Kính bạch Sư Phụ,
Trong phép tu tập có nhiều Nghi Thức Sám Hối: nào là Hồng Danh Lễ Sám – nào là Lương Hoàng Sám - nào là Thập Nhị Phật Danh Trừ Chướng Diệt Tội – nào là Kinh Vạn Phật v.v ... Người tu tập xướng tên một Vị Phật, gõ một tiếng chuông, miệng thì thầm: con thành tâm sám hối, và sau đó cúi xuống lạy một lạy. Hành động này sẽ được lập đi lập lại cho đến hết nghi thức. Con muốn thỉnh ý Sư Phụ: với cách thức sám hối như vầy, người gây tạo lỗi lầm đã đền trả được cái gì cho người nhận những thương đau từ lỗi lầm mà mình đã gây nên? Có vẻ như là "lỗi lầm" và sự "đáp đền" không được tương xứng. Khi đã gọi là không tương xứng thì Nghiệp Lực vĩnh viễn vẫn còn đó, Oan Gia Trái Chủ cứ tiếp tục quấy phá, người gây tạo lỗi lầm cứ triền miên đón nhận hết khó khăn này đến khó khăn kia xảy tới trong cuộc đời của mình ở cõi Ta Bà. Để cân bằng cán cân Nghiệp Lực, người đã tạo nên sự phiền muộn, sự đớn đau, sự mất mát cho kẻ khác, phải hành xử như thế nào đối với những "nạn nhân" của mình để chứng tỏ mình thật dạ ăn năn sám hối và mong muốn một sự đáp đền đúng nghĩa. Con kính xin Sư Phụ từ bi chỉ dạy.
Tôn chỉ của Đức Bổn Sư là phải dùng Thân - Khẩu - Ý để thoát vòng Sanh Tử Luân Hồi, vì vậy mà tất cả những lời Pháp của Ngài không bao giờ ra khỏi cái tôn chỉ đó. Tất cả đều xoay quanh 3 chữ THÂN - KHẨU - Ý tức là TÂM - Ý - TÁNH. Vì Chúng Sanh không có tư duy Thân-Khẩu-Ý, cho nên khi mà Thầy nói đến Tâm-Ý-Tánh thì Chúng Sanh lại ngờ ngợ, thấy thì nó quen quen, nhưng mà vẫn còn là xa lạ.
Chúng Sanh chỉ nhìn thấy được cái mặt nổi mà không thấy được cái mặt sâu. Muốn hiểu rõ cái chiều sâu, bắt buộc phải tư duy. Tư duy chữ THÂN để mới lộ ra cái TÁNH - Tư duy chữ KHẨU mới rõ được cái TÂM - Còn chữ Ý thì dễ dàng rồi, ai cũng hiểu cả, nhưng, khi đào sâu vô chữ Ý thì sẽ thấy rõ rằng, chữ Ý không hành xử một cách đơn thuần, giản dị, mà nó có liên hệ mật thiết với chữ Tâm (tức là chữ KHẨU) và chữ Tánh (tức là chữ THÂN). Vì vậy mà muốn có được một cái Ý đúng nghĩa là phải có một cái THÂN chính xác và phải có một cái KHẨU không sai trái.
Sự liên kết chặt chẽ của 3 yếu tố Thân – Khẩu – Ý hay là Tâm – Ý – Tánh tạo nên Đời Sống Tâm Linh của một Chúng Sanh, bao gồm những cái Thiện lẫn cái Ác mà Chúng Sanh đó đã hành xử trong suốt cuộc đời của Chúng Sanh ở cõi Ta Bà này.
Nếu Chúng Sanh thường xuyên vun bồi những điều Thiện Lành thì sẽ giữ được cái kiếng Tâm của mình luôn trong sáng, sẵn sàng tiếp nhận hào quang chói rạng từ bên ngoài, giúp cho ngọn đèn Trí Huệ bật sáng. Ngược lại, những hành động ngang ngược, xấc xược, có tính cách hại người, hại vật, gây đau khổ, mất mát cho kẻ khác, sẽ để lại những vệt đen, những vết hằn trên cái kiếng Tâm và che lấp đi cái phần trong sáng của tấm gương Tâm, khiến cho Tâm Thức trở nên tối đen, khó lòng bật sáng được ngọn đèn Trí Huệ
Sự kết hợp của Tâm-Ý-Tánh tạo nên vòng tròn Nghiệp Lực, và chính cái vòng tròn nghiệp lực này mới đóng vai trò chủ yếu trong vấn đề Sanh Tử Luân Hồi.
Mục đích của việc tu tập là thoát vòng Sanh Tử Luân Hồi. Muốn được như vậy thì phải đoạn lìa Vòng Nghiệp Lực, tức là phải Bình Tâm – phải Chỉnh Ý – phải Sửa Tánh.
Muốn Bình Tâm bắt buộc phải sửa Tánh. Còn Thói Hư, còn Tánh Xấu thì Tâm còn vọng động, còn bồn chồn, luôn thôi thúc Ý phải tìm cho ra trăm mưu ngàn kế dù cho có ác độc đến đâu, có gian xảo đến bao nhiêu cũng phải thực hành cho được để thỏa mãn những nhu cầu từ ở Tánh Xấu, ở Thói hư.
Càng "chiều chuộng" những thói hư tật xấu, Tâm càng trĩu nặng Nghiệp Chướng trên vai mình, đồng thời Ý Thức cũng trở thành đen ngòm vì đã lắm mưu nhiều kế để hại người.
Cứ mỗi hành động hại người, hại vật thì một vòng tròn Nghiệp Lực Tâm-Ý-Tánh được tạo thành. Một ngày qua, với quá nhiều tánh xấu, một người có thể tạo cho mình nhiều vòng tròn nghiệp lực, và mỗi vòng tròn được xem như là một viên gạch nối kết nhau, đầu tiên là phủ lấp cái Tâm, sau đó thì tiếp tục chất chồng để xây một bức tường Vô Minh kiên cố. Với một kiến trúc như vậy thì chắc chắn rằng không có một chút ánh sáng nào có thể lọt được vào bên trong Tâm Thức cả.
Rồi một ngày qua, một tháng qua, một năm qua, rồi nhiều năm qua… đến hết kiếp này rồi tới kiếp kia… nếu không có gì sửa đổi thì Tâm Thức sẽ dung chứa toàn là những Vòng Tròn Nghiệp Lực. Những vòng tròn này, lớn có, nhỏ có, vừa vừa cũng có, đủ loại, đủ hạng. Mỗi vòng tròn đều thể hiện thật rõ ràng những hình ảnh của nghiệp lực xảy ra với ai? Trong hoàn cảnh nào? Trong môi trường nào? Không chạy đâu cho thoát!
Chúng Sanh khi còn trên Dương Thế thì bận rộn với việc mưu sinh, suốt ngày phải đối diện với hết khó khăn này, đến khó khăn kia, tất cả đều xoay quanh 2 chữ Quyền Lợi. Phải cật lực làm việc mới đủ trang trải những nhu cầu trong cuộc sống; phải lanh lợi, khôn ngoan trong giao tế mới chiếm được thế thượng phong; phải bản lãnh mới giành được chiến thắng; thậm chí phải tỏ ra dữ dằn, mạnh mẽ để trấn áp đám đông và lôi kéo sự phục tùng của họ.
Rồi thì còn phải chiến đấu với bệnh tật, có khi là bệnh trầm kha, tưởng đâu rằng mất đi mạng sống; cũng có lúc là những bệnh bề ngoài xem ra không nặng nề, nhưng cứ dai dẳng không chấm dứt, khiến cho tốn nhiều tiền chạy chữa.
Nghiệp Lực đến với Chúng Sanh có khi là mặt đối mặt, Chúng Sanh phải trực tiếp đối đầu với thương đau, với bất hạnh, với nghèo đói, với gông cùm, với bất công, với bao nỗi bực mình… nói tóm lại là, trong quá khứ, Thần Thức của Chúng Sanh đã đối xử tệ hại với một hay nhiều Thần Thức khác, ngày giờ này đủ duyên gặp gỡ, Chúng Sanh bắt buộc phải đối diện với họ để trả lại món nợ khi xưa dưới bất cứ hình thức nào.
Nghiệp Lực đến với Chúng Sanh cũng có khi qua dạng thức bài học nghiệp lực. Điều này có nghĩa rằng, lỗi lầm Chúng Sanh gây tạo không trực tiếp cho một cá nhân nào cả, nhưng cái kết quả là một sự bất lợi cho số đông quần chúng. Cũng có thể là Chúng Sanh làm điều sai trái với một cá nhân nào đó, nhưng cá nhân đó không hề hay biết, cho nên vòng nghiệp lực không đóng lại. Chúng Sanh hành động bất cần, không đắn đo suy xét, nên vô tình làm hại kẻ khác mà không ai biết.
Điều đó không có nghĩa là Tâm Thức không ghi lại hành động sai trái của Chúng Sanh; như Thầy đã từng nói, Tâm Thức làm công việc của cái máy chụp ảnh, bất cứ một hành động nào, dù Thiện hay Ác, dù Lành hay Dữ, dù lớn hay nhỏ, tất cả đều được ghi trọn trong Tâm Thức.
Những nghiệp lực bài học có tính cách nhắc nhở cho Chúng Sanh nhớ rằng mình vì mang Tánh Xấu mà đã phạm sai lầm; dù rằng không trực tiếp hại người, che dấu được mọi người, nhưng điều sai trái vẫn là điều sai trái, do đó mà không thoát được sự ghi nhận của Tâm Thức.
Những bất an đến với mình, những bực mình, những mất mát, những lọc lừa, những oan tình, những đớn đau từ tinh thần đến thể xác luôn xảy đến cho mình, đó chính là những bài học nghiệp lực. Những bài học này cứ trở đi trở lại suốt cuộc đời mình, cho đến khi nào mình nhận chân ra được cái Tánh Xấu nào đã góp phần vào việc khiến cho mình phạm phải sai lầm và nhận chịu hằng loạt cảnh huống đến với mình ngày hôm nay. Mình quyết lòng sửa chữa tánh xấu đó, và chân thành sám hối lỗi lầm, lần hồi những bài học nghiệp lực sẽ bớt dần đi sức công phá.
Càng có nhiều tánh xấu thì bài học nghiệp lực càng tủa ra. Những tánh xấu này đã không được sửa đổi từ ở kiếp quá khứ, cho nên mới có thể gây tạo những cảnh huống nặng nề cho ngày hôm nay ở hiện kiếp. Do đó Chúng Sanh không thể nói rằng tôi không có tánh xấu để sửa đổi. Cứ nhìn những cảnh huống cứ lần lượt xảy ra trong cuộc đời của một Chúng Sanh thì ắt phải hiểu rằng Chúng Sanh đó đã gây tạo bao nhiêu lầm lỗi từ ở những tánh xấu của mình.
Nuôi dưỡng những tánh xấu của hiện kiếp là chuẩn bị một cuộc đời với nhiều trắc trở, chông gai trong kiếp Vị Lai.
Bệnh Nghiệp có liên quan rất nhiều đến Nghiệp Sát. Ngày giờ này, ở hiện kiếp, một Chúng Sanh đối diện với Bài Học Nghiệp Lực hay vật vã với một Bệnh Nghiệp nào đó, thì phải hiểu rằng cái nỗi đau ngày hôm nay của Chúng Sanh đó cũng chỉ là một cảm giác nhỏ nhoi so với sự đau đớn vô cùng cực của một người bị sát hại, hay bị tra tấn, hay bị hành hình một cách dã man do từ ở Tánh Xấu của Chúng Sanh đó trong kiếp Quá Khứ.
Nếu không có bệnh nghiệp hay bài học nghiệp lực, Chúng Sanh sẽ dễ dàng cho rằng người ta đã phóng đại sự đau đớn, sự mất mát, sự bực dọc. Nhờ có cái cảm giác đau đớn, khó chịu qua những bài học nghiệp lực, qua bệnh nghiệp, Chúng Sanh sẽ sám hối một cách dễ dàng hơn.
Có một điều mà Chúng Sanh ít để ý đến, đó là, dù rằng cái đau của Chúng Sanh ngày hôm nay chính là cái đau của người bị mình hại trong quá khứ, nhưng cái đau của mình vẫn còn nhẹ hơn nhiều so với cái đau của họ. Đó chẳng qua là vì mình có tạo được chút phước đức ở kiếp vừa qua hay ở ngay hiện kiếp, cho nên có một sự dung hòa giữa cái Tội và cái Phước, nhờ vậy mà Bệnh Nghiệp cũng không quá là nặng nề đối với người gây tạo nghiệp chướng. Nếu không nhờ thế thì một mạng đổi một mạng, đúng với Luật Cân Bằng của Vũ Trụ, như thế thì cõi Ta Bà biết có còn Người để đổi mạng nữa hay không?
Tại sao người bị Bệnh Nghiệp, Bệnh Nan Y cũng biết sám hối, biết ăn năn nhưng không đem lại một kết quả khả quan?
Câu trả lời: Không phải chỉ có người bị bệnh Nghiệp, bệnh nan y, mà đa số người tu tập, nếu không biết cách sám hối thì cũng vẫn không nhận được kết quả tốt đẹp. Điểm chánh yếu của việc tu tập chính là sám hối. Có sám hối thì Nghiệp mới tiêu, Thân Xác mới được An Bình, không bị khuấy phá, cuộc đời bớt đi sóng gió, và điều đáng nói nhất chính là sự thăng hoa của Thần Thức.
Như thế thì, phải sám hối như thế nào để có thể nhận được một kết quả tốt đẹp nhất?
Sám Hối không có nghĩa là mình ra trước Đạo Tràng, rồi giở cuốn Kinh ra, hoặc là Kinh Vạn Phật, hoặc là Kinh Hồng Danh Lễ Sám, hoặc là Kinh Lương Hoàng Sám, hay Kinh Thập Nhị Phật Danh trừ Chướng diệt tội để tụng, để sám hối nghiệp tội của mình. Không phải như vậy!! Mà mình phải hiểu rõ cái cốt tủy của việc sám hối.
Chúng Sanh trải qua nhiều đời nhiều kiếp, đã làm chuyện quấy trá, làm chuyện điên rồ cũng như điều xằng bậy, hại người hại vật. Ngày giờ này, ở hiện kiếp, Chúng Sanh bắt buộc phải sám hối, phải ăn năn những gì mà mình đã tạo tác, những gì mà mình đã đem lại sự đau đớn cho kẻ khác, đó là mục đích của việc sám hối, tức là mình tỏ dạ ăn năn, mình nói lời xin lỗi.
Mình phải làm sao đây để chứng tỏ cho những kẻ mà mình đã hại họ, biết được rõ ràng rằng mình đang ăn năn, đang hối lỗi, và cái ăn năn hối lỗi đó nó phải xuất phát từ ở đâu? Nó xuất phát từ ở đầu môi chót lưỡi, hay nó xuất phát từ ở cái Tâm Tư, cái sự xúc động của mình?
Do đó mà trước tiên, mình phải hiểu rõ lý do vì sao mình tạo tội? Câu trả lời là, tôi tạo tội bởi vì tôi có tánh Xấu, tôi có Tánh Bất Lương, tôi có Tánh Ganh Tỵ, tôi có Tánh Thù Vặt, tôi có nhiều Tự Ái, tôi có Tánh Tham Lam, tôi có Tánh Sân Hận… cho nên tôi đã vung tay không thương tiếc; tôi tạo tội vì cái Tâm của tôi muốn tôi phải làm theo cái ý của nó. Nó thôi thúc, nó khiến cho tôi bứt rứt, đứng ngồi không yên, đâm ra bực bội, tức tối; nhưng nếu tôi làm theo ý nó thì tôi phạm vào một tội lỗi và tội lỗi đó đưa đến việc là tôi tạo nên nghiệp chướng với kẻ khác.
Nếu tôi mềm lòng làm theo ý muốn của Tâm tôi và sự thôi thúc của những Tánh Xấu của tôi, thì cái Ý Tưởng của tôi sẽ bị lôi cuốn vào việc nghĩ ra những thủ đoạn, những mánh khóe, những cách thức, những mưu kế để cho tôi có thể thực hiện được những điều mà Tâm tôi muốn, những điều mà Tánh của tôi đòi hỏi.
Do đó mà tất cả các nghiệp tội của tôi, nó là kết quả của toàn thể cái Tâm - cái Tánh - cái Ý của tôi. Ba yếu tố đó dung hợp lại để tạo nên một Nghiệp Lực, một Món Nợ mà ngày hôm nay tôi bắt buộc phải mang nó bên mình, không rời xa nửa bước.
Thực chất của cái tội là như vậy! Bây giờ nếu tôi tỏ ra ăn năn sám hối thì tôi phải làm sao? Ngày xưa Tâm tôi rung động để thôi thúc cái Tánh Xấu của tôi bùng phát, và cấu kết với những mưu toan, kế sách từ ở cái Ý Tưởng của tôi; ngày giờ này tôi cũng phải dùng cái Tâm, cái Tánh, cái Ý để chuyển đổi cái món nợ thành ra là một sự đáp đền, một sự bù đắp trở lại cho những mất mát của những người mà mình đã tạo tội.
Do đó, nợ Máu phải trả bằng Máu, nợ Đời đã tạo ra từ ở cái Tâm - cái Tánh - cái Ý thì nó cũng phải được đền trả trở lại bằng cái Tâm - cái Ý - cái Tánh; chớ nó không thể nào được trả lại bằng những lời xướng danh hiệu của một Vị Phật hay Bồ Tát.
Nếu nói về sự công bằng thì hoàn toàn không có công bằng; đập người ta chết lên chết xuống, làm cho người ta tán gia bại sản, làm cho người ta mất đi hạnh phúc gia đình, bây giờ thì đem một Vị Phật, một Vị Bồ Tát tới nói bên tai, xướng lên từng vị một, thử hỏi rằng có công bằng hay không? Nó có tương xứng hay không?
Oan gia Trái Chủ của tôi sẽ trơ mắt mà ngó tôi khi tôi cứ đứng lên ngồi xuống, đánh chuông đánh mõ, kêu tên của hết Vị Phật này tới Vị Phật kia, thử hỏi rằng cái hành động đó có làm cho Oan Gia Trái Chủ của tôi thỏa được tấm lòng của mình hay không? Họ đã từng bị vày vò, bị cướp đoạt, bị cưỡng chiếm, bị hiếp đáp làm cho đau đớn, làm cho uất hận, ngày giờ này, họ phải được đáp đền bằng sự xoa dịu, bằng sự êm ái, bằng một sự đền bù nào đó tương xứng, chớ không thể nào bằng tên của một Vị Phật hay của Vị Bồ Tát, nhất là bằng cái hình ảnh đứng lên quỳ xuống của cái người đã tạo ra Oan Trái, hoàn toàn không cân xứng!
Việc niệm Danh Hiệu Phật hay Bồ tát có 2 tác dụng:
Tác dụng thứ nhất: Trong những quyển Kinh Sám Hối như Kinh Vạn Phật – Kinh Lương Hoàng Sám – hoặc trong Hồng Danh Lễ Sám, đa số các Danh Hiệu Phật và Bồ Tát đều thể hiện những cái Tánh, hoặc Tánh Xấu hay Tánh Tốt. Ngoài ra Tâm và Ý cũng được thể hiện qua các Danh Hiệu Phật và Bồ Tát.
Niệm một Danh Hiệu Phật hay Bồ Tát chính là tự nhắc nhở mình phải chăm sóc, phải để ý đến cái Tánh, cái Tâm, cái Ý của mình. Nghiệp tội mình tạo ra là từ ở cái Tâm đen tối, được dẫn dắt bởi cái Ý đầy mưu sâu, kế độc, và nhất là do sự thôi thúc không ngừng nghỉ của những cái Tánh xấu xa, quái dị.
Niệm Danh Hiệu Phật khi sám hối là để biết rằng cái cội nguồn của tội mình làm chính là cái Tâm-Ý-Tánh xấu xa của mình khi tạo tội.
Tác dụng thứ hai: Những Vị Phật và Bồ Tát được kể ra trong Kinh Vạn Phật, hay trong Lương Hoàng Sám hoặc trong Hồng Danh Lễ Sám chỉ đảm nhận vai trò "MINH CHỨNG" cho người đang hành trì việc Sám Hối. Còn việc mà người đó có thật sự sám hối hay không? Có chân thành sám hối hay không? Và sám hối như thế nào để cho nghiệp chướng được tiêu trừ, thì đó là việc thuộc về cá nhân của người đang sám hối.
Riêng trong Thập Nhị Phật Danh Trừ Chướng Diệt Tội, 12 Vị Phật nơi đây sẽ giúp cho Chúng Sanh bằng cách làm chậm lại sự quấy phá của Nghiệp Lực, để cho Chúng Sanh có đủ thì giờ mà sám hối ăn năn. Nếu niệm Danh Hiệu của 12 Vị Phật này thì 12 Vị này sẽ "đưa lưng đỡ đạn" cho những nghiệp lực phóng tới. Điều này hàm ý rằng, nghiệp lực hãy tạm ngừng chút xíu đi, hãy giảm bớt sức công phá một chút xíu đi… để cho Chúng Sanh này ăn năn sám hối.
Nên nhớ rằng, 12 Vị Phật này chỉ giúp cho Nghiệp Lực dừng bớt lại chớ không phải dừng hẳn đâu trong thời gian chờ coi thái độ của Chúng Sanh, có thật sự thiết tha sám hối hay không? Thiện chí sám hối như thế nào? Và sám hối ra làm sao? Có công bằng và tương xứng hay không?
Dù đóng bất kỳ một vai trò nào, chứng minh hay "đưa lưng đỡ đạn", Danh Hiệu Phật hay Bồ Tát không phải là phương tiện đơn thuần để giúp cho người hành trì sám hối làm tiêu đi những nghiệp chướng do chính mình gây tạo ra. Nếu việc sám hối chỉ cần niệm Danh Hiệu Phật hay Bồ tát đi cùng với tiếng chuông, tiếng mõ là có thể giải trừ được nghiệp lực, thì tại sao Chúng Sanh cứ trở đi trở lại Cõi Ta Bà không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp rồi, còn Nghiệp thì cứ chất chồng… chất chồng cao như núi, không thấy vơi đi?
Nếu việc sám hối quá ư là dễ dàng như cách mà đa số Chúng Sanh vẫn hành trì từ trước tới nay thì Chúng Sanh cứ tha hồ mà làm quấy, chỉ cần mất công một chút xíu, xướng lên một Vị Phật, cúi xuống lạy, rồi đứng lên quỳ xuống… cốc… cốc… boong… boong… Cứ tiếp tục cho đến khi hết nghi thức, thế là xong! Đường ai nấy đi, tha hồ đánh đập nhau, tha hồ giết hại nhau, không phải như vậy!
Việc sám hối đúng nghĩa là phải làm sao xem coi cái nghiệp tội mà mình đang nhận chịu bây giờ nó thuộc về cái Tánh gì của mình? Rồi sau đó mình phải tư duy để xem coi cái tánh đó đã đưa ra những điều trái nghịch như thế nào? Và đồng thời cũng phải quán tưởng nó để xem coi cái cường độ mà cái tánh này vẫy vùng sẽ mang tới một sự tổn thất như thế nào cho cái người mà nó đối xử. Nhờ vậy mới khiến cho cái Tâm rung động lên!
Khi đó mình sẽ thấy con người mình thật là đáng trách, vì mình hoàn toàn không suy nghĩ, không kiểm soát được cảm xúc hay những hành động của mình đối với Người Đồng Loại. Tất cả những phản ứng của mình cũng như những hành xử, chỉ cốt để thỏa mãn cái Tự Ái, cho nên thiếu sự suy nghĩ, sự đắn đo. Ngày giờ này nghĩ suy trở lại, mới thấy rằng mình sao quá ngu đần và dại dột khi lựa những Nhân Hạt không Lành mà gieo. Nghiệp Quả ngày nay đến với mình toàn là Quả Đắng Cay, ăn vào là nước mắt tuôn rơi.
Tham lam đã làm cho mình mờ mắt và đã không ngần ngại cướp giựt của người; ngày xưa mình chơi trò lừa đảo, ngày nay cam tâm để cho người lường gạt mình hết đợt này tới đợt khác.
Khi ngọn lửa Sân bốc lên tới tận đỉnh đầu, mình bỗng trở nên như điên như dại, xem thường sanh mạng con người, ra tay tàn bạo, đánh đập, khảo tra mặc cho người van xin cầu khẩn thứ tha. Ngày giờ này mang bệnh trầm kha, thân thể như rã rời, tứ chi đau đớn không cất nhắc nổi.
Ngày xưa mình không biết trân quý một tình cảm chân thành sâu sắc, thản nhiên đùa giỡn với tình yêu trong sự mãn nguyện của một kẻ chiếm thế thượng phong, ngày giờ này luôn than vắn thở dài trong kiếp cô đơn, tận lực lo cho Người, nhưng luôn đón nhận sự hững hờ, không tha thiết.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu có ai đó thường hay bị người khác bắt nạt, chửi rủa bằng những lời thậm tệ và nhất là luôn nhận chịu hàm oan, khiến cho người ngoài nhìn vào phải xót xa, chắt lưỡi, người tu tập có tư duy, luôn quán chiếu thì tức khắc sẽ biết rằng, đây là kết quả của những lời thị phi ác độc, vô căn cứ, đẩy người ta vào hoàn cảnh có miệng mà không thốt nên lời, cam tâm hứng chịu một nỗi oan tình khó biện bạch; những kẻ này đã từng mở miệng ra là nói toàn những lời chửi bới, độc hại rất khó nghe. Gieo Nhân nào thì gặt Quả nấy! Đó là Luật Công Bằng của Vũ Trụ, không thiên vị, không chừa một ai cả.
Còn nữa, còn rất nhiều tình huống éo le, chua cay, đầy trắc trở trong suốt cuộc đời mình, khiến cho nước mắt không ngừng tuôn rơi. Những bài học nghiệp lực cứ dồn dập xảy tới cho mình như để nhắc nhở những điều lầm lỗi mà mình đã phạm phải ở những kiếp trong quá khứ, dù rằng không có đối tác, nhưng không có nghĩa rằng người phạm phải lỗi lầm được đặc ân đứng bên ngoài của Luật Nhân Quả.
Tánh Xấu từ trong kiếp quá khứ đã không được sửa đổi sẽ trở thành Tập Khí trong kiếp Hiện Tại. Càng có nhiều Tập Khí thì sẽ xuất hiện nhiều Bài Học Nghiệp Lực. Tập Khí và Bài Học Nghiệp Lực đi song đôi với nhau. Bài học nghiệp lực sẽ biến mất dần khi tập khí không còn nữa. Do đó, bắt buộc phải sám hối để làm cho những bài học nghiệp lực biến mất dần đi, và đồng thời tích cực sửa tánh để cho tập khí không còn nữa.
Không thể nói rằng, ở hiện đời tôi chưa từng phạm phải lỗi lầm từ ở một cái Tánh xấu nào đó.
Một tánh xấu tôi có được ở hiện kiếp, nếu tôi không chú tâm để tiêu diệt nó thì nó sẽ trở thành Tập Khí trong kiếp Vị Lai. Cái tánh xấu của ngày hôm nay sẽ để lại một hậu quả không tốt đẹp hoặc nhiều hoặc ít, và cái hậu quả đó sẽ trở thành Bài Học Nghiệp Lực ở kiếp Vị Lai.
Cứ nhìn vào những khó khăn mà một người luôn gặp phải, những việc không vừa ý, những nỗi bực mình, những giao tế không suông sẻ, những trục trặc khó khăn trong vấn đề tình cảm, những mối tương quan nhiều trắc trở, những lận đận trong chốn quan trường, những cảm tình thiếu nồng hậu của Người đối với Mình… Tất cả những cảnh huống xảy trong cuộc sống ngày hôm nay, đã diễn tả rất rõ ràng cái TÁNH của người đó trong kiếp quá khứ. Ngày giờ này ở hiện kiếp, những cái tánh này đã trở thành Tập Khí và đồng thời lôi cuốn theo biết bao nhiêu Bài học Nghiệp Lực đi kèm theo những tập khí đó.
Nếu bảo rằng ở hiện kiếp, tôi không có những tánh xấu, đó là vì tôi không thấy nó lộ ra, nhưng, tôi sẽ phải trả lời như thế nào đây về tất cả những cảnh huống mà tôi đang đối đầu trong cuộc sống của tôi? Tất cả những cảnh huống đó đều là những bài học nghiệp lực được tạo nên từ ở những tánh Xấu của tôi trong quá khứ, và ngày giờ này chúng được mang cái tên khác là TẬP KHÍ.
Tất cả những cái gì mà mình tư duy, mình quán tưởng về cái Tánh của mình sẽ khiến cho Tâm mình rung động và khi Tâm rung động, nó sẽ lôi cuốn theo cái Ý của mình, khi đó mình mới thật sự hỡi ôi mà chắt lưỡi phát ra lời than thở, phát ra lời sám hối chân thành. Ngày xưa cái Ý của mình tủa ra nhiều toan tính, đã lập mưu sâu kế độc hại người, ngày nay cái Ý sẽ dùng tất cả những tư tưởng cao thượng, tốt đẹp để tìm những phương cách hữu hiệu nhất chan hòa lại cho những người mà mình đã hại người ta.
Dù rằng không có đối tác, nhưng một hành động Thiện Lành ban phát ra cho bất cứ ai, cũng vẫn thể hiện được sự chân thành sám hối ăn năn của người quyết tâm hối cải.
Cho nên việc sám hối bằng cách xướng tên của các Danh Hiệu Phật hoàn toàn vô nghĩa và mất thì giờ.
Sám hối để cho tiêu nghiệp lực, vòng nghiệp lực Tâm-Ý-Tánh có đoạn lìa thì Vòng Sanh Tử mới không còn luân hồi nữa. Các Danh Hiệu Phật không thể cắt đứt Vòng Nghiệp Lực được, mà phải chính từ ở sự chân thành, tha thiết của Tâm và Ý, và từ ở sự phát nguyện chỉnh sửa những thói hư tật xấu của người hành trì sám hối.
Thánh Chúng của Cực Lạc, từ Hạ Phẩm cho đến Thượng Phẩm vẫn không bao giờ xa lìa việc sám hối, và ngay cả những Vị Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ, trong tương lai sẽ trở thành những Vị Phật, hằng ngày vẫn làm công việc sám hối.
Khi còn là một Chúng Sanh của cõi Ta Bà, việc sám hối chú trọng nhiều vào những sai lầm khởi phát từ Tâm Chúng Sanh, tức là những gì mà mình thấy, nghe, biết, cảm nhận ở chung quanh mình. Tất cả đều xoay quanh cái Tánh của mình. Nếu đề cập đến Vô Minh, thì đó chính là cái việc làm mờ đi một vài lớp đen ngòm ở mặt trên của Màn Vô Minh. Đạt được tiêu chuẩn đó rồi thì Thần Thức thăng hoa.
Với sự giúp đỡ và can thiệp của Cực Lạc, toàn bộ những Nghiệp Chướng của Thần Thức thăng hoa đó sẽ đình chỉ sự quấy phá, Thần Thức bây giờ đã chánh thức trở thành Thánh Chúng của Cực Lạc. Trên Thai Sen, Thánh Chúng của Hạ Phẩm Hạ Sanh vẫn tiếp tục công việc sám hối để làm mờ thêm vài lớp đen ngòm nữa của màn Vô Minh qua việc tư duy và quán chiếu những hình ảnh nghiệp chướng của mình, cho tới khi nào đủ tiêu chuẩn thì Thánh Chúng sẽ được xuất Liên Hoa để hội nhập vào sinh hoạt của Cực Lạc.
Từ Hạ Sanh, cho đến Trung Sanh, rồi đến Thượng Sanh của 9 Phẩm Liên Hoa, Thánh Chúng không bao giờ xa rời việc sám hối. Ở phẩm thấp thì việc sám hối chú mục vào những nghiệp chướng của những kiếp gần nhất; càng tiến lên những Phẩm cao hơn, việc sám hối càng vi tế hơn với những "loại" nghiệp chướng mà chắc chắn rằng Chúng Sanh khi còn ở cõi Ta Bà, sẽ cảm thấy vô cùng là xa lạ với những nghiệp chướng như thế vì chúng thuộc về những kiếp người quá xa, cũng có thể là từ hai, ba thế kỷ về trước, cũng có khi cả Ngàn năm so với Hiện Kiếp, trong đó hoàn cảnh, môi trường, phong tục tập quán, nền văn minh Nhân Loại hoàn toàn thật là xa lạ.
Nhờ vào Tâm Thức hoạt động như một cái máy chụp ảnh, cho nên không có bất cứ một hình ảnh nào mà không được ghi khắc trở lại một cách có thứ tự lớp lang.
Chúng Sanh còn trên Dương Thế quán chiếu tất cả những cảnh huống xảy ra trong cuộc đời mình, những bài học nghiệp lực, những bệnh Nghiệp đến với mình, những tánh xấu, những thói hư mà mình đang hiện có, để mà sám hối, để mà ăn năn. Mắt mình nhìn thấy, tai mình nghe, tứ chi mình còn hoạt động, cảm xúc mình còn dâng trào, do đó mình dễ dàng sám hối và lượng định được sự chân thành, sự tha thiết của mình trong việc sám hối, khiến cho Tâm rung động, làm mờ đi những vệt đen trên cái kiếng Tâm.
Thánh Chúng trên Thai Sen chỉ còn là một Thần Thức nhẹ như bông, mang Tâm-Ý-Tánh, do đó sám hối qua những hình ảnh nghiệp chướng rút ra từ trong Tâm Thức. Thần Thức không còn ngũ thức để có thể giúp cho mình thấu hiểu được sự đớn đau, sự khổ sở, sự thất vọng, sự căm hờn cũng như nỗi oan tình của người bị hại. Do đó, muốn có được sự rung động từ những hình ảnh nghiệp chướng không phải là điều dễ dàng đối với Thần Thức.
Cõi Ta Bà tuy có nhiều cạm bẫy, nhiều chông gai, nhiều thử thách, nhưng đó vẫn là một "Trường Học" lớn, bao gồm nhiều sắc thái, ẩn tàng nhiều khám phá, nhiều bí ẩn. Những ngày còn hiện diện nơi cõi Ta Bà, một Chúng Sanh khôn ngoan luôn luôn mở to đôi mắt, tận dụng ngũ quan, ngũ thức của mình để tiếp nhận, để học hỏi càng nhiều càng tốt những gì xảy ra chung quanh mình, giúp cho các Thức của mình được nhạy bén hơn, được phong phú hơn. Phải tập tư duy những gì mình thấy, nghe và biết, và quán chiếu những gì mình tư duy, nhờ đó mà Trí Huệ mới có cơ phát sáng. Một mai khi rời cõi Ta Bà, một Thần Thức với Trí Huệ tỏa sáng sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn đến với mình.
Tu tập ở cõi Ta Bà vẫn là nhanh và dễ dàng hơn nhiều so với việc tu tập trên Thai Sen. Còn Thân Xác, còn Trí Tuệ, còn cảm xúc, lại thêm sự giúp sức của ngũ thức, Chúng Sanh sẽ dễ dàng nhận định được hướng đi đúng của mình.
Tâm - Ý - Tánh luôn luôn là một sự kết hợp vô cùng chặt chẽ mà việc sám hối thuộc về vấn đề Bình Tâm.
Muốn cho Tâm được Bình, bắt buộc phải sửa tánh, và một khi Tâm đã Bình rồi thì việc ăn năn hối lỗi mới có được kết quả tốt đẹp, như ý, nhờ vào sự kết hợp với việc Trì Chú và Niệm Phật. Hai yếu tố sau này giúp cho cái kiếng Tâm trở nên trong sáng, nhờ đó mới dễ dàng tiếp nhận Ánh Sáng Trí Huệ.
Nói tóm lại, Sám Hối như thế nào là đúng phép? Câu trả lời chỉ vỏn vẹn là: phải Sửa Tánh – phải Bình Tâm – phải Chỉnh Ý.
Có được như vậy thì việc Sám Hối mới mang lại một kết quả tuyệt đối. Trong phép tu tập, vấn đề chánh yếu chính là SÁM HỐI. Có sám hối thì Thần Thức mới thăng hoa được. Khi sám hối, không ít thì nhiều, bức tường Vô Minh bị lung lay, bị nứt nẻ cho đến phá vỡ, có được như vậy thì cái kiếng Tâm mới có thể lấy lại cái tính chất trong của nó, nhờ đó mà Trí Huệ mới phát sáng. Trí huệ có phát sáng thì sẽ dễ dàng phân biệt được thực chất của từng cái Tánh. Khi tánh xấu được tiêu trừ, tánh tốt được vun bồi thì TỪ BI HỶ XẢ sẽ lộ ra, và chính cái Từ Bi Hỷ Xả sẽ giúp cho Thần Thức thăng hoa và tìm về một nơi chốn an lành, tốt đẹp theo ý muốn của Thần Thức đó.
Một khi đã phát nguyện tu tập, phát nguyện vãng sanh Cực Lạc thì càng phải tích cực sám hối. Việc quán chiếu từng tánh xấu đã gây tạo những cảnh huống, những xót xa, những khó khăn trong cuộc sống của chính mình ngày hôm nay, giúp cho người tu tập nhìn thấy rõ bản chất thật sự của con người mình. Bản chất đó đã trải dài từ kiếp Quá Khứ cho đến kiếp Hiện Tại; và ở Hiện Kiếp nếu không thật tâm sửa đổi thì chắc chắn rằng sẽ không thể nào tránh khỏi những "Mưa Giông – Bão Tố" triền miên xảy tới trong cuộc đời mình ở kiếp Vị Lai.
Tư duy từng Tánh Xấu để xem coi cái tánh này nó đưa ra những điều trái nghịch như thế nào? Và đồng thời cũng phải quán tưởng nó để xem coi cái cường độ của cái tánh này, khi nó vẫy vùng nó sẽ mang tới sự tổn thất như thế nào cho cái người nhận chịu sự quậy phá của nó. Nhờ có như vậy mới khiến cho Tâm của người sám hối rung động lên, và cảm nhận được rằng, phải gấp rút triệt tiêu cái tánh xấu đó!
Có tư duy, có quán tưởng một Tánh Xấu mới có thể làm cho Tâm rung động để làm mờ đi vết đen trên cái Kiếng Tâm, mới có thể tiếp cận được Ánh Sáng Trí Huệ. Đây là việc làm của một Chúng Sanh muốn cho Thần Thức của mình Thăng Hoa. Nếu chỉ thuần xướng Danh Hiệu Phật hay Bồ Tát để hành trì Sám Hối, sẽ hoàn toàn không giúp ích gì trong việc thăng hoa của Thần Thức cả!!!
Sau đây là bảng tóm tắt việc hành trì Sám Hối đúng cách, nếu người tu tập quyết tâm tìm về Cực Lạc sau khi bỏ Báu Thân:
Việc hành trì Sám Hối luôn luôn tiến hành qua 3 giai đoạn: Sám Hối – Trì Chú – Niệm Phật.
Sám Hối: Người hành trì phải quán chiếu từng cảnh huống, từng khó khăn mà mình thường xuyên đối diện trong cuộc sống, từng bệnh tật hay xảy tới hoặc triền miên xảy tới cho bản thân mình. Tất cả đều có liên quan đến những tánh xấu. Tư duy từng tánh xấu để xem coi nó thuộc về tánh xấu nào của Tam Độc Tham-Sân-Si, và những dây tơ rễ má của Tham-Sân-Si. Bản chất của từng tánh xấu đó đã đem lại sự tổn thất như thế nào cho người bị hại?
Sau đó, quán tưởng tánh xấu đó để nhận biết sự phá tác của nó như thế nào khi nó vẫy vùng, nó đã đem lại sự thiệt hại, sự mất mát, sự đau đớn cho "đối phương" ra làm sao? Nếu đặt mình vào vị trí của người đó thì cái cảm giác, cái cảm xúc (một cách chân thật) của mình sẽ như thế nào? Toàn thể bức tranh Nghiệp Lực từ ở cái Tánh Xấu đó sẽ hiển hiện trước mắt mình, do đó sẽ khiến cho mình thật sự rung động đến rơi lệ, đến nức nở nghẹn ngào. Để rồi từ đó mình cảm thấy hối hận, cảm thấy ăn năn và quyết lòng từ bỏ cái Tánh Xấu đó. Đây mới đích thực là "Chân Sám Hối."
Biết bao nhiêu cảnh huống xảy ra trong cuộc đời mình từ ở Nghiệp Lực Mặt Đối Mặt, từ ở những Bài Học Nghiệp Lực, từ ở cách cư xử thiếu tình Người, trong những giao tế hằng ngày của mình với người chung quanh, tất cả đều bắt nguồn từ ở một hay nhiều Tánh Xấu. Bên cạnh đó còn có những Tập Khí mà mình cứ lập đi lập lại hằng ngày một cách vô tâm.
Lần lượt… lần lượt… những tánh xấu đó được chính mình liệt kê ra, để rồi cũng do chính mình tiêu trừ tận diệt chúng qua sự chân thành Sám Hối Ăn Năn. Tất cả cũng chỉ "một mình mình biết, một mình mình hay," không ai can dự vào, và cũng không ai quyết định được gì cho mình cả, do đó không thể nói rằng, tôi xấu hổ với tất cả mọi người vì tôi có nhiều tánh xấu!!
Để kiểm lại xem coi mình đã hoàn toàn triệt tiêu chưa một tánh xấu mà mình đã phát nguyện sửa đổi, qua sự chân thành sám hối ăn năn, hãy nhìn cách hành xử của mình khi lâm vào một hoàn cảnh nào đó, thay vì phản ứng theo tánh xấu (như trước kia), mình lại hành động theo một cảm xúc ôn hòa với sự cảm thông và nhân hậu.
Đừng vội nghĩ rằng, tôi sám hối thì nghiệp chướng sẽ tan biến ngay, không phải như vậy! Chủ nợ (nghiệp chướng) vẫn còn đứng đó để xem coi tôi có thật tâm hối lỗi hay không? và cũng để đo lường cái Thiện Chí hối lỗi của tôi. Tôi sẽ lấy cái gì để đáp đền sự hối lỗi đó? Tôi có thật sự tiêu hủy những tánh xấu đã chung tay góp sức, giúp tôi gây tạo nghiệp chướng hay không? Và điều quan trọng là cách hành xử, đối đãi của tôi với người chung quanh có được sửa đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hay không?
Một sự chân thành tha thiết chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh qua việc Sám Hối, sẽ giúp cho nghiệp chướng bớt dần đi sức công phá, người thường xuyên hành trì sám hối sẽ cảm thấy nhẹ lần những âu lo, những khó khăn trong cuộc sống cũng sẽ giảm lần đi. Tuy rằng nghiệp chướng vẫn còn đó, nhưng Tâm không còn vọng động như xưa, nhờ vào việc sửa đổi những thói hư tật xấu mà người hành trì sám hối sẽ có được cái Tâm Bình, Tâm An Lạc.
Trì Chú: Sau khi đã đem hết tấm chân tình để sám hối, người tu tập sẽ khấn nguyện với Bồ Tát Quán Thế Âm: "Đệ tử… chân thành hối lỗi, đã đem hết tấm lòng để sám hối ăn năn nghiệp tội gây tạo từ ở tánh xấu… Đệ tử xin mượn Oai Thần Lực của Bồ Tát Quán Thế Âm để trì Thần Chú Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn, nhờ công năng của Thần Chú để làm mờ đi những si mê u tối phủ lấp cái tấm gương trong của con, khiến cho con cứ mãi lần mò, quờ quạng trong bóng đêm."
Sau đó, giữ Tâm bất loạn (không Tâm viên Ý mã) trì Chú trong vòng từ 10 đến 15 phút (nên để timer để không bị phân tâm), quán tưởng hào quang rực sáng khiến cho bức tường Vô Minh phải rạn nứt ra. Sau khi trì Chú xong thì bước sang giai đoạn Niệm Phật.
Niệm Phật: Cũng vặn timer 15 phút, giữ Tâm bất loạn, quán tưởng hình ảnh Đức Phật A Di Đà đang phóng hào quang chói sáng vào chính mình, giúp cho Tâm Thức nhận được ánh hào quang rực rỡ đó, Trí Huệ sẽ lần lần phát sáng sau mỗi lần Sám Hối.
Nên nhớ: Giai đoạn Niệm Phật là giai đoạn cuối cùng sau khi đã sám hối, đã trì Chú, tức là sau khi người tu tập đã lau chùi một phần nào cái kiếng Tâm của mình rồi, lúc đó mới dễ dàng tiếp nhận hào quang qua lời Niệm Phật. Muốn Niệm Phật bao nhiêu lần trong ngày, niệm thời gian bao lâu tùy ý nhưng phải sau khi đã Sám Hối, như vậy việc Niệm Phật mới có ý nghĩa và mới đạt được hiệu quả tốt đẹp, không làm phí đi thì giờ của người tu tập.
Từng Tánh Xấu lần lượt được chân thành sám hối ăn năn và tận diệt, người tu tập đã thật sự tạo nên Công Đức vì đã xoay chuyển được Tâm-Ý-Tánh của chính bản thân mình, giúp cho Thần Thức của mình được rạng ngời minh mẫn vào phút lâm chung, tự tìm được hướng đi của mình, không còn trôi lăn nữa trong Vòng Luân Hồi.
Một khi mà mình đã tự xoay chuyển được mình rồi, thì việc mình giúp cho kẻ khác cũng tự xoay chuyển được chính họ, sẽ không còn là rào cản khó khăn nữa. Công Đức đó được mình chân thành hồi hướng cho các Oan Gia Trái Chủ như một sự đáp đền, kể cả những Phước Đức mà mình đã thu nhặt và tích lũy cũng được mình thành tâm hồi hướng.
Thật sự ra, điều quan trọng chính là ở chỗ người tu tập đã khắc phục được những thói hư tật xấu của mình, xem chúng như là những ung nhọt mà mình đã mang trên thân thể mình từ trước tới nay, vì si mê, u tối nên không nhận ra nó nặng nề oằn trĩu đôi vai mình. Ngày nay cắt bỏ được những khối ung nhọt đó, người mình cảm thấy nhẹ nhàng và "sạch sẻ." Những Tánh Tốt tự động thay thế vào sẽ giúp cho mình trở nên thảnh thơi hơn, thoải mái hơn, sống tự tin hơn và tạo được nhiều mỹ cảm với người chung quanh qua những hành động đầy tính chất Tương Trợ và Tình Người.
Từ đây đến hết cuộc đời, mình cứ từ tốn đi trên con đường mà mình đã nhắm hướng, đã "định vị," không thiên lệch, không quanh co, cứ giữ mãi đường thẳng mà đi, cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, Thần Thức mỉm cười, ung dung tự tại bước ra khỏi Thân Xác, thẳng tiến về nơi mà mình đã chọn lựa.
Đọc bổ túc bài Pháp: Quán Tưởng Khi Sám Hối