• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Cúng Cô Hồn

Aug 17 2016
82984504 82984504

Kính bạch Sư Phụ,

Theo thông lệ, mỗi năm cứ vào ngày rằm tháng Bảy Âm lịch, dân gian thường hay tổ chức cúng Cô Hồn. Đây có phải là một tục lệ mang tính cách mê tín dị đoan, chẳng hạn như
: dân gian sợ Cồ Hồn phá phách khiến cho cuộc sống của mình không được bình an, yên ổn cho nên phải cúng kiến, hoặc muốn được khỏe mạnh, ít bịnh hoạn nên bày ra việc cúng Cô Hồn? Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ.

Trước tiên, Thầy xác định rằng: việc cúng Cô Hồn không phải là một mê tín dị đoan mà đó là một việc nên làm của người còn sống đối với người đã chết. Tuy nhiên, việc làm này phải theo một nguyên tắc hẳn hòi mới đem lại một ý nghĩa sâu xa và một lợi ích thiết thực cho cả đôi bên: người sống lẫn người chết!

Từ ngữ CÔ HỒN mang một ý nghĩa là một Vong Linh bơ vơ, cô độc, lang thang, vất vưởng...không có thân nhân “ghé mắt” đến, hay nói một cách đúng nghĩa, đó là một Vong Linh không siêu thoát.

Vong Linh không siêu thoát là Vong Linh còn mang vướng mắc đi theo mình ngay khi lìa khỏi thân xác: vướng mắc đó có khi là một nỗi sân hận, có khi là một sự nuối tiếc, có khi là một nỗi oan tình, một niềm ẩn ức; cũng có khi là một hay nhiều nghiệp chướng đã gây tạo mà chưa có dịp thanh toán, cũng có lúc đó là một sự ấp ủ trong lòng về một việc gì mà chưa kịp giải bày hay phân tỏ v.v…

Thần thức bước ra khỏi thân xác, ôm tất cả những điều đã kể trên đi theo với mình. Con thử nghĩ đi, một người còn sống mà phải luôn đối diện với những việc khiến cho mình không nhẹ trí được, cứ phải luôn suy tư, đối phó, thử hỏi họ có sống được trong sự bình thản, nhẹ nhàng hay không? Đường đời đối với họ sẽ là một con đường gập ghềnh, nhiều lỗ hổng, không bằng phẳng, lúc nào họ cũng phải để ý đến bước chân của mình để không bị sụp hầm sa hố.

Vong Linh cũng không khác chút nào! Giờ chỉ còn là một linh hồn nhẹ như sương, như khói, kéo sao cho nổi, dù chỉ một vương mắc, đừng nói chi đến nhiều vướng mắc. Vong Linh bơ vơ, lạc lõng trong một khung cảnh “mới”, trong một môi trường “mới”, lòng hoang mang không định được hướng đi, cứ lê cái “thân” Vong Linh nặng nề đến không cất nhắc nổi, cố tìm một nơi nghỉ chân nhưng vẫn không sao tìm thấy được. Vong Linh cứ loay hoay, rồi lòng vòng, cuối cùng thì cũng vẫn không rời được nơi mình đang đứng.

Cõi dương không thiếu kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu.

Cõi âm cũng ngập tràn cảnh ma cũ ăn hiếp ma mới, kết bè, tụ đám; rồi bổn cũ soạn lại, những Vong Linh yếu ớt phải phục dịch, làm nô lệ cho Vong Linh nào có nhiều ưu thế hơn, không tránh khỏi nghìn muôn sầu khổ xảy ra! Đó là chưa kể, có khi Vong Linh còn bị bắt làm âm binh, chịu sự sai khiến của những kẻ tà đạo, hung hiểm trùng trùng, khó lòng thoát khỏi.

Một Vong Linh lìa khỏi thân xác rồi, nếu đã trở thành một Vong Linh không siêu thoát, thời gian có thể kéo dài đến cả ngàn năm như không chớ đừng nói đến vài năm hay vài chục năm, hoặc trăm năm. Điều này không có gì ngạc nhiên cả; một món đồ được cất giữ ở một nơi mà không có ai đụng tới, thì nó sẽ ở mãi vị trí đó cho đến khi nào có người biết mà tới lấy nó ra. Đối với một Vong Linh không siêu thoát, thân nhân trên dương thế không làm sao biết được để mà giúp đỡ thì mãi mãi vẫn giữ tình trạng không siêu thoát đó cho đến khi nào gặp được một thiện tri thức vạch rõ cho Vong Linh thấy rằng: Vong Linh đang ôm cái vướng mắc, chính cái vướng mắc đó đã làm cho Vong Linh trở nên nặng nề, không xoay chuyển được. Khi Vong Linh cảm nhận được điều đó, thần thức rung động, Tâm Thức lóe sáng, Vong Linh sẽ như người vừa bừng tỉnh sau cơn mê, Vong Linh sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và cơ hội thác sanh chỉ còn trong gang tấc.

nh bạch Sư Phụ,
C
ó phải rằng: một người khi đã chết, thần thức của họ sẽ chỉ ở lẩn quẩn cái nơi mà người đó chết?

Không hẳn như vậy đâu!

Cần ghi nhận 2 trường hợp:

Trường Hợp 1:

Một người bịnh nằm trong nhà thương và mất ở nơi đó.

Sau đó, thân nhân siêu độ cho Vong Linh ở tại nhà trong 49 ngày, thần thức siêu thoát và tìm đúng chổ thác sanh của mình: cõi Phật hay cõi Trời hoặc cõi Người.

Nên ghi nhớ một điều: khi được siêu độ đúng cách trong 49 ngày liên tục sẽ không có việc thần thức đọa Tam Đồ!

Trường Hợp 2:

Cũng là một người bịnh nằm trong nhà thương và chết ở nơi đó.

Người này không có thân nhân, không có ai nhìn xác để đem về an táng. Nhà thương sẽ mang xuống nhà xác và cất giữ trong một kho chứa xác để dùng vào việc mổ xẻ thực tập cho các sinh viên y khoa.

Trong trường hợp này, người chết cũng có thể là một người không có vướng mắc, sau 49 ngày, thần thức của họ sẽ được nghiệp lực dẫn đường để đi thác sanh: hoặc về cõi Người hoặc đọa Tam Đồ.

Nếu về cõi Người, thần thức cũng vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, duy có điều rằng nghiệp lực của họ sẽ chi phối rất nhiều trong việc tìm kiếm cha mẹ để thác sanh.

Cũng có khi người này lại là một người thâm nhập đạo Pháp rất cao sâu, nhưng vì một lý do nào đó, họ qua đời ở nhà thương, không thân nhân, không bạn bè thân thiết, họ hoàn toàn không có vướng mắc, thanh thản nhẹ nhàng ra đi. Cực Lạc hay cõi Trời sẽ là nơi chốn họ được rước về vào giờ phút lâm chung.

Nếu người chết ra đi với vướng mắc và trong suốt 49 ngày không có ai siêu độ cho họ, Vong Linh sẽ không siêu thoát, khi đó Vong Linh sẽ lẩn quẩn ở nhà thương tức là cái nơi mà họ đã chết ở đó.

Cũng mang cùng một ý nghĩa đó đối với một người bị tai nạn xe cộ và chết ngay tại chỗ.

Trong trường hợp này, sự va chạm giữa hai xe quá bất ngờ, quá nhanh và quá mạnh khiến cho người chết chưa kịp nhận ra là chuyện gì đã xảy tới cho mình và thần thức cũng sẽ rất là bỡ ngỡ và chưa nhận thức được là mình đang ở đâu kể cả việc nhận ra rằng mình đã lìa đời.

Phải mất thời gian từ 3-7 ngày, thần thức mới nhận ra được việc gì đã xảy ra cho mình và hiện giờ mình đang là một Vong Linh.

Tuy nhiên, nếu Vong Linh đó đang mang vướng mắc thì cũng vẫn loay hoay lẩn quẩn ở nơi chốn đã xảy ra tai nạn mà không sao nhận được phương hướng để đi. Thông thường thì đa số đều bị vướng mắc. Cái vướng mắc chung cho hầu hết tất cả Vong Linh chết ngay tức khắc sau tai nạn, chính là SỰ SỢ HÃI.

Cũng ghi nhận 2 trường hợp:

  1. Nếu nạn nhân được thân nhân đem về nhà để siêu độ liên tục trong 49 ngày thì Vong Linh sẽ có cơ hội để chọn lựa giữa cảnh giới Phật, cảnh giới Trời hay cảnh giới Người mà thác sanh.

    Khi siêu độ, việc trước tiên phải làm là: nhắc nhở cho Vong Linh biết, đã có tai nạn xe xảy ra, và Vong Linh đã rời thân xác ngay sau đó. Hiện giờ thì Vong Linh còn trong thời gian đặc ân 49 ngày, được thân nhân giúp đỡ, chỉ dẫn để tu tập hầu có cơ hội chuyển cảnh giới thác sanh. Vong Linh sẽ tự lựa chọn cảnh giới thác sanh cho mình: hoặc về cõi Phật hay về cõi Trời hoặc trở lại kiếp Người, tùy vào sự cố gắng tu tập, sửa đổi Tâm - Ý - Tánh của Vong Linh, thân nhân sẽ tận tình giúp đỡ để cho Vong Linh tìm được một hướng đi đúng ý.

    Vong Linh giờ đã hiểu tại sao tôi qua đời, tai nạn xảy ra gây cho Vong Linh một sự sợ hãi quá tột cùng, nó không khác một tảng đá nặng đè lên cái hình vóc quá mỏng manh của Vong Linh khiến Vong Linh không sao cất bước được. Lời giải thích của người chủ lễ giúp cho Vong Linh trút được cái gánh nặng và cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

    Tuy nhiên, nếu bên cạnh đó vẫn còn một vài vướng mắc khác thì người chủ lễ cần phải giúp thêm nhiều cho Vong Linh qua phần giảng Pháp.

    Có đôi khi tai nạn xảy ra là do nghiệp lực giữa đôi bên; nghiệp lực đòi mạng của Vong Linh thì Vong Linh không thể nào từ chối được, do đó vấn đề nghiệp lực, nhân quả phải được nhắc nhở nhiều trong phần giảng Pháp vì nó là cái mấu chốt gây tạo niềm sân hận cho Vong Linh.

  2. Nếu Vong Linh không có thân nhân siêu độ trong 49 ngày, Vong Linh mang vướng mắc là một sự sợ hãi, ngoài ra cũng có thể còn một vài vướng mắc khác nữa, Vong Linh sẽ không siêu thoát và cứ lẩn quẩn ở nơi xảy ra tai nạn. Trên thực tế cũng có một vài nơi mà việc xảy ra tai nạn xe rất là thường xuyên, chịu khó tư duy sẽ biết ngay rằng nơi đó có nhiều Vong Linh không siêu thoát do tai nạn xe.

    Nếu Vong Linh được đưa về chùa và nếu việc siêu độ không được thực hiện đúng cách và tận lực, sau 49 ngày, Vong Linh cũng vẫn còn mang vướng mắc, khó lòng định được hướng đi, do đó sẽ rơi vào tình trạng không siêu thoát, cứ lẩn quẩn ở chung quanh chùa.

Những Vong Linh nào không bị vướng mắc thì sẽ theo nghiệp của mình mà đi sau 49 ngày, hoặc trở lại kiếp Người hoặc đọa Tam Đồ.

Kính bạch Sư Phụ,

Trở về với các Cô Hồn là những Vong Linh không siêu thoát, những Vong Linh này đã phải chịu cảnh đọa đày, lang thang đói lạnh, không biết từ bao nhiêu lâu? Họ không siêu thoát vì họ còn mang vướng mắc, những vướng mắc mà họ không thể tự mình tháo gỡ được, cái vướng mắc đã làm cho trí huệ của họ bị lu mờ, họ cần có người giúp đỡ để được bừng sáng, để nhận chân ra được những vướng mắc của mình.

Ngoài ra còn phải kể đến việc, trong số những Cô Hồn đói lạnh, lang thang, biết đâu rằng ông bà, cha mẹ, anh chị em, dòng họ hay bạn bè thân thích của mình cũng gồm luôn trong đó. Nếu mình đã chưa từng tự tay siêu độ cho họ thì làm sao mình biết được thân quyến của mình đã “an toàn” ra đi?

Vấn đề con đặt ra nơi đây là việc cúng Cô Hồn có phải là một việc làm thiết thực và cần yếu mà người còn sống giúp cho người đã lìa đời hiện đang trong tình trạng không siêu thoát?
Nếu đã phát đại tâm giúp đỡ, người đời phải làm như thế nào để đem lại một kết quả thật là lợi lạc?

Thầy trả lời khẳng định với con rằng: việc cúng Cô Hồn là một việc mà chúng sanh của cõi Ta Bà cần phải nên làm.

Trong bài nói về Tình Tương Trợ, Thầy đã bảo rằng: mỗi chúng sanh có cửu huyền thất tổ, có nghĩa là bảy đời ông bà cha mẹ, chín đời bà con dòng họ, trồi lên sụt xuống, rồi thì tất cả đều cùng quen biết nhau, không có ai là người lạ cả. Lạ ở kiếp này nhưng lại là thân tình ở kiếp trước. Cho nên, trên phương diện thân tình, giúp đỡ nhau là một điều không thể chối từ. Giúp đỡ nhau khi còn sống hay khi đã chết đó là chuyện hiển nhiên.

Trên phương diện nhân sinh, gặp một người ngoài đường đói rách, run rẩy, ăn xin, mình còn thấy động lòng nên phát tâm bố thí. Đối với một Vong Linh lang thang, đói lạnh không biết phải đi về đâu để tìm chỗ thác sanh, việc mở rộng tấm lòng để cho họ một bữa ăn, thật không có gì là quá đáng!

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản ở việc “cho họ ăn”! Phải nên nhớ kỹ rằng: Vong Linh lang thang vất vưởng là vì không siêu thoát, có nghĩa là hoặc họ không được siêu độ hay được siêu độ nhưng không đúng cách và đúng mức, do đó Vong Linh không buông xả được vướng mắc của mình. Con nên nhớ rằng: có đến 12 loại Cô Hồn, Thầy có thể kể ra như sau:

Tiền thân của Cô Hồn có thể là:

  1. Một vị vua chúa, chết đi trong sự uất hận vì bị người chiếm đoạt ngôi cao của mình.
  2. Thân làm tướng lấy da ngựa bọc thây, chết bất đắc kỳ tử nơi trận mạc, nào là sân hận, nào là nuối tiếc, nào là sợ hãi, nào là tham luyến vì tưởng rằng mình được hóa ra thua, đành chết tức tưởi, không một lời giả biệt cùng thân quyến.
  3. Những kẻ tha phương cầu thực rời xa gia đình tìm sanh kế, chẳng may ốm đau hoạn nạn, không ruột rà thân thích đỡ đần, phút lâm chung lòng dạ rối bời, vợ con hay thân nhân ruột thịt không hay kịp mà lo lắng cho.
  4. Những kẻ vùi mài trên sách vở, lòng mong cầu một ngày thành danh, xênh xang áo mũ, nhưng bỗng thoắt mệnh yểu, ra đi mà lòng ngập tràn tức tối vì không thể thỏa chí bình sinh.
  5. Những người xuất gia, bước vào cửa đạo nhưng không thấu đáo được diệu lý thâm sâu ẩn tàng nơi Kinh điển. Vì không thâm nhập được Pháp nên không thể hành được Pháp, chỉ là lập lại suông lời Kinh tiếng kệ. Họ chết với tất cả sự tiếc nuối vì chưa đạt được cái rốt ráo của việc tu tập.
  6. Những hạng người thích tìm hiểu và tập luyện tà đạo; những người chuyên đoán vận mạng cho kẻ khác nhưng không thể hiểu được vận mạng của chính bản thân mình để mà hoán chuyển hay sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Họ sống trong sự mờ mịt của tâm linh, trí huệ gần như lu mờ, khó lòng tìm được một sự thăng hoa đúng nghĩa.
  7. Những phú thương, trọc phú tham lam lợi nhuận, bất kể thủ đoạn, gom tóm thật nhiều, cái chết đến bất kỳ khiến hồn phách cứ dật dờ vì nuối tiếc của cải, bạc tiền. Hạng tiểu thương buôn gánh bán bưng, dày dạn gió sương, kiếm sống từng ngày, gặp cảnh khốn cùng, ra người thiên cổ, hồn lìa khỏi xác nhưng lòng vẫn trăm mối tơ vò, không lìa lo lắng.
  8. Chiến sĩ sa trường, một đi không trở lại, cuộc đời kết liễu với trăm nỗi hận: hận kẻ thù cướp nước, hận chiến tranh vô tình, độc ác, hận lòng người đen bạc đem khổ sầu tan thương đến cho dân lành, hận bản thân mình nhỏ nhoi, trên đe dưới búa, chốn sa trường phải đem thân đỡ đạn, vinh quang hiển hách dành cả cho cấp chỉ huy và sau cùng, mối hận gay gắt nhất chính là bỏ hết việc nhà, bỏ cha bỏ mẹ, vợ yếu con thơ để lo toan việc nước, gìn giữ quê hương.
  9. Những sản phụ sanh khó, đi biển một mình, không vượt qua được sóng gió, cả mẹ lẫn con đều ra người thiên cổ. Hận rằng con vừa mới chào đời chưa kịp cất lên tiếng khóc, đã vội vã ra đi; mặt cha chưa nhìn tạn, hơi cha chưa được quen, con đã thành kiếp Vong Linh. Tình vợ chồng chưa đủ thắm, Nghĩa phu thê vẫn chưa tròn, nay hồn lìa khỏi xác mang đứa con đỏ hỏn, nỗi tủi hờn này biết sao cho tan được.
  10. Những kẻ mang nghiệp sát, thân nhiều tật bịnh, nạn tai chất chồng, có khi thân mang khuyết tật, sống kiếp tôi đòi, hèn mọn, hoặc mang thân làm kẻ buôn hương bán phấn, số phận thật là hẩm hiu, buồn thảm. Họ ra đi mang trong lòng một niềm u uất, không gia đình, không thân thuộc tiển đưa, kể cả việc không có lấy một ai để mà siêu độ cho họ cả. Nỗi uất nghẹn đó không khác gì một tảng đá nặng đè lên đôi vai mỏng manh của một linh hồn.
  11. Những kẻ mà cuộc sống không có ngày mai, lề đường, gầm cầu, bụi cây hay một hốc nhỏ tối tăm nào đó làm nơi che mưa đỡ nắng; những kẻ chịu oan án phải bị đọa đày đến chết rục trong ngục tù; những kẻ chờ để thọ án tử hình, họ có thể chết dưới lưỡi đao của đao phủ thủ hay dưới lằn đạn của các xạ thủ, họ cũng có thể chết trên ghế điện, chết vì viên thuốc độc, chết vì bị cực hình, hay bởi dây thòng lọng. Họ chết trong sự sợ hãi và trong sự ngập tràn tiếc nuối một sự sống ở trên đời.
  12. Người tự tử kết liễu cuộc đời mình để cho mọi người thấy rõ rằng họ đã bị oan tình hay một ẩn ức mà họ không thể nào phân tỏ được. Họ ôm mối oan tình, sự ẩn ức đi theo họ và biết đến bao giờ khối oan tình đó, sự ẩn ức đó sẽ tan thành tro bụi?

Người đời chỉ nghe, chỉ biết loáng thoáng là có 12 loại Cô Hồn, nhưng (có thể) chưa có dịp đào sâu vô từng mỗi loại Cô Hồn để hiểu rỏ những vướng mắc nào mà các Cô Hồn đã gặp phải, đã đè nặng trên cái linh hồn nhẹ như sương như khói đó, và đã khiến cho linh hồn phải chịu cảnh vất vưởng lang thang không siêu thoát trải qua nhiều năm nhiều tháng, thậm chí đến cả ngàn năm, không một ai hay ai biết mà giúp đỡ để thoát cái vướng mắc đó. Thầy đã từng nói: nơi cõi Âm, tìm được một thiện tri thức quả là mò kim đáy biển!

Con hãy tư duy kỹ lại đi, sẽ thấy rằng, tất cả những vướng mắc của Cô Hồn không ngoài 3 loại Tham – Sân – Si. Một Tâm – Ý – Tánh thiếu trau giồi và chăm sóc lúc còn sống, khi ra đi cùng với linh hồn về bên kia thế giới, sẽ làm trĩu nặng cái linh hồn và làm vướng bận bước chân của thần thức.

Ngay cả người xuất gia một đời tu tập, nhưng không thấu hiểu được một cách thâm sâu Tâm – Ý – Tánh, cũng vẫn không thể làm cho mình thăng hoa được ngay khi còn sống, do đó, việc mang theo vướng mắc vào phút lâm chung là điều không có gì lạ cả! Dù thuộc bất kỳ tông phái nào của đạo Phật, hay bất cứ tôn giáo nào trên thế giới, cấu trúc của một linh hồn đều y hệt như nhau: lúc còn sống, còn thân xác thì ngoài Tâm Thức, linh hồn còn có 8 cái Thức khác là Ngũ Thức (liên quan rất nhiều đến cái Tánh), Ý Thức (luôn dính chặt vào Tâm Thức và nương theo Tâm Thức cùng Ngũ Thức (Tánh) để thể hiện tính chất của mình (xấu xa hay cao thượng) và sau đó là Mạc Na Thức và A Lại Da Thức.

Khi linh hồn lìa thân xác, bộ ba Tâm - Ý - Tánh vẫn bám chặt linh hồn (không có lúc nào rời cả) và A Lại Da Thức chuyên chở tất cả nghiệp lực từ quá khứ chưa được thanh toán xong cùng với nghiệp lực gây tạo ở kiếp mới vừa qua. Tất cả những gì cần thiết để cho linh hồn sử dụng ở kiếp vị lai cũng được Mạc Na Thức chuyển vào A Lại Da Thức để linh hồn mang theo.

Một khi đã hiểu rõ như vậy thì thấy rằng, bất kỳ một chúng sanh nào của cõi Ta Bà cũng đều có một xác suất cao để trở thành Vong Linh không siêu thoát. Ngày hôm nay mình cúng cho Cô Hồn, nhưng biết đâu rằng mai kia mốt nọ, chính mình cũng nằm trong số các Cô Hồn, cũng lang thang vất vưởng đi tìm miếng ăn.

Do đó việc siêu độ cho một Vong Linh vừa mới lìa đời, còn trong hạn 49 ngày, cực kỳ quan trọng cần thiết, nếu muốn tránh cái cảnh tượng thân nhân lê thê lết thết, hòa nhập vào đám Cô Hồn để xin ăn, rồi lại kéo lê cái linh hồn của mình lẩn quẩn lòng vòng không biết đến bao giờ thì có dịp để dừng chân, tìm được nơi thác sanh. Thân nhân ruột thịt của Vong Linh tuy trong tầm tay nhưng vẫn không vói tới được, kêu khan cả cổ mà có ai nghe đâu? Họ tưởng đâu rằng Vong Linh đã siêu thoát, hóa ra Vong Linh vẫn còn đây, khắc khoải trong chờ một sự giúp đỡ của kẻ hảo tâm trên dương thế.

Người tại gia hết lòng tin tưởng, giao linh hồn của thân nhân mình cho người xuất gia để siêu độ. Nếu người trong cửa đạo không làm tròn và làm đúng cách thức để giúp cho Vong Linh buông bỏ những vướng mắc của mình, Vong Linh không thể nào siêu thoát được. Lỗi đó tuy rằng người xuất gia không cố ý, nhưng Tâm Thức của người đứng ra siêu độ đã khắc ghi một việc làm tắc trách, thiếu từ bi. Bên cạnh đó còn tỏ rõ việc người xuất gia đứng ra siêu độ, thiếu sự tư duy, không nắm vững cái cốt tủy của lời Pháp, do đó không hành được Pháp, không hòa nhập được Pháp vào đời sống. Người xuất gia vẫn còn tu tập trên “Tâm Chúng Sanh” của mình, cho nên không lộ được cái tính chất TỪ BI HỶ XẢ CỦA TÂM. Tâm còn bị đóng khung, Tâm còn quá nhiều rào cản, Tâm chưa để lộ được sự trải rộng, do đó khó lòng có thể thăng hoa. Nếu vẫn khư khư chấp chặt, không cởi mở để buông bỏ những gì mình nghĩ suy không đúng, vô tình chính mình tự hại mình; nếu một mai sức mỏn hơi tàn, hồn lìa khỏi xác, mang theo mình cái Chấp quá lớn, cái Ngã quá cao, cái Tánh quá kiên cường, chắc chắn rằng mình sẽ làm cho dân số của 12 loại Cô Hồn được gia tăng thêm.

Vong Linh cần Pháp thực hơn là vật thực, chính lời Pháp mới giúp cho Tâm Thức của Vong Linh sáng rực lên. Thần thức lìa khỏi thân xác, thiếu sự sáng suốt của trí huệ, ngay cả người tu tập lâu năm, nếu không dốc tâm tập luyện để giữ được tâm bình, tâm bất loạn, hằng ngày thiếu Sám Hối, thiếu trì Chú, và niệm Phật liên tục, giờ phút lâm chung cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu không có người hộ niệm nhắc nhở và hướng dẫn.

Vì trí huệ không phát sáng, nên thần thức mới không nhận ra được là mình ra đi mang theo vướng mắc. Do đó, phải dùng lời Pháp để cắt nghĩa, để giải thích cho Vong Linh hiểu mà buông những vướng mắc xuống. Chúng sanh có vô số những điều được xem là vướng mắc, nhưng vẫn không ngoài 3 loại Tham-Sân-Si. Chúng sanh nuối tiếc, chúng sanh uất hận, chúng sanh sợ hãi, chúng sanh lo lắng, chúng sanh phiền muộn, đó là tất cả những gì đè nặng trên một Vong Linh không siêu thoát.

Những lời Pháp của Thầy nói ra từ trước đến nay đủ để cho người chủ lễ dù còn tại gia hay đã xuất gia sử dụng để khuyên bảo, giúp đỡ cho Vong Linh dù còn trong thời gian đặc ân 49 ngày hay đã quá thời gian này rất lâu. Vong Linh không cần lời cao xa, khó hiểu, người chủ lễ đem tất dạ chân thành, tha thiết để hướng dẫn cho Vong Linh xả bỏ những vướng mắc. Vong Linh tiếp nhận tấm chân tình đó qua sự rung động của Tâm Thức, Vong Linh sẽ có được cảm giác nhẹ nhàng, thơ thới, không còn sự nặng trĩu, khó khăn khi cất bước. Người chủ lễ nhập tâm với lời Pháp, dùng lời thật bình dị, dễ hiểu để giúp cho Vong Linh uống từng giọt Pháp, Vong Linh  sẽ cảm nhận được sự mát mẻ, sự dễ chịu, sự khoan khoái trong Tâm Thức của mình.

Sau đó, người chủ lễ sẽ cùng với Vong Linh trì 2 câu thần Chú, giúp cho Vong Linh gia tăng sức mạnh để tiến bước.

Câu thần Chú thứ nhất là: HA’ANH CA THU SHU PHU

Câu Thần Chú này có công dụng là giúp cho Vong Linh nhẹ nhàng, bớt nặng nề. Vong Linh có thể có những điều riêng tư, hoàn toàn có tính cách đặc thù mà người chủ lễ không thể đoán ra được, do đó câu Thần Chú trên vẫn có đủ năng lực để làm cho Vong Linh nhẹ đi vướng mắc.  

Câu thần Chú thứ 2 là: OM MANI PADME HUM

Câu thần Chú này khi trì chung với Vong Linh sẽ tỏa ra một ánh hào quang bao chung quanh Vong Linh, giúp cho Vong Linh như đang lặn hụp trong dòng nước mát.

Người chủ lễ cũng hướng dẫn để cho Vong Linh Sám Hối và niệm Phật.

Sau khi đã hoàn tất phần Pháp thực, chủ lễ mới bước vào phần thí thực. Cũng phải trì câu Chú Khai Yết Hầu để giúp cho Tâm Thức của Vong Linh nhận ra được đây là những thức ăn, thức uống, khi đó thần thức rung động với tất cả sự thỏa thích vì được cho ăn và uống. Câu Chú Biến Thực được trì lên cùng lúc với sự quán tưởng thức ăn sẽ nhiều vô kể và đó là những sơn hào mỹ vị, những thức ăn ngon.

Câu Chú Biến Thủy cũng được trì với sự quán tưởng bao nhiêu loại thức uống nào là trà, cà phê, nước ngọt, rượu bia, nước trái cây v.v…

Nên nhớ rằng: Vong Linh chỉ còn vỏn vẹn có 3 cái thức là Tâm Thức - Ý Thức và cái Tánh cùng với A Lại Da Thức. A Lại Da Thức chỉ đóng vai trò của cái túi chứa, Ý Thức và Tánh thu hẹp phần hoạt động và trở nên rất yếu ớt, chỉ còn vỏn vẹn có Tâm Thức để chỉ huy cái linh hồn. Tất cả những gì mà người còn sống nghĩ tưởng đến linh hồn, sẽ được Tâm Thức của linh hồn tiếp nhận. Vì vậy, những sự quán tưởng của người chủ lễ về đồ ăn, thức uống xuất phát từ Tâm Thức của người chủ lễ sẽ được Tâm Thức của linh hồn tiếp nhận qua sự rung động của thần thức.

Kính bạch Sư Phụ,
Việc cúng cho các Cô Hồn có thể nào thực hiện ở trong nhà được hay không?

Như Thầy đã nói ở trên, một Vong Linh không siêu thoát thì sẽ lang thang vất vưởng, đói lạnh. Ngay cả chính thân nhân của Vong Linh cũng không biết rằng người quá cố đã không siêu thoát. Có bày biện cỗ bàn, mâm cao cỗ đầy, có mời gọi cũng không có ai về để hưởng đâu! Chúng sanh không hiểu rằng: một Vong Linh không siêu thoát chỉ có thể ăn bờ ngủ bụi mà thôi, không thể nào vào trong nhà được, cho nên, nếu thân nhân làm thức ăn dâng cúng, Vong Linh không thể nào vào trong nhà để nhận. Nếu Vong Linh vào trong nhà để nhận, Vong Linh sẽ ở lại luôn trong nhà, hoàn toàn trái với quy luật của cõi Âm. Chỉ khi nào có nghiệp lực rất là to tác với người trong nhà thì mới có việc dựa nhập, nhưng cũng không phải là xồng xộc vào trong nhà được đâu, mà Vong Linh cũng phải chờ đợi khi Tâm của người mình muốn dựa nhập bị sơ hở, lúc đó mới chớp lấy cơ hội mà dựa hay nhập. Thật sự ra, chính thân nhân, dù có thương Vong Linh cách mấy đi chăng nữa, cũng không thể nào chấp nhận việc chứa một cái vong ở trong nhà của mình!

Phải ghi nhận rằng: nếu thân nhân tự mình đứng ra siêu độ cho Vong Linh, trong suốt 49 ngày, Vong Linh ở trong nhà nhưng cũng phải nhập vị và được hai vị Hộ Pháp trông giữ (xem quyển 49 Ngày Siêu Độ Cho Thân Nhân: Nghi Thức & Giảng Giải). Trong thời gian cùng người chủ lễ tu tập mỗi ngày, Vong Linh cũng không được phép rời khỏi bàn thờ vong mà đi khắp nơi trong nhà. Sau khi khóa lễ chấm dứt, Vong Linh phải hồi vị, cho đến khi nào được triệu thỉnh thì mới bước ra ngoài để tu tập và nhận Pháp thực cùng vật thực. Vong Linh ở trong nhà trong suốt 49 ngày cho đến ngày cuối cùng (thứ 49) mới được tiếp rước về hoặc cõi Phật, hay cõi Trời, hay cõi Người tùy theo khả năng tu tập của Vong Linh và tùy vào sự rung động của thần thức về một cảnh giới nào mà thần thức cảm thấy thích hợp.

Nên nhớ rằng: chính Vong Linh mới là nhân vật chủ yếu chọn lựa cảnh giới thác sanh cho mình trong 3 cõi: Phật - Trời và Người, người chủ lễ hoàn toàn không làm được việc đó. Người chủ lễ cũng không thể ép buộc Vong Linh phải chọn cõi này mà không chọn cõi kia.

Tuy nhiên, trong lúc siêu độ, người chủ lễ có thể hướng dẫn Vong Linh về những tư tưởng cao thượng, về một cái tâm Từ Bi Hỷ Xả, về cái hành động cứu độ chúng sanh, và nhất là về việc bứt vòng sanh tử, thoát kiếp luân hồi. Vong Linh sẽ cảm nhận được mình gần gũi với cõi Phật hơn, từ đó thần thức dễ dàng rung động theo chiều hướng của cõi Phật, chắc chắn rằng, đến ngày thứ 49, Thánh Chúng sẽ đến để đón rước Vong Linh.

Với sự siêu độ hết lòng và đúng cách của thân nhân, Vong Linh chắc chắn không bị đọa tam đồ dù cho ở phút lâm chung, dấu hiệu tam đồ đã hiện ra trên thân xác khi thần thức bắt đầu di chuyển khỏi thân xác.

chính tay mình siêu độ cho Vong Linh thân nhân hoặc bằng hữu của mình, mới có thể đoan chắc rằng Vong Linh đã thật sự siêu thoát, đã thật sự tránh khỏi cái cảnh lang thang, đói lạnh, vất vưởng khổ sầu. Một khi Vong Linh đã siêu thoát rồi thì thân nhân đâu còn dịp để cúng kiến mời Vong Linh ăn uống nữa.

Đối với các Cô Hồn là những Vong Linh không siêu thoát, Thầy có lời đề nghị sau đây:

Không phải đợi đến ngày rằm tháng Bảy mỗi năm mới cúng Cô Hồn. Chúng sanh đã thấu hiểu rõ: có tất cả 12 loại Cô Hồn, từ trước đến nay, số Vong Linh không siêu thoát đã lên đến một con số rất là khiếp đảm, rồi thì chẳng bao lâu đâu, số Vong Linh sẽ nhiều hơn số người còn sống, khi đó chúng sanh cứ tưởng tượng, chuyện gì sẽ xảy ra?

Chỉ nội một việc, nếu số người ăn xin, rách rưới, lang thang, đi đầy trong đường phố, nhất là ở các quán ăn, cửa tiệm, nơi nào có bán đồ ăn thức uống là có xuất hiện từng đoàn người tụ tập để xin ăn, chúng sanh sẽ có cảm giác như thế nào? Chính quyền sẽ phải có biện pháp gì để đối phó? Muốn tìm lại một trật tự trong xã hội, tìm lại sự tươi mát cho đường phố, bắt buộc phải giải quyết nạn xin ăn!

Số Vong Linh không siêu thoát tràn ngập cõi dương, chắc chắn rằng Âm Dương không thể nào sống chung nhau được, biết bao nhiêu điều trắc trở sẽ xảy ra.

Người cõi Dương không nên nhìn người cõi Âm không siêu thoát dưới dạng thức của một bộ xương khô biết di động, vì hình ảnh của bộ xương đó là kết quả hiển nhiên sau nhiều năm tháng của một thân xác bị thối rữa và mục nát. Người cõi dương nên thấu hiểu và cảm thông với một Vong Linh bị vướng mắc đến không siêu thoát được. Vong Linh cũng rất là tha thiết tìm hướng đi kế tiếp của mình, nhưng tiếc thay thiếu người chỉ dẫn, giúp đỡ.

Nếu người cõi dương muốn làm sạch dương thế, muốn sống đúng nghĩa cái cuộc sống làm Người của mình, người cõi dương phải tích cực giúp đỡ cho các Cô Hồn là những người không siêu thoát, xa rời được cái cuộc đời lang thang, đói lạnh, vất vưởng của kiếp Vong Linh không siêu thoát của mình. Các Vong Linh nhận được sự giúp đỡ của người trên dương thế để tìm một con đường đúng mà đi, họ sẽ trả lại sự yên tĩnh, sự phẳng lặng, sự trong lành cho một cõi Dương mà chính họ đã phải nhờ vào người cõi Dương để được hội nhập trở lại cõi Dương.

Từng khu xóm, từng khu phố nên họp nhau lại mỗi tháng 1 lần, không làm riêng rẽ từng cá nhân, tìm một nơi trống trải đặt một cái bàn dài, mỗi nhà mang một món ăn (nên nhớ, phải là đồ chay, và tinh khiết Cô Hồn mới tiếp nhận được), có thể là một dĩa xôi, một dĩa cơm trắng, một dĩa bánh (đủ loại bánh, bánh khô, bánh ướt, bánh có nhân, bánh không nhân v.v.), một tô canh,  một dĩa thức ăn xào nấu với rau cải v.v... Tóm lại, bất cứ thức ăn nào mà người Đời ăn được thì cúng được miễn là ĐỒ CHAY. Ngoài ra cũng có thể có trái cây, rau cải. Bên cạnh đó là thức uống đủ loại kể cả rượu và thuốc hút. Nhớ kỹ: mỗi nhà một món là đủ rồi, nguyên trọn một khu xóm hay một khu phố, sẽ có rất nhiều đồ ăn thức uống bày ra bàn, chỉ cần một dĩa nhỏ là đủ rồi, không nhất thiết phải là dĩa to. Thức ăn đựng trong dĩa giấy, ly giấy để tiện bề thu dọn.

Một người trong khu xóm hay khu phố được chọn ra để làm chủ lễ, cũng có thể thay phiên nhau, tháng này người này, tháng sau người khác. Cốt sao người chủ lễ có giọng nói sang sảng, có vẽ hùng tráng và chắc chắn để chế ngự đám đông. Tránh chọn những người say sưa, nói năng thiếu hòa nhã khiến cho Vong Linh không phục. Cũng có thể có thêm vài người nữa để phụ với chủ lễ để giảng Pháp cho Cô Hồn nghe.

Chúng sanh đã hiểu rõ hoàn cảnh của Cô Hồn cùng những vướng mắc, có thể viết sẵn một bài Pháp ngắn do mình tư duy, cũng có thể rút ra một đoạn nào đó trong số các bài Pháp trên trang LacPhap.com mà chúng sanh cảm thấy rất hợp với cuộc nói chuyện với các Cô Hồn, chúng sanh cứ đọc đoạn Pháp đó lên với một lòng rất là tha thiết, Cô Hồn cũng sẽ vô cùng hoan hỷ trước sự giúp đỡ của toàn thể mọi người trong khu xóm hay khu phố.

Khi giúp cho Cô Hồn sám hối, mọi người sẽ cùng với chủ lễ đọc lên bài Kệ Sám Hối, cũng y theo cách thức đó khi trì Chú, khi niệm Phật, mọi người sẽ cùng trì, cùng niệm chung với người chủ lễ và các Cô Hồn.

Sau khi chấm dứt phần Pháp thực rồi, sẽ mời Cô Hồn dùng cơm.

Nên nhớ: phải Pháp Thực trước rồi mới vật thực sau, không bao giờ cho Vong Linh ăn trước rồi tu sau!

Khi đến phần vật thực, mọi người sẽ cùng trì câu Chú Khai Yết Hầu trước, sau đó thì trì câu Chú Biến Thực, phải kèm theo quán tưởng thức ăn biến ra thật nhiều mới đủ cho Cô Hồn.

Sau câu Chú Biến Thực là trì câu Chú Biến Thủy, kèm quán tưởng đồ uống hiện ra vô số, đủ loại.

Cứ mỗi tháng một lần, mỗi khu xóm, mỗi khu phố đều tổ chức một buổi cúng Cô Hồn, chắc chắn rằng dân chúng trong khu xóm hay khu phố đó đã tạo được một phước báu vô lượng vô biên. Việc giúp đỡ cho các Vong Linh không siêu thoát buông bỏ được vướng mắc của mình sẽ tạo cho họ có cơ hội gặp được Quyến Thuộc của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Con đường thác sanh giờ đây không còn tắt nghẽn nữa, Vong Linh không siêu thoát đã nhìn thấy điểm sáng tự nơi xa, kiếp Cô Hồn sẽ không còn lang thang, đói lạnh nữa, Vong Linh đầy hứng khởi trông chờ cha mẹ mới của mình để bắt đầu cho một cuộc đời mới trong một thân xác mới.

Xin xem nghi thức cúng Cô Hồn ở phần dưới đây:

Nghi Thức Cúng Cô Hồn

Thời gian thích hợp nhất cho việc cúng Cô Hồn là khoảng từ 4-5 giờ chiều trở đi.

KHAI LỄ
NGUYỆN HƯƠNG
TRIỆU THỈNH VONG LINH
VONG LINH SÁM HỐI
KỆ SÁM HỐI
CHƠN NGÔN SIÊU ĐỘ VONG LINH
NIỆM PHẬT
PHẦN THÍ THỰC CHO CÔ HỒN
PHỤC NGUYỆN
HỒI HƯỚNG
TỰ TAM QUY
HOÀN MÃN

 

KHAI LỄ

Mở đầu, người Chủ Lễ gõ 3 tiếng chuông (để gây sự chú ý), sau đó cất tiếng kêu lớn:

“Hỡi các Cô Hồn quanh quẩn nơi đây, hãy tề tựu lại để nhận Pháp thực và vật thực.”

(Sau mỗi lần khấn, gõ 1 tiếng chuông, khấn 3 lần)

 

NGUYỆN HƯƠNG

Chủ Lễ đốt 3 nén hương niệm

Nguyện đem lòng thành kính,

Gởi theo đám mây hương,

Phảng phất khắp mười phương,

Cúng dường ngôi Tam Bảo,

Thề trọn đời giữ đạo,

Theo tự tánh làm lành,

Cùng pháp giới chúng sanh,

Cầu Phật từ gia hộ,

Tâm Bồ đề kiên cố,

Xa bể khổ nguồn mê,

Chóng quay về bờ Giác. (1 xá, chuông)

 

TRIỆU THỈNH HƯƠNG LINH

Chủ lễ cặm nhang vào lư hương, sau đó quán tưởng trước mặt mình là các cô hồn, giữ tâm thanh tịnh, nói chuyện với cô hồn:

 

Hỡi các Cô Hồn,

Các Cô Hồn có bao giờ tự đặt câu hỏi rằng: tại sao tôi lại trở nên một Vong Linh lang thang, đói lạnh, sống vất vưởng, nay đây mai đó, không định được hướng đi, hay không?

Các Vong Linh có mặt nơi đây, khi còn sống trên dương thế, cũng có kẻ có nhà cao cửa rộng, có vợ đẹp con ngoan, có kẻ hầu người hạ, một bước lên xe, ăn ngon mặc đẹp, quyền cao chức trọng, uy thế lẫy lừng.

Rồi thì Tử Thần đến gọi, không thể chần chờ, dứt áo ra đi, lòng đầy tiếc nuối.

Có kẻ ra đi mà lòng đang ôm hận. Có kẻ ra đi mà lòng chưa thỏa mãn, dạ còn tức tưởi vì trận chiến còn chưa ngã ngủ, ai được, ai thua?

Có kẻ lìa đời mà lòng đau như cắt vì con thơ vợ dại, vì cha già mẹ yếu, không người dưỡng nuôi.

Có kẻ nhắm mắt hắt hơi trong niềm bực tức vì thua cuộc.

Có những cái chết đến thật quá bất ngờ trong niềm sợ hãi kinh hoàng, tạo một dấu ấn sâu đậm trong Tâm Thức của Vong Linh khiến nặng nề cất bước.

Và cũng có kẻ giã biệt cõi Đời mà máu lệ tuôn rơi vì oan gia nghiệp chướng...còn nhiều...rất là nhiều những cái gọi là VƯỚNG MẮC!

Vong Linh một đời tạo tác, gây nên cảnh huống này, tạo ra khổ đau kia. Vong Linh khi còn sống, chỉ biết nghỉ đến mình, chỉ lo cho quyền lợi của mình, ra tay với đối phương, ra tay với kẻ thù và thậm chí ra tay với luôn cả bạn bè thân thích, bằng tất cả những thủ đoạn, miễn sao dành được phần Lợi, phần Thắng về cho mình là đủ, là tốt.

Bất chấp thủ đoạn, thỏa được lòng THAM, vơi niềm SÂN HẬN, đắm chìm trong SI MÊ và hả dạ với cái MUỐN của mình, tất cả những tánh xấu đó đã tạo nên rào cản lớn làm vướng bận bước chân của Vong Linh, khiến cho Vong Linh không cách gì tiến về phía trước được để có thể định đúng hướng đi của mình cho một cuộc thác sanh kế tiếp.

Vong Linh vẫn không nhận ra được là mình cứ đi lòng vòng chung quanh mình, y như rượt một cái BÓNG vậy!

Khi còn sống, Vong Linh đã xem thường việc chăm sóc đời sống Tâm Linh của mình, Vong Linh chỉ chú trọng vào những gì có thể đem Lợi Lạc đến cho bản thân mình như: tiền bạc, tài sản, quyền thế, danh vọng và ngay cả sắc đẹp, niềm tự kiêu, tự hào và hảnh diện!

Vong Linh đã chôn vùi hết tất cả cái bản tánh THIỆN của mình, Vong Linh đã vứt bỏ đi từng cái Tánh tốt nhỏ nhặt, từng thói quen tốt đáng lưu tâm, Vong Linh đã “bỏ quên” từng cử chỉ dịu dàng, từng lời nói ưu ái, từng ánh mắt thiết tha, trìu mến.

Vong Linh đã không có sự đối xử tốt đẹp với người đồng loại, vì vậy mà nghiệp chướng đã không ngừng gây tạo.

Ngày giờ này, sau bao nhiêu thời gian lang thang, đói lạnh, Vong Linh đã thấu hiểu chưa cái vướng mắc của mình?

Vì Tâm của Vong Linh xấu ác nên Vong Linh đã không ngừng toan tính hại người.

Vì Ý của Vong Linh không Lành, không cao thượng, lúc nào cũng chực chờ để làm cho kẻ khác khổ đau.

Vì Tánh của Vong Linh quá xấu xa, luôn thủ lợi, nên đã gây điều sân hận cho những ai đã từng giao tế với Vong Linh.

Tất cả cái Tâm xấu ác, cái Ý không Lành và cái Tánh xấu xa đó đã khiến cho Vong Linh, khi còn hơi thở, đã gây tạo nên vô số nghiệp dữ, khiến cho Vong Linh ngày nay như đeo đá nặng trên người, khó lòng cất bước được.

Vong Linh hãy suy nghĩ cặn kẽ lời tôi vừa trình bày để nhận ra rằng mình đã làm sai, làm quấy. Nếu Vong Linh tỏ dạ ăn năn sám hối, và luôn luôn tự nhủ với Tâm mình là phải hối lỗi, ăn năn, chắc chắn rằng Vong Linh sẽ có nhiều hy vọng gặp được Quyến Thuộc của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giúp cho Vong Linh tìm được đúng nơi thác sanh.

 

SÁM HỐI

Chủ lễ hướng dẫn vong linh phần sám hối. Chủ lễ gõ 3 tiếng chuông để tạo sự chú ý của Vong Linh.

 

Các Vong Linh hãy cùng với tôi sám hối!

Vong Linh vốn tạo bao ác nghiệp,

Đều do vô thỉ tham, sân, si.

Từ thân, miệng, ý phát sinh ra,

Tất cả hôm nay vong linh nguyền sám hối.

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát, tác đại chứng minh. (3 lần câu này - xá)

 

KỆ SÁM HỐI

Vong Linh Chí tâm Sám Hối:

Đệ tử chúng con
Trong cõi Ta Bà
Mang nhiều nghiệp chướng
Thật là sâu nặng
Hôm nay dập đầu
Thành tâm sám hối.
(1 xá, chuông)
Một lòng ăn năn
Tất cả việc làm
Con đã tạo nên
Đem điều đau khổ
Tròng vào cổ người
Khiến người tức tưởi
Đau xót muôn phần.
Ngày nay con hiểu
Tất cả tội lỗi
Là do ở Tâm.
Tâm con không lành
Khơi dậy Ý xấu
Tánh con quá dữ
Không năng sửa đổi
Tạo nên nghiệp chướng
Rất đỗi sâu dày.
Con đã nhận ra
Tâm Ý Tánh này
Là đầu mối đó
Khiến con phải chịu
Khổ sở trăm bề.
Phật Pháp nhiệm mầu
Giúp con mở Trí
Kiểm điểm Tâm mình
Giữ tròn Ý tốt
Giùi mài Tánh xấu
Để không bao giờ
Gây lụy phiền phức.
Hủy bỏ tất cả
Những điều sai trái
Thật sự ăn năn
Điều không tốt đẹp
Làm khổ bao người
Tạo nên nghiệp chướng.
Lòng con chân thành
Ăn năn sám hối.
Cúi lạy chư Phật
Mười phương minh chứng
Để con nhẹ nhàng
Thư thả cất bước.
(1 xá, chuông)

Vong Linh Chí tâm Phát Nguyện:

Khi bỏ báu thân
Con sẽ sẵn sàng
Đem thân thanh tịnh
Về chốn Tịch Liêu.
Lòng con hoan hỷ
Thấy cảnh trời Tây
Cực Lạc đón chào
Con ngự tòa sen
Lòng rất vui mừng
Trở nên Thánh Chúng.
(1 xá, chuông) o

Vong Linh Chí tâm Tùy Hỷ:

Nhờ ơn chư Phật
Bồ Tát giúp con
Trí huệ mở mang
Con hiểu được rằng:
Sống trên cõi đời
Phải luôn tôi luyện
Tâm mình trong sáng
Ý mình rực rỡ
Tánh mình trau chuốt
Làm sáng lòng ta
Đem điều tốt đẹp
Đến cho muôn người,
Tránh sự phiền hà
Tạo bao nghiệp chướng.
(1 xá, chuông) o

Vong Linh Chí tâm Khuyến Thỉnh:

Cúi lạy Chư Phật
Lạy chư Bồ Tát
Xin giúp cho con
Đời đời kiếp kiếp
Trong ánh hào quang
Soi thấu của Ngài
Bỏ đi điều dữ
Chỉ biết điều lành
Đem niềm An Lạc
Đến cho chúng sanh.
Nhờ ơn Chư Phật
Con đem công sức
Tu tập của mình
Gói trọn thân con
Hành trang sẵn sàng
Ra đi thư thả
Trọn lòng ước mong
Pháp giới chúng sanh
Trong cõi Ta Bà
Dốc lòng Tu Tập.
(1 xá, chuông) o

Vong Linh Chí tâm Hồi Hướng:

Xin giúp cho con
Giữ Tâm thanh tịnh
Tu tập tốt đẹp
Đem điều hạnh phúc
Đến cho muôn người
Mang hết công đức
Tu tập của con
Hướng về tất cả
Pháp giới chúng sanh
Từ người đến vật
Đều cùng hưởng cả.
Con xin chia sẻ
Công đức sâu dày
Tất cả muôn loài
Đồng hưởng điều lành
Cùng nhau chung bước
Về miền Cực Lạc,
Thoát kiếp luân hồi,
Sống đời An Nhiên.
(1 xá, chuông) o

 

CHƠN NGÔN SIÊU ĐỘ VONG LINH

(Tay bắt Ấn Kiết Tường, trì Thần Chú này giúp cho vong linh được nhẹ nhàng, mau siêu thoát. Khuyên vong linh cùng trì theo từ chữ rõ ràng, chậm rãi.)

Âm: HA'ANH CA THU SHU PHU! (5 phút)

 

LỤC TỰ ĐẠI MINH CHƠN NGÔN

(2 tay bắt ấn Kiết Tường. Chuyên tâm trì Chú này tôí thiểu 5 phút)

(Tiếng Phạn): OṂ MAṆI PADME HŪṂ

(Tiếng Việt): ÁN MA NI BÁT DI HỒNG

 

NIỆM PHẬT

Chủ lễ hướng dẫn vong linh phần niệm Phật. Mọi người sau đó cùng niệm Phật chung với nhau.

Vong Linh hãy niệm Phật cùng với tôi!

Đệ tử chúng con,
Nay vì các hương linh,
Sám hối ba nghiệp tội.
Phàm được bao phước thiện,
Con xin nguyện hồi hướng.
Nguyện cùng với hương linh,
Vãng sanh nước Cực Lạc.
Thấy Phật ngộ Pháp Tánh,
Phát tâm đại Bồ Đề.
Đoạn vô biên phiền não,
Tu vô lượng pháp môn.
Thệ nguyện độ chúng sanh,
Đồng trọn thành Phật đạo.
o

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật. o

Nam Mô A Di Ðà Phật (Niệm từ 10 phút trở lên) o

Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát (10 Câu) o

Nam Mô Ðại Thế Chí Bồ Tát (10 Câu) o

Nam Mô Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (10 Câu) o

Nam Mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát (10 câu) o

 

PHẦN THÍ THỰC CHO CÔ HỒN

Chủ lễ xướng rồi Chủ lễ tay bắt Ấn Kiết Tường, trì Chú KHAI YẾT HẦU

Các Vong Linh chuẩn bị để nhận thí thực!

ÁN BỘ BỘ ĐẾ RỊ, GIÀ RỊ ĐA RỊ, ĐÁT ĐA NGA ĐA GIA.
(7 lần)

 

Sau khi trì Chú Khai Yết Hầu rồi, chủ lễ trì tiếp: BIẾN THỰC CHƠN NGÔN (Bắt Ấn Kiết Tường). Vừa trì vừa quán tưởng thức ăn đầy trên hư không.

NAM MÔ TÁT PHẠ ĐÁT THA NGA ĐA, PHẠ LỒ CHỈ ĐẾ, ÁN TAM BẠT RA, TAM BẠT RA HỒNG (trì 7 lần)

 

Sau đó trì tiếp: CAM LỒ THỦY CHƠN NGÔN (Bắt Ấn Kiết Tường)

NAM MÔ TÔ RÔ BÀ DA, ĐÁT THA NGA ĐA DA, ĐÁT ĐIỆT THA, ÁN TÔ RÔ TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ, TA BÀ HA (trì 7 lần)

Vừa trì vừa quán tưởng đủ loại thức uống đầy trên hư không kể cả rượu bia và thuốc hút. Chú ý: Nên có thêm vài người phụ với chủ lễ khi trì Chú, chia ra: nhóm này trì Chú (thật lớn tiếng để cho người khác nghe được), nhóm kia chỉ quán tưởng mà thôi, như vậy công việc sẽ dễ dàng hơn. Nhóm trì Chú đừng trì quá nhanh, tốc độ vừa phải để cho nhóm quán tưởng nghe được tiếng Chú mà quán tưởng.

 

PHỤC NGUYỆN:

Chủ Lễ xướng

Toàn thể các gia chủ nơi đây ngưỡng mong chư Phật và Bồ Tát thùy từ gia hộ độ cho các Cô HỒN hiện diện ngày hôm nay, thần thức được nhẹ nhàng, trí huệ phát sáng để nhận chân ra điều sai lầm đã tạo tác, biết thành tâm ăn năn sám hối về những nghiệp chướng đã gây tạo từ nhiều đời nhiều kiếp cho đến kiếp vừa qua.

Cúi lạy Đức Từ Phụ A Di Đà Phật, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi cứu khổ, cùng Đức Đại Hùng Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát, U Minh Giáo Chủ Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, rủ lòng thương xót, phóng quang tiếp dẫn thần thức của các Cô Hồn nơi đây vãng sanh Cực Lạc Quốc. (chuông)

 

HỒI HƯỚNG

(Tất cả đồng tụng)

 

Nguyện đem công đức này,
Trang nghiêm Phật Tịnh Độ
Hồi hướng cho CÔ HỒN
Cùng oán thân trái chủ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát lòng Bồ Đề
Hết một báu thân này
Đồng sanh cõi Cực Lạc.
(chuông)

 

TỰ TAM QUY

(Tất cả đồng tụng phần kết thúc)

Tự quy y Phật :
Xin nguyện chúng sanh,
Thể theo Đạo cả,
Phát lòng Vô Thượng.
(1 xá, chuông) o

Tự quy y Pháp :
Xin nguyện chúng sanh,
Thấu rõ Kinh Tạng,
Trí Huệ như biển.
(1 xá, chuông) o

Tự quy y Tăng :
Xin nguyện chúng sanh,
Thống Lý đại chúng,
Hết thảy không ngại.
(1 xá, chuông) o

HOÀN MÃN

Chủ lễ xướng:

Buổi lễ thí thực đến đây là hoàn tất, xin tiễn các Cô Hồn lui về nơi chốn của mình. (Đánh 3 tiếng chuông)

 

 


+ 92