• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Khổ Nạn Của Chúng Sanh

May 13 2014
Kính Mừng Phật Đản Kính Mừng Phật Đản Tranh Phật của LacPhap.com

Kính lễ Đức Phật Thích Ca,
Mừng Ngài giáng Thế độ sanh Ta Bà.
Phật từ bi xót mọi loài,
Đản sanh cứu khổ chúng sinh thoát nàn.

Chúng sanh trong cõi Ta Bà, ai là người chưa từng khổ? Từ lúc sơ sinh mở mắt chào đời không đánh đã khóc; rồi thì lớn lên, suốt quãng đời từ tấm bé cho đến lúc già nua, thậm chí cho đến hơi thở cuối cùng, bao nhiêu từng đợt khổ đã xảy ra? Có kẻ thì khổ tới tấp, cũng có kẻ thì khổ từng đợt. Nói tóm lại, từ trẻ đến già, từ sang đến hèn, từ ngu dốt đến trí tuệ cao, tất cả đều không bao giờ rời được chữ KHỔ; ngay cả kẻ làm vua làm chúa ngự trên ngôi cao, cũng vẫn phải bị chi phối bởi cái khổ trong suốt quãng đời.

Ai có thể nói rằng: "Từ lúc sanh ra cho đến khi chấm dứt cuộc đời, tôi chỉ có tiếng cười mà không có tiếng khóc." Chúng sanh cũng không thường tự đặt câu hỏi: “Tại sao tôi lại khổ như thế?” Xem chừng ra thì đa số chúng sanh đã xem cái khổ như là một việc tự nhiên xảy đến trong đời người, không bao giờ quan tâm, cũng không bao giờ lo lắng. Và khi quá khổ thì bật khóc và kêu gọi sự giúp đỡ của các Đấng Từ Bi! Cũng có kẻ khi đau khổ lại cất tiếng cười, nhưng nụ cười đó không phải là một nụ cười an nhiên tự tại, mà là một nụ cười chua chát, vì không biết phải diễn tả sự đau khổ của mình bằng cách nào cho thỏa.

Thoạt sanh ra là đã cất tiếng khóc; đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy rằng bước vào cuộc đời, việc trước tiên là phải đi qua “cửa khổ.” Chưa từng một “người bình thường” nào bước vào cuộc đời mà đi qua “cửa sướng” bao giờ!

Như vậy, cái khổ từ đâu đến? Và tại sao người ta phải tùng phục nó và phải chịu đựng nó trong suốt quãng đời của mình từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi hắt hơi cuối cùng?

Nói về cái khổ từ đâu đến, nếu là một người lớn tuổi thì câu trả lời có thể rằng: đó là sự va chạm trong thời gian tiếp xúc với người này người nọ, sự va chạm đó đem lại một sự đau khổ. Nhưng đứa nhỏ vừa mới chào đời, không có sự va chạm với ai cả, thì tại sao lại cất tiếng khóc mà không cất tiếng cười? Nếu bảo rằng cất tiếng khóc để cho lồng ngực được nở ra, cho không khí tràn vào 2 lá phổi thì tiếng cười cũng vẫn có thể làm công việc đó. Nói tóm lại, cái khổ từ đâu mà đến? Đến ngay khi đứa nhỏ cất tiếng chào đời!

Kính bạch Sư Phụ,
Có phải là vì nó bắt đầu để đi vào cái vòng sanh tử thêm một lần nữa hay không? Nhưng đứa bé đó nó mới chào đời thì làm sao nó ý thức được chuyện đó?

Đi vào vòng sanh tử, đúng vậy! Đứa bé mới chào đời làm sao nhận ra được vòng sanh tử? Thầy đặt câu hỏi: Trước khi đứa nhỏ chào đời, nó từ đâu mà tới?

Kính bạch Sư Phụ,

  • Nếu nó từ kiếp người này bước sang kiếp người khác thì nó vẫn còn muốn níu kéo cuộc sống của kiếp người trước.
  • Nếu nó từ tam đồ đến thì dư âm của sự khổ đau nơi tam đồ vẫn còn bàng bạc đâu đây nên khiến cho nó không được vui trong dạ.
  • Nếu nó từ Cõi Trời xuống thì nó luyến tiếc sự vui chơi, thù thắng ở Cõi Trời.

Câu trả lời của con cũng đúng...

Khi một thần thức thoát khỏi thân xác, tất cả đều bị hủy diệt không còn ghi lại vết tích gì cả của một kiếp người, duy nhất chỉ còn sót lại có A Lại Da Thức, tức là thức thứ tám. Nơi đó toàn chứa tất cả những vui buồn - hỷ, nộ, ái, ố, ai, bi, dục lạc, vui chơi, buồn khổ, sân hận ngập trời, tham lam v.v… Tất cả không thiếu bất kỳ một món nào. Bao nhiêu phiền não đều được dồn nén vào trong A Lại Da Thức. Nhưng những sự dồn nén đó trong A Lại Da Thức đều có lớp lang thứ tự, cái trước cái sau, để khi cần thì cái nào tới trước thì ra trước, cái nào tới sau thì sẽ ra sau.

A Lại Da Thức tung tăng dẫn dắt Thần Thức đi khắp nơi. Và tùy theo nghiệp duyên của thần thức đó mà A Lại Da Thức sẽ dừng chân lại. Nó dừng chân nơi nào thì nơi đó là ngôi nhà mới của thần thức. Nếu thần thức đó phải trở lại kiếp người, thì sự dừng chân của A Lại Da Thức sẽ là dịp để cho A Lại Da Thức đẩy hết tất cả những gì mình giữ lấy vào trong thai noãn. Khi vào trong thai noãn rồi thì tất cả những gì được dồn nén vào A Lại Da Thức sẽ có dịp bắt đầu một sự sắp xếp lớp lang, thứ tự trong ngôi nhà mới đó.

Nhưng những việc đó tại sao lại làm cho đứa trẻ khóc mà lại không cười?

Vào phút lâm chung, hình ảnh cuối cùng ở phút lâm chung sẽ trở thành một hình ảnh đầu tiên trong thai noãn; mà hình ảnh vào phút cuối cùng ở con người khó có thể có được sự vui tươi. Vì như đã nói khi nãy, thần thức còn tiếc nuối tất cả những gì mà mình bắt buộc phải bỏ lại sau lưng, cho nên chỉ cần bao nhiêu đó cũng đủ cho đứa nhỏ cất tiếng khóc lúc chào đời. Nhưng cũng có người nói rằng: nhiều khi ở phút lâm chung, người sắp ra đi đã nở một nụ cười thỏa ý, thế thì tại sao khi bước qua một thân xác mới thì nụ cười đó lại không được đi theo?

Kính bạch Sư Phụ,
Vì đa phần những người nở được nụ cười thỏa ý là họ đã đi về một cảnh giới cao hơn rồi.

Đúng lắm! Người nở một nụ cười thỏa ý vào phút lâm chung thường là những người có một sự an nhiên tự tại nơi tâm hồn. Không nhất thiết người đó phải tu tập mới tìm được niềm an nhiên tự tại, mà niềm an nhiên tự tại vẫn có thể phát triển trong một tâm linh của người chưa biết tu tập. Tuy nhiên, muốn được an nhiên tự tại, điều kiện cần thiết là giữ cho tâm của mình không bị vọng động. Trở lại với kiếp người, đó là một con đường cao hơn tam đồ nhưng vẫn thấp hơn cõi Trời và cõi Phật. Phải nhớ rằng, nếu luôn luôn nuối tiếc những gì mình thụ đắc trước lúc lâm chung, thì khi bước vào phút lâm chung, sẽ luôn luôn nuối tiếc những gì xảy ra trong kiếp vừa qua.

Kính bạch Sư Phụ,
Có phải tự trong thâm tâm mình tạo ra sự ngăn cản khiến cho mình không thể đi đến một cảnh giới cao hơn được, do cái nuối tiếc của mình nó ràng buộc mình trở lại cõi này?

Đúng vậy. Rất đúng! Cho nên bắt đầu của sự nuối tiếc là một tiếng khóc. Thầy nói dông dài từ nãy giờ, thật ra chỉ gom lại có hai chữ Nuối Tiếc mà thôi. Bắt đầu của cái khổ là nuối tiếc. Vì nuối tiếc cho nên còn vương vấn, vì vương vấn không thỏa được ý muốn của mình, nên cảm thấy rằng mình thiếu thốn một cái gì đó; để rồi từ đó, chúng sanh lại bắt đầu trôi lăn, trôi lăn để đi tìm cái thiếu thốn. Nhưng vẫn chưa biết được mình thiếu thốn cái gì. Nhiều khi cho đến hết cuộc đời cũng vẫn không tìm ra được cái thiếu thốn của mình. Đầu mối của sự đau khổ chính là nuối tiếc. Để rồi từ đó sẽ tạo ra nhiều sợi dây thắt chặt, thắt chặt. Càng nuối tiếc lại càng tạo tác thêm, càng tạo tác thêm thì lại càng dễ sa lạc.

Hèn chi có những người mang một sự mất mát quá lớn lao, và vì họ nuối tiếc cái mất mát đó nên đâm ra uất hận rồi tìm đủ mọi cách trong đời này, không xong đời này thì để tới đời sau, để trả cái mối hận đó. Nhưng mà trả xong rồi, kết cuộc cũng vẫn không lấp đầy được cái lỗ hổng nuối tiếc đó. Vậy cái gì mới có thể lấp được cái khoảng trống nuối tiếc ở trong một con người?

Để lấp cái khoảng trống đó chỉ có một điều duy nhất là tu tập mà thôi! Vì trong quá trình tu tập, hành giả sẽ nhận chân ra được cái tánh chất KHÔNG của tất cả sự vật trên đời, thì tức khắc, sự nuối tiếc sẽ biến mất, không còn hiện hữu nữa, vì sự nuối tiếc vẫn còn là chấp hữu. Nhưng một khi nhận chân ra được tánh không của vạn pháp, tức là của tất cả sự vật trên đời, không có cái gì là chấp hữu, thì tất nhiên rằng sẽ hiểu một cách sâu xa là sự nuối tiếc cũng là không. Vì nuối tiếc về một cái gì, mà một cái gì đó nó thuộc về tánh Không chứ không thuộc về tánh Hữu, mà một khi đã không thuộc về tánh Hữu thì làm sao có cái gì để Thụ Đắc? Đã không có cái gì để thụ đắc được thì tất nhiên hai tay chỉ nắm lấy khoảng không mà thôi. Khi đó sẽ không còn cái gì để nuối tiếc nữa đâu!

Cho nên, sự tu tập giúp cho hành giả rất nhiều để làm tan biến đi tất cả những sự uất hờn, những sự nuối tiếc, những điều vui buồn trong quá khứ. Nói là quá khứ, nhưng nó vẫn là khởi đầu của hiện tại; một khi đã hiểu rõ như vậy rồi, sẽ không còn gì để nuối tiếc nữa cả. Mà khi không còn gì để nuối tiếc thì mới có thể sống an nhiên tự tại và không thắt chặt vào việc đi tìm cái mà mình nuối tiếc.

Vậy là đâu có một lỗ hổng nào để mà cần phải lấp?

Đúng vậy. Mà khi không có lỗ hổng nào để lấp thì có cảm thấy khổ nữa hay không?

Dạ không. Nhận thức được điều đó thì giữ tâm bình quá dễ!

Đúng như vậy!

Then chốt của vấn đề trong khổ nạn chính ở tâm bình. Tâm bình là một chìa khóa lớn để mở biết bao nhiêu cánh cửa. Không giữ được chìa khóa của tâm bình thì không thể nào mở được tất cả các cửa.

Cho nên khi hiểu rõ ràng như vậy rồi thì khổ nạn trên đời không còn nữa. Một khi khổ nạn đến với mình, cần phải giữ tâm bình để có thể nhận diện được khổ nạn này như thế nào, ra làm sao. Tính chất của nó như thế nào khiến cho mình luyến tiếc để đưa đến cái khổ? Một khi mình đã vạch mặt, chỉ tên nó được rồi thì việc mình muốn hủy diệt nó là việc búng tay không gì khó cả. Không loanh quanh đi tìm nơi đâu nữa. Vì càng tìm, càng sẽ bị vướng mắc vào sợi dây do chính mình bung ra.

Cho nên trên đời này, từ việc lớn cho đến việc nhỏ, từ việc khó khăn cho đến việc rất dễ dàng, tất cả đều nằm trong một chữ Bình mà thôi. Khi giữ được tâm bình rồi thì tấm gương sẽ sáng ngời. Vì không có gì để có thể chao động nó, cho nên tất cả mọi thứ đều hiện rõ trong gương và có thể nhìn vào đó để phân tích một cách dễ dàng những gì xảy đến cho mình. Từ đó sẽ dễ dàng để có thể hành động mà giải tỏa tất cả những khó khăn.


+ 107