• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Phóng Sanh

Mar 30 2021

Kính bạch Sư Phụ,

Thông thường, vào dịp lễ Vu Lan hay trong những ngày lễ lớn, người ta phóng sanh rất nhiều. Chùa nào, miễu nào cũng đầy nghẹt người đi phóng sanh; hàng hàng lớp lớp chim, cá chờ đợi để được phóng sanh, kẻ bán người mua tấp nập. Không biết các con vật này có biết rằng mình sắp sửa được tự do hay không? Chớ riêng những người đi phóng sanh thì trên mặt lộ rõ nét hân hoan, vì đây là dịp để mọi người biểu lộ hành động từ bi qua việc phóng sanh, giải thoát cho những con vật bị bắt giữ, bị giam cầm.

Con có điều thắc mắc là, người bán khi bắt những con vật này đã có chủ đích hẳn hòi là để cung ứng cho việc phóng sanh, tức là để thỏa mãn số cầu của những người thực hiện việc phóng sanh.

Như vậy, cứ sau mỗi đợt phóng sanh, số phận của những con chim, con cá hoặc bất cứ con vật gì, tưởng rằng chúng may mắn tìm được sự an ổn sống đời tự do, nào dè cơ hội bị bắt trở lại cũng chỉ trong gang tấc. Người bán vẫn tiếp tục tìm cách bắt lại những con vật vừa mới phóng sanh để trục lợi. Đó là chưa kể đến việc người bán chặt cánh của những con chim, khiến cho chúng không thể bay xa được để họ dễ dàng bắt trở lại hầu cung ứng cho người mua.

Bạch Sư Phụ, như vậy việc phóng sanh có còn ý nghĩa nữa hay không? Phóng sanh như thế nào mới gọi là đúng cách, cũng như đúng thì, đúng lúc? Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ.

Phóng Sanh có nghĩa là cho sự sống, cho ai sự sống? Người ta có thể cho một người nào đó sự sống, người ta có thể cho một con vật sự sống, người ta có thể cho Vong Linh sự sống bằng cách siêu độ cho Vong Linh để Vong Linh buông bỏ những vướng mắc, nhờ đó mà Vong Linh được nhẹ nhàng cất bước tìm nơi thác sinh.

Nói tóm lại, cho kẻ khác một sự sống thì gọi là Phóng Sanh. Có điều rằng, việc phóng sanh thường được hành xử như một thị hiếu, có nghĩa là thấy người khác làm mình cũng làm, làm vì danh, vì lợi, chớ không xuất phát từ ở một cái Tâm chân thật, từ ở sự rung động của lòng Từ bi, việc phóng sanh như thế đó sẽ hoàn toàn không mang một ý nghĩa nào cả.

Từ ngữ Phóng Sanh, tự bản chất, mang một ý nghĩa rất là thâm sâu. Phóng sanh một con vật là giúp cho con vật đó thoát khỏi cái bẫy rập và tìm được sự tự do. Tuy nhiên, vấn đề là, khi nào thì có sự phóng sanh? Và phóng sanh nào có thể chấp nhận, và phóng sanh nào không thể chấp nhận?

Như Thầy đã nói khi nãy, người ta có thể phóng sanh cho một con người hay phóng sanh cho một con vật, nhưng thường thì đa số là người ta phóng sanh cho con vật. Việc phóng sanh nằm trong Hành Thập Thiện, nó xuất phát từ ở lòng Từ Bi, muốn giúp đỡ cho một con vật nhỏ bé, yếu đuối tìm lại sự tự do.

Một con vật bị rơi vào bẫy rập, người có lòng Từ Bi sẽ giúp cho con vật đó thoát được bẫy rập. Làm thế nào để thực hiện được việc đó nếu có sự hiện diện của người đặt bẫy rập? Người đặt bẫy rập đã cốt ý muốn bắt con vật thì sẽ khó lòng chấp nhận cho người có ý phóng sanh mang con vật ra khỏi bẫy rập. Trong trường hợp này, người có lòng từ bi sẽ phải mua sự tự do cho con vật bằng một số tiền nào đó theo sự đòi hỏi của người đặt bẫy rập. Sự thỏa thuận giá cả giữa đôi bên đưa đến việc con vật được thả ra và tung tăng bay nhảy trong sự tự do.

Có một sự thỏa thuận ngầm giữa người đặt bẫy rập và người mua con vật, hay nói đúng hơn là mua sự tự do cho con vật. Cái thỏa thuận ngầm đó là, người kia thả con vật đi rồi, người đặt bẫy rập không được quyền bẫy con vật trở lại vì đã nhận tiền để bán sự tự do cho con vật rồi, đó là điều chánh yếu của việc phóng sanh.

Người hành phóng sanh làm việc theo lòng từ bi của mình, và thương con vật như thương chính bản thân mình. Vì vậy mà họ dùng tiền hoặc dùng tình cảm, hay dùng lời nói, ngay cả dùng công sức để mua sự tự do cho bất kỳ một con vật nào mà họ nhìn thấy nó đang ở trong bẫy rập.

Một con cá cắn câu và đang ra sức dãy dụa để thoát khỏi cái lưỡi câu, móc câu ghim sâu vào miệng làm cho con cá đau đớn vô cùng. Người có lòng từ bi không chịu đựng nỗi khi nhìn thấy sự đau đớn đó, cho nên xuất tiền ra mua con cá, gỡ lưỡi câu ra khỏi miệng cá, chăm sóc lại cho con cá, và sau đó thả con cá đi.

Người câu cá coi như có được một mối lợi là đã bán con cá đó rồi, và người mua được quyền sử dụng con cá đó dưới bất cứ hình thức nào, họ muốn ăn, họ muốn nuôi, họ muốn thả, chuyện đó của người mua, người bán đã lấy tiền rồi thì không còn có một sự tính toán qua lại nữa, xem như sòng phẳng! Điều đó mới thật sự là phóng sanh, là giải thoát cho một con vật ra khỏi cái bẫy rập, hoặc là ra khỏi cái móc câu.

Người Đời quan niệm rằng, vào những ngày lễ lớn như ngày rằm tháng giêng, ngày lễ Phật Đản, ngày rằm tháng bảy, ngày rằm tháng 10, sẽ có rất nhiều Chư Vị, Chư Thiên, Chư Thánh, Chư Thần tề tựu rất là đông trên Dương Thế. Cho nên, người ta thường hay tổ chức phóng sanh vào những dịp này. Chim, cá là 2 loài động vật được chọn lựa nhiều nhất để phóng sanh.

Người phóng sanh có ý tốt, có tâm từ, ra chợ mua chim, mua cá mang về và ngày đó mở cửa lồng để cho chim bay ra, mở rỗ trút tất cả các con cá mình mua xuống dưới sông, dưới biển, hoặc dưới hồ; điều đó nói lên lòng từ bi của người phóng sanh, một hành vi mang đến nhiều Phước Đức.

Tuy nhiên, việc phóng sanh bị lợi dụng, khiến cho một hành động có tính cách nhân ái lại trở thành ra “lố bịch”, không còn nhân ái nữa. Vì sao? Vì có kẻ cầu thì có người cung; người cầu là người muốn mua chim, mua cá; người cung là người ra sức bắt chim, bắt cá để thu mối lợi. Khi người có lòng thành thả chim thì người bán chim lại tìm cách bắt chim trở lại, người bán đã không theo một thỏa thuận ngầm là không được quyền bắt trở lại những con chim, con cá mà mình đã bán.

Đúng lý ra thì những con vật này đã không bị bắt, nhưng vì có người cầu, mà lại là một số cầu quá lớn khiến cho người cung ra sức bắt các con vật càng nhiều càng tốt để thỏa mãn số cầu. Đây rõ ràng là một sự lợi dụng từ phía người cung, và hành vi phóng sanh không còn mang ý nghĩa nhân ái nữa vì người cầu đã hành động vì thị hiếu, vì sự có mặt của các đấng từ bi hơn là vì lòng chân thành yêu thương loài vật.

Thật sự ra phóng sanh có vô số hình thức: phóng sanh tư tưởng, phóng sanh từng hành động sai trái, phóng sanh từng cử chỉ không đúng, phóng sanh từng ý nghĩ không lành….v..v... Giúp cho một người thoát đi những tư tưởng sái quấy, giúp cho một người giảm đi những hành động không tốt đẹp, gây ra biết bao nhiêu nghiệp chướng, đó là một cách phóng sanh; không nhất thiết là phải phóng sanh chim, phóng sanh cá hay phóng sanh bất kỳ một con vật nào. Nếu gặp một hoàn cảnh mà đòi hỏi phải có sự phóng sanh những con vật và sự phóng sanh đó là một sự phóng sanh chân chính thì nên làm, nhưng nếu là một hình thức của cung và cầu, hoàn toàn không nên làm, vì tư tưởng phóng sanh sẽ lôi cuốn người cung cấp làm chuyện sái quấy, không nên khuyến khích họ làm điều đó!

Có rất nhiều cách để hành thập thiện, không nhất thiết phải là phóng sanh. Một người gặp một con vật bị thương, họ ẵm con vật đó lên và chăm sóc vết thương, băng bó lại cho nó, sau đó thì thả nó đi. Nếu vết thương quá nặng, họ bắt buộc phải mang con vật về nhà để trị thương, chăm sóc và dưỡng nuôi trong một vài ngày cho đến khi con vật khỏe trở lại, sau đó thì thả cho nó đi, việc làm đó mới đúng với cái ý nghĩa của sự phóng sanh. Nếu thấy một con chim bị thương, một con vịt bị thương nằm đó, không cử động được, không cất cánh bay đi được, cho nên mang con vật về nhà và làm thịt con vật đó; đây mới chính là hành động không có từ bi.

Cho nên, cần phải suy nghĩ cho thật cặn kẽ ý nghĩa của việc phóng sanh, đừng gây tạo cơ hội cho những kẻ làm việc sái quấy vì một khi có cầu thì sẽ có cung, nếu không ai cầu, sẽ không có người cung; hãy dùng tiền đó để làm những công việc khác; cứ đi ra chợ nhìn thấy một con cá còn sống đang vẫy đuôi, một con chim, một con thú nào đó đang bị vướng trong chuồng, mua con thú đó, mua con cá đó đem về và chính tự mình đem đi phóng sanh, hành động đó mang ý nghĩa của lòng từ bi, việc đó là việc làm đúng, cần nên khuyến khích.

Bất kỳ một việc gì, khi hành động phải hành động với cái trí huệ của mình, phải tư duy, xem coi việc mình làm có mang lại một kết quả đúng hay không? Và phải tự đặt câu hỏi, những con vật mà mình vừa mới thả ra đó có thật sự là đi về một vùng trời tự do nào đó hay không? Hay là nó lại rơi vào bẫy rập nữa để giúp cho người thủ lợi có được thêm cơ hội mà trục lợi.

Thêm một điều nữa mà Thầy muốn nhắc nhở là, phải thận trọng lựa chọn con vật mà mình muốn phóng sanh. Có người thích phóng sanh trùn hoặc phóng sanh dế vì cho rằng những con vật này giá cả phải chăng, chỉ cần tốn ít tiền nhưng mua được một số lượng lớn so với mua chim hay mua cá, số lượng sẽ ít đi rất nhiều, xem như là mình đã phóng sanh được nhiều con vật hơn. Tuy nhiên, người ta đã quên rằng, trùn là món ăn rất ưa thích của loài chim, mua trùn rải xuống cỏ là hành động mời gọi hàng loạt các con chim rợp bóng trên sân cỏ nhà mình, hay bất cứ ở bãi cỏ nơi đâu. Dế cũng là thức ăn được ưa chuộng của những con vật lớn hơn nó. Khi màn đêm buông xuống rồi thì loài dế sẽ bị tấn công tới tấp, chỉ trong chớp mắt, sự sống khó bảo tồn.

Do đó, đừng quá chủ quan với những hành động phóng sanh của mình! Đừng làm theo thị hiếu! Có rất nhiều cách để biểu lộ tâm từ bi của mình, và cái tâm từ bi đó cần phải được cân nhắc thật cẩn thận, kỹ lưỡng trước khi quyết định hành động.

Nếu thật sự tu tập, thật sự muốn cầu Phước hay cầu Giải Thoát gì cũng được cả, cần nhất là phải nên luôn luôn suy tư cho thật cẩn thận để thấy rằng việc của mình làm là một việc làm đúng, chớ không phải làm theo hành động của kẻ khác.

Với vai trò là một thiện tri thức, người xuất gia cần phải giúp cho Phật tử, những người đến chùa, nhận định được những điều mà họ đã làm sai, phải giải thích một cách rõ ràng ý nghĩa của việc phóng sanh. Phật tử tưởng đâu rằng mình làm như vậy là được Phước, nhưng thật sự ra chả được phước nào cả, mà trái lại còn sanh thêm oán thù nữa là vì, vừa thả ra thì có người bắt lại, vừa thả ra là có con vật khác nhào đến nuốt trửng mình, con vật được phóng sanh đâu có hiểu việc gì đã xảy ra, do đó mà Thần Thức trong con vật lại đâm ra oán hờn.

Khi phóng sanh cho một con vật, cũng nên cầu nguyện cho con vật đó tìm được một sự tự do đúng nghĩa, không bị người khác bắt lại hay rơi vào bẫy rập và cầu nguyện cho con vật này, một khi đã thoát khỏi thân xác thú rồi, thần thức sẽ có chút trí huệ mà tìm một nơi thác sanh tốt đẹp.

Chú Vãng Sanh hay Chú Lăng Nghiêm được dùng trong dịp này, Người chủ lễ giúp cho con vật bằng cách trì chú VÃNG SANH cho con vật trước khi đem tự do đến cho con vật đó. Trì chú Vãng Sanh hay trì chú Lăng Nghiêm cũng được, hoặc bất kỳ một câu Thần Chú nào để nó chuyên chở cái tâm ý của người phóng sanh là muốn giúp cho thần thức nằm trong con vật có được chút ít trí huệ để khi bước ra khỏi thân xác thú thì, với chút trí huệ đó, thần thức có thể tìm đường thác sanh, đừng trở vào kiếp thú nữa. Sở dĩ phải bị đọa vào kiếp thú cũng chỉ vì một chữ SI, làm cho đầu óc trở nên tối mò mò, không tìm thấy bất kỳ một chút ánh sáng nào cả, vì vậy phải bước vào thân xác thú mà thôi.

Cho nên, Thầy nhắc lại một lần nữa, việc phóng sanh xem ra dễ nhưng mà khó. Điều khó chính là, nếu người phóng sanh không tư duy, không thấu đáo được ý nghĩa của việc mình làm thì chẳng những không đem lại lợi lạc, mà cũng chả thể hiện được lòng từ bi, lại thêm vô tình tạo nên sân hận với thần thức của con vật được phóng sanh. Do đó, phải vô cùng là thận trọng!

Kính bạch Sư Phụ,

Khi nảy Sư Phụ có đề cập đến “phóng sanh hành động”. Kính xin Sư Phụ từ bi cho con một thí dụ về hình thức phóng sanh này.

Thầy đơn cử một thí dụ sau đây cho con dễ hiểu:

Một người nuôi một con khỉ và dạy cho nó làm trò, nhưng, trong tiến trình tập luyện, họ lại tập cho con khỉ một thói quen là làm trò sau một cái nhói đau, có nghĩa là, muốn cho con khỉ làm đúng ý của người luyện thú, người này bắt buộc phải làm đau con khỉ. Mỗi khi con khỉ cảm thấy đau nhói lên thì nó sẽ làm theo ý muốn của người đó. Thông thường, người luyện thú có một cây roi dài, đầu roi có gắn điện, mỗi khi điểm đầu roi vào bất cứ nơi nào trên cơ thể của con vật, nó sẽ giật bắn lên vì bị chạm điện.

Người tu tập chân chính nhìn thấy cảnh tượng này sẽ phải ngăn cản hành động đó lại và giải thích cho người luyện thú hiểu rằng, việc huấn luyện một con khỉ hay bất kỳ một con vật nào để làm trò theo ý của mình, không nhất thiết phải làm đau con vật. Vẫn có thể huấn luyện nó bằng cách cầm trên tay một cái bánh hay một trái chuối, hoặc bất cứ thức ăn nào mà nó thích, ra dấu cho nó làm trò, khi nào nó làm xong thì thưởng cho nó.

Lần lần tạo cho nó một thói quen và tập cho con khỉ đó làm bất cứ trò gì theo ý của người luyện thú mà không mảy may làm đau con vật.

Con khỉ làm trò là để cho người chủ đó thu tiền của người đến xem, cho nên, không thể nào làm đau con khỉ, dùng cái đau đó mà thu tiền bạc, làm lợi cho người chủ được.

Nếu một người giải thích cho người chủ của con khỉ về hành động của họ hay thậm chí chỉ cho người đó một cách thức để huấn luyện con khỉ làm trò mà không cần dùng đến roi vọt, không cần làm cho con khỉ đau đớn, thì đó là một sự phóng sanh hành động!

Ngoài ra người ta còn có thể làm những hành động nào khác thay vì phóng sanh thú vật như từ trước đến nay, thưa Sư Phụ ?

Phóng sanh thú vật vẫn luôn là một hành động tốt, khi đụng chuyện cần thiết phải phóng sanh thì phóng sanh. Như Thầy đã nói ở trên, phóng sanh là một sự biểu lộ lòng từ bi, do đó, bên cạnh việc phóng sanh còn có vô số việc để cho người tu tập chân chính biểu lộ được cái lòng từ bi của mình.

Những sự đóng góp của mình vào việc chỉ dạy cho những đứa nhỏ mới vừa tập tễnh biết đi, biết nói để giúp cho chúng khép mình vào trong khuôn phép, biết lễ nghĩa, biết những điều tốt đẹp hầu sống xứng đáng với cuộc sống làm người khi chúng lớn lên, đó là cách thể hiện lòng từ bi.

Giúp cho mọi người, từ trẻ đến già, trong mọi hoàn cảnh, thoát được cảnh mù chữ tối tăm, cũng là thể hiện lòng từ bi.

Giúp đỡ cho một người thoát được cơn hoạn nạn, qua cơn phiền não, tìm lại được sự thanh thản của tâm hồn, đó là thể hiện lòng từ bi.

Giúp cho một người hiểu rõ ý nghĩa thâm sâu của một bài Pháp, dẫn dắt cho họ biết tự chỉnh sửa Tâm-Ý-Tánh của mình để họ từ từ thoát ra được bến Mê mà tiến lần đến bờ Giác, đây là một hành động thể hiện lòng từ bi rất cao, đồng thời mang đến nhiều Công Đức.

Giúp cho một người tìm được một phương cách để kiếm sống mà không phải bước vào con đường ăn xin, ăn bám vào kẻ khác, nhất là không trở thành gánh nặng cho bất cứ ai, sống có ích cho Nhân Quần, có lợi cho Xã Hội, đó là một sự thể hiện lòng từ bi.

Giúp cho một người hoàn tất được một công trình, mà công trình đó đem lại lợi ích cho rất nhiều người, đó cũng là cách thể hiện lòng từ bi.

Chăm sóc cho những đứa trẻ tật nguyền, chăm sóc cho những người lớn tuổi, cô thế, không gia đình, không con cái, bệnh hoạn, cũng là thể hiện lòng từ bi.

Tất cả đều nằm trong 2 chữ PHÓNG SANH!

Phóng sanh tức là giải phóng khỏi những sự trắc trở, những khó khăn, những hoạn nạn, những vướng mắc mà người trong cuộc gặp phải, không nhất thiết phải là phóng sanh con vật. Khi nào gặp chuyện, đụng chuyện thì làm, không gặp chuyện, đụng chuyện thì đừng tạo sự cung cầu, chỉ là gây nên một điều tai hại và làm cho những con vật đó phải khổ sở mà thôi, vì một khi mà người bắt chim chặt cánh của những con chim thì có thả nó ra, nó cũng không bay được, nó cũng sẽ bị bắt trở lại và cũng chỉ mang mối lợi đến cho người đã bán buôn nó mà thôi.

Ngay lời giảng đầu tiên, Thầy đã có đề cập đến việc phóng sanh cho Vong Linh. Đây là một vấn đề mà đa số người đời ít khi để ý đến. Thật sự ra, còn sống thì còn linh hoạt, còn tới lui, còn cười nói, còn gây ít nhiều sự chú ý của người chung quanh. Người chết đi rồi, chôn xuống lòng đất rồi, niềm thương nỗi nhớ kéo dài được bao lâu? Xa mặt thì cách lòng, dần dần thì lòng trở nên nguội lạnh từ lúc nào không hay, người đã nằm xuống ít còn được nhắc nhở đến nữa trong đời sống thường nhật, nói chi đến những lời nỉ non, khuyên bảo, dặn dò. Người ta cho rằng: chết là hết, là chấm dứt, không còn dây dưa nữa, người đã chết có cái cõi của họ, và họ sinh hoạt trong cái cõi đó, hoàn toàn không dính dáng đến cõi Đời.

Đây là những tư tưởng rất là nông cạn! Vòng Sanh Tử cứ tiếp tục hình thành, có sanh thì có tử, tử rồi thì lại sanh, tử sanh, sanh tử, triền miên không bao giờ chấm dứt. Do đó, chết không phải là hết, không phải là chấm dứt, mà đó là một sự bắt đầu cho cái sanh kế tiếp. Có điều rằng, bao giờ thì cái sanh mới bắt đầu trở lại? Đó là một sự trở lại tốt đẹp, nhiều hứa hẹn hay đầy thương đau và tràn đầy nước mắt? Thời gian trở lại của cái Sanh có liên quan rất nhiều đến tất cả những hành vi đã gây tạo nên do thân xác khi còn sống. Những hành vi xấu xa, bất thiện, tội lỗi, phi đạo đức sẽ là những rào cản ngăn chận bước tiến của một vong linh, khiến cho vong linh khó lòng cất bước để tìm nơi thác sanh. Vong Linh phút chốc trở thành một vong linh vất vưởng, không thể siêu thoát, không thể tìm ra được nơi thác sanh kế tiếp, nếu trong suốt thời gian 49 ngày không được siêu độ.

49 ngày được gọi là thời gian đặc ân xuất phát từ lòng Từ Bi của Chư Phật và Bồ Tát, xem như cho vong linh một cơ hội cuối cùng để tỏ rõ lòng chân thành tha thiết ăn năn về những sai lầm mà mình đã gây tạo ra khi mình còn hơi thở.

Do đó, Vong Linh rất cần...rất cần thiện tri thức để giúp cho vong linh nhận chân được những sai lầm, những vướng mắc, những tội lỗi, những chấp nê… ngày giờ này tất cả đã kết nối lại một cách chặt chẽ và quấn chặt lấy vong linh khiến cho Thần Thức khó lòng vùng vẫy được.

Phóng sanh cho Vong Linh là giúp cho vong linh tháo gỡ được những sợi dây nghiệp lực quấn chặt chung quanh mình, là giúp cho vong linh nhẹ nhàng cất bước tìm nơi thác sanh kế tiếp. Sống kiếp vong linh lang thang vất vưởng tức là mang cái địa ngục lang thang vất vưởng trên người mình, có đôi khi phải mang cái địa ngục đó đến hàng trăm, hàng ngàn năm mà vẫn không thể nào buông bỏ nó xuống được, tìm đâu ra Thiện Tri Thức giữa cõi âm để giúp cho vong linh trút cái gánh nặng đó xuống?

Giúp siêu độ cho người vừa mới mất (còn trong thời gian 49 ngày) hay thường xuyên tổ chức những buổi lễ cúng cô hồn (không phải đợi đến rằm tháng 7), đó là hình thức Phóng Sanh tốt đẹp nhất, mang đến hiệu quả tích cực nhất cũng như nhiều lợi lạc cho người sống lẫn người chết.

Thầy khuyên nên đọc lại và tư duy thật nhiều bài Pháp Cúng Cô Hồn nếu muốn biểu lộ lòng từ bi của mình một cách tích cực.

Trên đời này có vô số là cảnh huống, giúp cho người ta thoát được một cảnh huống nào, dù nhỏ nhặt, cũng vẫn là một hành động phóng sanh, nó phải đi kèm với lòng từ bi, chớ không phải đi kèm với cái thị hiếu của mình. Nên nhớ rằng, làm bất kỳ một việc gì có tính cách từ bi mà không có một sự rung động chân thành, sẽ không mang lại một phước đức nào cả.

Một hành động nào đó giúp cho một người hoán chuyển được tâm thức của mình và thăng hoa thì mới được gọi là Công Đức; còn làm những việc chỉ để mang đến lợi lạc cho người hay cho chính mình, đó vẫn là một sự hành thiện, mang tính cách Phước Đức mà thôi.

Dù Phước Đức hay Công Đức, trước khi mở rộng lòng từ bi của mình, đều bắt buộc phải tư duy thật là kỹ lưỡng, cặn kẽ và đắn đo, cân nhắc mọi hành động của mình. Tiền bạc, công sức bỏ ra phải được đặt đúng chỗ, đúng việc, đúng người để kết quả mang đến thật là hữu hiệu. Tuyệt đối không làm vì thị hiếu, cũng như không tạo cơ hội cho người trục lợi. Có như vậy việc hành thiện mới thực sự mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.


+ 47