Trong các bài pháp trước, Thầy đã bảo: “Tâm Bình là cái chìa khóa lớn, có thể mở được tất cả các cửa”.
Có giữ được Tâm Bình thì mới có thể làm giảm thiểu được những khổ đau, hoặc đến trực tiếp với mình (do sự tác động của nghiệp lực) hoặc do mình vấy vào nghiệp lực của kẻ khác.
Người tu tập cần phải nhớ kỹ một điều rằng: tất cả mọi việc trên đời, dù nhỏ bằng hột cát, cũng bị chi phối bởi Nhân và Quả. Cho nên, nếu gặp một hoàn cảnh không được như ý, hoặc nhìn thấy, nghe thấy một cử chỉ, một lời nói, một hành động không tốt đẹp, không thuận lợi, đừng dại dột khởi tâm rung động. Thầy dùng chữ “dại dột” là vì sao? Vì người tạo cho mình những điều không hay đó đang bị dấy bởi Nghiệp Lực của chính họ thì tại sao mình phải chia phần nghiệp lực với họ để làm gì?
Kính bạch Sư Phụ,
Trong sáu nẻo luân hồi, tam đồ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Một thần thức khi bị đọa vào nẻo súc sanh thì trọn nguyên thần thức đó thác sinh vào một súc sanh, hay có sự phân chia thần thức thành nhiều phần, mỗi phần đi vào một súc sanh khác nhau và điều này đã tạo nên sự ngu si cho loài súc sanh? Kính xin Sư Phụ từ bi giảng rõ.
Tại sao một thần thức bị đọa vào súc sanh? Là vì thần thức đó đã đắm chìm vào chữ Si. Tại sao thần thức đó đã đắm chìm vào chữ Si?