Tại Sao Nên Siêu Độ Ở Tại Nhà?
Tại sao thân nhân nên làm việc siêu độ cho vong linh tại nhà trong 49 ngày, mà không ký linh cho chùa chiền?
Thông thường, việc ký linh vào chùa là vì những lý do sau đây:
- Thân nhân hay sợ hãi, nhất là có rất nhiều người sợ ma, không dám để hình của hương linh ở nhà, vì thấy rằng đi ra đi vào cứ nhìn thấy hình của người mới mất, có cảm tưởng rằng người đó đang phảng phất đâu đây, cho nên cứ sợ hãi. Vì vậy mà đem ký linh thân nhân mình vào chùa cho đỡ sợ.
- Vì không biết những nguyên tắc, những nghi thức để cúng cho vong trong thời gian 49 ngày.
- Do sự biếng nhác của thân nhân, vì phải làm công việc đó trong suốt 49 ngày. Đây là sự thật, không thể phủ nhận!
- Vì những thân nhân của hương linh không tha thiết đến việc tu tập, cho nên cứ đem hương linh giao phó cho chùa chiền, rồi thì chùa chiền muốn làm gì cũng được. Sau 49 ngày là phủi tay xong việc!
- Thân nhân cho rằng: vì bận bịu với công việc làm ăn hằng ngày nên không có thì giờ để hành trì siêu độ cho người quá vãng.
Đối với người chủ lễ chưa biết tu tập, thì đây là một cơ hội tốt để người này, vừa bày tỏ lòng thương yêu của mình đến người quá cố và cũng là dịp để tập tễnh bước vào đường tu tập. Dù là một sự bắt buộc tu tập, hay là một sự phát nguyện tu tập, đây vẫn là một dịp rất tốt để làm bàn đạp cho việc thăng hoa sau này.
Lúc đầu thì cảm thấy khó chịu, lúng túng, nhưng sau đó không bao lâu, khi suy nghĩ lại, vì tình thương yêu của mình đối với người đã mất, cũng mong mỏi cho người đã mất được ung dung tự tại, được siêu thoát nhẹ nhàng, cho nên, thôi thì bấm gan bấm bụng mà tu! Rồi thì từ từ, mỗi ngày một chút, đến khi thâm nhập lúc nào không hay. Vì vậy mà thời gian 49 ngày, đủ để giúp cho một người, từ một tư tưởng, một cảm giác bị bắt buộc, trở thành ra tự nguyện hay phát nguyện tu tập.
Việc siêu độ cho hương linh ở tại nhà có một điều lợi ích, là sự giúp đỡ cho hương linh được dễ dàng hơn. Trong 49 ngày, hương linh chưa nhận ra được mình đã mất, vẫn còn lẩn quẩn ở trong gia đình, cho nên hương linh không cảm giác nhiều về sự đói lạnh, vẫn còn cảm nhận được không khí gia đình. Vì vậy, người chủ lễ sẽ cảm thấy gần gũi hơn với hương linh, và vì biết rõ được những điều thầm kín, những khúc mắc của hương linh, người chủ lễ sẽ tỉ tê, khuyên giải mỗi ngày. Như vậy giúp cho hương linh bừng sáng rất nhiều.
Số hương linh ký gởi tại chùa quá đông, người chủ lễ ở tại chùa cũng không có nhiều thì giờ để tìm hiểu gốc gác, ngọn ngành của mỗi hương linh. Việc đánh thẳng, đánh mạnh vào trong những khúc mắc của mỗi hương linh, hoặc tỉ tê, khuyên giải từng vong linh mỗi ngày, điều đó vị chủ lễ gần như bó tay, không làm được. Ngoài ra, còn phải kể đến tâm thành, tâm lực, đạo lực của người chủ lễ rất là nhiều.
Nhà chùa lấy dạ Từ Bi đối với Phật Tử, không nỡ chối từ bất cứ một hương linh nào cả.
Tuy nhiên, làm sao có thể so sánh được sự săn sóc của viện dưỡng lão với sự chăm lo, chắt chiu của gia đình, đối với thân nhân già nua hay tàn tật của mình.
Nếu cảm thấy rằng: việc siêu độ cho hương linh đem lại lợi lạc cho kẻ Dương Thế lẫn người cõi Âm thì nên tiến hành việc siêu độ tại nhà, làm giảm bớt đi gánh nặng cho nhà chùa.
Hương linh để tại nhà cũng vẫn tốt hơn, vì ngoài người chủ lễ, còn có thể có những người thân khác; tuy rằng họ không được như người chủ lễ, nhưng cũng đem tấc dạ chân thành của mình ra để cầu nguyện cho hương linh, thì cũng giúp cho hương linh rất nhiều trong vấn đề siêu thoát.
Cho nên, một người nào có thân nhân vừa mới qua đời, nên cố gắng tự mình siêu độ cho vong linh của thân nhân mình, vì đó là cơ hội để giúp cho mình có thể bước vào đường tu tập, hoặc được thăng tiến trên đường đạo, nếu mình đã từng có tu tập rồi, và điều quan trọng là dễ dàng giúp cho thần thức của thân nhân mình hiểu biết và rung động để siêu thoát được.
Việc sợ hãi một người mới mất, đó là vấn đề tâm lý. Thật sự ra mình phải nghĩ rằng: một khi mình mất rồi, những người khác có sợ như vậy hay không? Tại sao mình lại sợ một cái vong? Cái vong không làm gì được cả. Đối với một người vừa mới qua đời, tất cả mọi việc chung quanh họ đều làm cho họ rất bỡ ngỡ.
Khi còn sống, họ nhìn sự vật với đôi mắt của họ, với nhãn thức của họ, tất cả mọi thứ đều đóng khung. Họ không thể nào nhìn cái gì quá cái khung của đôi mắt họ được. Nhưng một khi đã trở nên một cái vong rồi, tầm nhìn của họ không bị đóng khung nữa. Họ có thể nhìn thấu hết tất cả mọi vật. Ngay cả những thân nhân của họ, tâm tánh như thế nào, họ đều nhìn thấu rõ, nhưng bảo rằng, những vong này có thể làm hại bất kỳ ai thì việc đó không có. Vong mới vừa mất chưa đủ sức để làm việc đó đâu! Như vậy đâu có gì để phải sợ hãi cái vong?
Tại sao lại có sự phân biệt giữa người đã mất với người còn sống? Sự sợ hãi có được là do người còn sống tự đặt một ranh giới, giữa người đã mất và người chưa mất. Giả sử rằng, người đã mất này hiện đang ở cùng một khu phố với mình, mà mình không biết được rằng người này đã mất, thì liệu rằng mình có sợ hãi hay không? Cho nên, tất cả đều là do người sống đặt ranh giới để tạo sự sợ hãi.
Phải hiểu rằng: Sanh – Lão – Bệnh – Tử, có sanh thì có tử, người đi trước, kẻ đi sau, không ai thoát được vòng lẩn quẩn đó, vì vậy mà nên từ bỏ tư tưởng sống chết. Hãy xem đó là một điều đương nhiên phải chấp nhận! Có sanh ra thì phải có chết, để không cảm thấy rằng, có một sự khác biệt ở trong đó.
Trong phần nghi thức siêu độ, mỗi ngày, trước khi hành lễ, người chủ lễ phải trì Chơn Ngôn Phát Hào Quang. Câu Chú này giúp cho trong nhà rất thanh tịnh, không có gì phải sợ hãi cả.
Kế tiếp là phải tự hỏi rằng, mình có thật lòng chan chứa tình cảm với người đã mất hay không? Có xem người đó giống như thuở người đó còn sống hay không? Có một tình thương dạt dào với người đó hay không? Khi người đó còn sống thì mình làm thế nào để giúp cho người đó được vui vẻ, được cảm thấy hạnh phúc? Bây giờ người đó không còn hiện diện nữa, phải làm cái gì để giúp cho người đó được tốt đẹp, được thăng hoa? Khi còn sống thì người đó hưởng hạnh phúc, nhưng khi người đó đã mất rồi thì người đó phải được thăng hoa.
Khi mình đặt những câu hỏi đó, thì mình sẽ có câu trả lời là, “tôi phải làm một cái gì!” Và chính câu trả lời, tôi phải làm cái gì để giúp cho thân nhân của tôi được thăng hoa, sẽ giúp cho tôi tìm tòi tất cả những phương cách, phương tiện để giúp đỡ cho thân nhân.
Khi đã hiểu được chuyện đó rồi thì dễ dàng bước vào việc tu tập. Việc tu tập, bước ban đầu là vì thân nhân, cho thân nhân, tất cả giúp cho thân nhân; nhưng chắc chắn rằng, sau 49 ngày, người chủ lễ sẽ có một cảm giác rằng, chính thân nhân quá cố đó đã giúp cho tôi bước vào đường tu tập lúc nào không hay. Cho nên có lợi cho cả đôi bên, một khi vẫn có lợi cho cả đôi bên thì tại sao không thực hành? Tại sao còn phải đắn đo?
Chuẩn Bị Cho Người Chủ Lễ
Chuẩn bị cho người chủ lễ là một việc vô cùng quan trọng, nếu không chuẩn bị một cách kỹ càng, chu đáo, sẽ khó lòng thuyết phục được vong.
Người chủ lễ có thể là một người biết tu tập, tuy nhiên, một người chưa từng làm quen với việc tu tập, cũng vẫn đảm nhận được việc siêu độ một cách dễ dàng, tốt đẹp.
- Người Chủ Lễ Biết Tu Tập »
- Người Chủ Lễ Chưa Biết Tu Tập »
- Những Điều Kiện Cho Người Chủ Lễ »
- Nghi Thức Thọ Tam Quy và Giữ Ngũ Giới »
- Làm Một Thiện Tri Thức Cho Vong Linh »
- Làm Sao Biết Được Vong Linh Đã Siêu Hay Chưa »
- Sau Lễ An Táng »
- Tâm Trạng Người Chủ Lễ Ảnh Hưởng Vong Linh »
Thần Thức Là Gì?
Một con người bằng xương bằng thịt, có cử động, nói năng được, nói tóm lại là một người sống, thì chia thành 02 phần rõ rệt:
- Một phần là thân xác của mình
- Và một phần là linh hồn của mình
Linh hồn đó ở trong một thân xác.
Nói Về Thân Xác
Nếu để linh hồn qua một bên (chỉ đề cập đến thân xác thôi) thì thân xác đó vẫn cử động được, vẫn di chuyển, vẫn hoạt động được, nhưng giống như một người máy. Tức là làm mà không biết mình làm, chỉ làm mà thôi. Cũng ăn, cũng uống, cũng ngủ, tất cả mọi thứ đều làm được với thân xác, chỉ thân xác mà thôi. Mắt, tai, mũi, lưỡi … thân xác đều có, nhưng:
- Mắt nhìn thấy sự vật thì chỉ biết rằng Nhìn và Thấy, vậy thôi!
- Tai nghe được tiếng động, biết được có tiếng động, vậy thôi!
- Mũi ngửi được, biết rằng có mùi, chỉ ngửi, vậy thôi!
- Lưỡi nếm được, biết rằng có một cái vị, nhưng chỉ biết được bao nhiêu đó mà thôi.
- Tay sờ vào một vật gì thì chỉ biết hành động sờ nhưng không phân định được.
Tóm lại là, với ngũ căn thì đều nhận biết nhưng không rõ chi tiết.
Tuy nhiên, nếu thân xác đó có được một linh hồn ở bên trong của thân xác, thì chính linh hồn đó mới tạo ra những cái thức. Khi đó, ngũ căn không chỉ đơn thuần là thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó. Tất cả những hành động của ngũ căn đều có sự diễn tả rất là chi tiết. Những chi tiết có được là từ ở những cái THỨC do Linh Hồn tạo nên.
Thấy như thế nào, thấy cái gì, màu sắc như thế nào và những chi tiết của việc thấy ra làm sao?
Tất cả những gì có liên quan đến cái thấy thì sẽ giúp cho chữ thấy được mở rộng ra, càng chi tiết hơn.
Nhận biết rằng có một cái mùi bay ngang qua lỗ mũi của mình, nhờ có linh hồn cho cái Tỉ thức mà mình biết được rằng đó là mùi thơm hay mùi hôi, mùi của một loại hoa, một loại cỏ, hay là mùi của một con vật, và cái mùi đó đã tạo nên một cảm giác ra làm sao?
Lần lượt ngũ căn đều nhận được từ ở Linh Hồn những cái THỨC gọi chung là NGŨ THỨC, dự phần vào việc giúp cho ngũ căn cảm nhận mọi sự vật chung quanh mình một cách rõ ràng hơn, chi tiết hơn và tinh tế hơn.
Bên cạnh ngũ căn được sự tăng cường của NGŨ THỨC, còn có những THỨC khác mà tầm quan trọng cũng rất đáng kể, đó là MẠC NA THỨC và A LẠI DA THỨC.
Giữa Ngũ Thức, Mạc Na Thức và A Lại Da Thức có một thức trung gian, đó là Ý THỨC. Sự phân định và thẩm định một cách rõ ràng của những cái Thức của Ngũ Căn đều phải qua Ý Thức.
Đơn cử một thí dụ như sau: một người nhìn thấy một cảnh đẹp, nhờ có Nhãn Thức mà người đó sẽ hiểu được các chi tiết trong cái cảnh mà mình nhìn thấy. Nhưng bên cạnh đó, nhờ có Ý Thức, người đó sẽ thấy rằng khung cảnh này nó nên thơ như thế nào, nó làm cho lòng tôi bồi hồi ra sao, nó làm cho những kỷ niệm xa xưa sống lại với tôi như thế nào? Làm cho tôi nhớ lại những gì đã xảy ra, làm cho tôi liên tưởng đến một hình ảnh khác... Tất cả những gì tôi liên tưởng, tôi nghĩ đến, hay tôi bồi hồi trước một khung cảnh đẹp, đều là do ở tác động của Nhãn Thức tăng cường thêm sự trợ lực của Ý Thức. Và cái Ý Thức quan trọng vô cùng, nó lại liên quan đến cái Tâm và cái Tánh.
Nếu một người có Tâm từ bi, Tâm hỷ xả thì khi đứng trước một cảnh vật hữu tình, tâm người đó rung động, chan chứa những hình ảnh tốt đẹp về những cái gì mà người đó muốn đem ra để ban phát cho chúng sanh. Tâm rung động đó là một tâm rung động tốt. Cái tâm rung động tốt đó sẽ giúp cho cái Ý Thức nảy sinh ra những tư tưởng tốt đẹp là làm sao xoa dịu được nỗi đau của kẻ khác.
Cho nên cái Ý Thức dính liền với cái Tâm rất nhiều và nó cũng dính chặt với cái Tánh. Nếu là một người có bản tánh thích chia sẻ, thích sự dịu dàng, thích ban phát, bố thí, thì trước một khung cảnh hữu tình, người đó sẽ tức cảnh sanh tình xướng lên những vần thơ biểu lộ hết tâm tư của mình, sự chắt chiu, lo lắng của mình đối với những người kém may mắn, kém phước lành hơn mình.
Nhưng nếu cũng trong một khung cảnh đó, cái Ý Thức được khởi lên từ ở một người có một cái Tâm không lành lại cộng thêm một cái Tánh không lành thì mọi chuyện sẽ quay ngược trở lại và sẽ không thể nào có được những lời thơ êm nhẹ, ca ngợi một tình thương yêu đối với chúng sanh.
Vì vậy, tất cả những cái Thức mà mình có được chính là từ ở Linh Hồn.
Nên nhớ rằng: thân xác bị già nua, bị hủy hoại, nhưng Linh Hồn thì không.
Trước khi thân xác chấm dứt sự sống, Linh Hồn vì ở trong thân xác đó, nên đã nhận biết được sự lão hóa, sự hủy hoại từ từ của thân xác, nên đã có sự chuẩn bị, sắp xếp để rời thân xác.
Coi như cái áo này đã cũ rồi, cần phải đi tìm chiếc áo mới khác tốt đẹp hơn. Và khi linh hồn rời khỏi xác thân, tất cả các Thức đều bị hủy diệt.
Tại sao?
Vì những Thức đó là những thức giả tạm, không vĩnh viễn, xem như là phương tiện cho những bộ phận của thể xác mà thôi. Kể cả Mạc Na Thức cũng không được xem là một thức vĩnh viễn. Duy nhất được xem là vĩnh viễn, chính là A Lại Da Thức và thức này đảm nhận công việc của một ngăn chứa.
Chứa cái gì?
Chứa thuần những sự việc quan trọng, không quan trọng thì không chứa!
Việc không quan trọng thì tạm thời chứa trong Mạc Na Thức, khi linh hồn đã rời khỏi thân xác rồi thì Mạc Na Thức cũng bị hủy diệt.
Vì Sao?
Vì tất cả những thứ mà Mạc Na Thức chứa lại cũng là giả tạm, nếu so với cái giả tạm của Lục Thức thì cái giả tạm của Mạc Na Thức có tính cách kéo dài hơn. Để chi? Để chờ đợi, chờ đợi coi có sự chuyển hóa hay không?
Sự chuyển hóa đó từ ở đâu? Chính là ở cái Tâm.
Một người trước kia có một tâm không lành, nhưng sau một thời gian tu tập, nghe Pháp, hiểu Pháp, hành Pháp và nhận xét rằng mình đã làm chuyện sai, cho nên hoán chuyển tâm mình để trở nên tốt đẹp hơn. Khi trở nên tốt đẹp hơn, điều đó là vĩnh viễn, được Mạc Na Thức ghi nhận. Và Mạc Na Thức sẽ giữ đó cho đến ngày người đó lìa đời, nếu tâm người đó vẫn trước sau như một, sau khi đã chuyển hóa rồi mà không có gì thay đổi cả, thì Mạc Na Thức trước khi bị hủy diệt, sẽ chuyển cái sự việc tốt đẹp đó vào trong A Lại Da Thức, xem như là một điểm son cho người đó.
Nếu một người luôn sân hận, có nhiều tánh xấu, thường làm những chuyện sai trái, Mạc Na Thức sẽ tích tụ không sót một điều nào cả. Cho nên cần ghi nhớ: mình có thể che dấu được kẻ khác, chớ không thể nào che dấu chính bản thân mình.
Chính bản thân mình là cái gì?
Chính là cái Mạc Na Thức đó! Một tư tưởng vừa khởi lên, chưa được chuyển đạt thành lời, Mạc Na Thức tức khắc ghi nhận liền. Và nếu không được sửa đổi cho tới ngày nhắm mắt, tất cả mọi thứ sẽ trở thành vĩnh viễn và sẽ được chuyển vào trong A Lại Da Thức có thứ tự lớp lang.
Trước khi linh hồn rời khỏi thân xác, những cái gì thuộc về vĩnh viễn thì Mạc Na Thức chuyển vào trong A Lại Da Thức. Những cái gì có tính cách tạm bợ thì bỏ ra ngoài, không kể tính. Tất cả các thức: Lục thức lẫn Mạc Na Thức đều bị hủy diệt. Linh hồn ra đi chỉ mang theo A Lại Da Thức mà thôi.
Chính cái linh hồn đó, khi còn trong một thân xác sống động thì gọi là NGƯỜI. Nhưng khi người đó không còn hơi thở nữa thì gọi là VONG. Linh hồn vì không còn thân xác nữa để trụ vào, cho nên được gọi một cách đúng nghĩa là Thần Thức.
Danh từ Thần Thức nói lên sự linh hoạt, mầu nhiệm không thể bàn luận cho cùng của Linh Hồn, chớ không phải là vì linh hồn có thần thông quảng đại gì cả.
Cái linh hồn đó mang cái A Lại Da Thức đi theo mình. Nếu trong A Lại Da Thức chứa toàn là điều sân hận, chứa toàn là những điều quấy trá, chứa toàn những điều đau thương, điều đó nói lên cái gì?
Nói lên rằng: người đó khi còn sống đã gieo nhân không lành. Chứa sân hận cũng là gieo Nhân không lành, chứa đau khổ cũng gieo Nhân không lành, chứa những điều quấy trá cũng là gieo Nhân không lành.
Tất cả mọi thứ sẽ theo nghiệp lực mà người đó đã tạo ra và được hành sử theo luật Nhân Quả.
Người đó tạo nghiệp không lành với một kẻ khác, nhưng muốn tạo nghiệp với kẻ khác thì, điều trước tiên là người đó đã gieo nhân không lành với kẻ khác đó, khi vòng nghiệp lực đã đóng lại rồi, thì cốt tủy của vòng nghiệp lực là một sự tác động của Nhân và Quả.
Cho nên tất cả nghiệp lực đều dính chặt vào Nhân và Quả. Thần thức đó bị vướng mắc, chính là vướng mắc ở cái Nhân và Quả.
Giải quyết những vướng mắc của thần thức là giải thích cho thần thức hiểu rằng: tôi đã làm điều không hay, không phải, chẳng qua là vì tôi đã gieo Nhân không lành, bây giờ Quả không lành lại đến với tôi. Vì Quả tôi nhận được không lành cho nên tôi bị vướng mắc, chính vì vậy mà vong không thể siêu thoát được!
Cho nên, siêu độ cho vong là vạch rõ cho vong hiểu rằng: cái A Lại Da Thức mà vong đã mang theo chứa toàn là Nhân xấu, ngày giờ này giúp cho vong có một trí huệ, trí huệ đó ví như một ngọn đèn, giúp vong lựa lọc lại những cái Nhân mà mình đã mang theo.
Điều thú vị là khi đã trở thành một cái vong rồi (mà phải nhớ rằng là vong trong vòng 49 ngày chớ không phải vong sau 49 ngày), thần thức mới nhận chân ra được rằng: từ bấy lâu nay cái túi A Lại Da Thức của tôi đã chứa quá nhiều những hạt lép, hạt không tốt, hạt hư thúi. Ngày giờ này nó làm cho tôi nặng nề, khó khăn cất bước.
Bây giờ tôi phải làm sao?
Chính người chủ lễ phải giúp cho vong có được chút trí huệ để phân định được: hột nào tốt, hột nào xấu. Sau khi lựa lọc lại những cái nhân mà mình đã mang theo thì, với sự giúp đỡ của người chủ lễ, thần thức đó đã nhìn thấy được một sự không cân bằng của cán cân.
Thời gian 49 ngày là thời gian đặc ân, để giúp cho vong làm sao chuyển hóa được những cái nhân không lành của mình, thành ra những cái nhân lành. Và nếu biết tu tập trong 49 ngày thì sự chuyển hóa sẽ dễ dàng, chừng đó, vong sẽ nhẹ nhàng để cất bước.
Đó là lý do vì sao bắt buộc phải dùng nghi thức Sám Hối, để giúp cho vong nhẹ nhàng hơn trong thời gian 49 ngày. Sám hối là một hành động để diễn tả, để nói lên rằng tôi ăn năn, tôi hối hận, tôi tiếc hối vì tôi đã tạo nên những cái nhân không lành.
Vong phải biết rõ vì sao mà mình lại có quá nhiều cái nhân không lành? Và nhờ có sám hối, mà vong mới hoán chuyển được những cái nhân không lành, thành những cái nhân lành. Mà một cái vong ra đi với nhiều cái nhân lành thì đâu có gì là cực nhọc, đâu có gì là nặng nề nữa đâu.
Để phân định được những cái Nhân nào lành, những cái Nhân nào không lành, vong bắt buộc phải có được một chút trí huệ. Có trí huệ như đeo ngọn đèn ở trước trán, đi tới là có ngọn đèn soi sáng rồi, do đó mà biết được đường nào mình sẽ phải đi.
Có một điều rất là lý thú và rất là lợi lạc mà ít ai để ý đến. Siêu độ cho vong, chỉ có 3 con đường để lựa chọn: hoặc về Cõi Người, hoặc về Cõi Trời, hoặc về Cõi Phật.
Không có trường hợp “rơi” xuống Tam Đồ! Dù người đó khi hắt hơi, có những dấu hiệu bị đọa vào Tam Đồ, nhưng trong vòng 49 ngày, nếu thân nhân ra sức giúp cho vong linh tu tập, thì việc hoán chuyển từ Tam Đồ lên Cõi Người sẽ rất là dễ dàng, không khó khăn; nhưng, quá 49 ngày rồi thì người có dấu hiệu bị đọa Tam đồ phải theo đúng Tam Đồ mà đi, nếu không được siêu độ. Vì vậy, 49 ngày là thời gian đặc ân, thời gian để hoán chuyển cảnh giới nếu được siêu độ đúng cách.
Nếu thân nhân không lợi dụng thời gian đặc ân này để làm bất kỳ điều gì cho vong linh hết, thì rất uổng, rất uổng!
Gần như đa số những người thân của vong linh, có lẽ vì tánh lơ là, không để ý, xem việc chết, sống là lẽ thường, cho nên rất ít ai chịu quan tâm đến việc siêu thoát của vong linh. Vong linh có an ổn ra đi chăng? Hay còn lang thang, vất vưởng trong địa ngục đọa đày? Vong linh có đau khổ chăng? Có tìm được một cảnh giới tốt đẹp, hạnh phúc chăng?
Hầu hết chúng sanh nghĩ rằng, chôn xuống một thi hài là xong chuyện! Không bao giờ nghĩ rằng, trong cái thân xác được chôn xuống đó, còn có cái linh hồn. Và chính cái linh hồn đó mới điều khiển được thân xác, nếu không có linh hồn thì không thể điều khiển cái thân xác được. Dù cái thân xác đó có đẹp cách mấy, có tốt cách mấy thì cũng vẫn là một đống thịt mà thôi!
Cho nên, cái linh hồn đó không biến mất khi thân xác đã tan rã, mà linh hồn đó có phận sự đi tìm một thân xác mới. Cái linh hồn đó không bao giờ bị hủy hoại, chỉ có thể bị đọa đày, nhưng không tan biến. Vì vậy mà phải giúp cho cái linh hồn được tốt đẹp, vì cái linh hồn có được tốt đẹp, thì thân xác mang linh hồn đó mới thật sự tốt đẹp được.
Còn nếu như một linh hồn có quá nhiều nặng nề, không tốt, thì cái thân xác sau này ở trên dương thế chứa đựng cái linh hồn quá xấu xí, cũng sẽ trở thành xấu xí.
Phải hiểu rõ được điều đó để thấy rằng, càng làm cho linh hồn tốt đẹp nhiều chừng nào, thì người trên dương thế sẽ được hoán chuyển, sẽ được sửa đổi một cách tốt đẹp.
Cho nên giúp đỡ cho vong linh, là giúp đỡ cho một số đông chúng sanh trong tương lai được tốt đẹp hơn. Một linh hồn biết tu tập, hiểu biết điều phải trái, có trí huệ thì dù tiến vào một thân xác nào, thì thân xác đó cũng khởi sắc, và ảnh hưởng tốt đẹp cho những người chung quanh.
Còn một điều rất thú vị: đó là một sự gạn lọc! Gạn lọc để tất cả những cái gì không tốt đẹp sẽ được để qua một bên và làm cho nó trở nên tốt đẹp. Còn những cái gì đã tốt đẹp rồi thì giúp cho nó càng ngày càng thăng hoa. Tới một lúc nào đó, Cõi Ta Bà sẽ có vô số người tốt đẹp.
Duyên Khởi
Việc siêu độ cho vong linh không phải là việc làm mới mẻ. Từ hằng bao lâu nay, công việc siêu độ trong 49 ngày cho vong linh vẫn có, và vẫn còn hành trì cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, công việc làm này đã được thực hiện gần như cho lấy có, cho rồi việc.
Có bao giờ người chủ lễ đặt câu hỏi:
“Vong linh này đã siêu thoát chưa?”
Nếu có sự cảm nhận rằng vong chưa siêu thoát, thì việc trước tiên phải hỏi rằng:
“Việc hành trì nghi thức có đủ đầy hay không? Vong linh này đã vướng mắc gì khi lìa đời? Làm sao để giúp cho vong linh tháo gỡ những vướng mắc đó?”
Siêu độ cho vong linh là cốt ý muốn giúp cho vong linh siêu thoát, nhẹ nhàng cất bước tìm đường thác sanh. Nhưng khi làm công việc này, người chủ lễ lại tỏ ra rất thờ ơ, không để một chút tâm thành, cốt yếu là làm sao cho lẹ, cho xong.
Người làm việc siêu độ với một sự thản nhiên, không có một chút tình cảm trìu mến, không có một sự chắt chiu, sẽ không giúp được gì cho vong linh cả. Vì vậy, số vong linh không siêu thoát càng ngày càng đông.
Cõi Ta Bà ngày nay đang gặp nạn:
Đó là Vong tràn ngập lên dương thế!
Quy luật của Cõi Âm cũng rất chặt chẽ, trên nguyên tắc, vong linh không được phép tràn ngập lên dương thế.
Tuy nhiên, ngày nay, số người trên dương thế bị dựa nhập rất nhiều. Có vô số trường hợp đáng tiếc xảy ra; có những tai nạn mới thoạt nhìn thì cho đó là tai nạn thông thường, nhưng khi dùng trí huệ để phân tích và phán đoán, thì rõ ràng tai nạn xảy ra là do sự dựa nhập. Những người bị dựa nhập gây nên việc đáng tiếc nhưng sau đó, đã tỏ ra không biết rằng chính mình đã gây tạo điều không hay.
Còn có những trường hợp, người bị hôn mê sau nhiều ngày tháng, khi chợt tỉnh lại, bỗng đâm ra thông minh, khởi sắc hơn so với trước khi bị hôn mê.
Cũng có khi tỉnh lại mà nói bằng một ngôn ngữ khác, cũng có trường hợp tỏ ra rất ngu đần, không còn nhanh nhẹn, lanh lợi như xưa, v.v…
Còn rất nhiều trường hợp khác nữa, xảy ra không phải chỉ ở một nơi, mà hầu như trên toàn thế giới.
Vì không siêu thoát, nên vong linh không nhận ra được hướng đi đúng với nghiệp lực của mình.
Cũng vì không siêu thoát, nên vong không thể nào nhận được sự giúp đỡ của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát trong việc tìm người đúng duyên của mình để thác sanh. Do đó, vong cứ ùa tràn lên dương thế và tự đi tìm, gây nên muôn điều phiền phức cho người trên dương thế.
Bên cạnh đó, vong lang thang cũng rất nhiều, số thân nhân nhìn thấy trong giấc mộng, những người thân quá cố đã lâu, quần áo tả tơi, đói khát cũng không phải là ít đâu!
Thật ra, vong lang thang là vong bị đọa trong địa ngục của chính họ: địa ngục lang thang.
Khi còn thấy thân nhân quá cố nhiều lần trong giấc mộng, điều đó có nghĩa là thân nhân không siêu thoát, dù rằng đã qua đời từ lâu, 30 năm hay 60 năm, thậm chí 100 năm về trước; đã không siêu thoát, thì dù mất đã bao lâu, cũng vẫn là không siêu thoát.
Thân nhân là những người duy nhất có thể nối kết được sợi dây tình cảm giữa vong linh và thân nhân. Vì vậy, việc siêu độ cho vong linh, muốn đem đến một kết quả tốt đẹp, thì chỉ có thể do thân nhân đảm nhận mà thôi.
Vong linh chỉ có được vỏn vẹn 49 ngày tu tập, thể hiện sự thành tâm sám hối, cải sửa của mình để vứt bỏ xuống gánh nặng mình mang trên vai, tìm cầu một sự nhẹ nhàng, sáng suốt, mà cất bước tìm đường thác sanh.
Chỉ có thân nhân mới có thể đem hết sức mình, nỗ lực cùng với vong linh tu tập, nhẫn nại, trì chí, dẫn dắt, giúp vong linh sáng trí lên, nhận ra điều sai trái mình đã làm để ăn năn, sám hối, và thần thức chân thành rung động.
Đối với những vong linh còn đang bị đọa đày nơi chốn Tam Đồ: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, sự giúp đỡ của thân nhân cũng không kém phần quan trọng.
Các vong linh này trông ngóng từng ngày, từng giờ, cốt nhục thâm tình của mình trên dương thế, giúp cho họ thoát được sự đọa đày.
Trong chiều hướng giúp đỡ cho vong linh vừa mới mất (còn trong thời hạn 49 ngày), hay đã mất từ lâu, mà thân nhân còn nghi ngờ là chưa siêu thoát, quyển sách 49 Ngày Siêu Độ Cho Thân Nhân: Nghi Thức và Giảng Giải được dày công biên soạn, hầu tiếp tay cùng thân nhân của người quá cố, tự mình siêu độ cho vong linh thâm tình của mình, bằng với tất cả tấm chân tình, bằng một tình thương dạt dào của người còn trên dương thế đối với người bên kia thế giới.
Việc giải thích, cắt nghĩa, chỉ dẫn cho vong linh phải chậm rãi, gọn gàng, không dài dòng để vong có thể lãnh hội và thâm nhập dễ dàng. Do đó, từ ngữ được sử dụng trong quyển sách này cũng theo chiều hướng đó, dùng những lời giản dị, dễ hiểu, ít danh từ Hán-Việt, rất lợi lạc cho cả vong linh lẫn người chủ lễ.
Một đứa bé vừa mới chào đời, được nâng niu, chăm sóc như thế nào, thì Thần Thức của một thân xác vừa mới lìa đời cũng phải được chắt chiu, trìu mến, thương yêu y như thế. Đứa bé được nuôi nấng, dạy dỗ cho nên người. Thần Thức được dẫn dắt, chỉ dạy để tìm được đường thác sanh.
Chu kỳ Sanh Tử, Tử Sanh, không ai tránh khỏi.
Cho nên, việc siêu độ sẽ không trừ một ai cả, lần lượt kẻ trước, người sau.
Ai cũng cầu mong cho mình được siêu thoát, xin hãy biến sự cầu mong này thành sức mạnh, đẩy Tâm Lực vững chắc của mình, trong việc giúp cho người đi trước, được ung dung tự tại trên đúng cảnh giới mình lựa chọn.
Xin hãy nhớ rằng: Nghi thức dù hay cách mấy mà việc hành trì không với một tâm thành, không với một tấm lòng tha thiết, đầy sự hững hờ, thì kết quả vẫn không trọn vẹn, không tốt đẹp được.
Xin đem Công Đức của Pháp Sự này hồi hướng cho khắp Pháp Giới Chúng Sanh:
Người sống tìm được muôn điều lợi lạc, hưởng trọn vẹn sự An Bình qua công năng tu tập.
Người đã xa lìa trần thế, được sự nồng nàn thương yêu của thâm tình ruột thịt Siêu Độ, để nhẹ nhàng cất bước.
Nam Mô A Di Đà Phật tác đại chứng minh!
Download bản PDF: (Cập nhật 31/3/2015)
Nghi Thức Sám Hối
MỤC LỤC
TẠI SAO PHẢI SÁM HỐI
NGUYỆN HƯƠNG
KỲ NGUYỆN
TÁN THÁN PHẬT
QUÁN TƯỞNG
ÐẢNH LỄ TAM BẢO
TÁN LƯ HƯƠNG
CHÚ ÐẠI BI
SÁM HỐI
KHAI KINH KỆ
PHẬT THUYẾT KINH THẬP NHỊ PHẬT DANH
KỆ SÁM HỐI
CHÚ ĐẠI BI
LỤC TỰ ĐẠI MINH CHƠN NGÔN
SÁM THẬP PHƯƠNG
TÂM KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ÐA
VÃNG SANH TỊNH ĐỘ THẦN CHÚ
PHỤC NGUYỆN
PHỔ NGUYỆN
HỒI HƯỚNG
TỰ TAM QUY
KINH THẬP NHỊ PHẬT DANH
TRỪ CHƯỚNG DIỆT TỘI
(Chư Phật tử nghiêm tịnh thân tâm, quỳ, chắp tay cung kính.
Chủ lễ nguyện hương.)
NGUYỆN HƯƠNG
Nguyện đem lòng thành kính,
Gởi theo đám mây hương,
Phảng phất khắp mười phương,
Cúng dường ngôi Tam Bảo,
Thề trọn đời giữ đạo,
Theo tự tánh làm lành,
Cùng pháp giới chúng sanh,
Cầu Phật từ gia hộ,
Tâm Bồ đề kiên cố,
Xa bể khổ nguồn mê,
Chóng quay về bờ Giác. (1 lạy) 0
KỲ NGUYỆN
(Riêng người Chủ Lễ khấn)
Tư thời đệ tử chúng đẳng phúng tụng Kinh Chú, xưng tán Hồng Danh, tập thử Công Đức, nguyện Thập Phương thường trụ Tam Bảo, Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, từ bi gia hộ cho đệ tử ____ Pháp Danh ____.
Hôm nay đối trước Tôn Tượng, một lòng chân thành tha thiết cầu xin sự Hổ Trợ của chư Phật và Bồ Tát, giúp sức cho con có được sự CAN ĐẢM đúng nghĩa để diệt cho tận gốc, bứt cho tận rễ những THÓI HƯ, TẬT XẤU của con. Chính những thói tật xấu xa này đã dẫn dắt Con liên tục tạo nhiều Nghiệp Chướng sâu dày từ vô thỉ kiếp, cho đến tận hôm nay.
Dập đầu cúi lạy Chư Phật, chư Bồ Tát, thùy từ gia hộ độ cho con được trọn lời khấn nguyện.
TÁN THÁN PHẬT
Ðấng pháp Vương vô thượng,
Ba cõi chẳng ai bằng,
Thầy dạy khắp trời người,
Cha lành chung bốn loại,
Quy y tròn một niệm,
Dứt sạch nghiệp ba kỳ,
Xưng dương cùng tán thán,
Ức kiếp không cùng tận. (xá) o
QUÁN TƯỞNG
Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng.
Ðạo cảm thông không thể nghĩ bàn.
Lưới đế châu ví đạo tràng,
Mười phương Phật Bảo hào quang sáng ngời.
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện.
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y. (xá) o
ÐẢNH LỄ TAM BẢO
CHÍ TÂM ĐẢNH LỄ :
Nam mô tận hư không, biến pháp giới, quá, hiện, vị lai Thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, thường trú Tam Bảo. (1 lạy)
CHÍ TÂM ĐẢNH LỄ :
Nam mô Ta Bà Giáo chủ, Ðiều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Ðương lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật, Ðại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Ðại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội thượng Phật Bồ Tát. (1 lạy) o
CHÍ TÂM ĐẢNH LỄ :
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Ðà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát. (1 lạy) o
TÁN LƯ HƯƠNG
Lư hương vừa bén chiên đàn,
Khói thơm nghi ngút muôn ngàn cõi xa.
Lòng con kính ngưỡng thiết tha,
Ngưỡng mong chư Phật thương mà chứng minh.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần) o
CHÚ ÐẠI BI
Nam mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (3 lần) o
Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni. 0
Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da.
Nam mô a rị da bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da, bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà.
Nam mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà tát đa, na ma bà dà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án, a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô, kiết mông độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm phật ra xá lợi, phạt xa phạt xâm, phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra,hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ,na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na, ta bà ha. Tất đà dạ, ta bà ha. Ma ha tất đà dạ, ta bà ha.Tất đà du nghệ, thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra, ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta bà ha. o
Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da.
Nam mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ ta bà ha. (3 lần) 0
SÁM HỐI
Đệ tử_____ vốn tạo bao ác nghiệp,
Đều do vô thỉ tham, sân, si.
Từ thân, miệng, ý phát sinh ra,
Tất cả hôm nay nguyền sám hối. o
Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát, tác đại chứng minh. (3 lần)o
Đệ tử____, xin đem tất cả tâm thành đối trước chư Phật và Bồ Tát, dập đầu sám hối, ăn năn tất cả những nghiệp chướng mà con đã vô tình hay cố ý gây tạo nên.
Vì con có Tâm xấu ác nên đã toan tính hại Người.
Vì con có Ý không lành nên luôn mang đến cho Người nhiều đau khổ.
Vì con mang nhiều Tánh xấu nên đã gây điều Sân Hận cho Người.
Ngày nay nhờ Phật, Đệ tử____ đã thấu rõ những Nghiệp tội mà con đã gây nên từ vô thỉ kiếp cho đến kiếp hiện tại.
Cúi lạy Mười Phương Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, chứng minh cho lòng chí thành sám hối của con và giúp cho tất cả tội chướng của con đều được tiêu trừ.
Nam mô A Di Đà Phật tác đại chứng minh. (1 lạy) o
KHAI KINH KỆ
Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu,
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu,
Con nay nghe thấy chuyên trì tụng,
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu. o
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần) o
PHẬT THUYẾT KINH
THẬP NHỊ PHẬT DANH SO SÁNH CÔNG ĐỨC TRỪ CHƯỚNG DIỆT TỘI
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật cùng với 1,250 vị đại Tỳ Kheo ở trên núi Linh Thứu gần đại thành Vương Xá. Ngoài ra còn có 12,000 vị Bồ Tát Ma Ha Tát, với Vô Năng Thắng Bồ Tát làm thượng thủ.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
“Này Di-lặc! Từ đây về hướng đông, vượt qua mười bất khả thuyết chư Phật sát độ ức trăm ngàn vi trần số cõi Phật, có một thế giới tên là Giải Thoát Chủ. Trong cõi nước ấy có Đức Phật hiệu là:
Hư Không Công Đức, Thanh Tịnh Vi Trần, Đẳng Mục Đoan Chánh, Công Đức Tướng, Quang Minh Hoa, Hồng Liên, Lưu Ly Quang, Bảo Thể Hương, Tối Thượng Hương, Cúng Dường Ngật, Chủng Chủng Trang Nghiêm Đảnh Kế, Vô Lượng Vô Biên Nhật Nguyệt Quang Minh, Nguyện Lực Trang Nghiêm, Biến Hóa Trang Nghiêm, Pháp Giới Xuất Sanh, Vô Chướng Ngại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác; với tùy tâm sở dục, Ngài hiện đang hành Đạo tiêu diêu và thuyết Pháp ở nơi đó. (1 lạy) o
Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nào phạm bốn trọng tội, thì do bởi trọng tội của người ấy, giả sử đất ở Diêm Phù biến làm vi trần và mỗi vi trần làm thành một kiếp; dẫu người ấy có nhiều kiếp tội như thế, nhưng khi xưng danh hiệu của Đức Phật này một lần và lễ bái một lần, thì tội tất đều diệt trừ. Huống nữa là có ai ngày đêm thọ trì đọc tụng và nhớ niệm chẳng quên; công đức của người đó chẳng thể nghĩ bàn. (1 lạy) o
Ở trong thế giới kia có một vị Bồ Tát, tên là Nan Thất Vô Chướng Ngại Vương. Ngài đã được Như Lai thọ ký sẽ thành Phật, hiệu là: Hào Tướng Nhật Nguyệt Quang Minh Diễm, Bảo Liên Hoa, Cố Như Kim Cang Thân, Biến Nhất Thiết Xứ, Vô Chướng Ngại Nhãn, Viên Mãn Thập Phương, Phóng Quang Phổ Chiếu Nhất Thiết Phật Sát, Tướng Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. (1 lạy) o
Ở phương đông của thế giới kia lại có một Đức Phật, hiệu là:Nhất Thiết Trang Nghiêm Vô Cấu Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác.Hãy nên tu tâm, xưng danh hiệu của Đức Phật ấy và cung kính tôn trọng. (1 lạy) o
Ở phương nam có một Đức Phật, hiệu là: Biện Tài Anh Lạc Tư Niệm Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Hãy nên tu tâm, xưng danh hiệu của Đức Phật ấy và cung kính tôn trọng. (1 lạy) o
Ở phương tây có một Đức Phật, hiệu là: Vô Cấu Nguyệt Tràng Tướng Vương Danh Xưng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Hãy nên tu tâm, xưng danh hiệu của Đức Phật ấy và cung kính tôn trọng. (1 lạy) o
Ở phương bắc có một Đức Phật, hiệu là: Hoa Trang Nghiêm Tác Quang Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Hãy nên tu tâm, xưng danh hiệu của Đức Phật ấy và cung kính tôn trọng. (1 lạy) o
Ở hướng đông nam có một Đức Phật, hiệu là: Tác Đăng Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Hãy nên tu tâm, xưng danh hiệu của Đức Phật ấy và cung kính tôn trọng. (1 lạy) o
Ở hướng tây nam có một Đức Phật, hiệu là: Bảo Thượng Tướng Danh Xưng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Hãy nên tu tâm, xưng danh hiệu của Đức Phật ấy và cung kính tôn trọng. (1 lạy) o
Ở hướng tây bắc có một Đức Phật, hiệu là: Vô Úy Quán Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Hãy nên tu tâm, xưng danh hiệu của Đức Phật ấy và cung kính tôn trọng.(1 lạy) o
Ở hướng đông bắc có một Đức Phật, hiệu là: Vô Úy Vô Khiếp Mao Khổng Bất Thụ Danh Xưng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Hãy nên tu tâm, xưng danh hiệu của Đức Phật ấy và cung kính tôn trọng. (1 lạy) o
Ở phương dưới có một Đức Phật, hiệu là: Sư Tử Phấn Tấn Căn Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Hãy nên tu tâm, xưng danh hiệu của Đức Phật ấy và cung kính tôn trọng. (1 lạy) o
Ở phương trên có một Đức Phật, hiệu là: Kim Quang Uy Vương Tương Tự Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Hãy nên tu tâm, xưng danh hiệu của Đức Phật ấy và cung kính tôn trọng.” (1 lạy) o
Lúc bấy giờ Đức Phật bảo ngài Di Lặc Bồ Tát:
“Nếu có chánh tín thiện nam tử, hay chánh tín thiện nữ nhân nào, chí tâm xưng danh hiệu của mười hai Đức Phật này, thì suốt mười ngày hãy nên sám hối tất cả nghiệp tội. Hết thảy chúng sanh có bao nhiêu công đức hãy đều nên tùy hỷ. Hãy khuyến thỉnh tất cả chư Phật trụ lâu ở thế gian. Hãy đem các thiện căn của mình hồi hướng đến khắp chúng sanh trong Pháp Giới.
Ngay lúc đó, tất cả nghiệp tội của họ sẽ liền được diệt trừ, tất cả nghiệp chướng được thanh tịnh, liền được thành tựu đầy đủ trang nghiêm tất cả Phật độ và thành tựu cụ túc vô úy.
Họ lại được đầy đủ thân tướng trang nghiêm, đầy đủ chư Bồ Tát làm quyến thuộc vây quanh, được đầy đủ vô lượng đà la ni, đầy đủ vô lượng tam muội, và đầy đủ Phật độ trang nghiêm như ý.
Họ cũng được đầy đủ vô lượng Thiện Tri Thức, mau được thành tựu những việc như đã nói ở trên và bất tăng bất giảm.
Ở trong chốn phiền não, họ tu hành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và có tướng mạo đoan chánh. Quả báo đáng mừng thay! Họ cũng được tài bảo dồi dào, luôn sanh vào dòng dõi tôn quý, thân tướng cụ túc, và cũng được quyến thuộc hiền hòa vây quanh.” o
Lúc bấy giờ Thế Tôn muốn trùng tuyên nghĩa lý trên nên nói kệ rằng:
“Nếu có thiện nam tử
Hay thiện nữ nhân nào
Thọ trì Phật danh này
Trong đời đời kiếp kiếp
Được người khác kính mến
Quang minh uy lực lớn
Tôn quý trong hàng người
Về sau sẽ thành Phật.” o
KỆ SÁM HỐI
Đệ Tử ________
Chí tâm Sám Hối:
Đệ tử chúng con
Trong cõi Ta Bà
Mang nhiều nghiệp chướng
Thật là sâu nặng
Hôm nay dập đầu
Thành tâm sám hối. (1 lạy) o
Một lòng ăn năn
Tất cả việc làm
Con đã tạo nên
Đem điều đau khổ
Tròng vào cổ người
Khiến người tức tưởi
Đau xót muôn phần.
Ngày nay con hiểu
Tất cả tội lỗi
Là do ở Tâm.
Tâm con không lành
Khơi dậy Ý xấu.
Tánh con quá dữ
Không năng sửa đổi
Tạo nên nghiệp chướng
Rất đỗi sâu dày.
Con đã nhận ra
Tâm Ý Tánh này
Là đầu mối đó
Khiến con phải chịu
Khổ sở trăm bề.
Phật Pháp nhiệm mầu
Giúp con mở Trí
Kiểm điểm Tâm mình
Giữ tròn Ý tốt
Giùi mài Tánh xấu
Để không bao giờ
Gây lụy phiền phức.
Hủy bỏ tất cả
Những điều sai trái
Thật sự ăn năn
Điều không tốt đẹp
Làm khổ bao người
Tạo nên nghiệp chướng.
Lòng con chân thành
Ăn năn sám hối.
Cúi lạy chư Phật
Mười phương minh chứng
Để con nhẹ nhàng Thư thả cất bước. (1 lạy) o
Đệ Tử ________
Chí tâm Phát Nguyện:
Khi bỏ báu thân
Con sẽ sẵn sàng
Đem thân thanh tịnh
Về chốn Tịch Liêu.
Lòng con hoan hỷ
Thấy cảnh Trời Tây
Cực Lạc đón chào
Con ngự tòa sen
Lòng rất vui mừng
Trở nên Thánh Chúng. (1 lạy) o
Đệ Tử ________
Chí tâm Tùy Hỷ:
Nhờ ơn chư Phật
Bồ Tát giúp con
Trí huệ mở mang
Con hiểu được rằng:
Sống trên cõi đời
Phải luôn tôi luyện
Tâm mình trong sáng
Ý mình rực rỡ
Tánh mình trau chuốt
Làm sáng lòng ta
Đem điều tốt đẹp
Đến cho muôn người,
Tránh sự phiền hà
Tạo bao nghiệp chướng. (1 lạy) o
Đệ Tử ________
Chí tâm Khuyến Thỉnh:
Cúi lạy Chư Phật
Lạy chư Bồ Tát
Xin giúp cho con
Đời đời kiếp kiếp
Trong ánh hào quang
Soi thấu của Ngài
Bỏ đi điều dữ
Chỉ biết điều lành
Đem niềm An Lạc
Đến cho chúng sanh.
Nhờ ơn Chư Phật
Con đem công sức
Tu tập của mình
Gói trọn thân con
Hành trang sẵn sàng
Ra đi thư thả
Trọn lòng ước mong
Pháp giới chúng sanh
Trong cõi Ta Bà
Dốc lòng Tu Tập. (1 lạy) o
Đệ Tử ________
Chí tâm Hồi Hướng:
Xin giúp cho con
Giữ Tâm thanh tịnh
Tu tập tốt đẹp
Đem điều hạnh phúc
Đến cho muôn người
Mang hết công đức
Tu tập của con
Hướng về tất cả
Pháp giới chúng sanh
Từ người đến vật
Đều cùng hưởng cả.
Con xin chia sẻ
Công đức sâu dày
Tất cả muôn loài
Đồng hưởng điều lành
Cùng nhau chung bước
Về miền Cực Lạc,
Thoát kiếp luân hồi,
Sống đời An Nhiên.(1 lạy) o
CHÚ ĐẠI BI
(Trì từ 21 biến trở lên.
Dưới đây là tiếng phạn và cách phát âm)
Bắt đầu: tay bắt Ấn Kiết Tường |
Kế tiếp: xếp 3 ngón xuống trở thành Ấn Kiết Tường Kim Cang |
1. Namaḥratna-trayāya
2. Namo āryā
3. Valokiteśvarāya
4. Bodhisattvāya
5. Mahā-sattvāya
6. Mahā-kāruṇikāya
7. Oṃ!
8. Sarva rabhaye
9. Sudhanadasya
10. Namas-kṛtvāimaṃāryā
11. Valokite-śvara raṃdhava
12. Namo narakindhi
13. Hrīḥmahā vadhasame
14. Sarva arthaduh śubhaṃ
15. Ajeyaṃ
16. Sarva sattvanamo vasattva namo vaga
17. Mavadudhu
18. Tadyathā
19. Oṃavaloki
20. Lokāte
21. Karāte
22. Ehrīḥ
23. Mahā bodhisattva
24. Sarvasarva
25. Mālā mālā
26. Mahimā hṛdayam
27. Kuru kuru karmaṃ
28. Dhuru dhuru vājayate
29. Mahā vājayate
30. Dhara dhara
31. Thṛṇi
32. śvarāya
33. Cala cala
34. Mama vamāra
35. Muktele
36. Ehi ehi
37. śīṇa śīṇa
38. ārṣam pracali
39. Vaśa-vaśaṃ
40. Praśaya
41. Huru huru mārā
42. Huru huru hṛ
43. Sārā sārā |
44. śiri śiri
45. Suru suru
46. Bodhiya Bodhiya
47. Bodhaya bodhaya
48. Maitreya
49. Narakindi
50. Dhṛṣṇina
51. Bhayamana
52. Svāhā
53. Siddhāya
54. Svāhā
55. Maha siddhāya
56. Svāhā
57. Siddhā-yoge
58. śvaraya
59. Svāhā
60. Narakindi
61. Svāhā
62. Māraṇara
63. Svāhā
64. śirā śaṃāmukhāya
65. Svāhā
66. Sarva mahā-āsiddhāya
67. Svāhā
68. Cakra asiddhāya
69. Svāhā
70. Padma kastāya
71. Svāhā
72. Narakindi vagarāya
73. Svāhā
74. Mavari śaṅkharāya
75. Svāhā
76. Namaḥratna-trayāya
77. Namo āryā
78. Valokite
79. śvaraya
80. Svāhā
81. Oṃ! Siddhyantu
82. Mantra
83. Padāya
84. Svāhā
85. Brüm! |
LỤC TỰ ĐẠI MINH CHƠN NGÔN
(2 tay bắt ấn Kiết Tường.
Chuyên tâm trì Chú này tôí thiểu 10 phút)
(Tiếng Phạn): OṂ MAṆI PADME HŪṂ
(Tiếng Việt): ÁN MA NI BÁT DI HỒNG
SÁM THẬP PHƯƠNG
Mười phương ba đời Phật,
A Di Đà đệ nhất.
Chín phẩm độ chúng sanh,
Oai đức không cùng cực.
Con nay đại quy y,
Sám hối ba nghiệp tội.
Phàm được bao phước thiện,
Con xin nguyện hồi hướng.
Nguyện cùng người niệm Phật,
Vãng sanh nước Cực Lạc.
Thấy Phật ngộ Pháp Tánh,
Phát tâm đại Bồ Đề.
Đoạn vô biên phiền não,
Tu vô lượng Pháp môn.
Thệ nguyện độ chúng sanh,
Đồng trọn thành Phật đạo. o
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật. o
Nam Mô A Di Ðà Phật (Niệm từ 10 phút trở lên) o
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát (10 Câu) o
Nam Mô Ðại Thế Chí Bồ Tát (10 Câu) o
Nam Mô Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (10 Câu) o
Nam Mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát (10 câu) o
TÂM KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ÐA
Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành sâu xa Pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách.
“Này Ông Xá Lợi Phất, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế.”
“Này Ông Xá Lợi Phất, ‘Tướng Không của mọi pháp' không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt, cho nên trong ‘Chơn Không’, không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Không có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý. Không có Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Không có Nhãn Giới, cho đến không có Ý Thức Giới, không có Vô Minh, cũng không có cái hết Vô Minh, cho đến không có Già Chết, cũng không có cái hết Già Chết. Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có Trí Huệ, cũng không có Chứng Đắc. Vì không có Chứng Đắc, nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, Tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại, nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo, mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết Bàn."
“Chư Phật trong ba đời cũng y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa mà được đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại Thần Chú, là Đại Minh Chú, là Vô Thượng Chú, là Vô Đẳng Đẳng Chú, trừ được hết thảy khổ, chân thật không hư.”
Vì vậy, Phật liền nói Thần Chú Bát Nhã Ba La Mật Đa:
“YẾT ÐẾ YẾT ÐẾ, BA LA YẾT ÐẾ, BA LA TĂNG YẾT ÐẾ, BỒ ÐỀ TÁT BÀ HA.” (3 lần) o
VÃNG SANH TỊNH ĐỘ THẦN CHÚ
Tiếng Việt: Nam mô A di đa bà dạ đa tha già đa dạ. Đa điệt dạ tha: A di rị đô bà tỳ adi rị đa tất đam bà tỳ adi rị đa tỳ ca lan đế adi rị đa tỳ ca lan đa dà di nị dà dà na chỉ đa ca lệ ta bà ha. (7 lần) o |
Tiếng Phạn: Namo amitābhāya tathāgatāya. Tadyathā: Amṛtodbhave amṛta siddhaṃbhave amṛta vikrānte amṛta vikrānta gamine gagana kìrtti kare svāhā. (7 lần) o |
PHỤC NGUYỆN
(Riêng người Chủ Lễ đọc)
Cúi lạy mười phương Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng, Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp Già Lam, cùng tất cả các chư Thiện Thần, thùy từ gia hộ cho con có được một sự can đảm đúng nghĩa, một sự dũng mãnh để con có thể trừ diệt cho hết tất cả những ma chướng ở trong người của con. Ma chướng đó được thể hiện qua những tánh xấu của con. Vì tánh xấu mà con phải chịu điêu đứng, vì tánh xấu mà con đã gieo nên bao ác nghiệp, vì tánh xấu mà trí huệ của con ngày hôm nay vẫn chưa được tỏa sáng.
Con xin đem hết tâm thành của con tu tập, nhờ ơn Chư Phật và Bồ Tát mở trí cho con, giúp con dũng mãnh tiêu trừ hết những thói hư tật xấu của con, để con được ung dung nhẹ nhàng bước lên thuyền Giác Ngộ, tìm về bến bờ Cực Lạc An Bình.
PHỔ NGUYỆN
Xin nguyện cầu cho Pháp giới chúng sanh, người người đều xả bỏ hết những điều không tốt đẹp của mình, để được nhẹ nhàng, để tìm được sự An Bình, cùng an vui tu tập, sum họp một nhà, dưới mái Cực Lạc ngời sáng vĩnh viễn.
HỒI HƯỚNG
Nguyện đem công đức này,
Trang nghiêm Phật Tịnh Độ
Hồi hướng khắp chúng sanh
Cùng oán thân trái chủ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát lòng Bồ Đề
Hết một báu thân này
Đồng sanh cõi Cực Lạc. o
TỰ TAM QUY
(Ðứng dậy và tất cả đồng tụng phần kết thúc.)
Tự quy y Phật :
Xin nguyện chúng sanh,
Thể theo Đạo cả,
Phát lòng Vô Thượng. (1 lạy) o
Tự quy y Pháp :
Xin nguyện chúng sanh,
Thấu rõ Kinh Tạng,
Trí Huệ như biển. (1 lạy) o
Tự quy y Tăng :
Xin nguyện chúng sanh,
Thống Lý đại chúng,
Hết thảy không ngại. (1 lạy) o
Siêu Thoát Trước 49 Ngày
Vong linh có bắt buộc phải chờ đợi đủ 49 ngày mới chính thức được tiếp dẫn đúng cảnh giới? Có khi nào thần thức rung động, thoát khỏi vướng mắc, và ra đi trước 49 ngày hay không?
Khi nói: “vong đi trước 49 ngày,” đó chỉ là một cách để diễn tả rằng, trước khi 49 ngày chấm dứt, thần thức đã có sự rung động rồi, đã hiểu rồi, đã biết rồi và đã có một sự thơ thới, một cảm giác rằng, mình không còn bị vướng mắc nữa, và cái xe nghiệp lực của mình ở ngoài sau không còn nặng nề, không còn trì hút xuống nữa, vong linh cảm thấy nhẹ nhàng xoay trở.
Sau khi đã nhận ra được những điều sai trái của mình rồi, đã cởi bỏ hết tất cả vướng mắc, bây giờ thì vong có một cảm giác ung dung tự tại; nhưng không có nghĩa rằng vong được đi theo đúng cảnh giới của mình liền, mà vẫn phải chờ cho xong 49 ngày. Hết thời gian đặc ân, đúng vào ngày thứ 49, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát sẽ giúp đỡ để đưa vong đi đúng cảnh giới của mình.
Trong thời gian từ lúc thần thức rung động, cho đến khi Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát đưa đi, vong rất là nhẹ nhàng, rất là thoải mái, thảnh thơi và cảm thấy không còn bị vướng mắc, giống như một người đang hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Nếu một người ở vào phút lâm chung, có được trạng thái đó, tức là người đó sẽ được tiếp dẫn ngay phút lâm chung.
Một người tu tập chân chính lúc còn sống, nhưng lại không thể nào được vãng sanh về cõi Cực Lạc hay Cõi Trời ở ngay phút lâm chung, đó là vì người ấy còn bị chút vướng mắc. Cũng có thể rằng, người đó có một ẩn tình nào chưa kịp giãi bày, vẫn còn mang trong lòng ở phút cuối, cho nên cần phải được giúp đỡ.
Những vong linh lúc còn sống không biết tu tập, mà lại có nhiều vướng mắc, 49 ngày sẽ là một thời gian rất dài … rất dài vì vong linh phải đi từng chút, từng chút để tu tập.
Những người đã biết tu tập rồi, chỉ còn chút ít vướng mắc lúc ra đi, khi cái vướng mắc đó đã được tháo gỡ rồi, thần thức sẽ cảm thấy rất là thơ thới và lại tiếp tục tu tập.
Thời gian còn lại của 49 ngày siêu độ, vong linh đó sẽ có được cảm giác sau đây:
- Nếu vong linh đó quyết tâm về cõi Cực Lạc, vong linh sẽ có cảm giác ở Cực Lạc trong thời gian còn lại đó.
- Nếu vong linh muốn về cõi Trời, vong linh sẽ có cảm giác rất là sung sướng của một người ở tại cõi Trời.
Điều này cũng áp dụng cho người còn tại thế. Khi còn sống trên cõi Đời mà lòng không chứa đầy vướng mắc, tâm không phiền não, sẽ thấy cuộc sống của mình rất thảnh thơi, nhẹ nhàng và hạnh phúc.
Dù rằng người đó trên thực tế, chưa từng bước vào Thế Giới Cực Lạc, nhưng họ có một cảm giác rằng: tôi đang ở trong Thế Giới Cực Lạc. Vì sao? Vì Thế Giới Cực Lạc không có sự khổ đau, không có điều phiền muộn, không có sự lo âu, không có bất kỳ một cái gì ngoại trừ hai chữ An Bình. Cho nên, giữ được Tâm Bình là giữ được Cảnh Giới Cực Lạc cho mình trong suốt thời gian mình an trụ trong chữ Bình.
Nếu khi còn sống mà tập luyện để cho tâm mình luôn an trụ trong Cảnh Giới Cực Lạc của bản thân mình, thì như vậy, vào giờ phút lâm chung, xem như con đường dẫn về Cực Lạc đang ở trước mặt mình, chỉ còn chờ đợi mình cất bước mà thôi. Con đường đó đã quá quen thuộc với mình, đã được nhìn thấy mỗi ngày, không cần đợi đến lúc hắt hơi mới được biết đến nó!
Cực Lạc ở trong Tâm của một người biết tu tập, biết kiểm soát được Tâm – Ý – Tánh của mình. Khi kiểm soát được Tâm – Ý – Tánh, tức là không bao giờ khiến cho Tâm – Ý – Tánh của mình hành động sai lầm.
Một người làm được một việc tốt đẹp sẽ cảm thấy thơ thới, nhẹ nhàng, thoải mái trong lòng, tức là đã có được cái cảm giác Cực Lạc nơi tâm của họ rồi.
Rất mong mỗi chúng sanh nên bỏ ít thì giờ để đọc, để hiểu, để thâm nhập từng lời, từng chữ trong quyển Siêu Độ này. Nó không phải thuần là một nghi thức, mà nó là một sự chuẩn bị, chuẩn bị cho chính bản thân mình.
Con đường mình chuẩn bị để đi sẽ như thế nào? Ước muốn của mình ra sao? Con đường đó mình muốn trải hoa, trải gấm, hay trải gai, trải bùn? Tất cả là do ở sự sắp xếp của mình, không ai chuẩn bị con đường đó giùm cho mình, mà phải chính tự bản thân mình làm việc chuẩn bị đó.
Nếu muốn con đường mình đi trải nhiều hoa, nhiều gấm, thì mình phải làm sao để kiếm cho đủ hoa với gấm mà lót lên.
Còn nếu nói rằng: Tôi bất cần, con đường tôi đi, nó bùn lầy, nó dính sình, nó gập ghềnh, nó sỏi đá, cũng không sao! Mình lựa chọn con đường nào, mình sẽ đi trên con đường đó. Có điều đặc biệt rằng, con đường mà mình lựa chọn sẽ có người cất bước lên đi trước, để cho mình ở phía sau quan sát, xem coi người đi phía trước mình đã đi như thế nào? Từ sau nhìn tới, mình có thể thẩm định được rằng: tôi trải bao nhiêu hoa đó có đủ để đi hay không? Hoặc là gấm tôi phủ lên có đủ dày hay không? Những sự sắp xếp của tôi có hoàn toàn giống như ý của tôi hay không? Nếu không đúng với ý muốn của tôi, thì tôi sẽ phải sửa đổi lại như thế nào để cho thật đúng?
Rồi một mai khi bước lên con đường mà mình đã chuẩn bị rồi, mình sẽ cảm thấy vừa ý, và không có lời trách móc, hay là hối tiếc rằng, mình đã làm chưa đúng ý của mình.
Chuẩn bị một con đường, mà con đường đó đã có người bước lên đi cho mình coi thử, thì như vậy, việc chỉnh sửa sẽ rất dễ dàng!
Siêu độ cho một người, là chuẩn bị con đường cho mình. Vong linh đó, chính là người giúp cho mình thẩm định được con đường mà mình chuẩn bị, có vừa ý mình hay không, có cần phải sửa đổi hay không và phải chỉnh sửa như thế nào để đúng với ý mình mong muốn? Nếu không vừa ý, muốn chỉnh sửa thì còn kịp thời gian, đừng đợi tới nước cùng rồi mới chỉnh sửa, sẽ không kịp nữa đâu!
Cho nên, siêu độ cho một vong linh chính là chuẩn bị con đường cho mình sẽ đi.
Giúp Không Bị Phân Tâm
Để giúp không bị phân tâm:
Nên dùng alarm của đồng hồ (đồng hồ báo thức) hoặc của điện thoại hay timer. Vặn 5 phút, 10 phút, hay 15 phút trước khi ngồi vào để tịnh tâm, trì Chú hoặc niệm Phật. Như thế, chủ lễ sẽ không bị phân tâm về thời gian ấn định khi hành trì. Việc quán tưởng trong lúc trì Chú hay niệm Phật cũng sẽ không bị ngắt quãng nửa chừng.
Cúng Kiến Có Cần Chuông và Mõ Không?
Theo nghi thức từ xưa đến nay, việc tụng Kinh, niệm Phật lúc nào cũng phải đi kèm với chuông và mõ. Nếu một người mới làm quen với việc tu tập, gặp lúc tang gia bối rối, không tìm được chuông mõ để hành trì nghi thức, việc này có thể chấp nhận được hay không?
Thật sự ra, tất cả những thứ này là do người Đời đặt ra. Tiếng chuông đóng vai trò cảnh thức, phá tan màn đen tối. Màn đen tối đó chính là gì? Chính là màn vô minh của hành giả đó. Tiếng chuông thường là đi đôi với Tâm Thức.
Tâm Thức nghĩ gì? Muốn gì? Chuyển đạt tư tưởng của mình đến đâu? Đến cho ai? v.v... Tất cả sẽ kèm theo với tiếng chuông.
Tuy nhiên, khi tu tập lâu ngày, có thể Định Tâm được rồi, tất cả những gì xuất ra khỏi Tâm Thức đều không nhất thiết phải đi kèm với tiếng chuông.
Mõ được dùng để giữ nhịp khi tụng Kinh, trì Chú hay niệm Phật, để dẫn chúng, tránh hôn trầm (buồn ngủ).
Điều chánh yếu của việc tu tập là tôi luyện cái BÊN TRONG của mình; là rọi chiếu cái NỘI TÂM, tức là phải quán sát cái Tâm, cái Ý và cái Tánh của mình.
Tâm – Ý – Tánh có luôn được giùi mài, trau chuốt, mới giúp được Thần Thức của mình THĂNG HOA. Chính vì Thần Thức không thăng hoa, nên mới cần được siêu độ.
Nếu Thần Thức được bao bọc bởi một cái Tâm không lành, bởi vô số ý tưởng không chân chính và nhất là bị chi phối bởi quá nhiều Tánh Xấu, thì ngay từ khi còn sống, Thần Thức đó đã rất nặng nề, không thể nào giúp cho thân xác của mình có được một cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng ung dung được.
Khi đã trở thành một vong linh rồi, Thần Thức đó chắc chắn sẽ không được nhẹ nhàng cất bước vì mang quá nhiều nghiệp chướng, được gây tạo từ một Tâm-Ý-Tánh không lành.
Khi đã hiểu rõ cái cốt tuỷ của việc tu tập rồi, những gì thuộc về hình thức, không góp phần vào việc giúp cho Thần Thức được thăng hoa, từ khi còn sống cho đến lúc mãn phần, tất cả đều KHÔNG được xem là quan trọng và cần thiết. Có cũng được, mà không có cũng không sao!
Vong Linh Tại Chùa Đi Về Đâu?
Các vong linh do chùa chiền siêu độ, sau 49 ngày, các vong linh đi về đâu?
Sau lễ an táng, vong được đưa về chùa, nhập vị và được làm lễ siêu độ tại chùa trong 49 ngày. Sau thời gian siêu độ, những vong linh nào bị đọa vào Tam Đồ thì sẽ theo nghiệp đọa của mình mà đi.
Những vong linh nào được thác sanh vào cõi Người (mà không bị vướng mắc) thì sẽ đi thác sanh.
Những vong linh nào bị vướng mắc, có điều oan ức, có những ẩn tình chưa kịp giải quyết trước phút lâm chung, sau 49 ngày siêu độ, nếu tất cả những vướng mắc không được giải tỏa, vong linh không tìm được sự nhẹ nhàng để cất bước, trước mặt mình toàn một màu tối đen, không tìm ra con đường đúng để đi, những vong linh này chỉ còn có một nơi duy nhất để an trụ, đó chính là chùa chiền, nơi mà vong linh đã được đưa về sau lễ an táng. Nói tóm lại, sau 49 ngày rồi, những vong linh nào không siêu thoát sẽ lẩn quẩn ở ngoài chùa hay chung quanh chùa.
Chùa có Chư Thần, Hộ Pháp, Sơn Thần, Thổ Địa canh giữ, các vong linh không thể vào tận bên trong chùa, nếu không được mời gọi đích danh.
Rồi thì năm qua tháng lại, số vong linh không siêu thoát càng ngày càng đông, tất cả nương nhờ vào những buổi thí thực ở chùa, giậm chân tại chỗ mà chờ đợi ... chờ đợi ... một cơ hội thác sanh.
Vì sao việc siêu độ ở chùa không mang đến một kết quả tốt đẹp cho các vong linh?
Vong chỉ có vỏn vẹn 49 ngày tu tập hầu hoán chuyển cảnh giới.
Các vong linh đều biết rõ việc này, nhưng vì tự mình không làm được, nên rất trông nhờ vào sự giúp đỡ của người trên Dương Thế. 49 ngày thoạt nghe qua thấy lâu dài, nhưng nếu so với một đời Người Tu Tập, mất hằng bao nhiêu năm tháng mà vẫn chưa thành tựu Đạo Quả, thì 49 ngày “nóng bỏng” này, vong linh bắt buộc phải “qua” cho hết, phải dốc lòng, dốc sức tu tập, cải sửa, nếu muốn đạt được ý nguyện “SIÊU THOÁT.”
Việc tu tập của vong linh đòi hỏi phải đi từng bước một, mỗi ngày một chút, vong linh không còn ngũ căn, ngũ thức, việc thâm nhập rất là chậm chạp, không ồ ạt được.
Từng ngày qua là từng lời Pháp giảng, để vong linh thấu triệt mà thâm nhập, có thâm nhập mới có rung động, có rung động mới có siêu thoát được.
Vong khao khát lời Pháp chớ không khao khát thức ăn.
Mỗi ngày trong 49 ngày giúp cho vong linh sám hối, trì Chú, niệm Phật. Trọn 49 ngày vong được uống từng lời Pháp. Như thế, vong mới đủ đầy để cất bước thác sanh.
Nếu chỉ vỏn vẹn có 7 ngày ngắn ngủi của 7 thất siêu độ, e rằng thời gian quá ít ỏi để giúp cho vong linh tìm được điểm sáng, lần theo đó mà cất bước.
Người xuất gia lấy Hạnh Bồ Tát làm đầu, gia công tu tập cũng chỉ để hồi hướng cho Pháp Giới chúng sanh được muôn điều tốt đẹp. Khi bỏ báu thân, an trụ miền Cực Lạc, cũng làm tròn ý niệm Cứu Độ chúng sanh.
Ý nghĩa của “Xuất Gia” là Cắt Ái, Ly Gia. Cuộc đời của một người xuất gia, lấy mái chùa làm “tổ ấm,” lấy chúng sanh làm thân quyến; chúng sanh khổ thì mình đau như cắt, chúng sanh vui thì lòng mình phơ phới, chúng sanh gặp nạn thì mình tìm phương cứu vớt, chúng sanh hạnh phúc thì lòng mình hoan hỷ.
Tất cả cho chúng sanh và vì chúng sanh. Chư Phật và Bồ Tát cũng vì chúng sanh mà lên xuống không ngừng nghỉ.
Người xuất gia chấp nhận Cắt Ái, Ly Gia để noi theo Hạnh Lành của Phật và Bồ Tát. Không có cái gì thuộc về của riêng mình. Biết quên mình để lo cho người, không nệ hà sự cực nhọc, bất chấp mọi phiền toái để giúp đỡ chúng sanh, khi mình còn hơi thở.
Tâm chúng sanh còn quá nhiều vọng động, còn nhiều ham muốn, còn nhiều dục lạc.
Chúng sanh đã không nhìn thấu đáo đoạn đường trước mặt, cứ vui chơi cho thỏa thích, không nhìn lại sau lưng mình, đoạn đường đã đi qua, đã rơi rớt lại bao nhiêu gai góc, bao nhiêu vướng mắc, bao nhiêu điều không tốt đẹp.
Rồi một mai khi không còn sức để vui chơi nữa, hắt hơi cuối cùng, vĩnh biệt cuộc đời, ra đi mà mang theo quá nhiều đá nặng, không cất được bước chân.
Ngày nào vui một kiếp NGƯỜI,
Hôm nay buồn thảm trở thành VONG LINH.
Khi còn sống, không biết chăm chút phần Linh Hồn của mình, ngày giờ này cứ loanh quanh với cái bóng của chính mình, không thoát ra được nghiệp chướng bề bề.
Chỉ vỏn vẹn có 49 ngày đặc ân, tìm đâu ra được người thương yêu giúp đỡ? Gia đình không có, bạn bè cũng không! Chỉ còn biết trông chờ vào lòng “Từ Mẫn” của các bậc xuất gia giúp đỡ mà thôi!
Siêu độ cho một vong linh thoát cảnh đọa đày, an nhiên tự tại để vãng sanh về Cực Lạc, hay nhẹ nhàng thư thả về cõi Trời, hoặc trở lại kiếp Người với nhiều Phước báu, đó chính là “THIÊN CHỨC” của người xuất gia, làm tròn Tâm Nguyện của mình là Cứu Độ chúng sanh cho người sống, lẫn người đã chết.
Hào Quang Của Người Chủ Lễ
Sự tu tập chân chính sẽ mang đến cho hành giả một ánh hào quang bao bọc chung quanh người. Làm sao để cho người đó biết được là mình có hào quang?
Vì nhãn căn bị ngăn chận, cho nên không nhìn thấy được cái hào quang. Thậm chí, người tu tập chân chính lâu năm, cũng khó có thể thấy được hào quang của kẻ khác, huống chi là thấy được hào quang của mình.
Khi trì Chú, khi niệm Phật, phải quán tưởng hào quang.
Nếu là một người tu tập chân chính lâu năm đúng cách, quán tưởng hào quang trong lúc trì Chú hay niệm Phật, sẽ thấy được hào quang xuất ra từ ở ngay Tam Tinh.
Nếu người đó không nhìn thấy được cái hào quang phát ra từ ở ngay Tam Tinh, điều đó chứng tỏ rằng, mặc dầu người đó tu tập, nhưng không giữ được tâm bình trong lúc trì Chú, niệm Phật hay sám hối. Người đó vẫn còn bị Tâm Viên Ý Mã, không Định được. Nếu Tâm, Ý vẫn còn động, khi Sám Hối sẽ không đem hết được Tâm Thành của mình để sám hối, khi trì Chú, không đem hết Lực của mình để trì Chú, khi niệm Phật không đem hết Cường Lực của mình để niệm Phật.
Sám Hối, Trì Chú, Niệm Phật đều giúp cho Trí Huệ gia tăng. Khi trí huệ gia tăng, sẽ phối hợp với cái chân khí trong người để làm cho cái chân khí đó được rực sáng lên. Chân khí đi theo vòng tròn trong cơ thể, trí huệ của người đó là ánh đèn, hợp với chân khí để tạo nên ánh hào quang chung quanh người đó.
Chỉ cần tu tập đúng, giữ cho đừng Tâm Viên Ý Mã, tức là phải giữ Tâm Bình, thì có thể nhận ra được hào quang chung quanh mình. Nếu là một người tu tập chân chính có đạo lực, lúc bình thường, dù cho người đó không ngồi xuống để tu tập, cái hào quang vẫn bao bọc toàn cơ thể của người đó, mắt người đó rực sáng khiến người khác nhìn vào bỗng đem lòng kính phục, quý mến và có cảm tình. Toàn thân của người tu tập chân chính toát ra một sự nhẹ nhàng, thoải mái; người ngoài nhìn vào hay tiếp xúc cũng cảm nhận được một sự An Bình khó diễn tả. Đó chính là sức thu hút từ ở ánh hào quang. ビットコイン スポーツベッティング
Một người tu tập chân chính, có đủ đạo lực, hào quang phát sáng, vong nhìn vào là thấy ngay.
Cho nên, việc một người tu tập chân chính thấy được hào quang của kẻ khác, việc đó rất ít. Nhưng chính bản thân của người đó, muốn biết được mình có ánh hào quang hay không, cần phải giữ Tâm Bình trong lúc tu tập. Khi trì Chú, niệm Phật, phải hoàn toàn giữ tâm thanh tịnh thì sẽ thấy ánh sáng phát ra từ ở Tam Tinh của mình. Cố gắng giữ cho ánh sáng đó đừng biến mất. Nếu Tâm Viên Ý Mã, ánh sáng đó sẽ biến mất ngay. Càng tu tập đúng nghĩa, toàn thân người đó sẽ phát ra một ánh sáng rất là dịu dàng, khiến người khác nhìn vào đều có cảm tình, và đem lòng kính phục.