Một người tu tập chân chính và đúng mức sẽ lần lần nhận chân ra được sự khác biệt của Tâm Thức của mình. Đây là một sự khác biệt có chiều hướng tốt, và sự khác biệt đó chính là cái kết quả của sự chuyển thể của cái Tánh và cái Ý.
Một sự dốc tâm sửa đổi, trau giồi, giùi mài tất cả những thói tật xấu xa, những cái Tánh không mấy tốt đẹp (đã luôn là nguyên nhân gây tạo biết bao nhiêu nghiệp chướng, biết bao nhiêu phiền não), sẽ giúp cho hành giả lần lần triệt tiêu hoàn toàn những tánh xấu của mình. Tất cả những cái tánh thuần tốt dưới dạng thức của “ĐỨC TÁNH” đều lộ rõ ràng cái tính chất Từ Bi và đồng thời hòa nhập vào Tâm, giúp cho Tâm rực sáng.
Trong quá trình tu tập, sự tư duy sâu sắc càng lúc càng lên cao song song với sự thăng tiến của việc tu tập, mà sự tư duy là phản ảnh của cái Ý; tự bản chất của Ý đã dính chặt vào Tâm, một khi Ý hoán chuyển được những tư tưởng từ thấp hèn trở nên cao thượng, từ phàm phu vượt lên bậc Thánh, cái Ý sẽ tự động hòa nhập vào Tâm và hoàn toàn biến mất.
Ngày xưa, bộ 03 Tâm - Ý - Tánh tha hồ vùng vẫy, gây tạo biết bao nhiêu phiền não, biết bao nhiên oan trái. Càng tu tập, càng trau giồi, càng bào mòn, đánh bóng, Tánh và Ý bỗng chốc biến mất, hòa nhập vào cái Tâm để cuối cùng chỉ còn lại duy nhất một chữ Tâm mà thôi, một chữ Tâm rực rỡ, một chữ Tâm rợp ánh hào quang.
Kính bạch Sư Phụ,
Từ xưa đến nay có biết bao nhiêu tu sĩ dốc tâm tu tập, không phải một đời một kiếp mà lên xuống cõi Ta Bà nhiều đời nhiều kiếp. Cứ nhìn sự chuyên cần tu tập cũng như việc thiền định hay thâm nhập kinh điển của họ là đủ nói lên việc này rồi.
Người Đời cũng đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đặc biệt của các tăng sĩ, nhập Đạo không bao lâu nhưng sự tiến bộ trên đường Đạo quả là vượt bực.
Các vị này xuất gia từ khi còn quá trẻ, nếu không phải là do đã từng gieo quá nhiều chủng tử Phật trong kiếp quá khứ, thì ngày giờ này, các vị đó khó lòng thực hiện được hoài bảo của mình ở lứa tuổi thiếu niên.
Tuy nhiên, họ không thể hiện được sự CHỨNG ĐẮC qua phong cách của họ, qua sự dắt dìu chỉ dạy cho Phật Tử và nhất là qua vai trò Thiện Tri Thức.
Sư phụ đã từng đề cập đến việc “Tu nhất kiếp, Ngộ nhất thời”, có nghĩa là: Tu tập và chứng đắc chỉ trong cùng một kiếp!!
Như vậy, những cái gương tu tập của nhiều người đi trước đã thiếu sót những điểm then chốt gì để có thể đưa đến sự thành công đúng mức?
Con ơi, thiếu cái chìa khóa!
Kính bạch Sư Phụ,
Thế nào là một người tu đắc đạo? Hay nói khác đi là một người chứng đắc.
Người đắc đạo là người được đạo. Thế nào là được đạo? Có vô số vấn đề vây quanh chữ “Đạo”, mà chữ “Đạo” cũng không hẳn có một ý nghĩa duy nhất thuộc về tu tập.
Để hiểu một cách rõ ràng về chữ ĐẠO, Thầy có thể hình dung nó như là cái trục ở giữa của cái bánh xe đạp. Từ trong trục đó chĩa ra nhiều cây căm để giữ cái niền bánh xe cho cứng. Đạo là cái trục mà mỗi cây căm tượng trưng cho một vấn đề phải chu toàn.