• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Vô Tình Chúng Sanh

Jul 09 2020

Kính bạch Sư Phụ,

Có lần Sư Phụ nói rằng, có 2 loại Chúng Sanh trong cõi Ta Bà. Con đã biết qua Hữu Tình Chúng Sanh gồm có Người và Thú Vật. Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ, loại Chúng Sanh thứ 2 là gì? Họ từ đâu đến? Họ có mối tương quan như thế nào với Hữu Tình Chúng Sanh? Họ có Trí Huệ hay không? Họ có bị chi phối bởi Nghiệp Lực hay không?

Loại chúng sanh này mang tên là Vô Tình Chúng Sanh, hoàn toàn không giống với Hữu Tình Chúng Sanh, không có trí huệ, mà cũng không có nghiệp lực!

Các chúng sanh này bao gồm cỏ cây, hoa lá, núi rừng, sông ngòi, ao rạch, biển cả ... gồm tất cả những gì tạo thành cái môi trường bao bọc, chở che cho các Hữu Tình Chúng Sanh.

Vô Tình Chúng Sanh cũng có một tình cảm, nhưng cái tình cảm đó không giống như cái tình cảm của con người mà là một thứ tình cảm đặc biệt. Một bụi cây, một khóm hoa vẫn có cái "hồn" của bụi cây đó, của khóm hoa đó, nhưng, nếu đem so sánh để nói rằng nó giống như cái hồn của một con người thì không đúng, mà đây chỉ là một sự “cảm nhận” của cái bụi cây, của khóm hoa, chớ không phải là cái sức sống của một Thần Thức.

Khi có bàn tay ve vuốt, có một sự chăm sóc, nâng niu, sẽ thấy rằng, cái bụi cây đó, cái khóm hoa đó càng ngày càng xanh tươi và phát ra một sức sống. Sức sống đó hiện rõ bằng cách nào? Bằng cách đâm chồi nảy lộc, mọc thêm lá, mọc thêm nhánh và ra hoa thật đẹp. Nó thuộc về một “cảm giác” nhiều hơn!

Tuy nhiên, đối với loài Người, thì loài Người chỉ cảm nhận được cái sức sống đó qua cái hình ảnh của một bụi cây mọc lên tươi tốt, cho ra lá đẹp, cho ra hoa đẹp, đặc biệt chỉ có Chư Thần là mới có sự giao cảm với cái sức sống đó mà thôi.

Vô Tình Chúng Sanh thuộc về một cảnh giới khác, cảnh giới đó không có những tương quan nghiệp lực giống như là cảnh giới Người; vì các Chư Thần cai quản người và thú vật cùng núi non, sông ngòi, hoa lá, cỏ cây ở trong một vùng, nên cảnh giới đó trực thuộc quyền cai quản của các Chư Thần.

Sư Phụ đã nói rằng, “chỉ có Chư Thần mới có thể giao cảm với Vô Tình Chúng Sanh”. Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích rõ hơn để con có thể thấu đáo được ý nghĩa của câu nói đó.

Việc trước tiên là thầy sẽ đề cập đến lòng từ mẫn của Chư Thần. Dưới tay của Chư Thần có biết bao nhiêu Chúng Sanh gồm Người lẫn Thú, bên cạnh đó là Loài Vô Tình. Thông hiểu được tâm tư của loài người, loài thú, đó là việc rất dễ dàng đối với Chư Thần. Ngoài ra, Chư Thần còn am tường luôn cả cái linh hồn ở trong những gì mà loài người cho là “bất động”.

Nhờ ở lòng từ mẫn mà Chư Thần sẽ cảm thông được sự rên xiết của một dòng sông, của một con suối, hiểu được sự nhọc nhằn của từng khe nước nhỏ phải xuyên qua những kẹt đá hay phải leo lên trên từng phiến đá to. Chư Thần thấu hiểu một cách rõ ràng sự đau khổ của một tảng đá trơ vơ, chịu đựng sức nóng, sức gió, chịu đựng những cơn mưa bão đánh tạt vào, ngoài ra còn những nỗi đớn đau khi bị người đục đẽo, cắt gọt.

Rồi thì những thân cây tơi tả dưới gót chân người, những thân cây bị dẫm nát dưới sức nặng của loài thú… tất cả những hình ảnh, những tiếng động, tiếng rên xiết, tiếng buồn la, tiếng reo vui, tiếng gào thét, tiếng thì thầm, đồng diễn tả cái Tình Cảm của những “vật vô tri bất động”; trước mắt của con Người thì hoàn toàn không có ý nghĩa, nhưng Chư Thần thì hiểu được, cảm thông được hết từng tiếng rên xiết, reo vui, réo gọi của sức sống trong những vật bất động đó.

Cho nên, thiếu Lòng Từ Mẫn, Chư Thần sẽ không có được một sự hòa nhịp với tất cả những khung cảnh chung quanh mình.

Nếu vị Thần cai quản vùng đất của mình có lòng từ mẫn, luôn luôn đặt sự thương yêu, trìu mến, lo lắng vào từng bụi cây, từng tảng đá, từng con suối, con rạch nhỏ thì nơi vùng đó, loài người sẽ thấy rằng, tất cả hoa lá đều xanh tươi, rất là đẹp đẻ và luôn luôn ngời sáng, rực rỡ. Đến một nơi nào mà nhìn thấy được mọi thứ như có một sức sống, thì phải hiểu rằng, vị Thần cai quản vùng đất đó đã có một sự “tương thông” với tất cả những Loài Vô Tình ở nơi đó.

Loài Người, loài Thú được đặt dưới quyền cai quản của các Chư Thần, nhưng, những Loài Vô Tình cũng trực thuộc quyền cai quản của các Chư Thần. Khi một con suối cất tiếng reo vang, cỏ cây xạc xào như đang hát một bản Tình Ca, hoa lá nở rộ tốt tươi, khoe sắc thắm, khiến cho Chư Thần hứng khởi khi cảm nhận được cái tình cảm hân hoan đó, một sự tương thông giữa cỏ cây hoa lá cùng với Lòng Từ Mẫn của Chư Thần sẽ giữ mãi cái nét đẹp thiên nhiên đó để tạo dựng một bức tranh sống động trước cặp mắt chiêm ngưỡng của bất cứ ai đi ngang qua vùng đất đó.

Đến một nơi nào mà người Đời nhìn thấy sự đìu hiu, hoang tàn, xơ xác thì phải hiểu rằng, vị Thần cai quản vùng đất đó đã thiếu Lòng Từ Mẫn đối với những vật ở chung quanh đây. Người chủ đã không có một sự khen ngợi, cổ võ, hoan hỷ đối với cấp dưới của mình thì tất cả sẽ có một sự ngăn cách hẳn hòi và cũng không có một sự phối hợp, tương giao để làm cho sức sống được gia tăng, được sôi sục lên.

Đây là Thầy nói đến một khung cảnh hoàn toàn Thiên Nhiên, không có bàn tay của Loài Người va chạm vào.

Kính bạch Sư Phụ,

Như vậy thì Lòng Từ Mẫn của Chư Thần sẽ tạo một ảnh hưởng như thế nào đến sự bộc phát của những núi lửa?

Tâm của Chúng Sanh trong vùng ảnh hưởng rất nhiều đến sự bộc phát của núi lửa!

Nếu Tâm của Chúng Sanh trong vùng là một Tâm Lành, luôn ca ngợi cảnh đẹp, ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi sức sống của tất cả những vật Vô Tình ở chung quanh, khiến cho mọi vật đều hân hoan, đều vui vẻ, hoan hỷ, hòa hợp với nhau, như vậy sẽ khó có dịp khiến cho núi lửa bộc phát lên.

Núi lửa bộc phát chứng tỏ một sự sân hận quá lớn, mà sự sân hận đó xuất phát từ nơi đâu? Từ nơi Hữu Tình Chúng Sanh và đã ảnh hưởng đến những Chúng Sanh Vô Tình.

Nếu vị Thần cai quản vùng đó lúc nào cũng đem cái Lòng Từ Mẫn của mình để ve vuốt, làm cho mọi việc được nhẹ nhàng, được tốt đẹp, thì các Chúng Sanh Hữu Tình chung quanh đó dù có làm những điều sai trái, xúc phạm đến các vị Thần trông coi cái núi lửa đó, nhưng với sự sắp xếp, dung hòa của vị Thần cai quản, mọi việc cũng sẽ trở nên ổn thỏa.

Có người bảo với con rằng, họ nghe được đá nói chuyện với họ, hoặc là họ cảm nhận được cây cỏ muốn cái này, muốn cái kia. Thật ra, con đã cho rằng điều này nghe hơi vô lý, nhưng bây giờ, với sự giảng giải của Sư Phụ thì con hiểu rằng, sự cảm nhận của họ là đúng, họ không biết rằng, họ đã giao cảm được với Vô Tình Chúng Sanh, họ chỉ thuần biết rằng đã nghe và nói chuyện được với cỏ cây, đất đá mà thôi.

Không có bất kỳ một cái gì trong Thiên Nhiên mà không có một cảm giác, chỉ vì người đời không cảm nhận được mà thôi, muốn cảm nhận được phải giữ Tâm rất Bình! Cho nên Thầy đã nhắc nhở rất là nhiều lần, Chúng Sanh muốn cái gì cũng được cả, muốn nghe, muốn thấy, muốn biết... nhưng với điều kiện là phải giữ Tâm Bình! Tâm phẳng lặng, không lay động như một tờ giấy, thì dù cho cơn gió thật ... thật nhẹ, tấm giấy đó vẫn rung, dù cho tiếng kêu rất ... rất nhỏ, cũng vẫn xuyên thấu qua tấm giấy giữ yên.

Cho nên, muốn thấu hiểu được tất cả tâm tình của Loài Vô Tình, bắt buộc phải giữ Tâm Bình. Tâm còn loạn động, lúc nào cũng chao đảo không ngừng, sẽ khó lòng nhìn thấy, nghe thấy bất kỳ cái gì; nếu sóng không ngừng lay động thì mặt nước sẽ không phẳng lặng, không đứng yên được, và như vậy sẽ khó lòng mà nhìn được xuyên qua tận đáy của lòng sông hay của ao hồ, biển cả.

Kính bạch Sư Phụ,

Loài Vô Tình đã đóng góp rất nhiều trong việc tạo nên cái Môi Trường để chở che, bao bọc cho các Chúng Sanh Hữu Tình. Chính cỏ cây, hoa lá, rau củ mới là vật chính yếu đã nuôi sống Loài Hữu Tình từ bao nhiêu ngàn năm nay. Sông ngòi, biển cả, ao hồ, rạch suối đã là cầu nối giúp cho loài người tiến sát lại gần nhau, để thắt chặt sợi dây thân ái và tương trợ, cùng trao đổi và chia sẻ sự hiểu biết, những sáng kiến, những tư tưởng, cũng như những sản phẩm của từng địa phương hay từng quốc gia.

Như vậy, loài Người phải đối xử như thế nào là hợp lý với Loài Vô Tình để có được một sự tương hợp lâu dài và đem lại một lợi ích tối đa?

Loài Người có một tánh xấu là, cái gì mà mình thích, cũng đều muốn đem về làm của riêng. Thấy một cái hoa đẹp thì hái, thấy một cái cây đẹp thì bứng, thấy một tảng đá đẹp thì mang về, nếu tảng đá thuộc về loại đá mà mình thích, mình vừa ý thì bắt đầu đục đẽo. Nói chung, Vô Tình Chúng Sanh tạo nên một khung cảnh, tất cả những Vô Tình Chúng Sanh phối hợp lại sẽ tạo nên một khung cảnh hoặc hữu tình, hoặc không hữu tình. Được cho là hữu tình khi nó vừa mắt của loài Người, nhưng, khi không vừa mắt của loài Người, nó mặc nhiên trở nên không còn hữu tình nữa.

Loài người mang một tánh tham sẵn có, với cái tập khí tham của mình, cái gì thích là cứ chiếm đoạt, chiếm hữu, làm của riêng của mình. Cho nên, có những nơi trước kia là một khung cảnh rất hữu tình, có một sự hòa hợp giữa tất cả cỏ cây hoa lá, núi rừng, nhưng vì tánh tham lam của loài người, nay nó bỗng trở thành xác xơ, nó xác xơ vì nó không còn một sự phối hợp đầy đủ như lúc trước nữa, chớ không phải xác xơ vì thiếu Lòng Từ Mẫn của các Chư Thần!

Loài Người vì không cảm nhận được những cảm giác xuất phát từ ở loài Vô Tình, cho nên không nhận ra được tiếng kêu đau thương, hoặc là một sự trì kéo khi những loài Vô Tình đó không muốn rời xa cái nơi mà chúng đã an trụ từ bấy lâu nay. Loài người có khi phá vỡ một sự hòa hợp của khung cảnh này hay thích tạo dựng một khung cảnh khác, lúc nào loài người cũng muốn nhúng tay vào để làm chủ, để cai quản tất cả những thứ trong tầm tay của mình mà không bao giờ nhận chân ra được sự đồng ý hay không đồng ý của những vật Vô Tình ở trong khung cảnh đó. Chỉ vì loài người không thấy, không nghe, không biết, không hiểu được cái cảm giác của những vật Vô Tình ở trong một khung cảnh, nên đã thẳng tay phá hủy rất ... rất là nhiều những khung cảnh, mà mỗi khung cảnh là một sự phối hợp hài hòa của rất nhiều vật Vô Tình.

Điểm cần đề cập trước tiên chính là sự PHÁ RỪNG. Mỗi một cái cây trong rừng đều có một “linh hồn” và mỗi một cái cây đều cảm nhận được một sự đau đớn khi nó bị chặt phá. Tuy nhiên, nếu sự chặt phá đó đem lại một lợi ích cho Chúng Sanh ở trong vùng thì vẫn còn có thể chấp nhận được. Có những sự phá rừng một cách bừa bãi, không phải để cho sự lợi ích của Chúng Sanh trong vùng đó mà là cho quyền lợi của người đốn cây, rồi thì cây ngã xuống không đúng ý được bỏ đó để đi đốn cây khác và cứ liên tục ... liên tục như thế. Nếu người đó có thể nghe được tiếng kêu đau thương của từng cây ngã xuống, rồi từng tiếng kêu ... từng tiếng kêu ... tất cả những tiếng kêu đó đồng thanh cất lên một lượt, e rằng họ không bao giờ dám quay trở lại khu rừng đó nữa.

Có những kẻ vì quyền lợi của bản thân mình, đã phá rừng, phá núi và đào xới, làm tan nát cả một khu rừng, nhưng sau đó cũng không có một kế hoạch lợi ích nào cả, chỉ phá tác rồi thôi!

Cũng có những kẻ không chùng tay khi thảy diêm quẹt xuống đống cỏ khô, gây tạo một cảnh cháy rừng có khi lên đến hằng trăm ngàn mẫu rừng, thiêu rụi không biết bao nhiêu loài thú rừng trong đó, hàng hàng lớp lớp Vô Tình Chúng Sanh đã xóa hẳn sự hiện diện của mình theo ngọn lửa, tạo nên một sự hoang tàn, xơ xác.

Đó là chưa kể đến vai trò của cây rừng cùng cỏ cây hoa lá trong cái bối cảnh của một khu rừng đã giúp cho loài người ngăn chận lụt lội từ thượng nguồn sông ngòi, ao hồ, biển cả, đổ tràn xuống đồng bằng, gây biết bao nhiêu thiệt hại cho Chúng Sanh nơi đó.

Đồng ý rằng với đà gia tăng dân số, loài người cần có đất, cần có chỗ để cất nhà làm nơi trú ngụ, cũng cần phải xây dựng để phát triển khu thương mại, nhà thương, trường học cũng như hạ tầng cơ sở ... nhưng, không thể nào đập phá, chặt đốn một cách bừa bãi. Cây rừng cứ ngã mà không cần biết sẽ phải làm gì? Không có sẵn kế hoạch trong tay, không có bản đồ để định vị trí của từng công trình xây dựng, cho nên có đôi khi phá rừng quá lố, không cần thiết, cũng như không định liệu để chừa lại một số cây rừng tô điểm cho cái khung cảnh của một kiến trúc vừa mới tạo dựng.

Dù rằng từ cỏ cây hoa lá cho đến núi rừng, sông ngòi, ao hồ, biển cả, chí đến một con suối nhỏ, một lạch nước uốn quanh, cũng đều có một cảm giác, nói nôm na là một “linh hồn”, nhưng, nếu có phải bị xâm phạm, cũng không đem đến một sự thiệt thòi có thể nhìn thấy được như là một Linh Hồn ở trong một thân xác Con Người. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo môi trường mà tất cả cỏ cây hoa lá, sông ngòi, ao rạch đó đã phối hợp lại để tạo nên một khung cảnh, hay một địa thế, hoặc một rào cản ngăn chận sự ùa vào của làn sóng người hay của thiên tai bão lụt.

Loài người cũng phải nhận chân ra được rằng, sự hiện hữu của tất cả những loài Vô Tình là để phục vụ cho lợi ích của loài người, vì vậy, đừng lạm dụng và cũng đừng hoang phí nó. Một nhát búa đưa xuống hay một cái cưa chuyển động cũng vẫn tạo nên cái cảm giác đau đớn cho loài Vô Tình!!

Cây cỏ mọc lên cũng là để giúp ích cho loài người, hoặc ăn uống, hoặc để chữa bệnh, hoặc để sử dụng vào việc làm một cái gì đó. Cho nên, loài người khi sử dụng những cây cỏ, nên tạo một tình thân ái với cây cỏ vì cây cỏ vẫn thông cảm được với tình cảm của con người. Tiếng nói là Loài Vô Tình có Linh Hồn, nhưng thật sự ra nó không giống như Linh Hồn trong một thân xác con người, tiếng Linh Hồn đó là một sự diễn tả rằng, tất cả những vật Vô Tình đều có một Cảm Giác, nếu Loài Người sử dụng những vật Vô Tình đó vào một việc ích lợi thì các vật Vô Tình đó đều rất hoan hỷ, nhưng, nếu Loài Người sử dụng các Vô Tình Chúng Sanh này trong những trường hợp kém lòng thương yêu và bất cần, thì sẽ nhận được những tiếng kêu gào từ ở các vật Vô Tình đó.

Chỉ có vị Thần cai quản vùng đất đó mới có thể thấu hiểu được cái tình cảm của cỏ cây hoa lá, của sông ngòi, ao rạch chung quanh đó mà thôi, còn loài người vì không cảm nhận được, cho nên dễ dàng phá tác và vầy vò, làm đau đớn tất cả những Vô Tình Chúng Sanh. Đó là điều phải nên tránh. Khi cần thiết thì mới làm, khi không cần thiết thì không nên làm và khi loài người tỏ dạ thương yêu, khen ngợi thì các Vô Tình Chúng Sanh đều có một sự đáp lại rất rõ ràng.

Loài người đừng tưởng rằng chỉ có mình là “động”, tất cả chung quanh đều “bất động”, không phải vậy đâu! Tất cả mọi vật chung quanh mình cũng đều động hết, nhưng có điều rằng, khi có sự hòa hợp giữa 2 cái động thì sức sống sẽ hiện lên trong khung cảnh, còn nếu không có sự hòa hợp, sẽ nhìn thấy một sự hoang tàn, xơ xác. Cho nên loài người phải thận trọng rất nhiều đối với tất cả mọi vật xem như bất động ở dưới chân của mình, thật ra nó không bất động đâu, thấy bất động nhưng không bất động!

Kính bạch Sư Phụ,

Một Vô Tình Chúng Sanh có bao giờ trở thành một Hữu Tình Chúng Sanh không? Và có một sự tương quan gì hay không giữa 2 loại Chúng Sanh này ?

Hai Thế Giới hoàn toàn khác biệt nhau! Từ ngữ “Linh Hồn” được dùng là để cho dễ hiểu, chớ thực sự ra đó là Sức Sống, nhưng sức sống đó cũng có tình có tưởng chớ không phải chỉ là một sức sống đơn sơ mà thôi.

Nếu ương một cái cây, khi cây mọc lên rồi, nếu mình chuyện trò thân mật, xem cái cây như người bạn của mình, nâng niu chăm sóc từ chút một thì cái cây sẽ phát triển rất nhanh, rất lẹ, và rất đẹp.

Cắt một cái hoa hay cắt một cái lá cũng vẫn không làm cho cái cây bị thương tích vì hoa này cắt rồi, hoa khác lại trổ thêm, lá này cắt rồi, lá khác lại mọc ra. Có điều rằng, nếu khi làm công việc đó mà tâm tư bực dọc, lòng đầy sân hận, có khi tỏ dạ không vừa ý với hoa, với lá của cái cây, vừa cắt hoa, cắt lá, tỉa cành mà miệng làu bàu những lời thiếu mỹ cảm, thì có thể rằng không bao lâu, cái cây sẽ héo úa.

Nếu ngược lại, sau khi cắt tỉa một cái cây, cây được vun bồi lại, được thêm phân, tưới nước, được nâng niu trìu mến, thì hoa lá cành sẽ mượt mà và đẹp hơn lên. Đó chính là một sự phối hợp giữa cái cảm giác của cái cây với cái tình cảm của người ra công chăm sóc cho cây. Sự phối hợp đó đã tạo nên một sức sống mãnh liệt làm cho cây vươn cao lên và tốt đẹp hơn lên.

Trong đời sống hằng ngày, việc gặt hái cây trái, rau củ do mình trồng trọt để nuôi thân, đó là một việc rất bình thường. Ngay cả những loài Vô Tình ở chung quanh mình, nếu cần phải sử dụng cho sự sống thì cũng không có gì đáng quan tâm. Tuy nhiên, một sự phá tác một cách vô lý, một sự hủy hoại vô duyên cớ là điều tuyệt đối không nên làm, vì đó chính là một sự phá hoại Môi Trường.

Nói về mối tương quan giữa 2 loài Hữu Tình và Vô Tình thì, 2 cái từ trường đó có thể giao nhau được.

Một người đứng trước một khung cảnh xanh tươi, tốt đẹp đã hoan hỷ thốt lời khen ngợi và tỏ lòng biết ơn những cây cỏ hoa lá trong vùng; từng cụm hoa, từng bụi cây, từng phiến đá, từng viên sỏi nhỏ, từng con suối quanh co uốn khúc chảy quanh những hàng cây xanh rì, rợp bóng... tất cả mọi thứ đã hòa hợp với nhau thật là đồng điệu và tạo nên một khung cảnh rất là hữu tình, rất là diễm lệ, khiến cho lòng người ngây ngất trước một cảnh đẹp, và người đó đã tỏ dạ ghi ơn những Vô Tình Chúng Sanh nơi đó. Điều này rất là quan trọng vì xem như là một sự khuyến khích các Vô Tình Chúng Sanh nơi đó gia tăng sức sống của mình.

Tuy rằng chúng là vật vô tri, nhưng chúng cũng vẫn muốn sống, do đó, cái sức sống đã sẵn có cộng thêm sự muốn sống, sẽ làm cho loài Vô Tình có một cái chủ thể ở trong đó.

Cho nên, loài người cần phải suy nghĩ lại mỗi khi mình muốn phá hủy bất kỳ một vật gì thuộc về Vô Tình Chúng Sanh, cần phải hiểu rằng, điều tôi làm có đem lại lợi ích cho mọi người hay không? Nếu không đem lại lợi ích cho mọi người mà chỉ đem lại lợi ích cho bản thân tôi thì cái lợi ích đó là một lợi ích như thế nào?

Tôi bắt buộc phải đốn cây để có được một khoảng đất trống cất cái nhà làm chỗ nương thân, (điều đó có thể chấp nhận được), nhưng, trước khi làm công việc đó cũng phải nên có lời diễn tả với tất cả những cái cây mà mình phải đốn vì cây nhỏ thì sức sống nhỏ, cây lớn thì sức sống lớn, cho nên lúc nào cũng vẫn phải tương kính, đừng lấy oai quyền của một con Người để mà hành xử theo ý muốn của mình. Đó là một sự bất công dù rằng việc mình làm không thuộc về Người đối với Người mà là đối với một vật bất động, nhưng không bất tri.

Do đó mà loài người sống trong cõi này cần phải có một sự tương kính, một sự tôn trọng chẳng những đối với Người mà còn đối với tất cả mọi Loài Sinh Vật chung quanh mình. Không thể nào dùng cái quyền làm Con Người để thẳng tay đập phá, hủy hoại tất cả những gì mà mình không ưa thích.

Mình không sống đơn độc, mà sống với Đồng Loại của mình. Mình không sống nơi hoang dã, mà sống với sự hỗ trợ của loài Vô Tình, chung quanh mình là cỏ cây hoa lá, là nguồn thực phẩm nuôi sống mình, giúp mình qua cơn bệnh hoạn. Mình không sống lẻ loi, sông ngòi, ao rạch, biển cả là những con đường giúp cho mình gần gũi với những người chưa từng quen biết, chưa từng giao tiếp.

Từng ngọn rau, tấc đất, từng cỏ cây, hoa lá, từng ngụm nước suối trong lành, mát rượi, từng bóng cây rợp mát, từng hang động che chở nắng mưa ... v.v... tất cả đã xoay quanh để chở che, bảo vệ loài người từ thuở sơ khai. Ngày hôm nay, sau bao nhiêu đợt tiến hóa, loài người đã tiến đến một nền văn minh cao tột, điều này không có nghĩa là loài người đã tách rời hẳn loài Vô Tình, mà trái lại, loài người vẫn còn phải thắt chặt mối tương quan với Loài Vô Tình, nếu loài người tha thiết quan tâm đến MÔI TRƯỜNG SỐNG của mình.


+ 87