Như Thầy đã nói, một đứa bé vừa mới chào đời đã hiển hiện rõ cái tham rồi. Điều đó chứng tỏ rằng tập khí tham đi từ kiếp này qua kiếp nọ, liên tục không chấm dứt. Chỉ khi nào ngộ được cái tham thì cái tham mới có thể chấm dứt được. Còn một khi không ngộ được cái tham thì dù cho ai nói gì cũng vẫn không thể nào chấm dứt được.
Kính bạch Sư Phụ,
Lần trước khi nói về tự ái, Thầy đã giảng rằng Tự Ái là nguồn gốc của cái Sân. Thế thì nguồn gốc của Tham là gì?
Con ơi, chính là sự mong cầu!
Kính bạch Sư Phụ,
Theo sự nhận xét của con, sự mong cầu phát khởi là vì chúng sanh luôn luôn mơ ước được thỏa mãn những cảm giác. Con lấy thí dụ như:
- Cái cảm giác được thỏa mãn tự ái khi phô trương uy quyền của mình và bắt kẻ khác phục tùng mình là một biểu tượng của cái tham.
- Sự đua đòi, so đo vật chất có thể đưa đến sự mong cầu là 1 ngôi nhà khang trang do chính mình làm chủ. Tuy nhiên, nếu sự mong cầu đó không dừng lại ở chỉ một ngôi nhà mà còn thêm nhiều ngôi nhà nữa, cái cảm giác thích sở hữu nhiều tài sản càng lớn mạnh, sẽ làm cho sự mong cầu càng lớn lao hơn, vượt quá tầm sức của mình trong vấn đề bảo quản hay tài chánh, để rồi cuối cùng đi đến việc khánh tận, nợ vây quanh, ngôi nhà mơ ước cũng tan thành mây khói.
- Cái hương vị mặn ngọt chua cay của những thức ăn ngon còn đọng lại trên đầu lưỡi, khiến cho đầu óc mơ màng, vị giác thèm thuồng, dẫn dắt đến tánh tham ăn. Tánh tham ăn này sẽ là đầu mối cho nhiều việc không hay xảy tới cho chính bản thân người đó, đúng với câu mà người xưa thường nói là "tham thực cực thân."
- Cầm 1 xấp tiền trong tay, mân mê từng tờ giấy bạc, hơi tiền giấy mới có một sức hút thật là mãnh liệt. Xấp tiền càng dầy, tâm càng xao xuyến, đầu óc miên man nghĩ đến sự thắng lợi vẻ vang vừa đạt được song hành với xấp bạc trên tay. Lòng đầy ắp với nhiều tính toán sẽ thực hiện để đong đầy lòng tham bằng những xấp tiền dầy cộm hơn.
Thành ra muốn khống chế cái tham phải nhìn thử xem những xúc cảm nào đã khiến cho mình điên đảo vì nó. Một khi mình nhận diện được nó rồi, thì mình mới có thể tự thắng lại, tuy rằng không thể diệt hẳn được nhưng biết gò được cương ngựa thì cũng làm giảm được cường độ của cái tham của mình rồi.
Đúng lắm! Tư duy đúng lắm. Do đó, cuộc sống càng giản dị nhiều chừng nào thì cái tham sẽ ít đi nhiều chừng nấy. Càng ít mong cầu thì cái tham sẽ càng giảm đi. Cuộc đời sẽ bớt sóng gió.
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy chúng sanh như thế! Và chính Ngài cũng đã sống với cái gương đó, đã bỏ đi tất cả những xa hoa của cuộc sống đế vương, để sống một cuộc đời rất giản dị, mà một khi đã giản dị rồi thì còn gì để tham cầu nữa!
Cho nên người tu tập phải biết nhận ra được cái gì mình muốn, cái gì mình cần. Điều mình muốn, điều mình cần có phải là thật sự mình muốn, thực sự mình cần hay không? Nếu không thực sự muốn, không thực sự cần, thì mình sẽ cảm thấy ít bứt rứt khi không đạt được điều mình muốn. Chữ THAM dính liền với chữ MUỐN. Cho nên bỏ bớt đi chữ Muốn xuống thì chữ THAM sẽ không còn cục đá treo ở dưới, tức khắc sẽ nổi lên. Như vậy sẽ dễ dàng hơn để vớt nó lên và quẳng nó ra xa.
Tu tập là phải nhìn xem những mong cầu của mình nằm ở chỗ nào? Không phải là ai cũng Tham Tiền, có những kẻ Tham Tình, có người Tham Vật Chất, kẻ này thì Tham Quyền, kẻ kia thì Tham Lợi, Tham Danh ... do đó mà mình phải thành thật coi cái nọc của mình nằm ở chỗ nào để mà bắt đầu quá trình tu tập từ ngay điểm đó.