Lạc Pháp

Dec 20 2014
  1. Những nghiệp chướng lỗi lầm từ trước, nặng thì chuyển thành nhẹ, còn nhẹ thì được tiêu trừ hẳn.
  2. Thường được các vị Thiện Thần gia hộ, tránh được tất cả tai ương, hoạn nạn, ôn dịch, nước, lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.
  3. Vĩnh viễn thoát khỏi những quả báo phiền khổ, oán cừu, oan trái của đời trước cũng như đời này. Luôn được an ổn.
  4. Các Vị Hộ Pháp, Thiện Thần thường gia hộ nên những loài dạ xoa, ác quỷ, rắn độc, hùm beo, tránh xa không dám hãm hại.
  5. Tâm được an vui, ngày không gặp việc nguy khốn, đêm ngủ không thấy ác mộng. Diện mạo hiền sáng, mạnh khỏe an lành, việc làm thuận lợi, kết quả tốt.
  6. Chí thành hộ Pháp, tâm không cầu lợi, tự nhiên y phục đầy đủ, gia đình hòa thuận, phước lộc đời đời.
  7. Lời nói việc làm, Trời Người hoan hỷ, đến đâu cũng được mọi người kính mến ngợi khen.
  8. Si mê chuyển thành trí huệ, bệnh lành mạnh khỏe, khốn nghèo chuyển thành giàu sang. Nhàm chán nữ thân, đời sau sẽ được nam thân.
  9. Vĩnh viễn xa lìa đường ác, sanh vào cõi thiện, tướng mạo đoan nghiêm, tâm trí siêu việt, phước lộc tròn đầy, giàu sang phú quý.
  10. Hay vì tất cả chúng sanh trồng các căn lành. Lấy tâm cầu của chúng sanh làm ruộng phước điền cho mình. Nhờ công đức ấy thành tựu được vô lượng phước quả thù thắng. Sanh ra nơi nào cũng thường thấy Phật, nghe Pháp, phước huệ rộng lớn, chứng đạt lục thông, sớm thành Phật quả.

Ấn tống Kinh, Pháp, Phật tượng được công đức thù thắng như vậy, nên nhân dịp có lễ chúc thọ, thành hôn, cầu phước, thoát nạn, sám hối, cầu tiêu trừ tật bệnh, cầu siêu độ hương linh, cầu tiêu trừ nghiệp chướng, hãy dõng mãnh phát tâm Bồ Đề ấn tống Kinh Pháp để trồng cội phước đức, trí huệ giác ngộ cho chính mình và thân bằng quyến thuộc.

Ở cuối quyển sách có đính kèm mẫu:

Phương Danh Tang Quyến & Thân Nhân Phát Tâm Ấn Tống Kinh: Phật Thuyết Thập Nhị Phật Danh So Sánh Công Đức Trừ Chướng Diệt Tội và Quyển 49 Ngày Siêu Độ Cho Thân Nhân Nghi Thức & Giảng Giải.

Thân Nhân ghi rõ tên họ người phát tâm ấn tống.

Hồi hướng công đức Ấn Tống cho Vong Linh tên họ ____, Pháp danh ____, sinh ngày ____, mất ngày ____, hưởng thọ __ tuổi.

 

Lac Phap Dharma Wheel

 


+ 63
Dec 20 2014

Chắc chắn rằng, không ai biết được thân nhân quá cố của mình đã đi về đâu?

Về cõi Trời, hay cõi Phật?
Trở lại kiếp Người?
Hay bị đọa Tam Đồ?

Dù cho vong linh đi về đâu trong sáu nẻo Luân Hồi, việc siêu độ cho vong linh vẫn là điều cần thiết phải làm.

Vong linh được cõi Trời tiếp nhận, được hưởng bao nhiêu sự thù thắng vi diệu, việc siêu độ cho vong linh sẽ giúp cho tuổi thọ của vong linh đó kéo dài hơn ở Thượng Giới.

Vong linh được vãng sanh về Cực Lạc, việc siêu độ cho vong linh, sẽ giúp cho hoa sen chứa đựng thần thức của vong linh mau chóng nở ra.

49 ngày siêu độ, người trên dương thế đã giúp cho vong linh tu tập, giúp cho vong linh sám hối các nghiệp tội của mình, từ nhiều đời, nhiều kiếp cho đến tận kiếp vừa qua. Dù vong linh được vãng sanh về cõi Phật, cũng vẫn là Đới Nghiệp Vãng Sanh, vẫn còn mang hết bao nhiêu nghiệp chướng đi theo mình, cũng vẫn phải trụ vào hoa sen để tu tập, để sám hối cho tiêu lần những chướng duyên.

Việc siêu độ của người trên dương thế, cho một vong linh an trụ trong thai sen, là một sự trợ lực, một sự tiếp sức, để vong linh đó sớm làm tiêu mòn đi nghiệp tội, được trở nên nhẹ nhàng, giúp cho hoa sen mau nở ra, vong linh thực sự trở thành Thánh Chúng (một cách đúng nghĩa), hòa nhập vào sinh hoạt hằng ngày của thế giới Cực Lạc.

Công việc siêu độ của người trên dương thế đã mang lại một ý nghĩa thật tuyệt vời, một sự lợi ích rất lớn lao, một sự đóng góp vô cùng cực trong việc cứu độ chúng sanh. Giúp đỡ cho một vong linh đới nghiệp vãng sanh, là giúp đỡ cho một Thánh Chúng của Cực Lạc, là tiếp tay cùng với Thánh Chúng đó, xoa dịu phần nào những thương đau của cõi Ta Bà, trong đó có cả chính bản thân mình và các thân nhân còn hiện thế của Thánh Chúng đó.

Một vong linh dù biết rằng sẽ được thác sanh về cõi Người (qua dấu hiệu của hơi ấm cuối cùng tụ vào nơi Ngực ở vào phút lâm chung), nếu được thành tâm, thành ý siêu độ trong 49 ngày, vong linh sẽ có cơ hội rất lớn để hoán chuyển cảnh giới của mình từ cõi Người chuyển sang cõi Trời hay cõi Phật.

Nếu nghiệp chướng quá nặng nề, còn vương mang nhiều vướng mắc, vong linh bị đọa vào chốn tam đồ; chỉ mới là dấu hiệu SẼ bị đọa tam đồ, chớ chưa thật sự bước vào sự đọa đày, nhưng nếu có sự nhanh nhẹn cứu vớt của thân nhân còn tại thế, thì chẳng những giúp cho vong linh không rơi vào đường dữ của chốn Tam Đồ, mà nhờ vào sự siêu độ, vong linh biết tu tập, thành tâm cải sửa, sám hối ăn năn, chỉ vỏn vẹn trong 49 ngày, con đường xán lạn của cõi Người hiện rõ, dẫn lối cho thần thức thác sanh.

Tất cả các vong linh đều biết rằng, 49 ngày là thời gian đặc ân, giúp cho vong linh siêu thoát, hoán chuyển cảnh giới. Nhưng vong linh không thể tự mình làm công việc siêu độ đó, cho nên phải cần đến sự giúp đỡ của người trên dương thế.

Tuy nhiên, nếu sự hành trì siêu độ không đúng cách, không đúng chỗ, không với tất cả tâm thành, chỉ là làm cho lấy có, lấy lệ, vong linh sẽ tức tưởi mà không được siêu thoát.

Người trên dương thế phải giúp người cõi âm. Có nhiều vong linh đã phải ở trong tình trạng không siêu thoát, qua nhiều thế kỷ, chớ không phải vài năm hay vài chục năm. Đây là một điều rất thương tâm, nó nói lên được sự hững hờ, thiếu chăm sóc, kém dạ chân thành của người trên dương thế. Chôn một thi hài xuống ba thước đất rồi thì phủi tay, xem như xong bổn phận, mà không cần quan tâm đến người thân quá cố của mình đi về đâu? Thăng hoa hay chịu sự đọa đày?

Số vong linh không siêu thoát càng lúc càng đông vì họ phải chờ đợi quá lâu ở cõi âm, không sao tìm được đường thác sanh. Vì vậy, họ tự động đi tìm oan gia trái chủ, tự giải quyết nghiệp lực, bằng cách dựa nhập hay tự ý thác sanh, mà không thông qua sự giúp đỡ và lựa chọn chính xác của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Trong tương lai, sẽ gây nên một tình trạng rối loạn trên dương thế, do ở việc tràn ngập các vong linh không siêu thoát.

Tính Người đã giảm đi rất nhiều trong con người đúng nghĩa.

Sự Nhu Hòa, Hiếu Thuận, sự Vị Tha, Nhân Ái, sự Nâng Niu, Trìu Mến, đã lần lượt bị thay thế bằng sự hung hăng, hiếu chiến, sự sân hận, hống hách, sự ganh ghét và bất cần. Mạng sống con người không còn được Trân Quý, và luôn luôn bị đe dọa.

Hiện tại cần phải giải quyết trước (nếu có sự nghi ngờ không siêu thoát) những vong linh đã qua đời không quá lâu, đây là một sự giúp đỡ rất lớn lao!

Quyển sách rất là đầy đủ, không thiếu sót. Thân nhân khi siêu độ cho người thân đã quá cố, cứ theo đúng nghi thức mà làm, sẽ đem đến kết quả tốt đẹp.

Khi nghiên cứu từng chi tiết trong quyển siêu độ này, người thật tâm tu tập sẽ nhận biết việc sai lầm của mình nằm vào nơi đâu. Tự họ phải chỉnh sửa, vì nếu họ không chỉnh sửa, họ sẽ phải rơi vào tình trạng của một vong linh không siêu thoát.

Việc siêu độ cho một vong linh, là một việc làm vừa ích lợi cho vong linh, vừa ích lợi cho người trên dương thế. Ai cũng phải bước qua cái chết, và ai cũng muốn trở thành một vong linh siêu thoát; không ai muốn mình bị vướng mắc vào trong những điều không tốt đẹp của mình. Vì vậy, nếu mình không tha thiết đến việc siêu độ cho vong linh, thì bản thân của mình, do nhân và quả, cũng sẽ đi theo con đường của vong linh không siêu thoát.

Khi mình “đã bị” ở trong hoàn cảnh không siêu thoát, muốn tiến cũng không được, muốn lùi cũng không xong, qua từng năm tháng, qua từng thế kỷ, thử hỏi mình phải kêu gào nơi đâu? Mình phải cầu xin nơi đâu? Với cái thần thức nhỏ bé của mình, một khi đã ở trong cái vướng mắc rồi, thì nó sẽ không khác gì một cái địa ngục của mình, chỉ nhìn thấy chung quanh là một màu tối đen. Biết làm sao để phá tan được bóng đêm?

Cho nên, tâm trạng của một vong linh bị vướng mắc, không siêu thoát, là tâm trạng của một người thấp hèn, của một người khá giả, của một người giàu có, của một người xuất gia, của một người tại gia, của một tỷ phú, của một vị vua, của một người nắm bao nhiêu quyền lực trong tay mình… Tất cả mọi người, từ hèn đến sang, từ thấp đến cao, đều bình đẳng, không có một sự phân biệt, cũng không có một sự khác biệt, cùng gặp nhau ở chỗ là cùng bị vướng mắc và cùng bị vây chặt bởi một màu đen.

Vì vậy việc siêu độ cho một vong linh là một việc làm bắt buộc, chớ không thể gọi là: “vui thì làm, còn buồn thì không.”

Tình trạng của một vong linh không siêu thoát, có thể là hình ảnh của mình trong tương lai. Cho nên, người người đều phải biết cách siêu độ, chớ không phải phó mặc cho chùa chiền. Hãy giao công việc đó cho người biết tu tập, cho người có thành tâm, thành ý, đem hết Tâm Lực mình để làm công việc giúp cho vong linh siêu thoát. Phải hiểu rằng, công việc đó là công việc của tất cả mọi người, không có một sự phân biệt, mà cũng không có sự ngoại lệ nào cả!

Đó là bổn phận của tất cả mọi người.

Bổn phận đó không phải là đặc ân của mình cho vong linh, mà chính là bổn phận đối với chính bản thân mình. Kẻ đi sau lo cho người đi trước, rồi thì người đó cũng sẽ được sự giúp đỡ của kẻ đi sau mình.

 Nếu có người nào đó thốt lên rằng:

“Tôi không cần ai siêu độ cho tôi. Tôi siêu thoát cũng được, mà không siêu thoát cũng không sao.”

Thái độ bất cần của người đó sẽ được trả lời sau cái chết của họ.

Mọi người phải nhìn thấy rằng, đây quả thật là Đặc Ân. Mình làm một bổn phận cho bản thân mình, mà mình còn được hưởng lợi qua công đức tu tập của mình. Như vậy tại sao không làm?

Việc chỉ dẫn lại cho người chưa biết là một bổn phận của người đã biết việc siêu độ. Phải nói một cách khẳng định rằng, ai cũng bắt buộc phải biết siêu độ cả! Nếu không biết siêu độ, thì nghìn muôn sầu khổ sẽ đến với mình, khi mình đã trở thành một vong linh rồi.

Từ người thấp hèn cho đến người cao sang, ai cũng sẽ trở thành ra vong linh, không có một ngoại lệ nào cho cái chết! Khi đã trở thành ra vong linh rồi, nếu người đó lúc còn sống, biết tu tập, biết lo sửa đổi Tâm – Ý – Tánh của mình, nói nôm na là biết chăm chút phần hồn của mình, chăm chút cho cái vong linh của mình về sau này, thì việc đó quá tốt đẹp. Siêu độ cho họ là thêm Sức, thêm Lực để họ dễ dàng siêu thoát, đến đúng nơi mà họ muốn tới. Còn những người không biết chăm chút cái vong linh của mình, không biết để ý đến cái phần hồn của mình, thì chắc chắn rằng việc không siêu thoát là việc rất có thể xảy ra.

Không ai muốn bị vướng mắc không được siêu thoát. Vì vậy, cần phải phổ biến ra càng nhiều càng tốt, để có người giúp đỡ cho mình trong tương lai, khi mình bỏ báu thân.

Việc siêu độ không phải chỉ là bổn phận của riêng chùa chiền hay là của người xuất gia. Tất cả mọi người đều cần phải biết cách siêu độ, và hành trì đúng cách siêu độ, nếu muốn được an nhiên tự tại sau khi đã bỏ thân xác này rồi.

Cho nên, việc ấn tống quyển Siêu Độ là bổn phận chung của tất cả mọi người. Nếu thật tâm muốn lo lắng cho phần hồn của mình, không gì tốt hơn là phải chia sẻ lại việc siêu độ với tất cả những người khác.


+ 48
Dec 20 2014

49 ngày là thời gian đặc ân để hoán chuyển cảnh giới của một vong linh.

Vong linh có được một cơ hội cuối cùng để tu tập, để chân thành sám hối, cải sửa những lỗi lầm của mình.

Sự rung động của thần thức là một sự rung động chân thật và đúng nghĩa, hoàn toàn không có sự che đậy (giả dối). Sự rung động đó có được, chính là nhờ ở sự Sám Hối. Vong linh phải sám hối ... sám hối … và chỉ có sám hối là mới có thể làm tiêu được một phần nào những nghiệp tội của mình, là bỏ xuống túi đá nặng mà vong linh đã mang trên vai.

Nhờ có sám hối mà các nghiệp chướng sẽ thu nhỏ lại, lắng xuống dưới đáy của A Lại Da Thức, làm cho cái túi nghiệp chướng của vong linh được nhẹ bớt đi, tuy rằng chỉ là tạm thời chớ không vĩnh viễn, nhưng cũng vẫn giúp cho vong linh được nhẹ nhàng cất bước tìm đường thác sanh.

Điều quan trọng hàng đầu là giúp cho vong linh sám hối, chớ không phải giúp cho vong linh tụng Kinh A Di Đà hay Kinh Địa Tạng.

Kinh A Di Đà giúp người tu tập (còn sống) biết đến cảnh giới Cực Lạc, biết đến lời nguyện rộng lớn của Đức A Di Đà Phật, trong việc dang tay cứu vớt chúng sanh của cõi Ta Bà. Người tu tập có được niềm tin vào lời nguyện của Đức A Di Đà Phật, sẽ đặt hết tâm thành của mình vào nơi an trụ vĩnh viễn cuối cùng của kiếp luân hồi.

Hướng đi đã được vạch rõ, nơi dừng chân cuối cùng cũng đã tỏ tường, chỉ còn lại có việc sắp xếp hành trang và chọn lựa phương tiện di chuyển.

Hành trang nào nên đem theo? Hành trang nào nên bỏ lại?

Phương tiện di chuyển nào thích nghi nhất? Tiện lợi cho mình nhất?

Cực Lạc vẫn đòi hỏi người tu tập chân chính phải chu toàn Tâm – Ý – Tánh, phải luôn luôn kiểm Tâm, chỉnh Ý và sửa Tánh thì nghiệp lực mới có cơ hội tan biến dần đi, làm cho cái túi hành trang của người đó sẽ không còn nặng nề, trở nên nhẹ nhàng nhưng chứa toàn vật quý giá để mang theo. Mà muốn được như vậy, người tu tập chân chính sẽ không ngừng sám hối, sẽ luôn thiết tha sám hối và thật dạ chân thành ăn năn tất cả những nghiệp chướng của mình từ vô thỉ kiếp cho đến hiện kiếp.

Người tu tập chân chính còn phải luôn luôn giữ Tâm Bình - Ý Bình - Tánh Bình thì mới bảo đảm được một sự tiếp rước vãng sanh ngay vào giờ phút lâm chung.

Niệm Phật A Di Đà, tụng Kinh A Di Đà là để giúp cho mình biết được hướng đi kế tiếp của mình sau khi bỏ báu thân, để chuẩn bị hành trang cho mình tiến về Cực Lạc.

Kinh Địa Tạng vạch rõ cho chúng sanh nhận chân ra được sự cực nhọc vô bờ bến, không có chi lường được, không có lời đúng để diễn tả, về công khó của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, trước các nghiệp tội do chúng sanh gây ra. Hằng hà sa số địa ngục, tất cả đều do chúng sanh đã chiêu cảm ra từ Tâm – Ý – Tánh.

Tụng Kinh Địa Tạng để: trước là, thấm thía sự nhọc nhằn của một vị Đại Bồ Tát, đã vì chúng sanh, thương chúng sanh, cảm nhận sự khổ đau của chúng sanh mà phát lời thệ nguyện rộng lớn: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật,” đã hết lòng, không ngừng nghỉ, dang tay cứu vớt chúng sanh.

Kế tiếp để thấy rằng, chúng sanh có nhận chân ra được là mình đã quá ác độc, quá ương ngạnh, quá bướng bỉnh, thiếu từ tâm, và luôn luôn có thái độ bất cần hay không? Từng địa ngục được kể ra, thể hiện cho từng thái độ, từng tánh xấu, từng hành động có thể nói là “quái ác” và “quái dị” của chúng sanh.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, qua lời Kinh Địa Tạng đã hết lòng khuyên bảo, nhắn nhủ mọi chúng sanh ngưng tạo nghiệp chướng, ngưng làm đau khổ lẫn nhau, nên sống đời An Nhiên Tự Tại, đừng tự buộc ràng mình vào cái Địa Ngục to tướng do chính mình xây tạo cho mình.

Nghiệp lực của ai thì người đó gánh chịu, không ai bằng lòng chịu khổ cho ai cả, dù là cha mẹ, con cái, thâm tình cũng vẫn không thể kham nỗi gánh nặng nghiệp chướng của kẻ khác được.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã vạch rõ cho chúng sanh hiểu được cảnh giới của bên kia lằn ranh giới Sống và Chết. Ngài đề cập đến sự tha thiết, đến lòng thương yêu vô bờ bến, đến những việc làm của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát đối với vong linh, Vị Đại Bồ Tát này đã không từ chối một việc gì để giúp cho vong linh, nhưng, việc giúp đỡ của Ngài thuộc giai đoạn thứ hai, không phải giai đoạn thứ nhất.

Ở giai đoạn thứ nhất, vong linh có bổn phận làm sao cho mình được nhẹ nhàng để tiến tới. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu là: chiếc xe nghiệp lực mà vong linh phải lôi kéo ở sau lưng, lại mang tính chất của một cục đá nam châm, nó “trì” và “hút” xuống, khiến cho vong linh vô phương di chuyển. Dù cho Ngài Địa Tạng có ra sức bao nhiêu để giúp đỡ, vong linh cũng không thể nào cất bước được.

Muốn được nhẹ nhàng và thoát khỏi tầm ảnh hưởng của sức hút của cục đá nam châm, vong linh bắt buộc phải qua thời gian 49 ngày tu tập, phải sám hối, phải trì Chú, phải niệm Phật để đốt lên ngọn đèn trí huệ của hương linh. Hương linh đã có ngọn đèn trí huệ, hương linh đã có sự chân thành sám hối, ăn năn rồi, sẽ khiến cho cục nam châm đó mất đi tính chất “hút,” khi đó vong linh mới có thể di chuyển được.

Khi đã có thể di chuyển được rồi, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát hoặc Đức A Di Đà Phật mới có thể đẩy lên tới trước được. Đây mới chính là giai đoạn hai.

Vong linh cần phải được dẫn dắt, chỉ dạy cho cách Sám Hối; đã lỡ tạo nghiệp rồi thì phải biết sám hối nghiệp tội của mình, làm cho nó tiêu đi chớ không phải thấy Địa Ngục là hết tội! Vong linh còn phải được giúp đỡ để đốt sáng ngọn đèn Trí Huệ qua việc trì Chú, niệm Phật.

Sám hối, trì Chú, niệm Phật là phương cách duy nhất và cấp thời, giúp cho vong linh tu tập, xả bỏ gánh nặng của vướng mắc, của nghiệp chướng, để rồi vong linh sáng suốt nhận ra được hướng đi kế tiếp của mình.

Bên cạnh việc giúp cho vong linh gấp rút tu tập, còn phải nỗ lực “MỞ TRÍ” của vong linh bằng những lời giảng Pháp. Vong linh có Sám Hối, nhưng nếu được dẫn dắt để hiểu rõ vì sao mình đã gây tạo lỗi lầm, khi đó vong linh sẽ thấm thía hơn với những bài Pháp về:

Khi đó, dùng lời Kinh A Di Đà để giới thiệu cảnh giới Cực Lạc, để dẫn giải 48 lời nguyện của Đức A Di Đà Phật, giúp cho vong linh có một cái nhìn tha thiết về thế giới Cực Lạc trong sự lựa chọn cảnh giới của Vong Linh. Vong linh đã được hướng dẫn tu tập, biết chân thành ăn năn, sám hối, nghiệp tội được lắng xuống, ngọn đèn Trí Huệ được đốt lên, vong linh giờ đây được ung dung tự tại với 3 con đường mà mình sẽ phải lựa chọn: cõi Phật - cõi Trời - cõi Người.

Kiếp đọa đày cũng biến mất, vong siêu thoát, an ổn ra đi, thảnh thơi ở một cảnh giới mới do chính mình lựa chọn.


+ 72
Dec 20 2014

Khi triệu thỉnh vong về để cúng, có khi nào mời nhầm một cô hồn uổng tử hoặc một vong linh khác đi cùng với vong linh (thân nhân) để vào nhà hay không?

Nếu vong nhập vị thì luôn luôn bên cạnh của vong đều có hai Vị Hộ Pháp. Còn nếu không cho vong nhập vị, thì phải khấn Chư Thần Thổ Địa nơi mình cư trú và xin phép để cho vong tên đó, họ đó, mất ngày nào đó, được vào nhà để mình siêu độ cho vong. Sẽ không có việc các vong khác ồ ạt kéo đến đâu. Chỉ trừ khi nào gia đình đó có một nghiệp lực sâu dày với một vong linh nào đó, thì mới có việc vong linh đó vào để dựa nhập. Ngoài ra thì không có việc một vong linh nào đó cùng đi với vong linh (thân nhân) để mà vào nhà.

Thế giới cõi Âm cũng có những quy luật rất là chặt chẽ. Tất cả những vong linh trong thế giới cõi Âm, đều có một kỷ luật đâu vào đó. Không thể nào tự ý muốn làm gì thì làm. Vẫn có một sự tổ chức hẳn hòi, trừ khi là oan gia, nghiệp chướng, thì đó là một việc khác. Không phải bất kỳ một vong linh nào cũng được quyền xuất nhập trong nhà của người trên dương thế đâu.

Một người đã phát nguyện tu tập, và biết cách thức tu tập “chân chính,” luôn luôn có Chư Thần, Hộ Pháp theo bảo vệ Đạo Tràng, Kinh điển, và luôn cả chính bản thân của người tu tập nữa. Cho nên không dễ dàng để cho bất kỳ một vong linh nào dựa nhập được hết. Chỉ trừ khi nào là oan gia, nghiệp chướng thì chuyện đó là một chuyện khác.

Muốn có được sự hộ trì của Ơn Trên, hành giả bắt buộc phải là một người tu tập chân chính: luôn giữ Giới, Tâm phải được kiểm soát thường xuyên, tránh không chao động. Những Ý tưởng bất thiện, kém hoặc không cao thượng đều phải được ngăn chận, và hủy bỏ đúng lúc, đúng thời; sửa Tánh, giùi mài Tánh và trau giồi Tánh. Như thế mới giữ được tư cách cùng nét oai nghi của người tu tập. Sự tu tập nếu chỉ thể hiện qua lời nói sẽ khó lòng nhận được sự hộ trì.

Nên nhớ rằng: tất cả những sự hộ trì đều là đặc ân, đền bù cho người đã bỏ nhiều công sức, bỏ nhiều thì giờ vào việc tu tập. Một người tu tập chân chính đúng nghĩa, sẽ là một vị Bồ Tát của Cực Lạc trong tương lai, cho nên tự họ sẽ được bảo vệ. Nếu vì một lý do nào đó mà họ dứt đường tu tập, không tiếp tục, thì lúc đó họ sẽ không còn nhận được sự hộ trì nữa. Còn nếu họ vẫn tiếp tục tu tập chân chính, đúng Pháp, trong tương lai, họ sẽ là Bồ Tát của Cực Lạc, thì việc hộ trì cho họ là chuyện đương nhiên!


+ 55
View Desktop
Version
\