• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Cha Mẹ và Con Cái

Oct 17 2022
1712317153 1712317153

Kính bạch Sư Phụ,

Hằng ngày, có vô số ... vô số những mẫu chuyện gia đình vô cùng là thương tâm xảy ra trên cõi Đời. Nào là Cha Mẹ hành hung con cái đến thương tích đầy mình; những cuộc cãi vã vô cùng kịch liệt giữa Cha Mẹ và con cái đưa đến việc xô xát lẫn nhau; chưa kể đến những án mạng kinh hoàng do Cha hay Mẹ thanh toán con mình. Bù lại, cũng không thiếu gì những cái cảnh Cha Mẹ Con Cái chưởi lộn nhau bằng những từ ngữ thật nặng nề, khó nghe; những hình ảnh thật kinh hoàng khi đứa con sát hại Cha hay Mẹ bằng những hung khí cực kỳ hiểm ác; những cái cảnh con dùng chất độc giết chết Cha hay Mẹ rồi vứt xác xuống vực sâu để phi tang... Kể hết ra chỉ làm rợn gáy người nghe!!

Chưa hết, trong thời gian gần đây, có nhiều học sinh còn rất trẻ, mang súng tới trường học và không ngần ngại “ria” hết bạn bè cùng lớp, các cô thầy giáo.

Nếu các tình huống trên cứ tiếp diễn mãi không ngừng, con e rằng một ngày không xa lắm, trật tự xã hội sẽ biến mất, kỷ cương phép nước cũng không còn, gia đình sẽ không còn là một mái ấm đúng nghĩa của 2 chữ Bảo Bọc và Thương Yêu.

Hôm nay con nêu lên niềm ưu tư, lo lắng của con về những thế hệ mai sau. Liệu rằng những thế hệ Trẻ sau này có còn tiếp tục dẫm lên những bước chân sai lạc của các bậc đàn anh hiện giờ hay không?

Kính xin Sư Phụ từ bi giúp cho Người Đời chúng con một lời phân tích và chỉ dạy để có thể tránh được những tình huống đáng tiếc xảy ra có thể làm hủy diệt lần hồi cái tình cảm thiêng liêng giữa Cha Mẹ và Con Cái.


 

Tất cả những ưu tư, lo lắng mà con vừa nêu lên đều bắt nguồn từ 2 chữ LẮNG NGHE!

Lắng Nghe là một Tánh Tốt căn bản, bàn bạc ở khắp mọi sự kiện, sự việc, mọi giao tế, mọi hoàn cảnh, mọi môi trường. Lắng nghe cần thiết cho bất cứ ai, từ già đến trẻ, từ người sang đến kẻ hèn, từ người học cao đến người ít học… Ngay cả một người ngồi ngất ngưởng trên cao, quyền uy tột đỉnh, nếu muốn cho Quốc Gia mình luôn được an ổn, tốt đẹp, bắt buộc phải lắng nghe những lời khuyên chân thành, những ý kiến đóng góp độc đáo của các cộng sự viên, hay của những thuộc hạ của mình.

Nhìn một đứa bé đang tập tễnh bước đi, tánh Lắng Nghe phải được hướng dẫn cho đứa bé ngay từ lúc này, nếu đợi cho đứa bé lớn hơn thì e rằng quá muộn. Thông thường, Trí Thông Minh của một đứa trẻ bắt đầu phát triển mạnh từ trong giai đoạn “tập đi” này. Chính trong thời gian đó, Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Ý Thức hợp cùng với chức năng của Tay và Chân để giúp cho đứa bé nhận thức được hành động của mình là tập đi, cho đến khi đứa bé đi được vững vàng, và tự mình điều khiển bước đi của mình.

Tập cho đứa bé biết lắng nghe ngay từ lúc đó sẽ giúp cho nó học những bước kế tiếp như chạy, nhảy, nhất là tập Nói, được dễ dàng hơn.

Rồi thì toàn bộ Ngũ Quan lẫn Ngũ Thức, Ý Thức, phối hợp với những Vùng Hoạt Động của não bộ, giúp cho cơ thể của đứa bé ngày càng phát triển về mặt Thân Xác lẫn Tinh Thần. Dạy cho đứa bé biết Lắng Nghe, tức là cho tinh thần của đứa bé một hạt giống Tốt đầu tiên để rồi sau đó, mảnh đất tinh thần sẽ lần lượt tiếp nhận nhiều hạt giống Tốt khác.

Một đứa bé biết lắng nghe sẽ luôn ghi nhớ lời chỉ dạy của Cha Mẹ, hay của những bậc trưởng thượng, do đó có thể tránh được rất nhiều những việc làm sai trái do ở sự kém hiểu biết hay suy nghĩ nông cạn của mình.

Trong khoảng thời gian từ lúc Bé tập đi cho đến khi Bé được 12 tuổi, nhất cử nhất động của Bé đều bắt buộc phải được quan tâm đến để giúp Bé sửa sai cho kịp lúc. Đây là lúc mà tâm lý của Bé phát triển mạnh mẽ nhất, bậc Phụ Huynh nên để ý đến thái độ cũng như lời nói của mình đối với Bé.

Một đứa bé nói năng hòa nhã, dịu dàng, lễ phép, biết kính trên nhường dưới cũng là từ ở cách đối xử của Mẹ Cha. Nếu Cha Mẹ thường hay tỏ ra gắt gỏng, cộc cằn, quát tháo, luôn nặng lời chưởi mắng, đó chính là cái khuôn đúc cho con mình! Khi đứa trẻ có thái độ vô lễ đối với mọi người hay thậm chí với chính Cha Mẹ của Bé thì điều đó sẽ không có gì là ngạc nhiên cả. Đứa bé đã làm đúng với những gì mà Bé đã nghe, đã thấy, đã biết từ ở Cha Mẹ của Bé.

Bên cạnh đó, Cha Mẹ còn phải đối diện với ngàn câu hỏi của đứa bé để giúp cho Bé khám phá cuộc đời.

Nếu Bé không hỏi, Cha Mẹ bắt buộc phải đặt câu hỏi để cho Bé trả lời; Cha Mẹ sẽ nương vào câu trả lời của Bé hay thái độ của Bé để giúp Bé trả lời chính xác. Khoảng thời gian này, đứa bé chưa nhận thức được việc làm của mình là đúng hay sai, cho nên đôi khi vô tình tạo Nghiệp Chướng mà Cha Mẹ không hề hay biết, do đó phải luôn luôn sát cánh bên con cái của mình.

Một điều rất là thường tình, đó là, đứa bé biết lắng nghe sẽ ít phạm lỗi, do đó cũng ít bị hình phạt hay sự la rầy từ ở cha mẹ.

Ở trường học, một học sinh biết lắng nghe sẽ không để sót lời giảng dạy của Thầy Cô, đương nhiên việc học cũng khó mà gặp trắc trở; tánh lắng nghe sẽ giúp cho học sinh đó kịp thời phản ứng khi không thông suốt một vấn đề nào đó trong môn học.

Những buổi tan trường về, Cha Mẹ lại có dịp trắc nghiệm sự lắng nghe của con mình trong suốt thời gian ở trường học; khuyến khích con trẻ kể lại sinh hoạt ở trường, mối liên hệ với bạn bè, với các Cô Thầy Giáo, kể cả những hoạt động nơi sân chơi. Từ đó, Cha Mẹ sẽ nhìn thấy và nhận định được toàn bộ những diễn biến của một ngày nơi trường học của con mình. Những lời kể của con trẻ sẽ giúp cho đứa bé nói chuyện được trôi chảy hơn, từ đó Cha Mẹ sẽ có dịp chỉnh sửa những lời phát âm còn ngọng nghịu để tiến dần đến lưu loát và tự tin hơn.

Một học sinh biết lắng nghe sẽ để ý từng câu nói của bạn bè, do đó dễ dàng nhận ra tư cách của bạn mình; điều này rất là cần thiết trong việc lựa chọn bạn để chơi.

Trong gia đình, Cha biết lắng nghe Mẹ, Mẹ hiểu được thấu đáo ý của Cha, con cái luôn biết lắng nghe lời dạy dỗ của Mẹ Cha, tránh làm điều sai, điều quấy, Cha Mẹ cũng hiểu rõ tâm tư của con cái, luôn cảm thông và chia sẻ những buồn vui của con mình, Hạnh Phúc Gia Đình chính là đây, không cần tìm cầu ở đâu xa!!

Đứa bé lớn lên quen với tánh lắng nghe, sự nhận xét về những điều mình nghe sẽ tinh tế hơn, dễ giữ bình tỉnh hơn, tránh được việc hiểu lầm hay hiểu sai ý của người khác, có thể đưa đến mối bất hòa với những người chung quanh.

Một ngày nào đó, người Trẻ này bước chân vào Đời, giao tiếp với nhiều người, chắc chắn rằng sẽ gặp nhiều va chạm, nhưng với cái Tánh Lắng Nghe đã được chỉ dạy ngay từ lúc nhỏ, và tiếp tục lớn dần theo năm tháng trưởng thành, người Bạn Trẻ sẽ không chút nào nao núng trước những va chạm của cuộc Đời. Tánh Lắng Nghe sẽ giúp cho Bạn ấy vượt qua những khó khăn nhờ ở sự Bình Tỉnh, nhờ ở sự nghĩ suy chín chắn và thấu đáo trước mọi vấn đề.

Việc một người Trẻ làm bất cứ một hành vi nông nổi nào, mang lại sự thiệt hại, sự đớn đau cho một người hay cho nhiều người, đều bắt nguồn từ ở sự Thiếu Lắng Nghe. Người Trẻ này, ngay từ thuở ấu thơ đã không được chỉ dạy thế nào là Lắng Nghe, đã không có dịp thực tập Sự Lắng Nghe, chưa từng biết Lắng Nghe người đối diện và chắc chắn rằng không bao giờ biết Lắng Nghe chính bản thân mình.

Không biết lắng nghe thì làm sao có dịp để Tư Duy? Thiếu tư duy thì sự nghĩ suy sẽ trở nên nông cạn, hành động theo Bản Năng nhiều hơn là theo Lương Tâm. Bản năng dẫn dắt con người làm theo cái Muốn, mà đa số cái Muốn đều bắt nguồn từ ở tánh Tham và những tánh Xấu phụ thuộc của tánh Tham.

Nếu bảo rằng, những người bạn Trẻ, vì không được mọi người từ trong gia đình ra đến trường học, ra đến ngoài xã hội, lắng nghe tiếng nói, tiếng van cầu của họ, cho nên họ uất ức và làm những điều trái đạo; thử hỏi rằng, chính bản thân của những người bạn Trẻ đó đã có từng lắng nghe tiếng nói của những người chung quanh họ hay chưa? Họ đã sống theo bản năng, họ dung túng những Tánh Xấu và bác bỏ Lương Tâm, họ có bao giờ lắng nghe tiếng kêu đau thương của những người mà họ đã gây tạo ra Nghiệp Chướng hay không?

Trách nhiệm này qui về cho ai đây? Phải chăng chính là Cha với Mẹ!! Cục bột không cho vào khuôn đã vội vàng đem đi nướng, khi bột đã chín vàng rồi thì quá là muộn màng, không còn nhào nặn nên hình nên thể được nữa rồi. Cha Mẹ có đấm ngực kêu Trời thì con mình tay cũng đã nhúng chàm, gây đau thương cho biết bao nhiêu người vô tội!

Không dạy con những Tánh Tốt từ khi con còn thơ dại, đến khi con trưởng thành cũng vẫn không đồng hành cùng con, không lắng nghe lời tâm sự của con, không thấu hiểu những nổi ray rứt của con, không cảm thông và cũng không chia sẻ những đau đớn cùng con.

Tánh Xấu dẫy đầy, Bạn xấu vây quanh, Môi Trường sống không lành mạnh, Cha Mẹ đã không còn là chỗ dựa vững chắc cho con sau bao nhiêu biến cố xảy ra trong cuộc đời, do đó mà khi con làm điều nông nổi, con đã không còn sợi dây thắng để gò cương.

Nói tóm lại, Lắng Nghe là một Tánh Tốt làm nền cho nhiều tánh tốt khác. Nhờ có lắng nghe mới thấu hiểu được tâm tư của người đối diện, nhờ đó mà khơi dậy lòng Từ, đánh thức lòng Trắc Ẩn, mở rộng vòng tay Tương Trợ, sẵn sàng chia sẻ nỗi thương đau.

Lắng Nghe sẽ giúp tránh Hiểu Lầm, ngăn chận lòng Sân Hận, tạo nên sự Cảm Thông. Thường xuyên Lắng Nghe tiếng lòng của mình để ngăn chận những ham muốn thái quá, để loại bỏ những tánh xấu ẩn tàng, tuy rằng nó chưa đủ lớn để lộ ra ngoài, nhưng nó vẫn đủ sức làm xao xuyến tâm tư mình mỗi khi Tự Ái có dịp bùng lên.

Lắng Nghe giải quyết được rất là nhiều việc, nhưng rất tiếc, người Đời đã thờ ơ…rất là thờ ơ. Từ cơ quan công quyền cho đến dân chúng đều không xem việc Lắng Nghe làm trọng. Dân chúng kêu oan thì người có chức trách không lắng nghe lời kêu oan, mà trái lại càng đổ dầu vào lửa, khiến cho rất là nhiều việc không hay xảy tới, làm xáo trộn trật tự của cả một xã hội, cả một Quốc Gia Dân Tộc.

Mọi việc xảy ra không có gì là ngạc nhiên, là bất thường cả; chung quy cũng chỉ vì sự Thiếu Lắng Nghe giữa người Dân và Chánh Quyền, đưa đến một sự Bất Cần tai hại cho cả đôi bên.

Kính bạch Sư Phụ,

Ngoại trừ sự thiếu lắng nghe, điều gì đã khiến cho Cha Mẹ thời nay thiếu sự để tâm đối với con cái quá nhiều?

 

Trong bài pháp nói về Lắng Nghe, Thầy có nói rằng, khi một người lắng nghe thì Sự Để Tâm được đặt vào trong đó rất nhiều. Do đó, Cha Mẹ bắt buộc phải lắng nghe con cái để mới có thể hiểu rõ tâm tư của con mình muốn cái gì? Con mình hiểu sai? Con mình đang nổi loạn? Con mình đang toan tính một điều gì đó? Có phải con mình đang vướng vào một gút mắt khó tháo gỡ?..... Lắng nghe bằng tất cả sự Để Tâm của một người Cha hay một người Mẹ, chắc chắn rằng sẽ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, những lấn cấn không thông suốt trong tâm tư của con mình; dù sao thì sự cảm nhận của người Cha hay người Mẹ cũng nhạy bén vô cùng.

Tiếc thay, người Đời ngày nay tánh khí rất là cao ngạo, ngã mạn và bất cần. Người ta tôn trọng một cách thái quá 2 chữ “Tự Do” và “Bình Đẳng”, luôn luôn cho rằng mình không thua kém ai, cho nên không màng lắng nghe ai, mà cũng không muốn ai đó lắng nghe mình.

Trong gia đình, Cha Mẹ có đời sống riêng tư của Cha Mẹ, Con cái có đời sống riêng tư của con cái, mọi người phải tôn trọng đời sống của nhau một cách tuyệt đối, để không ai làm phiền ai cả.

Văn minh vật chất lên cao vùn vụt, một ngày qua là một bước tiến nhảy vọt; thỏa mãn những nhu cầu vật chất khiến cho người Đời lúc nào cũng ở trong thế “bị động”, sẵn sàng chạy nước rút trong việc thỏa mãn những cái Muốn của mình, mà một trong những cái Muốn đáng kể nhất chính là Dục Vọng.

Có thể nói rằng, tầm nhắm cho đa số những sáng kiến, những phát minh về Vật Chất, chính là Dục Vọng! Càng thỏa mãn Dục Vọng, sự tham lam càng cao tột.

Thể xác và Tinh Thần là 2 thực thể trái ngược nhau. Dục Vọng càng lên cao, Thể Xác càng được thỏa mãn, Tinh Thần càng trì trệ xuống. Thế hệ Trẻ ngày nay có khuynh hướng thích hưởng thụ, xem nặng phần Vật Chất, không tha thiết nhiều đến đời sống Tinh Thần. Do đó mà thích chơi trò Ong Bướm, hưởng nhụy của hết đóa hoa này đến đóa hoa kia mà không một chút áy náy về trách nhiệm của kẻ làm Cha.

Xác suất những người Mẹ Đơn Thân, một mình nuôi con, hiện nay lên rất là cao, không dưới 40%, so với thời gian cách đây non nữa thế kỷ, một con số rất khiêm nhường, độ khoảng 4 đến 5%.

Khoảng 40% những đứa trẻ không có Cha, một con số không phải nhỏ! Nó đủ lớn để có thể giúp cho người ta thẩm định được cái giá trị Đạo Đức của một Dân Tộc, điều này nói lên một cách rõ ràng cái tầm mức hướng thượng của một Dân Tộc như thế nào?

Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, người ta không xem trọng cái vai trò cao cả, thiêng liêng của người đã tạo nên hình hài của đứa nhỏ. Chính bản thân người đó đã từ chối cái vai trò làm Cha của mình, cho nên, từ trong nguyên tắc đã có sự sai lầm, và tai hại thay, sự sai lầm đó lại đưa đến một sự xáo trộn trật tự trong xã hội.

Một đứa con tượng hình bắt buộc phải có Tinh Cha Huyết Mẹ. Nuôi dưỡng một đứa con nên người hữu dụng, làm lợi cho Đất Nước, làm nở mặt cho Gia Đình, cho Dòng Họ cũng vẫn phải có công sức của Cha, có công lao của Mẹ.

Cha là một cái KHUNG vững chắc để cho đứa con nương tựa vào; nếu cái khung đó yếu ớt hay không có, đứa con sẽ cảm thấy lúng túng, không khác gì người bị hụt chân, không biết tựa vào đâu. Dù rằng nó có Mẹ ở kế một bên, nhưng người Mẹ không thể nào đóng trọn cái vai trò của cái khung vững chắc đó được; người Mẹ chỉ có thể nuôi dưỡng đứa con chớ không thể tạo nên cái khung vững chắc để cho con nương tựa vào.

Hình ảnh của một người đàn ông oai hùng trong bộ quân phục với nhiều huy chương, với nhiều chiến công hiển hách.

Một người đàn ông được nhiều người biết đến nhờ ở tấm lòng thiện nguyện, luôn giang tay để giúp đỡ cho người này, người kia, không nệ hà bất kỳ một điều gì hết.

Một người đàn ông lúc nào cũng sẵn sàng để giúp đỡ những người yếu đuối, thế cô hay là kém trình độ, từ trong xóm, trong làng, ra đến cộng đồng, xã hội….

Một người đàn ông không cần học cao hiểu rộng, không cần có quyền bính trong tay, nhưng đó là một người sống có đạo đức, có hạnh kiểm tốt, biết lo cho gia đình, biết yêu thương con cái, biết dạy dỗ con cái, biết làm những điều tốt đẹp để cho con cái nhìn vào mà làm gương.

Một người mà lúc nào cũng là chỗ dựa mỗi khi con cái mình thất bại trong mọi vấn đề từ học vấn cho đến nghề nghiệp, cho đến gia đình, cho đến giao tế; luôn có những lời động viên, một sự chỉ bảo chân thành, thương yêu, vỗ về, cổ võ…..

Tất cả những hình ảnh đó đã tạo thành một cái khung cứng chắc, và đứa nhỏ chẳng những tựa vào cái khung cứng chắc đó để tiến lên, mà nó còn muốn được ở trong cái khung đó để có thể tạo nên cái gọi là “rập khuôn” cho con cái của nó về sau.

Không có bầu sữa mẹ, đứa nhỏ không thể lớn lên. Không có sự chăm sóc của người Mẹ qua từng miếng ăn, giấc ngủ, đứa nhỏ sẽ không thể lớn lên một cách bình thường, đúng nghĩa trong sự thoải mái, vui vẻ và hạnh phúc. Vì vậy mà đứa nhỏ nào cũng cần có cả Cha lẫn Mẹ.

Trong xã hội ngày nay, người ta tôn trọng sự bình đẳng, bình quyền, cho nên người ta quan niệm rằng, người mẹ có dư sức dạy dỗ con cái mà không cần có sự hiện diện của người đàn ông bên cạnh, do đó người mẹ cũng dư sức tạo cái khung đó!

Thật sự ra không phải là người mẹ không làm được, yếu tố đòi hỏi là thì giờ! Một ngày chỉ có 24 tiếng, người mẹ phải bươn chải, rồi người mẹ phải chăm sóc, nuôi nấng, lấy đâu ra đủ thì giờ để mà làm cái khung cho con mình nương tựa vào? Đó là chưa kể đến việc người Mẹ phải vất vả làm 2 hay 3 công việc mới đủ tài chánh chi tiêu trong gia đình. Do đó, lo cho con đủ ăn, đủ mặc, đi đến trường học là một sự hy sinh vô cùng to tát của người Mẹ, đã không màng đến sức khỏe của mình, chỉ nghĩ đến con cái mà thôi.

Việc mà người Đàn Bà xăng tay áo để ra quán xuyến chuyện này, chuyện kia, chuyện nọ ngoài xã hội, đó là một sự bất đắc dĩ, một hành động biểu dương Tự Ái của mình; thật sự ra, những người đàn bà tài giỏi trong công việc chính trường, kinh tế, xã hội… lại là những kẻ khóc thầm về đêm, vì bản chất của Đàn Bà rất là yếu mềm, dễ rơi nước mắt, dễ động lòng, bao nhiêu đó cũng đủ làm hư đứa nhỏ rồi!

Dạy dỗ một đứa con mà quá cứng cũng không thành công, nhưng nếu quá mềm thì cũng không mang lại lợi ích nào cả.

Vai trò của người Cha và người Mẹ là làm gương cho thế hệ kế tiếp. Nếu đứa trẻ không có Cha hay Mẹ để làm gương thì nó cũng không biết phải cư xử, hành xử như thế nào cho đúng nghĩa là một người Cha hay một người Mẹ, vì chính nó cũng không có trải nghiệm về những vai trò đó.

Một đứa nhỏ vấp té chảy máu đầu gối, không thể nào đi nhờ ông hàng xóm băng giùm cái chân cho nó, mà đứa nhỏ sẽ làm gì? Nó sẽ chạy về nhà để tìm sự vỗ về của người Cha, tìm sự chăm sóc của người Cha, tìm sự cổ võ, vuốt ve của người Cha để giúp cho nó đứng lên một cách vững vàng hơn, đi đứng mạnh dạn hơn.

Đó chính là cái sườn cứng chắc mà đứa nhỏ tựa vào để không có thể ngả được.

Khi nó đói bụng, nó phải đi tìm Mẹ chớ không đi tìm Cha nó, vì sai chỗ rồi! Nó muốn tâm tình, nó cũng phải đi kiếm Mẹ; chỉ trừ khi nào nó tâm tình những điều thuộc về sở trường của người Cha, khi đó nó bắt buộc phải đi kiếm Cha. Còn ngoài ra thì, những sự vuốt ve, những sự thương yêu, trìu mến của Mẹ, giúp cho nó luôn cảm thấy như là nó còn đang nằm ở trong cái nôi của những ngày xưa còn bé; Mẹ nó không bao giờ buông cái nôi đó, để cho nó lúc nào cũng tìm về cái nôi mà hồi tưởng lại hơi ấm ngày xưa.

Cho nên, vai trò của người Mẹ, vai trò của người Cha vô cùng là thiêng liêng, vô cùng là quan trọng, bắt buộc phải có, vì nếu không có thì xem như cái nhà thiếu cái nền, và đôi khi thiếu luôn cả cái nóc.

Đây là những điều rất là căn bản!

Thời đại văn minh, con người sống vội sống vàng, đặt Tự Ái lên quá cao. Người con gái đã làm chuyện sái quấy, muốn thỏa mãn cái Dục Vọng của mình mà không chịu lắng nghe tiếng lòng của mình, và nhất là không biết lắng nghe lời dạy bảo, khuyên răn của Cha Mẹ. Nhất quyết làm theo ý của mình, không cân phân phải trái, lợi hại, khư khư thỏa mãn dục vọng của mình, cuối cùng mang lấy sân hận là ôm một đứa nhỏ mà không có cha. Thậm chí người con gái đó đã không ngần ngại hủy hoại sự sống còn của đứa con còn trong trứng nước của mình.

Người con gái đó tự hào rằng tôi có thể một mình nuôi con được, tôi có thể một mình dạy con được, nhưng, đó chỉ là một lời biện hộ, bào chữa, che lấp sự yếu kém của mình ở bên trong.

Tuy rằng lúc nào cũng tỏ ra mình cứng cỏi, mình vững vàng, nhưng, như đã nói ở trên, người đàn bà có nhiều quyền cao chức trọng chừng nào, người đó lại là người khóc thầm nhiều nhất, vì lúc nào cũng vậy, cái vỏ cứng đó không phải là một cái vỏ cứng thật sự, mà đó chỉ là một cái vỏ cứng bao bọc một tâm hồn quá là mềm yếu. Cho nên nó đi ngược lại với cái thường tình, mà những cái gì đi ngược lại với cái thường tình thì đều đưa đến một hậu quả không tốt, vì vậy phải rất là thận trọng.

Người Đời hiện nay sống với cái Muốn quá là nhiều. Muốn đủ thứ hết, chỉ một đêm tới sáng thôi là ào ạt tuôn ra không biết bao nhiêu cái Muốn, và với sự tiếp sức của thế giới văn minh tiến triển cao tột, những cái Muốn đó được hiện thực hóa rất dễ dàng.

Muốn Dục Vọng thì có ngay những phương tiện để thỏa mãn dục vọng; muốn Sắc Đẹp thì có những phương tiện làm cho sắc đẹp gia tăng; muốn Quyền Uy thì cũng có những phương tiện để tạo quyền uy; muốn thỏa mãn Tự Ái thì cũng không thiếu những phương tiện để vuốt ve tự ái…… vì vậy mà trật tự xã hội bị đảo lộn, khó có thể tìm được một sự An Bình trong đó.

Văn minh vật chất đã đẩy dần Thế Hệ Trẻ ngày nay xuống hố sâu vực thẳm của Tham-Sân-Si, tạo cơ hội cho họ sống theo Bản Năng của mình, lệ thuộc rất nhiều vào những cái Muốn và luôn bị cột chặt vào quá nhiều Tánh Xấu. Do đó mà quan niệm sống của những Người Trẻ hiện nay rất là hạn hẹp, nông cạn, nếu không muốn nói là ích kỷ, bất cần và phi Đạo Đức. Họ sống vội, sống vàng, thỏa mãn càng nhiều càng tốt những cái Muốn của mình, nhất là Dục Vọng. Họ tránh né trách nhiệm, thiếu Tư Duy nên dễ dàng gây tạo ra Oan Trái.

Thế Hệ này nối tiếp Thế Hệ sau. Thế Hệ của ngày hôm nay càng lúc càng phạm nhiều lỗi lầm; không có gì tốt đẹp và khởi sắc thì làm sao tạo dựng được một nền tảng vững chắc cho Thế Hệ con cháu mai sau của mình, không lẽ một Đời lại tệ hơn một Đời? Nếu quả đúng như vậy thì còn trông mong gì một Cõi Ta Bà trường tồn và tốt đẹp.

Tham - Sân - Si càng ngày càng trở nên lợi hại và đáng sợ. Những biến dạng của nó càng lúc càng vi tế đến khó lường, người Đời khó có ai mà không lọt bẫy, càng Muốn nhiều sẽ càng sụp bẫy nhanh hơn! Nó không đơn thuần là kéo ra dây tơ rễ má, mà nó đi đến một tình trạng phức tạp hơn nhiều, nó không khác gì những con Vi Khuẩn, đục khoét sâu vào từng tế bào của cơ thể để gặm nhấm, để bào mòn, để phá nát lần hồi cái Nền Tảng Lương Tâm, khiến cho con người không còn làm chủ bản thân của mình nữa, và trở thành Nô Lệ, làm theo mệnh lệnh của Tham-Sân-Si; và cũng chính nó làm đảo lộn cả cái trật tự từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội.

Người tu tập chân chính cần phải Để Tâm Tư Duy thật sâu sắc về sự biến dạng của Tham-Sân-Si để kịp thời nhận dạng và ngăn chận những hậu quả không lường do Tam Độc mang đến.


+ 43