• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Mạn Đà La

Jun 21 2019
694150498 694150498

Kính bạch Sư Phụ,

Khi nói đến Đạo Phật hay khi đề cập đến Thế Giới Cực Lạc, người Đời thường vẽ ra một Hoa Sen. Như thế thì Hoa Sen chính là biểu tượng của Cực Lạc. Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được hiểu rõ tại sao biểu tượng của Cực Lạc lại là Hoa Sen chớ không phải là một loài hoa nào khác?

Thầy đã có từng nói rằng: Hoa Sen Trắng với mùi thơm tỏa ra ngào ngạt là một loại Hoa Trời, mọc rất nhiều ở cõi Trời và cả ở Cực Lạc. Hoa Sen ở Cực Lạc không những để điểm tô cho cảnh sắc của Cực Lạc, mà còn là “mái ấm” của mỗi Thánh Chúng của Cực Lạc nữa.

Một Chúng Sanh khi còn tại thế khởi tâm tu tập, quyết cải sửa bản thân mình, đồng thời phát nguyện vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc của Đức A Di Đà Phật, tức khắc một Hoa Sen lú lên trong ao Liên Trì. Hoa có màu trắng ngần như sữa, chỉ mới lú lên, chưa nở và cũng chưa tỏa mùi thơm. Nếu Chúng Sanh đó chí tâm tu tập, luôn cố gắng để đạt tiêu chuẩn về Cực Lạc (là luôn giùi mài, sửa những Thói Hư Tánh Xấu của mình), đóa sen của Chúng Sanh đó nơi ao Liên Trì, tuy rằng chưa nở, song lúc nào cũng giữ được vẻ tốt tươi.

Sự giải đãi, thiếu kiên cường, thiếu sự nhẫn nại và nhất là đánh mất đi ý chí lúc ban đầu, sẽ khiến cho nụ hoa càng ngày càng khô héo và rụng đi. Tuy nhiên, có một lúc nào đó, Tâm - Ý - Tánh của chính Chúng Sanh đó đồng đột nhiên rực sáng, Ao Liên Trì lại mọc lên một cành Sen.

Hoa sen là một loài Hoa tinh khiết, một loài hoa với cái thân thẳng tắp, vượt lên trên tất cả, vươn mình xa lánh những ô trược, không để cho bất cứ cái gì không tinh khiết xâm phạm đến cánh hoa. Hoa Sen ở cõi Trời hay cõi Cực Lạc tỏa ra mùi thơm ngào ngạt.

Không riêng gì ở thế giới Cực Lạc của Đức A Di Đà Phật, Hoa Sen hiện diện ở khắp các Phật Độ và là biểu tượng chung cho toàn thể Thế Giới Cực Lạc của mười phương Chư Phật. Vì sao? Vì Hoa Sen là loài hoa duy nhất có thể ôm trọn, gói trọn một Thần Thức. Đóa Sen nhỏ trên tay của Đức A Di Đà Phật là nơi an trụ đời đời của một Thần Thức được tiếp dẫn về Cực Lạc. Đóa Sen nhỏ gói trọn cái Thần Thức đó được đặt vào Ao Liên Trì, và Đóa Sen bắt đầu hành sử vai trò của Người Mẹ Hiền ôm ấp, dưỡng nuôi đứa con Thần Thức của mình.

Khi Thần Thức còn non nớt, tất cả những cánh sen đều xếp lại và gói trọn Thần Thức ở giữa. Thần Thức được nuôi dưỡng bằng cái gì? Nuôi dưỡng bằng lời Pháp, nuôi dưỡng bằng lời Chú. Thần Thức ở giữa giống như một thai nhi còn trong bụng mẹ và được ôm ấp bởi những cánh Sen. Lời Pháp phát ra từ những cánh Sen, từ thấp đến cao dần, Thần Thức uống trọn lời Pháp đó từ chút, từ chút một, không khác gì dòng MÁU luân lưu, giúp cho Thần Thức lớn dần lên. Những cánh Sen cũng phát ra lời Chú tạo nên SỨC LỰC giúp cho Thần Thức ngày càng sung mãn.

Khi Thần Thức đã hưởng đầy đủ Lời Pháp, Lời Chú (chính là Máu và Sức Lực nuôi dưỡng cái Thai Nhi Thần Thức), đó là lúc mà tất cả các cánh Sen đều mở bung ra, cái NHỤY bên trong đã lớn, và Thần Thức đủ sức để bước ra khỏi Hoa Sen tung tăng chạy nhảy khắp đó đây.

Mỗi Thánh Chúng của Cực Lạc đều ngự trên một Hoa Sen, nơi đó chính là mái ấm của Thánh Chúng và Cõi Tịnh riêng tư này sẽ được trang trí, điểm tô tùy theo sở thích của từng Thánh Chúng qua phép Quán Tưởng.

Hoa Sen nở, điều đó có nghĩa là Thần Thức đã vượt qua được cái giai đoạn đầu tiên, trở nên một Thần Thức đủ cứng cáp để sẵn sàng tiếp nhận những lời Pháp giúp cho vun bồi Trí Huệ sáng thêm lên, càng ngày Đạo Quả càng cao qua việc hành trì Sám Hối - Trì Chú và Niệm Phật.

Do đó mà Thầy đã thường nhắc nhở: siêu độ cho một Vong Linh không phải chỉ trong 49 ngày là xong công việc. Chúng Sanh tu tập mỗi ngày, hồi hướng công đức cho thân nhân quá cố, nếu đó là một Vong Linh được vãng sanh về Cực Lạc, thì công đức đó sẽ góp phần không nhỏ trong việc giúp cho một Thần Thức còn non yếu trong Thai Sen được mau chóng cứng cáp.

Thánh Chúng càng tu tập, màu sắc trên cánh sen càng thay đổi và mỗi một màu sắc mang một ý nghĩa khác biệt. Từ màu trắng ngần như sữa, cánh sen đổi thành màu vàng, từ màu vàng nhạt tiến sang vàng đậm, sau đó chuyển sang màu xanh nhạt rồi xanh đậm; sau cùng, cánh sen chuyển sang màu hồng hồng rồi đỏ thẫm. Sự chuyển thể màu sắc không phải do tự nhiên. Chính cái khả năng tu tập của Thánh Chúng ngự trên Hoa Sen đó đã khiến cho màu sắc của Hoa Sen thay đổi. Cứ nhìn vào màu sắc của cánh sen, Cực Lạc tức khắc hiểu ngay việc tu tập của Thánh Chúng ngự trên hoa sen đó đã tiến triển như thế nào.

Hoa Sen là một loài hoa thuần khiết, vì vậy mà nó được dùng làm biểu tượng cho sự An Bình, An Lạc nơi Cực Lạc. Trong 10 phương chư Phật, cõi Tịnh nào cũng được gọi là Cực Lạc, chớ không phải chỉ có Cực Lạc của Đức A Di Đà Phật. Sở dĩ Cực Lạc dính liền với Đức Phật A Di Đà là tại vì Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã giới thiệu Đức A Di Đà Phật với Chúng Sanh của cõi Ta Bà, cho nên đa số Chúng Sanh của cõi Ta Bà chỉ biết có Thế Giới Cực Lạc của Đức A Di Đà Phật mà thôi.

Đúng nghĩa một cách chính xác thì Cực Lạc là từ ngữ chỉ chung tất cả các cõi của các Chư Phật trong 10 phương Thế Giới, và bất cứ cõi Cực Lạc nào cũng đều có Ao Liên Trì với những đóa sen mọc lên và mỗi đóa sen là “Mái Ấm” bao bọc, chở che cho Thánh Chúng từ lúc còn là một Thần Thức non nớt, cho đến khi chứng được quả vị Bồ Tát. Tùy vào tâm nguyện của mỗi Chúng Sanh khi tu tập, phát nguyện về cõi Cực Lạc nào thì vị Giáo Chủ của cõi Cực Lạc đó sẽ tiếp rước Chúng Sanh đó nếu Chúng Sanh đã là một Thần Thức thăng hoa.

Kính bạch Sư Phụ,

Sư Phụ đã giải thích rất rõ ràng và chi tiết về biểu tượng của Hoa Sen nơi Thế Giới Cực Lạc. Xin Sư Phụ từ bi giúp cho con hiểu biết thêm về việc kiến tạo một Mạn Đà La. Đó có phải là điều cần thiết phải làm đối với một người chăm lo tu tập khi họ còn hiện Thế hay không?

Như Thầy đã nói ở trên, vẽ ra Hoa Sen là vẽ ra khung cảnh Cực Lạc; cầm một Đóa Sen trên tay là nói lên cái tương lai rực rỡ của một Thánh Chúng nơi Cực Lạc. Từ thời các Cổ Phật cho đến thời của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, từ ngữ Mạn Đà La lúc nào cũng được nhắc nhở đến. MANDALA thuộc về Cỗ ngữ thời của Đức Phật Thích Ca còn tại thế, có nghĩa là Hoa Sen. Đức Bổn Sư có nói qua về Mạn Đà La, nhưng vì Ngài còn đang là Giáo Chủ của cõi Ta Bà, nên Ngài đã không đề cập chi tiết về Mạn Đà La. Đức Bổn Sư cũng không trực tiếp chỉ dạy cho Chúng Sanh việc tạo lập Mạn Đà La. Những gì mà Ngài không trực tiếp chỉ dạy, có nghĩa là cái đó không cần thiết.

Việc tu tập cốt từ ở bên trong nhằm hoán chuyển, sửa đổi, trau giồi, tôi luyện cái Tâm, cái Ý, cái Tánh, chớ không phải mất thì giờ để tạo nên những Mạn Đà La. Trong thuở quá khứ xa xưa thuộc về thời của các Cổ Phật, các Vị Phật cũng dạy cho người tu tập hiểu rõ cái cốt tủy của việc tu tập. Nên nhớ rằng: tất cả những điều mà Chúng Sanh học hỏi ngày hôm nay cũng chỉ là một sự lập lại của những gì đã được đề cập đến, được chỉ dạy từ trong quá khứ lâu xa về trước. Vì sao? Vì đó là CHÂN LÝ! Mà Chân Lý thì không bao giờ thay đổi. Tất cả những nguyên tắc căn bản của việc tu tập, ở bất cứ thời đại nào của mỗi Vị Phật, cũng đều được lập lại với Chúng Sanh của thời đại đó.

Vì Hoa Sen tượng trưng cho Thế Giới Cực Lạc, một nơi duy nhất thể hiện sự An Bình, An Lạc đúng nghĩa, Hoa Sen còn là nơi an trụ đời đời của Thần Thức Thăng Hoa được tiếp rước về Thế Giới Cực Lạc, cho nên các vị Cổ Phật thường hay vẽ 1 Đóa Sen nở với Thần Thức “ngự” trong phần Nhụy Sen.

Lúc thoạt đầu thì Thần Thức nhỏ bé, run rẩy trong Nhụy Sen; các cánh Sen trắng ngần từ từ xếp cánh vào nhau, ôm trọn Thần Thức và khởi đầu một sự dưỡng nuôi bằng Lời Pháp và Lời Chú. Khi Thần Thức đã hấp thụ đầy đủ Lời Pháp và Lời Chú, cái Nhụy bên trong đã lớn, đủ cứng cáp, Hoa Sen sẽ mở bung các cánh để cho Thần Thức thoát ra ngoài, tung tăng chạy nhảy. Kể từ đây, các cánh Sen sẽ không khép kín lại nữa, Thánh Chúng ngự trên hoa sen và ngày ngày tiếp nhận lời Pháp, lời Chú từ ở những cánh Sen để thấm nhuần và tư duy, giúp cho Trí Huệ càng phát sáng để chiêm nghiệm, để Sám Hối từng Nghiệp Chướng do chính mình gây tạo nên từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ. Các vị Cổ Phật đã vẽ lên những Mạn Đà La tức là những Hoa Sen để cắt nghĩa, dẫn dắt cho Chúng Sanh thời bấy giờ hiểu được những giai đoạn tu tập của Thánh Chúng ở Cực Lạc, từ lúc được tiếp dẫn về Cực Lạc cho đến lúc chính thức trở thành một vị Bồ Tát.

Như vậy, một Chúng Sanh khi còn ở hiện Đời biết chăm lo tu tập, tức là biết vun bồi cái Hoa Sen của mình, để khi về đến Cực Lạc sẽ không phải được nuôi dưỡng quá lâu trong Thai Sen. Hằng ngày tu tập Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật đều quán tưởng Mình đang ở trên Hoa Sen tu tập, để chi? Xem như là giai đoạn đầu tiên (nhập Liên Hoa) mình đã vượt qua rồi ngay khi mình còn ở trên Dương Thế, để đến khi về đến Cực Lạc, sẽ không bị mất thì giờ cho giai đoạn đầu tiên này nữa. Bên cạnh đó thì Thần Thức của mình cũng đủ cứng cáp để sẵn sàng tiếp nhận những lời Pháp cao hơn, giúp cho vun bồi Trí Huệ sáng thêm lên, càng ngày đạo quả càng cao và màu cánh Sen cũng thay đổi. Cho nên việc tu tập chân chính và đúng mức khi còn sinh thời sẽ giúp ích rất nhiều cho Thần Thức trên Thai Sen ở vào giai đoạn đầu tiên.

Kiến tạo một Mạn Đà La mang một ý nghĩa chánh yếu là:

Nếu còn trên Dương Thế, phải quán tưởng mình là một Thần Thức ở trong cái Nhụy của Mạn Đà La của mình, và chính mình sẽ vun bồi những cánh Sen bằng những tư duy của mình từ Lời Pháp, bằng những câu Trì Chú của mình, cộng thêm với lời Niệm Phật; như vậy cái Mạn Đà La của mình sẽ càng ngày càng được tô điểm cho cứng chắc, cho rực rỡ; và ngày mình vĩnh viễn ra đi, sẽ mang cái Mạn Đà La đó theo với mình và làm cho ngôi nhà ở Cực Lạc càng thêm vững chắc.

Chúng Sanh chỉ nhìn thấy những màu sắc rực rỡ của cái Mạn Đà La mà mình có thể sờ mó được, và hoàn toàn quên đi Đóa Mạn Đà La của chính bản thân mình. Bước chân vào đường tu tập, không ai là không mong cầu cái ngày mà mình được ngự trên Hoa Sen nơi ao Liên Trì. Hình ảnh một Thánh Chúng trên đài Sen rực sáng là cái mục tiêu tối hậu của người đã bỏ công sức để tôi luyện, giùi mài phần Tâm - Ý - Tánh của mình.

Cái tương lai của hiện thế là một tương lai gần và ngắn ngủi, còn cái tương lai của một Thần Thức Thăng Hoa là một tương lai dài và gần như vô định. Tương lai đó được hình thành qua Từ - Bi - Hỷ - Xả và với một mục đích duy nhất là CỨU ĐỘ CHÚNG SANH, tức là “CỨU ĐỘ THÂM TÌNH RUỘT THỊT” của mình. Với 9 đời Bà Con Dòng Họ cùng 7 đời Ông Bà - Cha Mẹ - Anh Chị Em, trồi lên sụt xuống qua trăm kiếp, ngàn kiếp, có còn gọi là “Người Lạ” nữa hay không? Lạ ở kiếp này nhưng lại rất quen và rất thân ở kiếp vừa qua!

Do đó cái hình ảnh một Thánh Chúng trên Hoa Sen, phải là cái hình ảnh mà người con Phật hằng ôm ấp, để ngày ngày cùng hình ảnh đó tu tập, tôi luyện, mài giũa sao cho Người cùng với Ảnh đều rực sáng hào quang.

Chư Phật và Bồ Tát cũng đều từ cái hình ảnh đó mà Chứng Đắc và tất cả cũng cùng có chung một cách thức để tạo dựng Đóa Mạn Đà La của chính bản thân mình.


+ 56