Tánh biến mất, điều đó có nghĩa là lớp cặn cáu ở tận đáy của cái Tâm đã không còn; tức là người tu tập chân chính và đúng mức đã gột rửa được lớp bùn lầy dơ bẩn nhất.
Lớp cặn cáu thứ hai cao hơn một chút, tuy là cặn cáu song đã được gạn lọc bớt lớp bùn. Lớp cặn cáu này xuất phát từ ở cái Ý.
Khi cái Tánh và cái Ý đã hòa nhập vào cái Tâm, sẽ khiến cho phần lớn các cặn cáu (tức là Vô Minh) tan biến. Tính chất trong sẽ giúp lộ nguyên hình cái Tâm. Khi đó Tâm hoàn toàn rực sáng, dễ dàng triển khai cái sức mạnh của Tâm. Một khi Tâm đã triển khai được sức mạnh của mình rồi thì Tâm nghĩ gì, muốn gì, sẽ có ngay cái đó.
Nên nhớ rằng: tất cả những nghĩ suy của Tâm đều nằm trong Từ Bi, chớ không nằm trong bất kỳ cái gì có thể tạo nên cặn cáu được.
Kính bạch Sư Phụ,
Nếu bảo rằng: Chư Phật và Bồ Tát có thần thông thì bây giờ con đã hiểu được rằng thần thông đó từ đâu mà có!
Đúng vậy, thần thông của Chư Phật và Bồ Tát chính là từ ở cái Tâm Từ Bi Hỷ Xả rực ánh hào quang của các Ngài. Cái Tâm đó đã triển khai được một cách tột cùng cái sức mạnh của nó để nhằm vào việc cứu độ Chúng Sanh.
Người tu chứng đắc đã đi đến chỗ diệt được cái Tánh, diệt được cái Ý và chỉ còn thuần có cái Tâm mà thôi, cho nên, sự suy nghĩ của họ là một sự suy nghĩ thuần khiết; với sự suy nghĩ thuần khiết này, họ mới có thể góp phần vào việc cứu độ Chúng Sanh được.
Không phải đợi đến khi về đến Cực Lạc mới có thể triển khai cái sức mạnh của cái Tâm. Ngay từ khi còn ở cõi Ta Bà, một sự quyết tâm tu tập chân chính và đúng mức cũng sẽ giúp cho hành giả tiêu diệt lần hồi những tánh xấu của mình, để biến toàn bộ tánh xấu thành Đức Tánh, hòa nhập vào Tâm. Khi những tánh xấu còn ở trong một thân xác sẽ dễ dàng sờ mó nó, hoán chuyển nó. Những hoàn cảnh, những môi trường, những cơ hội và ngay cả những cảnh huống sẽ giúp rất nhiều trong việc sửa đổi những tánh xấu của mình, đó là chưa kể những thiện tri thức mà mình có duyên gặp gỡ, cũng góp phần không nhỏ vào việc giúp mình sửa đổi toàn bộ những thói hư tật xấu của mình.
Ở trạng thái của một Linh Hồn, rất khó lòng “sờ mó” cái tánh của mình, khó lòng tưởng tượng và thẩm định độ sai lầm gây tạo nên do bởi một tánh xấu. Thầy đã nhắc đi nhắc lại rất...rất nhiều lần việc giữ Tâm Bình. Đó là điều kiện cần thiết và bắt buộc mà một người quyết tâm tu tập phải chu toàn, nếu muốn đạt được hai chữ “Chứng Đắc”. Khi Tâm được giữ Bình thì Ý cũng giữ Bình, tức là ý không vọng động; nếu ý không vọng động, tức nhiên là sẽ không có cái gì để triển khai cái ý. Từ từ tới một lúc nào đó, ý sẽ phải nhạt dần….nhạt dần, và cuối cùng chỉ còn thuần lại có cái Tâm!
Cho nên, một sự chuyển thể của Tâm - Ý - Tánh từ ngay cõi Ta Bà vẫn tốt đẹp hơn là đợi đến khi về Cực Lạc hay lên đến cõi Trời. Khi chỉ còn thuần là một Thần Thức, thời gian hoán chuyển có thể sẽ kéo dài lâu gấp 10 hay 100 lần so với cõi Ta Bà.
Thầy sẽ vạch ra một cách đại cương để cho con thấy rõ sự tu tập của một Thánh Chúng từ lúc bắt đầu ở Hạ phẩm Hạ sanh cho đến khi có thể làm được công việc cứu độ Chúng Sanh.
Giai đoạn 1: Thánh Chúng ở Hạ phẩm Hạ sanh trên thai sen phải hành trì Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật để tiêu lần nghiệp chướng của mình.
Giai đoạn 2: Thánh Chúng phải quán chiếu từng cái Tánh đã góp phần vào việc tạo nên nghiệp chướng của mình; phải giùi mài, trau chuốt, bào mòn để biến toàn bộ những tánh xấu trở thành Đức Tánh, hòa nhập vào Tâm.
Giai đoạn 3: phải tư duy Lời Pháp, phải thâm nhập Lời Pháp để hoán chuyển cái Ý, cho Ý hòa nhập vào Tâm.
Giai đoạn 4: Đào luyện cái Tâm để cho Vô Minh tan biến, Tâm trở nên hoàn toàn “Thuần Khiết”, triển khai được sức mạnh của Tâm.
Một Thần Thức nhẹ như sương, mang một cái Tâm Thức rực hào quang, toàn thân của Thần Thức đó cũng sáng rực lên, như vậy nó mới có thể chu toàn được việc này việc nọ. Tất cả các Đấng Từ Bi đều có một cái Tâm rực sáng là lớp hào quang bao phủ cái Thần Thức. Chỉ khi nào cần phải thực hiện một điều gì, hào quang mới được thu nhỏ lại để hiện rõ ra hình dạng của Thần Thức.
Việc tu tập ngay tại cõi Ta Bà thật ra rất là đơn giản, không ai bắt buộc mình phải “lên lớp”, “xuống lớp”, cũng không có ai đòi hỏi mình phải có bằng cấp này, chứng chỉ kia.
Mình không Chứng Đắc chẳng qua là vì mình bị trĩu nặng bởi cái dây nghiệp chướng, bởi cái Tánh và cái Ý.
Ngày nào mình diệt được cái Nghiệp, giùi mài được cái Tánh, chuyển thể được cái Ý và hòa nhập cả Tánh lẫn Ý vào Tâm, khi đó Tâm mình sẽ rực sáng, mình đã Chứng Đắc và trở thành một vị Bồ Tát ngay tại Hiện Đời.
Tất cả những điều kể trên sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào sự quyết tâm tu tập của một người và lời phát nguyện thành tựu đạo quả ngay trong hiện kiếp.
Kính bạch Sư Phụ,
Tại sao không có nhiều người thành công trong việc tu tập ở cõi Ta Bà?
Nơi đây, chúng sanh còn lụy vào cái Tánh quá nhiều. Họ đã để cái Tánh điều khiển họ trong việc muốn cái này, thích cái kia, ham cái nọ. Do đó, cái Tánh và cái Ý đã họp nhau lại để chỉ huy cái Tâm thay vì ngược lại, chính cái Tâm mới giữ vai trò kiểm soát cái Tánh và cái Ý.
Càng lụy vào cái Tánh thì dẫu tu đến ngàn năm cũng không thể nào Chứng Đắc được. Dù có được rước về Cực Lạc cũng sẽ cảm thấy chán nản và một ngày nào đó lại sẽ phải cầu xin để được trở xuống cõi Ta Bà.
Chúng Sanh phải nhận thức được rằng: cái Tánh là con dao bén ngót, chỉ một đường thôi cũng đủ đứt lìa cánh tay rồi. Phải cẩn thận vô cùng với cái Tánh!
Hầu như trong bài Pháp nào Thầy cũng đều nhắc nhở đến cái Tánh vì sự quan trọng vô cùng cực của cái Tánh. Nhất là khi cái Tánh đóng vai trò chủ yếu để có thể Thăng Hoa, thăng hoa lên cao hơn chớ không phải chỉ là thăng hoa để về được Cực Lạc!
Người tu tập chân chính nếu không chịu khó tư duy cho cặn kẽ, chỉ hiểu sơ sịa ở mặt ngoài thì cứ dậm chân tại chỗ, không thể nào tiến cao hơn được. Tu tập là một sự tự tu tự chứng, chớ không ai giúp cho mình tu, không ai buộc mình phải tu và cũng không ai cấp bằng cho mình tu đâu!
Đức A Di Đà Phật vì thương chúng sanh, cho nên cứu vớt mang về Cực Lạc những người mà nghiệp chướng còn rất nặng nề. Nếu không có sự cứu vớt của Ngài, những người này rất khó lòng bay cao được vì quá nặng. Ngài thương Chúng Sanh đến độ chỉ cần Chúng Sanh dốc lòng sửa Tánh là Ngài sẵn sàng đưa tay tiếp độ về Cực Lạc. Chúng Sanh có sửa Tánh thì nghiệp chướng mới có cơ dừng lại, không tiếp tục tạo ra thêm, như vậy sức nặng của người đó sẽ không gia tăng lên.
Nếu không sửa Tánh, nghiệp lực cứ mãi chất chồng, Chúng Sanh sẽ như một người béo phì, cứ càng lúc càng nặng, quả thật là khó cho Ngài nâng đở được! Giản dị như vậy mà Chúng Sanh cũng vẫn không làm được việc đó, Chúng Sanh chỉ nhìn thấy cái vui trước mắt, cái lợi trước mắt, chỉ thấy những cái gì làm thỏa mãn tự ái của mình, thỏa mãn ngũ thức của mình, như vậy là đủ vui, đủ hả hê rồi, do đó khó lòng sửa được Tánh của mình, càng ngày càng tạo thêm nhiều nghiệp chướng.
Đừng nói rằng: tôi không giết ai, tôi không đánh ai, tôi không hành hạ ai, tôi không cướp giựt của ai … tại sao lại bảo rằng tôi gây tạo nghiệp? Chúng Sanh đâu có biết rằng: những điều tôi thốt ra từ cửa miệng, từ điều lớn lao đến điều hết sức nhỏ nhặt, cũng đủ để tạo những mắt xích nghiệp lực quấn chặt tôi rồi, đâu cần phải đợi đến việc tôi đâm chém ai, làm thương tổn ai. Chúng Sanh đã lẫn lộn Nghiệp Lực với sắt máu, với tù tội, với khổ đau, không hẳn là như vậy đâu! Làm cho người ta thay vì vui trọn vẹn mà chỉ vui được có một phần thôi, như thế là đủ tạo nghiệp rồi.
Thầy nói như vậy để cho thấy rằng: Nghiệp Lực vi tế tới mức như thế! Tại sao nó trở thành vi tế? Đó là vì đối phương đã quá tôn trọng cái tự ái của mình. Chính vì cái tự ái mới khiến cho người ta đâm ra khó chịu, cho dù sân hận không bùng nổ ra nhưng vẫn phát trong lòng, vì vậy nghiệp chướng đã gây tạo nên. Không phải đợi đến “kinh thiên động địa” mới gọi nó là Nghiệp Lực, chỉ cần làm cho người khác không vừa ý là đã tạo Nghiệp Lực rồi. Nếu đối phương là người không có nhiều tự ái, vòng Nghiệp Lực sẽ không đóng lại. Nếu đó là một người quá tôn trọng tự ái, khi mình gây tạo niềm sân hận, đối phương chấp nhận sự sân hận, vòng Nghiệp Lực tức khắc đóng lại ngay!
Then chốt của vấn đề rất là giản dị, nhưng vì bản tánh cao ngạo, thiếu tư duy, tưởng rằng tôi hiểu đúng khi cho rằng tôi không hề làm cho ai khó chịu vì tôi cả, như vậy là đủ rồi. Thật ra tôi đã sống quá chủ quan! Thoát được một ngày không tạo nghiệp, một giờ không tạo nghiệp, liệu rằng tôi có thể thoát được một phút, một giây hay không?
Cho nên, tất cả mọi việc xảy ra trong đời sống hằng ngày cần phải được để tâm, ghé mắt, cần phải hành xử trong từng bước thật cẩn thận, thật chậm rải, từng chút một, đừng quá ỷ y và tuyệt đối không cẩu thả, như thế mới có thể đạt đến sự Tương Hợp - Tương Hòa và Tương Xứng.