• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Đạo Phật: Một Tôn Giáo hay Một Phương Thức Để Thăng Hoa?

May 29 2018
Kính Mừng Phật Đản Kính Mừng Phật Đản

Trần gian đầy khổ nạn
Làm nhọc sức Cha Lành
Trọn đời đem Ánh Đạo
Soi sáng khắp chúng sanh
Chúng con luôn ghi tạc
Thâm Ân Phật Thích Ca

Kính bạch Sư Phụ,
Từ nhiều thập niên qua đã có cuộc tranh luận sôi nổi về đề tài: ĐẠO PHẬT: Một Tôn Giáo hay một Triết Lý.
Con muốn thỉnh ý Sư Phụ về những quan điểm bất tương đồng này, theo đó thì: ĐẠO PHẬT là một Tôn Giáo hay đó là một Phương Thức Để Thăng Hoa?

Trước tiên, Thầy định nghĩa PHẬT là gì?

Nếu một con người bình thường như bao nhiêu con người khác trên cõi Ta Bà, con người đó có một duyên may giúp cho nhận thức được sự hiện hữu của Tâm - Ý - Tánh, giúp cho thấu hiểu được cái tầm quan trọng của việc làm sao cho Tâm - Ý - Tánh rực sáng lên, và sau một thời gian quyết tâm trau giồi, giùi mài, Tâm - Ý - Tánh của người đó đồng phát lên sự rực rỡ và cái rực rỡ này đã lôi kéo theo một sự ngời sáng vô cùng cực của ngọn đèn Trí Huệ, người đó sẽ được gọi là PHẬT, tức là một người đã tiến đến việc tôi luyện thành công một Trí Huệ Bừng Sáng và cái Trí Huệ đó có thể soi thấu tất cả mọi việc.

Thái Tử Sĩ Đạt Ta là một Chúng Sanh của cõi Ta Bà, Ngài đã thấu triệt được tầm quan trọng của Tâm - Ý - Tánh, cho nên đã trau giồi để cho Tâm - Ý - Tánh của Ngài rực rỡ lên và từ đó, cái ngọn đèn Trí Huệ trong Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã bừng sáng lên một cách mãnh liệt, giúp cho Ngài nhìn thấu được hết tất cả mọi loài, mọi sự vật, mọi sự việc. Với cái Trí Huệ ngời sáng rực rỡ đó, Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã được Dân Tộc của Ngài tôn vinh là PHẬT.

Thấm thía tột cùng nỗi đớn đau của những con người bất hạnh, luôn bị vây chặt bởi sự đói nghèo, bịnh hoạn và dốt nát, Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã gấp rút HỌA VẼ nên một con đường vô cùng là chi tiết, hay nói cho đúng hơn, những cách thức rất là tỉ mỉ để giúp cho Chúng Sanh trong thời bấy giờ biết đào luyện, chỉnh sửa cái Tâm - Ý - Tánh của mình.

Do ở cái Trí Huệ rực sáng mà Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã thấu triệt được cái nguyên ủy của sự trầm luân, của mọi cảnh huống, lúc nào cũng quấn chặt lấy mỗi Chúng Sanh, gây tạo biết bao nhiêu cảnh lỡ khóc, lỡ cười, bao nhiêu điều thương Tâm xảy đến cho một kiếp người.

Ngài đã vạch cho những người Đồng Loại của Ngài nhận chân ra được thế nào là một cái Tâm không Lành, một cái Tâm phủ đầy những toan tính lọc lừa, xấu xa, nhiều mưu mô xảo quyệt, gian trá.

Ngài cũng đã chỉ rõ cho mọi người biết được thế nào là một cái ý đê tiện, nhiều tư tưởng thấp hèn, kém thanh cao và luôn chực chờ để tìm cách hại người.

Ngài cũng không ngần ngại nói lên một cách trung thực về những thói hư, những tật xấu mà gần như mọi người dân trong xứ, từ vua cha của Ngài, cho đến những người trong Hoàng Tộc, những vị Trưởng Giả, các Quan Chức Đại Thần… cho chí đến những người bần cùng, nghèo khổ… tất cả đều cưu mang những cái Tánh quá xấu ác.

Từ kẻ giàu có, quyền uy, cho đến người nghèo hèn, đói lạnh, ai cũng ôm trong người một chữ Tham quá lớn - Đã giàu có thì muốn có thêm hơn, bần cùng thì muốn có đủ ăn đủ mặc, cho nên không ngại nhúng tay vào việc sái quấy. Bậc sang giàu thường hay tỏ uy quyền, một cái vung tay thì nếu đầu không rơi, cũng phải có thịt nát, xương tan. Kẻ bần cùng thì si mê, đần độn, chỉ biết dạ dạ, vâng vâng, giữ được cái mạng sống của mình cũng đã là quá lắm rồi.

Tham - Sân - Si dẫn Chúng Sanh vào con đường trùng trùng ác nghiệp - Chúng Sanh liên tục tạo Nghiệp Chướng, gây oan trái. Những khổ đau cứ liên tục bủa xả lên đầu, lên vai kẻ khác mà không một chút xót thương. Cảnh kẻ giàu cướp của kẻ nghèo hay của những kẻ thế cô, yếu đuối, những hình ảnh đoạt vợ, đoạt người yêu, hủy hoại Hạnh Phúc của kẻ khác khiến cho con mất cha, mất mẹ, vợ mất chồng, sống trong tuyệt vọng, khổ sầu… tất cả đều là những cái NHÂN không Lành đã được gieo trồng từ 1 cái Tâm xấu ác, từ một cái Ý man rợ và được sự hỗ trợ của hằng loạt Thói Hư Tật Xấu, của cái Tánh Tham - Sân - Si cố hữu đã có từ nhiều đời nhiều kiếp; ngày hôm nay QUẢ đã chín muồi và rơi rụng, tạo thành một NGHIỆP CHƯỚNG hay nhiều Nghiệp Chướng (tùy theo đã gieo nhân nhiều hay ít). Người nhận được Nghiệp Chướng sẽ phải đối phó với những khổ sầu do Nghiệp Chướng mang tới. Càng nhận được nhiều Nghiệp Chướng thì sẽ càng thấm thía với nhiều sự khổ đau, có khi triền miên suốt cuộc đời, cho đến ngày nhắm mắt tàn hơi.

Gieo Nhân thì gặt Quả, đó chính là quy luật của Vũ Trụ! Thái Tử Sĩ Đạt Ta đến cõi Ta Bà với một cái Tâm - Ý - Tánh RỖNG, có nghĩa là một cái Tâm - Ý - Tánh không bị quấn chặt hay ràng buộc bởi bất cứ một cái nhân không Lành hay một Nghiệp Chướng nào cả từ trong quá khứ. Do đó, khi ngọn đèn Trí Huệ của Ngài rực sáng lên, đã giúp cho Ngài soi thấu tất cả mọi loài, mọi sự vật; đã giúp cho Ngài quán triệt được cái Luật Nhân Quả của Vũ Trụ, từ đó những Nghiệp Chướng mới triển khai và tác động trên từng Chúng Sanh liên hệ.

Tâm - Ý - Tánh của Chúng Sanh chưa thể gọi là RỖNG được vì còn bị bao bọc bởi quá nhiều rào cản, còn bị tác động nặng nề bởi “Tâm Chúng Sanh” gồm đầy đủ Vô Minh - Nghiệp Chướng và Lục Dục Thất Tình.

Liên tục trong suốt 49 năm, bằng nhiều phương tiện khác nhau, bằng vô số thí dụ khác nhau, với không biết triệu...triệu lời...Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã chỉ rõ cho Chúng Sanh hiểu được cách thức làm sao để đạt được một cái Tâm ngời sáng, làm sao để có được một cái Ý cao thượng, và điều tối cần thiết là làm sao để trau giồi được nhiều Tánh Tốt. Càng có nhiều Tánh tốt, thì Tứ Vô Lượng Tâm mới hình thành, và khi đó Tâm Thức mới rực sáng lên được - Tâm Thức rực sáng sẽ lôi kéo một cái Ý Thức rạng ngời, cao thượng, Tâm ý sáng rực lên sẽ bật chốt cho ngọn đèn Trí Huệ cũng bừng sáng. Thái Tử Sĩ Đạt Ta hoàn toàn không giấu giếm một chi tiết nào trong việc chỉ dạy cho Dân Tộc của Ngài, từ người cao sang quyền quý, bậc thức giả thông minh đĩnh ngộ, đến kẻ thương gia bậc trung, thậm chí đến người nghèo hèn, yếu kém… Tùy mỗi trình độ, mỗi kiến thức, mỗi khả năng hấp thụ, dù nhiều, dù ít, Ngài đều “quyền biến” mà chỉ dẫn, cốt sao cho tất cả mọi người đều hấp thụ được và áp dụng được những lời chỉ dạy của Ngài, hầu có thể hoán chuyển được cái Tâm - Ý - Tánh của mình. Như thế mới mong triệt tiêu lần những Nghiệp Chướng đang quấn chặt lấy mình, đang làm khổ cái thân mình.  Tâm - Ý - Tánh có sáng thì ngọn đèn Trí Huệ mới sáng, mới soi thấu được những Nghiệp Chướng đang bủa vây mình, từ đó mới tìm phương tháo gỡ. Trong bóng đêm quờ quạng, nhìn làm sao cho thấu các Nghiệp Chướng để mà đối phó, do đó đành phải đưa lưng mà chịu sự tấn công, không thể chống đỡ vào đâu cho được cả!!

Trong bao nhiêu Kinh Điển ghi chép lại lời giảng dạy của Ngài, không có cái gì đi ra ngoài 3 chữ Thân - Khẩu - Ý tức là Tâm - Ý - Tánh.

Ngài đã thường hay nói rằng: “Ta là Phật đã thành - Chúng Sanh là Phật sẽ thành”. Câu nói đó mang một ý nghĩa rằng: Ta là người đã có cái Trí Huệ phát sáng rồi, nếu Chúng Sanh cũng đi đúng cái con đường mà Ta đã đi, cái con đường mà Ta đã vạch ra để chỉ dẫn cho Chúng Sanh cùng đi, Chúng Sanh chắc chắn sẽ có được một Trí Huệ phát sáng y như Ta và cái Trí Huệ đó sẽ mang tên là PHẬT, tức là: Chúng Sanh là Phật sẽ thành (có nghĩa là sẽ có Trí Huệ phát sáng), trong khi Ta là Phật đã thành (có nghĩa là Ta đã có Trí Huệ phát sáng rồi). Một lời nói hoàn toàn mang đầy sự khuyến khích, sự cỗ võ, sự thúc đẩy, có tính cách nâng tinh thần của mọi Chúng Sanh nào tha thiết muốn có được cái Trí Huệ phát sáng như của Ngài.

Từ cái ý nghĩa đó, Thầy có thể xác nhận với con rằng: Chúng Sanh của xứ Ấn Độ lúc bấy giờ đã LẦM LẪN khi gán ghép 2 từ ngữ PHẬT và ĐẠO (tức là con đường, là phương thức mà Thái Tử Sĩ Đạt Ta vạch ra để dẫn dắt mọi người dân Ấn Độ đi trên cái tuyến đường mà Ngài đã đi qua và trên tuyến đường đó, Ngài đã đạt được một Trí Huệ vô cùng rực sáng).

Tất cả các Đấng Từ Bi khi đạt tới sự rực rỡ của Trí Huệ, đều được gọi là PHẬT, do đó mới có Phật đã thành và Phật sẽ thành.

Chúng Sanh khi đó đã ban cho Thái Tử Sĩ Đạt Ta một danh xưng là PHẬT, có nghĩa là đã gán ghép cho Ngài một cái tên, hay nói cho đúng hơn là một cương vị, một phẩm vị và từ đó đã làm sai lạc đi cái ý nghĩa của từ ngữ PHẬT, chỉ thuần đơn giản có một ý nghĩa duy nhất là người có cái Trí Huệ bừng sáng.

Chưa hết, Chúng Sanh đã không ngần ngại ghép 2 chữ ĐẠO và PHẬT để cho chúng mang một ý nghĩa hoàn toàn xa rời cái Tâm Nguyện của Thái Tử Sĩ Đạt Ta, cái ý nghĩa đó là gì? Chính là Chúng Sanh đã đồng hóa 2 chữ ĐẠO PHẬT với ý nghĩa của từ ngữ TÔN GIÁO.

Vì Chúng Sanh xem nó là một Tôn Giáo, cho nên đã đặt ra không biết bao nhiêu phương cách để bái lạy, để thờ phượng, để tôn vinh, và cái điều vô cùng nghịch lý là càng chú ý nhiều đến sự thờ phượng, Chúng Sanh càng tỏ ra mê tín dị đoan, càng ngày Chúng Sanh càng xa rời cái mục tiêu tối thượng là phải hoán chuyển cho được cái Tâm - Ý - Tánh của mình, để từ đó mới tiến lần đến việc làm cho Trí Huệ của mình rực sáng.

Chúng Sanh đã tạo sự ngỡ ngàng cho Thái Tử Sĩ Đạt Ta vì Ngài chưa từng có cái Tâm Nguyện là đến cõi Ta Bà để tạo nên một Tôn Giáo!

Ngài chỉ giản dị trong tư tưởng là cố gắng giúp cho Chúng Sanh cõi Ta Bà có được một Trí Huệ phát sáng. Cái Trí Huệ phát sáng đó muốn có được thì phải tích cực chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh của mình, mà cái Bộ 3 Tâm - Ý - Tánh này, nguyên thủy của nó lại dính chặt vào cái Linh Hồn. Thân xác không cưu mang Tâm Thức, kể cả cái Ý Thức, cái Tánh tuy rằng có liên quan rất nhiều đến thân xác, nhưng bản chất chính yếu của nó vẫn là một sự gắn chặt vào trong cái Tâm, cái Ý để tạo thành một khối nương tựa lẫn nhau.

Chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh là chỉnh sửa cái vật đã cưu mang cái Bộ 3 này, tức là chỉnh sửa lại cái Linh Hồn, là làm cho cái Linh Hồn đó có được một cái Tâm rực rỡ, có được một cái Ý cao thượng, có vô số là Tánh tốt (nếu không muốn nói là tiến đến Từ Bi Hỷ Xả). Cái Linh Hồn đó sẽ có được Trí Huệ phát sáng; ngày giờ này, vì còn ở trong một thân xác nên Linh Hồn đó chưa thể nào triển khai được sự rực rỡ của cái Trí Huệ của mình, nhưng, khi nó lìa khỏi thân xác rồi thì với cái Tâm - Ý - Tánh rực rỡ, với cái ngọn đèn Trí Huệ quá là phát sáng, cái Linh Hồn đó sẽ được gọi là PHẬT. PHẬT đã thành, có nghĩa là Phật đã có một Trí Huệ rực sáng, giúp cho PHẬT sẽ thành, và PHẬT sẽ thành đó chính là những Linh Hồn mang ngọn đèn Trí Huệ chói chang, ngời sáng.

Với cái rực rỡ, với cái sáng chói, Linh Hồn đó chắc chắn sẽ không còn bị trầm luân vào Sanh Tử Luân Hồi nữa, mà đương nhiên được thăng hoa.

THĂNG HOA LÀ GÌ?

Là về ở bất cứ nơi nào mà mình muốn an trụ sau khi đã bỏ thân xác rồi. Không ai bắt buộc mình phải đi về Cực Lạc, hay phải đi về cõi Trời hoặc về một hành tinh nào đó. Mình có quyền lựa chọn và quyết định nơi an trụ của mình.

Thái Tử Sĩ Đạt Ta là niềm tự hào lớn lao của người dân Ấn Độ thời bấy giờ. Trong một xã hội có quá nhiều giai cấp như xã hội Ấn Độ khi đó, sự bình đẳng của Thái Tử Sĩ Đạt Ta qua cách đối xử cũng như qua sự chỉ dạy trong đoàn Tăng Lữ, càng làm tăng thêm uy tín cùng thanh thế của Ngài. Người dân Ấn Độ đã xem Ngài như là người khai sáng một Tôn Giáo mới: đó là ĐẠO PHẬT.

Như Thầy đã đề cập ở trên, người dân Ấn Độ đã lầm lẫn khi ghép 2 chữ ĐẠO & PHẬT để trở thành TÔN GIÁO. Cái con đường mà Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã họa vẽ ra với tất cả những chi tiết thật là tỉ mỉ để chỉ dẫn cho người dân Ấn Độ đạt được một Trí Huệ phát sáng, đã mặc nhiên nhận lấy một ý nghĩa, một cương vị hành xử thuộc về TÍN NGƯỠNG. Từ đó, cái nguyên tắc căn bản nguyên thủy đã bị Chúng Sanh của cõi Ta Bà ngày hôm nay làm sai lạc rất nhiều do việc thêm mắm dặm muối, vẽ rồng, họa rắn để cho cái tôn giáo mang tên là ĐẠO PHẬT đó được nổi bật, được người nể vì, được sự tôn vinh tuyệt đối.

Chúng Sanh đến với Đạo Phật vì tự ái, vì tham vọng, vì tiếng tăm, vì quyền lợi hơn là vì 2 chữ THĂNG HOA. Do đó, ngay từ căn bản, Chúng Sanh đã gặp rào cản, khó lòng tiến bước một cách trơn tru, dễ dàng. Vì cho nó là một TÔN GIÁO nên đã phết lên người của nó quá nhiều lớp sơn, đặt ra nhiều nguyên tắc rườm rà, nhiều phương cách hành đạo thật là “quái dị” và vô lý!!

Chúng Sanh đã sống thiếu thành thật với chính bản thân mình và luôn cả đối với người đồng đạo, và cũng đã không ngần ngại lợi dụng tôn giáo “ĐẠO PHẬT” để làm những điều không minh chánh.

Càng tu tập, Chúng Sanh càng trở nên “Mê Tín Dị Đoan” nhiều hơn, con đường tiến đến chữ SI cũng chỉ là vài bước mà thôi.

Một sự tu tập chân chính, đúng mức, giúp cho Chúng Sanh ngay khi còn tại thế, vẫn cảm nhận được một sự thảnh thơi, nhẹ nhàng, tự tại, không nhất thiết phải đợi cho đến khi chỉ còn là một Linh Hồn.

Cái nguyên tắc căn bản mà Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã truyền đạt lại cho Chúng Sanh là luôn trau giồi cho Tâm trong sáng, là phải kiểm soát thường xuyên Ý của mình, là phải can đảm diệt bỏ tất cả những thói hư tật xấu, phải tôi luyện cho thật nhiều Tánh Tốt, qua hơn 2500 năm nay, Chúng Sanh đã quá thờ ơ, đã không còn ghi tạc nữa, Chúng Sanh đã càng ngày càng xa rời cái nguyên tắc đó, và 2 chữ THĂNG HOA cũng đã không còn là cái CỨU CÁNH của những ai tự nhận mình là người theo ĐẠO PHẬT.

Cái tánh tự cao tự đại, cái tánh quá cao ngạo và tôn trọng một cách thái quá cái Tự Ái của Chúng Sanh, đã khiến cho Đạo Phật càng ngày càng bị phân hóa với nhiều Tông, nhiều Phái, nhiều Chi, nhiều Nhánh, nhiều phương cách thờ phượng, nhiều lễ nghi rườm rà...khiến gây tạo nhiều tranh cải, nhiều hiềm khích, và đôi khi còn đi đến việc thanh toán nhau, đập lộn lẫn nhau.

Bên cạnh đó, Đạo Phật còn phải “đối đầu” với nhiều Tôn Giáo khác: nào là Đạo Khổng, Đạo Lão, Đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi, Ấn Độ Giáo, Bà La Môn Giáo v.v… Trong quá khứ, số Tăng Ni cũng như số Tín Đồ Phật Giáo bị sát hại trong những trận Thánh Chiến với các Tôn Giáo khác đã là một con số rất đáng kể.

Thay vì chỉ thuần là một phương cách thật giản dị giúp Người chỉnh sửa từ thể xác đến tinh thần, từ đời sống vật chất đến đời sống tâm linh, chính Chúng Sanh đã xoay chiều, đã làm xáo trộn cái giản dị đó, làm cho nó phức tạp hơn và rắc rối hơn. Từ đó, việc tu tập bỗng nhiên trở thành khó khăn với quá nhiều rào cản. Người tu tập cảm thấy con đường mình đi thật là gập ghềnh, nhiều chông gai và khó lòng đi tới đích. Họ mong ước nơi dừng chân cuối cùng sẽ là căn nhà Cực Lạc, nhưng...hình như đó chỉ ẢO TƯỞNG mà thôi!!

Bằng một phương thức giản dị để chỉnh sửa cái Linh Hồn của mình, giúp cho Linh Hồn được Thăng Hoa, tránh cảnh trầm luân thì đâu nhất thiết phải là người theo Đạo Phật mới làm được việc đó. Bất cứ ai hiện diện ở cõi Ta Bà đều vẫn có thể thực hành cái phương thức đó một cách thành công. Thái Tử Sĩ Đạt Ta không dành phương thức này cho riêng Dân Tộc Ấn Độ của Ngài, Dân Tộc Ngài được cái “đặc quyền” biết đến trước tiên và nhận được sự chỉ dạy trước tiên, nhưng sau đó, sẽ là toàn thể Chúng Sanh của cõi Ta Bà được biết đến, và lần lượt nhận được sự chỉ dạy, sự dìu dắt, vì sự trầm luân, sự khổ đau của Sanh Tử Luân Hồi là vấn nạn chính yếu mà toàn thể Chúng Sanh của cõi Ta Bà (không có ngoại lệ) phải đối diện và nhận chịu.

Ai là người trên cõi Đời này, từ lúc chào Đời cho đến lúc lìa Đời mà không hề đối diện với cảnh huống, với khó khăn, với nước mắt, với lụy phiền?

Những thứ đó từ đâu mà tới?

Nó chính là cái kết quả của việc gieo trồng những cái Nhân không Lành trong quá khứ, mà cũng có đôi khi ngay ở hiện kiếp nữa.

LUẬT NHÂN QUẢ là quy luật chung của Vũ Trụ bao gồm cái cõi Ta Bà. Luật Nhân Quả không chừa một ai cả, có nghĩa là không có ngoại lệ. Từ người cao sang quyền quý, bậc vua chúa tột đỉnh chí đến kẻ nghèo hèn cùng đinh, nếu đã có mặt hay đang có mặt hoặc sẽ có mặt ở cõi Ta Bà, đều bị chi phối bởi Luật Nhân Quả, mà người gieo Nhân Lành hay Nhân Xấu chính là Chúng Sanh của cõi Ta Bà. Ai đã gieo Nhân nào thì khi Quả đã chín muồi, nó sẽ tự động rơi vào túi của người đó, dù có muốn tránh cũng không được.

Cái gì đã tác động vào Luật Nhân Quả? Đó chính là cái Tâm, cái Ý và cái Tánh. Nếu Tâm - Ý - Tánh tốt đẹp, tức là Nhân gieo trồng thuần là hạt giống tốt thì Quả thu nhặt được chắc chắn sẽ là những Quả mượt mà, mọng chín, thơm ngon.

Tâm - Ý - Tánh tối đen mang một ý nghĩa là người gieo Nhân đã không lựa chọn hạt giống, cứ gieo bừa, gieo đại, không có sự để tâm, không có sự chăm sóc, đương nhiên rằng Quả gặt hái được sẽ chua, sẽ đắng, sẽ dị dạng, không đúng với sự mong mỏi của người gieo trồng.

Luật Nhân Quả đã là một Quy Luật chung thì Chúng Sanh của cõi Ta Bà dù thuộc bất kỳ chủng tộc nào: Âu hay Á - Mỹ hay Trung Đông - Phi Châu hay Úc Châu - Người trên núi hay kẻ dưới đồng bằng, cũng đều bị chi phối y như nhau, và quy luật này cũng áp dụng cho bất cứ một Tôn Giáo nào, một Tín Ngưỡng nào thuộc trong cái khuôn viên của cõi Ta Bà.

Chúng Sanh nào cũng có một Linh Hồn nằm trong một Thân Xác. Cái Linh Hồn đó có chịu sự đọa đày, chịu cảnh trầm luân hay không sau khi lìa Thân Xác, tất cả đều tùy thuộc ở cái Thân Xác, khi còn hơi thở, có biết trau giồi cái Tâm - Ý - Tánh của mình hay không để làm cho nhẹ bớt đi cái cường độ tác động của Bộ 3 này lên trên Luật Nhân Quả.

Thế giới ngày nay đang đối diện với hằng loạt biến động xảy ra từ địa lý cho đến con người. Dù ở dưới bất cứ dạng thức nào đi chăng nữa, những biến động vẫn là cái kết quả của những Nhân Hạt đã được gieo trồng thiếu sự lựa chọn và chăm sóc.

Một sự chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh ngay từ bây giờ của Chúng Sanh ở khắp mọi nơi trên cõi Ta Bà vẫn còn kịp thời, kịp lúc để bón phân, vun tưới cho mùa gặt tới, hầu thu hoạch được toàn những quả trái thơm ngon, tốt đẹp.

Chỉ cần Chúng Sanh tổng lược tất cả những Tánh Xấu, những thói tật hư đốn của mình để vĩnh viễn loại trừ chúng ra khỏi đời sống tâm linh của mình, gia sức vun bồi những Tánh Tốt, những thói quen tốt, lần lần Chúng Sanh sẽ cảm nhận được một sự nhẹ nhàng, thơ thới trong cuộc sống. Ưu tư đến cũng phải tan, phiền não gõ cửa cũng bị đẩy lui, khổ đau đến viếng cũng bị chối từ… Đó chẳng qua là vì Chúng Sanh đã kết nối được những Tánh Tốt, làm cho chúng trở thành Từ Bi Hỷ Xả, giúp cho Tâm ngời sáng và đồng thời đẩy lui được những ý tưởng đen tối, kém thanh cao. Ngọn đèn Trí Huệ đã được bật lên, xua tan bóng đêm, thắp sáng Tâm Thức, đốt mòn dần vô minh phiền não. Cảm giác Cực Lạc luôn ngự trong Tâm, giúp cho Chúng Sanh sống một cuộc đời nhẹ nhàng, thanh thản đến hơi thở cuối - Cái Linh Hồn đã được Thăng Hoa, vẫy tay chào vĩnh biệt cõi Ta Bà, đi tìm một nơi an trụ đúng với sự mong muốn của Linh Hồn, để rồi một ngày nào đó, Phật đã thành sẽ lại hân hoan giúp cho Phật sẽ thành.

Dù dưới dạng thức nào: TÔN GIÁO hay PHƯƠNG THỨC, nguyên tắc căn bản nguyên thủy cũng vẫn là sự Thăng Hoa của một Linh Hồn.

Chỉ có điều rằng: nếu khoát lên người 2 chữ TÔN GIÁO, tín đồ của Đạo Phật sẽ bị vướng mắc rất nhiều vào những buộc ràng, do ở cái Tâm Chúng Sanh còn bị quấn chặt bởi quá nhiều Tánh Xấu.

Người quyết tâm tu tập chân chính phải tự mình đối phó với những buộc ràng này để thoát ra khỏi vòng vây của sự lễ mễ, của nhiều nghi thức rườm rà, phức tạp, vô lý và mất rất nhiều thì giờ. Người lãnh đạo tinh thần, dắt dìu tâm linh của Tín Đồ đã chọn sự phức tạp và rắc rối trong việc thờ phượng, lễ lạy và hướng dẫn Tín Đồ.

Con đường giản dị, không quanh co, không gút mắt dường như bị cố tình bỏ quên không nhắc tới. Tín Đồ của Phật Giáo cứ quờ quạng trong bóng đêm, trong khi những nguyên tắc chánh yếu giúp cho bật sáng được ngọn đèn Trí Huệ thì không được tận tình chỉ dẫn.

Tu để giải tỏa sự căng thẳng, tu để tìm người đồng điệu, tu để thỏa mãn Tự Ái, tu vì thị hiếu, tu để khỏa lấp khoảng thời gian trống vắng, tu để tìm kiếm niềm vui, để luôn tiếp nhận những tiếng cười rộn rã… Đó là toàn bộ cái mục đích của việc tu tập đối với những Tín Đồ nào đến với Đạo Phật bằng một quan niệm: SỐNG CHO VẬT CHẤT.

Một phương thức giản dị để thăng hoa rút ra từ cái nguyên tắc căn bản nguyên thủy của Thái Tử Sĩ Đạt Ta, nếu được hành trì đúng cách, đúng mức thì việc giúp cho Linh Hồn của người tu tập được Thăng Hoa sau khi rời thân xác, là một việc làm không khó khăn, không phức tạp, không phiền toái, nếu không muốn nói là, người tu tập sẽ dốc hết toàn lực để hành trì vì cái Linh Hồn đó là của mình chớ không phải của ai khác cả.

  • Làm sao để tôi luyện cái Tâm cho ngời sáng?
  • Làm sao để chuyển ý tưởng của mình luôn thanh cao, tốt đẹp?
  • Làm sao để trau giồi và giùi mài Tánh xấu?
  • Làm sao để tích lũy được những Tánh tốt?

Tất cả đều được đề cập tới qua những lời pháp thật bình dị, thật dễ hiểu và xúc tích mà Thầy đã từng tư duy với con. Thầy rất mong mỏi đây là dịp để cho người tu tập chân chính nhìn thấu suốt đoạn đường tu tập của mình, lắng đọng Tâm mình, giữ BÌNH một cách triệt để hầu có thể nhận thức một cách rõ ràng cái Nội Tâm của mình đã phản ứng ra sao trước một Tâm - Ý - Tánh đang bắt đầu rực sáng.


+ 63