Sân là gì? Sân đúng nghĩa của nó là ngọn lửa bùng lên. Ngọn lửa này không bao giờ có cái gì có thể dập tắt nó được. Khi nó bùng lên thì tùy cường độ mà nó sẽ bùng cao hay thấp và dù cho có dập tắt nó đi, nó cũng sẽ trở lại dưới hình dạng của một đốm lửa chớ không bao giờ tắt hẳn, và đốm lửa đó sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào. Đốm lửa tuy không bùng lên nhưng vẫn mang một hình thái của ngọn lửa. Chỉ cần cho vào nó những cái gì có thể bắt lửa là tức khắc nó sẽ cháy bùng lên.
Trong cuộc sống hàng ngày, cái gì có thể làm cho ngọn lửa cháy bùng lên được?
Mỗi chúng sanh đều có vô số nghiệp chướng từ vô thỉ kiếp. Nhưng nghiệp chướng từ hai chữ Tự Ái rất là quan trọng. Nó tiềm ẩn trong mỗi cá nhân.
Nó là nghiệp chướng “NỀN TẢNG”. Tại sao? Vì nó có sẵn từ khi một chúng sanh mới chào đời. Và nghiệp chướng này mang tên Tự Ái. Tự Ái của mỗi chúng sanh đều có một tính chất khác nhau. Khi một chúng sanh lớn lần theo năm tháng, thì tự ái này cũng lớn lần theo, và đặc biệt là không bao giờ thay đổi tánh chất. Tự Ái này chi phối mỗi cá nhân về sự suy tư, về quan niệm sống, về cách đối xử, rất rất là nhiều! Và thậm chí, nó ảnh hưởng đến tánh tình của một cá nhân. Cho nên, nó vô cùng là quan trọng. Có thể nói rằng trước khi các nghiệp chướng khác ồ ạt tiến đến, thì mỗi cá nhân đều đã mang trong người một nghiệp chướng nền tảng với cái tên là Tự Ái.
Kính bạch Sư Phụ,
Có phải là do cái “Nhân” của nghiệp lực khiến cho mỗi cá nhân có tự ái khác nhau? Ví dụ như: người tạo cái “Nhân” lúc nào cũng nghĩ quấy cho kẻ khác, thì bây giờ cái “Quả” mà họ gặp là lúc nào cũng chịu hàm oan. Cái tự ái của họ sẽ dính líu rất nhiều đến cái nghiệp đó. Do đó, nếu nói một điều gì oan ức cho họ, tức khắc sẽ làm chạm đến cái Tự Ái, họ đau khổ vì không được minh bạch, khiến cho họ phải rơi lệ. Nghiệp lực do chính họ tạo nên trong quá khứ đã làm cho Tự Ái của họ ngày nay xoay chung quanh một cái quả là lúc nào cũng nhận chịu sự oan tình.
Mỗi cá nhân đều sở đắc chữ Ái của riêng mình. Chữ Ái của cá nhân này sẽ không giống chữ Ái của cá nhân kia. Tùy theo nghiệp lực do chữ Ái chi phối mà mỗi cá nhân sẽ hành sử cái “Tự Ái” của mình khác nhau, không ai giống ai hết!
Kính bạch Sư Phụ,
Người đời luôn buồn vui, khóc hận, quanh đi, quẩn lại, xoay quanh một chữ Ái. Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được tận tường ý nghĩa thâm sâu cũng như sức công phá mãnh liệt của chữ Ái.
Thầy có thể phân biệt ra ba loại Ái khác nhau đã tác động lên hầu hết mọi chúng sanh. Đó chính là:
- Ái Từ: tức là lòng thương người
- Ái Dục: chữ Ái đi kèm với dục vọng, mong cầu
- Tự Ái: chữ Ái chỉ do một cá nhân thụ đắc mà thôi
Kính bạch Sư Phụ,
Con phải làm sao để giúp cho một người bỏ đi ý nghĩ tự tử?
Con nên nhớ rằng, một người trong đầu lúc nào cũng bị bao quanh bởi ý nghĩ tự tử, đó cũng là một nghiệp chướng.