• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Tư Cách Của Người Tu Tập

Jul 27 2014
Awakening - Michael Brandt - 68955769 Awakening - Michael Brandt - 68955769 500px

Kính bạch Sư Phụ,
Trong bài Đới Nghiệp Vãng Sanh, Sư Phụ đã có đề cập đến tư cách của Thánh Chúng. Mà Thánh Chúng cũng đã từng là một chúng sanh của cõi Ta Bà, thì như vậy, người của cõi Ta Bà có bắt buộc phải thụ đắc một tư cách hay không?

Con ơi, sống trong cõi Ta Bà, loài Người hay nói cho đúng ra là chúng sanh, phải làm gì trong cõi Ta Bà?

  • Không thể nào phè phỡn, ăn chơi ngày hai bữa được.
  • Không thể nào sống với cái Tâm vô ý thức.
  • Không thể nào sống với một tư cách không đúng nghĩa với tư cách làm NGƯỜI của mình.

Chúng sanh cần phải hiểu rõ rằng: đã mang một tư cách làm NGƯỜI, tức là phải hành sử sao cho đúng với vai trò làm Người của mình.

Người là một đẳng cấp cao so với hàng Súc Sanh, Ngạ Qủy và thậm chí với bậc A Tu La đẳng cấp thấp. Đã làm được Người, cơ hội để được thăng hoa trở thành Phật, thành Bồ Tát là một việc không thể nào gọi là BẤT KHẢ được. Mọi việc đều có thể xảy ra được, do ở đâu? do ở mình nhận ra được tư cách NGƯỜI của mình.

Phải hành sử sao cho đúng với tư cách đó, đừng hờ hững, đừng làm cho lấy có, đừng lấp liếm, đừng thiếu chân thành, đừng thiếu sự tự tin, đừng để một sự ngộ nhận giữa NGƯỜI và THÚ - Người thuộc đẳng cấp cao hơn Thú, cho nên việc tu tập đối với Người là một điều rất tự nhiên, phải được hành sử một cách trân quý.

Chúng sanh không thể nói rằng: thân xác này là của tôi, tôi muốn làm gì thì tự ý, tôi có toàn quyền quyết định trên tất cả mọi việc. Thật sự ra không đúng như thế!

Nếu mình tự ý làm và cho rằng việc mình làm chỉ ảnh hưởng đến kẻ khác, đến những người mình không quen biết; còn đối với những người thân của mình thì mình luôn che chở và bảo vệ họ, điều suy nghĩ đó rất sai lầm! Vì sao?

Thật sự mà nói, mỗi cá nhân có đến Cửu huyền Thất Tổ; 9 đời bà con dòng họ, 7 đời cha mẹ, ông bà, anh chị em, con cái, trộn chung lại, vòng qua, vòng lại, tất cả đều là tình thân của mình, không có ai là người lạ đối với mình. Tất cả đều là người quen, không ở kiếp này thì cũng ở kiếp vừa qua, hoặc một kiếp nào đó trong quá khứ.

Con cứ thử tính đi, cứ mỗi một kiếp người, một chúng sanh có đến Cửu huyền, có đến Thất Tổ, mà mỗi một cá nhân hiện diện ngày hôm nay đã phải trải qua bao nhiêu kiếp rồi? 5 kiếp, 10 kiếp, hay thậm chí 100 kiếp, 1000 kiếp, triệu kiếp, con số Cửu huyền Thất Tổ khó lòng đếm kể được.

Vì vậy tất cả đều là ruột thịt của mình. Mà đã là ruột thịt thì sự đối xử phải là một tình Thân, không thể đối xử nhau như kẻ thù được. Thù dưới mắt mình, thù ở hiện kiếp, nhưng có thể lại rất thâm tình ở kiếp vừa qua.

Như vậy, nếu mình sống không trọn đạo nghĩa làm Người thì tất nhiên mình đã đối xử với tình thân của mình rất là bạc bẽo, rất là dữ dằn, ác độc. Và đôi khi, vì sân hận mà mình đã thẳng tay chém chặt tình Thân của mình một cách không ngờ được.

Chúng sanh có bao giờ nghĩ rằng người mình đang hại hiện giờ lại là cha, là mẹ, hoặc là anh chị em, con cái của mình ở kiếp mới vừa qua không? Cho nên, làm bất kỳ một điều gì cũng phải suy nghĩ tận tường, đó là sự khác biệt giữa người biết tu tập và người không biết tu tập. Thiếu trí huệ sẽ không thể phân định một cách rõ ràng, tinh tế về những hành động, những cử chỉ, những suy tư của mình đối với kẻ khác.

Ngày giờ này, hành sử kiếp Người của mình, đừng bao giờ thuần nghĩ rằng: tôi sanh ra ở Đời, tôi là Người, chỉ có thế thôi! Mà phải hiểu rằng: Tôi là người như thế nào? Và cái tư cách làm Người của tôi đã giới hạn những hành động của tôi, những tư tưởng của tôi, những cử chỉ của tôi ra làm sao?

Trong bất kỳ một việc gì, trước khi quyết định là phải luôn luôn suy nghĩ về tư cách NGƯỜI trong cõi Ta Bà, tư cách đó bao gồm luôn cả cái nguyên tắc căn bản làm người của mình: đó chính là Tình Tương Trợ.

Tại sao phải có Tình Tương Trợ? Là vì tất cả đều là tình Thân của mình, không có người lạ trong đó, vì vậy cần phải tương trợ lẫn nhau. Mà đã là tình Thân thì không cần dùng đến hai chữ Từ Bi. Từ Bi có tính cách cao cả, cao thượng, nhưng tình Tương Trợ thì có tính cách gần gũi, tha thiết và lo lắng của một con người đối với tình Thân của mình.

Cho nên, điều cần yếu là với tư cách NGƯỜI, tôi phải nhận chân ra được rằng tôi không thể nào đối xử một cách thiếu tình tương trợ với những người chung quanh tôi, vì đó là tình thân của tôi trong quá khứ. Ngoài ra, tư cách NGƯỜI của một người biết tu tập chân chính, luôn báo động cho hành giả trong việc giao tế, tiếp xúc, trong những tương quan giữa Người và Người để nhận chân ra sự đúng sai, nên hay không nên trong từng cử chỉ, từng hành động, từng lời nói của hành giả, hầu kịp thời ngăn chận những điều đáng tiếc xảy ra. Một sự sai lầm thiếu cân nhắc có thể làm tiêu hao hoặc mất đi tất cả trí huệ mà mình đã dày công tu luyện.

Dù là Thánh Chúng, nguồn gốc vẫn là NGƯỜI.

Dù là Thiên Chúng, nguồn gốc vẫn là NGƯỜI.

Dù là Chư Thánh, Chư Thần, nguồn gốc vẫn là NGƯỜI.

Vì vậy, tư cách làm NGƯỜI rất ư là quan trọng. Không phải dễ dàng thành tựu một kiếp người. Một khi đã trở thành một con Người rồi thì phải làm sao cho “xứng đáng” với chữ NGƯỜI mà mình đang mang.


+ 128