Nếu bây giờ mẹ của con gặp những điều không lành xảy tới thì con sẽ bị dao động rất mạnh do ở tương quan dính chặt giữa con và mẹ con từ trong quá khứ đến hiện tại. Do đó, con sẽ tìm đủ mọi cách để giúp cho mẹ của mình thoát khỏi những điều không hay. Nhưng nếu biết rõ rằng, những điều không ổn xảy tới cho mẹ của con là do ở nghiệp lực của người đó, người đó phải gánh chịu nghiệp lực của mình, thì dù thương mẹ cách mấy đi chăng nữa, con cũng không thể nào vấy vào nghiệp lực của mẹ mình được. Chỉ có thể làm một việc duy nhất mà thôi: khuyên giúp bằng lời. Khuyên lơn, khuyến khích người mẹ dốc tâm tu tập, ráng giữ tâm thanh tịnh và phải làm tất cả mọi vấn đề gì để có thể thoát khỏi nghiệp lực, làm cho nghiệp lực dừng hẳn lại. Chỉ có thể làm như vậy mà thôi, chớ không thể làm khác hơn được, là nhảy vào cùng với mẹ của mình chống lại nghiệp lực.

Chống trả lại nghiệp lực chỉ có một cách duy nhất mà thôi: giữ tâm bình, ý bình, tánh không khởi phát, lúc nào cũng phẳng lặng mới có thể chống lại nghiệp lực. Còn tâm vọng động, ý vọng động, tánh khởi lên sẽ làm cho nghiệp lực càng phá tác mạnh thêm. Cho nên đừng lầm lẫn chữ Ái thường tình và chữ Ái cao thượng như Thầy đã cắt nghĩa khi nãy. Một người đang bị lôi cuốn bởi nghiệp lực thì đừng bao giờ dùng chữ Ái thường tình mà nhảy vào vòng chiến của họ, sẽ bị thương tổn rất là nhiều. Không cần thiết đâu! Mà cũng không giúp ích gì được cho họ cả, không khéo lại khởi lòng sân hận và tạo thêm vòng nghiệp lực giữa mình với họ.


+ 126