• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Tu Tập Trong Thế Giới Văn Minh

Feb 19 2017
429597139 429597139

Kính bạch Sư Phụ,
Một chúng sanh trong thế giới văn minh với cơm ăn áo mặc đủ đầy, với biết bao nhiêu tiện nghi vật chất vây quanh, sống cuộc đời dư thừa, không thiếu trước hụt sau, sẽ phản ứng như thế nào trước lời đề nghị TU TẬP?

Trước khi trả lời câu hỏi của con, Thầy chân thành nói rằng: vai trò của một Thiện Tri Thức đòi hỏi khá nhiều sự tế nhị cũng như sự nhẫn nại. Muốn giúp cho một chúng sanh “bừng sáng” không phải là điều dễ dàng, nhất là khi chúng sanh đó đang ăn ngon mặc đẹp, đang tận hưởng những xa hoa vật chất.

Ngay cả một chúng sanh đang ở trong cảnh bần hàn, đói lạnh, phải chạy kiếm từng chén cơm một, kiếm từng manh áo che thân, cũng vẫn không tha thiết đến việc làm thế nào để cải thiện một đời sống tốt đẹp hơn. Họ chỉ nhanh chân đi tìm cơm khi bao tử họ quặn thắt đòi thức ăn. Họ chạy kiếm áo mặc khi họ cảm thấy chiếc áo cũ đã không còn lành lặn để che thân của họ nữa. Một khi họ đã có đủ cơm ăn ngày 2 bữa, quần áo đủ để che thân thì họ sẽ không còn bận bịu với việc kiếm cơm, kiếm áo nữa.

Sự ù lì dưới bất cứ trường hợp nào hay hình thức nào cũng đều không mang lại kết quả tốt đẹp cả.

Chúng sanh trong thế giới văn minh gần như không thiếu thốn cái gì cả. Bất kỳ một cái MUỐN nào cũng đều có thể thực hiện được. Từ đồ ăn thức uống, quần áo, trang sức, nhà cửa, xe cộ, thậm chí đến các trò chơi, giải trí, nhất nhất đều có đủ, không thiếu thốn, không cạn hụt.

Chúng sanh càng ngày càng trở nên ù lì, chỉ muốn ngồi một chỗ mà hưởng thụ, không muốn làm việc nhiều, việc nặng nhọc, không muốn chia sẻ sự hiểu biết hay sáng kiến của mình cho kẻ khác, họ thích ngồi để hưởng lợi hơn là phải vùi đầu vào công việc, và cái kết quả của sự ù lì đó là, khi có một việc không hay nào đó xảy ra khuấy động cái đời sống thường nhật, chúng sanh sẽ đâm ra hốt hoảng, quýnh quáng lên và khó lòng đối phó kịp thời được.

Thế giới văn minh đã đem lại cho chúng sanh những điều vô cùng là ích lợi để thỏa mãn vật chất, thỏa mãn mọi cái Muốn từ đầu tới chân; nhưng bên cạnh đó, những cái bất lợi của thế giới văn minh cũng không phải là ít đâu.

Bất kỳ một phản ứng nào của chúng sanh trong thế giới văn minh cũng đều tai hại hơn chúng sanh sống trong cảnh nghèo cùng khốn khổ.

Trong cái nghèo nàn cùng cực, chúng sanh có thẳng thừng để muốn hay không? Cái muốn đó chỉ có thể phát triển được một vài phần mà thôi, không thể nào triển khai đến cường độ cực kỳ cao được.

Chúng sanh trong thế giới văn minh với đầy đủ tiện nghi vật chất, sẽ thỏa mãn cái Muốn của mình một cách dễ dàng, và cái muốn đó có thể dâng cao đến cường độ tột cùng. Một khi cái Muốn đã lên rất cao, không thể nào đè nén được, chúng sanh sẽ dễ dàng phạm những điều sai trái, và có đôi khi họ cũng không ngần ngại dùng đến thủ đoạn để đạt cho được cái Muốn của mình, kể cả việc ám hại kẻ khác.

Thế giới văn minh có vô số phương tiện để giúp cho chúng sanh thỏa mãn một cách dễ dàng những gì mình mong muốn. Nào là: dao - súng - vũ khí tân kỳ - mưu kế thuộc thần sầu quỷ khốc v..v…, không thiếu một món nào cả, tất cả chỉ trong tầm tay. Do đó, chuyện quấy trá rất dễ dàng để thực hiện. Càng có nhiều phương tiện, nhiều cách thức để trốn tránh tội ác của mình, chúng sanh trong thế giới văn minh giàu có càng dễ dàng tạo ra nghiệp chướng.

Chúng sanh trong cảnh bần cùng đói khổ không có nhiều cơ hội để triển khai cái muốn tột cùng của mình, do đó nghiệp chướng ít tạo nên.

Càng văn minh, đời sống càng dễ thở, sự ham muốn càng lên cao chớ không xuống thấp. Vì vậy cơ hội để tạo nghiệp chướng rất dễ dàng.

Chúng sanh trong cảnh bần hàn, do sự nghèo đói, khó khăn eo hẹp về kinh tế, về tài chánh, không thể nào mơ ước một cái Muốn quá cái tầm của việc ăn và uống, họ chỉ cần giải quyết cái ăn, cái mặc, bao nhiêu đó là họ cảm thấy đầy đủ rồi! Khi nào mà họ dư ăn, dư để, dư mặc, dư nhiều thứ, khi đó cái muốn của họ mới lên cao. Khi họ còn thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tất cả mọi thứ, họ chỉ cầu mong có được những cái gì căn bản mà thôi.

Cho nên, chúng sanh trong cảnh cơ hàn bước vào việc tu tập dễ dàng hơn, vì họ nghĩ rằng: mình tu tập để được đền đáp lại một cuộc sống với đầy đủ miếng ăn, cái mặc. Tư tưởng của họ rất là giản dị, không cầu kỳ và họ không nghĩ đến cái gì khác hơn là những cái mà mình đang thiếu, đang cần.

Chúng sanh trong thế giới văn minh có quá đầy đủ những tiện nghi vật chất, không thiếu thốn nếu không muốn nói là dư thừa cái ăn, cái mặc. Cái muốn của họ là một cái muốn xa vời, vì tất cả những vật chất căn bản họ đều có đủ, họ không cần thiết có thêm nữa. Những gì họ muốn là để giúp cho họ thỏa mãn cái tự ái của họ mà thôi! Cho nên, một chúng sanh trong thế giới văn minh, có đôi khi biểu lộ cái muốn của mình, lại đi kèm với việc gây tạo nên Nghiệp Chướng.

Đối với chúng sanh trong thế giới văn minh, có khi lời đề nghị tu tập sẽ nhận được câu trả lời rằng: “tôi đã có quá đầy đủ những gì tôi muốn, cho nên việc tu tập không cần thiết đối với tôi”.

Thật sự ra, chúng sanh trong cảnh đói nghèo hay đang hưởng thụ rất nhiều tiện nghi vật chất, đã nghĩ sai về hai chữ TU TẬP. Tu tập, tự bản chất của nó, không phải để làm biến mất hay tiêu tan một cuộc sống nghèo nàn đói lạnh; nó cũng không phải để thỏa mãn những ước muốn cao xa. Việc tu tập chỉ có một mục đích duy nhất là chuyển sửa cái Tâm Linh của một chúng sanh. Không cần biết cái Tâm Linh đó đang ở trong một thân xác được bao bọc bởi quá nhiều tiện nghi vật chất, hay trong một thân xác đang quằn quại khổ đau vì thiếu thốn, nghèo nàn.

Việc tu tập không có sự phân biệt đó! Tu tập luôn ở vào thế như như bất động, không làm lợi cho người này hay gây sự bất lợi cho kẻ khác.

Việc tu tập giúp cho một chúng sanh cảm thấy sự thơ thới trong lòng, một sự nhẹ nhàng, một sự an bình đúng nghĩa; dù trong cảnh nghèo nàn chỉ có cơm và muối, chúng sanh vẫn cảm thấy một Hạnh Phúc triền miên; sự tu tập giúp cho một Chúng Sanh đang tận hưởng những tiện nghi vật chất, cảm nhận được sự an bình, thơ thới luôn kéo dài, không có giới hạn.

Chúng Sanh lặn hụp trong những tiện nghi vật chất, đâu phải lúc nào cũng sống với một Tâm An Bình, với một Lòng Thanh Thản đâu! Càng dính líu nhiều đến xa hoa phù phiếm, Tâm càng chao động, Ý xấu càng nổi lên; nay thích món này, mai bỏ món kia, mốt thêm vào món nọ, cuộc sống thật lao chao, không bao giờ ngừng nghỉ, không bao giờ tìm được một phút yên tĩnh. Chúng Sanh luôn chạy đua với những tiến triển của thế giới văn minh, cố bắt cho kịp những sản phẩm mới mẻ nhất, những phát minh độc đáo nhất, những sáng chế đầu tiên nhất. Tóm lại, người nghèo khổ bần hàn hay người chạy theo xa hoa vật chất, tất cả đều phụng sự hay thỏa mãn cái TỰ ÁI của mình mà thôi!

Tu tập là làm cho cái Tự Ái đó nhỏ lần...nhỏ lần đi, nếu không muốn nói là mất hẳn. Một sự An Bình đúng nghĩa chỉ có thể thực hiện được khi một người đã bỏ xuống một phần hay hoàn toàn cái Tự Ái của mình; khi đó họ mới thật sự sống với sự An Bình, tâm không còn chao động.

Sự phát triển của thế giới văn minh đi ngược chiều với sự phát triển của Tâm Linh. Thế giới văn minh càng lên cao, giá trị của đời sống Tâm Linh càng xuống thấp. Để thỏa mãn Tự Ái của mình, người ta bất chấp thủ đoạn, bất chấp một nghiệp chướng nào có thể xảy ra, chỉ cốt tranh giành cho được, thụ đắc cho được những gì mình mong muốn.

Cho nên, đa số chúng sanh trong thế giới văn minh nhìn việc tu tập với ánh mắt như là “hài hước” vậy!

Mọi sự vật trên đời, từ HỮU THƯỜNG bước qua VÔ THƯỜNG, chỉ một cái búng tay thôi; không có cái gì trường tồn cũng như không có cái gì vĩnh viễn.

Một ngôi nhà cao sang, tráng lệ, trang trí hực hở với đầy đủ tiện nghi thật đẹp, thật đắc tiền, một cơn động đất rung chuyển, hay một trận mưa bão, lũ lụt kéo đến hoặc một cơn hỏa hoạn xảy ra, thoắt một cái, ngôi nhà đã trở thành đống gạch vụn.

Thế giới văn minh đã tạo nên một đời sống xa hoa, phù phiếm, đầy dẫy những ham muốn vật chất, nhưng vẫn không thể nào bảo đảm được một cuộc sống dài lâu cho những ham muốn đó.

Để thỏa mãn Tự Ái, người ta có thể làm tất cả mọi thứ để thụ đắc những gì mình mong muốn, nhưng...những biến động không ngoại trừ bất cứ ai, bất cứ một sự mong muốn nào; trong một giây, một phút, tất cả đều có thể trở về với cái KHÔNG!

Tu tập là để tránh cái tình trạng dở khóc dở cười khi nhìn thấy cái CÓ nay đã trở về với cái KHÔNG.

Tu tập là giúp cho Người ở vào cái thế như như bất động trước việc “trồi sụt” của cuộc đời vật chất xa hoa.

Dù rằng trước đây không lâu, họ được bao bọc bởi sự nguy nga, tráng lệ của ngôi biệt thự, của xiêm y rực rỡ, của những chiếc xe đắt tiền bóng nhoáng, ngày giờ này, họ chỉ còn có manh áo thô, với ngôi nhà tranh, đi chân đất, nhưng...họ vẫn sống đời An Nhiên!

Đó chính là sự khác biệt giữa TU TẬP và KHÔNG TU TẬP.

Người không tu tập, trước sự đổ vỡ của cuộc đời được tạo nên bởi sự xa hoa phù phiếm, sẽ cảm thấy xúc động rất nhiều và đôi khi trở thành điên loạn; họ không giữ được sự bình thản của Tâm mình và dễ dàng nổi loạn, mặc cho Tánh xấu nổi lên, gây ra biết bao nhiêu điều quấy trá.

Người biết tu tập nhận thức được cái CÓ và cái KHÔNG, nhận thức được cái HỮU THƯỜNG và VÔ THƯỜNG, nhận thức được thế nào là sự an nhàn của cái Tâm trong sáng và nhận thức được sự rực rỡ của những Tánh tốt mà mình đã thụ đắc từ bấy lâu nay. Dù cho cảnh huống xảy ra, họ vẫn an nhiên chấp nhận và mỉm cười mà hành sự.

Thế giới văn minh đem đến cho con người những tiện nghi vật chất, nhưng, thế giới văn minh cũng hủy hoại đi ít nhiều ĐỜI SỐNG TÂM LINH của một con người qua chữ MUỐN.

Nếu một chúng sanh sống trong thế giới văn minh biết tu tập, biết sửa đổi toàn bộ Tâm - Ý - Tánh của mình, và biết điều khiển Tâm - Ý - Tánh vào trong mỗi trường hợp mà mình gặp phải, chúng sanh đó mới thực sự sống đúng nghĩa của một người tu trong thế giới văn minh. Họ biết lợi dụng thế giới văn minh với những tiện nghi vật chất cực kỳ tốt đẹp để phụng sự lại cho một đời sống Tâm Linh đúng nghĩa.

Họ sử dụng những tiện nghi đó để chia sẻ lại những điều mà mình tư duy.

Họ dùng phương tiện của thế giới văn minh để có thể học hỏi thêm, hiểu biết thêm những gì mình còn thiếu sót, cần phải trau giồi thêm phần trí tuệ và ngay cả kiến thức của mình.

Qua thế giới văn minh, người đó có thể đưa tay của mình để nắm lấy bàn tay của kẻ ở xa mình ngàn dặm đang chịu sự khổ đau và cùng chia sẻ những khổ đau với họ.

Nhờ những sự phát triển của thế giới văn minh mà mình có thể cùng tham dự vào những buổi cầu nguyện cho một dân tộc đang chịu nhiều đau khổ hay đang chịu nhiều tai ương.

Cho nên, người tu tập chân chính phải biết nhận định từng phương tiện một của thế giới văn minh và sử dụng những phương tiện đó như là những lợi ích để trao đổi, để giúp đỡ hay chia sẻ với những người kém phúc hơn mình. Như vậy, việc tu tập sẽ rất là hoàn hảo và diễn tiến thật tốt đẹp.

Một người tu tập trong một hoàn cảnh, một môi trường hoàn toàn biệt lập và thiếu thốn mọi phương tiện, lẽ dĩ nhiên là người đó sẽ phải hao công sức nhiều để đạt được những phương tiện mà mình cần có trong việc trao đổi, chia sẻ. Thế giới văn minh sẽ đem lại cho người tu tập một sự dễ dàng, nhanh chóng và sâu sắc trong từng phương tiện mà người đó cần thiết.

Cho nên, càng văn minh nhiều chừng nào, càng phải tu tập nhiều chừng nấy, để:

  • giảm bớt cái MUỐN của mình xuống
  • làm cho TỰ ÁI của mình không dâng lên cao
  • lợi dụng tất cả những lợi ích cần thiết của thế giới văn minh hầu giúp cho việc tu tập được càng thêm thăng tiến.

Tu tập là phải năng giùi mài Tâm để cho Tâm luôn rực sáng; năng giùi mài Ý để cho Ý lúc nào cũng có những tư tưởng tốt đẹp và thanh cao, luôn đem niềm An Lạc và sự tiện ích đến cho kẻ khác; và điều tối cần thiết là việc phải năng trau giồi, sửa đổi Tánh của mình, đừng sử dụng nó như những con dao phóng vào người của kẻ khác mỗi khi Tự Ái của mình bị va chạm.

Được như vậy thì dù đang ở trong thế giới văn minh hay ở một nơi bị cô lập, hoàn toàn thiếu thốn những tiện nghi vật chất, người tu tập chân chính vẫn luôn luôn giữ được sự An Bình cố hữu.

Điều cốt yếu là đừng để những tiện nghi vật chất, những xa hoa phù phiếm, thậm chí những gian khổ, những thương đau của cuộc sống ảnh hưởng vào việc tu tập của mình.

Dù cho bất cứ ở một môi trường nào, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc dễ thở, hoặc khó thở, người tu tập chân chính vẫn phải uyển chuyển, quyền biến để làm cho việc tu tập được dễ dàng hơn.

Đó chẳng qua là nhờ ở sự để ý rất nhiều trong việc tôi luyện Tâm - Ý - Tánh của mình.

Chúng sanh ngày nay ít chăm lo tu tập cũng chỉ vì chạy theo những vật chất xa hoa, những tiện nghi vượt bực của thế giới văn minh. Họ cho rằng những gì họ có được là đủ, họ không thử nghĩ ngược trở lại, nếu không đủ thì họ sẽ phải tính sao đây? Mà cái gì làm cho không đủ? Biến động xảy ra, tai ương xảy ra, giông ba bảo tố xảy ra, hỏa hoạn xảy ra, động đất xảy ra, sóng thần xảy ra...tất cả chỉ trong một búng tay, không còn gì nữa cả!

Lúc đó, vì không có một sự chuẩn bị, họ sẽ phải đối phó như thế nào trước những “biến động của Tâm Linh”?

Tâm Linh cũng giống như thể xác, có khi trồi khi sụt, khi lên cao, khi xuống thấp cho nên phải có một sự đề phòng; muốn đề phòng, không có gì khác hơn là bỏ công sức để tu tập. Chu toàn được Tâm - Ý - Tánh là chu toàn được rất nhiều...nhiều việc, chớ không phải chỉ thuần có mỗi một việc là làm cho Tâm - Ý - Tánh đồng sáng rực lên đâu!

Kính bạch Sư Phụ,

Thông thường thì người ở trong cảnh túng cùng dựa vào lý do là phải lo chạy cơm ngày hai bữa để thối thác việc tu tập. Người dư ăn dư để cho rằng cuộc sống quá bận bịu, kế hoạch này chưa xong, dự án kia chưa hoàn tất, thời gian không đủ để làm việc, làm sao có dư ra để lo lắng cho Tâm Linh?

Người đã về hưu không còn làm việc nữa thì thở than rằng: cuộc sống bây giờ eo hẹp, tài chánh không đủ dồi dào để có thể làm việc bố thí, hành thiện; lưng mỏi gối chùng không còn sức lực nữa để đứng lên ngồi xuống mà lạy Phật!

Thầy thấu hiểu lời “than vãn” của con. Thầy dùng chữ than vãn vì đó là sự thật!

Chúng sanh luôn luôn tìm cách từ khước việc tu tập. Chỉ khi nào chúng sanh cảm thấy rằng cái hiểm họa đang tiến sát bên mình rồi, khi đó mới la hoảng lên và hối hả, hốt hoảng mà tu tập.

Thầy trả lời một cách khẳng định rằng: nếu xem việc tu tập là một cứu cánh của cuộc đời thì việc tu tập cũng sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp nào cả! Tốt hơn đừng nên tu tập để khỏi mất nhiều thì giờ và công sức.

Việc tu tập không phải để giúp cho chúng sanh thỏa mãn cái này hay đáp ứng lời cầu xin cái kia...mà Thầy quyết chắc rằng: tu tập là để hoán chuyển Tâm - Ý - Tánh của mình, đó là công việc của một kẻ siêng năng giùi mài, mỗi ngày một chút, cái Tâm - Ý - Tánh của mình, giùi mài cho đến khi nó sáng rực lên và chính cái Tâm - Ý - Tánh mới thật sự giúp cho mình được một cuộc sống bình an, thư thả, thoát được phiền não, thoát được nghiệp chướng. Chính cái phiền não, cái nghiệp chướng mới là những kẻ đồng hành với mình trên khắp nẻo đường trong Lục Đạo; mình đi tới đâu nó cũng bám sát bên mình. Giùi mài Tâm - Ý - Tánh để khi mình lìa Đời, Tâm - Ý - Tánh được ngời sáng và giúp cho mình hoán chuyển cái cảnh giới kế tiếp của mình.

Việc tu tập không tạo cho mình cuộc sống dư ăn dư để, giàu sang, uy quyền, hay thậm chí giúp cho mình thoát cảnh nghèo nàn, đói lạnh. Việc tu tập không làm việc đó, việc tu tập không có Cứu Cánh!

Khi tu tập, khi giùi mài Tâm - Ý - Tánh, trau chuốt để Tâm - Ý - Tánh sáng rực lên thì dù cho mình đang ở trong bất kỳ một hoàn cảnh nào, mình cũng vẫn thấy nhẹ nhàng thơ thới, cũng vẫn tìm được sự an bình trong cuộc sống. Cho nên, đừng xem việc tu tập là Cứu Cánh của cuộc đời, nếu nghĩ như thế thì suốt cuộc đời cho đến khi nhắm mắt hắt hơi, cũng vẫn không thể nào làm nên bất kỳ một việc gì cho Tâm Linh của mình cả.

Một người cao sang quyền quý, quyền bính đầy đủ, ở vào phút lâm chung, tàn hơi kiệt sức, có còn nắm được chút xíu quyền hành nào trong tay của mình hay không? Có còn giữ được tất cả những cao sang mà mình đã trân trọng, chắt chiu trong quảng đời của mình hay không? Người đó cần cái gì để mang theo cho kiếp tới của mình? Độc nhất chỉ có Tâm - Ý - Tánh mà thôi!

Cho nên, giùi mài cái Tâm - Ý - Tánh của mình ngày hôm nay, sẽ làm nhẹ bước chân của mình vào giờ phút lâm chung bằng cách là không mang theo Nghiệp Lực đầy vai; hành trang của mình sẽ không quá nặng nề vì những viên đá nghiệp chướng.

Vì vậy, đừng lựa lời để thối thác việc tu tập; tu tập là cho chính bản thân mình, là một sự chuẩn bị ra đi của mình không biết vào lúc nào; nếu mình chuẩn bị kỷ lưỡng thì hành trang mình mang theo sẽ không thiếu, còn nếu đợi đến phút cuối sẽ quýnh quáng, lụp chụp, không mang theo được cái gì hết, lúc đó chỉ còn có sự tiếc hối mà thôi!

Không ai bắt buộc mình phải tu tập cả, đó là một hành động tự nguyện để giúp cho mình được thăng hoa, giúp cho mình tiến đến một cảnh giới tốt đẹp hơn cái cảnh giới NGƯỜI mà mình đang lặn hụp.

Dù bất kỳ ở nơi đâu, Tâm - Ý - Tánh vẫn là BA BÁU VẬT, luôn ở bên mình, không bao giờ rời xa. Ba báu vật này có thể đưa mình lên cao đến tuyệt đỉnh mà cũng có thể hủy hoại thân thể mình một cách không e dè và thương xót.

Việc sử dụng Tâm - Ý - Tánh trước sau cũng vẫn là mình, không ai xen vào để chỉ huy, để bắt buộc hay kiểm soát.

Cho nên không có vấn đề BIỆN LUẬN CHO VIỆC TU TẬP!!

Kính bạch Sư Phụ,
Có lẻ chúng sanh ở trên cõi Đời này không nghĩ rằng nơi đây là phương tiện giúp cho mình giùi mài Tâm - Ý - Tánh để thăng hoa về một nơi tốt đẹp hơn. Cũng vì quá sức thụ đắc kiếp này, giây phút này, nên chúng sanh đã làm đủ mọi cách để triển khai cái MUỐN và cũng đã không ngần ngại sử dụng mọi cách thức, kể cả những thủ đoạn để đạt cho được mục tiêu. Vào giờ phút lâm chung, khi hồn lìa khỏi xác rồi, Thần Thức khi đó mới nhận ra rằng cái mục tiêu mà mình đã từng chắt chiu, ấp ủ để đạt cho được, đã không làm cho con đường đi của mình thênh thang, bằng phẳng, mà trái lại, bước chân của mình bị trĩu nặng, vướng víu bởi vô số tảng đá nghiệp chướng vây quanh. Thật đã quá muộn màng và uổng cho công khó đã đưa ra của một kiếp NGƯỜI!!

Sự tư duy của con trong trường hợp này rất đúng!

Chúng sanh đã nghĩ sai về tất cả những tiện nghi vật chất mà mình thụ hưởng hiện nay, và đã đồng hóa nó như là những “phương tiện sống” của mình. Do đó, chúng sanh đã bỏ quên đi cái phương tiện SỐNG của Tâm Linh, vì vậy bắt buộc phải có sự tu tập. Nếu không có sự tu tập, sẽ không thể nào tìm được phút An Bình vào lúc hắt hơi, và nếu không có sự tu tập, vong linh khó lòng hoán chuyển được cảnh giới của mình.

Như vậy, thưa Sư Phụ, mục tiêu của cuộc sống không phải để đạt được những cái vật chất mà mình cho là thù thắng nhất của cuộc đời; mà nó chính là việc phải làm sao để tạo được sự thăng hoa của phần Tâm Linh của mình.

Đúng vậy! và tất cả những tiện nghi vật chất chỉ là phương tiện giúp cho đời sống của mình được dễ dàng hơn và dùng những tiện nghi đó để phụng sự cho việc tu tập của mình, làm cho nó được dễ dàng hơn như lời Thầy nói ở trên.

Đừng xem những tiện nghi vật chất như là những mấu chốt mà mình bắt buộc phải bấu víu, phải đạt đến cho được và nhất là phải lụy vào nó.

Càng văn minh nhiều chừng nào, những tiện nghi vật chất càng lên cao chừng nấy. Người tu tập chân chính phải biết lợi dụng, dùng những tiện nghi vật chất đó để hỗ trợ cho việc tu tập của mình được dễ dàng hơn, đầy đủ hơn và lên cao hơn.

Ngày xưa mình phải rất là cực nhọc, khó khăn lắm mới tìm được bản Gốc của một cuốn Kinh. Ngày nay, với phương tiện đã có sẵn cho mình sử dụng, chỉ trong vòng vài mươi giây là mình có ngay cái bản Gốc ở trong tay rồi.

Ngày xưa, muốn liên lạc, muốn chia sẻ lại những điều mình tư duy, mình hiểu biết cùng với người hữu duyên, phải viết thư, rồi phải gửi đi, rồi chờ đợi hồi âm, thư qua thư lại cũng mất đến 5 ngày, 10 bữa. Ngày nay, chỉ một cái “Gõ” thôi, là có thể chuyển hết tư tưởng của mình đến cho người hữu duyên, cũng như nhận được hết tư tưởng của họ đến với mình chỉ trong vòng chớp mắt.

Bất cứ một phương tiện nào của thế giới văn minh đều phải được cân nhắc để biến nó trở thành một công cụ phụng sự đúng vào việc mình mong muốn, tuyệt đối không lệ thuộc vào nó.

Cần phải ghi nhớ: càng văn minh, đời sống vật chất càng lên cao, người tu tập chân chính càng phải thận trọng rất nhiều với cái MUỐN của mình.

Phải kỷ luật với chính bản thân mình để kiểm soát cái Muốn đến mức tối đa, phải can đảm trong việc hạn chế cái Muốn của mình và đè nén cái TỰ ÁI của mình cũng tới mức tối đa. Càng phụng sự cho cái MUỐN, càng ve vuốt, càng thỏa mãn cái Tự Ái của mình, chính mình sẽ làm cho mình rớt xuống vũng bùn lầy, khó lòng chấp được đôi cánh để bay lên.

Kính bạch Sư Phụ,

Người Âu Mỹ, khi đến tuổi về hưu, họ hay làm một bản chiết tính toàn bộ tài sản mà họ có được, và tất cả những gì họ đã để công khó tạo dựng nên, họ xem đó là cây thước dùng để đo lường sự thành đạt của một người trên quảng đường Đời họ đã đi qua.

Theo sự nhận xét của con, sự thành đạt này hoàn toàn thuộc về vật chất.

Nếu bây giờ cũng theo cách thức đó để liệt kê ra tất cả những gì tôi đã bố thí, tất cả những gì tôi đã chia sẻ, có bao nhiêu người đã được tôi giúp đỡ, có bao nhiêu cảnh huống của kẻ khác đã được tôi giúp để giải quyết, và quan trọng hơn cả là tôi đã sửa được bao nhiêu Tánh xấu của tôi, tôi đã quẳng đi bao nhiêu thói tật xấu xa của tôi xuống hố sâu, tôi đã phát bao nhiêu lần Đại Tâm, tôi đã hành bao nhiêu lần Tâm Từ Bi Hỷ Xã, tôi đã có bao nhiêu lần nghĩ suy cao thượng, và ngày nay, qua bảng chiết tính của tôi, tôi đang thụ đắc được bao nhiêu Đức Tánh? Theo con nghĩ, đó mới đích thực là cây thước để đo lường sự tiến triển của một đời sống Tâm Linh hướng đến một sự thăng hoa đúng nghĩa.

Nhận xét của con đúng lắm! Chúng sanh cần phải chân thành ngồi xuống viết ra để xem coi: Từ Bi Hỷ Xã tôi đã dùng đến nó được bao nhiêu lần trong cuộc đời, để làm cái gì? Và đem lại lợi ích gì?

Tất cả những việc làm từ ở Từ Bi Hỷ Xã đo lường được cái Tâm của Chúng Sanh đó. Ngoài ra, điều quan trọng kế tiếp là việc sửa Tánh. Chúng Sanh đó đã sửa được bao nhiêu tánh xấu? Đã từ bỏ được bao nhiêu thói hư? Có sửa được Tánh xấu thì mới có cơ hội hành được Từ Bi Hỷ Xã.

Phải thành thật với chính bản thân mình trong vấn đề sửa Tánh. Nếu cảm thấy rằng mình ở vào lứa tuổi không còn trẻ nữa, thì càng phải nhanh chân, nhậm lẹ mà sửa Tánh, sửa càng nhiều, mình sẽ càng nhẹ nhàng, thơ thới, ra đi không vướng bận. Không nên thiên vị, không nên dối trá, tuyệt đối không dấu diếm, cứng rắn với bản thân mình thì mới có thể chu toàn được một cách tốt đẹp việc sửa Tánh.

Ngoài ra, còn phải quan tâm đến cái ý của mình! Phải thành thật trả lời với chính mình là từ bấy lâu nay, tôi có bao nhiêu ý tốt nảy sinh ra? Tôi có bao nhiêu lần có được tư tưởng cao thượng? Tâm tư tôi có bao giờ nghĩ điều tốt cho kẻ khác không? Những suy tư của tôi thường hay thiên về lợi ích cho kẻ khác hay chỉ thuần là nghĩ đến quyền lợi của cá nhân tôi?

Nếu tôi tìm mãi mà trong nhiều trường hợp, nhiều cơ hội xảy ra, tôi vẫn còn khư khư giữ lấy những tư tưởng quá thấp hèn, quá ích kỷ, thiếu cởi mở, tôi phải gấp rút nhanh chân mà sửa đổi, phải làm sao cho Tâm của tôi ngời sáng qua sự hành sử Tứ Vô Lượng Tâm Từ Bi Hỷ Xã, tôi phải triển khai cái ý của tôi cho rực rỡ lên bằng những tư tưởng Thanh Cao, những tư tưởng có tính cách giúp đỡ, chia sẻ, vị tha và sau cùng là tôi phải giùi mài các tánh xấu của tôi cho tới khi các Tánh xấu, các thói tật hư đốn của tôi đã chấp cánh bay xa biệt dạng. Như vậy, tôi mới an tâm nhắm mắt ra đi.

Kính bạch Sư Phụ,
Như vậy thì cái then chốt cũng vẫn là: chúng sanh trong thế giới văn minh nên đo lường sự thành công của mình qua cái mực thước của Tâm - Ý - Tánh hơn là qua cái tổng khối tài sản mà mình đã tạo dựng nên.

Con ơi, một chúng sanh ở vào phút lâm chung nở nụ cười mãn nguyện vì con mình có được chức vị cao, vì tiền tài sản nghiệp mình đã để lại rất là đầy đủ cho vợ con hay cháu chắt. Người quá cố ra đi mang theo cái HỮU THƯỜNG, dù nó chỉ là TƯ TƯỞNG. Khi chúng sanh đó đã trở thành Vong Linh rồi thì tức khắc nụ cười trên môi của kẻ ra đi được thay thế bằng sự nặng nề trên đôi vai của Vong Linh, bởi cái ý tưởng hữu thường mà Vong Linh đã mang theo. Vì sao? Vì chắc chắn rằng Vong Linh đó sẽ cứ chắt lưỡi mà nuối tiếc. Tất cả nằm trong cái Ý, một cái ý nặng nề!! Tâm - Ý - Tánh gắn chặt vào Thần Thức, không bao giờ rời, cho nên Vong Linh đó ra đi mang theo một cái ý nặng trĩu theo mình.

Nguyên tắc: khi Thần Thức bước ra khỏi thân xác, bắt buộc: Tâm cũng trống - Ý cũng trống - Tánh cũng trống, không mang nặng bất kỳ một cái gì hết theo mình.

Khi còn sống, năng giùi mài Tâm - Ý - Tánh để cho nó rực sáng; khi trở thành Vong Linh rồi, Tâm - Ý - Tánh hoàn toàn TRỐNG, nó trở về với cái KHÔNG, không mà có, có mà không; khi cần thì Tâm - Ý - Tánh hiện ra, khi không cần thì Tâm - Ý - Tánh biến thành KHÔNG.

Cần nên khuyên bảo người sắp ra đi giữ Tâm An Bình, không loạn động, không sợ hãi, buông bỏ mọi vướng mắc và thanh thản ra đi.

Vong Linh đã nặng nề với Nghiệp Lực của mình rồi, bây giờ lại nặng nề thêm với Tâm - Ý - Tánh nữa thì thật khó lòng di chuyển được.

Bài Pháp hôm nay Thầy muốn nhắc nhở cho chúng sanh nhớ rằng: chúng sanh cần phải thấu hiểu cái mục tiêu của cuộc đời là làm sao để thăng hoa cho tâm hồn mình được nhẹ nhàng, thơ thới.

Hai chữ THĂNG HOA bao gồm hết tất cả sự NHẪN NẠI - SỰ CỐ GẮNG - SỰ THA THIẾT - SỰ MONG MỎI làm sao để cho mình hơn hẳn được cái bắt đầu của mình, chớ không phải hơn hẳn những người chung quanh mình.

Thầy đơn cử thí dụ sau đây: trong tất cả những phần thưởng cho học sinh vào cuối năm học, bao gồm: phần thưởng xuất sắc, phần thưởng danh dự, phần thưởng hạnh kiểm, phần thưởng hoạt động xã hội, phần thưởng tiến bộ, thì chính cái phần thưởng tiến bộ mới mang lại một ý nghĩa thâm sâu.

Người học sinh lúc mới vào học (ở đầu niên khóa) còn yếu kém về mọi môn học, sau một năm tất bật, vất vã, cố gắng đến mức tối đa, học lực của học sinh đó đã lên cao. Tuy rằng học sinh này không thể đạt được thành tích cao để trở nên học sinh giỏi hay xuất sắc, nhưng sự cố gắng liên tục của học sinh này vẫn là một điểm son đáng ghi nhận và khen thưởng. Nhà trường trao phần thưởng tiến bộ cho học sinh này với một hàm ý nhắn nhủ là: em nên cố gắng thêm để đạt được một thành quả tốt đẹp hơn và việc trở nên học sinh giỏi hay xuất sắc sẽ là điều không khó đối với em trong niên học tới.

Chúng sanh có hơn hẳn cái bắt đầu của mình thì mới có thể cất cánh bay cao được. Nếu mình chỉ hơn được những người chung quanh thì có thể rằng mình chỉ bay là đà thôi, vì thiếu đà để phóng lên cao.

Chúng sanh nào cũng đều không khước từ những phát triển tột cùng của thế giới văn minh. Chúng sanh dù hiện đang sống trong thế giới văn minh hay đang mơ ước về cái thế giới văn minh đầy những tiện nghi vật chất, cũng đừng nên quên rằng: đã là chúng sanh của cõi Ta Bà thì không ai thoát được cái GÔNG XIỀNG NGHIỆP LỰC đang quấn chặt trên người. Cái gông xiềng đó chỉ chực chờ cơ hội để quấn thêm chớ không tháo bớt.

Cái vui, cái hào hứng, cái xa hoa, cái bóng nhoáng, cái tiện lợi của thế giới văn minh chỉ là nhất thời, không vĩnh cửu.

Chính cái nghiệp chướng mới lôi kéo Chúng Sanh từ đời này qua đời khác, không bao giờ chấm dứt.

Chúng sanh bắt buộc phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, tỉ mỉ giữa Nghiệp Chướng và Xa Hoa.

Chúng sanh không bắt buộc phải từ bỏ, phải hững hờ, phải lơ là với những sản phẩm của thế giới văn minh. Tuy nhiên, đừng quá lụy, quá bấu víu, và quá nâng cao cái giá trị của thế giới văn minh.

Hãy tận dụng những phương tiện của thế giới văn minh để phụng sự cho việc làm thăng hoa đời sống Tâm Linh của mình. Chính cái Tâm Linh mới là người bạn đồng hành với mình trên 6 nẻo Luân Hồi.

Hãy chăm sóc người bạn này, hãy trau chuốt, đánh bóng cho thật kỹ người bạn này để họ có thể chở che, bảo hộ khi Chúng Sanh đã trở lại kiếp Vong Linh, không còn dịp để miệt mài tận hưởng cái thế giới văn minh nữa.


+ 110