• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Lời Pháp Đầu Năm: Xuân Hòa Bình

Jan 14 2019
LacPhap.com LacPhap.com Mừng Xuân Kỷ Hợi

Download PDF - 33Mb

 

 

Hòa Bình là một từ ngữ được nhắc nhở đến, được đề cập đến cũng như được ca ngợi đến nhiều nhất, đó là niềm mơ ước từ ở cá nhân, chí đến gia đình, ra ngoài xã hội. Hai chữ Hòa Bình khơi dậy đầy hình ảnh, đầy cảm xúc, nhưng, để thực thi được Hòa Bình, đó là một quãng đường dài, nhiều chông gai và có đôi khi, không bao giờ đến được “điểm hẹn”.

Rất là khó viết nên hai chữ Hòa Bình ở trong cõi Ta Bà này. Vì sao? Vì cõi Ta Bà tự bản chất của nó đã không Hòa Bình rồi. Không Hòa Bình ở điểm nào? Không Hòa Bình từ chủng tộc, từ ngôn ngữ, từ văn hóa, từ tôn giáo, từ ý thức hệ, ngoài ra còn từ ở sự hiểu biết.

Những ai hiểu biết nhiều sẽ tự cho mình là con người trí thức, văn minh, có nhiều sáng kiến. Còn người kém hiểu biết hay không hiểu biết sẽ mang lấy mặc cảm tự ti, và cảm thấy rằng mình khó lòng hòa hợp được với người hiểu biết sâu rộng. Sự khác biệt về tiếng nói, về phong tục tập quán, về tôn giáo, về lề lối sống v.v... đã là những rào cản kiên cố khiến cho Chúng Sanh trên cõi Ta Bà khó lòng hòa hợp nhau. Do đó, tự bản chất của Chúng Sanh đã không có Hòa Bình rồi.

Chúng Sanh trong cõi Ta Bà có quá nhiều sự dị biệt về đủ mọi phương diện. Làm sao để cho Dân Tộc này có thể sống thoải mái trong môi trường của Dân Tộc kia? Làm sao để cho 2 Dân Tộc trở thành BẠN thân thiết với nhau? Có nghĩa là có một sự hòa đồng thật sự giữa 2 Dân Tộc hoàn toàn khác biệt nhau từ ngôn ngữ, từ văn hóa, từ niềm tin tôn giáo, từ phong tục tập quán cho đến trình độ hiểu biết về văn minh, về khoa học.

Trong cõi Ta Bà có biết bao nhiêu là Dân Tộc chớ không phải vỏn vẹn chỉ có 2 Dân Tộc. Do đó, để làm cho tất cả các Dân Tộc kết dính lại với nhau thành một khối có thể cùng sống chung với nhau trong sự thấu hiểu nhau, thân thiện nhau, trong niềm cảm thông nhau, và tuyệt đối không làm đau lòng nhau, chửi mắng nhau, hay xỉ vả nhau, cần phải có cái mẫu số chung để đóng vai trò gom hết tất cả các Dân Tộc lại với nhau và đồng hóa các Dân Tộc để trở thành y hệt như nhau, không có chút gì là khác biệt. Một khi sự khác biệt không còn hiện hữu nữa thì sẽ không còn sự khó khăn trong việc chia sẻ, giúp đỡ, tương trợ nhau để cùng sống chung với nhau trong sự An Bình và Thoải Mái.

Nói đến Hòa Bình là người ta phải đi tìm một mẫu số chung. Cái mẫu số chung đó chính là cái chất có thể đồng hóa tất cả những sự dị biệt để thành ra một hợp chất duy nhất.

CÁI MẪU SỐ CHUNG ĐÓ CHÍNH LÀ CÁI TÂM.

Tâm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời của một con người. Khi còn sống, cái Tâm giúp cho Người biết cách đối xử với Người, Dân Tộc này biết cách đối xử với Dân Tộc kia, giai cấp này đối xử với giai cấp kia sao cho không quá chênh lệch, cũng như tầng lớp này đối xử với tầng lớp kia trong sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Qua cái Tâm mà Chúng Sanh có được một sự cảm thông nhau, một sự đồng điệu và một sự hòa hợp nhau như nước với sữa, cho nên không có sự phân biệt trên bất kỳ phương diện nào.

Chính cái Tâm đó đã giúp cho con người sống trong một Tình Thương đúng nghĩa, được an trụ trong sự An Bình và Thanh Tịnh. Cái Tâm giúp cho san bằng sự khác biệt giữa kẻ giàu và người nghèo, tạo được sự cảm thông với những người khổ đau, nghèo khó, cho nên sẽ có sự ban phát mà không bao giờ nghĩ đến sự đền đáp lại.

Nhờ có cái Tâm mà người học rộng hiểu cao, trước một kẻ ngu đần hay thiếu sự hiểu biết, sẽ có một sự giúp đỡ, dạy bảo, chia sẻ lại sự hiểu biết cho người thấp kém hơn mình mà không đòi hỏi người đó phải trở thành ra là kẻ nô lệ cho mình, nghe theo lời sai khiến của mình. Họ làm vì họ có một Tâm Lành, họ làm vì họ muốn chia sẻ lại những gì họ có; đối với họ là dư thừa, nhưng đối với kẻ khác là thiếu thốn.

Cái Tâm cũng giúp cho một kẻ có uy quyền trong tay, biết hạn chế cái quyền uy của mình và san bằng được cái ranh giới giữa mình với hạ cấp thiếu quyền uy hay ít quyền uy hơn mình, xóa đi sự khúm núm, sợ hãi, lo âu của một người thấp thỏi thiếu quyền uy. Cái Tâm Lành cũng làm tan biến đi sự cao ngạo, tự cao tự đại của một kẻ có quá nhiều vũ khí trong tay.

Dù cho niềm tin về tôn giáo của mỗi cá nhân hay mỗi Dân Tộc có khác biệt nhau, nhưng, nếu đó là một tôn giáo chân chính thì mọi người sẽ gặp nhau ở cái Tâm Lành.

Bất kỳ một tôn giáo chân chính nào cũng đều dạy cho Tín Đồ của mình phải tôi luyện cho được cái Tâm Lành, và chính cái Tâm Lành đó sẽ giúp cho mỗi người giữ được cái hình ảnh của Đấng Tối Cao trong tâm tưởng của mình. Họ sẽ không phỉ báng nhau, không dèm pha nhau hoặc nói xấu nhau về Đấng Tối Cao của mỗi người, do đó, tuy rằng khác tôn giáo nhưng có cùng một mục tiêu chung là đào luyện cho được cái Tâm Lành, nên sự đối xử cũng sẽ trong một chiều hướng tốt đẹp.

Tâm Lành do đâu mà có? Do ở sự tôi luyện không ngừng nghỉ của một con người luôn phục thiện, luôn cải sửa và luôn luôn nhận thức được những gì không ổn đến với mình qua Tánh Xấu.

Tánh xấu không khác gì lò lửa lúc nào cũng hừng hực nóng, làm cạn khô Tâm Lực của một người qua sự đốt cháy của Tam Độc Tham-Sân-Si cùng với toàn bộ những cái Tánh “dây tơ rễ má” với Tam Độc. Phải có cái nhìn thật khách quan với những Tánh Xấu của mình để thật tâm sửa đổi nó và đồng thời triệt tiêu hẳn.

Một khi Tánh Xấu giảm lần thì cường độ thiêu đốt Tâm Lực cũng hạ xuống cho tới khi lò lửa nguội dần và trở nên lạnh ngắt. Cảm giác mát mẻ, thoải mái, dễ chịu đem lại niềm phấn khởi cho người quyết tâm sửa Tánh.

Tánh Tốt là nền tảng vững chắc của Tâm Lành. Nếu còn thụ đắc quá nhiều Tánh Xấu, không quyết tâm sửa đổi sẽ khó lòng có được Tâm Lành.

Tâm Lành đóng vai trò vô cùng quan trọng về những BIẾN ĐỘNG xảy ra trong cõi Ta Bà. Nếu tất cả Chúng Sanh trong cõi Ta Bà đều sống với một Tâm Lành, đều có Tình Tương Trợ lẫn nhau, không sống với những thủ đoạn, với sự hận thù, với sự khinh rẻ lẫn nhau, thì như vậy, hào quang từ trong Tâm Thức sẽ ngời sáng, và tất cả những hào quang đó họp nhau lại, đủ sức đẩy hết những gì không hay, không đẹp thuộc về vấn đề địa lý đến với Chúng Sanh của cõi Ta Bà. Như vậy thì lo gì mà không làm tan đi những biến động xảy ra, vì biến động một phần là do sự thay đổi địa chất, một phần là do từ ở Tâm xấu ác lôi cuốn cái sự biến chuyển của địa chất vào nơi mình đang sinh sống.

Tứ Vô Lượng Tâm (TỪ-BI-HỶ-XẢ), 4 đức tánh này đã tạo nên 2 chữ TÂM LÀNH, và cái Tâm Lành rực sáng mới giúp được cho một Chúng Sanh thăng hoa. Hòa Bình khi đó mới thật sự đúng với ý nghĩa của Hòa Bình: là tất cả đều bình đẳng với một chữ HÒA, không lên, không xuống, không thêm, không bớt. Như vậy, Chúng Sanh sẽ đối xử với nhau không vì Iợi, vì danh, không có sự phân chia cao hay thấp, không có sự phân biệt sang hay hèn, cũng không căn cứ trên sự mạnh hay thua, mà đối xử với nhau bằng một tình thương chân thật và bình đẳng. Tất cả những gì đem đến sự bình đẳng trong niềm hân hoan, vui vẻ, thoải mái, không tạo ra một niềm sân hận, đều là những cách phụng sự cho 2 chữ HÒA BÌNH.

Đương nhiên, trong cuộc sống ở cõi Ta Bà, Chúng Sanh cầu tiến chớ không cầu lùi. Nhưng, tất cả những sự cầu tiến, văn minh, hiểu biết, đều phải được thực hiện trên cái mẫu số chung là TÂM LÀNH. Mình làm là vì lợi lạc cho kẻ khác, chớ không phải vì lợi lạc cho bản thân mình. Dù biết rằng hằng ngày Chúng Sanh cũng vẫn phải ăn, phải uống, phải làm cho cuộc sống của mình được đầy đủ, nhưng phải nhớ một điều rằng: đầy đủ không có nghĩa là dư thừa, đầy đủ không có nghĩa là mình phải thủ đoạn, phải đem lại sự đau khổ cho kẻ khác.

Trong cuộc sống hằng ngày, mình cần phải biết mình muốn bao nhiêu là đủ. Có những người mua quần áo hay vật dụng nhiều cho đến nổi 3-4 năm sau vẫn chưa mặc tới món đồ mình đã mua, cũng như chưa từng sử dụng qua những vật dụng mà mình đã sắm. Như vậy, mình đã tạo một sự dư thừa quá nhiều trong khi kẻ khác thì quá thiếu thốn. Mình cần phải định được cái ranh giới của cái đầy đủ. Đừng đặt hai chữ “ĐẦY ĐỦ” lên quá cao. Nếu đặt chữ đầy đủ lên quá cao, mình sẽ dễ dàng làm tổn thương kẻ khác, mình phải rứt phần của người khác mới chan hòa được cái mà mình cho là đủ của mình. Phải biết giới hạn bao nhiêu là đủ và tất cả mọi người đồng phải tuân thủ cái giới hạn đó, như vậy sẽ không có sự tranh giành nhau, sẽ không có sự áp bức lẫn nhau.

Nếu mỗi bữa ăn với 2 chén cơm, 1 chén canh cùng 1 miếng thịt hoặc cá mà mình thấy đủ no, có nghĩa là mình ăn hết thức ăn, không chừa lại, tức là mình đã định được mức ĐỦ của mình.

Nếu bây giờ, mình gia tăng cái mức ĐỦ với phần ăn gồm: 3 chén cơm, 2 chén canh và 2 miếng thịt hoặc cá, mình cảm thấy quá no và bỏ mứa. Như vậy, mình đã định cái mức ĐỦ của mình hơi LỐ.

Nếu mình đã định lố như vậy rồi thì phải lấy cái dư ra đó để trang trải lại cho người thiếu. Nó vẫn có lợi cho mình vì mình ăn quá nhiều sẽ đâm ra bội thực, và cũng mất đi cái ý nghĩa của một bữa ăn. Nếu dư thừa thì mình sẽ đổ bỏ trong khi kẻ khác thì thiếu, không đủ ăn.

Cho nên, khi mình định được thế nào là đủ thì cái còn dư lại nên chia sẻ cho người thiếu thốn.

TỪ BI HỶ XẢ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng một nền Hòa Bình thật sự. Nếu tất cả Chúng Sanh đều sống trong Tứ Vô Lượng Tâm, dùng cái tinh thần Tứ Vô Lượng Tâm làm gốc để nâng cao con người mình từ vật chất cho đến tinh thần, chắc chắn rằng mọi người sẽ sống trong sự bình an, thoải mái, và nỗi lo sợ chiến tranh xảy ra cũng sẽ không còn đè nặng lên tâm tư của mỗi người.

CHIẾN TRANH bắt nguồn từ ở sự ganh ghét lẫn nhau. Vì sao? Vì có kẻ giàu người nghèo, có kẻ cao người thấp, có kẻ biết nhiều người biết ít, không có một sự bình đẳng giữa tất cả mọi người, cho nên mọi người sẽ không sống chung với nhau được trong cái chữ HÒA. Chữ Hòa không thể hiện hữu trong một môi trường BẤT BÌNH ĐẲNG. Nếu mình chỉ thốt lên 2 chữ Hòa Bình để mua vui, nói cho có nói, xem như là một chữ vô thưởng vô phạt, thì không nên đề cập đến Hòa Bình ở cõi Ta Bà vì sẽ không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ có được Hòa Bình ở cõi Ta Bà.

Còn nếu mình là người thật sự tha thiết đến Hòa Bình thì mình phải sửa đổi TÁNH của mình để mới có thể tiến lần đến Từ Bi Hỷ Xả. Khi mình đã có được Từ Bi Hỷ Xả trong Tâm của mình rồi thì cái Tâm đó sẽ mang tên là TÂM LÀNH và cái Tâm Lành sẽ luôn luôn rực sáng trong tôi và tôi sẵn sàng mở lòng ra để biết đau xót, biết cảm thông trước tất cả những nỗi thương đau, thiếu thốn từ vật chất lẫn đến tinh thần của tất cả mọi người. Tôi hoan hỷ chấp nhận và tha thứ tất cả những gì xảy đến mà không đúng với ý của tôi. Như vậy, Chiến Tranh sẽ không xảy ra, hờn ghen cũng không xuất hiện, trách móc cũng không buông lời, mọi người đều sống trong sự Bình An, như thế thì đâu cần phải đi về Cực Lạc, đâu cần phải đi về cõi Trời. Tự Chúng Sanh của cõi Ta Bà đã đem niềm vui đến cho mình, đem sự thoải mái đến cho mình và Chúng Sanh đã thực sự sống với 2 chữ Hòa Bình. Vì vậy, muốn đem Hòa Bình đến cho Thế Giới, mọi người cần phải suy nghĩ rất nhiều về đặc tánh của cái Tâm. Đặc tánh đó chính là Từ Bi Hỷ Xả.

Tứ Vô Lượng Tâm là 4 Đức Tánh hàng đầu tạo nên cái Tâm Lành, Tâm ngời sáng, nó quan trọng vô cùng! Một người khi đã bỏ thân xác, nếu Thần Thức mang theo mình cái Tứ Vô Lượng Tâm, Thần Thức đó sẽ rực sáng và bất cứ cõi nào trong 10 Phương, Thần Thức muốn dừng chân nơi đâu cũng được cả, không có Vị Giáo Chủ nào lắc đầu từ chối.

Cái hào quang của Tứ Vô Lượng Tâm diệu kỳ như vậy, mong rằng Chúng Sanh khi còn hơi thở, hãy ráng cố gắng tôi luyện, trau giồi phần Tánh Tình của mình. Phải sửa, phải can đảm sửa, phải chấp nhận sửa, không hổ thẹn để sửa. Khi mình đã triệt tiêu hẳn những Tánh xấu, chỉ còn vỏn vẹn có Từ Bi Hỷ Xả thì mình mang cái Tâm Lành đó trong suốt quãng đời còn hơi thở của mình, đem cái Tâm Lành đó đối xử với tất cả mọi người, tạo nên được cái Hòa Bình trong môi trường sống của mình, nhờ đó mà mình sẽ luôn luôn sống với cái Tâm An Bình - An Lạc. Khi từ giã Cõi Đời, Thần Thức của mình không cần ai siêu độ, sẽ mang cái Tâm rực rỡ đó đi đến bất cứ nơi nào mình thích, và có toàn quyền lựa chọn nơi chốn thác sanh. Đó mới thực sự là UNG DUNG TỰ TẠI.

Cho nên Hòa Bình phải dính chặt với Từ Bi Hỷ Xả, để mới có thể tạo nên một nền Hòa Bình thật sự và đúng nghĩa; còn Hòa Bình chỉ trong lời nói, chỉ trong sự nguyện cầu thì có thể nói rằng trong một đời hay nhiều đời, tôi sẽ không thể nào thấy được Hòa Bình thật sự trên cõi Ta Bà này.

Mong mỏi rằng Chúng Sanh hiểu rõ được tầm mức quan trọng của việc tu tập để sửa được những Tánh xấu, những thói hư của mình, như vậy mãi mãi mình sẽ sống trong mùa Xuân Hòa Bình.

Mùa Xuân đến, vạn vật đổi thay, cây đâm chồi, hoa ra nụ, nắng ấm chan hòa, đồng cỏ xanh tươi, Người Người cũng đổi thay Tâm Tánh, phóng khoáng hơn, cao thượng hơn, mở rộng Tấm Lòng hơn. Tâm Xuân rực rỡ, Ý Xuân phơ phới là nguồn cảm hứng cho bài thơ dài bất tận ca ngợi Hòa Bình, để mọi người cùng đắm chìm trong giấc mơ Hòa Bình không bao giờ chấm dứt.

LacPhap.com xin chân thành kính chúc.


+ 67