• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Tam Độc: Tham Sân Si

Apr 18 2014
Triple Falls and Kirjufell - Joseph Rossbach - 20128953 Triple Falls and Kirjufell - Joseph Rossbach - 20128953 500px

Tham, sân, si gọi chung là Tam Độc, đó là ba món phiền não lớn nhất, không có gì hơn được và ba món phiền não này đã lôi kéo chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử. Chúng sanh từ bậc Thánh cho đến Chư Thần, cho đến hàng Phàm Phu, tất cả đều bị vướng mắc vào Tham - Sân - Si. Đừng tuởng rằng người đắc quả đã diệt được hết tham sân si.

Thầy có thể ví Tham - Sân - Si như là những rễ rất lớn, mạnh mẽ, dai dẳng, không chặt đứt được cho nên khó lòng mà tiêu diệt nó trong nhất thời. Người tu tập chỉ diệt được nó chưa được đến năm phần trăm, người ở một quả vị cao hơn diệt được nó chưa đến phân nửa, vì vậy mà nó vô cùng, vô cùng quan trọng và có nhiều vấn đề thật là vi tế. Nó nhỏ nhặt khiến cho mọi chúng sanh không để ý đến, nhưng nó là đầu mối để có thể tạo ra nhiều điều lớn lao. Cho nên Thầy thường hay nói nhiều lần là đừng bao giờ bỏ qua những gì nhỏ nhặt, càng nhỏ nhặt chừng nào lại càng quan trọng chừng nấy, chính vì nhỏ nhặt mà chúng sanh không để ý đến. Do đó, nó mới có thời gian để tích tụ, tích tụ, tích tụ, cho đến khi chúng sanh đó nhận ra được nó thì nó cũng đã quá lớn mạnh rồi, khó lòng mà bứng đi được. Muốn tiêu diệt nó lại phải dùng không biết bao nhiêu chữ "Tận Cường" mới có thể chặt đứt được nó. Có thể nói Tham - Sân – Si, không một chúng sanh nào thoát khỏi ba điều đó.

Tam Độc: Tham

Trên đời này gần như không ai là không biết đến chữ Tham. Tham là một cái tánh mà gần như chúng sanh nào cũng mắc phải. Có thể nói rằng không tham không là chúng sanh! Từ tham tiền đến tham tình, đến tham dục, đến tham sắc, đến tham những điều rất nhỏ nhặt. Có người tham cao, có người tham thấp, có người tham ít, có kẻ tham nhiều. Nhưng tất cả tựu trung cũng vẫn là tham.

Tham một tình cảm, tham một lời nhẹ nhàng, tham một cử chỉ dịu dàng, tham học hỏi, tham phô trương, tham đem tất cả tài năng của mình ra để trình diễn cho thiên hạ. Dù dưới một dạng thức nào cũng vẫn là tham. Dù cho một đứa bé tập tễnh mới biết đi cũng đã biết đến chữ Tham. Cứ nhìn thấy những đứa trẻ chơi những đồ chơi của nó, thì sẽ nhìn thấy rõ cường độ tham của mỗi đứa nhỏ. Đứa nhỏ càng ngày càng lớn lên, lòng tham sẽ càng ngày càng lớn lên theo sức vóc, lớn theo sự hiểu biết và lớn theo cuộc sống của đứa bé đó.

Điều rất là quan trọng mà ít ai để ý đến là việc theo dõi những đứa bé từ lúc mới chào đời cho đến khi nó trưởng thành. Nên nhớ rằng, một đứa bé vừa mới chào đời, tập khí của tánh Tham hiện rõ ràng trong cử chỉ của đứa bé. Có những đứa bé đói bụng, khát sữa đã ré khóc rất là dữ dội. Có những đứa bé cũng khát sữa nhưng diễn tả, biểu lộ sự đói bụng của mình bằng một cử chỉ nhẹ nhàng hơn.

Do đó, tập khí của tánh Tham là một tập khí đầu tiên nhất, hiển hiện nhất, không bất kỳ một chúng sanh nào có thể thoát được. Rồi thì theo năm tháng, đứa bé càng lớn lên, va chạm, chung đụng, và sống trong những hoàn cảnh khác biệt, tánh Tham đó sẽ có cơ hội bộc phát nhanh hay chậm, nhiều hay ít. Cho nên hiểu được điều đó sẽ giúp cho chúng sanh giảm đi rất nhiều sự đau khổ trong tương lai. Bậc làm cha mẹ, nếu dòm ngó con của mình từ khi mới chào đời cho đến lúc nó lớn lần, lớn lần sẽ nhìn thấy rõ ràng sự phát triển nhanh hay chậm của tánh Tham. Để rồi từ đó tìm cách giúp cho đứa trẻ giảm bớt lần đi tánh Tham của nó. Như vậy, khi đứa nhỏ lớn lên, sự đau khổ sẽ không đến một cách ồ ạt do ở tánh Tham.

Đầu mối của những đau khổ trên cuộc đời bắt nguồn từ tánh Tham. Kẻ có nhiều quyền uy thì tham những điều cao hơn. Và cái tham đó đôi khi lại đụng chạm vào sanh mạng của kẻ khác. Người giàu sang biểu lộ tánh tham của mình dưới dạng thức của một kẻ có trình độ. Người nghèo khó biểu lộ tánh tham của mình qua hành động rất lộ liễu. Do đó, tùy hoàn cảnh, tùy môi trường, tùy địa vị thấp hèn, cao sang, quyền uy mà cấp bậc của tánh tham sẽ hoàn toàn khác biệt.

Bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời, bao nhiêu điều mất trật tự trong xã hội, bao nhiêu điều hỗn loạn trong một quốc gia cũng đều bắt nguồn từ chữ THAM.

Tuy nhiên, có những cái tham có thể chấp nhận được và có những cái tham không thể chấp nhận được.

Con có thể nào cho Thầy một thí dụ về cái tham mà có thể chấp nhận được không?

Kính bạch Sư Phụ,
Ví dụ như là tham giúp đỡ chúng sanh, tham chia sẻ cái pháp, những cái tham đó với mục đích là vì người khác chứ không phải cho bản thân mình
.

Nếu bây giờ con tham giúp đỡ cho kẻ khác thì cái tham đó có thể chấp nhận được hay không?

Kính bạch Sư Phụ,
Giúp đỡ cho kẻ khác, thường thường nói ở ngoài mặt là giúp đỡ, nhưng phải suy xét thấu đáo coi tại sao người đó muốn giúp đỡ cho kẻ khác? Sự giúp đỡ đó có mang lại một cái lợi gì cho họ hay không? Họ được một sự biết ơn của kẻ khác, hay giúp vì cái danh, hay vì một tiếng khen... nói chung, những cái con nói tham mà chấp nhận được thì chúng sanh cũng làm vì một cái gì đó... không phải hẳn cho chúng sanh khác mà lúc nào cũng có cho bản thân mình.

Lời của con đúng được một phần. Nhưng con ơi, còn một điều mà mình phải cẩn thận khi giúp cho kẻ khác.

Thưa có phải là đừng vấy vào nghiệp lực của kẻ khác?

Đúng vậy! Nếu sự giúp đỡ của mình vấy vào nghiệp lực của kẻ khác thì sự giúp đỡ đó chỉ là hoài công thôi. Ngoài ra còn có thể mang thêm sân hận. Cho nên từ ngữ "giúp đỡ" rất là giản dị, nó nói lên được lòng tốt của người đối với người. Nhưng, khi tìm hiểu một cách tận tường thì sẽ thấy rằng sự giúp đỡ đôi khi lại không phải là một điều tốt mang đến cho kẻ khác.

Một sự giúp đỡ phải hoàn toàn không vụ lợi, không vì bất kỳ một lý do nào ngoại trừ hai chữ: Từ Bi.

Điều kế tiếp là sự giúp đỡ đó có vấy vào nghiệp lực của kẻ khác hay không? Muốn biết sự giúp đỡ đó có vấy vào nghiệp lực của kẻ khác hay không, hãy xem hành động của người được giúp đỡ. Phải hiểu cho tận tường người nhận sự giúp đỡ đó đang gặp sự khó khăn gì? Và sự khó khăn đó là một trạng huống tự nhiên hay là kết quả của một nhân không lành đã được gieo từ trước? Cho nên cần phải để ý rất nhiều.

Tham là đầu mối gây ra rất nhiều, rất nhiều chuyện không hay! Từ tham sẽ kéo ra sân hận, rồi sau đó, khi sân hận bộc phát thì nghiệp lực tức khắc hiện hữu ngay. Cho nên phải luôn luôn nhớ rằng, những điều mình tham mà đem lại lợi lạc cho chúng sanh, đem lại điều ích lợi cho chúng sanh thì cái tham đó mới không là đầu mối để tạo ra sân hận.

Con đã nói rằng: tham đem cái pháp để chia sẻ cho chúng sanh. Điều đó cũng chưa đúng. Trước khi muốn đem cái pháp để chia sẻ cho chúng sanh, phải tìm hiểu xem người muốn được chia sẻ đó có thật sự muốn nhận lấy pháp hay không? Nếu người đó không thích nhận thì việc đem chia sẻ pháp lại tạo ra một sân hận đối với người được chia sẻ.

Cho nên tham là hình thức biểu hiện việc "Muốn". Tôi muốn làm chuyện này, tôi muốn làm việc kia, tôi muốn hoàn tất cái này, tôi muốn hoàn tất cái kia. Nhưng cái "Muốn" của tôi có giới hạn hay không? Cái muốn của tôi có được sự hưởng ứng của những người tôi muốn cho hay không?

Tuyệt đối đừng bao giờ đem sân hận đến cho một kẻ khác chỉ vì cái "Muốn" của mình. Cho nên có rất nhiều việc mà người muốn tưởng rằng điều đó tốt, điều đó đẹp, điều đó hay nhưng thật ra chỉ tốt, chỉ đẹp, chỉ hay vì người đó nghĩ như vậy mà thôi. Chứ nó không tốt, không đẹp, không hay đối với người khác! Cho nên phải cẩn thận rất nhiều trong việc hành sử cái muốn của mình.

Diệt đi chữ Tham là một điều rất khó. Thầy hiểu điều đó rất nhiều! Tuy nhiên, làm cho nó giảm đi cường độ thì Thầy mong rằng sẽ không khó khăn lắm. Một người biết tu tập sẽ tự biết tiết giảm những cái muốn của mình. Những gì thật cần thiết thì mới muốn, những gì không cần thiết thì tạm gác cái muốn lại, rồi từ từ ... từ từ ... sẽ bớt muốn ... bớt muốn.

Nhu cầu càng giảm, tánh tham sẽ càng yếu dần đi thì như vậy sẽ giúp cho sân hận không có dịp tung hoành nhiều. Có rất nhiều kẻ tiền rừng bạc biển, nhưng vì tánh tham, cũng vẫn không lấy đó làm đủ, cho nên lại phải tìm đủ mọi cách kiếm thêm tiền và họ vui sướng với đống tiền ở trước mặt, bất kể những thủ đoạn họ đã tung ra làm đau lòng biết bao nhiêu kẻ khác, làm rơi lệ biết bao nhiêu người, chỉ vì tham nhìn cái đống tiền của mình càng ngày càng lên cao. Thầy rất mong mỏi chúng sanh giảm bớt lòng tham. Thầy không dùng từ ngữ tiêu diệt vì rất khó! Nội cái tập khí của tánh tham đi từ đời này đến đời khác cũng đủ hiểu rằng rất khó diệt ... khó diệt.

Nhưng Thầy chỉ cầu mong rằng nó được giảm bớt, giảm bớt để đến một lúc nào đó nó yếu dần ... yếu dần, thì chúng sanh sẽ cảm thấy ung dung tự tại, sẽ không còn một sự ràng buộc nhiều vào những mong cầu của mình. Được như vậy thì muôn điều sẽ tốt đẹp, cuộc đời sẽ an lành, nhẹ nhàng và thư thả, không có quá nhiều lo toan.

Xem tiếp bài Thực Chất Của Tánh Tham


+ 120