Kính bạch Sư Phụ,
Nếu một người có Tâm Từ Bi muốn giúp cho một kẻ bớt "Tối tăm mặt mũi" vì chữ Tham thì phải làm như thế nào?
Khi nào một người ngộ được rằng mình đã tham thì cái tham mới chấm dứt! Còn một khi chưa ngộ được chữ tham thì sẽ khó lòng chấm dứt, khó lòng khuyên bảo. Cho nên có thể nói rằng: ba chướng ngại quan trọng nhất trong cuộc đời của một chúng sanh là THAM - SÂN - SI. Tham đứng hàng đầu vì từ Tham mới tạo ra Sân, một khi sân hận nổi lên rồi sẽ tối tăm mày mặt và làm điều sái quấy, sằng bậy, thiếu suy nghĩ. Cho nên ba điều đó đi cùng một dây chuyền với nhau; diệt được Tham thì tức khắc diệt được Sân; diệt được sân thì tức khắc trí huệ phát sáng. Cho nên tham là một điều vô cùng độc hại.
Tham, sân, si gọi chung là Tam Độc, đó là ba món phiền não lớn nhất, không có gì hơn được và ba món phiền não này đã lôi kéo chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử. Chúng sanh từ bậc Thánh cho đến Chư Thần, cho đến hàng Phàm Phu, tất cả đều bị vướng mắc vào Tham - Sân - Si. Đừng tuởng rằng người đắc quả đã diệt được hết tham sân si.
Kính bạch Sư Phụ,
Có người tu để cầu về Cực Lạc, có người tu để hộ niệm cho thân nhân, có người tu để cho tiêu nghiệp, có người tu để phát sanh trí huệ v.v... Thế thì một người bước vào con đường tu tập, cái mục tiêu chính yếu phải là tu vì lý do gì mới đúng?
Con có thể nào giảng cho Thầy nghe: định nghĩa một cách chính xác của chữ Tu hay không?
- Chữ Tu đi kèm với chữ Sửa. Tu là sửa đổi. Mà sửa đổi là sửa cái gì? Là sửa cái Tánh, kiểm cái Ý, giữ cái Tâm cho bình. Con định nghĩa chữ tu là như vậy
Nếu sửa tánh, kiểm ý, giữ tâm bình sẽ đem lại một kết quả gì?
- Dạ, không tạo nghiệp
Không tạo nghiệp có nghĩa là sao?
Kính bạch Sư Phụ,
Có nhiều người làm những hành động xấu ác mà lại thường hay đổ thừa là tại ma quỷ dựa nhập. Theo như lời Sư Phụ đã giảng dạy thì phần lớn là do chính tâm mình quái ác, nhưng nếu là một sự dựa nhập thì điều này có liên quan gì đến vòng nghiệp lực hay không?
Một sự dựa nhập cũng là một nghiệp lực! Khi mặt đối mặt trong cùng một kiếp người để đòi nợ lẫn nhau, thì vòng nghiệp lực là một “nghiệp lực sống”. Còn khi kẻ trên dương thế, người ở cõi âm, nếu nghiệp lực quá nặng nề, lòng căm hận của kẻ ở cõi âm quá mạnh, khiến cho vong linh không siêu thoát được, thì lúc đó sẽ có việc dựa nhập xảy ra. Thầy sẽ giải thích cho con được tận tường về vấn đề này.