Trong sự giao tế, việc lắng nghe quan trọng vô cùng. Căn bản của Giao Tế chính là một sự bình đẳng giữa đôi bên, do đó không thể nào dùng lý do này, lý do kia, quyền uy này, quyền uy kia để làm cho sự giao tế lợi về phần mình mà bất lợi về kẻ khác. Trong vấn đề giao tế rất cần sự lắng nghe để thấy rõ rằng, người mình giao tế không có ý muốn trục lợi và mình hiểu rõ được mục đích của vấn đề, hiểu rõ được sự lợi ích hay là tầm quan trọng của cái điều mà người ta nói ra. Cho nên tránh được sự hiểu lầm hay là hiểu không tới nơi tới chốn, khiến cho có bất bình và tạo nên hiềm khích. Có đôi khi cái hiềm khích đó, nó không lộ ra ở trước một quyền uy nào đó, hoặc là ở một sự cả nể nào đó, nhưng mà nó vẫn xảy ra ở bên trong.
Nghiệp tạo ra từ ở bên ngoài hay nghiệp tạo ra từ ở bên trong thì cũng y như vậy thôi, không có gì khác hết, cũng vẫn là nghiệp tạo ra! Cho nên tất cả đều cần phải được phơi bày ở trước mặt, người ta gọi là “thanh thiên bạch nhật”, bao nhiêu con mắt dòm ngó, sự việc xảy ra rõ ràng, người mình giao tế cũng hiểu rõ những điều mà cả hai bên cùng thốt ra.
Đối với một người đang chăm sóc cho bệnh nhân, đang theo dõi những diễn biến của bệnh trạng, những cách thức để làm cho cơn bệnh được giảm xuống, họ rất cần những câu trả lời chân thật, chính xác của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân cần phải lắng nghe cho thật kỹ những câu hỏi về hiện trạng sức khỏe của mình để trả lời một cách rõ ràng, mạch lạc, giúp cho người chăm sóc nắm vững tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để định được hướng đi đúng trong việc chăm sóc.
Đôi khi có một việc nào đó xảy ra trong những điều kiện, những hoàn cảnh không được rõ ràng, thí dụ như: có một án mạng xảy ra trong một ngôi nhà, nhân viên hành sự khi lấy lời khai của mọi người trong gia đình phải lắng nghe rất là chăm chú, và đôi khi sự lắng nghe phải vô cùng là tinh tế, vì có đôi lúc chỉ cần một chữ, một lời, hay một chi tiết nào đó, cũng đủ giúp cho người điều tra có được một tia sáng để mà điều tra vụ án.
Cho nên, nếu nghe một cách hời hợt, nghe một cách vô tư, thiếu sự để tâm thì chắc chắn rằng điều tra viên sẽ bỏ qua những chi tiết, tuy là rất nhỏ nhặt, nhưng vô cùng là quan trọng. Vì vậy mà việc lắng nghe quan trọng vô cùng trong vấn đề tìm hiểu một sự thật.
Một người được giao cho theo dõi một công trình nghiên cứu nào đó, mọi diễn biến xảy ra từng chút một. Có đôi khi cả ngày không có một dấu hiệu nào cả, nhưng đến cuối ngày lại có một dấu hiệu vô cùng là nhỏ nhặt hiện ra. Người theo dõi công trình nghiên cứu đó phải tức khắc báo cáo ngay để cho cấp Chỉ Huy có thể thẩm định được sự tiến triển của việc thí nghiệm, và sự lắng nghe của người này phải vô cùng…vô cùng là tinh tế, như thế mới không để thất thoát bất kỳ một kết quả nào, vì có đôi khi, cũng đồng thời là kết quả, nhưng kết quả này không dùng được, mà kết quả khác lại dùng được. Kết quả này hiện ra một cách rất rõ ràng nhưng không sử dụng được, trong khi kết quả kia lại hiện ra không rõ rệt, mù mờ, nhưng lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình nghiên cứu.
Cho nên, người theo dõi và người được báo cáo sự theo dõi đều phải làm việc một cách tỉ mỉ và song hành, không thể nào một kẻ thì hời hợt, còn một người thì quá là vô tâm. Có đôi lúc, cái kết quả của sự việc chỉ thoáng qua thôi, vì vậy mà phải nắm bắt cho đúng, cho kỹ. Nếu mình không chính mắt nhìn thấy thì phải nghe một cách tinh tế để có thể nhận ra được một cách dễ dàng, nếu không, thì nó cũng lại là một cái thoáng qua, làm hỏng cả một công trình nghiên cứu.
Trên phương diện gia đình, lắng nghe là một điều vô cùng quan trọng; con cái không biết lắng nghe lời dạy bảo, khuyên răn của cha mẹ thì cái kết quả đưa tới là sự hư đốn của đứa con. Cha mẹ bất cần sự lắng nghe lời giãi bày của con cái, thì có thể sẽ nhận lấy cái kết quả là mất đứa con.
Anh chị em, bà con thân tộc cần phải Lắng Nghe để hiểu nhau nhiều hơn, lắng nghe để cảm thông với nhau, lắng nghe để đừng làm những điều không tốt đẹp cho nhau, lắng nghe để cho tình cảm không bị sứt mẻ, được đậm đà hơn, thắt chặt hơn. Trong cái lắng nghe nó tiềm ẩn sự để tâm trong đó, mà một khi đã có sự để tâm thì không thể nào bỏ qua được tất cả những điều mù mờ, sai trái, không đúng.
Những vị có chức sắc trong cơ quan công quyền, lãnh đạo việc cai trị từ trung ương đến địa phương, nếu biết lắng nghe tiếng nói của người dân sẽ tránh được rất là nhiều những sai phạm, những oan tình. Người dân đã tin tưởng trao quyền hành cho những vị dân cử thì những vị này cũng nên lắng nghe những ước muốn của Dân.
Kính bạch Sư Phụ,
Sư Phụ đã giải thích thật rõ ràng về những lợi ích của việc lắng nghe trên phương diện Đời. Thế thì trên phương diện Đạo, người tu tập có cần phải biết lắng nghe hay không, thưa Sư Phụ?
Thật sự mà nói, trong bất kỳ một vấn đề nào, sự lắng nghe cũng đều bắt buộc phải hiện hữu vì, nếu không có lắng nghe sẽ không thể nào nắm vững được vấn đề. Mà một khi không nắm vững vấn đề thì sẽ không giải quyết được vấn đề; giải quyết trên phương diện hình thức, và luôn cả trên phương diện nội tâm.
Việc tu tập đòi hỏi một sự lắng nghe rất là nhiều. Một người nghe giảng Pháp mà thiếu sự để Tâm, nghe một cách rất hời hợt, chắc chắn rằng người đó không thể nào nắm bắt được cái ý đúng của bài Pháp đó. Thường thường cái cốt tủy của bài Pháp không phải nằm trên bề mặt nổi, mà bắt buộc phải có sự tư duy để mới có thể đào sâu vào cái cốt tủy của bài Pháp. Nếu chỉ hiểu ở mặt ngoài mà không hiểu được cái thâm sâu của vấn đề thì cái kết quả thu nhặt được chỉ khoảng chừng 20% đến 30% là nhiều.
Mình phải đặt vấn đề là: “tôi tu để làm gì?” Tôi tu để tôi cầu Phước, tôi tu để tôi được thăng hoa hay tôi tu để cho người ta xuýt xoa khen ngợi tôi? Nếu tôi tu để cho mọi người bái phục thì không cần phải lắng nghe. Nếu tôi tu để cầu Phước thì cũng không cần phải lắng nghe, có tu là đủ rồi. Còn nếu tôi tu với ý muốn được thăng hoa thì việc lắng nghe vô cùng…vô cùng là quan trọng!!
Lắng nghe khi bài Pháp đó được giảng lên, lắng nghe khi mình tự đọc cái bài Pháp đó; khi đó mình lắng nghe cái gì? Lắng nghe cái tâm tư của người viết lên bài Pháp đó, nói lên những lời Pháp đó, để rồi từ đó mới có sự phản biện. Phản biện để làm gì? Phản biện để tìm những ý nghĩ hay ho, phản biện để tìm những chi tiết nhỏ nhặt mà mình đã thiếu sót, để đào sâu vô vấn đề, để tư duy nhiều hơn. Vì vậy mà bắt buộc phải lắng nghe rất là nhiều.
Một Thiện Tri Thức không biết lắng nghe những lời của người đến giải bày với mình về cái hoàn cảnh của người đó, thì vị Thiện Tri Thức đó sẽ không thể có được những lời hay, những ý tưởng tốt đẹp, những phương pháp thích đáng để giúp cho người kia thoát được những khó khăn hiện đang gặp phải. Có lắng nghe mới tìm được, mới hiểu thấu được những uẩn khúc nằm bên trong sự việc.
Đọc một bài Pháp là mình đang đối diện với người viết cái bài Pháp đó. Mình với họ cùng nói chuyện với nhau để bản thân mình mới có thể rút ra được những điều gì thuộc về tâm tư của người viết Pháp.
Bài Pháp không phải là một bài văn như là tiểu thuyết hay là tùy bút, mà bài Pháp là một sự thể hiện cái Nội Tâm, cái Đời Sống Tâm Linh. Nó vạch rõ cho mọi người thấy được cái đời sống tâm linh của chính bản thân mình, để rồi từ đó, hoặc là gia giảm sửa đổi, hoặc làm cho nó tốt đẹp hơn, hoặc là vun bồi nó như thế nào. Cho nên, không những là đọc bài Pháp mà còn phải lắng nghe lời Pháp để mới thấu hiểu được những điểm nhỏ nhặt, để mới có thể khơi dậy được những sáng kiến, những cái độc đáo mà mình tìm thấy được trong cuộc đời của chính mình.
Người tu tập phải biết lắng nghe chính bản thân của mình nữa. Có đôi khi những cảm xúc quá độ đưa tới những phản ứng mạnh bạo như dễ nổi giận, la lối hay cau có, làm mất đi sự bình tỉnh; trong những trường hợp này, một sự lắng nghe chính bản thân mình sẽ giúp ích rất nhiều trong việc kềm chế những cảm xúc và lấy lại sự bình tỉnh.
Sự lắng nghe tiếng lòng sẽ giúp cho mình hiểu thấu được nguyên nhân sâu thẳm dẫn tới cái thực trạng không tốt đẹp của ngày hôm nay. Cũng có thể đó là một sự phản kháng ngầm, ẩn tàng trong tâm tư của tôi từ bấy lâu nay, chưa có dịp bộc phát. Cũng có thể là do tôi đã có sự ganh tị với ai đó, và ngày giờ này cái tánh ganh tị đó có dịp để bùng lên. Chẳng những một tánh, mà còn nhiều tánh khác nữa; nếu tôi không biết lắng lòng mình để nghe cho thật rõ, thật kỹ, thật chân thành Tâm Tư của mình, làm sao tôi có thể loại bỏ lần hồi những tánh xấu của tôi?
Tu tập là bắt buộc phải sửa Tánh, tánh không sửa làm sao có được Tâm Bình, Tâm An Lạc? Ai đó có thể nói rằng, tôi chưa hề có tánh xấu đó trong cuộc đời, phải! Tôi chưa có trong cuộc đời của ngày hôm nay, nhưng có ai khẳng định rằng tôi chưa hề có những tánh xấu đó trong Quá Khứ hay không?
Đã bao nhiêu lần tôi đến rồi đi ở cõi Ta Bà này? Đã bao nhiêu lần tôi gây tạo lỗi lầm? Đã bao nhiêu nghiệp chướng tôi gieo rắc khắp nơi? Có bao nhiêu Oan Gia Trái Chủ đang chờ đợi tôi thanh toán nghiệp lực với họ? Tôi đến đây để đền trả những món nợ mà tôi đã mắc phải từ trong một kiếp hay nhiều kiếp trong quá khứ, những món nợ đó đều do từ ở những tánh xấu của tôi mà ra. Hàng hàng lớp lớp nghiệp lực bao vây tôi, đòi nợ tôi, điều đó chứng tỏ rằng con người tôi có đầy dẫy những tánh xấu.
Bước vào đường tu tập, rào cản tôi vấp phải trước tiên chính là trùng trùng điệp điệp những tánh xấu của tôi. Tôi bắt buộc phải quán chiếu từng cái tánh xấu một để xem coi cái tánh xấu đó đã ảnh hưởng như thế nào đến con người tôi, từ thể xác đến tinh thần, và cái tánh xấu đó đã mang đến điều bất lợi hoặc là sự tai hại như thế nào cho những người nhận chịu cái hậu quả của cái tánh xấu đó của tôi. Do đó mà tôi bắt buộc phải lắng nghe những người chung quanh tôi để tôi đừng tiếp tục tạo nghiệp mới, và tôi lắng nghe luôn cả chính bản thân của mình nữa thì mới có thể dễ dàng sửa được những Tánh xấu của tôi.
Có lắng nghe mới tiến đến được cái Tâm Bình! Lắng nghe từng tiếng côn trùng, phân biệt được từng loại côn trùng, khi đó Tâm mới thực sự là phẳng lặng. Tâm phẳng lặng sẽ dễ dàng tiếp nhận cái Ánh Sáng từ ở phía bên kia của Tâm rọi tới, đó chính là Hào Quang của Phật và Bồ Tát.
Trong tất cả những Tánh Tốt, Lắng Nghe là tánh tốt đứng hàng đầu và đó là một Tánh Tốt Căn Bản, cần phải hiện diện trong bất cứ sự kiện hay sự việc nào. Ngay cả khi làm một hành động Từ Bi cũng vẫn phải biết lắng nghe. Lắng nghe để xem coi người ta đến với mình vì mục đích gì? Người ta cần cái gì? Người ta mong mỏi mình giúp người ta cái gì? Bản thân mình cũng phải tự lượng xem coi khả năng mình có thể giúp được tới đâu? Hay là bắt buộc phải từ chối.
Cũng có khi, vì người ta thiếu tư duy nên không tìm được câu giải đáp cho những điều người ta mong muốn, nhưng khi mình lắng nghe người đó trình bày những điều khó khăn, mình tư duy và mình thấy rằng, mấu chốt của vấn đề không phải là giải quyết những điều mà người ta đang yêu cầu, mà là phải giải quyết một cái điểm then chốt nào đó. Cho nên, dù rằng mình cũng giúp đỡ, nhưng cái giúp đỡ của mình nó xác đáng hơn, nó thiếc thực hơn và nó mang đến nhiều lợi ích hơn.
Dù là người tu tập, hay là người không tu tập, Lắng Nghe vẫn là một Tánh Tốt cần phải có và phải luôn được trau giồi.
Lắng nghe những lời phê bình chân thật của kẻ khác về mình, sẽ giúp cho mình chỉnh sửa lời ăn tiếng nói, cũng như những cử chỉ thiếu nhã nhặn hay không thích nghi của mình.
Lắng nghe để kịp thời ngăn chận tất cả những hành vi không đúng của mình.
Lắng nghe, không những chuyện về mình, mà còn phải lắng nghe chuyện của kẻ khác, để rồi từ đó suy ra chuyện của mình. Đâu có ai ngăn cản một ngày nào đó, hành động của mình lại rơi đúng vào cái cách thức của kẻ khác, cho nên sự lắng nghe về những điều quấy trá, điều không phải của kẻ khác, sẽ không là một hành động thị phi đối với mình, mà chính là để tự học hỏi, để tự nhủ với bản thân mình, và luôn cả để đề phòng và chỉnh sửa. Người khôn ngoan luôn luôn lấy những bài học khó khăn của Người để làm tấm gương cho chính bản thân mình.
Trong gia đình, vợ biết lắng nghe chồng, chồng biết lắng nghe vợ, cha mẹ biết lắng nghe con cái, con cái biết lắng nghe cha mẹ, gia đình đó sẽ là một gia đình hạnh phúc, ấm êm vì không có sự hiểu lầm giữa người này với người kia, không có sự áp đặt của kẻ trên đối với người dưới.
Trong cộng đồng, người này biết lắng nghe lời giãi bày của kẻ kia thì dễ dàng tìm ra được mấu chốt của vấn đề đem đến sự phiền não, sự bực dọc, sự không vừa ý cho nhau. Mọi người nhờ biết lắng nghe mà sẽ hiểu nhau nhiều hơn, dễ dàng thông cảm nhau, thấu hiểu được hoàn cảnh của nhau, chăm sóc, khuyên lơn và càng tương trợ nhau hơn.
Lắng Nghe là một Tánh Tốt vượt lên trên tất cả những Tánh Tốt.
Một cá nhân với đầy đủ phong cách Con Người - Một gia đình nề nếp, hạnh phúc - Một Xã Hội an ổn trật tự - Một Quốc Gia trên thuận dưới hòa - Một Chánh Quyền liên kết chặt chẽ với Người Dân….Tất cả đều đòi hỏi một sự LẮNG NGHE TUYỆT ĐỐI.