• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Môi Trường

Sep 08 2020
- - -

Kính bạch Sư Phụ,

Có người nêu lên câu hỏi với con rằng, Đạo Phật nghĩ gì về MÔI TRƯỜNG?

Qua sự giảng giải của Sư Phụ về Vô Tình Chúng Sanh, con có lời giải thích cho câu hỏi đó như sau:

Không riêng gì Đạo Phật, đã là con người sống trên quả đất này, bất cứ màu da nào, chủng tộc nào, ngôn ngữ nào cũng đều có bổn phận phải bảo vệ cái môi trường của vùng mình sinh sống, của cái Cõi mà mình đang ở.

Mình chỉ hiện hữu một thời gian ngắn, còn tất cả những sinh vật, những Loài Vô Tình tạo nên cái Môi Trường để bảo bọc, chở che cho con Người thì đã hiện diện từ rất lâu xa. Chúng đã tạo dựng cái Cõi này thì Loài Người không có tư cách gì để phá tác bất cứ cái gì thuộc trong môi trường sống của mình cả.

Kính xin Sư Phụ từ bi bổ túc thêm cho lời giải thích của con.

 

Điều trước tiên Thầy cần phải đề cập đến, chính là ý nghĩa của 2 chữ MÔI TRƯỜNG.

Ý niệm nguyên khởi của môi trường là một nơi nào đó có nhiều người gặp gỡ nhau, tiếp xúc nhau, cùng hoạt động chung với nhau, và cũng có thể cùng chung sống với nhau.

Quả đất chúng ta đang ở là một môi trường vĩ đại, có thể dung chứa nhiều tỷ con người, chưa kể đến loài súc vật. Những con người trên quả đất gồm đủ mọi sắc dân, da trắng, da đen, da nâu, da vàng, da đỏ. Mỗi sắc dân mang một sắc thái riêng biệt về chủng tộc, về ngôn ngữ, về văn hóa, về phong tục tập quán, về trình độ hấp thụ tiến hóa văn minh.

Tuy rằng có sự dị biệt giữa những con người sống trên quả đất, nhưng, tất cả đều có chung một giềng mối về cái ý niệm môi trường.

Đã là con người thì phải hiểu rằng, không khí là quan trọng, con người sẽ không sống được nếu thiếu không khí. Con người cũng sẽ không thể nào tồn tại nếu không có nước uống. Cơ thể không thể nào đứng vững nếu không có thức ăn để nuôi dưỡng nó.

Để có thể dung chứa được hằng tỷ con người, quả đất này bắt buộc phải có đầy đủ 3 yếu tố căn bản là: không khí, nước uống và thức ăn.

Nói một cách nôm na là, con người sống trên quả đất, tùy thuộc rất nhiều vào 3 yếu tố chính yếu của môi trường. Thiếu 1 trong 3 yếu tố này, môi trường sống không thể thành hình, không thể trở thành nơi dung chứa, nơi an trụ bình yên cho con người.

1/ KHÔNG KHÍ : Hệ thống tuần hoàn huyết và hệ thống hô hấp kết hợp chặt chẽ với nhau trong cơ thể con người qua trung gian của không khí được hít vào, nhờ đó mà máu đen được tiếp xúc với oxy trong không khí để trở thành máu đỏ nuôi dưỡng nội tạng cùng tất cả những chức năng khác.

Do đó, không khí hít vào bắt buộc phải là không khí trong lành, không khí sạch, không bị ô nhiễm, như thế mới tránh được việc làm tổn thương nội tạng, lâu ngày có thể gây nên những căn bệnh trầm trọng, ngặt nghèo.

Những nơi có đồng ruộng bao la, vườn tược xanh rì, nhiều núi đồi với cây cỏ xanh um, không khí nơi đó sẽ ít bị ô nhiễm vì được lọc qua bởi cái máy lọc thiên nhiên toàn cây xanh.

Nơi có đông người, khung cảnh chật hẹp, hơi thở do người này thở ra chưa kịp hòa tan trong không khí thì được người khác hít vào. Mỗi khi ách xì nhảy mũi hay khi nói chuyện, những mầm bệnh trong cơ thể của mỗi người cũng theo nước mũi, nước bọt mà văng ra ngoài; những mầm bệnh đó cũng toát ra ngoài qua những lỗ chân lông trên cơ thể, tất cả cũng sẽ hòa tan trong không khí.

Xe hơi, xe gắn máy, tất cả những loại xe phải sử dụng nhiên liệu như xăng, dầu hoặc than, củi đều thải khói vào trong không khí. Càng văn minh tân tiến, nhà máy càng mọc lên như nấm, lượng khói thải ra khi sản xuất càng gia tăng . Không có một loại khói nào tốt cho không khí cả! Tất cả đều gây sự ô nhiễm cho không khí. Ngoài ra còn có nhiều chất hóa học được thải ra không khí trong quá trình sản xuất, ảnh hưởng tai hại đến bầu khí quyển bao bọc chung quanh quả địa cầu.

Nói tóm lại, đời sống vật chất càng lên cao, con người càng gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi, do đó mà con người sẽ càng ngày càng đối diện với nhiều bệnh tật gây ra từ ở sự ô nhiễm của không khí.

2/ NƯỚC UỐNG : Từ thuở sơ khai cho đến tận ngày nay, nguồn nước cung cấp cho nhân loại vẫn là sông ngòi, ao rạch, suối nguồn. Nước từ thượng nguồn đổ xuống đồng bằng, qua đèo, qua thác, vượt rừng, vượt núi; đi ngang qua đâu cũng đem lại niềm vui, nỗi hân hoan cho những con người ở nơi đó. Tiếng thác đổ ầm ầm, tiếng suối chảy khi thì róc rách, khi thì rì rầm, dòng sông chuyển mình vượt qua khe núi, rồi thì hoan hỷ tiến xuống đồng bằng mang theo nhiều phù sa trong suốt cuộc hành trình, giúp cho đồng bằng phì nhiêu hơn, tươi tốt hơn với cây lành, trái ngọt.

Nước cần cho sự sống của con người, không có nước, cơ thể không vận hành được, tất cả nội tạng đều khô héo lại, 70% chất lỏng trong cơ thể chính là nước, không có nước, máu sẽ không hình thành được, và cơ thể cũng đi đến chỗ hủy hoại.

Nước đưa vào cơ thể phải là nước sạch, nếu uống phải nước bị ô nhiễm, chắc chắn nội tạng sẽ gặp vấn đề, cơ thể sẽ phải đối diện với những bệnh tật, có khi người chữa bệnh cũng không tìm ra được đó là bệnh gì?

Nguồn nước không thuộc của riêng ai, do đó không thể ngăn hay rào hoặc chận một khúc sông hay một đoạn suối để làm vật sở hữu của riêng mình.

Một con sông có thể chảy dài qua nhiều vùng khác nhau, thậm chí chảy qua nhiều quốc gia trong suốt hành trình tiến ra biển. Sông chảy qua nơi nào thì nơi đó có nhiệm vụ tu bổ khúc sông đó như vét đáy hay ngăn chận sạt lở. Sông chảy qua nhiều quốc gia, mỗi quốc gia có sông chảy qua đều có quyền sử dụng khúc sông đó trong việc giao thương, đánh bắt thủy sản, vận chuyển hàng hóa và cũng phải tuân thủ những nguyên tắc hay những quy luật được cam kết giữa những quốc gia có con sông chảy qua.

Những quốc gia ở thượng nguồn không thể vì cái thế “thượng phong” của mình mà có những hành động làm giảm lưu lượng của con sông, gây tạo sự khó khăn và thiệt thòi cho những quốc gia ở hạ nguồn, điển hình là việc xây dựng các đập thủy điện quá nhiều khiến cho lưu lượng của con sông trở nên yếu đi khi chảy đến quốc gia cuối cùng ở hạ nguồn.

Như đã nói ở trên, bất kỳ nguồn nước nào trong thiên nhiên cũng đều là của chung, không thuộc của riêng ai, do đó mọi người trên trái đất bắt buộc phải giữ nguồn nước cho sạch. Rác rến đủ loại, đủ hạng không thể nào được thảy bừa bãi xuống ao hồ, sông rạch. Một con suối dù nhỏ, vẫn là nguồn nước cho người lỡ chân, cho những thú rừng. Nếu nguồn nước không được giữ sạch, bệnh hoạn hay thậm chí cái chết đến với người sử dụng nguồn nước đó thì trách nhiệm này thuộc về ai?

Nhà máy gia tăng sản xuất, những chất phế thải thì tống ra sông hồ, biển cả, khí thải thì nhả ra lan tỏa trong không khí, đây rõ ràng là hành động “sống chết mặc ai”, do đó mà nghiệp lực cứ chất chồng, khiến cho những bài học nghiệp lực cứ đến tới tấp trong cuộc sống mà vẫn không nhận chân ra được chúng từ đâu mà tới?

3/ THỨC ĂN : Từ thuở xa xưa, thức ăn chính yếu của con người là rau, củ, quả, hạt. Thiên nhiên là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người. Khi tìm ra được lửa, con người chuyển đổi thức ăn và cách ăn. Thịt động vật bắt đầu xuất hiện trong những món ăn.

Trải qua một thời gian dài, từ lúc con người chỉ biết đem nướng nguyên con thú rừng bẫy được, hay những con cá bắt được và cùng chia sẻ với mọi người trong bộ tộc của mình, đến lúc biết xẻ thịt con thú ra làm nhiều phần để luộc, để nướng, sau đó, con người tiến lần đến việc biết dùng gia vị để ướp thịt, cá… từ đó phát sinh ra không biết bao nhiêu là công thức nấu ăn. Những công thức này biến đổi theo từng vùng, từng miền, từng quốc gia, luôn cả từng phong tục tập quán.

Con người ngày nay tiến đến một nền văn minh vật chất “quá độ”, trí tưởng tượng vô cùng phong phú, nghĩ ra những món ăn rất là độc đáo, đôi khi cũng không kém phần…..ghê rợn!

Con người càng ngày càng có khuynh hướng xa rời cái nguyên tắc căn bản là, ăn để sống, ăn để giúp cho cơ thể khỏe mạnh, chống lại bệnh tật.

Con người ngày nay thích tìm tòi những vật lạ để ăn, vật càng lạ, càng hiếm, càng đắt tiền, người ta càng thi đua nhau, tranh giành nhau để mua ăn cho bằng được. Tất cả đều phụng sự cho thị hiếu nhiều hơn!!

Người đời đã quên rằng, thức ăn càng giản dị, cơ thể sẽ càng dễ dàng hấp thụ. Một tô cháo trắng tiêu hóa nhanh hơn là một tô cháo thịt, nhưng tô cháo thịt sẽ tiêu hóa nhanh hơn tô bún bò!

Người đời thích ăn theo khẩu vị hơn là ăn theo chất bổ dưỡng và cần thiết cho cơ thể, do đó mà sẽ không ngạc nhiên khi bệnh tật cứ tiếp tục gia tăng.

Càng ngày người ta càng chú ý nhiều đến việc ăn uống. Họp mặt nhau mà thiếu ăn uống thì cuộc họp mặt đó sẽ mất đi ý nghĩa. Có ăn thì phải có uống, uống nhiều thì lời ra nhiều, càng nhiều lời thì tự ái càng va chạm, tạo cơ hội cho nghiệp lực phát sinh.

Thầy đã nói qua về cái ý niệm môi trường mà mỗi con người sống trong môi trường, bắt buộc phải tuân hành một cách nghiêm chỉnh những quy luật bảo vệ môi trường. Ai cũng muốn có không khí trong lành để thở, muốn có nước sạch để uống, và muốn có thức ăn hợp vệ sinh để ăn. Tuy nhiên, với bản tánh ích kỷ, hẹp hòi, con người chỉ thích kẻ khác phụng sự cho mình, đòi hỏi kẻ khác phải thi hành luật lệ, nguyên tắc, trong khi mình thì bất cần, cứ tha hồ sống bừa bãi khiến cho gây ô nhiễm không khí, phá hoại nguồn nước sạch khi thẳng tay trút bỏ rác rến, chất độc hại xuống sông hồ, ao rạch, suối nguồn.

Thử hỏi, nếu mình và “kẻ khác” đều cùng nạnh hẹ nhau trong việc bảo vệ môi trường, thì cái môi trường mình sống sẽ trở nên như thế nào?

Hầu hết con người cần phải sửa cái tánh xấu sau đây, đó là Tánh Thiếu Tôn Trọng.

Thiếu tôn trọng đối với bản thân mình, cho nên làm những chuyện tự hủy hoại thân huệ mạng của mình.

Thiếu tôn trọng đối với những người chung quanh mình, vì vậy dễ gây tạo Nghiệp Lực với họ.

Thiếu tôn trọng đối với môi trường sống, cho nên hủy hoại tất cả những sức sống của cái cõi mà mình đang ở.

Do đó, nếu sửa được cái Tánh Xấu này thì có thể làm cho chính bản thân mình, cũng như cho những người chung quanh, và luôn cả cái môi trường sống được cải thiện và tốt đẹp hơn lên.

Sống trong một ngôi nhà mà không chăm sóc ngôi nhà đó để cho nhà dột, cột xiêu, tường loang lổ thì tới một lúc nào đó, chỉ cần một đêm tới sáng là người ở trong ngôi nhà đó sẽ bị chôn sống vì ngôi nhà sẽ sụp đổ, do ở Tánh Bất Cần.

Cho nên phải cẩn thận rất nhiều, tu tập là phải luôn luôn kiểm Tâm, kiểm Ý, kiểm Tánh của mình. Chỉ nên làm những gì mà mình xét ra có lợi cho nhiều người chớ không phải có lợi cho riêng bản thân mình.

Trong một vài trường hợp, lợi cho bản thân mình vẫn được chấp nhận. Chẳng hạn như: tôi phải đốn một khoảnh rừng này để có đất và có cây để cất nhà ở, nếu không thì cuộc sống của tôi sẽ trở nên bất ổn trong khu rừng này. Tôi cũng phải bẫy thú rừng để ăn, nếu không tôi sẽ chết đói.

Nói tóm lại là, để giải quyết những gì rất...rất là cần thiết cho cuộc sống, cho sự sinh tồn thì những lợi lạc riêng tư đều có thể chấp nhận được.

Bắt buộc phải săn thú rừng hay bắt tôm cá để ăn hầu giữ sanh mạng của mình, và với sanh mạng đó, mình có thể làm nhiều điều tốt đẹp, lợi lạc cho người khác, thì việc sát sanh đó vẫn được chấp nhận. Vì sao? Vì đối với một người luôn biết cách làm lợi cho kẻ khác, tức là tâm của họ thiện, ý của họ lành, tánh của họ không dữ dằn, cực chẳng đả họ mới phải vướng vào việc sát sanh, thì họ sẽ biết cách phải làm như thế nào để đối phó với việc sát sanh của mình.

Đối với một kẻ chỉ biết lo cho bản thân mình, lo cho cái hạnh phúc riêng của mình, họ sẽ trở nên bất cần đối với tất cả những gì trong tầm tay của họ, họ có thể phá hủy, họ có thể làm tiêu nát mà không có chút gì ăn năn hối hận.

Cho nên, cũng cùng là 2 hành động, nhưng cái có thể chấp nhận được và cái không thể chấp nhận được. Câu cá hay săn bắn để làm thú tiêu khiển, chặt cây, đốn cây để làm thú vui, tất cả những thứ đó chỉ để phụng sự cho sở thích của mình, nó hoàn toàn thuộc về cái Tánh, mà tất cả những gì phụng sự cho một cái Tánh, đều không thể chấp nhận được.

Đa số Chúng Sanh đều cùng một tư tưởng là “Vật dưỡng Nhơn”, cho nên đã dựa vào câu nói đó để tha hồ làm những điều quấy trá. Nếu để nuôi sống con người, chỉ cần một con cá thôi là cũng có thể giữ được mạng sống của một con người rồi, không cần phải đến cả 10 con hay 20 con hoặc 100 con.

Để trao đổi sản phẩm giữa các vùng với nhau trong một nước, hay giữa quốc gia này với quốc gia kia, các thủy sản đánh bắt được phải có một kích thước quy định với những cái lưới đúng cỡ kích, không thể nào “thượng vàng hạ cám”, lớn nhỏ đều bắt hết, rồi sau đó, chỉ giữ lại con lớn, còn con nhỏ thì để sang bên, đến khi nhìn lại thì đã không còn sống nữa rồi, lại trút bừa xuống sông, xuống biển những tôm cá chết, làm ô nhiễm sông ngòi, ao rạch hay biển cả.

Để giữ mạng sống của mình, có rất nhiều cách chớ không nhất thiết phải là đi săn bắn một cách bừa bãi từ thú nhỏ tới thú lớn.

Chúng sanh đã quên rằng, tất cả loài thủy tộc cũng như thú rừng đều dung chứa thần thức. Những thần thức này vì tạo nghiệp quá nặng nề khi còn thân xác Người, nên phải nhận chịu kiếp đọa đày trong thân xác thú. Việc sát sanh sẽ gây tạo một nghiệp sát với những thần thức này, và rồi cái vòng lẩn quẩn về nghiệp lực cũng sẽ không bao giờ chấm dứt.

Tóm lại là, sống mà thiếu tôn trọng đối với cái môi trường của mình và bất cần những sinh vật ở chung quanh mình, đó là một sự ích kỷ, chỉ biết bản thân mình mà không bao giờ biết đến những kẻ khác và xem cỏ cây hoa lá như là những vật mà mình có thể đoạt lấy, vì vậy mà bất cần.

Sống là phải để ý từ chút một, như vậy mới tôi luyện được cái tánh của mình. Nếu không để ý sẽ khó lòng cải sửa những tánh xấu và vun bồi những tánh tốt. Cho nên, sống trên cõi đời, cái gì cũng phải “ghé mắt” tới, cái gì cũng phải biết lắng nghe, cái gì cũng phải biết phân tích.

Đừng nghĩ rằng tôi làm đau lòng một con NGƯỜI, đó mới là việc đáng nói, nhưng, nếu tôi làm đau lòng một con vật, tôi làm đau lòng những cây cỏ thì tôi tha hồ muốn làm gì cũng được cả hay sao? vì tôi đâu có nghe tiếng rên siếc đối lại?

Với một con vật, nếu tôi làm đau nó, tôi còn nghe được tiếng rên la của nó, nhưng đối với cỏ cây hoa lá, nếu tôi vùi dập nó, tôi đâu có nghe được tiếng rên siếc của nó, đối với những côn trùng nhỏ nhặt, nếu tôi đạp lên nó, tôi chà lên nó, tôi đâu có nghe được những tiếng rên la của nó. Do đó, đừng tưởng rằng một khi tôi không nghe được thì tôi tha hồ muốn làm gì thì làm.

Tất cả những thứ đó không tạo cho tôi một nghiệp lực, nhưng nó tạo cho tôi một tánh xấu và nó không vun bồi được những tánh tốt của tôi. Một khi nó đã tạo cho tôi một tánh xấu rồi thì với cái tánh xấu đó, tôi sẵn sàng để có thể dễ dàng tạo nghiệp lực với tất cả những đồng loại của tôi. Nếu tôi biết vun bồi những tánh tốt, tôi sẽ có dịp để làm cho người tôi được thăng hoa.

Cho nên, loài vô tình không giống như hữu tình biết rên siếc, biết phản ứng, nhưng, trong tiềm tàng của loài vô tình đã là đầu mối để cho loài hữu tình tạo hay không tạo nghiệp vì nó ảnh hưởng ở cái Tánh rất ...rất là nhiều.

Một người đứng trước một cảnh vật hữu tình với cây cối xanh tươi, tràn đầy sức sống, tâm người đó rung động và tán thán vẻ đẹp của thiên nhiên, ý tưởng từ đó cũng phát sinh và tạo nên một sự nhẹ nhàng, thơ thới trong lòng. Người đó biết hòa hợp với thiên nhiên, với tất cả loài vô tình ở chung quanh đó và tạo nên một sự hoan hỷ vượt lên cao. Như vậy, những tánh xấu của họ không thể nào phát sinh được, và từ tâm rung động đưa đến một ý tưởng rạt rào, họ sẽ cảm thấy một sự phơ phới nhẹ nhàng và sự dịu dàng cũng sẽ nảy sinh ra.

Nếu ngược lại, người đó đứng trước một khung cảnh mở rộng, vô cùng đẹp đẻ, nhưng lại mang một tánh hung hãn trong người, không tôn trọng vẻ đẹp của thiên nhiên, bứt cái hoa này, liệng cái hoa kia và phá hủy một công trình hòa hợp của thiên nhiên; hành động của người này sẽ làm cho loài vô tình chung quanh đó nổi lên sân hận, đây là một điều ít ai để ý đến. Khi thiên nhiên đã nổi lên sân hận thì bản thân của người đó sẽ phải chịu nhiều điều không hay, vì cái sân hận của thiên nhiên tác động một cách mãnh liệt vào người đã gieo sự sân hận cho thiên nhiên.

Cây cỏ vẫn luôn muốn sống, nó vui được, nó buồn được, tức là nó vẫn có thể sân được!

Con không rõ lắm nhưng con chưa từng nghĩ qua là nó phức tạp đến như vậy.

Đây là Thầy bước vào một khía cạnh khác của vô tình chúng sanh!

Vô tình chúng sanh không thể hiện được những tình cảm của mình như là của hữu tình chúng sanh, nhưng một tác động tiềm tàng từ cái sân hận của vô tình chúng sanh vào hữu tình chúng sanh, sẽ khiến cho hữu tình chúng sanh giao động và không tìm thấy được một sự bình an. Từ xưa đến nay, gần như không ai hiểu được cái tính cách đặc biệt này của Vô Tình Chúng Sanh. Thầy cố gắng để cắt nghĩa cho con hiểu được phản ứng của vô tình chúng sanh trước sự hung hãn của loài Người.

Một vùng nào đó đang xanh tươi tốt đẹp, bỗng nhiên có người đến làm những hành động chặt phá, hủy hoại, đào xới, tức khắc người đó sẽ nhận chịu một kết quả là, kể từ khi người đó có hành động sai trái, họ sẽ lần lượt gặp muôn điều trắc trở trong mọi dự tính của họ.

Theo con thấy thì điều đó thiên về bài học nghiệp lực của chúng sanh đó do cái Tánh của họ chiêu cảm, hơn là cái phản ứng của Vô Tình Chúng Sanh.

Đây chính là tầm ảnh hưởng của phản ứng của vô tình chúng sanh vào cuộc sống của con người đã hành xử những điều không tốt đẹp đối với vật vô tri. Điều này vô cùng tế nhị! Thông thường, khi một người gặp chuyện không Lành xảy tới, ít ai để ý đến mà đặt câu hỏi rằng: tại sao nó xảy tới? Xảy tới từ ở đâu? Người đời chỉ cho rằng mình xui xẻo nên gặp chuyện không hay.

Thầy đã có giải thích qua về sự tương quan giữa từ trường của con người và từ trường của vô tình chúng sanh.

Trở lại với cái thí dụ: một người cầm cây kéo cắt một cành hoa, cắt một cái lá, nhưng với một tâm tình bực dọc, không vui và sau đó trút hết niềm sân hận của mình vào trong cái cây. Thời gian không lâu, sẽ thấy cái cây càng ngày càng héo úa. Nếu người đó cắt một cành hoa, cắt một cái lá với tất cả sự hoan hỷ, sự vui tươi và có đôi lúc lại tỏ sự biết ơn là cây đã cho ra lá, ra hoa thật đẹp, thì cái cây sẽ càng ngày càng đẹp ra. Đó là một sự giao cảm giữa 2 từ trường.

Do đó, một hữu tình chúng sanh mang một cái Tâm không Lành, một cái Ý không Thiện, một cái Tánh hung hãn, đứng trước một cảnh vật thiên nhiên, nếu người đó không làm điều gì hết thì không sao, nhưng, nếu người đó làm những điều có hại cho cảnh vật thiên nhiên đó, họ sẽ nhận được một sự hồi đáp của cảnh vật thiên nhiên mà ngay chính bản thân họ cũng không biết được rằng, đó là từ ở cảnh vật thiên nhiên mà mình đã đối xử không tốt đẹp.

Cho nên tu tập giúp cho mình hiểu rõ được vai trò của Con Người sống trên trái đất, cũng như hiểu được sự tương quan giữa Con Người với tất cả mọi loài, từ vật bất động cho đến vật động đậy được. Đừng nghĩ rằng đây là vật bất động cho nên không có sự tương quan, nó bất động là tại vì mình không thấy được sự động đậy của nó, chớ không phải vì nó không nhúc nhích được.

Chúng Sanh trong vùng cai quản của Chư Thần bao gồm từ loài người đến loài thú, cũng kể luôn cả núi rừng, cỏ cây, hoa lá, sông ngòi, ao rạch, suối nguồn, biển cả. Chư Thần còn phải hành xử lòng từ mẫn với tất cả chúng sanh hữu tình lẫn vô tình, huống hồ gì con người đối với những vô tình chúng sanh thì cũng vẫn phải có một Tấm Lòng, chớ không thể nào thờ ơ lãnh đạm được.

Vô Tình chúng sanh đã đóng góp rất là nhiều trong cái cấu trúc của môi trường sống.

Để có không khí trong lành hít thở được, bắt buộc phải có sự hiện diện của “cây xanh”. Chu trình hô hấp của loài người là hít vào khí oxy và thở ra thán khí C02, trong khi chu trình hô hấp của cỏ cây, hoa lá thì ngược lại, trong ban ngày, hít vào thán khí (khí C02) và thở ra khí oxy. Nhờ một chu trình hô hấp như vậy mà cây xanh mới giúp cho không khí loại bỏ được những chất không tốt thoát ra từ hơi thở con người, từ xe cộ, từ nhà máy sản xuất, từ những hoạt động trong đời sống con người.

Để có được nước sạch, trong lành uống được, từ thuở xa xưa, con người vẫn dùng cách lọc nước qua than, sỏi, cát để gạn lọc những chất cặn bã trong nước và cách lọc đó vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay, dù rằng đã được thay đổi dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng nguyên tắc vẫn không có gì thay đổi.

Cho đến ngày hôm nay, con người đang ở trên đà văn minh tiến hóa, con người vẫn chưa có thể tìm được nguồn cung cấp thức ăn nào ngoài nguồn cung cấp của ao hồ, sông rạch, biển cả. Gia súc hay thú rừng hoặc thú nuôi cũng vẫn phải cần đến thức ăn từ cây cỏ rất nhiều.

Nói lên điều này để cho người đời thấy được tầm quan trọng của loài vô tình, chúng thật sự góp phần không nhỏ vào cái môi trường sống của loài người. Do đó đừng thờ ơ, lãnh đạm và nhất là xem thường sự hiện diện của tất cả những gì thuộc về loài vô tình. Loài người đã không chùng tay chặt phá cây rừng, đã không ngừng làm ô nhiễm sông ngòi, ao rạch, suối nguồn, biển cả. Không phải chỉ có loài thủy sản mới bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm, loài người khi ăn những thủy sản bị ô nhiễm, vẫn gặp những phản ứng có thể đưa đến cái chết được.

Bầu khí quyển càng ngày càng nóng lên do từ những chất độc thải ra từ các nhà máy sản xuất. Đời sống vật chất càng lên cao, nhu cầu đòi hỏi ngày càng nhiều, những phát minh đáp ứng nhu cầu càng tới tấp, nhà máy sản xuất hoạt động không ngừng, không khí cứ tiếp tục hấp thụ những chất độc hại thải ra, con người thì không ngừng hủy hoại cây xanh, phá rừng để thỏa những lợi ích riêng tư của mình.

Con người hằng ngày cứ hít thở không khí chứa đầy chất độc hại vì thiếu cây xanh để lọc, do đó bệnh hoạn triền miên, đôi khi cũng không biết tại sao mình bị bệnh? Và cũng không định được đó là bệnh gì? Hơi thở người có bệnh mang nhiều mầm bệnh lan tỏa trong không khí, rồi thì cái vòng lẩn quẩn, người này hít hơi thở của người kia, người kia hít hơi thở của người nọ, cứ như thế mà bệnh tật sẽ không ngừng truyền cho nhau.

Một ngày nào đó, không khí sẽ không còn đủ trong lành để hít thở nữa, loài người sẽ phản ứng ra sao? Chắc chắn rằng vẻ kinh hoàng sẽ hiện lên trên gương mặt của mỗi người khi mà hơi thở của mình bỗng trở nên vô cùng khó khăn.

Bên cạnh đó, nước sạch cũng không còn để uống vì đã bị ô nhiễm trầm trọng; những nguồn nước đã bị ô nhiễm thì tránh sao cho khỏi những loài thủy tộc sống trong những nguồn nước đó?

Loài người thấy rằng mình vẫn còn những đặc quyền, đặc lợi, cho nên đã vô cùng hờ hững với 2 chữ môi trường, tự cho rằng đó không phải là phần việc của mình, mà là việc của người lãnh đạo quốc gia !

Đây là ý tưởng hoàn toàn sai lầm!! Tất cả những tác động của môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cá nhân sống trong môi trường. Trái đất đang dung chứa hằng mấy tỷ con người hiện nay, đó là một môi trường vĩ đại mà bất cứ một cá nhân nào (không phân biệt màu da, chủng tộc) cũng đều có bổn phận và trách nhiệm gìn giữ phần môi trường mà mình đang sống, không đùng cho bất cứ ai, cũng không nạnh hẹ cho ai cả.

Người tu tập chân chính lại càng không bao giờ thờ ơ lãnh đạm với bất kỳ một khung cảnh nào, một hoàn cảnh nào hay một đối tượng nào, vì sao? Vì người tu tập chân chính có một trí huệ phát sinh, thì phải dùng trí huệ đó để soi sáng tất cả những gì mà mình thấy, mình nghe, mình biết, mình sờ mó được.

Tu tập là để cho thần thức trong cái Linh Hồn của mình được thấu đáo tất cả mọi việc, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ vật bất động đến vật động đậy, tất cả mọi thứ đều phải thấu đáo rõ ràng để tôi luyện cái thần thức đó, một mai khi đã bỏ thân xác rồi thì thần thức đó mới đúng nghĩa của cái tên THẦN THỨC. Như vậy, cái thần thức đó mới có thể thăng hoa một cách dễ dàng được.

Sống mà hờ hững với cái thần thức của chính bản thân mình, không lợi dụng những giờ phút còn hơi thở, còn tư duy, còn hiểu được, phân định được đúng sai, nên hay không nên, để mà tôi luyện cái thần thức của mình, thì khi đã lìa bỏ thân xác rồi, việc tôi luyện thần thức sẽ là một điều không thể nào thực hiện được.

Cho nên, sống trên cõi Đời là phải hiểu rõ một cách thấu đáo mọi việc từ căn bản. Mình đã biết mình từ đâu đến? Mình học hỏi được gì nơi cõi tạm dung này? Bổn phận của mình đối với môi trường sống phải như thế nào? Mình phải gìn giữ môi trường đó ra làm sao? Không phải chỉ riêng có mỗi mình ta, mà còn biết bao nhiêu người sắp sửa đến. Phá hủy môi trường ngày hôm nay, lấy cái gì làm nơi trú thân cho người sắp đến?


+ 51