• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Lời Pháp Đầu Năm: Tư Duy

Feb 01 2022
Chúc Mừng Năm Mới Chúc Mừng Năm Mới

Lời chúc đầu năm:

Hơn lúc nào hết, mọi người chúng ta đều trông chờ, đều mong đợi một luồng gió mới thổi tan đi nỗi sợ hãi, những âu lo, những phiền muộn đang càng lúc càng trĩu nặng lên tâm tư của toàn thể người dân cõi Ta Bà.

LacPhap.com xin cầu chúc Quý Đạo Hữu ở khắp mọi nơi luôn giữ vững niềm tin về một Bình Minh rực sáng, mở đầu cho năm mới NHÂM DẦN với nhiều sự đổi thay tốt đẹp và thuận lợi, với vạn niềm vui dâng trào, với hạnh phúc ngập tràn khi tìm thấy lại những gì tưởng đã đánh mất khi đám mây mù Dịch Bệnh lướt qua.

Xin nguyện cầu Bình Yên - An Lành - Nhiều Nghị Lực đến với toàn thể Quý Đạo Hữu gần xa.

Kính bạch Sư Phụ,
Sư Phụ đã luôn luôn nhắc nhở: "phải tư duy, tư duy trong mọi vấn đề, tư duy trong mọi khía cạnh, tư duy trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, và càng phải tư duy nhiều hơn trong vấn đề tu tập." Từ đó, con hiểu rằng, tư duy đóng vai trò vô cùng quan trọng từ đường Đời đến đường Đạo. Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích thật rõ ràng, mạch lạc việc tư duy để con hiểu biết thêm thế nào là tư duy cho đúng cách và dễ dàng chia sẻ lại với những người hữu duyên.

TƯ DUY tuy rằng chỉ gồm có 2 chữ thôi, nhưng mà nó nặng nề vô cùng! Tư duy là một hành động giúp cho tư tưởng của mình khám phá ra những cái gì mới lạ, những cái gì tốt đẹp. Khi mình nghe, mình biết, mình hiểu về một việc gì thì đó chỉ là một sự hiểu biết ở mặt ngoài mà thôi, muốn hiểu biết một cách tận tường hơn, bắt buộc phải tư duy.

Trong bất kỳ một vấn đề gì, để có được một kết quả tốt đẹp, điều cần yếu vẫn là tư duy. Máy móc trong một chiếc xe cần phải được thường xuyên vô dầu mỡ thì chiếc xe mới có thể di chuyển dễ dàng. Xe có di chuyển, người ngồi trong xe mới có dịp nhìn thấy tuần tự những cảnh vật bao quát ở trước mặt mình. Xe càng đi xa, cảnh vật càng thay đổi, đẹp đẽ hơn hay nhiều trắc trở hơn? Xe phải có di chuyển mới biết được những gì xảy ra ở phía trước.

Vì vậy, tư duy chính là dầu mỡ giúp cho bộ óc hoạt động dễ dàng hơn, nghĩ suy cặn kẽ hơn, chính chắn hơn, đào sâu vô từng chi tiết của vấn đề. Do đó, cái thấy, cái nghe, cái biết mới thật sự rõ ràng, rành mạch, không sai lệch, và nếu có phải đi đến một quyết định thì quyết định đó sẽ không quá vội vàng, thiên lệch hay kém khách quan.

Tư duy không phải đơn thuần trên việc tu tập. Tư duy bàng bạc ở khắp mọi vấn đề, từ đường Đời đến đường Đạo.

Trong cuộc sống hằng ngày, lời nói của một người với mình có đôi khi hàm chứa một ẩn ý; nếu mình không tư duy, mình sẽ không nhận ra được cái ẩn ý đó. Ẩn ý có khi là một điều tốt đẹp, cũng có khi lại là một lời ngầm hăm dọa, do đó, bắt buộc phải tư duy.

Đọc một quyển sách, không thể nào đọc từ đầu trang đến cuối trang và chỉ biết được những chữ nằm ở trên những trang giấy mà thôi. Người đọc sách bắt buộc phải tư duy để xem coi tác giả thể hiện cái ý gì qua những lời, những chữ trên mỗi trang sách.

Phải nhớ rằng, người viết một quyển sách lúc nào cũng muốn gửi gấm cái tâm tư của mình, muốn chuyển tải một tư tưởng, một thông điệp nào đó, muốn đề nghị một sự canh tân, sửa đổi hay một ý kiến độc đáo nào đó. Cho nên không thể nào chỉ thuần đọc cho hết những dòng chữ trên những trang giấy, để rồi cuối cùng, khi xếp sách lại, người đọc hoàn toàn không biết tác giả muốn nói điều gì trong quyển sách đó.

Đọc một quyển sách mà không tư duy thì sẽ không biết được quyển sách đó mang lại điều lợi, điều hại ra làm sao? Nếu tác giả nêu lên những vấn đề có lợi ích cho nhân quần xã hội, thì sự tư duy sẽ giúp cho người đọc phân tích và thẩm định giá trị của những vấn đề đó.

Sự tư duy sẽ giúp cho người đọc dễ dàng nhận chân ra được những tư tưởng độc hại hay trục lợi, hay có tính cách xách động đám đông của người viết ra quyển sách. Nhờ đó mà kịp thời ngăn chận con em mình hay những người quen biết trong việc phổ biến và truyền bá quyển sách.

Tư duy một quyển sách không phải chỉ là đề cập đến phần nội dung của quyển sách, hay hoặc dỡ, mà chính là tư duy cái tư tưởng của tác giả, tư tưởng đó nhắm vào cái gì? Những lời trong quyển sách mang tính cách xây dựng? Hay phá hủy? Hay đập vỡ một công trình nào đó? Và cái tư tưởng bàng bạc trong quyển sách có đáng để cho người đọc dùng làm kim chỉ nam cho cuộc sống của mình hay không? Hay đó là tiếng chuông báo động về một điều gì đó không hay sẽ xảy ra?

Người ta cũng hay chuyển đạt tư tưởng qua báo chí, qua những bài xã luận hay phiếm luận hoặc bình luận. Nếu chỉ đọc lướt qua và thiếu tư duy, người đọc chắc chắn sẽ để vuột mất những tư tưởng của tác giả viết những bài báo đó. Thông thường, những bài báo này có tính cách thời sự nhiều hơn, chú mục vào những việc đang xảy ra, đôi khi đề cập đến một tương lai gần, không quá xa. Thiếu tư duy sẽ khó nắm bắt các vấn đề thuộc về thời thế, và cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định của mình trước một vấn đề chính trị hay xã hội trong thời điểm đó.

Thông thường, cứ vào khoảng cuối năm, các công ty gửi ra cho các cổ đông hay các hội viên, bản phúc trình về tài chánh, về tình hình hoạt động của công ty trong năm.

Cầm bản phúc trình trên tay, nếu chỉ liếc sơ qua phần tiền lời nhận được, hoặc vã đọc thật nhanh, thì thật là uổng cho người hùn vốn! Người này sẽ không tường tận được công ty đã làm gì với số tiền góp vốn của mình. Đọc một bản phúc trình mà thiếu tư duy, người góp vốn sẽ không thông suốt được tình hình tài chánh của công ty. Hiện trạng của công ty như thế nào? Tình trạng của công ty trong tương lai, tốt đẹp hay sẽ gặp nhiều trắc trở? Công ty có thêm một vài sáng kiến nào góp phần giúp cho công ty phát triển tốt đẹp trong tương lai hay không? Từng con số nêu lên, phản ảnh hiện trạng tài chánh của công ty cũng như viễn ảnh của công ty.

Phần cuối cùng của bản phúc trình thường hay có lời đề nghị là sẽ phải làm như thế nào cho công ty trong tương lai: hoặc là vẫn giữ nguyên cách thức hoạt động, hay là phải cải tiến về kỹ thuật? Việc tăng cường thêm vốn liếng có cần thiết hay không? Những người góp vốn bắt buộc phải tư duy cái lời cuối cùng này để có thể nhìn thấy một cách xa hơn, sự phát triển của công ty qua những tài liệu mà công ty đã cung cấp trong bản phúc trình. Không thể nào chỉ đọc sơ qua rồi dẹp nó sang một bên. Nếu tất cả những người hùn vốn đều có cùng một cách thức như vậy thì công ty đó sẽ không cách nào tiến triển được.

Ai cũng mong góp vốn vào công ty để có thể nhận được một lợi nhuận hằng năm, nhưng lại không quan tâm đến sự phát triển của công ty. Vì lười tư duy nên không thấu đáo được công ty hoạt động như thế nào? Tiến triển hay có khuynh hướng tuột dốc? Cứ để mặc cho ban điều hành, đến khi công ty khai phá sản thì mới vỡ lẽ ra, mọi việc đã muộn màng rồi, có muốn lấy vốn lại hay chuyển nhượng cổ phần cho người khác cũng không còn kịp nữa, xem như đã mang tiền vứt bỏ xuống sông.

Trong bất kỳ một công trình nghiên cứu nào, nhất là những nghiên cứu về y học, người đảm trách việc nghiên cứu bắt buộc phải tư duy thật là sâu sắc trước một hay hàng loạt những phản ứng hóa học xảy ra giữa các chất tác hợp với nhau. Trong suốt quá trình của cuộc nghiên cứu, từ lúc khởi đầu cho đến khi chấm dứt, việc tư duy gần như không gián đoạn để có thể thẩm định chính xác cái kết quả của những phản ứng, đó là những phản ứng thuận lợi hay là những phản ứng có chiều hướng bất lợi, để mà kịp thời đối phó và sửa đổi cho phù hợp với mục tiêu của việc nghiên cứu.

Do đó, thiếu yếu tố tư duy, việc thử nghiệm một công trình nghiên cứu sẽ khó thành tựu một cách tốt đẹp được.

Nói về việc cai trị một quốc gia, nếu người đứng đầu quốc gia thiếu tư duy thì sẽ khó lòng thành công với những chính sách mình đưa ra.

Cần phải tư duy để xem coi kết quả dự phòng của chính sách đó có đúng như mình dự đoán, như mình đã hoạch định hay không? Tầm nhìn của mình trong tương lai gần sẽ như thế nào? Và trong tương lai xa nó sẽ ra làm sao? Những ảnh hưởng ít hay nhiều của cái chính sách cai trị của mình sẽ mang đến một sự chống đối hay là một sự hòa hợp của dân chúng ở trong nước?

Thiếu tư duy trong chính sách cai trị, người cầm đầu sẽ không thể nào có được một quốc gia an bình yên ổn, mà trái lại sẽ tạo nên nhiều rắc rối, nhiều điều mất trật tự trong xã hội, từ đó phát sinh ra những sự chống đối, những kẻ thù nghịch vì không chấp nhận cái chính sách cai trị đó. Một chính sách cai trị đúng nghĩa, là mang cơm no áo ấm, là mang một cuộc sống an bình đến cho dân chúng, nhưng nếu người cầm quyền thiếu tư duy thì tất cả những kế sách, những hoạch định lớn nhỏ đều chỉ là làm cho lấy có, lấy lệ, do đó sẽ không mang đến một kết quả nào cả. Việc khai thác tài nguyên quốc gia cũng thế, nếu không được tư duy, cân nhắc kỹ càng, sẽ lâm vào tình trạng khai thác bừa bãi, bị kẻ gian thương trục lợi, tài nguyên bị đánh cắp, và đôi khi còn có bóng dáng của ngoại bang chen vào. Cho nên, từ trung ương xuống đến địa phương, đến những đơn vị thật nhỏ, thật xa xôi, chính sách cai trị áp dụng phải đồng nhất và phải tư duy thật kỹ lưỡng để cho phù hợp với hoàn cảnh, với môi trường của từng địa phương, nhưng vẫn không xa rời chính sách chung.

Không có tư duy, sẽ không thể nào làm cho guồng máy chính trị hoạt động một cách trơn tru được. Chính sách không rõ ràng, kẻ thuộc hạ sẽ không thể nào hoàn tất công việc một cách tốt đẹp, đúng như ý mong muốn của người cầm đầu quốc gia.

Đề cập đến gia đình là phải nghĩ ngay đến một mái nhà, nơi che mưa che nắng, nơi để cho các thành viên trong gia đình sum họp, là nơi chở che cho các đứa con lớn lên thành Danh, thành Người…Mái nhà nói lên rất nhiều điều có liên quan đến 2 chữ Gia Đình.

Ai cũng mong mỏi tạo dựng cho mình một căn nhà, dù rằng thời gian đầu, tài chánh chưa được dồi dào nên còn phải đi ở nhà thuê, nhà mướn, nhưng lần lần, do sự siêng năng cần mẫn làm việc và tiết kiệm, niềm mơ ước về một căn nhà đã trở thành hiện thực! Đây chính là lúc mà tôi phải tư duy thật nhiều. Tôi phải chọn mua một căn nhà mà trị giá không thể nào vượt quá số tiền tôi hiện có, đó là chưa kể, nếu là một căn nhà cũ, tôi phải dự phòng tiền để sửa chữa những nơi có thể hư hao, đôi khi ngay lúc mua, việc hư hao không xảy ra, nhưng sau vài tháng thì hết cái này hư lại đến cái kia hư. Đi kèm với căn nhà thì nào là thuế bất động sản, thuế đất, tiền bảo hiểm lụt, bảo hiểm hỏa hoạn, tiền bảo trì căn nhà ... v.v.. Nếu không tư duy để lượng định ngân sách dành cho căn nhà thì khó lòng trở tay cho kịp nếu một trạng huống bất ngờ nào đó xảy ra. Ngôi nhà mình ưng ý là một lẽ, nhưng mà những chi phí liên quan đến căn nhà có đôi khi vượt quá khả năng tài chánh của mình, nếu không tư duy, không cân nhắc kỹ càng, e rằng “ngựa sẽ không kham nổi đường dài”, cuối cùng thì vỡ nợ, gây thêm nhiều khó khăn, rắc rối cho gia đình.

Mua một căn nhà mà còn phải tư duy, huống hồ là dạy dỗ một đứa bé từ lúc mới chào đời cho đến khi lưng dài vai rộng, thực sự đúng nghĩa là Người!

Cuộc đời của đứa con tiến triển qua nhiều giai đoạn, và tâm lý của đứa bé cũng thay đổi theo từng giai đoạn. Bậc làm cha mẹ dốc tâm huyết để dạy dỗ con, huấn luyện con theo đúng ý nghĩa của một CON NGƯỜI thì tuyệt đối không thể nào bỏ quên 2 chữ Tư Duy.

Con còn nằm nôi thì đã dạy con sống theo kỷ luật, bú có giờ giấc hẳn hòi, không luông tuồng, cứ hễ khóc là bú; ngủ theo giờ giấc, không phải cứ ban ngày ngủ, ban đêm lại thức nằm khóc đòi sữa, lúc nào cũng đòi bế, đòi ru. Con lớn lần theo năm tháng, biết đi đứng, biết cười đùa, biết bập bẹ nói. Đây chính là lúc phải mớm vào cho con những lời hay, lời đúng; phải hướng dẫn con tập những tánh tốt và giúp con luyện những thói quen tốt. Đừng vội cho rằng con còn nhỏ chưa biết gì; nếu đợi đến khi con lớn thêm chút nữa thì e rằng đã muộn rồi đó!

Uốn nắn cây, trái phải uốn lúc cây, trái còn non, còn mềm. Muốn huấn luyện một đứa trẻ theo đúng với ý của mình, nhất định phải bắt đầu từ lúc trẻ còn chập chững mới biết đi, biết nói.

Nếu con tỏ ra thông minh, cha mẹ càng phải tư duy sâu sắc hơn để hướng dẫn cái thông minh đó đi cho thật đúng đường, đừng để con mình sử dụng cái thông minh đó vào những đường hướng không tốt, dù nó đang còn rất nhỏ. Những thói quen vô cùng là nguy hiểm vì rất khó sửa đổi, đứa trẻ không cố ý nhưng những thói quen không khác vết dầu loang, cứ lan dần…lan dần, đến khi đứa trẻ trưởng thành thì khó mà lau chùi những vết dầu loang này. Nếu những thói quen đi kèm với những tánh xấu thì chắc chắn rằng những đớn đau, những cảnh trái lòng sẽ không ngừng xảy ra trong cuộc đời của đứa trẻ về sau. Giúp cho con mình tập những tánh tốt, những thói quen tốt từ khi còn tấm bé, là cha mẹ đã chuẩn bị một gia tài lớn lao, vô cùng có giá trị cho đứa con thân yêu của mình.

Dạy dỗ con cái mà thiếu tư duy, không có kế hoạch, không có chương trình, tỏ ra rất hững hờ trước những hành động, lời ăn, tiếng nói của con mình, thì thật không khác gì đem con bỏ chợ, mặc cho cuộc đời của nó muốn ra sao thì ra.

Trên đây chỉ là một vài thí dụ thuộc về đường Đời, tỏ rõ tầm quan trọng của sự Tư Duy, nếu thật sự muốn tiến đến một kết quả tích cực với nhiều tốt đẹp và lợi ích.

Đề cập đến việc tu tập thì Tư Duy là một điều kiện bắt buộc….bắt buộc….và bắt buộc phải có!

Thiếu tư duy, người tu tập sẽ giậm chân tại chỗ và khó lòng thăng hoa được. Nếu do một Duyên May nào đó mà được về cõi Cực Lạc, Thánh Chúng thiếu tư duy cũng sẽ khó lòng sám hối trước những hình ảnh nghiệp lực từ trong tâm thức, cũng như khó lãnh hội dễ dàng Lời Pháp của Cực Lạc để thâm nhập, để nhẹ lần, cho đến khi hoa sen nở, Thánh Chúng đó bước ra khỏi Thai Sen.

Tu tập không phải chỉ là đợi đúng giờ đi tụng Kinh, đi niệm Phật, tụng cho thật nhiều quyển Kinh, niệm cho thật nhiều Danh Hiệu Phật là đủ! Nếu việc tu tập chỉ có như vậy thôi, thì tại sao số người chứng đắc từ trước đến nay đếm trên đầu ngón tay?

Ngày Đức Phật còn tại Thế, Tăng Chúng của Ngài đâu có tụng Kinh, niệm Phật, mà chỉ là lắng nghe lời Phật giảng và sau đó tịnh tâm nhớ lại lời của Ngài để Tư Duy. Chính cái thời khắc tư duy mới khiến cho tâm tư rúng động, mới nảy sinh những tư tưởng hay, tư tưởng lạ, mới kết nối được ý tưởng này với ý tưởng kia, mới hiểu thấu đáo được thâm ý của lời Phật dạy, nhờ đó mà vô tình chỉnh sửa được Tâm-Ý của mình, giúp cho Tâm-Ý rực sáng lên, nhờ vậy mà ngọn đèn Trí Huệ được bật lên.

Thiền định chính là khoảng thời gian tư duy, giúp cho người tu tập lắng lòng, đào luyện từng lời Pháp rút ra từ Kinh Phật hay từ những bài giảng Pháp có một giá trị thật sự. Thiền định đòi hỏi Thiền giả phải luôn luôn kiểm Tâm - kiểm Ý - kiểm Tánh, thường xuyên lau chùi cái Kiếng Tâm để phủi sạch lớp bụi mờ bám lên kiếng. Trong suốt thời gian thiền định, nhờ có tư duy mà người tu tập mới kết nối được những tư tưởng với nhau và dễ dàng nhận ra kết quả của tư tưởng này là đầu mối của tư tưởng kia. Cứ như thế mà tiếp tục cho đến khi chạm tay vào cái nút bật của ngọn đèn Trí Huệ. Thiền định không có nghĩa là giữ cho đầu óc mình trống rỗng trong thời gian 5 phút, 10 phút hay 1 tiếng đồng hồ, mà chính là phải tư duy, đầu óc bắt buộc phải hoạt động không ngừng trong suốt thời gian thiền định để mới có thể tìm ra được câu giải đáp về một vấn đề gì đó, hoặc một hướng đi đúng cho mình, hay là một phương tiện nào đó giúp cho mình làm sạch được tấm gương Tâm của mình.

Đọc một bài Pháp cũng giống như đọc một quyển sách, không thể nào chỉ đọc cho hết những dòng chữ trên trang giấy mà thôi. Đọc Pháp mà không tư duy thì không khác gì cho cơm vào miệng rồi ngậm để đó, không nhai và không nuốt.

Người tu tập lúc nào cũng phải tự ví mình như một “tù nhân bị trói tay, trói chân” Tại vì sao? Vì đó là hình ảnh của một người luôn giữ cho mình một trạng thái mẫu mực, đạo đức đúng với tư cách của một Con Người. Mình tự trói tay chân mình để ngăn cản mình làm những điều xằng bậy, làm theo bản năng, làm theo dục vọng.

Những tánh xấu có ma lực rất là mạnh, chúng xúi biểu mình, thúc giục mình, dẫn dụ mình để làm những điều trái đạo, phi nghĩa, bất lương, gây thù, chuốc oán, tạo nhiều oan trái, đớn đau cho người Đồng Loại của mình. Hàng hàng lớp lớp nghiệp lực chất chồng, không phải chỉ riêng ở hiện kiếp mà từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ.

Ngày hôm nay, ở ngay tại kiếp sống này, thử hỏi rằng, mình có tìm được một sự an bình thật sự trong tâm hồn của mình hay không? Có ai chưa từng bao giờ rơi nước mắt? Chưa từng thốt lên tiếng KHỔ bao giờ? Chưa từng trải qua những giây phút thương tâm? Chưa từng trải nghiệm những đắng cay của cuộc đời, của cảnh huống? Còn nhiều, rất nhiều những khổ đau trong cuộc đời khiến cho con người không còn sức chịu đựng đến nỗi phải quyên sinh.

Thử hỏi rằng, vì sao đến ra nông nỗi này? Xin thưa rằng, tất cả cũng là từ ở TÁNH XẤU mà ra. Chính từ ở tánh xấu mới gây thù chuốc oán, tạo nhiều NGHIỆP LỰC ở khắp mọi nơi. Có nghiệp thì phải trả, không thể nào từ chối được, dù có vô đến tận hang cùng ngõ hẹp, chủ nợ nghiệp lực cũng truy đến tận nơi. Kiếp này trả chưa xong, kiếp tới lại tiếp tục trả nữa. Còn hiện diện trên cõi Đời là còn trả nghiệp!

Đã gọi là TRẢ NGHIỆP thì không nhẹ nhàng chút nào. Mình đã ra tay đánh người mạnh như thế nào, gây thương tích cho người trầm trọng như thế nào, ngày giờ này mình sẽ phải nhận lại một sự đáp trả y như thế đó cho đúng với Luật Cân Bằng về Nhân Quả của Vũ Trụ.

Nhờ có tư duy, mình mới hiểu được nguồn gốc của sự khổ đau, mới giải thích được vì sao tôi rơi lệ? Vì sao tôi bị dồn đến tận chân tường? Vì sao tôi luôn bị người rượt đuổi, không bao giờ tìm được một ngày yên bình?

Nhờ có tư duy, mình mới hiểu ra rằng, việc tu tập giúp cho mình biết sám hối, biết ăn năn những điều lầm lỡ, biết trì Chú, biết niệm Phật để xóa mờ dần những hình ảnh nghiệp lực trong Tâm Thức của mình. Những hình ảnh nghiệp lực đó đã được liên tục khắc ghi vào Tâm Thức, và cùng đồng hành với Thần Thức qua bao nhiêu kiếp Người.

Nhờ có tư duy mà mình biết phải làm sao để chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh của mình, biết trau giồi và gìn giữ những TÁNH TỐT, những THÓI QUEN TỐT để kịp thời ngăn chận những nghiệp lực mới, được tiếp tục gây tạo nên trong hiện kiếp qua những tánh xấu.

Để đạt được mục tiêu đó, người tu tập sẽ phải đặt mình vào khuôn khổ, sống trong kỷ luật tự giác, cân nhắc từng hành động, từng quyết định của mình để tránh gây tạo nghiệp lực với bất cứ ai. Người tu tập phải can đảm triệt tiêu những tánh xấu, những thói hư, đương nhiên là rất khó vì chúng đã bám chặt, đã mọc rễ, đã ăn sâu vào tim óc của mình rồi, muốn tiêu diệt chúng, mình cần phải thật là quyết tâm, trì chí, nhẫn nại, phải luôn luôn đặt câu hỏi là, tôi có còn muốn trở lại cõi Ta Bà nữa hay không để tiếp tục trả nghiệp và tạo nghiệp?

Nếu tôi muốn Thần Thức của tôi được thăng hoa sau khi tôi bỏ báu thân, tôi bắt buộc phải tự trói tay chân mình để tuyệt đối không làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho Tâm-Ý-Tánh của tôi. Tôi phải tư duy từng tánh xấu, từng thói hư để nhận ra hậu quả, nhận ra tầm ảnh hưởng của chúng trong việc làm hoen ố sự trong sáng của tấm gương Tâm.

Tư duy giúp cho tôi hiểu được rằng, nhờ có tu tập mà tôi chỉnh sửa được Tâm-Ý của mình để cho chúng được rực sáng lên, song song đó, những tánh tốt, những thói quen tốt cũng lần lượt mỗi ngày một chút, thay thế dần những tánh xấu, những thói tật xấu. Lần hồi, tôi bớt dần đi cái cảm nhận về sự nặng nề của nghiệp lực vây quanh tôi qua những khó khăn, những trắc trở, hay những cảnh huống đến với tôi trong cuộc sống hằng ngày.

Những tánh tốt giúp tôi thay đổi quan niệm sống, thay đổi cái nhìn của tôi về những sự việc xảy ra hằng ngày trong cuộc sống, và nhất là tôi không còn ánh mắt nghi ngờ, thiếu thiện cảm về những người đồng loại của tôi. Tôi thật sự đối xử với họ bằng một tấm chân tình, với tất cả tình cảm tốt đẹp và hết lòng tương trợ khi cần thiết.

Nghiệp lực được gây tạo nên từ ở những thói hư, tật xấu; chính những tánh xấu là đầu mối thôi thúc con người làm những điều xằng bậy hay phạm tội từ kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại. Nếu không có điểm dừng từ bây giờ thì chắc chắn rằng kiếp vị lai cũng sẽ không có gì sáng sủa cả, cũng chỉ là bổn cũ soạn lại mà thôi.

Như vậy thì, tánh xấu đã tạo ra quá nhiều nghiệp lực lớn, nhỏ, tạo ra vô số những bài học nghiệp lực, đem đến cho con người biết bao nhiêu điều phiền toái, bao nhiêu chông gai hầm hố phải vượt qua, hết khó khăn này đến khó khăn kia. Chỉ cần sửa tánh lại, sống cho cao thượng hơn, sống hòa đồng, hòa nhã, sống thật lòng không dối trá, không nghi kỵ lẫn nhau, sống trong sự đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, mọi người sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu rất nhiều trong cuộc sống.

Đối xử nhau bằng nụ cười, bằng tất cả những tánh tốt, không tham lam, không sân hận, không si mê, không đặt tự ái lên quá cao, không quá xem trọng bản thân mình, không dìm người xuống quá thấp, sống như vậy thì làm sao có thể gây tạo nghiệp lực cho được?

Tánh xấu đã gây tạo nghiệp lực thì chỉ có thể dùng tánh tốt để làm tan biến đi nghiệp lực mà thôi.

Không có cây đũa thần nào có thể đánh tan được những nghiệp lực; nghiệp lực tạo ra từ ở tánh xấu thì nghiệp lực sẽ bị tan biến đi từ ở tánh tốt, có điều rằng, nó không tan biến tức thì nhưng, nó sẽ tan biến từ từ do ở sự trì chí, sự nhẫn nại của tôi. Cho nên, nếu tôi không tư duy để tìm ra cái cốt tủy của nghiệp lực thì tôi sẽ không thể nào ngăn chận được hay làm cho tiêu bớt đi sự công phá của nghiệp lực.

Sống trên cõi đời này mà thiếu đi 2 chữ tư duy thì suốt đời sẽ quờ quạng…quờ quạng, coi như mình sống trong bóng đêm, không khác gì một người lái tàu mà thiếu cái địa bàn, thì sẽ không đến được đúng cái mục tiêu đã vạch. Phải nói một cách rõ ràng rằng, tư duy chính là cái địa bàn cho một con người sống trên cõi Ta Bà này dù cho ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ một môi trường, một hoàn cảnh nào.

Không tư duy sẽ không thoát được cái hiện trạng của mình. Không tư duy sẽ không thể nào hiểu được, nắm vững được cái cốt tủy của vấn đề, cái mục đích của vấn đề và sự mong mỏi của một người nào đó muốn giúp đỡ cho mình để qua cơn hoạn nạn. Có tư duy thì mình mới có thể bứt phá được tất cả những xiềng xích chung quanh mình. Phải nhớ rằng, tất cả mọi việc trên đời đều luôn luôn có một cái nút thắt, tìm được cái nút thắt đó là có thể mở được hết tất cả các sợi dây trói buộc mình. Cho nên, không có tư duy thì không thể nào tìm ra được cái nút thắt đó đâu. Ngay khi còn hơi thở, người có tu tập biết tư duy thì sẽ tự mình xóa lần đi những vết mực trên cái kiếng Tâm, để rồi sau đó, khi hồn đã lìa thân xác, sẽ lại tiếp tục cái công việc xóa mờ đó trên thai sen.

 


+ 39