• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Cõi Trời - Cõi Phật

Mar 04 2023
1063454625 1063454625

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã chuẩn bị rất là chu đáo cho việc viên tịch của Ngài. Đức A Di Đà Phật, Vị Giáo Chủ của Tây Phương Cực Lạc Quốc đã được Đức Bổn Sư trân trọng giới thiệu cùng Chúng Sanh của cõi Ta Bà. Cõi Tịnh này sẵn sàng mở rộng vòng tay tiếp rước bất cứ AI tha thiết với Đạo Pháp và đạt đủ tiêu chuẩn của Cực Lạc là Niệm Phật Nhất Tâm Bất Loạn trong từ 1 đến 7 ngày liên tục.

Đa phần những người con Phật đều mong mỏi được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc Quốc, sau khi bỏ Báu Thân. Vấn đề chánh yếu nơi đây không phải bàn về sự thù thắng vi diệu của cõi Cực Lạc, mà chính là đề cập đến tiêu chuẩn của Cực Lạc, đòi hỏi Chúng Sanh của Cõi Ta Bà phải làm thế nào để đạt được tiêu chuẩn đó.

Tiêu Chuẩn Niệm Phật nhất tâm bất loạn trong từ 1 đến 7 ngày liên tục đã đưa đến một sự “ngộ nhận” tai hại của Chúng Sanh cõi Ta Bà trong một thời gian quá dài. Chúng Sanh niệm Phật ngày đêm, miệng niệm, tay lần chuỗi, số lần Niệm Phật phải kể tính bằng số Ngàn; có khi chuyện trò với nhau mà tay vẫn không rời những hạt chuỗi. Thậm chí trong câu chuyện, đôi khi thiếu sự tương tác, cảm thông nhau, đưa đến sự bất hòa gây gổ, thế mà tay vẫn không ngừng lần chuỗi hạt!!

Người Người Niệm Phật, Nhà Nhà niệm Phật, cùng nhau Niệm Phật để được Vãng Sanh Cực Lạc! Chúng Sanh chỉ biết trước mắt là Niệm Phật, niệm càng nhiều càng tốt, Chúng Sanh chưa hề tư duy câu nói của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là, Niệm Phật Nhất Tâm Bất Loạn trong từ 1 đến 7 ngày liên tục.

Thế nào là Nhất Tâm Bất Loạn?

Như đã trình bày rất rõ ràng và chi tiết qua bài Pháp về Niệm Phật, Niệm Phật Nhất Tâm Bất Loạn tức là Niệm Phật với cái Tâm Bình, Tâm Thanh Tịnh.

Muốn giữ được Tâm Bình liên tục, bắt buộc phải sửa Tánh, phải thanh lọc những Thói Hư Tật Xấu. Đó chính là thủ phạm đã làm cho Tâm bị chao đảo, bị lung lay, tạo nên sự trì níu, sự giằng co giữa cái Thiện và cái Bất Thiện; đồng thời những Tánh Xấu còn tác động lên phần Ý Thức, khiến cho những tư tưởng quấy trá cứ liên tục phát sinh theo chiều hướng Xấu là luôn tìm những mưu mô, những mánh khóe, những cách thức để trục lợi, để lừa đảo, để gạt gẫm, để lường gạt, để hại người.

Sửa Tánh để có được Tâm Bình. Sửa những Tánh Xấu để được sở hữu những Tánh Tốt. Chính những Tánh Tốt mới làm nảy sinh Lòng Từ Bi. Lòng Từ Bi thể hiện một sự ăn năn sám hối, luôn luôn muốn gửi trao về cho tất cả những người mà mình đã tạo nên Oan Trái, những công đức tu tập của mình, những Phước Đức mà mình luôn chắt chiu gìn giữ. Có được như vậy thì Tâm Phật với Tâm Thanh Tịnh của mình mới đồng điệu, hòa hợp được trong lời Niệm Phật.

Có thể nói việc Niệm Phật hoàn toàn xung khắc với Tánh Xấu. Thánh Chúng trên Thai Sen bắt buộc phải tư duy từng Tánh Xấu, làm nền cho mỗi hình ảnh Nghiệp Chướng hiện ra trong Tâm Thức. Thánh Chúng còn phải nỗ lực để triệt tiêu Tánh Xấu, huống hồ gì Chúng Sanh của Cõi Ta Bà, đã phát nguyện vãng sanh về Cõi Tịnh Tây Phương thì việc sửa Tánh là điều kiện thiết yếu và duy nhất để đạt tiêu chuẩn.

Bộ 3 Tâm - Ý - Tánh kết hợp chặt chẽ, không bao giờ xa rời nhau, do đó mà không sửa những Tánh Xấu những Thói Hư, không chân thành Sám Hối Ăn Năn những Nghiệp Chướng do mình gây tạo nên, thì việc Niệm Phật để được Vãng Sanh Cực Lạc sẽ khó lòng mang đến một kết quả tốt đẹp như ý.

Đường về Cõi Tịnh tuy có hơi chông gai, có vài trắc trở, nhưng không có nghĩa là khó đi, khó bước. Tất cả đều nằm trong nguyên tắc có thứ tự lớp lang; chỉ cần làm theo đúng sự chỉ dẫn thì sẽ không cảm thấy khó khăn, rào cản. Hành trình Sửa Tánh - Bình Tâm - Chỉnh Ý giúp cho người tu tập khi còn tại Thế có được Niềm An Lạc trong cuộc sống, bớt đối diện với những cảnh Huống trái lòng, giữ được trạng thái BÌNH ở vào phút lâm chung, Thần Thức nhẹ nhàng ngự vào Hoa Sen nhỏ trên tay của Đức A Di Đà Phật, hợp cùng Thánh Chúng trực chỉ Tây Phương.

Trên Thai sen, Thánh Chúng giùi mài chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh của mình qua việc Sám Hối * Trì Chú * Niệm Phật. Lần hồi, Nghiệp Chướng bớt dần, Oan Trái cũng giảm đi, Thánh Chúng nhẹ lần đúng với tiêu chuẩn để Hoa Sen nở, Thánh Chúng bước khỏi Thai Sen, chánh thức hòa nhập vào sinh hoạt của Cực Lạc.

Một khi đã trở thành Thánh Chúng của Cực Lạc rồi, vĩnh viễn sẽ là Cư Dân của Cực Lạc, không có hạn định thời gian, và cũng không có việc trở lại làm Chúng Sanh của Cõi Ta Bà, trừ trường hợp Bồ Tát của Cực Lạc nhận nhiệm vụ đến cõi Ta Bà để cứu độ Chúng Sanh.

Người tu tập chân chính hằng ngày hành trì Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật, luôn kiểm Tâm - kiểm Ý - và nhất là kiểm soát rất gắt gao những Thói Hư Tật Xấu của mình, nhờ đó mà tích tụ được nhiều Tánh Tốt, nhiều Thói Quen Hữu Ích dễ dàng chia sẻ với Đồng Loại của mình. Hằng ngày siêng năng đọc Pháp, tư duy Pháp, giúp cho ánh sáng Trí Huệ càng thêm rực rỡ. Từng hành động, từng cử chỉ, từng lời nói được cân nhắc, được thẩm định, được chọn lọc để tránh sự ngộ nhận, sự lầm lẫn đưa đến việc làm mất lòng nhau hay hiềm khích lẫn nhau.

Bên cạnh những Công Đức tích tụ được do ở việc tu tập, người tu tập cũng không quên vun bồi Phước Báu bằng việc tích cực Hành Thiện qua việc Bố Thí Tài Thực, Vật Thực, qua sự đóng góp những công khó giúp đỡ người hoạn nạn, người bệnh tật, già nua, yếu đuối, qua sự chỉ dạy, chia sẻ kiến thức với những người kém sức, kém hiểu biết, thiếu trình độ, kém may mắn hơn mình….

Tất cả những Công Đức, Phước Đức đó được người tu tập trân trọng hồi hướng lại cho các Oan Gia Trái Chủ của mình như là một sự đáp đền, cũng như hằng ngày tu tập, luôn nguyện cầu cho các Oan Gia Trái Chủ, dù họ hiện diện ở bất cứ nơi chốn nào, họ vẫn có được một sự Bình An, luôn Vui Vẻ và ngập tràn Hạnh Phúc.

Lần hồi, những cảnh huống đến với người tu tập cũng giảm lần, sức công phá của Nghiệp lực cũng nhẹ lần đi, người tu tập cứ thản nhiên tiếp tục con đường mình đi; từ từ, niềm An Lạc đến với người tu tập lúc nào cũng không hay, nó lớn dần…..lớn dần khiến cho người tu tập luôn có được cái cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái, vui tươi, và dễ dàng đối phó trước mọi tình thế.

Người tu tập chân chính đem hết Tâm Thành của mình để tu tập, không vì Danh, không vì Lợi, không tu theo thị hiếu, không tu theo hoàn cảnh, dốc lòng đạt đến mục tiêu tối hậu của mình là Cực Lạc. Một lời Phát Nguyện vãng sanh về Cõi Tịnh Tây Phương thì dù cho bao sóng gió, dù cho bao rào cản, người tu tập vẫn giữ nguyên ý chí, không nghiêng ngả, không lùi bước, cứ thẳng một đường mà đi.

Cực Lạc rất hoan hỷ đón nhận người tu tập chân chính, bằng cớ là, dù rằng người tu tập chưa bỏ báu thân, Hoa Sen của người đó đã mọc lên trong Ao Liên Trì. Càng chuyên tâm tu tập, càng tạo nhiều Công Đức, Đóa Sen của người đó trong Ao Liên Trì càng nở đẹp và rực rỡ. Cực Lạc sẽ là nơi an trụ đời đời cho đến khi Thánh Chúng đó trở thành Bồ Tát, trở thành Phật.

Nếu có những Chúng Sanh phát nguyện về Tây phương Cực Lạc Quốc thì cũng có những Chúng Sanh tha thiết muốn được về cõi Trời.

Những Chúng Sanh đó quan niệm rằng, mình không đủ sức để tu thành Bồ Tát, thành Phật, thôi thì ráng làm việc Thiện, ráng hành Thập Thiện cũng được rước về Cõi Trời, nơi đó sống đời nhàn nhã, vui chơi thỏa thích, không bị quấy nhiễu bởi cái nghèo khó, thiếu thốn, nhất là bệnh tật, già nua.

Người Cõi Trời, trai thanh, gái lịch, ai cũng xinh như mộng, ai cũng đẹp hào hùng, tài ba lỗi lạc, văn võ song toàn.

Được về Cõi Trời, ăn chơi thỏa thích, mâm cao cỗ đầy, quả là rượu thấm mềm môi, đàn ca xướng hát thâu đêm suốt sáng, không sợ xóm giềng thị phi đàm tiếu.

Nhà cao cửa rộng, muốn gì được nấy, kẻ hầu người hạ, quần là áo lượt, gấm vóc phủ phê.

Vì là Cõi Trời Dục Giới cho nên chuyện Gái Trai vẫn có xảy ra, tuy nhiên, những vui chơi có tính cách “trần tục” như ở Cõi Ta Bà thì Cõi Trời hoàn toàn không có.

Nói tóm lại, những cái gì gọi là Dục Lạc sẽ có cơ hội triển khai một cách mạnh mẽ ở Cõi Trời. Tuy nhiên, có một điều mà Chúng Sanh của Cõi Ta Bà chưa từng tư duy đến, câu hỏi đặt ra là: “có phải chăng Thiên Chúng được ban cho Thần Thông để thỏa đáng tất cả những Ước Muốn, những Mong Cầu của mình hay không?”

Câu trả lời khẳng định là KHÔNG!! Sẽ không có bất cứ Thần Thông nào nơi đây, mà tất cả đều là sản phẩm của TÂM THỨC.

Các thú vui đều do Tâm Thức tạo ra, những ham muốn Vật Chất cũng được hình thành bởi Tâm Thức. Chính cái Tâm Thức của Thiên Chúng đã tạo ra không biết bao nhiêu cảnh, bao nhiêu hình, bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu sự việc, bao nhiêu sự vật, để xây dựng nên cái cuộc sống như ý cho Thiên Chúng ở Cõi Trời. Chỉ cần một cái búng tay tưởng tượng là cái tưởng nghĩ đó biến thành hiện thực ngay!!

Mọi vật chung quanh mình hiện ra quá là nhanh chóng, quá là dễ dàng, khiến cho Thiên Chúng cứ đắm chìm trong những thú vui do mình nghĩ tưởng. Thú vui này lại phát sinh ra thú vui khác, rồi nhiều thú vui khác nữa, cứ tiếp tục, cứ kéo dài, tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt. Đến khi nhìn ngoảnh lại thì than ôi! Thọ Mạng không còn bao nhiêu lâu nữa rồi.

Khác với Cư Dân của Cõi Trời, Chúng Sanh từ Cõi Ta Bà tới, cũng mang danh Thiên Chúng nhưng thực chất là Khách Vãng Lai, chỉ tạm dừng chân ở Cõi Trời trong một thời gian, dài hay ngắn tùy theo Phước Báu mà Thiên Chúng đó đã tích góp được trong thời gian còn là Chúng Sanh của Cõi Ta Bà. Phước Báu nhiều thì Thọ Mạng dài, Phước Trời hưởng được lâu; Phước Báu ít thì Thọ Mạng ngắn, Phước Trời không hưởng được lâu, nhưng tối thiểu cũng là 01 năm nơi cõi Trời.

Ngày còn là Chúng Sanh của Cõi Ta Bà, chỉ cần giữ được những cái Tánh sau đây: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưởi 2 chiều, không nói lời hung ác, không tham lam, không sân hận, không si mê. Nói tóm lại là Hành Thập Thiện, thì cũng đủ đạt tiêu chuẩn để về Cõi Trời rồi. Nếu đi kèm theo với hành động Bố Thí nữa thì đã đạt hơn tiêu chuẩn rồi!!

So với tiêu chuẩn về Cực Lạc bao gồm việc phải Sửa Tánh - phải Bình Tâm - phải Chỉnh Ý thì tiêu chuẩn về Cõi Trời nhẹ nhàng hơn nhiều. Chính vì cái nhẹ nhàng đó, chính vì việc không sửa Tánh, không sám hối ăn năn mà cái núi Nghiệp Lực vẫn còn cao ngất ngưởng. Được về cõi Trời hưởng Phước, Nghiệp Lực dừng lại, không quấy phá; đến khi Phước Trời đã mãn, Thiên Chúng trở lại Cõi Ta Bà, lúc đó Nghiệp Lực lại bắt đầu bùng lên để quậy phá.

Đối với Thánh Chúng, với Thiên Chúng, Nghiệp Lực dừng lại trong suốt thời gian ở Cõi Phật hay Cõi Trời. Tuy nhiên, Thánh Chúng trên Thai Sen không lúc nào ngừng sám hối để cho tiêu trừ Nghiệp Lực. Thánh Chúng cũng không phải trở lại Cõi Ta Bà, cho nên Nghiệp Lực không có dịp để tiếp tục bùng lên.

Đối với Thiên Chúng, thời gian ở tại Cõi Trời có giới hạn; dài hạn hay ngắn hạn còn tùy thuộc vào việc Chúng Sanh đó có hành Thập Thiện một cách hoàn hảo hay không? Và việc Bố Thí, Hành Thiện có nhiều hay không? Có chân chính hay không?

Như đã nói ở trên, Tất cả những thú vui, những cái Muốn của Thiên Chúng đều được Tâm Thức thỏa đáng một cách nhanh chóng, do đó mà Thiên Chúng “đắm chìm” trong những thú vui, bất kể thời gian.

Vì Tâm Thức không còn bị Nghiệp Lực vây quanh bao chặt, cho nên phát triển rất là mạnh mẽ; nếu trong thời gian ở Cõi Trời, Thiên Chúng biết chăm lo tu tập thì Trí Huệ phát sáng rất nhanh vì không có rào cản là Nghiệp Lực. Chùa chiền ở Cõi Trời rất là đẹp, Bồ Tát của Cực Lạc đích thân đến để chỉ dạy cho tu tập; sau một thời gian tu tập, nếu cảm thấy thích thì Cực Lạc rất sẵn sàng để tiếp đón Thiên Chúng đó về Cực Lạc để tiếp tục tu tập. Từ đây, Thiên Chúng trở thành Thánh Chúng, không còn lo lắng việc phải trở lại Cõi Ta Bà, kiếp Sanh Tử Luân Hồi thật sự tránh xa!!

Thật ra, nếu tư duy về việc hưởng Phước trên Cõi Trời, có thể nói rằng, đó chính là “Cái Lâu Đài Địa Ngục” do mình tạo ra! Vì sao? Vì tất cả mọi thứ mà Thiên Chúng mong cầu đều xuất phát từ Tâm Thức, chính Tâm Thức gầy dựng nên toàn cảnh vật, toàn cảm xúc, toàn những nguy nga tráng lệ để cho Thiên Chúng đắm chìm vào, lụy vào. Thiên Chúng sẽ cho rằng đó chính là cái Lâu Đài của mình, cái lâu đài sơn son thiếp vàng, độc nhất chỉ mỗi một mình mình có mà thôi.

Dù có gọi nó là Lâu Đài, thực chất của nó vẫn là cái Địa Ngục, Tâm Thức của Thiên Chúng đã tạo ra cái Địa Ngục đó để cho mình đắm chìm vào và tự nguyện để cho nó quấn chặt lấy mình. Nguyên tắc chính yếu của tu tập là Giải Thoát cái vòng bủa vây, nhưng Tâm Thức của Thiên Chúng lại tạo ra những hoàn cảnh, những ảnh ẢO và Thiên Chúng lại tự cột mình vào trong cái ẢO GIÁC đó. Như vậy có phải là Thiên Chúng đã tự tạo cho mình một cái Địa Ngục hay không?

Chúng Sanh còn ở Cõi Ta Bà, nếu thông hiểu được vấn đề tạo Phước Đức và tạo Công Đức, chắc chắn rằng sẽ từ chối ngay cái việc tạo Phước Đức, mà chỉ chọn tạo Công Đức, vì tạo Công Đức sẽ tiến đến Ung Dung Tự Tại đúng nghĩa, coi như là Tâm - Ý - Tánh của mình được giải thoát. Tạo Phước Đức thì Thiên Chúng sẽ không tránh khỏi sự bủa vây, những rào cản phát sinh ra từ Tâm Thức của chính Thiên Chúng đó.

Vì Thiên Chúng không có Trí Huệ phát sáng, cho nên không biết rằng mình đang sống trong Cảnh Ảo, cứ đinh ninh những gì mình đang hưởng thụ là Thật, chớ không biết rằng đó chỉ là một “Giấc Mộng Đẹp”!! Thời gian ở tại Cõi Trời, Thiên Chúng đã trải qua một Giấc Mộng Đẹp và đã đắm chìm trong giấc mộng đó. Đến khi tan mộng rồi, thẫn thờ nuối tiếc, chợt nhìn ngoảnh lại thì Mệnh Phước không còn, ngày trở lại Cõi Ta Bà đã gần kề, không còn kịp thời gian để làm gì cho bản thân của mình nữa.

Cho nên, người có trí huệ sẽ phải tư duy rất nhiều về vấn đề Phước Huệ và Công Đức.

Thánh Chúng tu tập trên Thai Sen vẫn bị chi phối rất nhiều bởi những hình ảnh của Tâm Thức, nhưng đó là những hình ảnh Nghiệp Lực, bắt buộc phải giùi mài cho biến mất. Còn đối với Thiên Chúng, những hình ảnh từ trong Tâm Thức do chính mình tạo ra và do mình xây dựng nó lên theo ý của mình, không có rào cản, không có bất kỳ một cái vướng mắc nào cả, cho nên, thấy thênh thang nhưng không thênh thang, còn đối với Thánh Chúng thì thấy gò bó nhưng không gò bó.

Tư duy cho thật chín chắn về Phước Đức và Công Đức, Chúng Sanh sẽ nhận rõ ngay con đường mình phải đi là con đường nào? Thì giờ bỏ ra, công sức bỏ ra chỉ để mong thu đạt một kết quả tốt đẹp vĩnh viễn, hơn là một kết quả có tính cách tạm thời. Bản chất của Chúng Sanh thích vui chơi, nhiều ham muốn, do đó, để khuyến khích Chúng Sanh tu tập, mới có vấn đề hưởng Phước Báu về cõi Trời. Thật sự ra, một người tu tập một cách chân chính, có sự tư duy sâu sắc, sẽ thấy rằng, bỏ thì giờ để đến một nơi vĩnh cửu vẫn là có giá trị hơn là mất thì giờ để đến một nơi tạm bợ, rồi cũng trở về vị trí cũ nữa, thì như vậy, mất thì giờ để làm gì?


+ 52