Sau Lễ An Táng
Thời gian 49 ngày có thể chia ra làm 7 thất (tức là 7 tuần). Ngày tử được kể là ngày thứ nhất, từ đó tính đến 49 ngày – và phân ra làm 7 tuần.
Sau lễ an táng, vong có thể được:
- Đưa về chùa
- Hoặc đưa về nhà
Đưa Vong Về Chùa
Thông thường, nhà chùa chỉ nhận lời siêu độ cho vong trong 7 thất, tức là mỗi tuần, nhà chùa sẽ có lễ cầu siêu cho vong một lần. Lễ siêu độ sẽ hoàn tất ở tuần thứ 7 (tổng cộng có 7 lần hành lễ siêu độ cho vong ở chùa). Nếu đã đưa vong về chùa rồi, mà thân nhân vẫn muốn hành trì lễ siêu độ cho vong ở tại nhà, thì sẽ theo cách thức như sau:
- Lập bàn thờ vong ở tại nhà
- Chỉ để hình của vong hay bài vị trên bàn thờ vong - không làm nghi thức cho vong nhập vị (vì vong đã nhập vị ở chùa rồi)
- Cũng không thỉnh hai vị Hộ Pháp để bảo vệ cho vong
- Vị chủ lễ vẫn hành trì nghi thức siêu độ mỗi ngày gồm sám hối, trì Chú, niệm Phật và giảng Pháp. Không cần cúng cơm mỗi ngày vì nhà chùa đã lo phần này rồi. Mỗi tuần một lần cúng cơm (ở chùa).
- Quan trọng là: Khi hành lễ, vị chủ lễ phải thành tâm quán tưởng (tưởng tượng hình ảnh của vong) vong đang ở trước mặt, cùng với mình hành lễ. Không có phần triệu thỉnh vong. Việc giảng Pháp cũng như thế, phải quán tưởng vong đang mặt đối mặt với người chủ lễ để nghe Pháp.
Dù rằng vong đang ở chùa, vẫn cảm nhận được hết những gì mà người chủ lễ thành tâm siêu độ cho vong.
Khi vong linh sám hối người chủ lễ phải nói rằng:
“Vong linh tên _____, Pháp danh ____, mất ngày ____, đang ở tại Chùa (tên và địa chỉ) ____, hãy cùng với chủ lễ hành trì nghi thức sám hối.”
Đến giai đoạn trì Chú hay niệm Phật, chủ lễ cũng phải xướng lên như vậy:
“Vong linh đang ở tại chùa (tên và địa chỉ) ____ hãy cùng với chủ lễ trì Chú (hay niệm Phật).”
Sau mỗi khóa lễ, chủ lễ phải khấn với Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát rằng:
“Vong linh tên ____, mất ngày _____, đang ở tại chùa (tên và địa chỉ) _____. Cầu xin Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giúp đỡ để cho vong linh ở tại chùa ____ được tu tập.”
Có lời khấn với Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Ngài sẽ đặc biệt theo dõi vong linh đó, để xem vong linh đó tu tập như thế nào. Chỉ có Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát mới có thể thẩm định được sự tu tập, sự tiến triển của vong linh mà thôi, để rồi cuối cùng mới có thể quyết định được vong linh sẽ thác sinh về đâu.
Ngày thứ 49, trong lúc chùa hành lễ, người chủ lễ cũng hành lễ ở tại nhà vào giờ giấc đó. Sau khi chấm dứt khóa lễ, chủ lễ cũng sẽ khấn Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, nhờ Ngài thẩm định xem việc tu tập của vong linh ở tại chùa như thế nào, và nhờ Ngài sắp xếp giùm để tiễn vong linh đi, theo đúng cảnh giới của vong linh.
Điều này đòi hỏi người chủ lễ phải luôn luôn giữ trạng thái Bình và phải nghĩ tưởng đến vong linh rất rõ ràng trong lúc khấn Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Người chủ lễ sẽ phải đem hết sức lực của mình để giúp đỡ cho vong linh ở tại chùa, phải có một sự giao cảm giữa vong linh và người chủ lễ, thì người chủ lễ mới có thể giúp được cho vong linh ở tại chùa.
Do đó, nếu đã có ý muốn siêu độ cho thân nhân, thì nên đưa vong về nhà, mọi việc sẽ ở trong tầm tay của mình, sự giao cảm cũng sẽ dễ dàng hơn.
Đưa Vong Về Nhà
Cách thức sẽ như sau:
- Lập bàn thờ vong
- Thỉnh vong về nhà
- Thỉnh Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giúp cho vong nhập vị
- Thỉnh hai vị Hộ Pháp để bảo vệ vong
- Hành trì nghi thức siêu độ mỗi ngày cùng với vong, liên tục trong 49 ngày. Cúng cơm mỗi ngày. Nếu gia chủ quá bận rộn thì cúng cơm mỗi tuần.
- Sau phần nghi thức siêu độ là phần giảng Pháp
- Ngày thứ 49, sau phần nghi thức siêu độ, thỉnh Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát để tiễn vong.
- Sau đó tiễn hai vị Hộ Pháp
- Việc siêu độ cho vong đã hoàn tất.
Hai vị Hộ Pháp này không phải là Hộ Pháp Già Lam đâu. Hộ Pháp Già Lam là Hộ Pháp ở trong chùa để bảo vệ kinh sách. Hai vị Hộ Pháp nơi đây, do sự yêu cầu của chủ lễ nên có mặt để bảo vệ cho vong. Vì vong hoàn toàn mới với Cõi Âm, cho nên, để tránh những việc đáng tiếc xảy ra có hại cho vong linh, mới có việc hai vị Hộ Pháp đi theo để bảo vệ cho vong linh. Hai vị này đóng vai trò tương tự như hai vị cảnh sát của cõi dương vậy. Hai vị này bảo vệ cho vong tránh gặp kẻ xấu. Kẻ xấu đó chính là những vong linh ở tại Cõi Âm từ rất lâu, không siêu thoát được. Người mới mất, vong linh còn yếu, do đó dễ bị kẻ xấu ăn hiếp, vì vậy, có hai vị Hộ Pháp, do theo lời yêu cầu của chủ lễ, bảo vệ cho vong trong thời gian 49 ngày. Sau 49 ngày, vong linh về đúng cảnh giới của mình rồi, hai vị Hộ Pháp cũng chấm dứt nhiệm vụ bảo vệ cho vong linh.
Tâm Trạng Của Người Chủ Lễ Ảnh Hưởng Đến Vong Linh
Trong suốt 49 ngày, muốn cho việc siêu độ mang lại kết quả tốt đẹp thật sự, người chủ lễ phải giữ Tâm Bình, tránh phiền não hay lo lắng, sân hận, tránh tất cả những gì có liên quan đến Tâm – Ý – Tánh. Như vậy mới có thể giữ cho hào quang của người chủ lễ không bị phai mờ; hào quang không phai mờ thì vong mới kính phục được, mới nghe theo lời của chủ lễ chỉ dạy.
Khi đảm nhận trách nhiệm giúp siêu độ cho vong linh, người chủ lễ tuyệt đối không được buồn rầu thương nhớ, vật vã khóc than sự ly biệt với người thân của mình.
Đã là người biết tu tập thì phải hiểu rằng, tất cả những tình cảm đó đều là KHÔNG. Cho nên, tự họ phải biết buông bỏ những đau khổ khi bị mất mát. Những sự đau thương, chia lìa, những tình cảm ủy mị, khóc thương, người tu tập chân chính phải biết tiết giảm, phải nhận chân ra được một cách đương nhiên là, có sanh thì có tử, có hợp thì có tan, có gặp gỡ thì có chia xa, cho nên không có gì để phải đau buồn, khóc hận.
Nếu đứng ra siêu độ cho một vong linh mà ngập tràn nước mắt, làm sao giữ được Tâm Bình? Không giữ được tâm bình, sẽ không giữ được sự rực sáng của ánh hào quang, mà hào quang không rực sáng, sẽ khó lòng dẫn dắt vong đi đúng đường được. Phải ghi nhớ các câu hỏi vô cùng quan trọng sau đây:
-
Mình làm sao để tỏ lòng thương yêu của mình đến thân nhân quá cố?
Phải giúp cho họ được thăng hoa.
-
Muốn cho họ được thăng hoa, mình phải làm như thế nào?
Phải kiên trì và hành sử cho thật đúng việc siêu độ.
Thần thức của thân nhân mình có rung động được thì việc siêu thoát, việc thăng hoa mới có thể có kết quả tốt đẹp được.
Thương yêu thân nhân, tưởng nhớ đến thân nhân không phải bằng nước mắt, bằng sự vật vã, khóc than, kêu gào. Tất cả những hành động đó không đem lại điều lợi ích, mà trái lại, đẩy mình và thân nhân của mình càng đi ngược chiều, không tiến gần lại được để mà cứu giúp.
Lập Bàn Thờ Phật
Tại sao có việc lập bàn thờ? Chẳng qua là vì giúp cho chúng sanh dễ dàng quán tưởng. Nếu chúng sanh nào có thể quán tưởng dễ dàng, thì cũng không cần phải lập một bàn thờ.
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã giới thiệu đến chúng sanh của cõi Ta Bà về Đức A Di Đà Phật, vị giáo chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc. Vị Phật này đã có lời thệ nguyện, là sẽ tiếp độ chúng sanh của cõi Ta Bà, nếu chúng sanh đó thật tâm muốn về cõi Cực Lạc của Ngài.
Chúng sanh nơi cõi Ta Bà đã ví Ngài như một Từ Phụ và cảm thấy rất gần gũi với Ngài. Người đời đã họa hình của Đức A Di Đà Phật và cũng họa hình của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cùng Đức Đại Thế Chí Bồ Tát. Hai vị Đại Bồ Tát này là cánh tay Phải và cánh tay Trái của Đức A Di Đà Phật, trong công việc tiếp độ chúng sanh.
Cho nên, cõi Tây Phương Cực Lạc được thể hiện qua hình tượng của 3 vị: Đức A Di Đà Phật, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát, được gọi một cách trang trọng là Tây Phương Tam Thánh.
Vị giáo chủ của cõi Ta Bà là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Một người bước vào việc tu tập, không thể nào quên được Đấng Cha Lành của mình chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Cho nên, vị Phật chánh yếu phải tôn thờ và quán tưởng trong lúc tu tập, chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đức A Di Đà Phật cùng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát là biểu tượng của Thế Giới Cực Lạc mà chúng sanh muốn được an trụ sau khi bỏ xác thân. Vì vậy, phải luôn luôn có sự đi đôi giữa hình tượng của Đức Bổn sư và cả ba vị của cõi Cực Lạc.
Ngoài ra, nếu hành giả muốn thờ thêm bất kỳ một vị Phật nào, một vị Bồ Tát nào cũng đều được cả, tùy ở lòng thành tâm của hành giả đó. Việc lập bàn thờ là một việc tùy Tâm, tùy Hỷ, không bắt buộc; tuy nhiên, cũng là điều lợi ích, vì đó là một sự nhắc nhở từng giờ, từng phút, từng giây; từng ngày, từng tháng, từng năm cho hành giả luôn nhớ đến con đường mình đang đi và mục đích của mình trong việc tu tập. Nó cũng nhắc nhở cho mình hiểu, phải tu tập như thế nào để không bị lạc lối, để an toàn đến được bến bờ.
Việc bài trí, trang hoàng, tùy vào tầm nhìn, tùy theo quan niệm của mỗi người. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ như Tâm của mình, luôn luôn bình dị, thì chữ Bình mới ở mãi trong Tâm; đừng gây nhiều rắc rối, đừng gây nhiều phức tạp, sẽ khiến cho mình dễ bị vướng mắc.
Làm Một Thiện Tri Thức Cho Vong Linh
Trên dương thế, người Thiện tri thức là người giúp đỡ, dẫn dắt cho một chúng sanh từ đường tối bước ra đường sáng, từ vũng bùn lầy bước ra chỗ đất khô ráo. Vai trò của người Thiện tri thức là dẫn dắt một chúng sanh từ thấp tiến lên cao. Công việc đó bao gồm rất nhiều điều mà một người Thiện tri thức phải chu toàn trong khi hành sử vai trò của mình. Đưa một chúng sanh từ bờ Mê ra bến Giác không phải là một việc búng tay, cũng không phải là một việc chỉ “một ngày một bữa.” Đó là một công việc có khi kéo dài cả hàng tháng, hàng năm hay nhiều năm. Cho nên người Thiện tri thức phải đặt rất nhiều chữ NHẪN ở trong công việc của mình.
Chữ Nhẫn là một đức tánh vô cùng quan trọng trong đường Đời lẫn đường Đạo. Đường Đời thiếu chữ Nhẫn, không thể có sự thành công được. Đường Đạo thiếu chữ Nhẫn, thì không thể nào tiến đến Bờ Giác được. Cho nên, người thiện tri thức hành sử vai trò của mình rất là cực nhọc. Đó là nói về chúng sanh còn trên dương thế.
Đối với một chúng sanh mà chỉ còn là một thần thức thôi, thì sự Nhẫn Nại của người chủ lễ sẽ nhiều gấp bội phần. Có đôi lúc, thần thức đó, vong linh đó, không hiểu gì hết, cần phải cắt nghĩa, cần phải chỉ dẫn từng bước một. Do đó, phải nhẫn nại rất nhiều.
Điều quan trọng là, phải tìm hiểu về vong linh đó, trước khi đảm nhiệm việc siêu độ cho vong linh. Nếu không biết gì về vong linh, thì sẽ khó lòng dẫn dắt cho vong linh đi đúng đường được. Phải nghĩ rằng: nếu một người đang khát nước mà cứ cho họ ăn, thì họ sẽ không thể nào tiếp tục ăn được, hay ngược lại, nếu một kẻ đang muốn ăn mà không cho ăn, cứ cho uống nước đầy bụng thì phải tới lúc người đó ói ra nước. Cho nên, đối với vong linh cũng thế, phải tìm hiểu rất là cặn kẽ những uẩn khúc của vong linh, tánh tình của vong linh, vì tất cả những nghiệp chướng mà vong linh đã tạo ra, đều liên quan mật thiết với cái Tánh của vong linh khi còn sống. Vì vậy, nếu không hiểu rõ vấn đề đó, thì rất khó lòng giúp cho vong linh thoát được nghiệp chướng của mình.
Nếu một vong linh đã trả xong nghiệp chướng của mình, đã giải tỏa hết tất cả những điều uẩn khúc của mình, thì vong linh không cần người siêu độ nữa, họ đã tự động ra đi rồi.
Khi vong linh vẫn còn vương vấn những uẩn khúc trong lòng, nghiệp chướng bề bề chưa phân giải được, thì bắt buộc người chủ lễ phải hiểu rõ để giúp cho vong linh giải trừ những khúc mắc. Vì vậy, vai trò của người chủ lễ không phải đơn giản đâu! Cần phải nghiên cứu rất nhiều trước khi ngồi xuống cùng với vong linh hành lễ.
Làm sao biết được vong linh nào đã siêu thoát ra đi và vong linh nào chưa siêu thoát?
Nếu người chủ lễ không có mặt vào giờ phút lâm chung của người quá cố, thì cần phải hỏi thân nhân của người này để biết tướng trạng trên gương mặt của người đã qua đời như thế nào.
Nếu người này ra đi với bộ mặt rất là thanh thoát, thoải mái, hơi ấm cuối cùng tụ vào từ ngực trở lên thì việc siêu độ cho người đó không cần phải tốn quá nhiều công sức.
Còn nếu người đó có những ác tướng hiện lên nơi mặt, có nghĩa là người này đã bị vướng mắc rất là nhiều, không siêu thoát được.[1] Như vậy, phải nghiên cứu những khúc mắc của người này để giúp cho họ có thể thoát được Tam Đồ mà đi về đến cõi Người.
Việc nghiên cứu một người chưa siêu thoát không khác gì công việc của một Bác Sĩ. Muốn trị bịnh cho bịnh nhân, cần phải lập hồ sơ Bịnh Án của từng bịnh nhân. Vị Bác Sĩ phải hiểu rõ bịnh nhân này có căn bịnh gì? Nguồn gốc căn bịnh xuất phát từ đâu? Việc trị bịnh gồm phương cách gì? Dùng các loại thuốc nào? v.v…
Người chủ lễ phải tìm hiểu thật cặn kẽ những lý do của từng ác tướng hiện trên nét mặt của người quá cố.
Hiểu được rõ ràng căn nguyên, cội rễ mới có thể giải thích, khuyên bảo để cho vong linh xả bỏ những ẩn ức, những đau buồn, sân hận v.v…
Nếu một người đã qua đời được 1, 2 tiếng đồng hồ rồi, thân xác bắt đầu lạnh dần, khi sờ vào cảm nhận được hơi ấm cuối cùng tụ vào hoặc trán, hoặc đỉnh đầu, có nghĩa rằng người đó đã được tiếp rước hoặc về cõi Trời (hơi ấm cuối cùng tụ ở trán), hoặc về cõi Phật (hơi ấm cuối cùng tụ ở đỉnh đầu). Việc siêu độ sẽ không cần thiết.
Hơi ấm tụ vào từ ngực trở xuống cần phải siêu độ. Dù rằng ở nơi ngực, tức là trở lại cảnh giới Người, nhưng vẫn bị chi phối trong hạn 49 ngày. Thời gian 49 ngày là thời gian đặc ân; nếu người đó được trở về cảnh giới Người, nhưng trong suốt 49 ngày, nếu người chủ lễ giúp cho họ biết ăn năn sám hối thêm, biết niệm Phật, nói tóm lại, là biết tu tập, biết xả bỏ hết tất cả những vướng mắc, thì có thể hoán chuyển từ cảnh giới Người lên đến cảnh giới Trời hay cảnh giới Phật, tùy ở sức giúp của người chủ lễ và tùy ở độ tiếp nhận của vong linh.
Nếu tới ngày thứ 49 mà thần thức có một sự tiến bộ vượt bực, và theo ước muốn của thần thức (chớ không phải ước muốn của người chủ lễ), thần thức sẽ được tiếp dẫn lên cõi Trời hay cõi Phật. Nếu không đủ duyên lành để lên cõi Trời hay cõi Phật, thần thức sẽ được trở lại làm Người, ở một hoàn cảnh khá hơn, ở một đẳng cấp cao hơn.
Người chủ lễ tu tập chân chính sẽ có được một cảm giác và cảm giác đó sẽ rất là tinh tế. Vì vậy, khi làm chủ lễ phải rất là ĐỊNH để có thể lắng nghe hoặc là giao cảm được với vong linh. Điều này rất khó, không phải dễ, tuy nhiên đoạn đường mình cất bước, dù rằng đầy chông gai, hầm hố, không có nghĩa rằng mình không có cách để khắc phục nó mà tiến lên.
Giúp đỡ một chúng sanh còn trên dương thế, đưa họ từ đường tối bước ra đường sáng, đã là một việc vô cùng phức tạp và đòi hỏi nhiều nhẫn nại, nhiều tế nhị. Vong linh cũng là một chúng sanh, nhưng không còn có mặt ở Cõi Đời nữa. Họ tạm thời vắng mặt, để sửa soạn khoác lên người một chiếc áo mới.
Người chủ lễ có bổn phận phải giúp cho vong linh lựa chọn một chiếc áo vừa vặn, tốt đẹp, để đến khi vong linh sẵn sàng bước vào cuộc đời mới, Chiếc Áo Mới này sẽ giúp cho vong linh gây tạo một sự chú ý đáng kể.
Dù đã bước vào đường tu tập, hay chưa bước vào đường tu tập, cũng nên thực tập chữ Bình, để đến khi có việc cần đem ra sử dụng, sẽ đem đến một kết quả liền tức khắc. Nếu đợi đến phút cuối thì khó lòng giữ được Tâm Bình.
Hãy ghi nhớ một điều quan trọng là: nhận lời làm chủ lễ siêu độ cho một vong linh, cần phải hiểu thật rõ ràng “bệnh án của bệnh nhân”.
Nếu nhận lời mà không biết gì về nguồn gốc, ngọn ngành của vong linh, sẽ khó lòng mang đến một kết quả tốt đẹp được.
Việc siêu độ cho một vong linh, trên nguyên tắc phải liên tục trong 49 ngày, vì đó là “thời gian đặc ân.” Vong linh rất cần được nghe Pháp; vong bị vướng mắc, không siêu thoát được, cũng chỉ vì chưa giải tỏa được điều uẩn khúc trong lòng trước khi nhắm mắt lìa đời. Cũng có khi vì một sự hiểu sai, hiểu lầm, hiểu chưa thấu đáo mà vong vô tình bị vướng vào một nghiệp chướng.
Nhờ sự giúp đỡ của chủ lễ trong việc giải thích, giảng dạy, chỉ dẫn để vong nhận ra điều sai trái, vong tỉnh ngộ, và nhẹ nhàng cất bước.
Trong việc siêu độ, điều cần thiết và chánh yếu không phải là vật thực (thức ăn) mà chính là Pháp Thực. Vong linh cần phải được nghe Pháp, được nói đi nói lại rất nhiều lần, gần như là tỉ tê, để cho vong có thể tiếp nhận được.
Vong linh và người còn sống khác biệt nhau ở chỗ nào?
- Người còn sống khi nói lên một điều gì là họ tiếp nhận ngay, chỉ trừ khi họ bướng bỉnh thì họ từ chối không nghe.
- Còn vong linh phải lặp đi, lặp lại nhiều lần vì họ không còn ngũ căn, do đó, một khi họ đã cảm nhận được rồi thì thần thức tức khắc rung động, mọi việc được chuyển hóa ngay tức khắc. Cho nên cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại để tỉ tê nói cho thần thức nghe.
[1] Ác tướng: diễn tả vẻ mặt không thoải mái của một người khi hắt hơi cuối cùng. Vẻ mặt đó có thể là: sợ sệt, nuối tiếc, lo âu, đau khổ, đau đớn, buồn bả, sân hận, v.v...
Người chưa hề thọ Tam Quy, trì Ngũ Giới, nếu làm chủ lễ siêu độ cho vong linh thì phải theo nghi thức sau đây:
Trong buổi lễ đầu tiên, trước khi bắt tay hành lễ, người chủ lễ thắp hương đứng trước bàn thờ Phật, khấn nguyện như sau:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. o (1 lạy)
Con tên là ____, ngày hôm nay con xin đem hết Tâm Lực của mình để làm chủ lễ siêu độ cho thân nhân của con vừa mới qua đời, hương linh tên là ____, Pháp danh ____, sanh ngày____, mất ngày____.
Cúi xin chư Phật và Bồ Tát chứng minh cho con:
- Thành tâm Quy Y Phật o (1 lạy)
- Thành tâm Quy Y Pháp o (1 lạy)
- Thành tâm Quy Y Tăng o (1 lạy)
Con cũng xin phát nguyện giữ Ngũ Giới:
- Con nguyện Không Sát Sanh
- Con nguyện Không Trộm Cắp
- Con nguyện Không Tà Dâm
- Con nguyện Không Nói Láo
- Con nguyện Không Uống Rượu
Và con nguyện trường chay trong suốt 49 ngày hành trì lễ siêu độ. Con cầu xin thân tâm nhẹ nhàng, thơ thới, có đủ uy lực để dẫn dắt, hướng dẫn cho vong linh thoát được những vướng mắc, tìm được đúng hướng đi của mình để thác sanh.
Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát, tác đại chứng minh. o (1 lạy)
Trong suốt 49 ngày, trước khi bắt đầu hành lễ, người chủ lễ này đều phải luôn luôn khấn nguyện:
Con tên là ____ ngày hôm nay con vì hương linh, phát nguyện thọ Tam Quy, trì Ngũ Giới, giữ trường chay, tu tập, giữ cho thân tâm luôn được thanh tịnh.
Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát. o (1 lạy)
Sau đó thì trì câu Chú CA SA THA PHA trong 15 phút trước khi bắt đầu hành lễ. Nên giữ tâm thanh tịnh lúc trì Chú, có nghĩa là tránh Tâm Viên Ý Mã, quán tưởng hào quang rực sáng chung quanh mình.
Những Điều Kiện Cho Người Chủ Lễ
Người chủ lễ phải đạt một vài điều kiện sau đây để cho tư cách của mình gia tăng lên, như vậy thì việc mình hướng dẫn một vong linh mới đến nơi đến chốn, không mất thì giờ và tạo nên được công đức.
1. Phải Trường Chay Trong 49 Ngày:
Khi người chủ lễ tại gia đứng ra siêu độ cho một vong linh, người đó bắt buộc phải Trường Chay trong suốt thời gian làm lễ (49 ngày). Phải chịu khó dùng những thức ăn thanh, đừng dùng những thức ăn nặng, vì những thức ăn thanh dễ dàng giúp cho ánh hào quang của câu Chú được phát sáng và lời niệm Phật được phát sáng. Nếu không trường chay thì rất khó lòng nói để cho vong nghe lắm. Người đời không nhìn thấy được những gì xa hơn tầm mắt của họ, cho nên không nhận ra được sự thán phục của vong, hay sự hờ hững của vong đối với người chủ lễ. Vì vậy, người chủ lễ muốn nói cho vong nghe thì phải có đủ tư cách. Trên dương thế, một người muốn cho kẻ khác nghe mình, theo mình, làm theo những gì mình muốn, đều bắt buộc phải có tư cách và phải có uy, thì mới có thể lôi kéo được kẻ khác theo mình.
2. Thọ Trì Tam Quy và Giữ Ngũ Giới:
Người trong cửa Đạo (xuất gia) thì đương nhiên là đã thọ trì Tam Quy và giữ Ngũ Giới (giữ còn nhiều hơn 5 giới nữa). Tuy nhiên, nếu người trong cửa Đạo làm những chuyện sái quấy, phạm giới thì khó lòng siêu độ cho vong linh vì người đó thiếu cái uy nghiêm khiến cho vong không nghe theo lời khuyên bảo.
Người tại gia, tu tập chân chính, việc thọ Tam Quy, trì ngũ giới là việc đương nhiên.
Người chưa từng tu tập, làm chủ lễ với tất cả Tâm Lực của mình, trong thời gian 49 ngày phải phát nguyện thọ trì Tam Quy và giữ ngũ giới, để cho người đó được nhẹ nhàng, không tạo cơ hội cho một nghiệp chướng xảy ra. Chính bản thân người đó đã mang nghiệp chướng rồi, bây giờ trong suốt 49 ngày, lại mang thêm hết nghiệp chướng này đến nghiệp chướng khác, như vậy rất là nặng trĩu. Tự bản thân của họ đã đeo đá nặng rồi, thì khó lòng có thể khuyên bảo ai được nữa, cho nên tối thiểu cũng phải làm “NHẸ” người của mình trong suốt 49 ngày, để cho hào quang được phát sáng. Dù rằng hào quang đó tạm thời phát sáng trong thời gian mình dẫn dắt vong, cũng vẫn phải làm cho người mình được nhẹ nhàng. Nếu người mình không nhẹ nhàng, thì hào quang từ câu Chú CA SA THA PHA cũng vẫn không thể giúp cho mình phát sáng hào quang được đâu.
Sau thời gian siêu độ, nếu người đó muốn tiếp tục giữ Tam Quy Ngũ Giới thì rất tốt, còn không muốn tiếp tục thì cũng không sao.
Tuy nhiên nếu người đó vẫn tiếp tục tu tập, và trong quá trình tu tập, họ hồi hướng cho bản thân họ được thân tâm chánh niệm, cho oan gia của họ, cho nghiệp chướng của họ được tiêu trừ để giải những món nợ đối với oan gia của họ, rồi họ cũng hồi hướng cho thân nhân đã quá cố mà họ đã giúp cho siêu độ, như vậy là một chuyện quá sức tốt! Có thể nói rằng: chính nhờ vào vong linh đó, mà người chủ lễ có cơ hội bước vào đường tu tập.
Người Chủ Lễ Chưa Biết Tu Tập
Người chưa tu tập bao giờ, nhưng nếu muốn siêu độ cho một vong linh thì họ bắt buộc phải có một Tâm Lực rất… rất cao.
TÂM LỰC là một sức mạnh xuất phát từ TÂM, được kết hợp bởi TỨ VÔ LƯỢNG TÂM. Phải là một người có lòng TỪ - BI - HỶ - XẢ thì mới có thể tạo được một Tâm Lực vững chắc.
Một người chưa biết gì về việc tu tập, nhưng với tất cả tấm lòng, tất cả sự thương yêu trìu mến, sự mong mỏi, sự tha thiết của mình đối với một vong linh, tất cả sự nồng nàn đó góp tạo lại thành một sức mạnh to lớn mang tên là Tâm Lực. Tâm Lực cũng vẫn phát ra được ánh hào quang, nhưng nếu so với ĐẠO LỰC thì yếu hơn nhiều và không được rực rỡ lắm.
Để giúp cho việc Siêu Độ vong linh mang lại một kết quả thật viên mãn, LacPhap.com xin hân hạnh trao tặng cho người hữu duyên một câu Thần Chú.
Nếu là người vừa có ĐẠO LỰC vừa có TÂM LỰC, khi trì câu Chú này, hào quang sẽ rực sáng như vòng lửa bao bọc chung quanh mình.
Nếu một người chỉ có thuần Tâm Lực, câu Chú này sẽ làm cho hào quang của người đó được sáng rực lên (chỉ trong thời gian hành lễ mà thôi).
Nếu muốn được hào quang một cách vĩnh viễn, đúng nghĩa, thì bắt buộc phải thường xuyên tu tập. Câu Chú đó là:
CA SA THA PHA
(Khi trì Chú, hai tay bắt Ấn: Kiết Tường Kim Cang)
Bắt đầu: tay bắt Ấn Kiết Tường |
Kế tiếp: xếp 3 ngón xuống trở thành Ấn Kiết Tường Kim Cang |
GHI NHỚ
- Người trì câu Chú này, dù rằng chưa biết tu tập, cũng vẫn phải là một người chân chính.
- Người theo tà đạo hoặc người có Tâm Không Lành, trì câu Chú này sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp. Tâm Lực là một sự kết hợp của Tứ Vô Lượng Tâm xuất phát từ Tâm mà ra, người theo tà đạo hoặc tâm không chân chính thì không thể có một Tâm Lực dũng mãnh được.
- Suốt trong thời gian 49 ngày siêu độ cho vong linh, chủ lễ có Đạo Lực nên trì thường xuyên câu Chú này (ngoài thời gian hành lễ) để cho hào quang của mình luôn rực sáng.
Người chủ lễ chỉ có Tâm Lực mà thôi, càng cần phải trì câu Chú này thật nhiều, để chắc chắn rằng hào quang của mình luôn phát sáng và khuyên bảo vong sẽ dễ dàng nghe theo.
Siêu độ cho một vong linh cần cái gì? Cần tấm lòng chân thật, cần người chủ lễ siêu độ phải là một người tu tập chân chính, người xuất gia trong cửa Đạo cũng tốt, mà người tại gia ngoài cửa Đạo thì cũng không có gì đáng nói, nơi đâu cũng được, miễn là một người hết dạ chân thành, dốc lòng tu tập và biết nghĩ đến chúng sanh. Nếu là người trong cửa Đạo đảm nhận việc siêu độ, thì người trong cửa Đạo phải xem hết tất cả chúng sanh đều là thân bằng quyến thuộc của mình, để mới có thể đem hết tấm lòng mà siêu độ, hộ niệm cho vong linh bằng Đạo Lực và bằng chính Tâm lực của mình.
Còn người ngoài cửa Đạo cũng vẫn phải đem Đạo Lực của mình (nếu có) kèm theo với Tâm Lực rất mạnh của mình để mà siêu độ cho người thân của mình hoặc là một người mà mình thương mến, mình lo lắng, mình chăm sóc khi họ còn tại thế. Cho nên, dù trong cửa Đạo hay ngoài cửa Đạo, việc siêu độ không phân biệt bất kỳ ai.
Nếu chủ lễ là con Trưởng trong gia đình, hay là Trưởng Tộc trong dòng họ, hoặc bất cứ người nào thuộc về thân nhân của người quá cố, thậm chí là bằng hữu, quen biết, cũng đều được cả. Điều quan trọng chính là sự chân thành của người chủ lễ. Nếu người chủ lễ đảm nhận việc siêu độ nhưng không đem hết dạ chân thành của mình, sự mong mỏi của mình để giúp cho vong linh được siêu thoát, thì việc đó sẽ không mang đến một kết quả nào cả, dù trong cửa Đạo hay ngoài cửa Đạo cũng vậy thôi!
Cho nên phải nhớ kỹ một điều là, Đạo Lực cộng với Tâm Lực mới có thể giúp được cho vong linh siêu thoát. Có Đạo Lực mà không có Tâm Lực thì không thể nào làm việc có kết quả được; nhưng nếu chỉ có một Tâm Lực thôi, nhưng một Tâm Lực rất cao thì kết quả tốt đẹp vẫn có thể đạt được như thường.
Người Chủ Lễ Biết Tu Tập
Tu tập nơi đây phải được hiểu là Tu Tập chân chính, có nghĩa là:
- Luôn luôn kiểm soát TÂM - Ý - TÁNH của mình.
- Thấu triệt những nguyên tắc căn bản của việc tu tập: Giữ Tâm bình, Giữ Ý không phát khởi, sửa Tánh xấu thành Tánh tốt.
- Thời khóa tu tập hằng ngày lúc nào cũng phải bao gồm Sám Hối, Trì Chú, Niệm Phật.
- Đọc Pháp, Hiểu Pháp, Tư Duy Pháp và áp dụng Pháp vào cuộc sống Đời lẫn Đạo.
- Giữ cho mình một TƯ CÁCH đúng nghĩa của người tu tập.
Một sự tu tập chân chính sẽ mang đến cho hành giả một ánh hào quang bao bọc chung quanh người.
Ánh hào quang này dày hay mỏng, màu sắc thay đổi tùy theo cường độ tu tập cao hay thấp của hành giả.
Người tu tập chân chính lâu năm, hào quang phải phát sáng. Nếu hào quang không phát sáng thì có nghĩa là đường tu tập không đúng lối.
Công năng tu tập qua nhiều ngày tháng sẽ mang đến cho hành giả một Đạo Lực, do ở việc Trì Chú – Niệm Phật.
Nếu một người chủ lễ vừa có được ánh hào quang sáng rực, vừa có được Đạo Lực mạnh mẽ, sẽ tạo nên một uy lực, khiến cho vong nhìn vào sẽ tỏ lòng kính phục và dễ dàng nghe theo lời khuyên bảo của chủ lễ.