• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Khẩu

Jul 31 2019
1309818052 1309818052

KHẨU là cái Miệng, một bộ phận không thể thiếu được trên gương mặt của một người.

Khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng một Con Người từ Vật Chất lẫn đến Tinh Thần. Trong quá trình nuôi dưỡng đó, Con Người bắt buộc phải tư duy để mới có thể nhận thức được tầm quan trọng của cái Miệng qua lần lượt những giai đoạn: Ăn, Nói, Gói, Mở, để rồi từ đó tiến lần đến việc Học Ăn, Học Nói, Học Gói, Học Mở.

HỌC ĂN : Ăn là hành động đưa thức ăn vào miệng, nhai cho nhuyễn rồi nuốt. Tại sao phải học ăn? Chính vì có nhiều loại thức ăn và có nhiều cách ăn, do đó bắt buộc phải có sự cân phân, sự nghĩ suy, sự chọn lọc để tìm ra thức ăn nào đúng nhất, thích hợp nhất cho cơ thể mà đưa vào miệng.

Chỉ riêng thức ăn thuộc về Rau-Củ-Quả cũng có vô số loại khác nhau, mỗi loại thích hợp cho mỗi cá tánh, mỗi ý thích, mỗi tình trạng sức khỏe của từng cá nhân. Có đôi khi không thể ăn theo khẩu vị, mà phải tùy thuộc vào bệnh trạng hay sự đòi hỏi của cơ thể.

Một người có mỡ cao trong máu, không thể nào điểm tâm mỗi buổi sáng bằng một tô phở tái nạm gầu với lóng lánh nước béo.

Một người có bệnh tiểu đường cũng không thể nào “tận hưởng” nhiều múi sầu riêng cùng một lúc được.

Sau 1 tiếng đồng hồ chạy bộ, một ly nước sinh tố gồm cần tây, táo và các loại rau xanh hoặc ít nhất cũng là một ly nước chanh có thêm ít muối, sẽ giúp cho cơ thể của người chạy bộ lấy lại sự cân bằng và phục hồi các chức năng của bắp thịt. Một lon Coke thật lạnh, thật đả khát, trong trường hợp này, lại trở thành “vô cùng tai hại” cho cơ thể sau một thời gian dài vận động với nhiều mồ hôi toát ra.

Có người chỉ mất độ 5-10 phút là ăn xong dĩa cơm, nhưng cũng có người phải bỏ ra hằng 2-3 tiếng đồng hồ mới chấm dứt được bữa ăn trưa chỉ là một ổ nhỏ bánh mì có kẹp thịt.

Kẻ ăn quá nhanh đến độ không kịp nhai, kịp nuốt, lâu ngày khiến cho dạ dày sanh ra có vấn đề.

Người thì ăn thật chậm rãi, nhỏ nhẹ, đôi khi mất 5-10 phút nhai cũng vẫn chưa xong để nuốt. Sống chung hay cùng sinh hoạt chung với Đoàn Thể, chắc chắn rằng người này sẽ lúc nào cũng ăn không đủ no vì quá chậm!

Có người không xem trọng việc ăn uống, ăn sao cũng được, uống sao cũng xong, miễn no bụng là đủ rồi.

Có người chủ trương ăn uống thanh đạm, không thích cầu kỳ bày vẽ, và không thích hợp với những món ăn quá phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian để chuẩn bị, để nấu nướng.

Có người chỉ ăn được những món Cao Lương Mỹ Vị, từ chối những thức ăn quá đơn giản, quá đạm bạc, thiếu màu sắc cùng hương vị kém đậm đà.

Cũng có người rất thận trọng khi đưa thức ăn vào miệng. Họ luôn luôn cân nhắc số năng lượng do từng món đồ ăn cung cấp và chỉ ăn những loại rau, củ, quả hay thịt động vật nào cần thiết cho cơ thể của họ mà thôi.

Người có quan niệm “Ăn để mà Sống” xem thức ăn như là một phương tiện, giúp cho cơ thể có đủ sức lực để đứng vững, thế thôi! Do đó, họ ăn bất cứ cái gì miễn là thức ăn, không cần lựa chọn mà cũng chẳng đắn đo, suy nghĩ đến cách ăn uống.

“Sống để mà Ăn” là chủ trương của những người thích hưởng thụ, thích tìm tòi những thức ăn lạ, cầu kỳ, hiếm có và quý. Họ cho rằng: Sống trên đời mà không biết Ăn là phí những năm tháng của cuộc đời, cho nên sự sống của họ quanh đi, ngoảnh lại cũng vẫn là chuyện Ăn với Uống mà thôi!

Ăn nhanh hay ăn chậm, ăn thanh đạm hay ăn cao lương mỹ vị, ăn cầu kỳ hay ăn đơn giản, ăn uống lựa chọn hay ăn tạp nhạp, Ăn để mà sống hay Sống để mà Ăn…..tất cả cũng chỉ là CÁCH ĂN. Nhìn vào cách ăn uống của một người, có thể thẩm định được Cá Tánh của một người, hiểu được chút ít Tâm Tư của họ, biết được phần nào thói quen xấu tốt của người đó, cho nên cần phải HỌC ĂN!

Thức ăn đưa vào miệng, qua cuống họng (thực quản), xuống dạ dày để tiêu hóa, rồi sau đó trở thành chất bổ dưỡng nuôi cơ thể.

Có một thứ thức ăn cũng được đưa vào miệng, cũng được nuốt, nhưng không đi xuống dạ dày mà lại đi ngược trở lên trên ĐẦU, đó chính là Chữ Nghĩa!

Ăn Chữ hay Nuốt Chữ hay Ngấu Nghiến Chữ…. là những cụm từ diễn tả cái hành động cung ứng những thức ăn cho Tinh Thần.

Chữ nghĩa trên Đời thật là vô biên, vô lượng, kể sao cho xiết! Chữ cho trẻ thơ mới bập bẹ biết nói, Chữ cho em bé nhỏ mới cắp sách đến trường, Chữ cho người tốt nghiệp trình độ Trung Học, Chữ cho người đang truyền bá kiến thức, giúp cho người “Mù Chữ” thoát cảnh tối tăm, Chữ cho các Khoa Học Gia đang miệt mài với những thí nghiệm, những ứng nghiệm nhằm khám phá những điều hữu ích cho Nhân Loại, Chữ cho những Triết Gia luôn suy tư để đi tìm những giá trị Nhân Bản đưa đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Có đủ mọi loại Chữ với vô số tính chất: từ đơn giản, thô lỗ, trơ trẽn, cộc cằn, cục mịch, quê mùa, dốt nát, bình dân…..chí đến văn hoa, bóng bẩy, cao thượng, thanh tao, cầu kỳ, sáo ngữ, đẩy đưa, màu mè, giả dối, bãi buôi……hay những Chữ thuần tính cách Khoa Học, Kỹ Thuật, Nhân Văn…..

Tóm lại, không khác gì những thức ăn cho nội tạng, cho cơ thể, Chữ nghĩa đưa vào đầu cũng trùng trùng điệp điệp, cũng bằng nhiều cách thức khác nhau. Nếu không HỌC ĂN Chữ nghĩa thì e rằng chính tay mình sẽ đem bệnh hoạn đến cho Tinh Thần mình.

Chữ Nghĩa không thể ngấu nghiến, không thể ăn vội vàng, không thể dồn nén quá độ được.

Đọc Sách mà không hiểu Sách thì không khác gì hành động quảy Sách lên lưng mà đi, bước chân sẽ như đeo đá nặng thay vì nhẹ nhàng cất bước, thoải mái mà cất bước!

Ăn nhiều thức ăn nhưng ăn không đúng cách, ăn thiếu lựa chọn, bộ tiêu hóa sẽ làm việc cực nhọc vô cùng. Đọc nhiều quyển sách mà thiếu tư duy, thiếu sự chọn lọc, không đúng trình độ, hiểu sai tư tưởng, hiểu lầm ý tưởng thì bảo sao Tâm Tư tôi sai lạc, Trí Tuệ tôi ù lì, Quyết Định của tôi không sáng suốt?

Song song với Chữ nghĩa “bình thường,” còn một loại Chữ nghĩa mà tự bản chất của nó luôn luôn đem niềm An Lạc đến cho người thích “tận hưởng” nó, đó chính là PHÁP!

Pháp là tất cả những điều mà chư Phật và Bồ Tát muốn chia sẻ lại cho Chúng Sanh, giúp Chúng Sanh đi đúng đường để tiến đến sự Thăng Hoa, vì có Thăng Hoa mới có thể thoát được cảnh trầm luân, mới bứt được vòng Sanh Tử Luân Hồi.

Thường xuyên ĂN PHÁP sẽ giúp Chúng Sanh biết cách tư duy để An Tâm mình qua việc hiểu rõ tại sao Tôi phải chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh của Tôi?

Người thích ĂN PHÁP, luôn luôn ĂN PHÁP, sẽ giúp cho Trí Tuệ có cơ hội tiếp cận với những tư tưởng thanh cao, sự suy tư sẽ sâu sắc hơn, tế nhị hơn, do đó cách hành xử của mình với người chung quanh luôn luôn được để Tâm, tránh gây tạo sự hiềm khích có thể du mình vào một Nghiệp Lực lớn hay nhỏ.

Sự dễ dàng cảm thông với mọi người, mọi hoàn cảnh sẽ là nền tảng cho một cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái, không có quá nhiều gút mắt.

Dù là ĂN Thức Ăn hay Ăn Chữ Nghĩa hoặc là Ăn PHÁP, cái Miệng cũng đã hoàn tất bài học đầu tiên là HỌC ĂN để đưa tất cả những thứ mà mình muốn, vào bên trong cơ thể để chế biến, để tiêu hóa, để hấp thụ hầu tăng cường sức lực cho Thể Xác lẫn Tinh Thần.

HỌC NÓI : Người ta không thể nói một cách rõ ràng bằng cái lỗ mũi hay bằng cái lỗ tai hay bằng đôi mắt, mà phải nói bằng cái MIỆNG, vì sao? Vì cái Miệng còn có người bạn đồng hành với nó, đó chính là cái LƯỠI! Trong 5 Giác Quan: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Xúc, Lưỡi đứng hàng thứ tư, đảm nhận vai trò nếm thức ĂN, giúp cho nhận biết tất cả những VỊ chua, cay, ngọt, bùi, đắng, chát, Lưỡi cũng chuyển động qua lại trong khi Ăn để lừa thức ăn vào đúng vị trí giúp cho răng nhai thức ăn dễ dàng hơn, cũng như khi chuyển thức ăn xuống cổ họng đi vào thực quản để xuống dạ dày.

Người ta sẽ không nói được nếu không có cái Lưỡi! Tuy nhiên, nếu người có Lưỡi mà nói những điều quá sai lầm thì sẽ không khác gì người bị mất Lưỡi vậy!

Trong phép Nói, cũng có rất nhiều cách. Nói như thế nào mà làm cho Nhà tan Cửa nát, nói mà dẫn đến Hạnh Phúc ly tan, nói mà làm cho Thâm Tình bị xé rách, nói mà Tình Bằng Hữu cũng không còn.

Cái Lưỡi có thể quậy cho tan, phá cho nát, và...cũng chính cái Lưỡi hàn gắn mọi đổ vỡ, mọi nát tan. Hạnh Phúc được tạo dựng, Sự Nghiệp được vươn lên, Tình Tương Thân Tương Ái được kết chặt, Tình Thương Yêu càng thấm đượm, Lòng Tin Tưởng càng gia tăng, Sự Ủng Hộ càng mạnh mẽ….Tất cả những sự thành tựu đó đều xuất phát từ cái Lưỡi!

Từ đó suy ra để thấy rằng: NÓI là một hành động vô cùng quan trọng. Ngoài cái công việc làm chất kết dính, khiến cho mọi người đoàn kết nhau, NÓI còn có khả năng tách rời khiến cho ly tán, khiến cho lũng đoạn, khiến cho hủy hoại.

Qua cách NÓI, người nghe có thể hiểu được, cảm thông được Tâm Tư của người đang nói, và người ta cũng dễ dàng nhận ra được sự Thành Thật nhiều hay ít qua cách diễn tả từ trong lời nói.

“Uốn lưỡi 7 lần mới nói”, câu Châm Ngôn này nhắc nhở mọi người phải luôn luôn thận trọng trong lời nói của mình. Không nói quá nhanh, quá vội vàng để khỏi bị HỐ vì thiếu suy nghĩ, thiếu đắn đo, thiếu cân phân lợi hại. Không nói bằng đầu lưỡi, vì lời ở đầu lưỡi là những lời dễ tan biến theo mây khói, không thể tin tưởng được. Không nói trong cơn giận dữ vì khi giận thì mất KHÔN, không còn đủ sáng suốt để nhận chân điều đúng sai. Không buông lời có tính cách quyết định khi Tâm Tư mình đang rối bời, không ổn định, thiếu bình tỉnh.

Nên nói lời tốt đẹp, mang lại sự Bình An, sự Vui Tươi, niềm Hòa Khí, hơn là nói lời làm Phá Nát hay Đổ Vỡ bất kỳ một cái gì, và Tai Hại hơn cả là nói những lời Oan Tình cho kẻ khác.

Chính vì vậy mà bắt buộc phải HỌC NÓI.

HỌC GÓI : Hành động GÓI khiến cho người ta nghĩ tưởng rằng đó là công việc của 2 cái tay! Thật sự ra đó chính là hành động của cái MIỆNG.

Học Gói nơi đây là học đúc kết lại tất cả những gì mình hiểu biết, gom những dữ kiện mà mình đã thu thập được, để rồi sau đó phân loại, xếp thành từng nhóm, từng khối theo thứ tự lớp lang. Gói ghém không có nghĩa là gom chung lại để rồi đem đi cất, mà chính là gom lại để hệ thống hóa từng phần, từng nhóm cho dễ dàng đem ra phân phối sau này khi cần thiết.

Tất cả những gì được gói ghém sẽ được cất giữ trong kho Trí Tuệ, đến khi cần phải chia sẻ lại cho bất cứ ai thì, qua trung gian của cái Lưỡi, của cái Miệng, những điều đã được gói ghém đó sẽ lần lượt tuôn ra và được trình bày một cách mạch lạc, rõ ràng từng chi tiết một.

Cho nên, việc gói ghém là một Kỹ Thuật, mà đã gọi là kỹ thuật thì cần phải có sự học hỏi rất là nhiều; do đó, phải tập cho cái Miệng, cái Lưỡi của mình biết ĂN, biết NÓI, có nghĩa là biết Nhận Thức được tất cả những dữ kiện để cho mình thu nhặt, mình đúc kết, sau đó thì phân loại, chia nhóm để dễ dàng sử dụng sau này.

Người biết gói ghém là một người rất tỉ mỉ, làm việc có quy củ, có óc tổ chức, biết được tầm quan trọng của “thứ tự lớp lang” để tránh mất thì giờ lục soạn, đôi khi chẳng những tìm không ra mà lại còn cung cấp sai dữ kiện, khiến cho bị mang tiếng là làm việc cẩu thả, tắc trách.

HỌC MỞ : Đây là giai đoạn trình bày những gì mình đã gói ghém. Khi gói ghém cần phải có thứ tự lớp lang, để khi mở ra thì cũng sẽ theo đúng cái thứ tự đó. Trong lúc trình bày, có khi phải mở nhiều gói để lấy ra cho đầy đủ những dữ kiện, nhờ có sự sắp xếp theo thứ tự mà công việc mở cũng sẽ nhanh nhẹn, không rối bời và luộm thuộm, do đó việc trình bày sẽ gây tạo một niềm tin vững chắc cho người nghe, và nếu chung cuộc là một quyết định thì chắc chắn rằng, quyết định này phần lớn sẽ dựa trên ý kiến của người trình bày.

Tất cả những dữ kiện đã sử dụng xong sẽ được gói ghém trở lại, cũng theo cái thứ tự lúc ban đầu và cất giữ trong kho Trí Tuệ.

Việc Học Ăn, Học Nói giúp cho tôi tích lũy được nhiều dữ kiện xấu, tốt, nhiều ý kiến hay, dở, nhiều tư tưởng cấp tiến hay bảo thủ, nhiều lời khuyên ủng hộ hay chống đối.…..Thu thập càng nhiều thì càng phải biết sắp xếp, biết hệ thống hóa, biết phân loại và biết đóng gói. Tôi không thể liệng bừa kiến thức của tôi vào trong cái kho Trí Tuệ được. Cái kho đó phải có ngăn tủ hẳn hòi, có dán nhãn để phân biệt từng loại dữ kiện xếp vào. Khi tôi cần chia sẻ kiến thức với ai, tôi tức khắc sẽ biết được kiến thức đó được xếp vào ngăn tủ nào để mà lấy ra, vừa dễ dàng, vừa nhanh chóng.

Trước khi MỞ ra một vấn đề, điều trước tiên là phải xem qua tất cả các ngăn tủ trong kho Trí Tuệ để tìm đúng cái ngăn có chứa những dữ kiện có liên quan đến vấn đề sắp được đề cập, cũng có khi không phải một ngăn mà là nhiều ngăn vì có sự tương quan giữa nhiều dữ kiện khác nhau; sau đó rồi thì cũng phải sắp xếp các dữ kiện cho có thứ tự trước sau để việc trình bày được mạch lạc. Cho nên, việc MỞ đòi hỏi một sự thận trọng, cân nhắc, đắn đo, suy nghĩ và nhất là lựa chọn từng câu, từng chữ. MỞ làm sao để không chạm Tự Ái của người nghe, MỞ làm sao để không làm đau lòng người đối diện, MỞ làm sao để cho Người cảm thấy mình không bị thiệt thòi, bị lợi dụng. Việc MỞ của mình đem lại niềm vui cho kẻ khác, mang đến sự phấn khởi, hăng hái, một niềm tin vững chắc, nâng cao tinh thần, làm gia tăng sức mạnh của ý chí….Việc MỞ đó mới thật sự mang nhiều ý nghĩa!

Học ĂN, học NÓI, học GÓI, học MỞ, 4 công việc của cái Miệng, thoạt xem thì giản dị vô cùng, nhưng, chính vì quá xem thường những công việc đó, nên Chúng Sanh đã liên tục gây tạo nhiều Nghiệp Lực, nhiều Oan Trái với nhau qua cái MIỆNG.

Có thể nói rằng: 90% Nghiệp Lực do một người tạo nên, bắt đầu từ cái MIỆNG.

Cái Miệng là CHỊ của cái TÂM! Điều đó có nghĩa rằng: Cái Miệng thay thế cái Tâm để diễn tả tất cả những gì nằm tận sâu trong những cái Thức của mình. TÂM THỨC là Trái Tim của các Thức. Một ý tưởng vừa “mống” lên là Tâm Thức đã bật đèn sáng lên rồi, tất cả các Thức khác đều sẵn sàng chờ đợi nhận việc từ ở Tâm Thức. Cho nên, nếu không chỉnh cái ĂN, cái NÓI, cái GÓI, cái MỞ của mình thì Tâm Thức sẽ dung chứa toàn là những Ý Tưởng quấy trá, không tốt đẹp, tạo nên ảnh hưởng XẤU cho tất cả các Thức, mà chính những cái Thức đó lại là đầu mối gây tạo Nghiệp Lực.

KHẨU là phát ngôn nhân của cái Tâm, mà cái Tâm lại dính chặt với cái Ý. Tâm và Ý không bao giờ xa lìa cái Tánh, do đó, trong cái Khẩu cũng đã thể hiện cái Tánh.

Nhìn một người đưa thức ăn vào miệng là biết ngay người này chăm chút cơ thể của mình như thế nào? Nghe những lời thốt ra từ Miệng của một người, có thể hiểu được phần nào Tánh Tình của họ ra sao? Tâm Tư của họ như thế nào?

Cho nên, Khẩu không bao giờ xa rời cái Ý và cái Tánh, do đó, phải thận trọng vô cùng mỗi khi thốt lời! Nói mà nên nhà nên cửa, nên Người nên Việc thì nên nói. Nói mà đem sự đau khổ, sự bất lợi đến cho kẻ khác thì Nghiệp Lực sẽ sanh ra.

Chúng Sanh rất thích NÓI nhưng lại lười suy nghĩ, kém tư duy; chỉ nói những lời trên đầu Lưỡi và rất vội vàng trong khi NÓI. Lời trên đầu Lưỡi thường là những lời có tính cách nông nổi, bải buôi, qua lề. Lời từ ở bên trong mới đích thực là lời chọn lọc, lời chân thật. Thời gian suy nghĩ chính là lúc để mình lựa chọn, lấy ra cho đúng cái gói mà mình đã GÓI GHÉM và tư duy để biết được những dữ kiện nào thích hợp cho từng vấn đề mình sắp sửa trình bày hay trả lời.

Chính vì lười suy nghĩ và thiếu tư duy cho nên không thận trọng trong lời ăn tiếng nói, do đó mà vô số Nghiệp Chướng đã, hoặc vô tình hay cố ý, gây tạo nên qua cái Miệng.

Chúng Sanh cũng tỏ ra rất hứng khởi và thích thú để biết chuyện nhà Người, để bàn chuyện nhà Người, để phẩm bình chuyện nhà Người, để chỉ trích một AI đó. Nói tóm lại, Chúng Sanh rất...rất Thích Thị Phi! Thị Phi chẳng khác gì là hành động đưa thức ăn độc hại, không hợp Vệ Sinh, thiếu bổ dưỡng, kém tiêu hóa vào trong cơ thể, khiến cho Nội Tạng lâu ngày sanh ra yếu kém vì phải làm việc quá độ mà không được bồi bổ đúng mức.

Người thích Thị Phi thường hay nghĩ quấy cho kẻ khác, có đôi khi vẽ trong đầu mình nguyên cả một bức tranh do mình tưởng tượng ra về tất cả những hành vi của kẻ khác. Tâm Tư của họ chứa toàn những điều mà họ vạch lá tìm sâu nơi kẻ đó, họ cố tìm cho ra những điểm nào mà người đó thua sút họ, để họ tự hào và hả hê về bản thân của họ.

Nói tóm lại là họ đã nuôi dưỡng Tinh Thần của mình bằng những thức ăn độc hại, những thức ăn có cơ hủy diệt lần hồi cái mầm Thăng Hoa hiện hữu trong mỗi Chúng Sanh. Cái mầm đó, nếu được nuôi dưỡng “đúng” với những thức ăn chọn lựa, tinh khiết, “hướng thượng và thanh cao”, nó sẽ lớn lần lên và đơm bông kết trái, giúp cho người bỏ công chăm sóc nó bước ra khỏi cảnh Trầm Luân, tìm về một Cảnh Giới An Lành và Vĩnh Cửu.

Thị Phi dẫn đến tình trạng gấu ó nhau, chưởi bới nhau, lời qua tiếng lại, sân hận khi dâng cao sẽ đi đến việc đập lộn lẫn nhau, và có đôi khi thanh toán nhau “không thương tiếc”. Thị Phi không những với Người ngoài, mà còn cả với Bà Con ruột thịt, với Cốt Nhục Tình Thâm của mình nữa.

Cho nên, phát ngôn bừa bãi, thiếu suy nghĩ, kém tư duy cũng như thị phi chuyện nhà Người, đều là những cách Gây Tạo Nghiệp Lực qua cái MIỆNG.

Học ĂN, Học NÓI, Học GÓI, Học MỞ, 4 công việc tưởng chừng như khác biệt nhau, nhưng thật sự ra, 4 công việc này có một mối Tương Quan vô cùng chặt chẽ.

Học Ăn là phải đưa vào Miệng những thức ăn lựa chọn. Không nhất thiết phải là cao lương mỹ vị, phải thật hiếm, phải thật mắc tiền và quý giá. Chỉ cần những thức ăn thật sự đem lại sự bổ ích cho cơ thể, giúp cho cơ thể đứng vững và phát triển. Thiên nhiên đã ban cho Con Người vô số là thức ăn, vừa để nuôi sống, vừa để trị bệnh, chỉ cần một chút để Tâm tìm tòi là có ngay những thức ăn thích hợp với cơ thể hay với bệnh trạng của mình.

Thân xác ăn, Tinh Thần cũng phải ăn! Từng Chữ….. từng Chữ được “mớm” vào để làm cho Tinh Thần vươn cao lên, lớn mạnh thêm. Từ một đứa bé mới lẩm đẩm biết đi, mới bập bẹ biết nói, CHỮ đã được “đút” cho ăn mỗi ngày, cho tới khi đứa bé lớn lần lên, trưởng thành, Tinh Thần của đứa bé đã dung chứa biết bao nhiêu Chữ Nghĩa trên Đời. Chữ Nghĩa đó đã làm phong phú cái Trí Tuệ của đứa bé ngày xưa, đã giúp cho nó cái phương tiện để diễn tả, để NÓI lên Tâm Tư của nó, để phát biểu những ý kiến, để trình bày những sáng kiến mà nó muốn chia sẻ lại với tất cả mọi người.

Tùy vào sự Để Tâm của nó, mà nó sắp xếp, đóng GÓI và cất giữ cái kho tàng Chữ Nghĩa này sao cho thật tươm tất và thật là hữu hiệu khi cần sử dụng. Khi nó MỞ cánh cửa của cái kho tàng Chữ Nghĩa ra, đó mới chính là lúc mà nó thể hiện được cái giá trị thật sự con người của nó qua sự tổng hợp những dữ kiện mà nó đã thâu nhặt được, gom góp được, có sự lựa chọn, có sự suy nghĩ cân phân, để biết chắc rằng Lời mình nói ra sẽ không làm phật ý người nghe.

Từng giai đoạn một, từ Ăn đến Nói, đến Gói, đến Mở, Tư Duy là điều cần thiết phải CÓ để tất cả những gì thoát ra khỏi Miệng đều mang một ý nghĩa tốt đẹp nhằm đem lại lợi lạc cho người nghe thay vì phải tạo nên Oan Trái!

Ngay cả việc làm của một Thiện Tri Thức khi hướng dẫn phần Tâm Linh cho một người, cũng vẫn đòi hỏi sự tư duy khi thốt ra Lời Pháp. Với một người đang trong cơn giận dữ, không thể nào đem Pháp về việc hành trì Sám Hối-Trì Chú-Niệm Phật để khuyên giải. Trong trường hợp này, Lời Pháp thích hợp nhất chính là vạch rõ để cho họ thấy cái hậu quả tai hại của TỰ ÁI.

Người tu tập chân chính phải luôn luôn tư duy từng tư tưởng, từng cử chỉ, từng lời nói, từng hành động, chẳng những của bản thân mình mà luôn cả của những người chung quanh. Chiêm nghiệm trên bản thân mình để rút tỉa những sai lầm mà sửa đổi. Quan sát người chung quanh để áp dụng Lời Pháp mà mình đã thâm nhập.

Người tu tập có tư duy, có Trí Huệ, phải biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống của mình cho có lớp lang thứ tự. Mỗi giai đoạn của cuộc đời được cô đọng trong từng quyển sách nhỏ. Từng chặng đường tu tập với bao nhiêu chông gai, bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu công sức; từng cảm giác, từng tâm trạng, từng nỗi hân hoan khi cảm nhận được luồng “KHÍ Đạo Lực” đang luân lưu trong cơ thể mình mỗi khi ngồi tu tập, tất cả được đóng GÓI lại qua từng giai đoạn để sẵn sàng Tháo MỞ trong việc dắt dìu, chỉ dẫn cho người sơ cơ.

Tu tập là phải ĐỂ TÂM, phải bỏ cái Tâm của mình từ chút một vào việc tu tập, không lơ là, không chểnh mảng. Người tu tập không thể đi một bước quá dài mà phải đi từng bước nhỏ. Bước quá dài sẽ không thể nào “vừa’ được bước chân của mình, cũng như rất khó cho mình tự kiểm soát; phải đi bước nhỏ mới có thể nhận định được cái gì không hợp với mình, hoặc là mình chưa đủ sức để tiếp nhận nó.

Tu tập mà thiếu sự Để Tâm sẽ không thể nào đi đến sự thành công được, cũng không hối hả cho được việc, càng hối hả càng dễ bị sa lầy, tất cả đều phải thật cẩn thận từng bước một, luôn luôn để ý và lúc nào cũng phải chú trọng đến 2 Chữ “Tư Duy”!

Người tu tập chân chính không nên la cà với người thiếu để Tâm trong cái KHẨU của mình, để tránh đưa đến sự bực mình, cũng như không giữ được Tâm Bình. Chữ KHẨU dính liền với 2 chữ THỊ PHI cho nên dễ gây tạo Nghiệp Lực, đôi khi khiến cho người tu tập vô tình vấy vào Nghiệp Lực của kẻ khác.

Cái KHẨU rất dễ gây tạo Nghiệp Lực, do đó cần phải luôn luôn kiểm soát cái Khẩu. Muốn kiểm soát cái Khẩu, phải giữ Bình trong đôi MẮT, giữ Bình trong đôi TAI, và giữ Bình trong cái KHẨU.

NÓI khi cần, khi cần mới NÓI, mà phải là LỜI tốt đẹp, có ích lợi, do đó bắt buộc phải TƯ DUY! Có Tư Duy, Lời nói mới được chọn lựa, cân phân, đắn đo. Thiếu Tư Duy, lời thốt ra sẽ là lời đầu môi chót lưỡi, thiếu chân thật, bãi buôi, kém giá trị và dễ dàng va chạm Tự Ái của người đối diện. Khi Tự Ái nổi lên, Sân Hận đi kèm, Vòng Nghiệp Lực đóng lại, Oan Trái kết thành, làm cho dài thêm cái dây Nghiệp Lực đang quấn chặt trên mình của người vừa thốt ra những lời thiếu Tư Duy.

90% Oan Trái xoay quanh cái Khẩu, vì vậy, phải giữ cho KHẨU được Bình, NHÃN Bình, NHĨ Bình thì mọi chuyện sẽ êm xuôi, mọi người cùng sống trong Hòa Khí, Sân Hận không có cơ hội bùng phát, do đó, Nghiệp Lực sẽ không gây tạo nên.


 


+ 61