• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Lời Pháp Đầu Năm: Tâm An Lạc

Feb 11 2018
LacPhap.com LacPhap.com Mừng Xuân Mậu Tuất

Tâm ta không phiền não
Tâm ta không dấy động
Tâm không chứa ai bi
Tâm không vương sân hận
Tâm ta không sợ sệt
Tâm ta chẳng âu lo
Tâm không đầy dục lạc
Tâm cũng chẳng luyến tham
Tâm ta luôn sảng khoái
Tâm phấn chấn hồn nhiên
Ấy là Tâm An Lạc

Download PDF - 44 Mb

 

 

Tâm An Lạc là một cái Tâm không dung chứa lục dục thất tình, không ngập tràn những Tánh xấu, Thói hư, một cái Tâm hoàn toàn giữ “TRỐNG”. Khi Tâm của ta trống thì cái niềm vui mới tỏa rộng trong Tâm, trong tận cùng ngỏ ngách của Tâm, không nơi nào có vướng mắc dù bằng hột cát. Tâm ta chứa toàn sự vui tươi, tất cả niềm vui đó được thể hiện qua lời nói, qua hành động, qua cử chỉ, qua tư tưởng. Cho nên, nếu Chúng Sanh nào cảm nhận được niềm An Lạc trong Tâm thì tức khắc sẽ tìm được cái trạng thái Cực Lạc trong Tâm của mình. Cực Lạc không có nghĩa là quá sức vui! Nơi cõi Cực Lạc, Thánh Chúng lúc nào cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thơ thới, không nặng nề, không âu sầu, lo lắng, phiền não hay sợ sệt, không có cái gì đè nặng ở Tâm mình cả, lúc nào cũng mang một trạng thái Đồng Tử. TÂM ĐỒNG TỬ là Tâm của một trẻ thơ không biết buồn – vui – giận – hờn, không biết nói lời trách móc, không biết nói lời ngược xuôi nhiều hậu ý hay thâm ý, cũng không có ý nghĩ hại người, chém giết, cướp đoạt hay làm những điều quấy trá.

Tại sao Chúng Sanh bắt buộc phải sửa Tánh? Sửa Tánh để được trở về với cái Tâm Đồng Tử của mình!
 
Ngày tôi còn bé thơ, tôi sống với cái Tâm Đồng Tử, không biết thế nào là vui buồn sân hận, không biết làm cho người khổ đau. Càng lớn lên, tôi càng sống, tôi càng hấp thụ những thói hư tật xấu chung quanh tôi, cũng như càng triển khai những tánh xấu của chính bản thân tôi. Tôi đã xa rời cái Tâm Đồng Tử của tôi!

Nếu tôi quyết sửa đổi, triệt tiêu cho hết những thói tật xấu xa, những tánh tình quá nông nỗi của tôi, lần lần tôi trở về với cái Tâm Đồng Tử, tôi sẽ tìm lại cái cảm giác của một người sống trong niềm An Lạc, sẽ không còn biết buồn – vui – giận – hờn. Hỷ, nộ, ái, ố, ai, bi, dục-lạc sẽ biến mất trong tôi, khổ đau không còn đè nặng trái tim tôi, một Tâm Bình, một Tâm Thanh Tịnh, một Tâm An Lành trải rộng trong tôi, đem lại cho tôi niềm sảng khoái, an nhiên và thoải mái.

Đứa bé thơ khi nó sống trong Cực Lạc, nó sẽ không nhận biết được rằng nó đang sống trong Cực Lạc. Nhưng, tôi là một người trưởng thành, đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, đã từng đối diện với nhiều hậu quả do Tánh xấu, do Thói hư của tôi mang đến, ngày giờ này, tôi đã can đảm vứt bỏ, đem hết sức phấn đấu để mài từng vết nhơ, vết đen, vết mờ trên những Tánh xấu của tôi, tôi đã tìm lại được cái Tâm Đồng Tử trong tôi, và đã tức khắc nhận ra được đâu là ĐỊA NGỤC và đâu là CỰC LẠC!! Tôi trở về với cái cảm giác hồn nhiên, phấn chấn và sảng khoái như tâm hồn của một trẻ thơ. Một khi tôi đã đắm chìm trong cái cảm giác Cực Lạc đó rồi, tôi sẽ không còn tha thiết đến chuyện của đấu trường, của hơn thua, của cao thấp, của tranh giành, của thiệt hơn nữa.

Cho nên, một người có sửa Tánh, lần hồi sẽ tự tạo cho mình một niềm vui, một cách sống, một tư tưởng, một tầm nhìn luôn luôn gắn liền với 2 chữ CỰC LẠC. Ta vui là tại vì ta đâu có gì để buồn, để sân, để bực dọc. Ta vui khi ta chia sẻ lại được những gì ta có, ta dư, cho người thiếu thốn. Khi ta có mà người cũng có, ta sẽ cảm thấy vui trong niềm An Ổn và An Lạc. 

Chúng Sanh của cõi Ta Bà tánh khí quá nóng nảy, lòng luôn chất chứa lụy phiền, sân hận thì ngút trời, mỗi chút mỗi giận, mỗi hờn, dễ dàng vung tay bắn súng, phóng dao, xem sanh mạng của nhau như cỏ dại bên đường, sẵn sàng nhổ bỏ, chả trách sao mà Nghiệp Sát cứ triền miên từ đời này nối tiếp đời sau. Tánh nết quá dữ dằn, tác tệ, gây tổn mạng cho kẻ khác. Nhân không Lành đã gieo trồng rồi thì Quả Đắng Cay không thể nào tránh được. Hại người thì cũng có lúc bị người hại lại, cái vòng lẩn quẩn cứ xoay chiều, tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt. 

Chúng Sanh nào cũng tha thiết muốn được về cõi Trời hay cõi Phật sau khi mình đã bỏ báu thân. Câu hỏi đặt ra là: Về cõi Trời hay cõi Cực Lạc để làm gì? 

Chắc chắn sẽ không phải là để ngồi an hưởng cảnh giàu sang phú quý với kẻ hầu người hạ đâu. Nơi cõi Trời, dù mang tiếng là hưởng Phước Báu, nhưng nếu không biết tu tập thì khi mệnh phước đã mãn, vẫn phải theo Nghiệp Lực của mình mà trở lại cõi Ta Bà; rồi thì cái vòng Sanh Tử Luân Hồi sẽ lại cứ quấn lấy mình qua việc TRẢ NGHIỆP và TẠO NGHIỆP. 

Đi về Cực Lạc là đi tìm sự An Lạc thật sự cho bản thân mình. Ngay từ cõi Ta Bà mình đã làm những việc không An Lạc thì làm sao mình có thể đặt chân lên con đường An Lạc để tiến về một nơi đầy An Lạc hầu tìm cái cảm giác triền miên An Lạc cho mình?

Muốn tiến đến quả vị Bồ Tát hay quả vị Phật, điều kiện tối cần thiết trước tiên vẫn là trui rèn Tâm - Ý - Tánh. Tánh có được giùi mài, cải sửa, Tâm mới có thể trở nên Bình, trở nên An Lạc được. Tâm - Ý đều An Lạc, Chúng Sanh sẽ sống với Tứ Vô Lượng Tâm TỪ BI HỶ XẢ và ngập chìm trong cái cảm giác Cực Lạc ngay khi còn hiện thế. 

Tâm Chúng Sanh tuy trở nên Tâm Bình, Tâm An Lạc, cũng vẫn không thể so sánh được với Tâm của Phật, của Bồ Tát, vì đó là một Tâm Phẳng Lặng hay còn gọi là TÂM RỖNG. Rỗng có nghĩa là không chứa bất kỳ một cảm giác, một cảm xúc, một tình cảm nào … tức là ở thế Như Như Bất Động.

Lấy ví dụ sau đây cho dễ hiểu: Trước mặt Bồ Tát là một người Mẹ đang nức nở nghẹn ngào với đứa con bất động trong lòng. Người Mẹ van cầu vị Bồ Tát cứu giùm đứa nhỏ sống trở lại. Tự trong Tâm của vị Bồ Tát dâng lên niềm cảm xúc, trước hình ảnh quá thương tâm của một tình Mẫu Tử thiêng liêng không còn nữa. Tuy nhiên, Tâm của chư Phật, chư Bồ Tát là Tâm Rỗng, có nghĩa là: cảm xúc tuy có nổi lên, một sự xót xa tuy có dâng trào, nhưng cái cảm xúc đó vẫn không lấp đầy được cái Tâm Phẳng Lặng của vị Bồ Tát. Cái vật cản làm cho cái cảm xúc không thể lan rộng ra được chính là NGHIỆP CHƯỚNG của người Mẹ và của đứa con.
 
Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây, Chúng Sanh luôn kêu gào, than thở, khóc lóc, cầu xin cứu độ. Chính cái Tâm Phẳng Lặng đó đã giúp cho Phật và Bồ Tát không bị quấy rối bởi những hình ảnh đau thương, bởi những âm thanh nghẹn ngào, tức tưởi của Chúng Sanh. Chúng Sanh này thấy Chúng Sanh kia đang lún ngập trong hàng loạt cái KHỔ: khổ vì nhà cháy, khổ vì chạy không kịp nên bị phỏng, khổ vì bị kẻ xấu ác thừa cơ ăn cắp đồ đạc của mình.  

Chúng Sanh này buông lời than thở, ngầm trách móc Phật và Bồ Tát sao không cứu độ người lâm nạn. Thường thì Chúng Sanh chỉ nhìn thấy được cái mặt ngoài của sự việc xảy ra. Tâm Chúng Sanh chưa đủ BÌNH và PHẲNG LẶNG như gương để có thể soi thấu được những hình ảnh của Nghiệp Lực đã gây tạo nên do người kêu cứu độ. Luật Nhân Quả không có ngoại lệ, dù rằng nhân gieo trồng chỉ nhỏ bằng hạt bụi! Khi quả đã chín muồi thì nó sẽ rơi đúng vào túi của người đã gieo hạt nhân đó. 

Chỉ có người Phước Đức gặp nạn tai, không dính dáng gì đến một Nghiệp Lực có liên quan đến nạn tai đó, mới được chư Phật và Bồ Tát cứu vớt ngay tức thì.

Đã có biết bao nhiêu biến động xảy ra như: sóng thần dâng cao, lụt lội, mưa bão, hỏa hoạn, động đất, đất chuồi, đất lở… thế mà cũng vẫn có những kẻ thoát được nạn tai trong đường tơ kẽ tóc. 

Trong một vùng có hỏa hoạn xảy ra, đôi khi vẫn có một vài ngôi nhà không bị lửa xâm phạm dù rằng những ngôi nhà phía trước mặt, phía sau lưng, bên tay mặt, bên tay trái đều bị cháy rụi hoàn toàn. 

Súng nổ vang rền nơi trận mạc, hết tốp lính này ngã gục, đến tốp lính kia nằm xuống, chung quanh toàn là xác chết, chỉ còn lại có một người sống sót! Người thường tình thì cho rằng may mắn; người biết tu tập thì nhận ra được cái Phước Đức sâu dầy đã khiến cho Phật và Bồ Tát kịp thời cứu vớt, giúp người lính đó thoát nạn trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, trong cảnh súng đạn vô tình vèo bay qua đầu, qua thân thể họ.

Từ Bi Hỷ Xả không phải là một cảm xúc hay một cảm giác, mà đó chính là hành động của cái Tâm. Tâm của chư Phật và Bồ Tát là một Tâm RỖNG nên không chứa bất kỳ một cảm giác, một cảm xúc nào cả. Khi tu tập, nhờ ở việc sửa Tánh mà người tu tập giữ được Tâm BÌNH. Tâm có BÌNH mới tìm được niềm AN LẠC. Từ cái AN LẠC đó lần hồi mới đẩy lui hết tất cả những khổ đau, những ưu tư phiền não, những vướng bận từ ở trong Tâm ra ngoài để cuối cùng rồi Tâm sẽ trở thành TÂM RỖNG. Khi đó Tâm sẽ lộ ra mặt gương phẳng lặng trong vắt, soi thâu hết tất cả những gì phản chiếu vào gương. Từ Tâm Chúng Sanh muốn bước vào Tâm Phật, Tâm Bồ Tát, bắt buộc phải đi từ Tâm AN LẠC mới tiến lần đến Tâm RỖNG được. Không qua được cái chặng Tâm An Lạc, sẽ rất khó lòng hoàn tất được cái chặng Tâm Rỗng, Tâm Phẳng Lặng.

 
Cho nên, việc sửa Tánh là một điều cực kỳ quan trọng đối với người tu tập, hay đối với bất kỳ ai muốn tìm được niềm An Lạc trong Tâm mình. Từ ở Tâm An Lạc mới đẩy lui phiền não, mới tẩy sạch âu lo, mới lau chùi được những lớp bụi dầy Sân Hận, Tham Lam, Si Mê Lầm Lạc, để lộ ra cái trong sáng, cái phẳng lặng của TẤM GƯƠNG TÂM. Tâm giờ đây RỖNG hoàn toàn, không dung chứa thất tình, không cất giữ cảm xúc, không cầm chân cảm giác; Tâm đó mới chính là Tâm Phật, Tâm Bồ Tát. Tâm có RỖNG thì mới có thể nhận hết tất cả những cảnh huống của Chúng Sanh để mà giải quyết. Những cảnh huống này không thuộc sở hữu của cái Tâm vì đó là những vật từ bên ngoài, không ảnh hưởng đến cái Tâm, sau khi đã giải quyết xong, buông xuống, phủi tay và chấm dứt.

Có giữ được TÂM BÌNH mới tìm được sự AN LẠC trong Tâm. Tâm có An Lạc mới giúp cho ngọn đèn Trí Huệ phát sáng lên. Đèn Trí Huệ sáng choang mới giúp cho người tu tập thăng hoa ngay khi còn hiện đời.

Pháp nơi đây là PHÁP AN LẠC, cốt mong cầu sự An Bình, giúp Chúng Sanh tìm được niềm vui trong cái An Bình, tìm cầu sự AN LẠC trong Tâm để thắp sáng được ngọn đèn Trí Huệ, soi tỏ từng cảnh huống, từng nổi khổ đau của mỗi Chúng Sanh.

Tâm Bình vạn sự Bình
Ý Bình vạn sự Thông
Tâm Ý luôn Phẳng Lặng
Đèn Trí Huệ Rạng Ngời.

LacPhap.com xin chân thành kính chúc: Mùa Xuân năm Mậu Tuất 2018 sẽ mang đến cho muôn Người – muôn Việc – muôn Sự được Vạn điều Hanh Thông.

Như Ý không xa rời
Cát Tường luôn gắn bó
Bình An luôn chở che
An Lạc trọn niềm vui.

 


+ 88