Trái lại, nếu một kẻ làm điều sái quấy, có tâm xấu ác, giỏi che đậy, tưởng rằng chỉ có chính mình mới đối diện với việc làm không tốt đẹp của mình, không ai biết để khiển trách, để ngăn cản; họ tha hồ thỏa mãn tự ái của họ. Họ đã lầm to! Chính họ đã tạo cho mình một ác nghiệp từ ở Tâm, và chính “tâm quái ác” mới chiêu cảm biến động.
Trong một vùng đất mà có quá nhiều nhưng kẻ như thế thì khó lòng có sự an bình bao phủ vùng đất đó được.
Người người phải cùng nhau tiếp tay ngăn chận biến động bằng cách tư duy trên những lời Pháp để tư tưởng của mình, hành động của mình hướng thượng, giùi mài Tâm - Ý - Tánh để dừng bước, không tiếp tục tạo nghiệp lực.
Nói tóm lại, chúng sanh cần phát tâm, và thành tâm tu tập để sửa đổi, biến cải thành người tốt đẹp. Khi đó, với ánh hào quang mà người đó có được do công năng tu tập một cách chân chính, sẽ bao che, chẳng những cho chính bản thân họ mà còn cho những người chung quanh họ nữa.
Câu “nhất nhơn thành đạo cửu huyền thăng” là một câu nói rất hạn hẹp, chỉ diễn tả trong giới hạn của một cá nhân. Nơi đây, câu nói đó phải được hiểu rộng ra là “nhất nhơn thành đạo, cả vùng đều yên”.
Một người biết tu tập đúng nghĩa sẽ có thể làm giảm đi cường độ của biến động rất nhiều và đem lại sự An Bình cho cả một vùng đất. Do đó, Thầy rất mong mỏi lời Pháp bay xa để mọi người cùng tiếp nhận, cùng tư duy, cùng phát tâm và thành tâm tu tập, đó cũng là một cách góp phần vào việc cản đi sức tấn công của biến động.
Việc tu tập chân chính là một tấm chắn vững chắc, ngăn chận những điều không hay xảy tới từ những biến động.
Rồi đây con sẽ thấy còn trùng trùng điệp điệp biến động kéo đến, không giản dị như vậy đâu!
Tâm “quái ác” của chúng sanh đã chiêu cảm biến động thì cũng chính tâm “Từ - Bi - Hỷ - Xả” của chúng sanh mới có đủ khả năng làm tiêu đi biến động mà thôi.