Lạc Pháp

Niệm Phật

Nov 12 2015
68943664 68943664

Niệm Phật thì ai cũng biết cả, thậm chí một đứa trẻ mới biết nói, nếu được người hướng dẫn, chỉ bảo, đứa bé vẫn có thể niệm Phật rất lưu loát.

Đa số chúng sanh đều cho rằng: việc niệm Phật đâu có gì khó, chỉ cần gọi tên của Đức A Di Đà Phật một ngày vài chục lần hay trăm lần hoặc ngàn lần, tùy theo thời giờ rảnh rỗi của mỗi chúng sanh, Đức Phật sẽ hiện diện và sẽ rước chúng sanh đó về Cực Lạc ở phút lâm chung.

Vấn đề thật ra không giản dị như vậy đâu! Niệm Phật đi liền với Sám Hối, nối kết chặt chẽ với việc Trì Chú. Niệm Phật vào giai đoạn thứ 3 của nghi thức Sám Hối bao gồm: Sám Hối – Trì Chú – Niệm Phật.

Tại sao phải Niệm Phật?

Đức A Di Đà Phật ở tận cõi Tây Phương, hằng ngày, với khả năng nghe và thấy, Ngài cũng đủ đinh tai nhức óc vì tiếng kêu réo gọi Ngài của chúng sanh nơi cõi Ta Bà. Chúng sanh không thể nói rằng: tôi cứ réo gọi tên Ngài thì Ngài bắt buộc phải rước tôi đi, không phải như vậy đâu!

Chúng sanh tự mình đã gây tạo biết bao nhiêu điều không đúng, bao nhiêu cảnh huống trái ngang não ruột, phiền não thì chất chồng, sâu thăm thẳm.

Đã vay trong kiếp trước thì phải trả ở kiếp này! Nhưng trớ trêu thay, mình vay mình tạo, nay phải trả thì lại đổ tội cho Trời, cho Đất. Trời Đất không xúi bảo chúng sanh làm việc trái lòng, do đó việc than Trời trách Đất là một sai lầm rất to tát.

Khi chủ nợ đến đòi nợ thì phải mặt đối mặt nói chuyện với chủ nợ, không thể nào réo gọi Trời, réo gọi Đất để nói chuyện với chủ nợ giùm mình.

Nghiệp chướng mình tạo nên càng lúc càng sâu dày, biết đến bao giờ mới trả cho xong để mà phủi tay, ung dung cất bước ra đi? Nghiệp này vừa tạo xong, chưa thanh toán, nghiệp kế tiếp lại ồ ạt tiến đến. Rồi lại tiếp tục, tiếp tục, không dừng bước, cứ chất chồng … chất chồng cho tới khi nhắm mắt xuôi tay.

Có những nghiệp chướng có tính cách rất gần gũi, xảy ra không quá lâu, cả chủ nợ lẫn con nợ đều cùng có mặt ở hiện kiếp, cho nên việc vay trả có cơ hội xảy ra, đây là loại nghiệp lực “mặt đối mặt”, người trả nợ trực tiếp đối đầu với kẻ đến đòi nợ.

Nghiệp lực “mặt đối mặt” đòi hỏi rất nhiều nhân duyên hội tụ trong hiện kiếp. Thông thường thì nghiệp lực đến với chúng sanh dưới dạng bài học, do bởi việc tạo tác đã xảy ra quá lâu xa về trước, hoặc không có cơ hội để tạo sự gặp gỡ giữa chủ nợ và con nợ.

Những bài học về sự liên tục thất bại trong thương trường, trong tình trường, hay trong bất cứ lãnh vực nào của cuộc sống, bài học về nghĩa nhân, bài học về sự bội bạc, bài học về lòng trung thành, bài học về sự đủ đầy, bài học về sự tham lam, bài học về sự bạc đãi, bài học về sự oan tình, bài học về sự bất cần, bài học về nhân ái, bài học về thị phi, bài học về hạnh phúc, thậm chí đến việc nhận chịu sự bịnh hoạn triền miên v.v…

Vô số những bài học mà chúng sanh đã và đang trải qua dưới dạng thức khổ đau, sự chua cay, sự xót xa, những tình huống éo le, nhiều nước mắt.

Những bài học này không phải đến với chúng sanh trong chỉ một kiếp, mà đã trở đi trở lại trong rất nhiều kiếp. Các bài học đó chỉ thực sự dừng lại khi nào chúng sanh đó nhận ra được và thấm thía được những sai lầm mà mình đã tạo nên.

Vì vậy:

Nếu không có sự chân thành tha thiết sám hối ăn năn,
Nếu không có câu thần Chú giúp sức để thiêu đốt nghiệp chướng,
Nếu không có sự phụ trợ của chư Phật và Bồ Tát qua lời niệm Phật,

Mãi mãi và vĩnh viễn những bài học đó sẽ vẫn còn hiện diện, vẫn còn đeo đuổi chúng sanh từ kiếp này qua kiếp khác.

Dù rằng ở một kiếp nào đó, chúng sanh nhờ vào phước đức mình tích lũy mà có được một cuộc đời giàu sang cao tột, nhưng ảnh hưởng của những bài học về nghiệp lực vẫn không dừng bước, nên sẽ tạo ra cái cảnh sống trên “đống vàng” mà nước mắt vẫn tuôn rơi.

Bản tánh của chúng sanh vừa bướng bỉnh, vừa cao ngạo, đầy tự ái, vì thế khó lòng mà chu toàn được nghiệp chướng của mình.

Chư Phật và Bồ Tát đã nhận thức rằng: nếu chúng sanh không hết lòng thanh toán nghiệp chướng của mình và cứ tiếp tục chiều hướng đẩy nghiệp lực liên tục kéo tới, chắc chắn rằng chúng sanh sẽ đi một cái vòng lẩn quẩn và rất khó lòng trở về với điểm khởi đầu.

Cho nên, Chư Phật và Bồ Tát đã đặt ra rất nhiều phương cách để giúp cho chúng sanh làm cách nào chu toàn được những nghiệp chướng của mình, càng nhiều càng tốt.

Các Ngài đã tỏ ra rất rộng lượng khi sử dụng phương cách Sám Hối; các Ngài muốn rằng: Chúng sanh phải tự mình sám hối, tự mình nhận chân ra nghiệp tội do chính mình gây tạo, tự mình ý thức được những hành động sai lầm của mình, tự nguyện ăn năn, tự nguyện hối cải và tự nguyện làm một cái gì đó để đền trả trở lại những điều quấy trá của mình đối với kẻ khác.

Nên nhớ một điều rằng: nghiệp lực tuy đến với chúng sanh, cũng vẫn không ồ ạt và không liên tục. Nếu thật sự đúng với ý nghĩa gieo nhân nào thì gặt quả nấy, chúng sanh chắc chắn sẽ khó lòng đứng vững với luật trả vay, vay trả.

  • Đập người ta gãy chân, mình sẽ bị đập lại không còn chân để mà đi đứng.
  • Phá hoại hạnh phúc của người thì chắc chắn rằng mình sẽ chỉ có thể sống trong cô đơn, nhiều nước mắt.
  • Cướp giựt tiền bạc, tài sản của kẻ khác sẽ khó lòng tạo được cho mình một sự sung túc về vật chất.

Tuy nhiên, Chư Phật và Bồ Tát đã giúp cho chúng sanh chan hòa những phước đức mà mình đã tạo nên với mục đích làm giảm thiểu sự vay trả, để tránh cho chúng sanh cái cảnh ngả quỵ liền tức khắc khi tất cả các nghiệp chướng ồ ạt tiến đến cùng một lúc.

Cho nên, tất cả những nghiệp lực sẽ đến một cách từ tốn, đến với từng kiếp một để chúng sanh có đủ thời gian mà đối phó, mà chịu đựng.

Việc hành thiện có một công năng rất cao trong việc làm giảm đi sức công phá của nghiệp lực. Phước đức, công đức có khả năng bao trùm, làm nhẹ lại cái kết quả của việc vung tay quá mạnh bạo của chúng sanh.

Ngày giờ này, ở hiện kiếp, nhìn chúng sanh đau khổ, chúng sanh quằn quại trong bịnh tật, trong xót xa, trong cảnh huống vô cùng bi đát, chúng sanh nhận chịu sự trả vay, chúng sanh nếm hương vị đắng cay của việc đối xấu, đối ác, đối dữ của mình từ trong quá khứ, Chư Phật và Bồ Tát với một lòng Từ Bi trải rộng, với một tấm lòng quảng đại bao la, đã vô cùng mủi lòng, cực kỳ xao xuyến và thật sự thương tâm.

Tất cả Chư Phật trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều sẵn sàng dang tay tiếp độ chúng sanh của cõi Ta Bà.

Thế giới Cực Lạc của cõi Tây Phương với Đức A Di Đà Phật làm Giáo Chủ đã tỏ ra rất phấn khởi, rất sẵn sàng và tình nguyện cứu vớt chúng sanh.

Điều này đã được tỏ rạng ngay khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, do đó chúng sanh của cõi Ta Bà đã được Đức Bổn Sư trân trọng giới thiệu và khuyến cáo nên cố gắng tu tập và phát nguyện để được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc.

Tuy nhiên, chúng sanh cần phải nên nhớ rằng: việc tiếp độ của Đức A Di Đà Phật còn tùy thuộc rất nhiều vào sự thành tâm, thành ý của chúng sanh. Không thể nào một người đã gây tạo quá nhiều lỗi lầm, luôn tỏ ra hững hờ trước kết quả của việc làm không tốt đẹp của mình, bất cần lời oán than của những nạn nhân đau khổ vì hành vi xấu ác của mình, kẻ đó không thể thản nhiên, không thể nhởn nhơ chờ đợi một cuộc tiếp rước về Cực Lạc được.

Đức A Di Đà Phật chỉ sẵn sàng tiếp rước người về Cực Lạc khi người đó đem hết tấm chân tình của mình để ăn năn, sám hối về những nghiệp tội mình đã gây tạo nên.

Càng dễ dàng tạo tác, càng phải thành tâm thiết tha sám hối. Lời sám hối phải xuất phát từ Tâm chớ không từ đầu môi chót lưỡi.

Việc sám hối luôn luôn đi kèm với việc kiểm Tâm – chỉnh Ý và sửa Tánh.

Sửa Tánh là điều kiện ắt có và đủ trong việc đạt tiêu chuẩn để được vãng sanh Cực Lạc. Thầy khẳng định như thế!

Những nghiệp chướng tạo ra, phiền não cứ liên tục chất chồng, vô minh sâu dày hun hút, tất cả đều bắt nguồn từ cái Tánh xấu ác của chúng sanh.

Một khi những thói hư tật xấu chưa được khắc phục thì sự sám hối không được xem là chân thành, tha thiết và hoàn hảo. Còn tánh xấu là còn cơ hội tạo nghiệp không lành, không tỏ được cái thiện chí hồi đầu hướng thiện, dù có được rước về Cực Lạc cũng vẫn ngồi khá lâu trong thai sen, khó lòng nói đến việc hòa nhập vào sinh hoạt của Cực Lạc, chớ nói chi đến việc cứu độ chúng sanh.

Thầy có thể đoan chắc rằng: muốn được tiếp dẫn về cõi Tây Phương Cực Lạc, việc trước tiên phải chu toàn là SÁM HỐI, mà CHÂN SÁM HỐI là bao gồm việc kiểm Tâm – chỉnh Ý và sửa Tánh; sửa không ngừng nghỉ mới thể hiện được cái thiện chí của mình là mong mỏi trở nên một người tốt đẹp, một người biết nhận thức được những sai lầm mình đã phạm, và khi đã lỡ phạm rồi thì phải làm sao để khắc phục điều sai trái và làm sao để có sự đền bù tương xứng.

Sau việc sám hối, người tu tập chân chính phát nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc phải Trì Chú. Nếu không trì Chú sẽ khó lòng làm tiêu nghiệp chướng và làm mỏng lần màng vô minh.

Trì Chú bắt buộc phải đi kèm với sám hối, Chư Phật và Bồ Tát cho chúng sanh câu Thần Chú với mục đích dùng để đốt tan nghiệp chướng và làm mỏng lần màng vô minh; nếu không sám hối trước, sẽ không có sự trợ lực của câu Thần Chú.

Nếu chỉ thuần trì Chú mà không sám hối, thật uổng vô cùng vì câu thần Chú không thể hiện được công năng của nó.

Người tu tập thiếu sám hối sẽ không làm nên được việc gì cả cho phần tâm linh của mình. Tu cách nào cũng vẫn phải sám hối, sau đó, đem tấm lòng tha thiết ăn năn của mình để trì Chú, nhờ câu thần Chú đốt cho tan nghiệp chướng và làm mỏng lần màng vô minh, trí huệ phát sáng mới mong tiếp nhận được hào quang của Chư Phật và Bồ Tát.

Sau giai đoạn Sám Hối, giai đoạn Trì Chú là đến giai đoạn Niệm Phật.

Việc niệm Phật nói lên cái gì?

Nói lên rằng:

Người chân thật tu tập đem hết tấm lòng của mình để nghĩ tưởng đến Phật và Bồ Tát. Niệm Phật với một sự hứa hẹn giữ Tâm mình luôn thanh tịnh và tuyệt đối không đi trở lại con đường mà mình đã dẫm bước chân của mình trong quá khứ.

Niệm Phật để nhờ cái Lực của Phật và Bồ Tát giúp cho mình đủ sức chống chọi lại với những nghiệp chướng quá nặng nề đến với mình.

Khi một nghiệp chướng quá sâu dày, quá chằng chịt, chúng sanh khó lòng tự mình tháo gỡ được, do đó cần phải có sự tiếp sức của các Đấng Từ Bi. Tuy nhiên, nếu Tâm của người đó không chân thật, thì e rằng việc cầu xin giúp đỡ sẽ không được như ý. Vì vậy lời niệm Phật phải là lời xuất phát từ tận đáy lòng; niệm Phật phải tha thiết, phải mang hết tấm chân tình của mình đặt vào điển quang của mình cho nó xuất ra từ tam tinh (điểm giữa 2 đầu chân mày), để hào quang của Chư Phật và Bồ Tát có thể hòa quyện vào điển quang đó mà giúp cho mình được toại ý.

Niệm Phật là gọi Phật, gọi Bồ Tát. Gọi các Ngài đến để trao cho Phật, trao cho Bồ Tát trọn tấm lòng Thành của mình, để cầu xin Phật, xin Bồ Tát thương xót giúp cho mình thoát được điều hung hiểm. Không bao giờ gọi Phật mà Phật không đến, các Ngài lúc nào cũng sẵn sàng để làm tròn vai trò cứu độ chúng sanh.

Vì vậy, niệm Phật phải với tất cả Tấm Chân Tình, không để bất cứ một hình ảnh nào khác trong Tâm mình, ngoại trừ Lòng Từ Bi. Lòng Từ Bi thể hiện một sự ăn năn, một sự sám hối, và Lòng Từ Bi đó tha thiết gởi trả trở lại cho tất cả những người mà mình đã tạo nên oan trái. Có như vậy mới có thể đưa Phật và Bồ Tát xích lại gần mình hơn.

Việc niệm Phật tuyệt đối không có một ngoại lệ nào cả ngoài 3 giai đoạn: Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật.

Ba giai đoạn này dính chặt vào nhau, không bao giờ rời.

Đa số chúng sanh đều cho rằng: chỉ cần niệm Phật là Phật rước.

Đúng! Niệm Phật thì Phật rước, nhưng Phật đứng đó, chúng sanh tâm tối mò mò, trí huệ lu mờ, khó lòng hòa nhập vào hào quang của Phật để ra đi cùng với Phật.

Phật, Chúng sanh, Tánh thường rỗng lặng,
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn.

Tâm Phật luôn phẳng lặng, trong vắt. Tâm chúng sanh ngời sáng, tỉnh lặng. Cả hai Tâm đó giao hợp nhau, hòa quyện vào nhau mới tạo nên một sự đồng nhất, một sự đồng điệu đúng nghĩa, một sự cảm thông tuyệt đối không thể nghĩ bàn.

Cho nên, phải cẩn thận vô cùng trong vấn đề Niệm Phật.

Khi niệm Phật cần phải giữ Tâm Thanh Tịnh, nhất là Tâm Từ Bi, như vậy mới có thể chuyển được lời niệm Phật lên cao.

Tuyệt đối đừng niệm Phật bằng đầu môi chót lưỡi, đó là điều cấm kỵ của việc niệm Phật, phải niệm bằng cái Tâm Chân Thành.

Niệm Phật bằng đầu môi chót lưỡi, dù cho niệm đến cả triệu lần, cũng vậy thôi. Không đem lại một kết quả nào cả.

Niệm Phật bằng cái Tâm chân thành, bằng sự thổn thức, bằng tấm lòng chân thật, bằng sự tha thiết, bằng tất cả sự cầu xin, mong mỏi và nhất là bằng tấm lòng Từ Bi, chắc chắn rằng việc tiếp rước vào giờ phút lâm chung sẽ là một việc dễ dàng xảy ra.

Phật sẵn sàng tiếp rước bất cứ chúng sanh nào của Cõi Ta Bà, nhưng chúng sanh đó phải thể hiện được một tấm chân tình và tấm chân tình dâng lên cho Phật phải đi kèm với 2 chữ Từ Bi.

Một ngày có thể niệm Phật bao nhiêu lần cũng được cả, nhưng bắt buộc phải có thời khóa Sám hối và Trì Chú.

Không có ít nhất là 01 lần thời khóa tu Sám hối và Trì Chú thì đừng nên nói đến việc Niệm Phật, dù cho niệm bao nhiêu lần cũng không được kể tính.

Vì sao? Vì như đã nói ở trên, đừng niệm Phật bằng đầu môi chót lưỡi, mà phải niệm bằng cái Tâm. Tâm đó là gì? Là tâm chân thành sám hối, ăn năn. Mình đã gây tạo những điều không tốt đẹp thì bắt buộc phải biết hối lỗi, ăn năn, dùng Tâm chân thành để niệm Phật thì mới mong đốt tan nghiệp chướng, làm mỏng lần màng vô minh.

Như vậy, Kiếng Tâm của mình mới lần lần trở nên trong sáng, mới có thể tiếp nhận được hào quang của Phật và Bồ Tát khi mình niệm Phật.

Niệm Phật là kêu Phật, là gọi Phật, mà khi Phật đến thì hào quang của Phật chói rạng, còn Tâm mình thì quá u tối, thử hỏi làm sao có thể tiếp nhận được hào quang đó để mà tạo nên một sự cảm thông đúng nghĩa?

Do đó, việc niệm Phật hoàn toàn không mang đến kết quả tốt đẹp là cho người niệm Phật một Trí Huệ để có thể nhận thức được sự đúng hay sai trong tất cả hành động của mình, cũng như ngăn chận mọi việc làm, mọi tư tưởng có thể tạo nên một nghiệp chướng mới. Nếu không theo một cách thức như vậy, sẽ khó lòng nhận được sự tiếp rước ở vào phút lâm chung.

Lúc bình thường, người tu tập đã theo một chiều hướng đúng, mỗi khi niệm Phật, ánh hào quang của mình hòa lẫn vào hào quang của Phật và Bồ Tát. Ở phút lâm chung, hào quang của Phật và Bồ Tát rực rỡ hơn nhiều. Mọi cách thức đã được hành giả huân tập mỗi ngày, dù rằng ở phút cuối, có đôi lúc vì bịnh tật nên khiến cho hành giả mất đi một phần nào Chánh Niệm, nhưng với sự giúp đỡ khéo léo của người hộ niệm, hành giả sẽ dễ dàng lấy lại chánh niệm trong lời niệm Phật, và cái hào quang đã được kiến tạo từ bấy lâu nay sẽ rực sáng lên và hòa lẫn vào hào quang của chư Phật và Bồ Tát, đồng trực chỉ Tây Phương.

Nên nhớ rằng: việc tiếp rước về Cực Lạc là một đặc ân cho người thành tâm sám hối, đặc ân cho người đem hết tâm thành của mình chăm lo tu tập và tuyệt đối sửa Tánh.

Không sửa Tánh, đừng hòng nói đến một hoa sen nhỏ trong ao Liên Trì.

Chúng sanh không sửa tánh sẽ dễ dàng tạo nên rất nhiều điều không tốt đẹp và nghiệp chướng lại chất chồng. Nghiệp của quá khứ chưa thanh toán xong, bây giờ lại thêm nghiệp của hiện tại, thử hỏi một chúng sanh không có chút thiện chí nào để sửa đổi thì khi được rước về Cực Lạc sẽ phải ngồi trong thai sen đến bao lâu? Nếu đa số Thánh Chúng đều cùng dậm chân tại chỗ thì sinh hoạt của Cực Lạc sẽ bị trì trệ, dù Cực Lạc có muốn dang tay cứu độ chúng sanh của cõi Ta Bà cũng sẽ gặp muôn điều phiền phức vì nhân sự không có đủ.

Được về Cực Lạc là để bứt vòng sanh tử, thoát kiếp luân hồi, tránh xa nghiệp chướng, không còn cơ hội để Vay và để Trả.

Thánh Chúng vẫn phải hằng ngày tu tập, vẫn phải giùi mài Tâm Thức của mình để mới có thể chứng được quả vị Bồ Tát hay quả vị Phật trong tương lai. Khi đó, việc trở lại cõi Ta Bà để cứu độ chúng sanh là một việc làm tiếp nối mà Phật và Bồ Tát đã từng chu toàn cho mình lúc trước.

Hàng hàng lớp lớp chúng sanh hô hào niệm Phật Vãng Sanh, nhưng đã đi sai đường và đã làm trái với điều kiện mà Đức A Di Đà Phật đã đặt ra.

Điều Kiện thật là đơn giản, chỉ cần chúng sanh sửa TÁNH … và sửa TÁNH, có sửa Tánh mới có thể hoán chuyển được cái xấu thành cái tốt, hoán chuyển tâm xấu ác thành ra Tâm Lành, Tâm Từ Bi, hoán chuyển được ý đen tối trở nên ý trong sáng, ý cao thượng.

Từ ở cái Tánh mà vô số nghiệp chướng được tạo ra. Tánh không sửa đổi, chắc chắn nghiệp chất chồng chớ không giảm bớt, mà đã tạo thêm thì không thể nào ĐỚI NGHIỆP VÃNG SANH; mang những nghiệp chướng đó đi theo để rồi ngồi hằng bao lâu trong thai sen, thật sự không giúp ích gì cho ai được cả!

Chúng sanh đã hiểu sai về từ ngữ ĐỚI NGHIỆP VÃNG SANH.

Bất kỳ một chúng sanh nào, từ những vị Cao Tăng tu hành chân chính, chí đến người tu tập tại gia, nếu chỉ qua 01 kiếp NGƯỜI, rất khó lòng làm sạch được cái núi Nghiệp Chướng của mình. Tuy nhiên, nếu những vị này được vãng sanh về Cực Lạc, tức là họ mang toàn bộ cái núi nghiệp chướng của mình đi theo, họ đồng được gọi là Đới Nghiệp Vãng Sanh. Họ được Cực Lạc dang tay tiếp độ là vì họ đã thể hiện một tấm lòng chân thật, tấm lòng mong mỏi làm lợi ích cho chúng sanh, họ chân thành sám hối, ăn năn tất cả nghiệp tội của họ từ vô thỉ kiếp đến ngay cả ở hiện kiếp, họ đã biết sửa đổi toàn bộ Tâm – Ý – Tánh của mình. Cho nên, họ vẫn là Đới Nghiệp Vãng Sanh, nhưng cái núi nghiệp chướng của họ vẫn có thể làm cho tan được ở Cực Lạc do ở sự quyết tâm tu tập và hết lòng ăn năn sám hối của họ.

Đối với những kẻ tạo tác thật nhiều, nghiệp chướng cứ mãi chất chồng, không thể nói rằng: tôi chỉ cần niệm Phật là tôi được vãng sanh, việc đó tuyệt đối không thể xảy ra. Việc niệm Phật lúc nào cũng phải đi kèm với sự thành tâm sám hối, đi kèm với việc Trì Chú, cần phải nên hiểu thật rõ ý nghĩa của việc Sám Hối và Trì Chú thì việc niệm Phật mới mang đến kết quả tốt đẹp được.

Người sám hối chân thành, đúng với ý nghĩa của Sám Hối và Trì Chú, khi niệm Phật sẽ ngập chìm trong ánh hào quang của Phật.

Niệm Phật với lòng Từ Bi, không niệm Phật với lòng sân hận, với bao nhiêu Tánh xấu bủa vây.

Phải nói một cách khẳng định rằng: Việc niệm Phật hoàn toàn xung khắc với Tánh xấu. Nếu có tánh xấu, không sửa đổi, không làm tiêu thì đừng hòng nói đến việc Niệm Phật có kết quả. Cả hai điều đó hoàn toàn xung khắc nhau!

Niệm Phật Nhất Tâm Bất Loạn

Kính bạch Sư Phụ,
Đức A Di Đà Phật đã có lời hứa khả sẽ tiếp rước về Cực Lạc bất kỳ người nào, vào giờ phút lâm chung giữ được nhất tâm bất loạn, niệm danh hiệu của Ngài từ 01 lần đến 07 lần, từ 01 ngày đến 07 ngày.
Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ thế nào là Niệm Phật Nhất Tâm Bất Loạn?

Nhất tâm có nghĩa là chỉ có 01 tâm thôi, tâm cố định, tâm không thay đổi, tâm vững chãi, trước sau như một, không thiên lệch, tâm đó chính là TÂM THANH TỊNH.

Tâm Thanh Tịnh không nảy sinh chuyện này, chuyện kia, chuyện quấy, chuyện phải. Tâm hoàn toàn như như bất động, đó chính là TÂM BÌNH.

Bất loạn có nghĩa là không chạy bên này hay bên kia, không lên xuống, ngang dọc, đứng yên, không lắc qua, lắc lại.

Nói một cách đúng nghĩa là: Niệm Phật hay trì Chú giữ nhất tâm bất loạn tức là giữ Tâm Bình khi niệm Phật hay Trì Chú.

Nếu khi niệm Phật hay Trì Chú mà tâm loạn động, tức khắc sẽ bị phản ứng ngược. Điều đó có thể được hiểu như sau:

Tâm đang ở trên một cái trục quay liên tục... liên tục (khi niệm Phật hay trì chú), một tư tưởng thoáng qua tâm, sẽ được ví như 01 hạt bụi nhỏ. Dù chỉ là hạt bụi cũng đủ sức làm cho tâm đang ở trên cái trục quay bị sây sát liền tức khắc. Sự trầy trụa, sự sây sát sẽ khiến cho tâm phải ngưng lại trên trục quay, việc giữ cho Tâm bất loạn, tâm vững, tâm cố định, tâm không nhúc nhích khó lòng thực hiện được.

Vì tâm không được quay một cách trơn tru, liên tục, nên tâm không thể đón nhận hào quang của Phật và Bồ Tát qua lời niệm Phật hay trì Chú.

Việc hành trì niệm Phật hay trì Chú với một tâm loạn động nói lên rằng: người hành trì đã đem tất cả những loạn động trở ngược vào tâm của mình, điều đó thật không khác gì việc mình đã uống liều thuốc độc vậy!

Dù rằng tư tưởng của mình tốt đẹp, cao thượng, cũng vẫn là những hạt bụi làm cho tâm bị trầy trụa, sây sát trong khi tâm đang hoạt động trên cái trục quay, do đó sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp nào cả.

Những sái niệm tức là những suy nghĩ không đúng của mình được ví như từng đám bụi nhỏ, cứ liên tục bám vào Tâm. Chỉ cần 01 hạt bụi cũng đủ làm cho tâm sây sát, nói gì đến 01 đám bụi thì cái Tâm sẽ khó mà tồn tại được với sự trong vắt nguyên thủy của nó.

Việc niệm Phật nhất tâm bất loạn ở vào phút lâm chung đòi hỏi một sự tu tập liên tục, thường xuyên mỗi ngày, một sự tập luyện không ngừng nghỉ GIỮ TÂM BÌNH trong thời gian còn sinh lực.

Phút lâm chung không kéo dài lâu, đôi khi chỉ trong 01 giây, 01 phút ngắn ngủi, thân tứ đại xuất ra đôi lúc tạo nhiều đau đớn, khó chịu; tiếng réo gọi, tiếng than khóc của người thân, tất cả sẽ tạo nên một sự phân tâm mãnh liệt, người sắp sửa ra đi khó giữ được Tâm Bình.

Sự thường xuyên tập luyện sẽ giúp cho hành giả dễ dàng giữ thế như như bất động ở vào phút lâm chung, tránh được tạp niệm, vọng niệm tấn công vào tâm khi mình niệm Phật, như vậy tâm mới tiếp nhận được hào quang của Phật và Bồ Tát để phản chiếu trở lại, và ánh sáng phản chiếu đó mới hòa nhập vào hào quang của Phật và Bồ Tát để cùng trực chỉ Tây Phương.

Muốn giữ được Tâm Bình, cần phải kiểm soát thường xuyên Tâm - Ý - Tánh.

Phải giữ sao cho Tâm lúc nào cũng là Tâm Thanh Thản – Tâm không thị phi – Tâm không sân hận – Tâm không tham luyến – Tâm không vì Danh vì Lợi hay vì bất cứ một cái gì cả. Tâm hoàn toàn là một TÂM TRỐNG thì kiếng tâm mới trong vắt, mới phản chiếu được tất cả ánh sáng chiếu vào.

Tâm không loạn động thì ý xấu, ý đen tối, ý không cao thượng sẽ không có dịp nổi lên.

Tâm và Ý dính chặt vào nhau, cho nên, nếu ý không trong sáng, tức khắc Tâm sẽ nhơ bẩn liền.

Tâm loạn động, tâm không thanh tịnh sẽ tạo ảnh hưởng khiến cho ý rung động và nảy sinh tất cả những điều tùy thuộc vào cái Tâm.

Cái Tâm, cái Ý lại buộc chặt vào trong cái Tánh. Chính cái Tánh mới là kẻ nhấc con dao hành quyết lên để chặt đứt cái Tâm và cái Ý. Thảm hại vô cùng! Tự tay cái Tánh đã chặt nát cái Tâm và cái Ý thì không thể nào Tâm còn giữ được sự Thanh Tịnh và Bất Loạn được.

Có kiểm soát được TÂM Ý TÁNH, có giữ được TÂM Ý TÁNH phẳng lặng, an bình, mới có thể đề cập đến vấn đề Nhất Tâm Bất Loạn được.

Muốn được Nhất Tâm Bất Loạn vào giờ phút lâm chung, bắt buộc phải tập ngay từ bây giờ, không thể đợi đến phút cuối, e rằng đã quá muộn màng, không còn kịp nữa đâu!

Nghiệp Chướng Từ Vô Thỉ Kiếp

Kính bạch Sư Phụ,
Đã bảo rằng nghiệp chướng từ vô thỉ kiếp có nghĩa là mình không thể nào biết được, nhớ được mình đã làm điều gì?
Như thế thì việc sám hối làm sao mang được tính chất thực tiễn, đã không nhớ được thì sám hối với ai? Và sám hối cái gì?

Chính vì mình không nhớ được, không biết được mình đã làm cái gì và làm cho ai, nên mới cần đến câu Trì Chú!!

Nghiệp chướng của chúng sanh từ vô thỉ kiếp, quấn chặt như một mớ tơ vò, khó lòng tìm được điểm bắt đầu. Có muốn tháo gỡ cũng vô phương. Vì vậy, cần phải chân thành ăn năn sám hối tất cả nghiệp chướng. Đã là tạo tội thì tội nào cũng phải cầu xin tha thứ chớ không nhất thiết là tội nặng hay tội nhẹ, là lỗi to hay lỗi nhỏ, là xin tội nhiều hay chỉ cần xin chút chút là đủ.

Cái quan trọng là phải tỏ thiện chí, phải nhận thức rằng dù cách nào tôi cũng vẫn là người tạo nghiệp chướng, tôi cũng vẫn là kẻ có lỗi, tôi cũng vẫn ở vị trí của một phạm nhân chờ nhận bản án.

Do đó, muốn được thứ tha, muốn được bỏ qua lỗi lầm của mình, phải tỏ ra ăn năn, sám hối, nhưng không phải hành sử việc hối lỗi một cách qua loa, cho lấy có, cho xong việc, mà trái lại, việc sám hối có liên quan rất nhiều đến Tâm thức, đòi hỏi một tấm chân tình, sự thành tâm, thành ý, sau đó dùng công năng của câu Thần Chú để phụ trợ, đốt cho tiêu lần nghiệp chướng. Chính vì mình không nhớ được, không biết được mình đã làm cái gì và làm cho ai, nên Chư Phật và Bồ Tát đã giúp sức cho chúng sanh bằng cách cho câu Thần Chú, dùng công năng của câu Thần Chú mà thiêu đốt nghiệp chướng, làm mỏng lần màng vô minh, tức là chúng sanh đã dùng cái sức của Phật để đốt tan một phần nào nghiệp chướng của mình.

Nếu Phật và Bồ Tát không cho chúng sanh câu Thần Chú để làm công việc đó e rằng chúng sanh khó lòng đi về Cõi Trời hay Cõi Phật được. Ngay cả việc trở lại Cõi Người cũng là một điều cực nhọc vô cùng.

Chư Phật và Bồ Tát đã dùng nhiều phương cách, nhiều phương tiện để cứu giúp chúng sanh của cõi Ta Bà.

Nếu các Ngài không mở lòng Từ Bi thì chỉ nội việc thác sanh trở lại làm Người cũng sẽ gặp muôn điều trắc trở, nói gì đến việc được về Cõi Trời hay được vãng sanh về Cực Lạc.

Chúng sanh thiếu tư duy nên cho rằng việc tu tập chỉ cần làm qua loa cho lấy có, cốt yếu là Niệm Phật, niệm Phật càng nhiều, Phật càng mau rước.

Nên nhớ rằng:

Đường đi về Cực Lạc được lót bằng những viên đá mang tên TẤM CHÂN TÌNH.

Thiếu tấm Chân Tình, thiếu một lòng Thành, rất khó lòng đi trọn con đường mang tên Cực Lạc.

Tu tập tuyệt đối không đi kèm với Danh, với Lợi, với Thị Hiếu. Nếu vì Danh, vì Lợi mà niệm Phật, thì dù cho triệu … triệu lần niệm Phật, cũng chỉ là tiếng vang trong chơn không, sẽ không kêu gọi được sự hiện diện của các Đấng Từ Bi.

Việc tu tập đòi hỏi phải được hành trì với tất cả tấm chân tình, với một Tâm Từ Bi, Tâm Hỷ Xả, với một tấm lòng mong mỏi MÌNH cùng tất cả Pháp Giới Chúng Sanh đồng hưởng điều Lợi Lạc.

Một tiếng đồng hồ ngồi tu hay chỉ có 5 phút ngồi tu với đúng ý nghĩa và mục đích của việc tu tập, đều vẫn đem lại niềm An Lạc cho MÌNH và cho NGƯỜI.

Khi tu tập, tất cả các THỨC đều bừng sáng lên, đó là một cách mà người tu tập chân chính cho các THỨC của mình những món ăn ngon.

Càng tu tập, các THỨC càng ngời sáng, ở vào phút lâm chung mới có thể hòa nhập được vào trong cái hào quang của Phật và Bồ Tát.

Một đời Người “vụt” qua rất lẹ, thoắt một cái đã đến giờ ly biệt, cho nên cần phải nhanh tay, lẹ chân để bắt kịp thời gian, để tranh thủ làm cho được một vài điều gì đó vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho người, để khi xuôi tay nhắm mắt sẽ không cảm thấy hối tiếc rằng mình đã lãng phí thời gian nơi Trần Thế!

Chư Phật và Bồ Tát đã cho chúng sanh nhiều phương tiện để làm cho mình thăng hoa. Các Ngài đã mặc nhiên lôi kéo chúng sanh ra khỏi cái Biển Lửa đỏ rực, tìm về một bóng mát An Lành, một nơi trú ẩn Bình Yên, nhiều Tự Tại.

Chỉ cần một sự chân thành tha thiết hành trì việc Sám Hối, thật tâm sửa đổi bản thân mình, tức khắc sẽ tìm được sự An Bình ngay khi còn trên Dương Thế.

Trong Biển Lửa nhưng vẫn không mang thương tích.
Trong Hung Hiểm nhưng vẫn không bị hại.
Trong Xích Xiềng nhưng vẫn tìm được sự Tự Do.

Nghiệp chướng như một Địa Ngục khổng lồ, bao chặt lấy chúng sanh, thành trì không khác gì vách đá hào sâu.

  • Nếu chúng sanh không đem hết tâm thành để ăn năn sám hối
  • Nếu Chư Phật và Bồ Tát không cho câu Thần Chú để giúp sức làm tiêu đi nghiệp chướng
  • Nếu chúng sanh không để Chân Tâm của mình cũng như tấc dạ Từ Bi vào lời niệm Phật, cầu xin tiếp độ

BIẾT ĐẾN BAO GIỜ ĐỊA NGỤC MỚI TAN?


+ 96
View Desktop
Version
\