Lạc Pháp

Dec 20 2014

49 ngày là thời gian đặc ân để hoán chuyển cảnh giới của một vong linh.

Vong linh có được một cơ hội cuối cùng để tu tập, để chân thành sám hối, cải sửa những lỗi lầm của mình.

Sự rung động của thần thức là một sự rung động chân thật và đúng nghĩa, hoàn toàn không có sự che đậy (giả dối). Sự rung động đó có được, chính là nhờ ở sự Sám Hối. Vong linh phải sám hối ... sám hối … và chỉ có sám hối là mới có thể làm tiêu được một phần nào những nghiệp tội của mình, là bỏ xuống túi đá nặng mà vong linh đã mang trên vai.

Nhờ có sám hối mà các nghiệp chướng sẽ thu nhỏ lại, lắng xuống dưới đáy của A Lại Da Thức, làm cho cái túi nghiệp chướng của vong linh được nhẹ bớt đi, tuy rằng chỉ là tạm thời chớ không vĩnh viễn, nhưng cũng vẫn giúp cho vong linh được nhẹ nhàng cất bước tìm đường thác sanh.

Điều quan trọng hàng đầu là giúp cho vong linh sám hối, chớ không phải giúp cho vong linh tụng Kinh A Di Đà hay Kinh Địa Tạng.

Kinh A Di Đà giúp người tu tập (còn sống) biết đến cảnh giới Cực Lạc, biết đến lời nguyện rộng lớn của Đức A Di Đà Phật, trong việc dang tay cứu vớt chúng sanh của cõi Ta Bà. Người tu tập có được niềm tin vào lời nguyện của Đức A Di Đà Phật, sẽ đặt hết tâm thành của mình vào nơi an trụ vĩnh viễn cuối cùng của kiếp luân hồi.

Hướng đi đã được vạch rõ, nơi dừng chân cuối cùng cũng đã tỏ tường, chỉ còn lại có việc sắp xếp hành trang và chọn lựa phương tiện di chuyển.

Hành trang nào nên đem theo? Hành trang nào nên bỏ lại?

Phương tiện di chuyển nào thích nghi nhất? Tiện lợi cho mình nhất?

Cực Lạc vẫn đòi hỏi người tu tập chân chính phải chu toàn Tâm – Ý – Tánh, phải luôn luôn kiểm Tâm, chỉnh Ý và sửa Tánh thì nghiệp lực mới có cơ hội tan biến dần đi, làm cho cái túi hành trang của người đó sẽ không còn nặng nề, trở nên nhẹ nhàng nhưng chứa toàn vật quý giá để mang theo. Mà muốn được như vậy, người tu tập chân chính sẽ không ngừng sám hối, sẽ luôn thiết tha sám hối và thật dạ chân thành ăn năn tất cả những nghiệp chướng của mình từ vô thỉ kiếp cho đến hiện kiếp.

Người tu tập chân chính còn phải luôn luôn giữ Tâm Bình - Ý Bình - Tánh Bình thì mới bảo đảm được một sự tiếp rước vãng sanh ngay vào giờ phút lâm chung.

Niệm Phật A Di Đà, tụng Kinh A Di Đà là để giúp cho mình biết được hướng đi kế tiếp của mình sau khi bỏ báu thân, để chuẩn bị hành trang cho mình tiến về Cực Lạc.

Kinh Địa Tạng vạch rõ cho chúng sanh nhận chân ra được sự cực nhọc vô bờ bến, không có chi lường được, không có lời đúng để diễn tả, về công khó của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, trước các nghiệp tội do chúng sanh gây ra. Hằng hà sa số địa ngục, tất cả đều do chúng sanh đã chiêu cảm ra từ Tâm – Ý – Tánh.

Tụng Kinh Địa Tạng để: trước là, thấm thía sự nhọc nhằn của một vị Đại Bồ Tát, đã vì chúng sanh, thương chúng sanh, cảm nhận sự khổ đau của chúng sanh mà phát lời thệ nguyện rộng lớn: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật,” đã hết lòng, không ngừng nghỉ, dang tay cứu vớt chúng sanh.

Kế tiếp để thấy rằng, chúng sanh có nhận chân ra được là mình đã quá ác độc, quá ương ngạnh, quá bướng bỉnh, thiếu từ tâm, và luôn luôn có thái độ bất cần hay không? Từng địa ngục được kể ra, thể hiện cho từng thái độ, từng tánh xấu, từng hành động có thể nói là “quái ác” và “quái dị” của chúng sanh.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, qua lời Kinh Địa Tạng đã hết lòng khuyên bảo, nhắn nhủ mọi chúng sanh ngưng tạo nghiệp chướng, ngưng làm đau khổ lẫn nhau, nên sống đời An Nhiên Tự Tại, đừng tự buộc ràng mình vào cái Địa Ngục to tướng do chính mình xây tạo cho mình.

Nghiệp lực của ai thì người đó gánh chịu, không ai bằng lòng chịu khổ cho ai cả, dù là cha mẹ, con cái, thâm tình cũng vẫn không thể kham nỗi gánh nặng nghiệp chướng của kẻ khác được.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã vạch rõ cho chúng sanh hiểu được cảnh giới của bên kia lằn ranh giới Sống và Chết. Ngài đề cập đến sự tha thiết, đến lòng thương yêu vô bờ bến, đến những việc làm của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát đối với vong linh, Vị Đại Bồ Tát này đã không từ chối một việc gì để giúp cho vong linh, nhưng, việc giúp đỡ của Ngài thuộc giai đoạn thứ hai, không phải giai đoạn thứ nhất.

Ở giai đoạn thứ nhất, vong linh có bổn phận làm sao cho mình được nhẹ nhàng để tiến tới. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu là: chiếc xe nghiệp lực mà vong linh phải lôi kéo ở sau lưng, lại mang tính chất của một cục đá nam châm, nó “trì” và “hút” xuống, khiến cho vong linh vô phương di chuyển. Dù cho Ngài Địa Tạng có ra sức bao nhiêu để giúp đỡ, vong linh cũng không thể nào cất bước được.

Muốn được nhẹ nhàng và thoát khỏi tầm ảnh hưởng của sức hút của cục đá nam châm, vong linh bắt buộc phải qua thời gian 49 ngày tu tập, phải sám hối, phải trì Chú, phải niệm Phật để đốt lên ngọn đèn trí huệ của hương linh. Hương linh đã có ngọn đèn trí huệ, hương linh đã có sự chân thành sám hối, ăn năn rồi, sẽ khiến cho cục nam châm đó mất đi tính chất “hút,” khi đó vong linh mới có thể di chuyển được.

Khi đã có thể di chuyển được rồi, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát hoặc Đức A Di Đà Phật mới có thể đẩy lên tới trước được. Đây mới chính là giai đoạn hai.

Vong linh cần phải được dẫn dắt, chỉ dạy cho cách Sám Hối; đã lỡ tạo nghiệp rồi thì phải biết sám hối nghiệp tội của mình, làm cho nó tiêu đi chớ không phải thấy Địa Ngục là hết tội! Vong linh còn phải được giúp đỡ để đốt sáng ngọn đèn Trí Huệ qua việc trì Chú, niệm Phật.

Sám hối, trì Chú, niệm Phật là phương cách duy nhất và cấp thời, giúp cho vong linh tu tập, xả bỏ gánh nặng của vướng mắc, của nghiệp chướng, để rồi vong linh sáng suốt nhận ra được hướng đi kế tiếp của mình.

Bên cạnh việc giúp cho vong linh gấp rút tu tập, còn phải nỗ lực “MỞ TRÍ” của vong linh bằng những lời giảng Pháp. Vong linh có Sám Hối, nhưng nếu được dẫn dắt để hiểu rõ vì sao mình đã gây tạo lỗi lầm, khi đó vong linh sẽ thấm thía hơn với những bài Pháp về:

Khi đó, dùng lời Kinh A Di Đà để giới thiệu cảnh giới Cực Lạc, để dẫn giải 48 lời nguyện của Đức A Di Đà Phật, giúp cho vong linh có một cái nhìn tha thiết về thế giới Cực Lạc trong sự lựa chọn cảnh giới của Vong Linh. Vong linh đã được hướng dẫn tu tập, biết chân thành ăn năn, sám hối, nghiệp tội được lắng xuống, ngọn đèn Trí Huệ được đốt lên, vong linh giờ đây được ung dung tự tại với 3 con đường mà mình sẽ phải lựa chọn: cõi Phật - cõi Trời - cõi Người.

Kiếp đọa đày cũng biến mất, vong siêu thoát, an ổn ra đi, thảnh thơi ở một cảnh giới mới do chính mình lựa chọn.


+ 72
Dec 02 2014

Vong linh có bắt buộc phải chờ đợi đủ 49 ngày mới chính thức được tiếp dẫn đúng cảnh giới? Có khi nào thần thức rung động, thoát khỏi vướng mắc, và ra đi trước 49 ngày hay không?

Khi nói: “vong đi trước 49 ngày,” đó chỉ là một cách để diễn tả rằng, trước khi 49 ngày chấm dứt, thần thức đã có sự rung động rồi, đã hiểu rồi, đã biết rồi và đã có một sự thơ thới, một cảm giác rằng, mình không còn bị vướng mắc nữa, và cái xe nghiệp lực của mình ở ngoài sau không còn nặng nề, không còn trì hút xuống nữa, vong linh cảm thấy nhẹ nhàng xoay trở.

Sau khi đã nhận ra được những điều sai trái của mình rồi, đã cởi bỏ hết tất cả vướng mắc, bây giờ thì vong có một cảm giác ung dung tự tại; nhưng không có nghĩa rằng vong được đi theo đúng cảnh giới của mình liền, mà vẫn phải chờ cho xong 49 ngày. Hết thời gian đặc ân, đúng vào ngày thứ 49, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ giúp đỡ để đưa vong đi đúng cảnh giới của mình.

Trong thời gian từ lúc thần thức rung động, cho đến khi Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát đưa đi, vong rất là nhẹ nhàng, rất là thoải mái, thảnh thơi và cảm thấy không còn bị vướng mắc, giống như một người đang hưởng hạnh phúc trọn vẹn.

Nếu một người ở vào phút lâm chung, có được trạng thái đó, tức là người đó sẽ được tiếp dẫn ngay phút lâm chung.

Một người tu tập chân chính lúc còn sống, nhưng lại không thể nào được vãng sanh về cõi Cực Lạc hay Cõi Trời ở ngay phút lâm chung, đó là vì người ấy còn bị chút vướng mắc. Cũng có thể rằng, người đó có một ẩn tình nào chưa kịp giãi bày, vẫn còn mang trong lòng ở phút cuối, cho nên cần phải được giúp đỡ.

Những vong linh lúc còn sống không biết tu tập, mà lại có nhiều vướng mắc, 49 ngày sẽ là một thời gian rất dài … rất dài vì vong linh phải đi từng chút, từng chút để tu tập.

Những người đã biết tu tập rồi, chỉ còn chút ít vướng mắc lúc ra đi, khi cái vướng mắc đó đã được tháo gỡ rồi, thần thức sẽ cảm thấy rất là thơ thới và lại tiếp tục tu tập.

Thời gian còn lại của 49 ngày siêu độ, vong linh đó sẽ có được cảm giác sau đây:

  • Nếu vong linh đó quyết tâm về cõi Cực Lạc, vong linh sẽ có cảm giác ở Cực Lạc trong thời gian còn lại đó.
  • Nếu vong linh muốn về cõi Trời, vong linh sẽ có cảm giác rất là sung sướng của một người ở tại cõi Trời.

Điều này cũng áp dụng cho người còn tại thế. Khi còn sống trên cõi Đời mà lòng không chứa đầy vướng mắc, tâm không phiền não, sẽ thấy cuộc sống của mình rất thảnh thơi, nhẹ nhàng và hạnh phúc.

Dù rằng người đó trên thực tế, chưa từng bước vào Thế Giới Cực Lạc, nhưng họ có một cảm giác rằng: tôi đang ở trong Thế Giới Cực Lạc. Vì sao? Vì Thế Giới Cực Lạc không có sự khổ đau, không có điều phiền muộn, không có sự lo âu, không có bất kỳ một cái gì ngoại trừ hai chữ An Bình. Cho nên, giữ được Tâm Bình là giữ được Cảnh Giới Cực Lạc cho mình trong suốt thời gian mình an trụ trong chữ Bình.

Nếu khi còn sống mà tập luyện để cho tâm mình luôn an trụ trong Cảnh Giới Cực Lạc của bản thân mình, thì như vậy, vào giờ phút lâm chung, xem như con đường dẫn về Cực Lạc đang ở trước mặt mình, chỉ còn chờ đợi mình cất bước mà thôi. Con đường đó đã quá quen thuộc với mình, đã được nhìn thấy mỗi ngày, không cần đợi đến lúc hắt hơi mới được biết đến nó!

Cực Lạc ở trong Tâm của một người biết tu tập, biết kiểm soát được Tâm – Ý – Tánh của mình. Khi kiểm soát được Tâm – Ý – Tánh, tức là không bao giờ khiến cho Tâm – Ý – Tánh của mình hành động sai lầm.

Một người làm được một việc tốt đẹp sẽ cảm thấy thơ thới, nhẹ nhàng, thoải mái trong lòng, tức là đã có được cái cảm giác Cực Lạc nơi tâm của họ rồi.

Rất mong mỗi chúng sanh nên bỏ ít thì giờ để đọc, để hiểu, để thâm nhập từng lời, từng chữ trong quyển Siêu Độ này. Nó không phải thuần là một nghi thức, mà nó là một sự chuẩn bị, chuẩn bị cho chính bản thân mình.

Con đường mình chuẩn bị để đi sẽ như thế nào? Ước muốn của mình ra sao? Con đường đó mình muốn trải hoa, trải gấm, hay trải gai, trải bùn? Tất cả là do ở sự sắp xếp của mình, không ai chuẩn bị con đường đó giùm cho mình, mà phải chính tự bản thân mình làm việc chuẩn bị đó.

Nếu muốn con đường mình đi trải nhiều hoa, nhiều gấm, thì mình phải làm sao để kiếm cho đủ hoa với gấm mà lót lên.

Còn nếu nói rằng: Tôi bất cần, con đường tôi đi, nó bùn lầy, nó dính sình, nó gập ghềnh, nó sỏi đá, cũng không sao! Mình lựa chọn con đường nào, mình sẽ đi trên con đường đó. Có điều đặc biệt rằng, con đường mà mình lựa chọn sẽ có người cất bước lên đi trước, để cho mình ở phía sau quan sát, xem coi người đi phía trước mình đã đi như thế nào? Từ sau nhìn tới, mình có thể thẩm định được rằng: tôi trải bao nhiêu hoa đó có đủ để đi hay không? Hoặc là gấm tôi phủ lên có đủ dày hay không? Những sự sắp xếp của tôi có hoàn toàn giống như ý của tôi hay không? Nếu không đúng với ý muốn của tôi, thì tôi sẽ phải sửa đổi lại như thế nào để cho thật đúng?

Rồi một mai khi bước lên con đường mà mình đã chuẩn bị rồi, mình sẽ cảm thấy vừa ý, và không có lời trách móc, hay là hối tiếc rằng, mình đã làm chưa đúng ý của mình.

Chuẩn bị một con đường, mà con đường đó đã có người bước lên đi cho mình coi thử, thì như vậy, việc chỉnh sửa sẽ rất dễ dàng!

Siêu độ cho một người, là chuẩn bị con đường cho mình. Vong linh đó, chính là người giúp cho mình thẩm định được con đường mà mình chuẩn bị, có vừa ý mình hay không, có cần phải sửa đổi hay không và phải chỉnh sửa như thế nào để đúng với ý mình mong muốn? Nếu không vừa ý, muốn chỉnh sửa thì còn kịp thời gian, đừng đợi tới nước cùng rồi mới chỉnh sửa, sẽ không kịp nữa đâu!

Cho nên, siêu độ cho một vong linh chính là chuẩn bị con đường cho mình sẽ đi.


+ 72
Dec 02 2014

Để giúp không bị phân tâm:

Nên dùng alarm của đồng hồ (đồng hồ báo thức) hoặc của điện thoại hay timer. Vặn 5 phút, 10 phút, hay 15 phút trước khi ngồi vào để tịnh tâm, trì Chú hoặc niệm Phật. Như thế, chủ lễ sẽ không bị phân tâm về thời gian ấn định khi hành trì. Việc quán tưởng trong lúc trì Chú hay niệm Phật cũng sẽ không bị ngắt quãng nửa chừng.


+ 53
Dec 02 2014

Theo nghi thức từ xưa đến nay, việc tụng Kinh, niệm Phật lúc nào cũng phải đi kèm với chuông và mõ. Nếu một người mới làm quen với việc tu tập, gặp lúc tang gia bối rối, không tìm được chuông mõ để hành trì nghi thức, việc này có thể chấp nhận được hay không?

Thật sự ra, tất cả những thứ này là do người Đời đặt ra. Tiếng chuông đóng vai trò cảnh thức, phá tan màn đen tối. Màn đen tối đó chính là gì? Chính là màn vô minh của hành giả đó. Tiếng chuông thường là đi đôi với Tâm Thức.

Tâm Thức nghĩ gì? Muốn gì? Chuyển đạt tư tưởng của mình đến đâu? Đến cho ai? v.v... Tất cả sẽ kèm theo với tiếng chuông.

Tuy nhiên, khi tu tập lâu ngày, có thể Định Tâm được rồi, tất cả những gì xuất ra khỏi Tâm Thức đều không nhất thiết phải đi kèm với tiếng chuông.

Mõ được dùng để giữ nhịp khi tụng Kinh, trì Chú hay niệm Phật, để dẫn chúng, tránh hôn trầm (buồn ngủ).

Điều chánh yếu của việc tu tập là tôi luyện cái BÊN TRONG của mình; là rọi chiếu cái NỘI TÂM, tức là phải quán sát cái Tâm, cái Ý và cái Tánh của mình.

Tâm – Ý – Tánh có luôn được giùi mài, trau chuốt, mới giúp được Thần Thức của mình THĂNG HOA. Chính vì Thần Thức không thăng hoa, nên mới cần được siêu độ.

Nếu Thần Thức được bao bọc bởi một cái Tâm không lành, bởi vô số ý tưởng không chân chính và nhất là bị chi phối bởi quá nhiều Tánh Xấu, thì ngay từ khi còn sống, Thần Thức đó đã rất nặng nề, không thể nào giúp cho thân xác của mình có được một cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng ung dung được.

Khi đã trở thành một vong linh rồi, Thần Thức đó chắc chắn sẽ không được nhẹ nhàng cất bước vì mang quá nhiều nghiệp chướng, được gây tạo từ một Tâm-Ý-Tánh không lành.

Khi đã hiểu rõ cái cốt tuỷ của việc tu tập rồi, những gì thuộc về hình thức, không góp phần vào việc giúp cho Thần Thức được thăng hoa, từ khi còn sống cho đến lúc mãn phần, tất cả đều KHÔNG được xem là quan trọng và cần thiết. Có cũng được, mà không có cũng không sao!


+ 62
View Desktop
Version
\