• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Vô Minh

May 27 2023
Kính Mừng Phật Đản Kính Mừng Phật Đản

Trong niềm hân hoan
Đón mừng Phật Đản
Đệ Tử chúng con
Không quên trau giồi
Giữ gìn Đạo hạnh
Chuyên tâm chỉnh sửa
Tâm - Ý - Tánh mình
Luôn được ngời sáng
Kính dâng Phật Tổ
Tấm lòng tha thiết
Tìm cầu giải thoát
Sinh-Tử Luân-Hồi
Thề quyết một lòng
Ăn Năn Sám Hối
Bứt phá gông xiềng
Đoạn lìa Nghiệp Chướng
Gắng công tu tập
Đem hết Công Đức
Phước Đức hành Thiện
Hồi Hướng Pháp Giới
Chúng Sanh muôn Loài
Oan Gia Trái Chủ
Khấu đầu nhận lỗi
Chân thành đền đáp
Những lỗi lầm xưa
Pháp Môn Sám Hối
Đi đúng đường hướng
Phật Tổ vạch ra
Giúp cho Chúng Sanh
Đoạn lìa Sanh Tử
Thoát Kiếp Luân Hồi
Ung dung tự tại
Sống đời Viên Mãn
Chúng con thành tâm
Xin ghi tạc dạ
Ân Đức của Ngài
Dốc lòng tu tập!

Kính bạch Sư Phụ,

Từ trước đến nay con hiểu rằng khi một Chúng Sanh mang quá nhiều phiền não, cứ chất chồng, chất chồng từ đời này sang đời kia, Tâm Thức của Chúng Sanh đó sẽ càng tối dần…… tối dần cho đến đen ngòm, không còn nhìn thấy được cái độ trong sáng của cái kiếng Tâm. Lớp màn đen bao phủ cái kiếng Tâm ngày càng dày thêm … dày thêm cho đến hun hút và mang tên là VÔ MINH. Bản thân con chỉ biết được đến bao nhiêu đây thôi, kính xin Sư Phụ khai mở Trí cho con để con hiểu biết thêm về thực chất của Vô Minh, vì con hiểu rằng do vô minh mà con cứ trôi lăn trong vòng Sanh Tử, vì vô minh mà con cứ quờ quạng trong bóng đêm và cũng vì vô minh mà con cứ liên tục tạo sai lầm, không phân biệt được nơi nào là tối tăm, nơi nào là quang đảng.

Thầy hỏi con:

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu người ta không làm mình vừa ý, không thỏa mãn được những mong cầu của mình, phản ứng của mình sẽ như thế nào ngoài sự bực dọc?

Mình phải phân trần, nhắc nhở, giải thích.

Nếu người ta vẫn không đáp ứng được, không thoả mãn được những điều mình mong cầu, chắc chắn rằng mình sẽ rất là bực tức, mình có thể sẽ la lối, sẽ giận hờn, cũng có thể sẽ có đánh nhau. Nếu người bực dọc đó là một người cậy quyền ỷ thế, là một chủ nhân ông thì việc đánh nhau xảy ra rất là dễ dàng.

Vậy mình bực dọc là do từ ở đâu?

Do từ ở Tự Ái của mình, vì người ta không thỏa mãn được những điều mình mong muốn, cho nên Tự Ái bị tổn thương và đưa đến những phản ứng.

Hành động mình la lối, mắng chưởi, nguyền rủa, thậm chí đến đánh đập kẻ khác, thể hiện cái gì?

Tất cả đều là những Tánh Xấu!

Hai bên ấu đả nhau sẽ có một bên được một bên thua, và đương nhiên là có kẻ gieo Nhân Hạt không lành; chưởi bới, mắng mỏ, la hét là hành vi gieo những nhân hạt không lành, mà đã có gieo Nhân thì Quả Trái bắt buộc phải mọc lên. Như vậy thì đã rõ biết được rằng, Nghiệp Lực giữa đôi bên đã phát sinh.

Người chưởi bới và người không chưởi bới, người gây nên sóng gió và người hứng chịu sóng gió, cả 2 bên đều cùng bực dọc chớ không có riêng một bên nào cả. Nạn nhân bực dọc vì bị chưởi bới, mạ lỵ, hành hung. Kẻ chủ mưu gây những điều phiền toái cho kẻ khác cũng bực dọc vì họ cảm thấy chưa hả hê khi chưởi mắng kẻ khác, mạ lỵ kẻ khác.

Sau câu chuyện đó thì Tâm Thức khắc ghi hình ảnh, lời nói của kẻ chủ mưu. Bên phía nạn nhân, Tâm Thức cũng khắc ghi cái kết quả của việc cãi cọ giữa đôi bên.

Đây chỉ mới là một việc!!

Trong ngày có thể xảy ra nhiều việc, 5 việc thậm chí là 10 việc, càng giao tế nhiều thì càng có lắm chuyện bực mình…… đủ loại, đủ kiểu, đủ cách. Tùy vào phản ứng, tùy vào thái độ, hành động, cách cư xử của mỗi người mà nhất cử nhất động, từng lời nói, từng ý nghĩ đều được ghi khắc lại trong Tâm Thức.

Rồi thì ngày thứ nhất qua đi, tiếp đến ngày thứ nhì, ngày thứ ba, ngày thứ tư... Một năm có 365 ngày, giả sử rằng, trung bình mỗi ngày chỉ có 3 việc gây nên sự xáo trộn trong cuộc sống thì 3 việc đó nhơn cho 365 ngày, tức khắc sẽ thấy rằng, trong một năm có hơn 1000 việc không vừa ý xảy ra, có đúng như vậy không?

Dạ thưa đúng.

Năm thứ nhất đã qua, năm thứ nhì tới, có khi nó còn nặng nề hơn năm thứ nhất nữa, vì bên cạnh những chuyện bực mình, khó chịu, còn có việc “kinh khủng” xảy ra; gọi là kinh khủng bởi vì nó gieo nên một sự xúc động mãnh liệt cho người nhận sự kiện đó, chẳng hạn như đưa đến việc người đó mất Mẹ hay mất Cha, hay mất một người thân nào mà người đó rất mực thương yêu. Ngoài ra, còn chưa kể những mất mát về tiền bạc, về những vật sở hữu, về quyền lợi, về hạnh phúc, có thể dẫn đến một sự chao đảo lớn lao về Vật Chất lẫn Tinh Thần.

Từng ngày trôi qua, từng tháng trôi qua, từng năm trôi qua, rồi cuộc đời chấm dứt, áo cũ lột đi, áo mới mặc vào; bình rượu mới nhưng rượu trong bình không mới, vẫn là cái rượu cũ, không có gì mới mẻ, tức là không có sự đổi thay gì cả.

Rồi thì thêm một Kiếp Người chồng chất, cộng thêm những sự việc đặc biệt của cái kiếp người đó, cứ tiếp tục…..tiếp tục, hết kiếp này tới kiếp khác. Tâm Thức cứ thản nhiên tiếp nhận và ghi chép!! Những điều gì tốt đẹp thì Tâm Thức ghi riêng qua một bên, những điều không tốt đẹp Tâm Thức cũng gom về một phía. Điều không tốt đẹp được biểu hiện bằng một vết đen; cứ mỗi một vết đen là biểu hiện cho một điều không hay và điều không hay đó bao gồm luôn cả Thất Tình. Tất cả nỗi đau thương, sự thống khổ, sự mất mát, sự bi ai đều thể hiện rõ ràng qua thất tình.

Rồi một điều, rồi 2 điều, rồi 3 điều… càng nhiều cái khó chịu, càng nhiều nỗi bất bình, càng nhiều nỗi bi ai, càng nhiều điều không thuận ý, lần lượt….lần lượt những vết đen theo thứ tự thời gian mà chất chồng….chất chồng lên nhau.

Kiếp người này chấm dứt, kiếp người khác tiến lên, những vết đen vẫn tiếp tục chất chồng chớ không có ngừng lại. Nó tiếp tục như chưa bao giờ có sự thay đổi kiếp.

Suốt cuộc đời của một kiếp Người, nếu Thân Xác cứ thường xuyên bôi những vệt đen lên Tâm Thức thì cuối cuộc đời, Thân Xác sẽ đón nhận một bức tranh tổng thể của cuộc đời mình với toàn là những vệt đen làm hoen ố cái bức tranh đó.

Nếu ngược lại, Thân Xác chắt chiu từng đức tánh, từng tư tưởng cao thượng, từng lời hay ý đẹp, từng hành động mang nhiều lợi ích cho Nhân Quần Xã hội để minh họa cuộc đời mình, thì Tâm Thức sẽ dung chứa toàn là những vệt trắng, tượng trưng cho một tâm hồn thanh cao, nhân hậu.

Chính những vệt đen hay vệt trắng này đã tích cực góp phần vào việc thẩm định phần TỘI - PHƯỚC của Thần Thức trong kiếp kế tiếp.

Thần Thức đó dù đã trải qua kiếp này kiếp nọ, hay hằng bao nhiêu Kiếp, cũng vẫn là Thần Thức đó mà thôi, không bao giờ thay đổi!!

Nếu những vết đen trong Tâm Thức cứ chất chồng….chất chồng cao lên, trong khi những vết trắng thì gần như đứng yên một chỗ, thì những Vệt Đen này sẽ định đoạt số phận của Thần Thức trong kiếp kế tiếp với những thăng trầm trong cuộc đời.

Những vết trắng dù có chút đỉnh cũng vẫn được kể tính để dung hòa, nhưng, với một cái độ chênh lệch quá nhiều thì làm sao có thể chan hòa được theo như ý? Làm sao để có thể cân bằng được? rất khó!!

Thông thường thì điều này xảy ra cho Thân Xác của Thần Thức đó, vì Thần Thức không có đủ khả năng để nhận biết được điều gì xảy ra cho Thân Xác của mình. Cho nên, nếu Thân Xác gặp được Thiện Tri Thức chỉ bảo để làm những điều ích lợi cho người chung quanh, biết sống cao thượng, biết chia sẻ, biết giúp đỡ, biết tương trợ cho Người, thì những vệt trắng sẽ xuất hiện trong Tâm Thức.

Rồi thì, nếu gặp một duyên may nào đó mà Thân Xác chuyển hóa được Tâm Thức của mình, cảm thấy xao xuyến, thương cảm cho số phận của một người nào đó, hay của một con vật nào đó và Thân Xác ra tay cứu giúp để bảo tồn cái sanh mạng, điều đó sẽ tạo nên một vết trắng to lớn trong Tâm Thức, và cái vết trắng này có thể làm cái bước ngoặt cho cuộc đời của Thân Xác của Thần Thức ở ngay hiện kiếp.

Duyên may đưa đẩy giúp cho Thân Xác nhận định được rằng, cái gì đã khiến cho tôi bực dọc, đã xui tôi có một phản ứng quá là mạnh mẽ, quá là ác độc, đã khiến tôi hành động nông nổi, gây nên thương tích hay sự chết chóc cho một ai đó, từ đó Thân Xác phải suy nghĩ lại những điều sái quấy mà mình đã làm.

Nếu Thân Xác nhận rõ được hậu quả của tất cả những hành động mình đã làm, của tất cả những phản ứng thiếu suy nghĩ của mình, cũng như những hành xử, những cử chỉ, những lời nói không tốt đẹp của mình, để rồi tự cảm thấy hổ thẹn với bản thân mình, tự cảm thấy mình có lỗi với những người mà mình đã đối xử không tốt, và ngay cả cái việc tệ hại hơn thế nữa là mình đã lỡ tay đoạt lấy sanh mạng của một người, thì bằng tất cả sự thiết tha sám hối, ăn năn, sự chân thành nhận thức được điều sai trái mà mình đã gây tạo nên, bằng tất cả những Phước Đức tích lũy do ở việc Hành Thiện, và nhất là bằng Lời Phát Nguyện sửa những Tánh Xấu, những Thói Hư dẫn đến việc gây tạo điều sai trái, sẽ khiến cho những vết đen trong Tâm Thức, do ở việc mình làm không đúng đó, được mờ dần đi.

Nếu mình liên tục biết chân thành sám hối, biết ăn năn, biết hối lỗi và tha thiết chỉnh sửa con người mình để không còn có cái Tự Ái quá cao, không còn cái tánh Tham quá độ, để triệt hạ một tánh Sân quá lớn, để xóa đi một sự Si Mê quá là đậm nét, biết kiểm soát gắt gao những hành động vô ý thức, những hành động thiếu suy nghĩ, những hành động nông nổi khiến cho người nhận chịu cái hành động đó phải đau đớn, phải tức tối, phải căm hờn và cũng có thể mất đi mạng sống, thì những vết đen trong Tâm Thức sẽ càng mờ nhiều hơn nữa.

Nếu người tạo ra Oan Trái dốc lòng sám hối, ăn năn, quyết làm một điều gì đó để chuộc lại lỗi lầm của mình bằng sự phát nguyện đem lại tình yêu thương, lòng nhân hậu cho kẻ khác, thì những vết đen trong Tâm Thức cũng sẽ tự động mờ dần đi, qua những hành động tốt đẹp tự nguyện.

Mỗi vết đen thể hiện cho từng việc… từng việc một, lần lượt được tạo nên do từ ở sự nông nổi, ở lòng sân hận, ở sự thiếu ý thức, thiếu tư duy của Thân Xác. Cho nên, nếu Thân Xác biết suy nghĩ lại, biết nhìn lại bản thân mình để thấy rằng mình đã gây tạo lỗi lầm, thì khi đó sẽ tự mình gỡ lần….gỡ lần những lớp đen đó qua sự chân thành sám hối, ăn năn.

Thực chất của những vết đen đó là cái gì? Nó chính là kết quả của những hành động thiếu ý thức của mình. Cái gì đã gây tạo nên sự thiếu ý thức của mình? Đó chính là sự mê muội, không nhìn ra được cái tai hại của những Tánh Xấu.

Không phải đợi đến khi tôi sà vào canh bạc, tôi sà vào ma túy, tôi sà vào bàn rượu, tôi mới gọi là Si là Mê, mà Si Mê nó cũng gắn chặt với những Tánh Xấu, tánh thích cờ bạc, tánh thích rượu chè, tánh thích ăn chơi phóng đãng. Vì tôi mê muội cho nên tôi không nhìn ra được đó là Tánh Xấu; nếu tôi đã biết nó là Tánh Xấu, tôi biết nó sẽ đem đến cho tôi nhiều điều bất lợi, khó khăn trong việc thăng tiến của tôi, thì tôi đâu có phạm phải để làm gì!

Cho nên, Tánh Xấu nào cũng đều đi kèm với Sự Mê Muội cả, chính nó đã che mờ cái ý thức của một Con Người, để không còn nhận ra được những điều sai trái nữa, cứ thẳng tay làm, rồi đến khi đụng đến cái kết quả, nhìn thấy cái kết quả, lúc đó mới như người bừng tỉnh và sự thể đã muộn màn rồi. Cho nên, thực chất của Vô Minh chính là những Tánh Xấu đi kèm với Sự Mê Muội.

Đối diện với Vô Minh, con người cảm thấy khó khăn và lúng túng, bởi vì nó là một sự tích tụ của những sai lầm, không phải thuộc một ngày một bữa, không phải của một tháng một năm, mà là của kiếp này qua kiếp kia, cho nên khó mà cạo rửa nó là như vậy. Chính vì lẽ đó mà bắt buộc phải nhờ đến công năng của câu Thần Chú.

Bồ Tát Quán Thế Âm cho Chúng Sanh cõi Ta Bà câu Thần Chú Lục Tự Đại Minh, chính là muốn cho Chúng Sanh khi sử dụng câu Chú này, nó có thể xô ngã được cái bức tường Vô Minh cứng chắc. Bức tường là một khối to lớn, cứng chắc, không có kẽ hở, làm sao để gỡ? Chính nhờ công năng của câu Thần Chú làm cho bức tường rung rinh lên cho đến lung lay, rạn nứt, khiến cho có được kẽ hở để mà dễ dàng tháo gở.

Cho nên, câu Thần Chú Lục Tự Đại Minh vừa để phá si mê và cũng để giúp cho Chúng Sanh làm lung lay cái bức tường Vô Minh kiên cố.

Chúng Sanh không hiểu được cái thâm ý đó của Ngài, cho nên từ bấy lâu nay đã rất thờ ơ với Câu Chú đó, hoặc là đã sử dụng câu Chú vào những mục tiêu sai trái, đã không đem lại lợi lạc mà còn phải nhận những phản ứng ngược cho bản thân mình.

Chính vì cái tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao của Vô Minh trong cuộc đời của một Kiếp Người, nên Bồ Tát Quán Thế Âm muốn cho toàn thể Chúng Sanh cõi Ta Bà trì câu Thần Chú để có thể làm lung lay, hầu phá vỡ Bức tường Vô Minh. Do đó mà Ngài đã lựa chọn một câu Thần Chú thật ngắn, thật gọn, thật dễ nhớ dễ thuộc, nhưng có đầy đủ Công Năng to lớn để giúp cho Chúng Sanh lung lay được cái bức tường Vô Minh cứng chắc.

Thực chất của Vô Minh chính là những tánh xấu, vì có tánh xấu thì mới gây hấn được, mới tạo chuyện được và mới đem phiền não đến được. Chớ còn tánh tốt thì đâu có đem đến sự gây hấn, sự phiền não để làm gì?

Cho nên, Chúng Sanh phải biết rằng, mang cái “Bức Tường Vô Minh” nó nặng nề vô cùng. Thầy phải dùng đến cái chữ bức tường vô minh vì cái từ ngữ “Màn” nó không có đủ nặng, nó còn nhẹ lắm, phải gọi nó là “Bức Tường” thì đúng hơn. Chúng Sanh sa vào Địa Ngục, sa vào Tam Đồ cũng là từ những Tánh Xấu; mà giúp cho Chúng Sanh tiến đến ung dung tự tại, cũng là cái Tánh! chỉ khác biệt là Tánh Tốt thì đi lên, còn Tánh Xấu thì đi xuống.

Cho nên, đừng có chạy lòng vòng, phải đánh thẳng vào cái điểm chánh yếu, chính là CÁI TÁNH.

Biểu hiện cho những Tánh Xấu là những vệt đen. Tâm Thức đã bị những vệt đen đó trây trét, làm hoen ố cái kiếng Tâm rồi; đến cái Ý Thức cũng bị đen ngòm bởi những Tánh Xấu, thì như vậy, thử hỏi rằng: giữa Tâm Thức, Ý thức và cái Tánh, cái nào quan trọng nhất?

Muốn cho Tâm Thức lộ ra cái tính chất sáng rực của nó, bắt buộc phải sửa tánh. Không sửa tánh thì Vô Minh sẽ cứ chất chồng ….chất chồng. Một ngày thì lót một hàng gạch, hai ngày thì lót 2 hàng gạch, ba ngày thì lót 3 hàng gạch, cứ tiếp tục… tiếp tục thì nó sẽ trở thành cái bức tường quá là kiên cố!

Vô Minh đáng sợ vô cùng! không phải nói rằng, tôi ăn năn sám hối là tôi triệt tiêu được cái Vô Minh đâu, vì phải nhớ rằng Vô Minh luôn luôn đi kèm với cái kẻ phá đám, kẻ phá đám đó là ai? Đó chính là CHỦ NỢ. Vì Vô Minh đi kèm với Nghiệp Lực, mà nói tới Nghiệp Lực là phải nói đến Chủ Nợ. Cho nên, Vô Minh đáng sợ ở cái điểm đó.

Thầy hỏi con,

Tại sao Bồ Tát của Cực Lạc phải đi Cứu Độ Chúng Sanh?

Thưa, vì trong số những người mình đi cứu độ, có Oan Gia Trái Chủ của mình.

Đúng vậy! Xóa Vô Minh không có nghĩa là phủi tay, mà xóa Vô Minh là phải xóa luôn Chủ Nợ, mà muốn xóa Chủ Nợ, bắt buộc phải Cứu Độ Chúng Sanh.

Vấn đề chánh yếu nằm ngay ở điểm đó! Vì sao? Vì một Chúng Sanh đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp, khi thì là Chủ Nợ, khi thì là Con Nợ, cho nên, trong số Chúng Sanh, chắc chắn có MÌNH ở trong đó.

Ngày hôm nay, Chủ Nợ có thể là một người Bạn của tôi; nhưng cũng đúng vào ngày này, ở Kiếp tới, tôi lại là Chủ Nợ của người Bạn đó.

Ngày hôm nay, tôi là Con Nợ của Cha tôi; nhưng đâu biết được trong Kiếp kế tiếp, Cha tôi lại là Con Nợ của tôi, và Cha tôi phải làm thân trâu ngựa mà trả cái Nợ đó cho tôi.

Có rất nhiều vấn đề tế nhị, gút mắt ở trong đó. Chưa kể là, khi trở lại kiếp Người, đâu có nhất thiết rằng tôi phải trở lại để sống trong cái gia đình cũ của tôi, hay là tôi sống trong cái Quốc Gia cũ của tôi? Mà tôi trở lại với Cha Mẹ MỚI, Anh Chị Em MỚI, Dòng họ MỚI, trong một Quốc Gia MỚI, hoàn toàn xa lạ!!

Vì vậy mà trong số Chúng Sanh phải cứu độ, ai cũng có thể là Cha Mẹ mình, ai cũng có thể là Chủ Nợ của mình, và ai cũng có thể là Con Nợ của mình. Cho nên, có một cái Tánh quan trọng vô cùng cực mà ít người để ý đến, đó chính là Tánh Tương Trợ !! Có phát huy được cái tánh tương trợ đó thì mới dễ dàng giải tỏa được những Nghiệp Lực giữa Mình với Người.

Làm sao biết được nguồn gốc của những người có Nghiệp Lực với mình khi Thần Thức vừa mới trải qua một kiếp Người?

Những người đó có thể là người da trắng, có thể là người da đen, có thể là người da vàng, có thể là người da đỏ, hoàn toàn không biết được! Cũng có thể đó là đàn ông, mà cũng có thể đó là đàn bà, và mình cũng không biết được rằng những người đó có mối tương quan như thế nào với mình?

Cho nên, bắt buộc phải tương trợ!!

Khi mình tương trợ là mình gom chung, có thể rằng trong hành vi Tương Trợ, mình vô tình đã thực hiện được một sự đền trả lại một món nợ nào đó cho một ai đó mà mình đã gặp ở kiếp 1, hoặc ở kiếp 2 hay kiếp 3 gì đó… Cho nên, Tánh Tương Trợ vô cùng là quan trọng mà ít ai để ý đến.

Người ta nói đến Tánh Tham, Tánh Sân, Tánh Si….Dù biết rằng tất cả những cái Tánh đều là dây tơ rễ má của Tham - Sân - Si, nhưng riêng cái Tánh Tương Trợ thì một Chúng Sanh, trong chiều hướng trả nghiệp, bắt buộc phải biết và phải làm vì mình đâu có biết được một cách trực tiếp, ai là người mà mình đã gây Nghiệp? Cho nên cứ đem hết cái tấm lòng của mình để đối đãi với tất cả mọi người, không phân biệt đồng loại hay bất đồng loại.

Đã là người của Cõi Ta Bà thì cái xác suất để trở thành là Cha Mẹ, là thân nhân, là anh chị em, dòng họ của mình rất…rất là cao. Vì vậy mà, trong việc phá Vô Minh, cần phải thực hành một cách tích cực 2 cái Tánh: Không Kỳ Thị và Tương Trợ.

Miệng thì nói làm Từ Thiện, nhưng mình vẫn nghĩ trong đầu cái quyền lợi của mình và làm những điều không tốt đẹp sau lưng mọi người. Cũng có khi lợi dụng 2 chữ Từ Thiện để mà lừa đảo, dối trá, do đó mà, thay vì làm cho bức tường Vô Minh sụp xuống, thì trái lại, trét hồ cho nó nhiều thêm lên để cho nó cứng, nó kiên cố hơn nữa.

Ai cũng mong mỏi được đi về Cõi Trời, Cõi Phật sau khi bỏ báu thân, nhưng, có mấy ai nghĩ rằng tôi đã làm phiền kẻ khác quá nhiều và tôi cũng đã tự gieo quá nhiều phiền não cho bản thân tôi? Do đó, tôi bắt buộc phải phá Vô Minh! Tôi cần được sống yên, sống thảnh thơi, sống khỏe khoắn, sống mà không phải sợ hãi, không phập phồng, không lo âu có người rình rập để hại mình. Ai là người rình rập để hại mình? Đó chính là CHỦ NỢ của mình đó! Ngày nào mà Bức Tường Vô Minh chưa sụp đổ thì ngày đó mình vẫn còn có quá nhiều Chủ Nợ theo rình rập mình.

Nói đến Vô Minh là nói đến cái Tánh, mà đó là Tánh Xấu chớ không phải Tánh Tốt. Mình dùng những Tánh Tốt để lau chùi cái kiếng Tâm cho nó trong sáng lên, điều đó có nghĩa là những Tánh Tốt đã làm lung lay cái lớp Vô Minh dày cộm, để rồi sau đó, cũng chính những Tánh Tốt mới xô ngã được Bức Tường Vô Minh kiên cố.

Thời gian cứ vùn vụt qua đi, hững hờ, không chờ, không đợi bất cứ ai. Nếu cứ khư khư ôm giữ những Tánh Xấu bên mình, liệu rằng cuộc đời của mình có luôn được bình an, tốt đẹp hay không? Phong ba bão táp có chịu để cho mình yên ổn hay không? Ngoài bờ rào, Chủ Nợ cứ ngày đêm rình rập, đợi chờ những lúc mình sơ hở thì tấn công ngay.

Còn mạnh khỏe, còn hơi sức, đầu óc còn minh mẫn, rất dễ dàng nhận ra những Tánh Xấu mà tránh xa, mà triệt tiêu. Để đến khi sức đã lụn tàn, không còn cất nhắc nổi nữa thì cái cơ hội sửa chữa những Tánh Xấu để trở thành những Tánh Tốt đã không còn nữa. Thật uổng cho một Kiếp Người, đã không tẩy xóa được một vết đen nào trên Tâm Thức, mà còn vẩy thêm mực đen cho nó càng đậm sắc đen hơn nữa.

Vô Minh đáng sợ ở chỗ là nó che lấp cái Tâm Thức, cho nên, một người mà vô minh quá dày sẽ càng tạo nhiều Nghiệp Chướng và Trí Tuệ cũng bị lu mờ. Mọi kiến thức, hiểu biết, học hành, tất cả tụ vào đâu? Tụ vào trong Tâm Thức! Khi Tâm Thức bị che mờ, không còn một kẽ hở nào, thì tất cả những công khó mà mình đã học hỏi, đúc kết, tích tụ khi mình còn hơi thở, đã bị Vô Minh che lấp hết rồi!!

Tất cả những kiến thức đã bị phai mờ dần qua cái khoảng thời gian Vong Linh chưa được nhập thai hay là còn lang thang chưa siêu thoát. Khi được nhập Thai rồi, nếu còn lại chút kiến thức nào trong Tâm Thức, nó sẽ được chuyển tải vào cho bộ óc. Tuy nhiên, nếu cái chút nào đó gặp phải cái màn Vô Minh quá dày thì cũng chịu phép thôi, không thể nào thoát ra khỏi cái Tâm Thức được vì gặp sự ngăn chận của Vô Minh. Cho nên, màn Vô Minh càng dày chừng nào thì không thể nói được rằng người đó khôn ngoan, tinh tấn được.

Cho nên, Thần Thức trở lại Cuộc Đời trong Thân Xác mới với cái tư thế ngẩn ngẩn…..ngơ ngơ, hay đần độn, kém hiểu biết, vì vô minh dày đặc quá, nó che mờ đi cái phần hiểu biết của mình rồi.

Một gương mặt sáng sủa, lộ vẻ thông minh nói lên được phần nào cái độ dày mỏng của màn Vô Minh. Nếu lớp Vô Minh không quá sức dày thì cái kiếng Tâm mới có thể tỏa sáng được chút ít qua cái Tam Tinh của một người.

Vô Minh quan trọng vô cùng cực không những đối với người còn Sống mà còn đối với cả Vong Linh.

Nếu Vong Linh không được siêu độ, Vong Linh sẽ khó lòng có dịp để mà nhanh nhẹn trở lại kiếp Người. Việc siêu độ không phải là làm cho tiêu đi cái Vô Minh, mà việc siêu độ là để giúp cho Vong Linh cái phương pháp, cái cách thức để hé mở cái màn Vô Minh; chỉ cần hé mở một chút thôi sẽ thấy được sự lợi ích của việc tu tập trong 49 ngày. Nhờ có siêu độ giúp cho Vong Linh hé mở được một chút cái màn Vô Minh, Vong Linh biết ăn năn sám hối những lỗi lầm của mình, biết Trì Chú để cho Vô Minh được phai mờ chút đỉnh, và Niệm Phật để tăng sức cho việc làm mờ đi chút ít cái Vô Minh.

Làm mờ đi chút ít cái Vô Minh là cái gì? Là bỏ xuống được những Nghiệp Lực mà Vong Linh đó đã ôm trên người khi lìa đời. Những Nghiệp Lực đó đã tạo nên những vết đen mới toanh trên Tâm Thức, góp phần vào việc làm dày thêm cái màn Vô Minh. Có bỏ được những cục đá Nghiệp Lực đó xuống thì sẽ làm bớt đi những vệt đen trong Tâm thức, có nghĩa là làm cho cái Màn Vô Minh được mỏng đi một chút, nhờ đó mà Vong Linh mới có thể di chuyển được dễ dàng trong khuôn khổ trong lúc chờ đợi để thác sanh.

Đối với người còn sống trên cõi Ta Bà, Vô Minh quan trọng ở chỗ, nó càng dày đặc chừng nào thì Thân Xác mang cái Vô Minh đó càng gặp nhiều cảnh huống éo le, ngang trái, khổ đau, không vừa ý.

Một người khi còn tại Thế, chân chính tu tập, chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh của mình, cũng như luôn vun bồi những tánh Tốt, hằng ngày thành tâm, tha thiết hành trì Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật, cố gắng tẩy rửa từng vết đen của Màn Vô Minh, bao nhiêu Công Đức, Phước Đức tích lũy, trân trọng hồi hướng cho các Oan Gia Trái Chủ, cho Pháp Giới Chúng Sanh như một sự đáp đền. Lần hồi, các vết đen mờ dần, Tâm Thức lộ ra tấm gương trong, ánh sáng Trí Huệ cũng lóe lên, Thần Thức của người này thăng hoa ngay từ hiện Đời, đồng thời những vết đen trên Màn Vô Minh cũng mờ dần.

Vì vậy mà Vô Minh quan trọng vô cùng. Người ta chỉ biết nói Vô Minh….Vô Minh, chớ người ta không có hiểu được rằng phải phá Vô Minh như thế nào? Đã biết được cái đường hướng tạo thành của Vô Minh, thì việc xóa đi cái Vô Minh khi còn hơi thở, mượn tay Thân Xác để phá Vô Minh, như vậy nó sẽ dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn là khi chỉ còn lại có một Thần Thức làm công việc đó mà thôi.

Chỉ cần ở nơi đây mất vài ba năm thôi là cũng xong hết tất cả, lên trên Cực Lạc nhiều khi phải tới vài chục tiểu kiếp … khi đó thì hơi nhiều!!!


+ 32