• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Cốt Tủy Của Kinh Lăng Nghiêm

May 07 2017
Kính Mừng Phật Đản Kính Mừng Phật Đản

Phật Thích Ca! Phật Thích Ca!
Ánh Đạo Từ Bi Ngài gieo rắc
Dắt dìu Nhân Loại khỏi Bến Mê
Chúng con cúi lạy ơn Từ Phụ
Muôn đời ghi khắc Nghĩa Thâm Sâu

Kính bạch Sư Phụ,

Khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, Ngài đã huyền ký rằng: Kinh Lăng Nghiêm sẽ mất trước, Chúng Sanh sẽ không còn biết đến Kinh Lăng Nghiêm nữa. Từ trước đến nay, đa số các Phật Tử tại gia đã gặp nhiều khó khăn trong việc thấu đáo nghĩa Kinh. Kính xin Sư Phụ từ bi giảng một cách rất bình dị cái cốt tủy của Kinh Lăng Nghiêm để hàng đệ tử chúng con dễ dàng thấu hiểu và thâm nhập.

Vì sao có Kinh Lăng Nghiêm? Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết Kinh Lăng Nghiêm nhân việc Ngài A Nan gặp nạn, mà nạn tai đó lại mang một tính cách có vẻ hơi huyền bí.

Mọi người sống trên cõi Đời, tầm nhìn của mình về mọi vật hay mọi sự việc chung quanh mình chỉ được tới cái khoảng cách mà mắt của mình có thể thấy được, lỗ tai của mình có thể nghe được, mũi của mình có thể ngửi được cái mùi và khi mình có thể sờ mó, nắn bóp được bất kỳ một cái gì, tức khắc mình sẽ cho là vật đó hiện hữu. Những gì mà mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, khó lòng sờ mó được, chắc chắn rằng nó sẽ bị loại ra ngoài cái danh sách CÓ, tức là không hiện thực!

Kinh Lăng Nghiêm xác nhận cho mọi Chúng Sanh hiểu rằng: sống trên cõi Đời, ở trên cõi Ta Bà này, mình không đơn thân độc mã để sống đâu, mà mình sống chung đụng với tất cả mọi loài. Những loài nào mà mình có thể nhận biết được qua giác quan của mình thì mình cho là hiện hữu. Những loài nào mà giác quan của mình không nhận ra hay không thể nhận ra, sẽ được mình cho là không hiện hữu. Vì mình không nhận thức được nó nên cho rằng nó không CÓ, chớ không phải rằng nó không có mặt trên cõi Đời này.

Tất cả mọi loài dù là Hữu Hình hay là Vô Hình cũng đều có cùng một cách sống như nhau, và vấn đề chánh yếu là cùng bị chi phối bởi nghiệp lực. Nghiệp lực không phải chỉ xảy ra cho riêng con Người bằng xương bằng thịt, có tiếng nói, có sự suy tư, mà tất cả mọi Loài hiện diện trên cõi Ta Bà đều bị chi phối bởi nghiệp lực; một khi đã nhận lấy một nghiệp lực thì phải đi kèm với sự trang trải nghiệp lực.

Việc một người (thuộc loài Hữu Hình) bị một loài Vô Hình tấn công, điều đó không phải rằng tự nhiên mà xảy ra, cũng vẫn là bị chi phối bởi nghiệp lực, có điều rằng, vì con người không nhận thức được loài Vô Hình, cho nên không thể nào tránh né được sự tấn công, cứ phải đưa lưng, đưa thân ra mà hứng chịu.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã dùng rất nhiều lời để cắt nghĩa cho Chúng Sanh của cõi Ta Bà hiểu được ý của Ngài qua Kinh Lăng Nghiêm. Tuy rằng lời Kinh hơi dài dòng, khó hiểu, ý chánh vẫn là: dù cho Hữu Hình hay Vô Hình, tất cả mọi loài trên cõi Ta Bà đều bị chi phối bởi Nghiệp Lực và được hành xử bởi nghiệp lực.

Ngài thương xót Chúng Sanh chưa đủ Trí Huệ để có thể soi thấu được kẻ nào đã tấn công mình, cho nên Ngài mới có những câu Thần Chú để giúp loài Người chống trả lại với loài Vô Hình khi bị tấn công. Ngay cả Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cũng như một số các vị Phật và Bồ Tát khác cũng đã cho những câu Thần Chú rất là diệu dụng để dùng trong những trường hợp bị tấn công. Tuy nhiên, vấn đề chánh yếu không nằm ở những câu Thần Chú.

Nếu nói rằng Chúng Sanh phải đối phó với những loài Vô Hình thì Chúng Sanh phải hiểu rằng: tự trong bản thân mình đã có vô số loài Vô Hình, hằng ngày, các loài Vô Hình này đã tấn công mình liên tục không nương tay; chúng dằn vật mình, chúng cấu xé mình, chúng làm cho mình đau đớn, đôi khi đi đến chỗ mờ hẳn luôn Trí Huệ, thế mà Chúng Sanh đâu có tha thiết đến, chỉ nghĩ toàn những việc trên trời hay dưới đất, trong khi ngay chính trong bản thân mình, hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây, các loài Vô Hình cứ thi nhau hoành hành, công phá. Nó xé nát tâm can mình, nó hành hạ cho đến khi mình ngã gục, không còn hơi thở nữa. Mình chấm dứt cuộc đời, bọn chúng thì ung dung và chờ đợi tái diễn trò chơi trong một thân xác mới. Điều đau đớn nhất của một Chúng Sanh là, cho đến khi ngã gục, Chúng Sanh đó cũng vẫn không nhận ra được loài Vô Hình nào đã đánh phá, đã tấn công mình?

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã vạch rõ cho Chúng Sanh thấy cái loài Vô Hình mà Chúng Sanh đã cực nhọc ngày đêm chiến đấu không ngừng nghỉ, đó chính là những MA CHƯỚNG của mình. Tại sao lại gọi bọn chúng là MA? Mà những Ma Chướng này từ đâu mà tới? Thực chất của chúng là cái gì? Tại sao chúng lại trụ trong bản thân của mỗi Chúng Sanh?

  • Sở dĩ gọi chúng là MA vì Chúng Sanh đâu có thấy được mặt của chúng nó.
  • Những Ma Chướng này đã dính chặt với Thần Thức của mỗi Chúng Sanh. Chúng hiện diện ở bất cứ thân xác nào của Thần Thức và ở bất cứ nơi đâu của cõi Ta Bà.
  • Thực chất của chúng chính là những Tánh Xấu của mỗi Chúng Sanh. Chúng bám chặt trên bản thân của mỗi Chúng Sanh để mới có thể dễ dàng quậy phá và hoành hành cho đau đớn được.
  • Tánh THAM thì có con Ma Tham.
  • Tánh HUNG HĂNG thì có con Ma Hung Hăng.
  • Tánh THỊ PHI thì có con Ma Nhiều Chuyện, miệng rất rộng.
  • Tánh THÍCH GIẾT NGƯỜI thì có con Ma Sát, lúc nào cũng cầm dao vừa dài, vừa bén.

Bên cạnh đó còn có vô số các con Ma khác: nào là con Ma Ganh Tị, con Ma Đố Kỵ, con Ma Sân Hận, con Ma Lường Gạt, con Ma Bất Lương v.v… một Đạo Quân Ma vô cùng hùng hậu, lúc nào cũng tuốt trần khí giới và sẵn sàng tham chiến. Chúng Sanh không thấy được mặt của các con Ma này, nhưng khi nó hành động thì dễ dàng nhận được tên của nó.

Nếu Chúng Sanh ngồi suy gẫm lại, viết ra hết những Tánh Xấu của mình một cách rất chân thành không dấu diếm, mình viết để mình đọc chớ không phải đưa cho ai đọc cả để phải nói rằng tôi mắc cỡ, Chúng Sanh khi đó sẽ nhận xét rằng: Đạo Quân Ma trong người tôi sao mà đông quá! Nếu bây giờ tôi không thẳng tay đánh gục nó thì trong tương lai, bọn chúng sẽ lớn mạnh, đến lúc đó chúng khó lòng nhường cho tôi con đường SỐNG. Mà nếu tôi có chết đi, bọn chúng cũng đâu có để cho tôi được yên thân. Thân xác tôi chết nhưng Linh Hồn tôi vẫn không hoại, bọn chúng vẫn bám sát vào Linh Hồn tôi để tiếp tục hành hạ bất cứ cái thân xác mới nào mà Linh Hồn tôi an trụ.

Thầy đã nhắc nhở rất nhiều lần, trong 49 năm nói Pháp, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật luôn luôn xoay quanh chỉ có Tâm - Ý - Tánh mà thôi. Ngài dạy cho Chúng Sanh hiểu được “CÁI GIÁ TRỊ CỦA MỘT TÁNH XẤU”! Chính nó đã làm cản trở sự Thăng Hoa của một Chúng Sanh.

Cái Đạo Quân Ma này vô cùng kinh khủng! Từ Ma nhỏ cho đến Ma lớn, từ Ma dữ cho tới Ma hiền, đầy đủ không thiếu một tên nào. Hằng ngày, hết con Ma này tới con Ma kia, thay phiên nhau mà quậy nát cái Tâm Thức của mình; mà cái Tâm Thức, cái Ý Thức lại dính liền với Thần Thức của mình, dính liền với sự Thăng Hoa của mình. Cho nên rõ ràng là mình đi xuống, càng ngày càng tuột dốc chớ không có đi lên. Chính vì vậy mà mới đặt ra vấn đề siêu độ 49 ngày, đó chính là cái Đặc Ân của Chư Phật và Bồ Tát để cứu giúp một Thần Thức, hằng ngày luôn bị vây chặt bởi những Ma Chướng của mình. Nghiệp lực của một Chúng Sanh cũng góp phần vào việc tăng cường cái sức mạnh của Đạo Quân Ma này. Tùy theo nghiệp lực ở vào loại nào mà con Ma ở loại đó sẽ mọc nanh, mọc vuốt.

Con cứ tưởng tượng đi, nếu một Chúng Sanh phải đối phó với chỉ 5 nghiệp lực thôi, Thầy đưa ra một con số rất khiêm nhường, 5 nghiệp lực này đều có sự hỗ trợ của mỗi con Ma đồng loại với đầy đủ nanh, vuốt. Nếu chúng tập hợp lại và đồng loạt tấn công thì còn gì cái Ngũ Tạng của Chúng Sanh đó. 5 cái Tánh Xấu đi kèm với 5 nghiệp lực triển khai, chắc chắn rằng Chúng Sanh đó sẽ khó lòng tìm thấy được những ngày vui đúng nghĩa của cuộc đời. Tụng một cuốn Kinh mà không hiểu được cái thâm sâu ẩn tàng trong cuốn Kinh đó, thì sẽ không thể nào giải quyết được những vướng mắc mà mình ôm ấp trong lòng.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã huyền ký rằng: sau này, thời Mạt Pháp, quyển Kinh Lăng Nghiêm sẽ mất trước. Theo ý của con thì tại sao sự việc này lại xảy ra?

Kính bạch Sư Phụ,

Con xin trình bày ý của con như sau: tại sao lại có thời Mạt Pháp? Đó chính là cái thời kỳ mà Chúng Sanh không còn chú trọng đến việc giùi mài cái Tâm, cái Tánh của mình nữa. Một khi đã không còn kềm chế được cái Tâm, thả lỏng cái Tánh của mình để cho nó buông lung thì Ma Tâm, Ma Tánh của mình sẽ tha hồ mà chạy cùng đường. Khi đó, lời dặn dò dạy bảo trước kia của Đức Bổn Sư đã bị bỏ ngoài tai, không còn được Chúng Sanh ghi nhớ và giữ gìn, do đó chẳng khác nào Kinh Lăng Nghiêm đã mất.

Ý của con khá lắm! Kinh Lăng Nghiêm mất, không có nghĩa là cuốn Kinh đó mất hay bị hủy hoại đi mà là Ý KINH MẤT, vì sao? Vì Chúng Sanh đã không còn nắm vững được cái cốt tủy của lời Pháp của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Một khi vẫn còn nắm vững được cái cốt tủy của lời Pháp thì Chúng Sanh đã kịp thời sửa Tâm, sửa Tánh của mình rồi, đâu đến nỗi tạo tác quá nhiều khiến cho nghiệp lực chất chồng, sân hận lên ngút trời, Chúng Sanh khó tìm được sự An Bình đúng nghĩa trong cuộc sống. Lời căn dặn của Đức Bổn Sư đã không còn được để ý đến nữa, Chúng Sanh sống một cách buông thả, thiếu giới luật cho bản thân mình. Giới luật cho bản thân mình là cái gì? Đó chính là cái kỷ luật tự giác mà mình đặt ra cho mình, tất cả những kỷ luật đó sẽ không khác một hàng rào ngăn chận hết tất cả sự xâm nhập của những Ma Chướng. Sống có giới luật thì đương nhiên cuộc sống sẽ không buông lung, sống có quy củ đâu vào đó, không có việc thả lỏng, buông trôi, thiếu kiểm soát thì sẽ không lo sợ có kẻ trộm vào nhà. Nếu mỗi đêm trước khi đi ngủ, mình đều coi sóc nhà cửa, xem lại ổ khóa, kiểm soát lại bếp núc, lửa củi, vòi nước v.v… giấc ngủ của mình chắc chắn sẽ được an ổn, yên giấc.

Nếu mình sống buông thả, bỏ trôi, bỏ mặc, cứ để cho mọi việc ra sao thì ra, không có quy củ thì khi có kẻ trộm vào nhà hay nhà có lửa cháy, ngập lụt, tất cả đều là do ở chính mình mở ngõ để cho mọi tai ương tiến vào chớ không ai làm ra cả.

Kinh Lăng Nghiêm không bị hủy hoại mà chính là cái Ý KINH đã bị Chúng Sanh quên khuấy đi; Chúng Sanh càng ngày càng xa rời cái Ý Kinh, đến độ không còn nhớ được Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói điều gì trong quyển Kinh đó, cho nên: KIỂM SOÁT TÁNH - KIỂM SOÁT Ý - KIỂM SOÁT TÂM CHÍNH LÀ CÁI CỐT TỦY CỦA CÁI ĐẠO MÀ ĐỨC BỔN SƯ ĐÃ ĐƯA RA.

Ngài đã nói biết bao nhiêu lời Pháp nhưng chỉ xoay quanh có Tâm - Ý - Tánh mà thôi. Vì vậy Chúng Sanh phải hiểu rõ điều đó; Chúng Sanh nào hiểu được cái cốt tủy, còn giữ gìn được cái cốt tủy thì sẽ có nhiều cơ hội để Thăng Hoa. Chúng Sanh sống buông lung, không để ý, sống bất cần thì việc đối diện với một tương lai nhiều trắc trở với nghìn muôn sầu thảm, là một điều hiển nhiên và tất yếu đối với một Vong Linh không siêu thoát.

Kính bạch Sư Phụ,

Kính xin Sư Phụ từ bi giảng về cái công năng của Chú Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm giúp cho người tu tập kiểm Tâm - Ý - Tánh như thế nào?

Đây là Chú Lăng Nghiêm:

Tiếng Việt: Án! A na lệ, tỳ xá đề, bệ ra bạt xà ra đà rị, bàn đà bàn đà nể, bạt xà ra bán ni phấn, hổ hồng đô lô ung phấn, ta bà ha.

Tiếng Phạn: Om! Anale anale, visada visada, bandha bandha, bandhani bandhani, vaira vajyra-pani phat, hum bhrum phat, svaha. (Phạn ngữ)

Phiên Âm Tiếng Việt: Ưm, a na lê a na lê, vi za đa vi za đa, banh đa banh đa, banh đa ni banh đa ni, va y ra va chi ra pa ni phách, hum bơ rưm phách, xóa ha.

Ấn: tất cả những ngón tay xếp xuống, ngoại trừ ngón út, 2 ngón út đâu lại.

 

 

Chú Lăng Nghiêm là câu Thần Chú vô cùng quan trọng. Công năng tuyệt vời của câu Thần Chú này vừa tác động lên NGƯỜI mà cũng vừa giúp cho Thần Thức bị đọa vào Súc Sanh có được chút Trí Huệ lóe sáng để nhận chân ra được cái Địa Ngục đang vây chặt lấy mình, chính là cái thân xác thú.

1- Đối với Súc Sanh:

Chú Lăng Nghiêm nếu được trì hằng ngày và hồi hướng cho Pháp Giới Chúng Sanh, nhất là cho những con vật, con thú mà người hành trì gặp thường xuyên mỗi ngày, sẽ giúp cho Thần Thức của những con vật đó lóe sáng lên chút ít Trí Huệ; nhờ đó mà Thần Thức nhận chân ra được mình đang bị đọa trong thân xác thú, Thần Thức khởi tâm Sám Hối về Nghiệp Chướng mình đã gây tạo. Từ từ, khi thân xác thú này hoại đi, Thần Thức thoát khỏi thân Súc Sanh, sẽ theo Nghiệp Lực kế tiếp của mình mà đi, chớ không phải đi vào một thân xác thú khác nữa.

Chú Lăng Nghiêm cần nên gia trì càng nhiều càng tốt, thường xuyên mỗi ngày, trước cảnh thiên nhiên: sông hồ - biển cả - rừng núi - đồng bằng để tất cả những loài súc sanh, côn trùng ở trong vùng đất đó đều nghe được, kết quả sẽ rất là tốt đẹp; phước báu, công đức mang đến cho người hành trì sẽ vô lượng vô biên.

Nếu trì trong nhà, nên hồi hướng kèm với lời nguyện như sau:

Công đức trì Chú này xin được hồi hướng cho tất cả những loài vật sống ở chung quanh nơi đây, những con trùng, con dế, loài sâu bọ, loài bò sát, những con chim, con cá (nếu ở gần sông hồ, biển cả…), những loài thủy tộc, con vịt, con gà, con chó, con mèo v.v… Xin nguyện cầu cho Thần Thức của các loài vật này có được chút Trí Huệ, khi bỏ thân xác thú, biết tìm được đường thác sanh làm Người, gặp được Thiện Tri Thức dẫn dắt, cải sửa Tâm Tánh hầu tìm được một cảnh giới thác sanh tốt đẹp hơn.

Nam Mô A Di Đà Phật tác đại chứng minh!

Súc Sanh trên cõi Ta Bà trùng trùng điệp điệp. Chúng Sanh chỉ biết hằng ngày sát hại chúng và ăn thịt chúng. Chúng Sanh quên một điều rằng: trong bất kỳ loài Súc Sanh nào, cũng đều dung chứa 01 Thần Thức bị đọa!

Đôi khi Chúng Sanh ăn phải một Súc Sanh mà Thần Thức ở trong đó lại chính là thân nhân ruột thịt của mình, thần thức đó bị đọa vào Tam Đồ mà có ai trong gia đình hiểu biết được hay không? Đừng vội nghĩ rằng: thân nhân của mình hiện đang ở cõi Phật, hoặc cõi Trời hay cũng đã trở lại kiếp Người rồi. Chỉ khi nào chính tay mình siêu độ cho thân nhân, với tất cả lòng tha thiết, tình thương yêu dạt dào, mình mới có thể cảm nhận được thân nhân ruột thịt của mình có siêu thoát được hay không?

Chúng sanh ăn cái thân xác của một Súc Sanh, nhưng cũng nên giúp cho Thần Thức của Súc Sanh đó được siêu thoát để có cơ hội trở lại kiếp Người, dù rằng vẫn còn bị chi phối bởi Ác Nghiệp mình gây tạo, song, với cái thân xác Người, mới mong có được cái duyên may gặp được Thiện Tri Thức giúp đỡ, chỉ dẫn để hướng Thiện, để chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh của mình, từ đó, việc hoán chuyển cảnh giới thác sanh kế tiếp là một điều dễ dàng thực hiện.

Tâm Từ Bi được trải rộng đối với Thần Thức của thân nhân ruột thịt của mình, với bà con dòng họ, với bạn bè quen biết và cũng bao trùm luôn cho tất cả những người đồng loại, đồng chủng hoặc không đồng chủng tộc với mình.

2 - Đối với NGƯỜI:

Công năng của Chú Lăng Nghiêm rất ... rất là cao. Nó được ví như một ngọn lửa đốt đi cái Dục ở trong người của một Chúng Sanh. Cái Dục đó là đầu mối của tất cả những cái CHƯỚNG đến với Chúng Sanh. Khi trì câu Chú này phải quán tưởng ngọn lửa bùng lên sáng rực, đốt cháy cái Dục ở trong người của Hành Giả, làm cho cái Dục từ từ giảm xuống.

Đừng vội nghĩ rằng cái Dục đó có liên quan đến Dục Tính. Đó không phải là ÁI DỤC mà chính là THAM DỤC, tất cả những gì nằm trong chữ MUỐN đều có liên quan đến cái Dục, câu Thần Chú sẽ làm cháy tiêu những thứ MUỐN đó. Tuy nhiên, cháy tiêu không chưa đủ; còn phải thêm vào những điều sau đây:

  • Chính bản thân của Hành Giả phải luôn luôn kiểm soát Tâm - Ý - Tánh của mình.
  • Phải chặt không thương tiếc những Tánh Xấu của mình, vì chính cái Đoàn Quân Ma này mới quậy nát cái Tâm Thức và Ý Thức của mình.

Nói tóm lại: Chú Lăng Nghiêm là ngọn lửa đầu tiên được khơi dậy, được đốt sáng lên để đốt cho tan cái Dục. Sau đó phải đi kèm với những điều mà Thầy vừa nói ở trên thì ngày qua ngày sẽ làm giảm bớt đi cái kho chứa cái Dục ở trong người của mình.

Kính bạch Sư Phụ,

Trước khi bắt đầu trì Chú Lăng Nghiêm, Hành Giả phải quán niệm như thế nào để cho việc trì Chú mang lại một hiệu quả đáng kể?

Phải nên quán sát cái Tâm, cái Ý và nhất là cái Tánh của mình.

  1. Phải quán sát để xem coi ngày hôm nay Tâm của tôi có động hay không? Động về việc gì? Và việc đó có đáng để cho Tâm của tôi chao động hay không?
  2. Phải quán sát cái Ý để xem coi ngày hôm nay tôi đã khơi dậy những Ý Tưởng không lành như thế nào? Và những ý tưởng đó có đem lại điều bất lợi cho kẻ khác hay không?
  3. Phải quán sát cái Tánh của mình: ngày hôm nay tôi đã để lộ ra một Tánh nào? Và đó là Tánh Tốt hay Tánh Xấu?

Nếu là Tánh Tốt thì tôi phải trau giồi nó như thế nào để cho nó càng ngày càng sáng rực thêm lên.

Còn nếu đó là một Tánh Xấu thì tôi phải hiểu rằng cái Tánh Xấu đó đã đem lại sự khó khăn cho kẻ khác ra làm sao? Một khi tôi đã đem sự khó khăn đến cho kẻ khác, tức là tôi đã vô tình tạo ra một nghiệp lực rồi đó với cái Tánh Xấu của tôi. Nếu đã lỡ tạo ra một nghiệp lực với cái Tánh Xấu thì phải tức khắc xóa tan cái nghiệp lực đó bằng một Tánh Tốt đối nghịch, cốt sao làm lợi ích cho người mà tôi đã vô tình tạo nghiệp lực với họ. Được như vậy mới có thể đoan chắc rằng Mạc Na Thức hay thậm chí A Lại Da Thức của họ đã hoàn toàn xóa tan cái niềm Sân Hận đối với tôi.

Khi mình đã làm lỗi, tuyệt đối đừng vì Tự Ái mà thối thác lời xin lỗi. Một lời chân thành sám hối ăn năn của mình sẽ giúp cho mọi hiểu lầm, niềm sân hận, thậm chí một sự cố chấp được tan biến một cách dễ dàng.

Nghiệp lực ở hiện kiếp rất dễ xóa bỏ. Tất cả đều tùy thuộc vào cách hành xử của người tạo nghiệp. Sự nhũn nhặn, sự chân thành nhận lỗi và hối lỗi, kèm theo lòng thiết tha mong mỏi đem lại niềm hoan lạc, an vui cho người mà mình đã gây tạo nghiệp lực, tất cả sẽ tạo nên một đợt sóng cao xóa sạch tất cả những sân hận và vướng mắc cho cả đôi bên.

Nghiệp lực trong quá khứ mới thật sự gây tạo nhiều khó khăn, phiền phức cho Chúng Sanh ở hiện kiếp. Tôi đã làm gì? Tôi đã gây tạo sầu thảm ai bi cho Người như thế nào? Tôi đã khiến cho Người sân hận ra làm sao? Tôi đã cướp đoạt Hạnh Phúc của Người bằng cách nào? v.v…cứ mỗi lần một bài học nghiệp lực đến với mình thì hằng bao nhiêu câu hỏi tại sao dấy lên trong đầu để biện minh cho những cảnh huống do các bài học nghiệp lực mang đến.

Đối với người biết tu tập chân chính, chỉ nhìn vào tác động của cảnh huống là có thể hiểu ngay rằng mình đã làm gì trong quá khứ, và từ đó, họ biết phải hành sử cái phương tiện nào, phải đối phó ra làm sao để cho những bài học nghiệp lực này được tan biến, không còn khuấy động nữa.

Sống có Nề Nếp, sống có Lề Lối, sống với tất cả sự Để Tâm, sống với Tâm Từ Bi, sống với Lòng Hỷ Xả, sống với Tình Tương Trợ, với một giao tế đúng nghĩa của phép Đối và Đãi, chắc chắn rằng phiền muộn sẽ giảm đi rất nhiều, tai ương dẫu có đến cũng phải tan, khó khăn sẽ không còn làm vật cản trở, những trắc trở của cuộc đời cũng sẽ không thể làm khó dễ một con người lấy Tâm Lành làm trọng, lấy Ý Cao Thượng làm đầu và lấy Tánh Tốt làm căn bản cho sự sống ở đời.

Hãy can đảm vứt bỏ những vướng mắc trong tâm tư mình, đó chính là những viên đá Sân Hận; từ viên đá nhỏ đến cục đá to, suốt cả một đời người, số nhiều không đếm nổi! Cứ mỗi viên đá tượng trưng cho một nghiệp lực, một cái túi khổng lồ chứa đầy những viên đá nghiệp lực từ nhỏ đến lớn thì làm sao cái Thần Thức nhẹ như sương có thể lôi kéo cho nổi! Ngay khi còn thân xác, một người dù là lực sĩ có sức nặng trăm cân, ngàn cân, mà mang trong người chỉ một phần của cái túi đá nghiệp lực đó, họ cũng đủ run rẩy đôi chân, đứng không vững rồi!

Đức Bổn Sư đã kêu gọi mọi Chúng Sanh hãy buông xuống, hãy quẳng ra xa tất cả những viên đá Sân Hận nặng nề để cho Tâm mình được nhẹ, Ý mình được thảnh thơi không nặng trịch và toàn thể những cái Tánh của mình sẽ nhẹ nhàng như những chiếc lá, tự do bay bổng lên cao. Thần Thức cần...rất cần sự nhẹ nhàng lúc ra đi, có nhẹ nhàng mới bay bổng được, có nhẹ nhàng mới có thể từ từ hạ xuống bất cứ nơi chốn nào thích hợp với Thần Thức. Hãy cho Thần Thức của mình một sự lựa chọn nơi an trụ, đừng ép buộc Thần Thức không được xa lìa cõi Ta Bà, lúc nào cũng bị trói buộc và xoay quanh, dính chặt vào cái vòng Luân Hồi của sự Tử Sanh.

Hiểu được cốt tủy của Đạo rồi thì không có gì là khó khăn cả. Đường đi về Cực Lạc hay đường về cõi Trời, hoặc về lại cõi Người (ở một đẳng cấp cao), rất là bằng phẳng và dễ dàng. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật vì đã quá thương xót Chúng Sanh của cõi Ta Bà, Ngài không đành nhìn Chúng Sanh lặn hụp trong BIỂN LỬA, bị thiêu đốt bởi chính cái lửa Sân Hận của mình, Ngài đã tình nguyện đến nơi đây, tận tụy VẼ thật là chi tiết cái con đường giúp Chúng Sanh thoát ra khỏi Biển Lửa. Dù rằng Ngài đã viên tịch từ hơn 2500 năm nay, tấm lòng tha thiết của Ngài đối với Chúng Sanh của cõi Ta Bà vẫn luôn tràn đầy. Ngài đã hành xử đúng vai trò của một Từ Phụ, ra đi nhưng không yên dạ, Ngài đã kêu gọi sự giúp đỡ của Đức A Di Đà Phật, hãy thay Ngài mà luôn ghé mắt đến cõi Ta Bà, tìm đủ mọi cách để nâng đỡ, giúp sức cho những Chúng Sanh nào thật tâm, thật dạ muốn thoát ra khỏi Biển Lửa. Đường đi nước bước đã sẵn có, phương tiện cũng không thiếu, người giúp đỡ cũng sẵn sàng, nơi nương náu cũng mở rộng vòng tay tiếp đón, chỉ còn lại có một TẤM LÒNG. Tấm Lòng của kẻ thiết tha quyết theo bước chân của Đấng Cha Lành, Tấm Lòng của kẻ quyết chí giữ tròn lời Di Chúc của Từ Phụ, Tấm Lòng của kẻ biết lắng nghe lời khuyên dạy của bậc Cha Hiền để được Thăng Hoa, để tìm sự An Nhiên Tự Tại.

Thầy cần nhắc lại để Chúng Sanh nhớ rằng: Tự Ái là Nghiệp Chướng Nền Tảng. Từ cái Tự Ái mà trùng trùng điệp điệp Nghiệp Chướng được tạo thành. Tự Ái chính là cái đốm lửa khơi dậy niềm Sân Hận. Từ Tự Ái mà Chúng Sanh bị vướng vào biết bao nhiêu Tánh Xấu. Do bởi Tự Ái quá cao, Chúng Sanh không tha thiết, không muốn đối diện với Sự Thật, Chúng Sanh quay lưng với biết bao nhiêu Tánh Tốt làm nền tảng thắt chặt lòng nhân ái, tạo niềm hòa khí, xây dựng Tình Tương Trợ, và làm căn bản cho một sự giao tế tương hợp giữa Người và Người.

Những Tánh Xấu không khác bầy thú hoang, mùi xông lên nồng nặc, nếu cứ phải ngày qua ngày, suốt tháng, suốt năm, ôm ấp mãi cái mùi khó ngửi này thì quả thật Chúng Sanh không tìm được một giây phút nào thoải mái cả trong suốt cuộc đời của mình. Lúc nào mình cũng cảm thấy bực dọc, không thanh thản với chính bản thân mình và với mọi người chung quanh. Để giải tỏa sự bực dọc, người ta dễ dàng tạo Nghiệp Lực qua cái Tánh Xấu của mình vì thiếu cái khả năng kềm chế! Khi sống thì BẤT CẦN nhưng.... Khi chết rồi thì lại RẤT CẦN, cần cái gì? Cần người siêu độ cho mình! Phải đợi đến lúc làm thân Vong Linh, trên người nặng trĩu đá to, đá nhỏ, bước đi không nổi, lúc đó mới thấm thía lời Cha Lành đã từng khuyên dặn và nhận ra được cái “giá trị to tác của cái Tánh Xấu bất cần mà mình đã từng khư khư giữ lấy.

Sống sao mà không cần người khác siêu độ cho mình, cái sống đó mới là CÁI SỐNG ĐÚNG NGHĨA. Mình tự ra đi và đến bất kỳ nơi nào mình muốn, đó mới thật sự là UNG DUNG, là TỰ TẠI.

Sống mà mang quá nhiều đá nặng lúc lâm chung, dẫu có vì Tự Ái mà tỏ lộ sự BẤT CẦN thì cũng không tài nào cất nhắc nổi cái thần thức của mình để di chuyển được, vẫn phải cần người siêu độ cho mình trong 49 ngày; rồi cũng phải nhận chân ra được cái Tánh ngang tàng, bướng bỉnh của mình đã mang lại một hậu quả không tốt đẹp chút nào cho ngày hôm nay, ở cõi Âm. Tìm được một người giúp mình siêu độ, thoát cái cảnh thân Vong Linh không siêu thoát, quả thật không dễ dàng đâu!

Người tu tập thì ít, người thờ ơ rong chơi thì nhiều, làm sao đáp ứng được cái tỷ lệ tương xứng của sự cung cầu?

Thầy không kêu gọi mọi người xuất gia, Thầy chỉ khuyên mọi người nên dành chút thì giờ để chăm sóc cái Tâm, cái Ý của mình. Hãy tư duy lời khuyên sửa Tánh, có đầu tư công sức cùng thì giờ vào việc chỉnh sửa những Tánh Xấu, những thói tật hư đốn của mình thì lo gì mình không nhận được một mối lợi lớn lao, tương xứng với thì giờ và công sức mà mình đã bỏ ra.

Nếu được như vậy thì nơi cõi xa xăm, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chắc cũng sẽ mỉm cười mãn nguyện vì lời huyền ký của Ngài đã không còn đúng nữa rồi, Kinh Lăng Nghiêm vẫn còn đó, Ý Kinh vẫn luôn sáng rực vì Chúng Sanh của cõi Ta Bà đã không xao lảng, không thờ ơ với cái cốt tủy của Kinh, tức là vẫn luôn luôn ghi nhớ lời căn dặn của Đấng Cha Lành là TÂM - Ý - TÁNH  PHẢI LUÔN LUÔN GIỮ GÌN CHO NGỜI SÁNG.

 


+ 105