• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Quán Tưởng

Jan 21 2016
64848172 64848172

Kính bạch Sư Phụ,
Sư Phụ thường hay căn dặn: trì Chú hay niệm Phật lúc nào cũng phải đi kèm với quán tưởng.
Kính
xin Sư Phụ từ bi giải thích rõ ràng để cho người sơ cơ mới bước chân vào đường tu tập hiểu rõ thế nào là quán tưởng? Và cách thức quán tưởng ra làm sao?

Đối với một người mới bước chân vào việc tu tập, từ ngữ “Quán Tưởng” có vẻ mù mờ, khó hiểu. Thầy đơn cử thí dụ sau đây để cho dễ hiểu hơn:

Người A có một người thân rất là thương mến. Người A muốn người thân này luôn luôn ở cạnh bên mình.

Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, người thân đó không thể hiện diện bằng xương bằng thịt được, người A chỉ có thể thỏa lòng mong ước của mình qua hình ảnh mà thôi.

Người A sẽ đặt tấm hình của người thân trước mặt mình, cứ mỗi 5 phút, 10 phút người A lại nhìn vào hình một cách chăm chú, thu trọn hình ảnh của người thân vào trong tâm mình.

Lần lần, sau nhiều ngày, hình ảnh của người thân đã chiếm trọn tâm tưởng của người A, dù nhắm mắt lại hay mở mắt ra, hình ảnh của người thân vẫn hiện rõ ràng ở trước mặt.

Cũng trong cùng một ý niệm đó, thầy áp dụng vào việc TRÌ CHÚ và việc NIỆM PHẬT.

Quán Tưởng Khi Trì Chú

Trong một bài nói về Trí Huệ, Hào Quang Phát Sáng, Thầy đã nói rằng: bất kỳ câu thần Chú nào cũng đều kèm với ánh hào quang. Ánh hào quang đó chính là cái Trí Huệ mà Chư Phật và Bồ Tát muốn ban cho Chúng Sanh. Trước khi trở thành Trí Huệ, bản chất nguyên thủy của nó là hào quang.

Người tu tập trước tiên đặt trước mặt mình một tấm hình chụp cái hào quang hoặc bất cứ vật gì có hình dạng của hào quang.

Phải tập nhìn thật lâu, thật chăm chú vào cái hình ảnh hào quang, nhãn quan thu trọn hình ảnh của hào quang và đặt vào trong Tâm Thức cho đến khi Tâm Thức khắc ghi được hình ảnh của hào quang. Ngũ căn của một người có sự liên lạc chặt chẽ với Tâm Thức.

Nhìn hình ảnh của hào quang thật lâu, không chớp mắt khoảng 10 giây, ngó nơi khác chớp mắt, cho mắt nghỉ ngơi 10 giây, xong ngó trở lại hình chăm chú trong 10 giây, rồi lại cho mắt nghỉ. Làm động tác đó liên tục khoảng 5 phút, sau đó nghỉ ngơi. Độ 10 phút sau trở lại cũng nhìn hình khoảng 5 phút, rồi nghỉ ngơi 10 phút.

Dây động tác này làm được nhiều hay ít tùy vào thời giờ rỗi rảnh trong ngày của người tu tập, và được tiếp diễn liên tục trong nhiều ngày cho đến khi nào người tu tập nhắm mắt lại, thấy được hào quang hiện rõ trong đầu mình.

Thời gian ngó chăm chú vào hình ảnh của hào quang, không chớp mắt trong 10 giây, lần hồi có thể gia tăng đến 15 giây hoặc 20 giây tùy sức chịu đựng của đôi mắt của mỗi người.Thời gian ngó chăm chú vào hình ảnh của hào quang bằng với thời gian cho mắt nghỉ ngơi.

Nếu ngó chăm chú vào hình trong 15 giây thì thời gian cho mắt nghỉ ngơi cũng là 15 giây. Nếu ngó chăm chú trong 20 giây, sẽ cho mắt nghỉ ngơi 20 giây.

Khi mở mắt mà đầu vẫn liên tưởng ánh hào quang, mắt ngó thẳng, không nháy mắt, cố gắng giữ hình ảnh của ánh hào quang trong đầu, lần lần hình ảnh của ánh hào quang sẽ từ từ hiện ra ở trước mặt mình với đôi mắt mở.

Đối với người mới bước vào đường tu tập, để tập quán tưởng, hãy nên nhắm mắt lại để dễ dàng nhìn thấy được hình ảnh của hào quang. Khi mình đã quen thuộc rồi, lúc đó hãy mở mắt để quán tưởng.

Quán tưởng với đôi mắt mở, hành giả bắt buộc phải chăm chú rất nhiều, ngó thẳng và phải chú ý triệt để, nhất tâm đưa hình ảnh của ánh hào quang từ trong Tâm Thức ra ngoài.

Đôi khi có người không chịu đựng được sẽ bị nhức mắt, bị chảy nước mắt, cảm thấy khó chịu.

Cho nên, việc quán tưởng phải nên tập từ từ, mỗi lần một chút, đừng ham muốn vội vàng sẽ hỏng chuyện.

Bước đầu, sau khi đã đưa được hình ảnh hào quang vào Tâm Thức rồi (tức là nhắm mắt lại là có thể thấy hào quang trong đầu), hãy cứ nhắm mắt để quán tưởng cho dễ dàng hơn.

Tất cả những cách thức vừa nói trên chỉ mới là giai đoạn quán tưởng không có kèm theo trì Chú.

Phải tập luyện quán tưởng hình ảnh của hào quang cho thật là thuần thục. Sau khi cảm thấy công việc này trở nên dễ dàng rồi, lúc đó mới vừa quán tưởng hào quang, vừa trì Chú.

  1. Ngồi ngay ngắn, giữ Tâm Bình, không Tâm Viên Ý Mã, nhắm mắt và tưởng tượng hào quang hiện ra trong đầu mình. Nếu Tâm không Bình, hình ảnh của hào quang sẽ không hiện ra liên tục và hành giả cứ phải trở đi trở lại điểm bắt đầu của việc quán tưởng.
     
  2. Khi đã quán tưởng một cách trơn tru, nhuần nhã ánh hào quang ở trong Tâm Thức của mình rồi, hành giả sẽ dùng Ý để ra lịnh cho ánh hào quang sáng rực lên … sáng rực lên.

    Công việc đó phải làm rất là từ tốn, từng bước một, không hối hả được. Nếu quá vội vàng sẽ cảm thấy nhức ở mắt, nhức ở hai bên thái dương.

    Mỗi lần quán tưởng như vậy tối đa chỉ 30 giây (1/2 phút), không nên hơn, sau đó mở mắt ra để cho mắt nghỉ ngơi, đầu thư giản.

    Độ 5 phút hay 10 phút sau tập trở lại, cho đến khi mình không còn cảm thấy bó ở đầu, bó ở trán, bó ở thái dương, không còn bị nhức ở mắt nữa. Lúc đó xem như mình đã thành công trong việc quán tưởng ánh hào quang.
     
  3. Khi đã hành trì một cách dễ dàng việc quán tưởng ánh hào quang, hành giả bắt đầu vừa quán tưởng vừa kèm theo câu thần Chú.

    Hào quang từ Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn phát ra rất là chói chang. Nếu một người trì Chú đúng cách và quán tưởng đúng cách, hào quang của Lục Tự Đại Minh sẽ cỡi lên hào quang của Từ - Bi - Hỷ - Xả từ ở Tâm Thức, đưa người trì Chú ngập chìm trong biển hào quang.
     
  4. Sau một thời gian quen thuộc với việc vừa trì Chú, vừa quán tưởng ánh hào quang, hành giả bắt đầu: vừa trì Chú, vừa đưa ánh hào quang xuống người mình; quán tưởng hào quang chạy đều trong cơ thể của mình để hào quang phối hợp với chân khí khiến cho khí đó rực sáng lên, trở thành một vòng hào quang bao phủ khắp châu thân của người trì Chú.

    Sau một thời gian trì Chú (khoảng từ 10 đến 15 phút), hành giả sẽ cảm thấy người ấm lên và lần lần nóng ran. Độ nhanh hay chậm của cảm giác này tùy thuộc vào người trì Chú khi đó có nhất tâm hay không? Có giữ được tâm bất loạn động hay không trong lúc trì?

Cái khí luân lưu trong cơ thể theo một vòng tròn, khí này giờ đây phối hợp với hào quang từ ở câu thần Chú nên tạo ra một vòng hào quang bao quanh cơ thể của người trì Chú.

Mỗi ngày tu tập, trì Chú, quán tưởng sẽ giúp cho cái hào quang này càng lúc càng dày thêm và phát sáng thêm lên.

Mọi việc đều phải được hành sử một cách từ tốn, không vội vã; đây là công việc của nhiều tháng, nhiều năm, không phải của một ngày, một bữa.

Nên nhớ kỹ một điều: người trì Chú phải giữ một thái độ khoan thai, buông xả, hoàn toàn thoải mái. Tuyệt đối không mang sân hận trong khi trì Chú. Nếu đã lỡ để cho sự xúc động dâng cao, tốt nhất là nên ngưng trì Chú ngày hôm đó, hoặc làm cho Tâm Thức không còn vọng động nữa, trở về với trạng thái Bình, lúc đó mới nên trì Chú.

Nếu không giữ Tâm Bình khi trì Chú, Tâm luôn bị động thì ánh hào quang từ trong Tâm Thức sẽ bị vạ lây, sẽ không tiếp tục phát sáng, do đó khó lòng hòa nhập vào chân khí để tạo nên ánh hào quang bao phủ quanh thân của người trì Chú.

Quán Tưởng Khi Niệm Phật

Có người thích niệm A Di Đà Phật, cũng có người cảm thấy rất gần gũi với Quán Thế Âm Bồ Tát và thích niệm danh hiệu của Ngài.

Dù niệm A Di Đà Phật hay Quán Thế Âm Bồ Tát, vẫn giữ nguyên tắc như sau:

Bước thứ nhất:

  1. Đặt hình của Đức A Di Đà Phật (khổ của tờ giấy viết thư hay lớn hơn cũng được) hay của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ở trước mặt mình.
  2. Nhìn thật sâu, thật kỹ vào hình để cho Tâm Thức nhiếp trọn hình ảnh của Phật hay của Bồ Tát.
  3. Cứ mỗi 5 phút hay 10 phút nhìn vào hình Phật hay Bồ Tát thật chăm chú, không nháy mắt trong khoảng 10 giây, cho mắt nghỉ ngơi 10 giây, rồi lại tiếp tục nhìn. Làm liên tục những động tác này trong 5 phút, nghỉ ngơi 10 phút, sau đó bắt đầu trở lại những động tác.
  4. Hành giả muốn làm động tác nhìn bao lâu cũng được (1/2 tiếng hay 1 tiếng, nhiều lần trong ngày, tùy vào thời giờ rỗi rảnh của hành giả).
  5. Khi nào nhắm mắt lại, thấy rõ hình ảnh của Phật hay Bồ Tát ở trong đầu, tức là Tâm Thức đã khắc ghi được hình ảnh rồi.

Bước thứ hai:

  1. Cách thức quán tưởng hào quang đã được biết qua trong phần quán tưởng khi trì Chú.
  2. Sau khi đã quán tưởng được hình ảnh của Phật A Di Đà hay của Bồ Tát Quán Thế Âm rồi, bắt đầu quán tưởng Phật hay Bồ Tát có kèm chung ánh hào quang.

Bước thứ ba:

  1. Sau khi đã thuần thục việc quán tưởng hình ảnh Phật hay Bồ Tát có kèm theo ánh hào quang, hành giả bắt đầu niệm Phật hay niệm Bồ Tát cùng một lúc với việc quán tưởng.
     
  2. Lần lần hành giả ra lịnh cho Ý làm phát sáng hào quang trong lúc Niệm Phật hay niệm Bồ Tát.
     
  3. Khi việc niệm Phật hay niệm Bồ Tát với hào quang phát sáng đã quen thuộc rồi, hành giả cũng sẽ dùng Ý để đưa hào quang phát sáng đó xuống bao phủ người của hành giả, hào quang đó sẽ phối hợp với chân khí của mình, tạo thành một vòng tròn sáng rực chứa đầy hình ảnh li ti của Phật hay của Bồ Tát.
     
  4. Việc niệm Phật cũng giống như việc trì Chú, tuyệt đối giữ Tâm Bình. Nếu Tâm bị loạn động, hào quang sẽ khó lòng phát sáng và hình ảnh của Phật hay Bồ Tát cũng sẽ biến mất.

    Đây là dịp để luyện NHẤT TÂM BẤT LOẠN, đợi đến phút lâm chung, e rằng không còn đủ thì giờ để tập luyện đâu! Còn sức lực, việc tập luyện quán tưởng khi trì Chú hay khi niệm Phật cũng đã phải mất một thời gian dài mới có thể trở thành một thói quen và xem như là một “phản xạ tự nhiên”, nói gì đến phút lâm chung, chỉ trong khoảnh khắc độ 1 hay 2 phút trước khi hắt hơi, e rằng đã quá muộn màng, việc giữ Nhất Tâm Bất Loạn khi đó là một điều “không tưởng”.
     
  5. Người tu tập hành trì đúng việc trì Chú và niệm Phật, sẽ tạo được cho mình một ánh hào quang bao phủ khắp châu thân.

    Ánh hào quang đó nguyên thủy là màu trắng. Việc tu tập với tất cả Tâm Lực và đều đặn, với nhiều công năng, qua thời gian, ánh hào quang sẽ từ từ chuyển màu, từ trắng qua vàng, rồi xanh da trời nhạt, xanh da trời đậm và cuối cùng là ngũ sắc.

    Ngũ sắc là sự tập hợp của 5 màu: trắng – vàng – xanh nhạt – xanh đậm và đỏ.

Người mới bước vào đường tu tập cần phải đi từng bước ngắn nhưng chắc chắn trong việc quán tưởng. Không hối hả, không vội vàng, nhất là không tỏ ra quýnh quáng khi thấy bạn đạo của mình thành công trong khi mình còn nhiều sơ sót.

Việc tu tập không đòi hỏi một sự nhanh hay chậm, cái chính yếu là SỰ PHÁT TÂM, phát tâm đem hết tấm lòng để tu tập, để ăn năn sám hối về những điều không tốt đẹp mà mình đã gây tạo cho kẻ khác; phát tâm sửa hết tánh xấu của mình để mãi mãi không còn cơ hội đem sự khổ sầu đến cho bất cứ một ai nữa cả.

Việc tu tập đòi hỏi người hành trì phải siêng năng, tu với tất cả tấm chân tình, không tu theo thị hiếu và không nên 01 ngày tu, 10 ngày nghỉ.

Việc tu tập đòi hỏi sự hành trì đúng đắn, việc Sám Hối – Trì Chú – Niệm Phật.

Song song là việc ĐỌC PHÁP – TƯ DUY PHÁP. Chính việc tư duy pháp mới đốt được ngọn đèn Trí Huệ rực sáng lên.

Sự thấu hiểu Pháp một cách thấu đáo không khác gì việc gia tăng Công Suất cho ngọn đèn. Công Suất càng cao, ngọn đèn càng sáng; chỉ có điều khác biệt rằng: ngọn đèn Trí Huệ có thể tiếp nhận bao nhiêu công suất cũng được cả, không giống như ngọn đèn Bình Thường, sức chịu đựng không đủ mạnh khi công suất Điện quá cao!

Nên nhớ rằng: Làm Phật SựTu Tập là hai điều hoàn toàn khác biệt nhau.

Tất cả những Phật sự được hoàn tất sẽ mang đến cho hành giả PHƯỚC BÁU. Phước Báu đó sẽ giúp cho hành giả gặp nhiều may mắn trong cuộc đời, hoặc ngay ở hiện kiếp, hoặc ở kiếp Vị Lai, nếu còn Phước dư.

Phước báu sẽ không khác gì cái dù bao che, giúp cho hành giả thoát điều hung hiểm xảy ra trong cuộc đời mình.

Việc tu tập được hành trì một cách SIÊNG NĂNG mỗi ngày sẽ mang đến cho hành giả nhiều CÔNG ĐỨC. Chính cái Công Đức đó mới làm cho toàn bộ TÂM – Ý – TÁNH ngời sáng lên, mới làm cho ngọn đèn trí huệ rực sáng thêm, mới giúp cho hành giả xóa tan lần nghiệp chướng, mới tạo cơ hội để hành giả có thể thoát kiếp Luân Hồi, sống đời An Nhiên.

Phước Báu và Công Đức nếu được hành trì song đôi thì quả thật là TOÀN BÍCH!

Dù có TÂM THÀNH nhưng lơ là với việc tu tập, cũng sẽ mất Cả Đời cũng không đi đến kết quả đâu.

Tánh siêng năng, cần mẫntrì chí là những Đức Tánh tối ư cần thiết cho việc tu tập thành công.

Từng bước chậm rãi, vững chắc liên tục, không gián đoạn, không bỏ lỡ nửa chừng, sẽ đưa người hành trì việc tu tập đến đỉnh “THĂNG HOA” lúc nào không hay!


+ 100

Những Bài Liên Quan