• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Tâm Bình

Jun 22 2014
Dream of Spring - Jaewoon U - 65326853 Dream of Spring - Jaewoon U - 65326853 500px

Trong các bài pháp trước, Thầy đã bảo: “Tâm Bình là cái chìa khóa lớn, có thể mở được tất cả các cửa”.

Có giữ được Tâm Bình thì mới có thể làm giảm thiểu được những khổ đau, hoặc đến trực tiếp với mình (do sự tác động của nghiệp lực) hoặc do mình vấy vào nghiệp lực của kẻ khác.

A. Giữ Tâm Bình khi phải đối diện với nghiệp lực của chính bản thân mình:

Khi nghiệp lực réo gọi hay nói nôm na là chủ nợ đến đòi, cá nhân đang bị nghiệp lực chi phối đó, theo thói thường sẽ cố gắng vùng vẫy, càng ra sức thì càng bị siết chặt bởi sợi dây thòng lọng nghiệp lực. Đó là chưa kể, những sự kiện xảy ra, tác động liên tục lên cá nhân, gây tạo sự khổ đau cho chính cá nhân đó. Sự sân hận, sự tức tối, sự đau buồn, sự khổ sầu của cá nhân càng khiến cho cái Tâm bị khuấy động, khơi dậy những ý tưởng bất thiện, và từ đó làm ngòi nổ cho một loạt tánh xấu của chính bản thân mình; vòng tròn nghiệp lực lại cứ tiếp tục quấn như một cái lo xo chung quanh cá nhân đó. Thay vì chỉ phải đối đầu với một nghiệp lực xảy tới, cá nhân giờ đây phải bị vướng mắc vào một dây lò xo nghiệp lực!

Thầy đã từng nói: “Thấy như không thấy, nghe như không nghe, biết như không biết, đó chính là sự thản nhiên không thụ đắc”.

Thản nhiên trước nghiệp lực tới và thản nhiên khi nghiệp lực đi, thậm chí ngay cả lúc nó đang quậy phá mình, thì như vậy mới có thể làm tan biến nghiệp lực được. Tóm lại, đừng bao giờ để lục dục thất tình xen vào bất kỳ một sự việc gì mà mình thấy, nghe và biết.

Phải nhớ một điều rằng: tâm không bình cũng giống như thau nước lúc nào cũng chao động, nếu chao động thì có thể nào nhìn thấu tới đáy hay không!? Do đó bắt buộc phải giữ tâm bình. Tâm giữ được bình sẽ đem lại cho mình rất nhiều điều lợi lạc. Chuyện trước tiên, nếu ta nói về phương diện ngoại hình thì tâm bình sẽ làm cho đầu óc không bị chao động, tim không đập dồn dập, ngũ tạng được an lành thì cuộc sống sẽ bình an.

Kế đó, nếu nói về người tu tập giữ được tâm bình, thì khi tu tập sẽ tư duy được sâu sắc thâm ý của chư Phật và Bồ Tát. Người giữ được Tâm Bình thường xuyên mới bảo đảm được một tâm bình ở vào phút lâm chung, mới có thể nhất tâm bất loạn trì Chú và niệm Phật cầu vãng sanh. Người giữ được tâm bình sẽ dễ dàng giao cảm với chư Phật và Bồ Tát. Và càng xa hơn nữa, người giữ được tâm bình sẽ cảm thông được vũ trụ bao chung quanh mình, từ đó sẽ có thể lắng nghe được tiếng rên siết của từng côn trùng một thì xá gì tiếng gọi đau thương của chúng sanh đang ở cách mình rất xa. Cho nên giữ tâm bình sẽ lợi lạc vô cùng. Và nhất là giữ tâm bình sẽ không tạo thêm nghiệp chướng.

B. Giữ tâm bình để không vấy vào nghiệp lực của kẻ khác.

Nghiệp lực càng vẫy vùng, phương tiện càng phải nhiều hơn. Phải luôn luôn định tâm, vì không định tâm sẽ khiến cho mình vấy vào nghiệp lực của kẻ khác ngay tức khắc. Nếu không định tâm được thì mình sẽ giống như là một chong chóng quay không ngừng nghỉ, cho nên cần phải thận trọng, đừng để cho vòng tròn nghiệp lực của mình tiến gần đến vòng tròn nghiệp lực của kẻ khác; càng tránh xa nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Mà muốn tránh xa được, duy nhất chỉ có sự Định Tâm mà thôi!

Không định tâm là sẽ bị hút ngay liền tức khắc vào nghiệp lực của kẻ khác. Giữ tâm bình, bỏ ngoài tai, không nhìn thấy, không màng ngó tới thì tất cả sẽ không bị ảnh hưởng. Do đó, Thầy lập lại một lần nữa là: biết như không biết, thấy như không thấy, nghe như không nghe, là điều vô cùng quan trọng! Thầy cần phải nhắc đi nhắc lại vòng chu kỳ của nghiệp lực, nó quan trọng vô cùng, nếu không định được tâm, không định được ý và để cho tánh xấu bùng lên một cách dễ dàng thì tức khắc sẽ bị vấy vào nạn tai của kẻ khác.

Chúng sanh trong cõi Ta Bà, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, lần lượt bị vấy từ nghiệp lực của người này qua nghiệp lực của người khác, tiếp tục … tiếp tục không ngừng nghỉ, vì vậy mà cứ rối bời lên, không có phương nào để gỡ ra. Tâm chúng sanh khó lòng như như bất động được. Phải tu tập rất lâu dài mới có thể giữ tâm như như bất động. Tuy nhiên, nếu quyết tâm thực hành và trau giồi thì việc giữ tâm như như bất động không phải là điều không làm được. Cố gắng để Tâm không bị chao đảo, không khởi lên những ý không tốt đẹp và nhất là không để cho tánh sân hận của mình nổi lên.

Nhận chân được nghiệp lực của một người đang bị dấy động, để rồi tránh khỏi vòng nghiệp lực của họ, đừng để cho họ vấy vào mình là một điều rất tốt. Cố gắng để làm cho tâm mình vững hơn nữa, sự chao đảo càng ít chừng nào càng tốt chừng nấy. Thầy không đòi hỏi một sự gò bó quá sức, vì như vậy sẽ dễ dàng thất bại, cho nên đi từng bước một là điều rất là tốt đẹp, cất bước được để đi là cũng đã tốt lắm rồi, huống chi đi được nhiều bước chừng nào thì kết quả sẽ càng mau chóng thành tựu. Không cần một sự dồn dập ồ ạt, vì như vậy sẽ không mang đến một kết quả tốt đẹp và lâu dài. Chỉ cần nhận thức được rằng mọi việc xảy ra bên ngoài, nó thuộc về bên ngoài chớ không thuộc về của ta.

Ta nhìn, ta thấy, ta nghe, ta nhận biết được nhưng ta không thụ đắc nó thì tức khắc ta sẽ cảm thấy An Bình. Nhớ rõ một điều: ta càng thụ đắc nó nhiều chừng nào thì ta lại rơi vào một sự vọng động như cuồng sóng nổi lên, khi đó tánh sân hận sẽ bộc phát ngay.

Chúng sanh nào cũng vấp phải tánh sân hận. Rất ít chúng sanh không có tánh sân hận. Tánh Sân vì gắn liền với Tự Ái cho nên rất dể nổi lên, vì vậy rất là khó diệt. Do đó đứng trước bất kỳ một sự việc gì xảy ra từ bên ngoài, đừng để cho tánh sân hận của mình vấy vào, muốn như thế thì mình đừng thụ đắc nó. Xem như mình là khách bàng quan thiên hạ, đứng nhìn sự việc xảy ra, xong sự việc rồi lại cất bước quay lưng, thản nhiên và không thụ đắc nó, thì như vậy mới có thể tự bảo vệ mình được.

Kính bạch Sư Phụ,
Về những cách giữ tâm bình: có người thì thiền để giữ tâm bình, có người niệm Phật để luyện cho tâm bình, cũng có người tập lắng nghe một tiếng động để luyện tâm bình. Cách nào thực tế nhất để luyện tâm bình?

Người muốn giữ tâm bình, chuyện trước tiên là phải tập Thản Nhiên mới có thể tiến lần đến giữ tâm bình được. Vì sao? Nếu bây giờ Thầy giơ tay đánh vào con, nếu con thản nhiên thì con có cảm nhận được Thầy đang đánh vào hay không? Có thể nói rằng con cảm nhận được cái đau, nhưng cái đau đó nó xuất phát từ đâu? Nó xuất phát từ ở cái tâm chao động, vì tâm của con chao động cho nên mới cảm nhận được cái đánh của Thầy. Kế tiếp, cái ý của con chao động cho nên con mới cảm nhận được cái đánh của Thầy đau. Nếu bây giờ con thản nhiên có nghĩa là tâm không chao động thì sẽ không đón nhận được cái đánh của Thầy. Nếu ý thản nhiên thì sẽ không nhận ra rằng cái đánh của Thầy làm con đau.

Do đó, muốn giữ tâm bình không phải dễ, cần phải có sự tập luyện lâu ngày, nhưng không có nghĩa là không thể nào làm được. Chuyện trước tiên là phải biết thản nhiên, việc kế tiếp là phải biết Buông Thả. Nếu không biết buông thả thì tư tưởng của mình sẽ bị nắm chặt và khi bị nắm chặt thì nó sẽ làm cho ý dao động, tâm dao động, như vậy sẽ không thể nào giữ được sự phẳng lặng.

Khi nãy Thầy có nói rằng: thấy như không thấy, nghe như không nghe, cảm nhận biết nó nhưng không chấp vào trong cái đó.

Đúng vậy, không chấp vào tức là buông thả. Mà một khi mình không chấp vào thì tất nhiên mình không ghi nhận rằng nó có, một khi không ghi nhận rằng nó có thì điều kiện để tạo ra gió có hay không? Khi mình không ghi nhận rằng nó có thì sẽ không có gió.1

Ghi nhận này lại là một cái thọ, quán thọ thị khổ, không thọ nhận thì lấy gì có, không có thì lấy gì khổ?

Đúng vậy! Thành ra không có gió thì làm sao có thể tạo được những đợt sóng từ lăn tăn cho đến dồn dập. Vì vậy không thọ bất kỳ một cái gì xảy tới thì mới có thể giữ được tâm bình.

Vấn để này có hơi khó hiểu. Do đó cần phải tu tập để có một trí huệ bát nhã thì sẽ hiểu thấu được lời của Thầy nói. Chuyện trước tiên là cố gắng giữ cho thản nhiên trước mọi việc xảy ra trước mắt mình. Sau đó đừng chấp vào, đừng chấp có nghĩa là đừng thọ vào những điều mình thấy thì như vậy tâm mình không động, ý mình không rung chuyển thì mình mới có thể giữ được tâm bình. Một khi tâm được bình thì sẽ không tạo ra gió, vì gió nổi lên là tánh sẽ nổi lên, khi tánh sân nổi lên là tức khắc nghiệp lực chực chờ ngay.

Khi tu tập, điều quan trọng chính là sự sám hối; thường xuyên sám hối, trì Chú, rồi đến câu niệm Phật, sẽ giúp cho trí huệ bát nhã phát ra, nhờ đó mà hành giả có thể định tâm một cách dễ dàng. Ở buổi ban đầu, phải chiến đấu rất là nhiều mới có thể thản nhiên được. Thầy biết chuyện thản nhiên không phải dễ dàng, nhưng đó là điều kiện cần yếu trước tiên, nếu không thực hiện được thì không qua tới giai đoạn thứ nhì là thọ đắc.

Cho nên phải ráng cố gắng giữ tâm thanh tịnh. Lúc đầu có thể không được lâu lắm, nhưng sự luyện tập mỗi ngày một chút thì lần lần thời gian sẽ kéo dài hơn, dùng câu trì Chú để nhiếp thân – khẩu – ý. Sau khi nhiếp được thân – khẩu – ý rồi, cố gắng giữ cho thân – khẩu – ý bất động từng chút … từng chút. Lần lần sẽ giữ được dài lâu hơn. Khi giữ được dài lâu hơn thì sẽ trau giồi nó để giữ được không phải năm phút, mười phút mà là một tiếng, hai tiếng, một ngày, hai ngày, rồi thì tiến lần đến lúc nào tâm cũng bình.

Con cố gắng tư duy lời Thầy nói, vì đây là một điều không phải dễ. Không tư duy sẽ không thể nào tiến được. Cần phải tư duy nhiều, chính những lúc đó mình mới nhận chân ra được rằng mình là ai, mình đã làm gì và mình hành sử mọi việc như thế nào.

 

________________

1 – Xem lại bài Làm Thế Nào Để Tiêu Nghiệp


+ 120