Lạc Pháp

Tam Độc: Sân

May 09 2014
Fizzle Sizzle - Aaron M - 40455834 Fizzle Sizzle - Aaron M - 40455834 500px

Sân là gì? Sân đúng nghĩa của nó là ngọn lửa bùng lên. Ngọn lửa này không bao giờ có cái gì có thể dập tắt nó được. Khi nó bùng lên thì tùy cường độ mà nó sẽ bùng cao hay thấp và dù cho có dập tắt nó đi, nó cũng sẽ trở lại dưới hình dạng của một đốm lửa chớ không bao giờ tắt hẳn, và đốm lửa đó sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào. Đốm lửa tuy không bùng lên nhưng vẫn mang một hình thái của ngọn lửa. Chỉ cần cho vào nó những cái gì có thể bắt lửa là tức khắc nó sẽ cháy bùng lên.

Trong cuộc sống hàng ngày, cái gì có thể làm cho ngọn lửa cháy bùng lên được?

- Gần như là cái gì cũng có thể bắt lửa cả! Hằng ngày mình phải đối đầu với biết bao nhiêu khó khăn từ nhỏ đến lớn, bao nhiêu cảnh huống từ nhẹ đến nặng, từ trong nhà ra tới công ăn chuyện làm, tới ngoài xã hội. Mỗi lần giao tế với người là tạo cơ hội cho lửa Sân có thể bùng lên.

Những cơ hội đó từ đâu tới? Tới bằng cách nào và tới ra làm sao?

- Đa phần là do lời nói. Khi nói chuyện với nhau sẽ dễ đưa đến sự tức giận giữa đôi bên.

Cái gì tạo nên sự tức giận?

- Thưa Thầy, có phải là cái tự ái của mỗi người không?

Đúng vậy! Tự Ái của một người chính là đầu mối của đốm lửa sân. Do đó từ thânkhẩu – ý, tất cả đều làm việc cho tự ái. Tự ái bùng lên, tức khắc va chạm vào thân, từ thân sẽ tiến qua khẩu trong một búng tay. Khẩu là phát ngôn nhân của Tâm, Tâm dính liền với Ý, vì vậy mà chính tự ái đã làm cho đốm lửa có cơ hội bùng cháy lên, được sự tiếp sức của thân khẩu ý, đốm lửa đó có thể bốc lên tới ngút trời xanh được.

Trong đời sống hằng ngày, trong vấn đề giao tế, ngay cả trong gia đình, sự va chạm lẫn nhau luôn xảy ra. Ngoài xã hội, mọi tiếp xúc qua lại cũng đều tạo nên sự va chạm. Dù nhẹ như sợi tóc, nhưng vì sự va chạm đó có xen lẫn với tự ái nằm bên trong, cho nên sợi tóc đó tức khắc biến thành sợi dây thừng và đủ sức để làm cho ngọn lửa bùng cháy lên. Cho nên bài học về Tự Ái, Thầy đã có nói qua rồi, hôm nay đem bài học tự ái đó lồng vào trong chữ Sân để thấy rằng chính nó đã thiêu đốt biết bao nhiêu chúng sanh, thiêu đốt không ngừng tay, trừ khi nào chúng sanh đó biết tu tập. Nhưng biết tu tập không chưa đủ, phải biết tìm hiểu nguồn gốc của nghiệp lực, của tất cả những gì đem đến sự bất lợi cho một đời người, khiến cho người đó phải chịu cảnh trầm luân trong vòng sanh tử luân hồi.

Cho nên “Tu Tập,” hai tiếng tuy đơn giản nhưng nếu không hiểu một cách tận tường thì nó sẽ không giúp ích gì được cả. Một lời niệm Phật, một câu trì Chú hay một lời kinh Phật, đều có giá trị ngang như nhau. Tuy nhiên, phải biết cách để sử dụng câu trì Chú, câu niệm Phật hay lời kinh cầu. Tất cả đều giúp cho hành giả một trí huệ, một sự sáng suốt để nhận chân ra được những gì tôi nên tránh và những gì tôi nên làm.

Người tu tập phải hiểu rõ một cách ngọn ngành cái gì phát sanh ra nghiệp lực. Nghiệp lực lôi kéo một thần thức trôi lăn mãi trong vòng sanh tử luân hồi. Phải hiểu rõ một cách tường tận, phải nhận diện một cách rõ ràng:

  • Nghiệp lực từ đâu mà tới?
  • Tới bằng cách nào?
  • Và làm cách nào để hủy diệt nó?

Do đó, người tu tập phải hiểu rõ nguồn gốc của cái gì đã tạo nên vòng nghiệp lực? Vì sự liên tục không chấm dứt của vòng nghiệp lực sẽ tạo nên vòng sanh tử.

Vì vậy phải tìm cách bứt cho được vòng sanh tử. Muốn bứt được vòng sanh tử là phải biết cách phá nghiệp lực. Cho nên Tự Ái là một điều vô cùng, vô cùng quan trọng! Như Thầy đã từng nói qua, một đứa bé dù mới chào đời vẫn có tự ái, và tự ái đó chỉ là một cái mầm, để rồi khi nó vừa biết nói, có chút ít hiểu biết là tức khắc mầm tự ái đó sẽ từ từ bung mạnh ra.

Con có thể nào chỉ cho Thầy thấy rõ tự ái của một trẻ sơ sinh hay không?

- Dạ, ví dụ như một đứa bé khi nó đòi ẵm mà mình không ẵm nó thì nó khóc thét lên, la ó, tỏ vẻ khó chịu, điều đó có nghĩa là mình đã không làm thỏa được cái tự ái của nó, tuy rằng nó còn quá nhỏ không biết tự ái là cái gì.

Đúng lắm! Vừa mới chào đời, mầm tự ái đã có trong đứa bé; khi nó vừa bắt đầu biết nói và hiểu biết là mầm tự ái đó sẽ bung ra và càng ngày càng lớn mạnh. Nếu là một đứa bé được nuông chiều từ thuở mới lọt lòng, thì mầm tự ái đó đương nhiên sẽ rất lớn mạnh trong đứa bé và lần theo năm tháng, đứa bé sẽ trở thành một con người rất ích kỷ hẹp hòi. Con cho một thí dụ rất đúng.

Ngay từ khi còn ấu thơ, tự ái của một đứa trẻ nhỏ đã biểu lộ lên như vậy rồi thì chả trách làm sao, khi nó càng ngày càng lớn thì tự ái đó sẽ càng ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Cho nên đầu mối của lửa Sân chính là Tự Ái!

Người tu tập phải biết giảm đi tự ái của mình, không bao giờ để cho nó bùng lên một cách thoải mái. Tự ái đó nếu không diệt được nó rất khó lòng tiến bước dễ dàng trên con đường tu tập. Tự ái càng cao, càng không giữ được Tâm Bình, mà tâm không bình thì Ý sẽ khởi sanh, Tánh sẽ vọng động và Nghiệp Lực sẽ nảy sinh ra!

Lửa Sân là một ngọn lửa tai hại vô cùng, đã thiêu đốt biết bao nhiêu chúng sanh từ bao nhiêu kiếp, cứ trôi lăn, trôi lăn, không chấm dứt được! Thầy muốn cho mọi chúng sanh phải hiểu rõ nguồn gốc tận cùng của Sân để mà diệt tận gốc, thì như vậy mới có thể chặt bứt được vòng sanh tử.

Lửa Sân thiêu đốt tâm tư của chúng sanh, thiêu đốt luôn cả gia đình của chúng sanh, rồi thì cả một dòng họ cũng có thể bị thiêu đốt bởi lửa Sân, rồi cả một quốc gia cũng vẫn có thể bị lửa Sân đốt cháy rụi.

Tại sao lửa Sân thiêu đốt chúng sanh?

Thiêu đốt gia đình của chúng sanh?

Thiêu đốt dòng họ của chúng sanh?

Thậm chí đến thiêu đốt cả một quốc gia?

 

Kính bạch Sư Phụ,

Trước tiên, con đề cập đến ngọn lửa Sân thiêu đốt chúng sanh, tức là thiêu đốt cá nhân của một chúng sanh. Khi ngọn lửa Sân bùng cháy, tức là Tâm của chúng sanh đó không còn Bình nữa. Tâm động đã khởi lên khiến cho nảy sinh nhiều ý tưởng không “Lành”, những ý này được sự hỗ trợ từ những Tánh Xấu bùng lên. Tâm động được thể hiện qua cái “Khẩu”. Một sự đối đáp qua lại, từ nhẹ đến nặng, tư tưởng làm việc không ngừng, ý xấu phát sinh, được sự tiếp tay của những Tánh “Bất Thiện,” từ tư tưởng biến thành hiện thực, những điều đáng tiếc xảy ra và khép kín vòng tròn nghiệp lực!

Một người đang có cái Tâm trong sáng, phẳng Bình, một lời nói có tính cách khích động Tự Ái đã là vật bắt lửa, khơi đốm lửa Sân bỗng chốc cháy phừng lên, tâm trong sáng đã bị thiêu rụi trong chớp mắt. Ngọn lửa Sân không những đã thiêu hủy Thân Tâm của họ mà còn đốt tiêu luôn thân Huệ Mạng nữa. Bao nhiêu công đức tích tụ do ở việc tu tập, trong một búng tay đã bị ngọn lửa Sân quét sạch.

Kết quả của một lần Sân hận là những việc đáng tiếc xảy ra (nếu có, đôi khi đưa đến việc gây thương tích cho kẻ khác), tự tay mình đã đóng kín vòng nghiệp lực và cũng chính tay mình đã hủy đi tất cả công trình tu tập của mình rồi!

Trong một gia đình, từ ông bà cha mẹ đến con cái, anh chị em, nếu không kiểm soát được cái Sân của mình qua cái “KHẨU” thì sẽ không tránh được những sự cải vả, đôi khi chửi bới, nhục mạ, xô xát lẫn nhau đưa đến bao nhiêu điều phiền muộn, khóc hận, đi đến đổ vỡ, ly tán.

Ngoài xã hội, sự Sân hận từ một cá nhân cho đến nhiều cá nhân có thể tạo nên sự tai hại vô cùng cực cho người chung quanh. Để biểu lộ niềm sân hận của một người mang nổi bực tức, giận dữ vì sống trong cảnh nghèo túng, thiếu hụt, hay một cảnh huống nào đó, một gói thuốc nổ được liệng bừa vào đám đông, hàng hàng lớp lớp người vừa chết, vừa bị thương. Việc điên rồ này nếu cứ tiếp tục xảy ra mỗi ngày, thì trật tự trong xã hội sẽ tức khắc bị xáo trộn, sự bình an không còn nữa, chúng sanh trong xã hội sẽ không còn cảm thấy an toàn khi bước ra khỏi nhà, sự tự do đi lại bổng nhiên bị giới hạn vì ngọn lửa Sân của kẻ thiếu suy nghĩ.

Ngọn lửa Sân tác hại, làm tiêu đi trật tự của một xã hội. Nếu ngọn lửa Sân này xuất phát từ một kẻ nắm quyền sanh sát, nhiều tham vọng và hiếu chiến, thì chắc chắn rằng việc tiêu hủy một quốc gia hay tàn hại một chủng tộc là một điều không thể không xảy ra. Do đó, như Thầy đã giảng dạy: Lửa Sân đã làm hại từ cá nhân - đến gia đình - đến xã hội và thậm chí đến cả một quốc gia, một chủng tộc.

Chúng sanh phải làm cách nào để kiểm soát cái Sân của mình?

Dạ, con xin thưa đây là cách riêng cho bản thân của con, con không biết cái cách kiểm soát này có đúng không? Xin Thầy từ bi chỉ dạy. Nguồn gốc của cái sân chính là Tự Ái, do đó, muốn cho cái Sân không bùng lên bắt buộc phải kiểm soát cái Tự Ái. Tự ái phải kiểm soát như thế nào? Muốn kiểm soát cái tự ái, lúc nào con cũng phải bắt buộc giữ Tâm Bình. Vì nếu Tâm con một khi vọng động thì nó sẽ ảnh hưởng đến cái tự ái của con, tức thì những ý tưởng không hay khởi lên, trong đó có cái Sân khiến cho con hành động không tốt. Do đó, để ngăn ngừa cái Sân, bắt buộc phải tránh, không để cho Tự Ái nổi lên, muốn cho Tự Ái không nổi lên Tâm lúc nào cũng phải Bình.

Cách thức của con rất đúng. Để làm giảm đi lửa Sân, một người giữ tâm bình rất là có lợi:

  • Lợi trước tiên là lợi về vấn đề y học: Người giữ tâm bình sẽ khiến cho tim không đập mạnh. Tim không đập mạnh, mạch máu được thông, máu huyết lưu thông được dễ dàng nhẹ nhàng, không làm cho người đó bị bệnh hoạn như cao máu.
  • Giữ tâm bình về phương diện tánh tình. Người giữ tâm bình sẽ gây sự chú ý của kẻ khác qua tư cách của mình: không hồ đồ, chững chạc, không hấp tấp, không buông lung. Người giữ được tâm bình khi thốt ra lời nói có đủ thời gian để suy nghĩ và chọn lựa xem lời nào nên nói, lời nào không nên nói. Lời nào có thể gây sự va chạm, và lời nào có thể gây nên điều không tốt đẹp.
  • Người giữ được tâm bình thì trí huệ mới phát sáng. Trí huệ không thể phát sáng với một tâm quá loạn động.

Cho nên, ngoài vấn đề giữ tâm bình để tránh vòng nghiệp lực, tâm bình còn đem lại biết bao nhiêu điều ích lợi cho một cá nhân. Cho nên mọi chúng sanh đều phải suy tư điều này rất nhiều. Tâm bình thật sự ra không phải dễ, nhưng không có nghĩa là không làm được. Muốn giữ được tâm bình thì phải hạ bớt cường độ của tự áiphải biết lắng nghe. Phải biết suy tư từng lời nói của người đối diện, để xem coi trong lời nói đó có gì không ổn hay không? Nếu không ổn thì sẽ tìm cách để giải thích, như vậy không thể nào đưa đến những việc tai hại được. Đừng quá vội vàng trong lời nói, phải hiểu rằng lửa sân phá tác Thân Khẩu Ý rất nhiều. Cho nên phải kiểm soát từng điểm một Thân Khẩu Ý của mình. Vì vậy, luôn luôn ở vào thế chuẩn bị để đè tự ái của mình xuống, đừng phản ứng quá vội vàng. Đa số chúng sanh rất là chậm chạp trong vấn đề tu tập nhưng lại rất nhanh nhẹn như tên bay trong vấn đề hành sử với nhau, vì vậy luôn luôn đem đến điều không ổn. Đừng quá vội vàng! Thầy lập lại là lúc nào cũng phải sẵn sàng để đè bẹp và kiểm soát tự ái của mình, đừng để cho nó có dịp nổi dậy, phải biết lắng nghe và suy tư lời nói của kẻ khác. Nhiều khi lời nói của một người có một ẩn ý mà đôi lúc mình không hiểu được, cho nên không nhận ra được ý tốt ẩn tàng sau đó, vì vậy phải rất là cẩn thận!

Thông thường người ta nói: “muốn không hỏa hoạn phải trông chừng lửa củi.” Tức là những vật gì có thể tạo nên lửa thì mình phải gom góp lại, phân loại và cất kín, không để ló ra ngoài; như vậy sẽ không có cái gì có thể đốt cháy được. Mà một khi không đốt cháy được thì lửa không thể bùng lên được. 

Kính bạch Sư Phụ,

Cho phép con tư duy. Điều Thầy vừa nói tức là có hai phần. Phần thứ nhất là bắt buộc phải kiểm soát bản thân mình để xem cái thực chất của cái tự ái của mình nó nằm ở đâu, giống như là khi con trông chừng lửa củi thì phải góp nhặt lại coi những gì có thể bốc cháy được thì đem cất dấu. Một khi con định được cái tự ái của con, cái nọc của con nó nằm ở chỗ nào, thì khi người ta chạm nọc con là con biết liền, con tránh, không để cho nó lẫy lừng lên.

 

Đúng lắm! 

Phần thứ hai là khi giải quyết một vấn đề gì, cần phải lắng nghe cho tường tận, nên đóng vai bàng quan tức là bước ra ngoài câu chuyện, nhìn trở vào để quan sát tất cả các sự kiện cũng như hành động, cử chỉ của mọi người. Khi đó sẽ nhận chân được ngay thực chất của câu chuyện, cũng như thật chất của từng lời nói, từng hành động, cử chỉ của một hay nhiều người tham gia câu chuyện.

Khi con suy gẫm lại những chuyện xảy ra trong quá khứ, con thấy sao chuyện nhỏ mình lại xé ra to! Đó chẳng qua là vì con đang ở vị trí của người trong cuộc. Nếu cũng là câu chuyện đó, nhưng dưới nhãn quan của một người ngoài cuộc (bàng quan), con lại cất tiếng cười khà và cho rằng: “đâu có cái gì lớn lao đâu!”

Do đó mà đôi khi nhìn vào một vấn đề hay nghe một vấn đề gì, bắt buộc phải lắng nghe cho thật kỹ và bước ra ngoài cuộc, quan sát thử xem coi có cần thiết phải hành động như vậy không?

 

Đúng lắm, đúng lắm! Thầy rất hài lòng câu trả lời này. Đúng vậy, khi bước ra khỏi một môi trường nào, nhìn trở ngược lại, mình sẽ thấy rõ hơn. Nếu mình còn đứng trong môi trường đó thì mình chỉ lẩn quẩn thấy cái bóng của mình mà không thấy được chính bản thân mình.

Khi ở trong hoàn cảnh đó thì sẽ có những nhận xét của hoàn cảnh đang đứng đó. Nhưng nếu bây giờ bước ra ngoài, không đứng ngay trong hoàn cảnh đó mà là một người bên ngoài nhìn lại sự việc đó, thì tức khắc thấy được sự khác biệt giữa cái mình đang đứng bên trong và cái  mình đang đứng bên ngoài.

Thầy lấy một thí dụ là Thầy đang đối thoại với một người, hai bên người nói qua kẻ nói lại, cuối cùng đưa đến việc hai bên không đồng ý nhau và bắt đầu từ tranh luận tiến lần ra tranh cãi, gây gổ và nặng lời với nhau. Tự đặt câu hỏi: giữa ta và người đó ai đúng ai sai? Tại sao từ việc tranh luận đi lần đến chỗ tranh cãi và gây gổ lẫn nhau khá nặng? Có thể sẽ không có được câu trả lời, đầu óc rất là rối rắm! Người kia nói rằng mình phải, Thầy cũng nói rằng mình phải, cho nên rốt cuộc rồi không biết ai đúng ai sai. Nhưng nếu bây giờ đóng vai trò của một người bàng quan không phải ở trong cuộc gây gổ, sẽ cho diễn lại tất cả những chi tiết từ đầu đến cuối một cách trung thực thì sẽ nhận biết tức khắc người nào đã gây nên cuộc tranh cãi để đi đến chỗ bất hòa. Khi còn ở trong cương vị của một người đang tranh cãi sẽ có một tư tưởng khác với khi đóng vai trò của một kẻ bàng quan. Thầy nhấn mạnh lại một lần nữa là sự suy tư của kẻ bàng quan phải rất là trung thực. Tại sao phải rất là trung thực? Vì khi đó không có chữ Tự Ái nằm vào trong, cho nên tức khắc sẽ thấy rõ ràng mọi chuyện không tốt đẹp xảy ra đã bắt đầu từ ngay khúc nào.


+ 128
View Desktop
Version
\