Tu tập là bắt buộc phải tư duy, đó là cách duy nhất để làm cho Trí Huệ của mình phát triển theo chiều sâu. Trí huệ phát sáng không chưa đủ, Trí Huệ đó cần phải gom lại, cô đọng lại để trở thành một tia sáng cực mạnh mà người tu tập có thể điều khiển nó trong việc cứu giúp người và cứu giúp chính bản thân mình.
Sự tư duy về những câu hỏi sau đây sẽ giúp cho người tu tập hiểu được giá trị của sự hiện diện của mình ngày hôm nay trên cuộc đời.
Câu hỏi được đặt ra là:
Kính bạch Sư Phụ,
Xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ thế nào là Minh Tâm Kiến Tánh thành Phật?
- Minh Tâm có nghĩa là rọi sáng cái Tâm mình.
- Kiến Tánh là thấy được cái Tánh của mình.
Trong quá trình thấu suốt được cái Tâm, nhìn thấy được cái Tánh, nhận chân ra được cái Ý, tức là đã khắc phục được một phần nào chính bản thân mình.
Tại sao chỉ mới khắc phục được một phần nào mà không là trọn vẹn?
Kính bạch Sư Phụ,
Khi một người tu hành thật sự thương xót cho một hoàn cảnh nào đó, họ giúp đỡ mà không vì danh lợi thì họ có thật sự Từ Bi không?
Từ Bi là một sự rung động của Tâm, và sự rung động đó biến hình để trở thành một sự giúp đỡ cho kẻ khác. Tuy nhiên cần phải phân biệt Từ Bi đúng nghĩa và Từ Bi thường tình.
Kính bạch Sư Phụ,
Có người hỏi rằng: “Vì vấn đề nghề nghiệp, họ bắt buộc phải làm những cuộc thí nghiệm trên các động vật.” Việc này sẽ ảnh hưởng đến sự tu tập của họ như thế nào? Vì họ sợ rằng khi làm thí nghiệm trên động vật là làm tổn hại đến một chúng sanh khác, gây nên nghiệp sát. Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ.
Trong cuộc đời, để kiếm sống, người ta có rất nhiều công việc làm. Có người thì chọn lựa được công việc để làm, có người thì không thể chọn lựa công việc để làm, cho nên bất cứ một công việc gì tạo nên cho họ một lợi tức để họ có thể sống được, thì họ vẫn phải làm. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải nhớ rằng: vì việc kiếm sống, vì sự sinh tồn mà người đó bắt buộc phải rơi vào, dính líu vào nghiệp sát. Dù rằng không phải là nghiệp sát đối với Người mà là nghiệp sát đối với thú vật, thú lớn hay thú nhỏ, nghiệp cũng như nhau thôi! Bất kỳ một động vật nào cũng đều mang một thần thức. Nếu người đó bắt buộc phải lâm vào nghiệp sát thì họ phải luôn luôn sám hối. Sám hối nơi đây, Thầy muốn nói rằng: một sự sám hối chân thành, một sự sám hối rung động, xuất phát từ tâm. Vì hoàn cảnh, vì sự sinh tồn, vì miếng ăn, không thể nào tìm được một công việc khác hơn, ngoài khả năng của mình, cho nên bắt buộc phải lâm vào nghiệp sát.
Kính bạch Sư Phụ,
Có rất nhiều người thắc mắc hỏi rằng: Địa ngục có thật hay không? Tại sao chư Phật và Bồ Tát TỪ BI mà lại có quá nhiều loại địa ngục để trừng phạt chúng sanh? Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ điều thắc mắc này.
Thế nào là địa ngục?
Địa ngục là nơi giam cầm một người đã làm chuyện quấy trá, và không phải thuần giam cầm để người đó sống trong nệm ấm chăn êm ở trong đó, mà có thể nói rằng, vừa bị giam cầm, vừa phải chịu những khổ sở nhọc nhằn, nếu không muốn nói là kèm theo với những hình phạt. Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đã kể ra rất nhiều ... rất nhiều những loại địa ngục, và những địa ngục này nghe qua đều làm cho mọi người cảm thấy sợ hãi. Địa ngục đó được xây một cách kiên cố với mười tám tầng, có nghĩa là, người ta xây một cái nhà rất rất là lớn có 18 tầng, thay vì có phòng ốc đẹp đẽ như một căn nhà để ở, thì nó lại là nơi giam cầm, đầy những hình phạt, đầy tiếng kêu đau thương, đầy những sự đau đớn, khốn khổ, ai nghe qua cũng đều hoảng sợ, giật mình.
Con có nghĩ rằng trên quả đất này, có một nơi nào rộng lớn, đủ để xây một cái địa ngục có 18 tầng, hoặc ở trên mặt đất, hoặc ở dưới mặt đất; với một số dân đông đảo gần cả chục tỉ người, có bao nhiêu tội phạm có thể chứa được trong địa ngục đó?
Con phải nghĩ rằng: địa ngục dù lớn bao nhiêu đi chăng nữa, giả sử lớn như một đại dương, cũng vẫn không đủ để chứa những tội nhân của gần 10 tỉ người trên quả địa cầu này.
Nói như vậy không có nghĩa rằng địa ngục không có, mà Thầy khẳng định rằng địa ngục có, có đầy đủ các loại địa ngục, y như ngài Địa Tạng đã kể ra, không thiếu bất kỳ một địa ngục nào hết. Con sẽ thắc mắc rằng: Thầy vừa mới nói không có, bây giờ thì lại có, như vậy có nghĩa là sao?