• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Hạnh Phúc

May 22 2024
Hạnh Phúc Kính Mừng Phật Đản 2568

Hạnh Phúc trải khắp nẻo đường đời
An lạc trong tâm, sửa tánh soi
Tu tâm giữa dòng đời vạn biến
Phật Thích Ca, ngọn đuốc soi mời.

Ngài đến, tâm hồn trong sáng tỏ
Ánh Đạo lan tỏa, chúng sanh vui
Từ bi nguyện cầu cho thế giới
Thấm nhuần lời Phật, khỏi Bến Mê.

Kính bạch Sư Phụ,

Từ trước đến nay có biết bao nhiêu sách vở nói về 2 chữ Hạnh Phúc. Người ta tranh cãi rất nhiều về đề tài này. Con nhận thấy người Đời, khi vui thì cười ra nước mắt, khi buồn thì nước mắt cũng ràn rụa trên gương mặt. Như vậy thì thế nào là Hạnh Phúc? Và khi nào thì người ta mới thực sự hưởng được Chân Hạnh Phúc? Kính xin Sư Phụ từ bi chỉ dạy để người Đời không nhận định sai lầm về 2 chữ Hạnh Phúc, cũng như không phụng sự một cách mù quáng cho những hạnh phúc không đúng nghĩa.

Đây là một đề tài có tính cách rất là bao quát.

Hạnh Phúc có những ý nghĩa có tính cách cá nhân mà cũng có tính cách đoàn thể rộng lớn, mà cũng có tính cách rất vi tế. Đây là một đề tài không nhỏ.

Nếu nói về tính cách hạn hẹp cá nhân thì Hạnh Phúc chính là cái gì mà cá nhân đó cảm thấy thỏa mãn cái mong cầu của mình.

Tôi đói tôi muốn ăn, cho tôi thức ăn, tôi với dĩa cơm ngon thì đó là Hạnh Phúc.

Tôi lạnh quá, có thể cho tôi một cái áo ấm, hay cho tôi một cái mền và tôi cuộn tròn trong cái mền đó, và tôi tìm được cái hơi ấm tỏa ra để vỗ giấc ngủ cho tôi suốt một đêm. Đối với cá nhân đó chính là Hạnh Phúc.

Tôi thích đi mua sắm, nhìn ngắm những món đồ trong tủ kiếng và nếu cho tôi được phép mua những món mà tôi thích ở trong các tủ kính đó thì xem như sự mong mỏi của tôi đã được đáp đền và tôi cảm thấy không có gì vui sướng hơn, hân hoan hơn.

Khi người ta muốn một vật gì đó mà người ta đạt được cái muốn đó, người ta thỏa mãn với những cái muốn đó, thì đó chính là Hạnh Phúc.

Tôi muốn có một người chồng có địa vị cao cả, có tiền bạc, có kẻ ăn người ở hầu hạ, sống một cuộc đời phong lưu, một bước lên xe hơi, hai bước cũng lên xe hơi, không phải đi bộ, không phải đi xe đạp và tôi được đáp ứng cái ước muốn đó thì đối với tôi đó chính là Hạnh Phúc.

Tôi muốn có được một đứa con và đứa con đó phải xinh đẹp, phải kháu khỉnh, phải dễ thương và tôi đã được đáp đền cái mong muốn đó, thì đối với tôi nó là Hạnh Phúc.

Từ những vật rất nhỏ như ăn với uống, ngủ nghỉ, đến chuyện lớn lao hơn như mua sắm đồ vật, đến chuyện lớn lao hơn chút nữa là quyền uy, thanh thế, địa vị, vợ đẹp, con ngoan, chồng đẹp trai, giỏi giang, giàu có, một mái nhà tươm tất với kẻ hầu người hạ, với đầy đủ những vật chất xa hoa. Nói tóm lại là, những đòi hỏi về vật chất mà tôi có thể có được đúng với sự mong cầu của tôi thì đó chính là Hạnh Phúc.

Nhưng có người không thích những cái vật chất rườm rà, xa hoa, những quyền thế mà họ cho rằng không công bằng và nhiều rối rắm, họ đi tìm Hạnh Phúc ở một tình yêu chân thật, ở một tấm lòng cao thượng, ở một con người nghĩa nhân. Nói tóm lại là họ đòi hỏi Hạnh Phúc phải đáp ứng được những cái gì nằm trong 2 chữ Đạo Đức.

Rồi có người cũng cảm thấy rằng con người đã thường hay đối xử tệ với nhau, đã luôn cấu xé nhau, thanh toán nhau, làm đau nhau, chửi bới nhau, họ chán nản một cái thực thể đau lòng của một xã hội nhiều sự tranh giành đoạt lợi, họ tìm cái Hạnh Phúc trong tình thương, trong sự tương trợ, trong tấm lòng nhân ái. Họ cho ra tất cả những tình cảm nồng nàn, những hành động phụng sự từ tấm chân tình của họ đối với kẻ khác, và họ thấy một niềm Hạnh Phúc chứa chan dâng trào mỗi khi họ làm được những điều tốt đẹp, lợi ích cho người chung quanh.

Cũng có những người chán nản với cái phức tạp của cuộc đời, những rắc rối, những đắng cay, những hung hăng, những tranh giành của người Đời, họ đi tìm một sự bình an trong lời kinh tiếng kệ, trong tiếng chuông chùa, trong tiếng mõ, tiếng chuông. Họ cho rằng Hạnh Phúc đã đến với họ trong sự yên bình của một ngôi chùa.

Có những người lăn xả vào đường tên mũi đạn, chiến trường đang sôi sục, tiếng gầm thét đạn nổ tên bay, họ bất cần, họ chỉ muốn lao mình tới để phục vụ giúp đỡ cho những thương binh, vì đối với họ, Hạnh Phúc chính là một việc làm để giúp cho một người lính biết hy sinh tánh mạng của mình để cứu lấy xóm làng, gia đình, quốc gia của mình thoát khỏi tay của kẻ thù xâm lăng.

Hạnh Phúc của một người làm Cô, làm Thầy Giáo là nhìn thấy được nụ cười rạng rỡ của những đứa học trò đã được trúng tuyển trong kỳ thi, đã mang lại một thành quả tốt đẹp sau 1 năm hay 2 năm, hay 3 năm dạy dỗ, huấn luyện của Cô Thầy Giáo đó đối với những đứa học trò. Hạnh Phúc đến với những Cô Thầy này là một cái tương lai rực rỡ của đám học sinh của mình.

Hạnh Phúc nó có tính cách rất là bao quát, cho nên rất khó mà nói lên đâu là Hạnh Phúc thật sự vì nó tùy vào cái môi trường, từng hoàn cảnh, từng cá nhân của người nhận định ngay phút đó.

Nói về một con người sống trên trái đất, bổn phận của con người đối với cái nơi mà mình cư ngụ là gì? Là sự giữ gìn cái môi trường đó, là sự đóng góp của mình vào cái môi trường đó, là sự hòa đồng của mình vào cái xã hội hình thành trong cái môi trường đó. Là một con người, làm được bất kỳ một điều gì để tròn cái bổn phận của mình trong cái môi trường mà mình sinh sống đó thì đều đem lại một cái sự hãnh diện của một con người sống trong Quốc Gia đó, trong xã hội đó. Nhưng, sống trong một Quốc Gia, trong một xã hội mà mình luôn luôn giữ được một sự toàn vẹn của cái Tâm, cái Ý, cái Tánh của mình thì đó mới là cái điều đáng nói. Tất cả những niềm Hạnh Phúc mà mình đã trải qua từ nãy giờ, đó là cái kết quả của việc hành xử một cái Tâm - Ý - Tánh đúng nghĩa, không mang tì vết, và một khi mà mình làm một điều gì đúng với cái Tâm - Ý - Tánh mà không có điều sơ sót thì luôn luôn sẽ có được một cảm giác phơ phới, nhẹ nhàng và ung dung tự tại.

Một Hạnh Phúc đúng nghĩa là một cái cảm giác nó thiên về cái tinh thần nhiều hơn là vật chất!

Một người Nam và một người Nữ giao hợp với nhau cũng đưa đến một cái Hạnh Phúc, nhưng cái hạnh phúc đó nó chưa phải là một cái Chân Hạnh Phúc là vì, nó là một cái hạnh phúc từ ở Thân Xác, cho nên cái Hạnh Phúc đó nó không kéo dài, nó không giữ lâu được và nó dễ dàng biến mất. Còn một cái Hạnh Phúc mà nó xuất phát từ ở cái Tâm - Ý - Tánh, nó có tính cách thiêng liêng vì nó là một cái biểu tượng của Đời Sống Tâm Linh của một người, mà một khi nó phát ra những cái luồng, phải nói là, đó chính là những luồng hào quang của Tâm - Ý - Tánh, thì Thân Xác sẽ tiếp nhận và sẽ giữ nó rất là lâu.

Cái Hạnh Phúc tiết ra từ ở cái Tâm - Ý - Tánh là một cái Hạnh Phúc thật sự, do ở một cái tâm chân thật, nghĩ suy về một vấn đề tốt đẹp được chu toàn và từ ở một cái tánh tốt đẹp luôn luôn đòi hỏi một người từ hành động cho đến suy tư đều theo một chiều hướng duy nhất là hướng tốt. Cho nên những cảm nhận từ ở cái Tâm - Ý - Tánh chân thật, đúng nghĩa, thì đó mới là Chân Hạnh Phúc.

Tìm một Hạnh Phúc, thật ra không ở nơi xa, không có gì xa vời để cho mình vói không tới. Tất cả những việc làm của mình xuất phát từ ở một tấm lòng tha thiết, một tấm lòng chân thật, muốn hoàn thành cái ước nguyện tốt đẹp, cao thượng, được thúc đẩy bởi một lòng từ bi, một tấm lòng nhân ái, thì đều cho ra một cảm nhận rất là chân thật và mang tên là Hạnh Phúc. Ngày nay, việc tìm kiếm Chân Hạnh Phúc rất khó … rất khó. Vì Chân Hạnh Phúc đòi hỏi rất nhiều ở những Đức tánh, mà thiếu đi những Đức tánh thì làm sao có được một tấm lòng Nhân Ái? Một cái Tâm chân thật? Những Ý Nghĩ cao thượng?

Một người sống với một cái Tâm - Ý - Tánh Bình, không có sự sắp xếp, không có những mưu toan thì bất kỳ một lời hay một hành động nào của người đó cũng đều nhằm vào việc mang lại nụ cười, sự vui tươi, sự lợi ích cho kẻ khác, thì đó mới chính là cái Chân Hạnh Phúc mà người đó đã trao tặng cho kẻ khác.

Kính bạch Sư Phụ,

Có những người họ nói rằng, Hạnh Phúc coi như là mình chấp nhận cái hoàn cảnh của mình. Chúng sanh nào đến cõi Ta Bà này cũng là để trả nghiệp. Có những triết gia nói rằng: muốn tìm được Hạnh Phúc, thật sự ra là muốn an tâm mình, thì phải chấp nhận cái hoàn cảnh của mình. Những nhận định này có đúng với ý nghĩa của Hạnh Phúc hay không? Xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ.

Con ơi, làm sao có thể cho rằng đó là Hạnh Phúc. Hạnh phúc có nghĩa là gì? Hạnh Phúc có nghĩa là một cái cảm giác phơi phới dễ chịu, không bị vướng mắc với bất kỳ một cái gì và cảm thấy rằng mình rất là ung dung tự tại trong cái khoảnh khắc này, không có rào cản, không có bất kỳ cái gì mà có thể xâm nhập vào mình, hoàn toàn trống. Con người ta sống lúc nào cũng bị vây chặt, vây chặt bởi nghiệp lực, vây chặt bởi phiền não, bởi nợ nần, cho nên muốn tìm được một sự thư thả, một cái tự do mà không có một sự quấn chặt của bất kỳ một cái gì hết, thì đó mới gọi là Hạnh Phúc. Trong khi mình còn bị ảnh hưởng bởi cái này, bởi cái kia, còn bị quấn chặt bởi nhiệm vụ, bởi trách nhiệm, bởi cái niềm đau này, cái ẩn ức nọ thì sao gọi là Hạnh Phúc? Tâm mình không có mở rộng ra được. Người hạnh phúc là người mà toàn bộ Tâm Ý của họ được mở toang ra, và họ đón nhận những cái gì mà rất là tự nhiên của trời đất, không vướng bận bất kỳ một cái gì hết. Họ cảm thấy ung dung, họ cảm thấy tự tại, không bị vây chặt, không bị quấn quýt, hoàn toàn thư thả.

Kính bạch Sư Phụ,

Vậy có phải một trong những cái định nghĩa của Hạnh Phúc là không có cái sự gì để phải bối rối, lo lắng hết?

Đúng vậy! Còn mà mình chấp nhận thương đau để mình xem nó là Hạnh Phúc thì đó là một sự gượng ép và gán cho nó, buộc cho nó mà thôi.

Thưa Sư Phụ, theo con nghĩ, muốn để không phải lo lắng, phiền muộn, sầu khổ bất cứ điều gì, thật ra ở cõi Đời này cái đó chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi mà thôi, ngay lúc này con cảm thấy vui sướng, hứng khởi, nhưng sau giây phút đó rồi con cũng phải trở về với thực tại, phải lo cơm, phải lo tiền nhà, lo chi phí trong nhà, tiền điện, tiền nước, tiền thức ăn, lo đóng thuế…. do đó không thể gọi đó là Chân Hạnh Phúc vì nó không tồn tại lâu dài được. Có phải như vậy không?

Cái Chân Hạnh Phúc, nó là một cái cảm giác thoáng qua chớ nó không kéo dài quá lâu. Nhưng muốn để chuẩn bị cho có một cái Chân Hạnh Phúc thì con phải làm sao?

Dạ con phải về cái nơi mà tên nó là một cái Chân Hạnh Phúc: Cực Lạc?

Không cần! Ở ngay tại đây, ngay trên cái cõi Đời này, con vẫn tìm được Chân Hạnh Phúc. Để có được Chân Hạnh Phúc, con phải tập giữ Tâm Bình!

Nghiệp lực vẫn phải đối đầu, nghiệp lực không có dừng lại, nhưng tiếp nhận nghiệp lực với một cái Tâm Bình. Với một cái Tâm Bình là sao? Là tôi biết rằng tôi có lỗi, tôi phải xin lỗi bằng cách tôi nhận lỗi và tôi sám hối. Tôi sám hối và tôi đáp đền bằng cách tôi cố gắng tôi luyện những cái gì tốt đẹp của tôi qua việc tu tập. Tôi sửa những tánh tình của tôi để từ tánh xấu đổi qua tánh tốt là tôi đã làm được một cái công đức rồi đó. Là vì sao? Vì khi có cái tánh tốt rồi thì tôi mới có thể chùi được, làm sạch được cái màn vô minh, và tôi mới có thể bật sáng lên được cái ngọn đèn Trí Huệ. Cho nên tôi phải giữ Tâm Bình trong cái vấn đề tiếp nhận nghiệp lực của tôi. Tôi phải sửa tánh, tôi phải giữ Tâm Bình và tôi luôn luôn chỉnh Ý của mình để đừng có đi bên này, ngã bên kia, luôn luôn giữ cái ý tốt ở trong đầu, không bao giờ nghĩ những điều sai trái, vì vậy mà từ từ Tâm tôi Bình, Ý tôi yên, Tánh tôi trở nên tốt đẹp. Đó là 3 cái yếu tố để cho tôi tiến lần đến cái việc là giữ được sự An Bình trong Tâm – Ý – Tánh, mà khi tôi giữ được cái an bình trong Tâm – Ý – Tánh thì tôi sẽ không thể nào làm những điều không tốt đẹp. Đương nhiên là tôi sẽ làm những điều tốt đẹp cho kẻ khác, thì khi tôi làm những điều tốt đẹp luôn luôn sẽ có một sự hồi đáp; cái sự hồi đáp đó là một nụ cười, một cái khó khăn đã đi qua, hoặc là những vướng mắc đã được cởi mở do ở cái gì? Do ở việc tôi đã dùng Tâm – Ý – Tánh Bình của tôi để tôi giúp cho kẻ khác giải quyết, hoặc tôi giúp cho chính bản thân tôi giải quyết những vấn đề, những cảnh huống, những khó khăn; thì như vậy tôi mới có được cái cảm giác Hạnh Phúc, và cái cảm giác Hạnh Phúc đó nó sẽ kéo dài trong tâm tư tôi, nó lâu hơn là cái cảm giác Hạnh Phúc của Thân Xác.

Một người mong muốn mua cho được cái áo đầm thật đẹp này, và khi mà mua nó xong rồi, trả tiền rồi, đem về nhà rồi, mặc thử lên rồi, uốn éo dòm qua lại trước kiếng rồi, cảm thấy thích quá, cảm thấy vui quá. Rồi!! Cái Hạnh Phúc đó chấm dứt, không còn kéo dài qua nhiều ngày nhiều tháng. Ngày mai, khi tôi đi ra chợ, tôi lại thấy một cái áo khác đẹp hơn cái áo trước nhiều và tôi mong mỏi mua được cái áo đó, và tôi lại đem về …và cũng làm y như cái áo trước, và tôi cảm thấy hạnh phúc. Thử hỏi rằng cái hạnh phúc đó nó kéo dài được bao lâu?

Còn cái hạnh phúc gọi là Chân Hạnh Phúc nó là một cái cảm giác từ ở trong tâm tư của tôi!

Thưa Sư Phụ, có phải dù rằng ở bên ngoài có sóng gió đến bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng mà cái Tâm của con nó Bình thì là con vẫn có thể cảm thấy Hạnh Phúc. Vì cái hạnh phúc đó, cái sự thoải mái đó, nó chan hòa bất cứ những cái lo âu nào khác để con có thể bình tỉnh và sáng suốt đối phó với bất cứ những vấn đề gì?

Đúng vậy! Cho nên nói qua với nói lại, nói tới rồi nói lui, tất cả cũng trở về với cái Tâm - Ý - Tánh mà thôi!!

Vậy xin Sư Phụ chỉ dạy cách nào để luyện cái Tâm Bình?

Chỉ có sửa Tánh mới có thể đem lại cái Tâm Bình mà thôi. Vì một khi Tánh còn xấu thì tức nhiên là còn vọng động, mà vọng động đó là tại sao? Vì cái nghiệp lực lôi kéo. Nếu tánh không xấu, nghiệp lực không có lôi kéo được. Vì cái tánh còn xấu, cho nên nghiệp lực nó vừa đi qua một cái là bị úp liền, cho nên phải sửa tánh. Càng sửa nhiều tánh, Tâm càng Bình; mà muốn cho Tâm càng Bình thì phải hành trì sám hối - trì Chú - niệm Phật. Khi đó tánh sửa, Tâm giữ Bình thì Ý cũng sẽ được Bình luôn.

Từ xưa đến giờ, người ta đề cập đến rất nhiều về vấn đề Hạnh Phúc, nhưng thật sự ra không ai nói đến Chân Hạnh Phúc cả. Tất cả những điều mà người ta nói đến cũng chỉ là một cái hạnh phúc vật chất mà thôi, chớ không phải là một cái Chân Hạnh Phúc. Vì muốn có một cái Chân Hạnh Phúc, phải đào luyện cái Tâm – Ý – Tánh rất là nhiều, phải hướng về cái việc chỉnh sửa bản thân mình rất là nhiều, không chỉnh sửa không thể nào gọi đó là Hạnh Phúc được, vì mình cho nó là hạnh phúc cho nên nó là Hạnh Phúc, chớ thật sự ra để cho nó bay bổng lên và nó tỏa cái hào quang hạnh phúc bao quanh người mình, điều đó mình chưa có làm được nếu mình không có quyết tâm chỉnh sửa Tâm – Ý – Tánh.

Có được một cái Chân Hạnh Phúc thì lần lần sẽ tiến đến cái Tâm Rỗng của Chư Phật và Bồ Tát được. Chân Hạnh Phúc luôn luôn đến với người “cho”, vì vậy mà, càng cho đi nhiều, càng nhận được nhiều Chân Hạnh Phúc, thì lần lần mới đi đến cái việc cái Tâm của mình Rỗng được.

Kính xin Thầy nói sâu thêm cái vấn đề làm sao để có thể Bố Thí với cái Tâm Rỗng. Người Đời cho rằng hành động Bố Thí chỉ là một cái hoạt động của tất cả những cái chất hóa học ở trong người của mình, tại vì khi mà con có một cái gì đó mà con cho hoặc giúp người khác thì cái hành động đó nó kích thích cho cái óc của con tiết ra chất Dopamine, làm cho con cảm thấy con rất là hạnh phúc khi mà con làm được một việc tốt cho người khác. Do đó mà người Đời cho rằng cái hành động giúp đỡ hay bố thí, đó chỉ là vì ghiền cái chất Dopamine ở trong óc tiết ra, hay là nhờ cái tâm Rỗng mới giúp cho tiết ra cái chất Dopamine?

Về việc mà tiết ra chất Dopamine ở trên đầu thì hãy nhớ một điều rằng, một sự chân thật mới kích thích được những chất hóa học mà con vừa mới nói. Nếu là một sự giả dối liệu có kích thích được không? Cho nên, nếu bây giờ khoa học bảo rằng người ta ghiền cái chất đó tiết ra, thì điều đó cũng tốt là người ta phải làm những cái việc tốt đẹp hơn, nhiều hơn, liên tục hơn, nhưng có điều rằng là bộ óc hay là thân thể con người làm việc cũng phải có ngơi nghỉ, chớ không có thể nào mà liên tục được, thành ra là, có nhiều khi liên tục quá hoặc là nó trở thành giả dối, hoặc là nó sẽ làm cho cơ quan tiết ra cái chất hóa học đó nó không còn hoạt động mạnh mẽ được nữa. Tại vì sao? Tại vì người ta làm có mục đích, người ta làm chuyện từ thiện có mục đích là để cho cơ quan đó nó tiết ra chất Dopamine và người ta cảm thấy hạnh phúc. Còn khi mà con làm một việc gì hoàn toàn với cái Tâm – Ý – Tánh Bình thì chỉ có hào quang nó mới là phát sáng và nó bao phủ lên trên thân của con, và con sẽ cảm thấy dễ chịu, và cảm thấy hạnh phúc trong cái hào quang chói sáng đó.

Nếu con khi còn tại thế quyết tâm tu tập, hằng ngày chỉnh sửa Tánh Tình của mình, chỉnh đốn lại Tâm Tư của mình, Ý tưởng của mình, thì con sẽ cảm thấy người mình luôn luôn nhẹ nhõm và một cái niềm vui không biết, nó không có tên, nhưng mà cảm thấy vui trong lòng, cảm thấy hứng khởi ở trong lòng và cảm thấy như mình muốn chia sẻ với mọi người cái niềm vui đó, và lúc nào mình cũng mở rộng vòng tay để ôm cái Vũ Trụ vào người mình, nó chính là Niềm An Lạc.


+ 12