• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Nghiệp Sát - Bệnh Nghiệp (Bệnh Nan Y)

Mar 11 2016
Nghiệp Sát - Bệnh Nghiệp (Bệnh Nan Y) 69871414

Kính bạch Sư Phụ,
Một người bị vướng vào nghiệp sát trong kiếp quá khứ, ngày hôm nay, ở hiện kiếp lại vương mang bệnh nan y trong người; nếu người đó nhận thức được rằng cái Nhân gieo trồng xuống của mình là một nhân không lành, ngày giờ này nó đã đơm bông kết trái thành Quả không ngon, không ngọt, họ tỏ dạ Sám Hối Ăn Năn, tha thiết niệm Phật để mong cầu sự hộ trì, bên cạnh đó là lấy hạnh phóng sanh, trường chay để trợ duyên cho sự hối lỗi của mình; họ đem tâm ngời sáng của ngày hôm nay để chan hòa cái tâm đen tối, xấu ác của kiếp quá khứ, như thế thì: cái Hạnh Lành mà người đó đã tạo nên có thể nào giúp cho họ chuyển đổi được cái nghiệp sát mà họ hoặc vô tình hay cố ý đã tạo nên hay không?

Thế nào là nghiệp sát? Làm thế nào để biết một người bị vướng vào nghiệp sát?

Nghiệp sát là một nghiệp lực gây tạo ra do việc mình sát hại kẻ khác. Sự sát hại đó không phải chỉ ở NGƯỜI mà còn ở THÚ VẬT nữa.

Một người sát hại quá nhiều thú vật cũng như đã từng giết nhiều người (từ 02 người trở lên được kể là nhiều người) đều bị xem là vướng vào nghiệp sát.

Hành động hủy diệt sanh mạng của Người hay của Thú Vật phải do một người đích thân làm, chính tay họ đã gây thương tích làm cho Người hay Thú Vật hoặc bị thương, hoặc mất mạng.

Nghiệp sát được trả dưới nhiều hình thức:

  1. Nếu làm cho kẻ khác bị thương tổn cơ thể, người gây ra nghiệp sát sẽ được đền trả trở lại cũng bằng một sự thương tổn trên chính cơ thể của họ.
  2. Việc nhận chịu một khuyết tật cho bản thân của mình ngày hôm nay, cũng là một sự công bằng cho hành động sai trái giết hại người lẫn vật của mình trong kiếp quá khứ.
  3. Một sự sân hận lên tột cùng đối với người bị sát hại cũng có thể đưa đến việc mạng đổi mạng trong hiện kiếp qua việc dựa nhập.
  4. Tùy theo tính cách trầm trọng của nghiệp sát mà một người có thể trở nên ngu ngơ cho đến điên loạn.
  5. Thông thường, nghiệp sát dẫn đến một sự đau đớn của nhiều bệnh tật có tính cách nan y, khó chữa trị.
  6. Người mang nghiệp sát luôn có một tinh thần trầm trệ, thiếu sự vui tươi, phóng khoáng, và không cảm thấy an ổn, hay lo sợ bâng quơ và đôi khi khó ngủ hay không ngủ được trong nhiều ngày.
  7. Người vướng vào nghiệp sát khó lòng suy tính mọi việc thành công. Sự thành đạt không dễ dàng, thường tạo nhiều khó khăn, rắc rối.

Nói tóm lại, người mang nghiệp sát sẽ phải chịu một sự đau đớn từ tinh thần đến vật chất. Việc thân thể bị hành hạ, đớn đau vì tật bệnh là một việc đương nhiên, những bệnh ngặt nghèo xảy ra sẽ khó lòng chữa khỏi. Bên cạnh đó là một tinh thần không được sáng suốt, luôn cảm thấy chán nản, thiếu sự hứng khởi trong cuộc sống.

Nghiệp sát là một nghiệp vô cùng ... vô cùng khó khăn trong vấn đề HOÁN CHUYỂN, nhất là khi chính đó là cái nghiệp đã gieo sự mất mạng cho kẻ khác.

Ngay cả với thú vật, khi vướng vào nghiệp sát với thú vật, vẫn còn phải nhận chịu một kết quả không tốt đẹp huống chi là đối với một mạng người.

Cho nên, người mang nghiệp sát đừng mong làm việc lớn, khó lòng thành công! Người vướng vào nghiệp sát nếu mang bệnh nan y cũng là cách làm cho cơ thể đau đớn; nếu không mang bệnh nan y thì cũng sẽ bị thương tích gây nên khuyết tật hoặc bị bệnh trầm kha khó lòng chạy chữa. Trong tất cả những nghiệp chướng, nghiệp sát đứng hàng đầu, gây nên rất nhiều rắc rối, khó khăn, đau đớn, vằn vật cho người tạo ra oan trái.

Người đã vướng vào nghiệp sát khó lòng nói đến việc GIẢI NGHIỆP.

Nếu đã lỡ vướng vào nghiệp sát rồi thì phải thành tâm sám hối. Sám hối chân thành, sám hối với tất cả sự nức nở của tiếng lòng, mình phải tự hỏi bản thân mình: tại sao tôi đã nhúng tay vào nghiệp sát?”

Đó chẳng qua là vì:

  1. Sự sân hận lên quá cao. Không có người nào giữ được Tâm Bình khi sát hại kẻ khác. Người nhúng tay vào việc sát hại lúc nào cũng ngùn ngụt sự sân hận trong lòng.
  2. Người chủ tâm sát hại kẻ khác đa phần là kẻ cao ngạo, tự cao, tự cho bản thân mình là hơn thiên hạ, vì vậy không xem sanh mạng của kẻ khác là trọng, là quý.
  3. Người không biết quý trọng sanh mạng của kẻ khác là người ích kỷ, hẹp hòi, lòng không rộng lượng, không có sự tha thứ khi đối phương hành động sai trái, không đúng ý mình.
  4. Tánh tham lam cũng là một động lực thúc đẩy việc sát hại kẻ khác để dễ dàng thao túng và cướp đoạt tài sản hay vật quý giá của người bị hại.

Tất cả những cái Tánh kể trên đã khơi dậy Tâm xấu ác của một người, đã thúc đẩy để khiến cho người đó phải thanh toán cho bằng được mạng sống của kẻ khác.

Vì vậy, người vướng vào nghiệp sát phải triệt để sửa tất cả những tánh đó, phải vừa sửa tánh, vừa sám hối; sám hối với tất cả chân tâm chớ không thuần bằng cái miệng. Song song với việc sám hối, sửa tánh, phải hành HẠNH BỐ THÍ. Người vướng vào nghiệp sát đã lấy đi vật quý giá nhất là cái sanh mạng của người bị giết hại, ngày giờ này, ở hiện kiếp, lấy cái gì để đền trả lại cho cái sanh mạng đó? Những gì mình trân quý nhất, nâng niu nhất, sẽ sẵn sàng để được ban phát, bố thí cho kẻ khác. Tuyệt đối không xem đây là một sự đáp đền vì có biết ai đâu để mà đền trả?

Hành Hạnh Bố Thí là đạt được Tâm Từ Bi, là làm cho Chân Tâm tỏ rạng, là một sự biểu lộ tấm lòng mở rộng, sẵn sàng dang tay cứu giúp kẻ bần hàn, khốn khó, đó là một sự xa rời tánh ích kỷ, hẹp hòi mà trong quá khứ mình đã khư khư ôm chặt cho đến nỗi đối xử khắc nghiệt, tàn ác, thiếu lòng Nhân đến hại chết người.

Mỗi khi lòng tự hỏi: “Tại sao tôi tạo nghiệp, nhất là tạo một nghiệp sát?”, tôi sẽ thấy được rất rõ ràng những tánh xấu mà tôi hiện đang mang, cũng như tôi đã từng thụ đắc nó trong kiếp quá khứ. Tham – Sân – Si như một cái lưới thật to gom trọn hết tất cả những tánh xấu của một con người.

Tôi đã hại chết người vì một chữ Tham.
Tôi đã thẳng tay sát hại người vì một chữ Sân.
Tôi vì ngu đần, thiếu Trí Huệ đã làm chết người, cũng từ một chữ Si.

Diệt được Tham – Sân – Si, diệt được những tánh đồng loại với Tham – Sân – Si, tôi mới thực sự có được một Chân Tâm rực sáng. Đem cái Chân Tâm rực rỡ này để sám hối, để ăn năn, để trì Chú, để niệm Phật, nương vào câu Thần Chú, vào lời niệm Phật để giúp cho nghiệp chướng sớm được tiêu trừ.

Mỗi ngày là một sự thành tâm sám hối, hết lòng tu tập của tôi, công đức tu tập được hồi hướng cho những nạn nhân đau khổ của tôi, lòng thành tâm nguyện cầu cho họ luôn gặp sự An Lành, May Mắn, nhiều Phúc Lợi, Hạnh Phúc viên mãn ở bất kỳ chốn thác sanh nào của họ. Nếu họ không may bị đọa vào Tam Đồ, bao nhiêu công đức tu tập, bao nhiêu Hạnh Lành góp nhặt được qua việc bố thí, phóng sanh, cứu trợ, từ thiện v.v… xin hoàn toàn hồi hướng cho thần thức đang gặp cảnh đọa đày, sớm thoát được sự bủa vây của Địa ngục, thoát được cảnh mờ mịt tối tăm của loài súc sanh, hay cởi bỏ được thân Ngạ Qủy đầy sân hận.

Người vướng vào nghiệp sát không biết được rằng mình đã sát hại bao nhiêu sanh mạng? Có bao nhiêu thú vật đã bị hủy hoại dưới tay của mình? Mỗi thú vật đều có chứa thần thức bên trong thân xác, do đó mình đã làm chuyện sai trái và tạo một nghiệp chướng quá là nặng nề. Ngày giờ này việc đền trả của mình sẽ là bao nhiêu mới được xem như tương xứng? Thật sự ra, nếu dựa trên tinh thần tương xứng thì khó lòng định được sự ngang bằng. Không có mảy may một hình ảnh nào, một ấn tượng nào để quy định một con số, dù là một con số rất là mù mờ, không chính xác.

Người vướng vào nghiệp sát chỉ có một sự cảm nhận là mình đã làm chuyện sai lầm trong vấn đề sát hại kẻ khác, và sự cảm nhận đó đã hiện rõ ràng trên thân xác, trên tinh thần của người tạo nghiệp, cho nên, sự đền bù chỉ có thể thực hiện qua việc hồi hướng công đức tu tập do một sự chân thành thiết tha, sám hối, trì Chú, niệm Phật của người mang nghiệp chướng. Bên cạnh đó là một sự quyết tâm sửa Tánh, một sự can đảm hủy diệt tất cả những thói hư tật xấu. Chính những thói tật xấu xa này đã liên tục dẫn dắt mình tạo nghiệp, kể cả nghiệp sát hại mà ngày giờ này mình đang hứng quả trái dị dạng rơi tới tấp trên người mình, không làm sao tránh né được.

Phải sửa Tánh ... sửa cho không còn bất kỳ một tánh xấu nào nữa cả!

Phải sống khép mình vào trong sự ăn năn, sám hối.

Phải luôn làm những điều tốt đẹp, phải chia sẻ những gì mình có, mình hiểu, mình biết cho người kém phước hơn mình, cho người kém hiểu biết hơn mình, cho người thiếu thốn hơn mình ...

Phải lấy Tâm Chân thật mà đối xử nhau, lấy lời Ôn Hòa để chuyện trò cùng nhau, lấy Dạ Từ Bi đùm bọc, chở che người cô thế, lấy Lòng Hỷ Xả để tha thứ cho nhau!

Nói tóm lại là phải HÀNH SỬ TỨ VÔ LƯỢNG TÂM.

Ngày xưa Tâm mình quá xấu ác, ngày nay phải làm cho Tâm ngời sáng lên mới có thể làm giảm đi sức ép của nghiệp lực.

Tùy vào sự chân thành của mình, sự nhất tâm tu tập của mình, sự phát tâm hành thiện không đắn đo... lần hồi mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư thả, giảm bớt đi sự chán nản, lo lắng gây ra bởi bệnh tật. BỆNH TẬT THÌ VẪN CÒN ĐÓ, không mất được, nhưng tất cả những gì mình làm trong tinh thần của TỪ BI HỶ XẢ sẽ giúp cho mình một cảm giác thật là sảng khoái, vui tươi, lần lần mình như quên đi cái thân xác đang mang tật bệnh, quên đi cái nỗi đớn đau đang giày vò thân xác mình.

Có một điều phải nhớ rằng: Từ Bi Hỷ Xả phải được hành sử với Tâm chân thật, không xem đó là một sự trao đổi, một sự đáp đền, phải xem đó là “một sự đương nhiên của một con người làm những điều tốt đẹp”. Rồi thì nhờ vào những sự tốt đẹp đó mà làm giảm bớt đi sức ép, giảm bớt đi sự nặng nề của nghiệp chướng.

Người đời thường hay nói: “GIẢI NGHIỆP”, thật ra không có việc giải nghiệp. Giải nghiệp là làm cho mất đi cái nghiệp; thật sự thì nghiệp vẫn còn đó, nhưng vì Tâm – Ý – Tánh của mình có một sự thay đổi trong chiều hướng như sau:

  • Nhờ việc tu tập, trí huệ phát sáng, tôi nhận ra rằng việc này nên làm, việc kia không nên làm.
  • Tôi phải nghĩ suy như vầy vì đây là sự nghĩ suy đem điều lợi ích cho kẻ khác.
  • Tôi phải có những Tánh tình như vầy vì các tánh đó có tính cách cao thượng, rất cần trong việc giúp đỡ kẻ khác, đem lại lợi ích cho chúng sanh.

Tất cả những thay đổi kể trên của Tâm – Ý – Tánh đều xoay quanh 04 cái Đức Tánh của Tâm là Từ Bi Hỷ Xả.

Dù cho bất kỳ một nghiệp nào (kể cả nghiệp sát) cũng đều không rời 04 chữ Từ Bi Hỷ Xả.

Điều này quan trọng vô cùng vì một khi đã làm cho Tâm trở nên Từ Bi Hỷ Xả thì đương nhiên một người sẽ không thể nào nhúng tay vào bất kỳ việc gì đi ngược lại với Từ Bi Hỷ Xả. Do đó Tâm Từ Bi Hỷ Xả là Tâm tốt, mà đã là tốt thì đương nhiên mình trang trải được những điều không tốt đẹp mà mình đã gây tạo cho kẻ khác.

Người có Tâm Từ Bi Hỷ Xả lúc nào cũng ban phát điều tốt đẹp cho kẻ khác, cho nên dù nghiệp lực có đến cũng vẫn không sao, vì như đã nói ở trên, bất kỳ nghiệp lực nào cũng đều chịu ảnh hưởng của Từ Bi Hỷ Xả. Sức chiếu của Từ Bi Hỷ Xả có khả năng ngăn cản sự phá tác, sự hung hãn của nghiệp lực.

Việc quan trọng không phải là giải nghiệp, mà chính là phải gấp rút Sửa Tánh!

Sửa cho hết những thói hư tật xấu để có được Tâm Ngời Sáng, mới lộ ra 04 đức tánh của Tâm là Từ Bi Hỷ Xả. Hành sử mọi việc trên Từ Bi Hỷ Xả, dùng cái hào quang của Từ Bi Hỷ Xả làm vật hộ thân, ngăn chận tất cả những điều hung hiểm túa vào người mình. Dùng Tâm Từ Bi Hỷ Xả để sám hối, để trì Chú, để niệm Phật, sau đó hồi hướng công đức tu tập cho các oan gia trái chủ, sức công phá của nghiệp lực sẽ giảm lần... giảm lần cho đến lúc mất dần sự hung hãn.

Việc trau giồi Tứ Vô Lượng Tâm là một việc làm cần thiết cho chúng sanh trong cuộc sống, trong giao tế, trong phép đối đãi để luôn giữ được sự An Bình, sự Thoải Mái, sự Hòa Hảo từ tinh thần đến thể xác. Tứ Vô Lượng Tâm giúp cho chúng sanh bước tiến nhảy vọt trong đường tu tập do ở việc Trí Huệ bừng sáng, hiểu thấu đáo được cốt tủy của lời pháp hầu có thể làm cho Tâm Thức lẫn Ý Thức cùng ngũ Thức, Mạc Na Thức, A Lại Da Thức càng thêm sáng ngời.

Người tu tập (suốt cả một đời) cũng chỉ có thể làm cho tất cả những nghiệp lực đến với mình giảm bớt sự nặng nề, trở nên nhẹ nhàng, bớt đi sự phá tác. Việc tu tập chân chính sẽ giúp cho mình đạt được tiêu chuẩn để được tiếp rước về Cực Lạc, rồi thì từ ở Cực Lạc mới được hướng dẫn để cho tiêu từng nghiệp một, lúc đó mới thật sự là dùng chữ TIÊU NGHIỆP, còn ở cõi Ta Bà không thể nào nói đến việc tiêu nghiệp được.

Nếu áp dụng đúng với Luật Nhân Quả “gieo Nhân thì gặt Quả” vào nghiệp sát, chắc chắn chúng sanh sẽ không cách gì kham nổi. Chư Phật và Bồ Tát đã giúp đỡ cho chúng sanh của cõi Ta Bà rất là nhiều trong việc đối phó với Nghiệp Lực, nhất là đối với nghiệp sát. Nếu các Ngài không nhúng tay vào thì có thể nói rằng: số chúng sanh trên cõi Ta Bà sẽ không còn bao nhiêu đâu! Cứ một mạng đổi một mạng, chắc chắn sẽ không bao giờ có đủ mạng để đổi.

Chiến tranh xảy ra do tham lam, do sân hận, một người tàn sát quá nhiều người, nếu áp dụng Luật Nhân Quả thì việc đổi mạng không biết sẽ phải xảy ra liên tục trong bao nhiêu ngàn kiếp hay chục ngàn kiếp mới đủ để đổi mạng? Nghiệp sát là lấy mạng của kẻ khác, mà chúng sanh lại không có khả năng tạo một cái mạng khác hay nhiều cái mạng khác để đền trả, do đó làm sao gọi là tiêu nghiệp một cách cân xứng được?

Người đời rất trọng những gì trong tầm tay, trong hướng nhìn của mình. Tất cả những sự thấy, nghe, biết của người đời đều có giới hạn, cho nên không thể nào hành động theo những gì mắt thấy, tai nghe. Muốn làm đúng, hiểu đúng, bắt buộc phải sử dụng đến Trí Huệ. Đối phó với nghiệp lực không thể dùng TRÍ TUỆ, sự THÔNG MINH của một con người. Chỉ có TRÍ HUỆ mới có đủ khả năng đối phó với nghiệp lực mà thôi.

Muốn có Trí Huệ, bắt buộc phải tu tập. Chuyện tu tập không đòi hỏi sự cầu kỳ, phức tạp, khó khăn.

Chỉ cần người tu tập quyết tâm hoán chuyển Tâm – Ý Tánh của mình

  • Muốn sửa Tâm, phải Sám Hối
  • Việc sửa Tâm phải đi kèm với sửa Tánh
  • Nếu không sửa Tánh, Tâm sẽ trở lại xấu ác như thường vì Tánh là kẻ “Xách động” Tâm và Ý
  • Không sửa Tánh đừng hòng nói đến bất kỳ một sự thành công nào trong vấn đề tu tập
  • Không sửa Tánh, nghiệp lực sẽ khó dừng

Nhiều người đã miệt mài với việc tu tập trong hằng 50-60 năm trời, nhưng cũng vẫn không thể được tiếp rước vãng sanh về Cực Lạc vào giờ phút lâm chung, chẳng qua là vì họ chưa đạt được điều căn bản của việc tu tập. Tánh xấu còn quá nhiều, thói hư không gọt giũa, làm sao đạt được tiêu chuẩn của Cực Lạc là sửa Tánh... và sửa Tánh.

Đã quen Tánh ù lì, không năng trau giồi mài gọt tánh tình của mình thì đương nhiên rằng khó lòng tiến đến việc làm cho Tâm ngời sáng. Tâm đã không ngời sáng thì bốn đức tánh Từ Bi Hỷ Xả của Tâm cũng khó lòng phát lộ, ngọn đèn Trí Huệ lu mờ, việc đối phó với nghiệp lực sẽ không thể nào “tích cực” được, đường tu tập cũng sẽ khó lòng hanh thông, không thể tư duy pháp, không thể hiểu thấu đáo lời Phật và Bồ Tát chỉ dạy, do đó, dù có được rước về Cực Lạc cũng sẽ không thể nào nhanh chóng rời khỏi Thai Sen mà hòa nhập vào sinh hoạt của Cực Lạc được. Cõi Ta Bà trùng trùng điệp điệp tai ương, nhiều cảnh huống, nhiều khổ đau, lúc nào cũng ngập tràn tiếng kêu la, than khóc, cầu xin cứu độ. Thánh chúng không thể cứ ngồi mãi trong Thai Sen để đối phó với nghiệp chướng phủ vây mình.

Do đó, nếu đã quyết một lòng phát nguyện vãng sanh Cực Lạc, phải đem hết Tâm Lực, Ý Lực của mình để sửa Tánh, sửa cho hết những thói hư tật xấu của mình, để cho Tâm Thức của mình ngời sáng, để cho ngọn đèn Trí Huệ bừng lên, nhờ đó mới soi tỏ được từng nghiệp chướng đến với mình mà đối phó. Đem cái Tâm ngời sáng đó hằng ngày sám hối, ăn năn những nghiệp chướng đến với mình, sau đó thì dùng câu Thần Chú, lời niệm Phật để làm cho nghiệp chướng giảm lần đi sức ép, sức công phá. Dù rằng nghiệp chướng chưa tiêu, nhưng nó cũng trở nên nhẹ nhàng và tỏ rõ được cái thiện chí sửa đổi của mình; dùng cái thiện chí đó để làm bàn đạp tiến xa hơn, khi được chỉ dẫn cách thức làm cho tiêu từng nghiệp một ở Cực Lạc.

Chúng sanh nên nhớ rằng: những nghiệp nho nhỏ thì còn có thể chịu đựng bằng nước mắt, bằng sự cực nhọc; đối với những nghiệp lớn hơn sẽ khó lòng chịu đựng nổi. Cho nên việc tu tập là một phương cách để giúp hoán chuyển tất cả những nghiệp lực đến với mình từ nặng nề trở nên nhẹ nhàng hơn.

BỆNH NAN Y

Nghiệp sát thường hay thể hiện dưới dạng thức là BỆNH NAN Y, khó chữa trị. Người vướng vào nghiệp sát sẽ bị căn bệnh hoành hành, giày vò thân xác, chịu nhiều đớn đau, đưa đến sự chán nản, lo âu, buồn phiền, cuối cùng dẫn đến một tinh thần suy sụp, thiếu tự tin và mặc cảm. Việc trị bệnh có đôi khi gặp nhiều khó khăn, tiền mất tật mang, trị hoài không thấy dứt bệnh, hoặc là hết chỗ này nhưng lại phát ra chỗ khác.

Nói tóm lại là họ bị “hành xác”. Trong quá khứ, họ đã làm đau thân xác của kẻ khác, ngày giờ này, họ phải nhận chịu một thân thể không được khỏe mạnh và cũng có thể là một thân xác không lành lặn. Việc điều trị một bệnh tật có dính líu ít nhiều đến nghiệp sát sẽ rất là dây dưa, khó lòng thuyên giảm.

Cần ghi nhận 02 trường hợp sau đây.

Trường hợp thứ nhất:

Một người hoàn toàn không biết tu tập, chưa từng biết trau giồi phần tâm linh của mình, chỉ thuần chăm lo trị bệnh mà thôi, người này sẽ phải đối đầu với những cơn hành hạ của tật bệnh, sẽ chịu nhiều cơn đau đớn, vật vã. Bệnh có thể càng ngày càng nặng hoặc xoay chuyển qua hết bệnh này tới bệnh kia, để rồi cuối cùng thì người vướng vào nghiệp sát lìa đời trong sự đau đớn tột cùng của căn bệnh mang tới, xem như đã trả xong nghiệp chướng của mình!

Cũng có khi tinh thần của người này bị suy sụp quá độ, đưa tới tâm bệnh, dẫn dắt lần bệnh nhân đến trạng thái cuồng si cho đến chết.

Tùy ở mức độ sát hại nhiều hay ít, cái kết quả gặt hái của ngày hôm nay sẽ có cường độ nặng hay nhẹ.

Cũng có trường hợp người bị sát hại mang một sân hận quá cao, không siêu thoát, vong linh quyết lòng trả hận, khi đó việc ma vong dựa nhập có thể xảy ra. Nếu người vướng vào nghiệp sát không có đủ phước đức để tạo màn chắn chở che mình (thường thì Tâm Thức của người này không đủ sáng để có thể nhận ra mình đang bị dựa nhập), người đó sẽ khó lòng cưỡng lại được sự chỉ huy của vong linh dựa nhập; một tai nạn xảy ra tạo nên thương tích dẫn đến tình trạng khuyết tật, hoặc một hay nhiều hành động của người này đưa đến sự tai hại, những việc đáng tiếc cho kẻ khác... tất cả đều là những việc làm không cưỡng được, những việc làm dưới trạng thái của người ngủ mê, khi bừng tỉnh thì sự thể đã muộn màng rồi, khó lòng giải thích tại sao mình đã hành động như thế!

Nghiệp sát được thể hiện dưới nhiều dạng thức. Ngoài căn bệnh nan y đơn thuần trên da thịt, hoặc một khuyết tật hay việc mất mát một phần nào của cơ thể, một sự điên loạn, cuồng si, sự đần độn hoặc do bẩm sinh hay không do bẩm sinh, những việc làm thiếu tự chủ gây ra tai hại cho kẻ khác... cũng đều được xem là những chứng bệnh nan y thuộc về tinh thần.

Trường hợp thứ hai:

Đây là trường hợp của một người biết tu tập. Điều này đã được cắt nghĩa rõ ràng ở đoạn trên.

Vấn đề đặt ra nơi đây là:

Một người mang nghiệp sát vướng mắc bệnh nan y, nếu người này biết tu tập thì căn bệnh nan y của họ có thể chấm dứt được hay không?

Câu trả lời khẳng định là KHÔNG! Không có việc đó xảy ra, bệnh sẽ vẫn còn, nhưng ... tùy vào sự thành tâm của người này trong việc tu tập, trong việc ăn năn sám hối, sự hoán chuyển Tâm – Ý – Tánh của họ có được thực hiện với tấc dạ chân thành và quyết tâm hay không? Người này có hành Thiện với tất cả sự đắn đo hay không? Và nhất là người này đã biểu lộ cái Tâm Từ Bi Hỷ Xả của mình như thế nào?

Tất cả những sự tỏ rạng trong việc tu tập cũng như trong mọi hành sử đã nói lên một cách hùng hồn là người này đã thành Tâm, thành ý quyết tâm hoán chuyển con người mình. Do việc sửa đổi toàn bộ Tâm Ý Tánh, Tâm của họ luôn ngời sáng, họ sống và cư xử trong tinh thần của Từ Bi Hỷ Xả, tránh được sân hận, xa lìa phiền não, giữ được Tâm An Bình. Họ sống trong sự nhẹ nhàng với một tinh thần phơ phới, thoải mái vì không có tánh xấu bao quanh. Họ thực sự rung động trước sự đau đớn, thiếu thốn của kẻ bần hàn, khốn khó, họ giúp đỡ, chở che vì lòng Nhân trổi dậy, họ Hành Thiện vì Tâm Từ Bi thúc đẩy họ, họ dễ dàng tha thứ cho những ai hoặc vô tình hay cố ý xúc phạm đến họ, Tâm Hỷ Xả khiến lòng họ bao dung, không chất chứa lụy phiền.

Họ đã nhận chân ra được lỗi lầm to tát mà họ đã phạm phải, họ nhận thức được rằng: có lỗi thì phải xin lỗi, phải sám hối, phải ăn năn, phải làm một cái gì đó để chứng tỏ sự chân thành hối lỗi của mình. Tâm thức của họ hằng ngày đã lắng nghe, đã ghi nhận lời chân thành sám hối và nhất là đã thu trọn hết “Tiếng Lòng” của họ.

Tâm thức đã liên tục bật đèn sáng mỗi khi những ý tốt, ý cao thượng của họ nảy sinh ra, chắc chắn rằng ngũ thức cũng góp phần để xoa dịu cái thân mang nhiều tật bệnh của họ qua một tinh thần nhiều phấn chấn. Chính nhờ cái tinh thần này mà người mang bệnh nan y sẽ không còn cái mặc cảm mình vô dụng, họ không còn xem cái bệnh tật của mình là một chướng ngại lớn lao trong cuộc sống.

Đối với họ ngày nay, căn bệnh trở nên một chứng tích để nhắc nhở, để ngăn cản việc tạo nên một sai lầm lần nữa.

Họ tìm được ý nghĩa của cuộc sống qua tinh thần của Tứ Vô Lượng Tâm. Từ Bi Hỷ Xả giúp cho họ hiểu được rằng: sống ở đời không phải chỉ tha thiết đến bản thân mình, gia đình mình mà thôi đâu. Tự chính cá nhân mình đã không thể nào tạo nên một cuộc sống. Cuộc sống chỉ có thể thành hình đúng nghĩa khi có sự góp phần của nhiều bàn tay. Nhiều người đã góp bàn tay vào cuộc sống của mình, thì việc mình dang tay góp sức để tạo nên cuộc sống cho kẻ khác là một việc công bằng và hợp lý.

Người vướng mắc bệnh nan y, khởi thủy sống trầm mặc với sự hành hạ, vật vã của cơn bệnh, họ nhận chịu nỗi đớn đau từ thể xác đến tinh thần, đâm ra không còn hứng khởi để chuyện trò trao đổi với ai nữa cả.

Sau một thời gian tu tập, sửa đổi, trau giồi Tâm Ý Tánh của mình, chơn Tâm đã ngời sáng, Dạ Từ Bi luôn tỏ rạng, lòng bao dung Hỷ Xả rộng mở, người bệnh như cảm thấy bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài nhiều mộng mị nặng nề.

Họ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, họ hiểu được thế nào là chia sẻ, thế nào là đóng góp.

Họ không còn ghét bỏ thân xác bệnh tật của họ nữa vì họ đã nghiệm ra rằng chính nhờ cái thân xác này mà họ mới có phương tiện để triển khai cái Tâm Từ Bi Hỷ Xả.

Họ đã thực sự trồi lên từ hố sâu của một tinh thần suy sụp trầm trọng.

Họ bước ra khỏi vực thẳm với tâm nguyện khơi dậy cái tinh thần phấn chấn, không còn mặc cảm, không còn phiền muộn, không còn sợ sệt, không còn lo âu.

Họ sẽ dùng cái tinh thần này để đẩy lùi tật bệnh!

Dần dà họ hầu như không còn để tâm tới bệnh tật nữa, Tâm của họ giờ đây chỉ còn biết gắn bó với tha nhân mà thôi. Họ lo cho Người mà không cần Người đáp lại, họ giúp cho Người mà không cần Người trả lại. Tất cả mọi sự đáp đền, họ góp nhặt lại, ân cần, trân trọng trao về cho những nạn nhân đau khổ mà họ đã từng ra tay sát hại qua lời chân thành HỒI HƯỚNG.

Thầy chân thành khuyên tất cả chúng sanh đang mang trong người bệnh nan y, khó chạy chữa, đừng bao giờ đặt căn bệnh của mình ở trước mắt cũng giống như là đừng bao giờ đặt cái cày ở trước con trâu. Cần phải nên hành sử tất cả mọi việc cho tốt đẹp trước, có nghĩa là phải dốc lòng sám hối, ăn năn, trì Chú, niệm Phật, phải thực Tâm và can đảm sửa Tánh, sửa Tâm và sửa Ý để cho Tâm – Ý – Tánh đồng ngời sáng; người mang bệnh tật khi đó sẽ thấy mọi việc tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp, thuận lợi.

Tinh thần lên cao sẽ tác động mạnh mẽ đến thân xác bệnh hoạn của mình. Tật bệnh sẽ có cơ thuyên giảm lần qua việc nhờ thuốc hay, thầy giỏi, kỹ thuật cao.

Đừng bao giờ nghĩ rằng: tôi bố thí hay hành thiện là để giúp cho bệnh tật của tôi được thuyên giảm, hay tôi vì căn bệnh của mình mà ra tay giúp đỡ người này, người nọ.

Phải nên hành HẠNH BỐ THÍ hoặc CHIA SẺ, GIÚP ĐỠ, CỨU TRỢ ... trong tinh thần của TỨ VÔ LƯỢNG TÂM.

Vì Tâm Từ Bi, vì Tâm Hỷ Xả mà làm điều lợi ích cho chúng sanh chớ không phải vì một sự trao đổi dứt bệnh hay thuyên giảm bệnh mà hành Thiện.

Có như vậy mới mang đến một kết quả tốt đẹp là hoán chuyển được những sự đau đớn của mình thành ra nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, nhờ vào tinh thần thoải mái, sảng khoái, phấn chấn, yêu đời, do Tâm Từ Bi Hỷ Xả mang đến mà người mang chứng bệnh nan y sẽ từ từ quên dần căn bệnh dù rằng nó vẫn còn hiện diện.


+ 90