• Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
  • Pháp An Lạc Bình Sanh Cứu Khổ
prev next
 

Lạc Pháp

 
 

Mê Tín Dị Đoan

Nov 12 2017
Mê Tín Dị Đoan 515579065

Người tu tập chân chính hiểu rõ rằng: mọi sự vật, sự việc trên đời, dù nhỏ như hạt bụi cũng vẫn bị chi phối bởi Nhân và Quả, và tác động của nhân và quả gây tạo nên Nghiệp Lực. Chính cái Nghiệp Lực mới lèo lái một Chúng Sanh, chạy không ngừng nghỉ trong sáu nẻo Luân Hồi.

Là một Chúng Sanh của cõi Ta Bà, dù là một dân tộc nào, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, thậm chí đến tôn giáo hoàn toàn khác biệt, vẫn không có sự ngoại lệ đối với Luật Nhân Quả. Mà một khi nhân quả đã xuất hiện rồi thì tức khắc có Nghiệp Lực đi kèm. Tín ngưỡng là những nghi thức ở mặt ngoài, hướng dẫn cho người theo tín ngưỡng đó đi trên con đường mà tín ngưỡng đó đã vạch ra với mục đích tiến đến cái Toàn Chân, Toàn Bích.

Tuy nhiên, có đặt chân trên mặt đường mới biết được mặt đường có bằng phẳng hay gập ghềnh; có lội qua suối mới biết suối sâu hay suối cạn; có băng rừng mới biết rừng thưa hay rừng già; và có chạm tay vào vách núi mới cảm nhận được vách núi lài hay sừng sửng.

Tôn giáo nào cũng dạy cho tín hữu của mình cách thức để vượt qua những khó khăn trong cuộc hành trình.

Con đường Đời dài lê thê, chạy song song với con đường Đạo, Chúng Sanh dùng những phương tiện của đường Đạo để chỉnh sửa lại những hầm hố, chông gai, khúc khuỷu của đường Đời, biến mặt đường trở nên bằng phẳng và dễ đi.

Người tu tập chân chính nhận chân rất rõ ràng từng cái vướng mắc của đoạn đường Đời mình trải qua và sử dụng đúng những phương tiện nào của Đạo để san bằng vướng mắc. Tất cả những vướng mắc đó chính là những mắt xích của Nghiệp Lực đã theo đuổi mình từ nhiều kiếp đã qua.

Người không thiết tha với Đạo, chưa từng đặt chân trên con đường Đạo, không biết sử dụng những phương tiện của đường Đạo để chỉnh sửa đường Đời của mình, để cho bước chân của mình không còn bị vấp phải chông gai, hầm hố nữa, họ tìm đến các người tự xưng là chiêm tinh gia, các vị chuyên nghiên cứu về tử vi, bói dịch, các vị chuyên gia về cầu cơ và thậm chí họ còn sử dụng Tà Đạo để cầu tìm một sự an bình cho cuộc đời mình.

Con đường Đời đang bằng phẳng, nay bỗng nhiên gặp phải hố sâu vực thẳm, Chúng Sanh đâm ra bỡ ngỡ, Chúng Sanh hốt hoảng, Chúng Sanh cầu cứu, Chúng Sanh kêu la giúp đỡ. Chúng Sanh cầu viện người giải quyết sự khó khăn cho mình, trong khi nếu Chúng Sanh chịu khó suy nghĩ và tháo vát một chút, sẽ thấy rằng: chỉ cần tìm một miếng ván bắt qua cái hố là sẽ có thể tiếp tục con đường của mình rồi. Bản chất ù lì biếng nhác suy tư, hay lo sợ hảo huyền và trí tưởng tượng khá phong phú sẽ đưa Chúng Sanh dễ dàng vào việc Mê Tín Dị Đoan.

 

Bản tánh Mê Tín Dị Đoan khiến Chúng Sanh dễ tin vào những điều mờ mờ ảo ảo của người được cố vấn. Những lời của người này, thậm chí đến một giải pháp nào đó (nếu có) vẫn là những lời vô thưởng vô phạt, không có sự đoan chắc, và không có một sự giải thích rõ ràng. Trước một sự việc khó khăn nào đó xảy ra, người đoán vận mệnh khó lòng giải thích lý do tại sao việc khó khăn hiện hữu, làm thế nào để chấm dứt sự khó khăn? Họ chỉ có thể báo động rằng: sẽ có việc không hay xảy tới, còn việc xảy tới như thế nào, có thể giải quyết ra làm sao, được hay không, họ cứ mập mờ và gieo vào đầu óc của người mê tín nhiều câu hỏi để cho dịp gặp gỡ vào kỳ tới.

Tử vi là một bản minh họa cuộc đời của một con người qua sự vận hành của các vì sao. Với 12 cung diễn tả từ Mệnh đến Phụ Mẫu, Phúc Đức, Điền Trạch, Quan Lộc, Nô Bộc, Thiên Di, Tật Ách, Tài Bạch, Tử Tức, Phu Thê, Huynh Đệ, tóm lại, đó là cuộc đời của một người có cha, có mẹ, có anh em dòng họ, vợ chồng, con cái, có sự nghiệp, có phúc đức, nó cũng nói về những người thân cận, những kẻ ở xa thuộc trong giao tế của mình và luôn cả những điều không may đến với mình.

Tử vi là một phần của Thiên Văn Học, tuy nhiên, nó vẫn bị xem là Mê Tín Dị Đoan, theo từng góc nhìn.

Một người còn quá trẻ, sở hữu một bản tử vi “cực kỳ tốt”, tức khắc phản ứng ngược sẽ xảy ra. Tánh tự cao, tánh háo thắng, tánh bất cần, tánh xem thường kẻ khác, tánh thiếu chia sẻ, tánh thiếu sự nhẫn nại, thiếu trì chí và nhất là tánh ù lì, biếng nhác, thiếu tháo vác sẽ lôi kéo người trẻ này tuột dốc rất nhanh, khiến cho họ sẽ không có dịp để phô trương những cái cực kỳ tốt trong cuộc đời của mình qua bản tử vi.

Chúng Sanh đã hiểu sai và hành sai đối với cái bản tử vi của mình. Bản tử vi chỉ cho Chúng Sanh cái nhìn tổng quát về cuộc đời của mình qua nhiều giai đoạn của cuộc đời.

Giai đoạn nào xem như không được vừa ý lắm hay thậm chí “quá tệ”, Chúng Sanh phải biết cách mà sửa chữa, sửa chữa bằng việc tu tập, sửa chữa bằng cách hành thiện, sửa chữa bằng cách kiểm tra tất cả các tánh từ tốt đến xấu của mình để chỉnh trang, để giùi mài, để trau giồi.

Giai đoạn nào “tốt” thì sẽ không lấy đó để làm niềm hãnh diện, mà trái lại, càng tốt nhiều, càng phải chia sẻ nhiều thì mới có thể giữ được cái tốt đẹp đó lâu dài.

Sở hữu chủ của một bản tử vi mang đầu óc quá nhiều Mê Tín Dị Đoan thì chắc chắn rằng chính họ sẽ tự hủy diệt đời họ. Người luận bản tử vi nương vào đầu óc Mê Tín Dị Đoan của kẻ khác để đưa ra những lời luận giải không trung thực và chân chính, cũng sẽ làm hoen ố đi cái thanh danh của mình.

Chúng Sanh nên biết rằng: có một sự tương quan chặt chẽ giữa tử vi và Đạo Phật, cái phóng khoáng của tử vi vẫn luôn bị kềm kẹp bởi Nghiệp Lực mà chỉ có Đạo Phật với ý niệm sửa Tâm, sửa Ý, sửa Tánh mới giúp cho tử vi đạt được cái mức Toàn Mỹ của mình qua vai trò chuyển đạt cái bức tranh tổng thể của cuộc đời của một Chúng Sanh.

Trong đời sống hằng ngày, Chúng Sanh đã để quá nhiều Mê Tín Dị Đoan vào trong cuộc sống của mình. Đời sống vợ chồng, hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ, xáo trộn cũng chỉ vì vợ hay chồng không nhận chân ra được một Nghiệp Lực đã đứng chận giữa hai người, kẻ là con nợ, người là chủ nợ; đúng lý ra phải có kẻ đòi, người chịu trả thì cuộc hôn nhân mới có cơ hội kéo dài cho đến khi nợ nần rũ sạch, cả hai đều phủi tay trong nhẹ nhàng êm ả. Đằng này, cả hai đều giằng kéo nhau để dành phần thắng, cuối cùng kẻ thua cuộc đâm ra sân hận và lao vào tà Đạo, sử dụng bùa ngải để hãm hại người phối ngẫu của mình, cũng chỉ vì để thỏa mãn hai chữ Tự Ái mà gieo thêm nghiệp chướng nếu đó là con nợ phối ngẫu, chưa trả dứt nợ cũ, giờ lại gia bồi thêm nghiệp mới!

Một kẻ mang bịnh tật trong người, không lo việc chữa trị, không tìm cách để gia tăng thể lực của mình hầu tiếp tay với bác sĩ mà đẩy lui bịnh tật, lại đi tìm xin bùa ngải của ông này, bà nọ để chữa trị, cuối cùng thì tiền mất tật mang, tất cả cũng chỉ vì quá Mê Tín Dị Đoan.

Chúng Sanh vì đắm chìm vào Mê Tín Dị Đoan nên bày ra cúng vái Thần Thánh để cầu mưa hay cầu cho vơi đi hạn hán. Cõi Ta Bà được bao bọc trong một Vũ Trụ quá sức là to lớn. Trong Vũ Trụ, hằng ngày có những sự chuyển động của mây, mưa, gió, nắng. Tất cả những thứ đó phải có một sự trung hòa để tạo nên sự đàn hồi vừa phải của Vũ Trụ. Các Chư Thần đảm nhận những công việc điều khiển sự chuyển động về địa lý trong Vũ Trụ. Những nơi nào mưa ít, những nơi nào nắng nhiều, các Chư Thần sẽ làm công việc trung hòa về địa lý.

Tuy nhiên, tâm Chúng Sanh ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến địa lý của một nơi và có thể tạo ra một sự thay đổi không tốt đẹp về thời tiết hay khí hậu của vùng đó. Một nơi ít mưa, đúng lý ra sẽ được chuyển hơi lạnh đến nhiều hơn để tạo mưa, nhưng Chúng Sanh của vùng này đã làm những việc không tốt, tâm thiếu hiền hậu, dữ dằn, xấu ác, do đó đã chiêu cảm một sự khô cằn, tạo nên hạn hán. Tình trạng này kéo dài lâu hay mau là do ở tâm Chúng Sanh có sửa đổi hay không? Mau chóng sửa đổi hay dần dà sửa đổi? Chư Thần làm công việc của Chư Thần là đem luồng khí lạnh đến để tạo mưa, nhưng vật cản chính là tâm Chúng Sanh của vùng đó.

Mắt bình thường của Chúng Sanh không thấy được rằng một cái tâm không trong sáng, hai cái tâm không trong sáng, ba cái tâm không trong sáng, hàng trăm, hàng ngàn cái tâm không trong sáng sẽ tạo nên một vầng u tối, đen ngòm trong không trung và vầng đen tối đó có khả năng ngăn chận việc làm của các Chư Thần sở tại trong việc điều hòa khí hậu, địa lý của vùng đó.

Những ngày lễ lạc như Tết, Giáng Sinh, thời tiết thường rất đẹp. Đây là dịp để mọi người biếu quà cho nhau tỏ sự biết ơn, tỏ sự thương yêu, tỏ lòng trìu mến, tỏ sự chia sẻ, tỏ sự gắn bó...Tâm của Chúng Sanh trong những ngày này rất là trong sáng, trĩu nặng một tình thương, một sự chân thành đối đãi tốt đẹp với nhau. Ánh sáng rực phát từ ở tâm của Chúng Sanh bốc thẳng lên cao, tạo ra một thời tiết dễ chịu, ôn hòa và rực rỡ.

Trong những vùng trĩu nặng sát khí, bầu không khí luôn phảng phất một sự rờn rợn, sợ hãi, lo âu, chắc chắn rằng Chúng Sanh trong vùng đó thật sự không hiền. Tâm lúc nào cũng đằng đằng sát khí, ý tưởng sát hại không ngừng khởi lên và sự sân hận lúc nào cũng có thể bộc phát để sẵn sàng nổ súng hay hươi đao.

Có thể nói rằng: tâm Chúng Sanh vô cùng mạnh mẽ, cái tâm đó có thể chiêu cảm bao nhiêu biến động về địa lý, về nhân bản; nó có thể làm xáo trộn trật tự của một quốc gia hay thu hẹp hơn của một vùng, một xóm, một làng...Người dân trong một quốc gia luôn chịu nhiều tai ương, khổ sầu, luôn bị dằn vật bởi những sự hiếp đáp của những kẻ quyền uy, giàu có, luôn bị đè đầu, đè cổ và nhất là bị trấn lột, cướp giựt bởi những kẻ có quyền thế, tất cả đều xuất phát từ ở cái Tâm Chúng Sanh. Cái tâm đó là một phần tử của cái vòng tròn Nghiệp Lực mang tên Tâm - Ý - Tánh. Mỗi Chúng Sanh đều mang trên người vô số Nghiệp Lực, quấn chặt từ nhiều đời nhiều kiếp. Nghiệp Lực của từng cá nhân Chúng Sanh cùng sống chung trong một quốc gia sẽ họp lại để tạo thành Nghiệp Lực của một quốc gia. Nếu sự tập họp đó gồm đa số những Chúng Sanh có Tâm - Ý - Tánh không hiền, nhiều dữ dằn, nhiều tranh chấp, nhiều tham lam, đầy sân hận, thiếu sự tương trợ, thiếu lòng vị tha, thiếu sự tương hòa, chắc chắn rằng dân tộc đó sẽ luôn chịu nhiều đắng cay. Nên nhớ rằng: tất cả những gì không tốt đẹp của vòng tròn Nghiệp Lực Tâm - Ý - Tánh không phải chỉ có ở ngày hôm nay, mà nó đã hiện hữu, đã tích tụ qua nhiều thời gian trong quá khứ và kéo dài cho đến tận hôm nay, cho nên ngày giờ này Chúng Sanh mới nhìn thấy được sự phá tác của nó. Chính sự phá tác đó đã ngăn chận công việc làm bình thường có tính cách thường xuyên của các Chư Thần trong Vũ Trụ.

Lũ lụt kéo tới, mưa bão ào ào, nắng hạn làm chết cây cỏ, nứt đất, mất mùa, thậm chí động đất xảy ra ở những nơi mà không tìm thấy vết nứt của vỏ địa cầu, tất cả đều xuất phát từ ở một Tâm Chúng Sanh quái ác, không hiền.

Chư Thần chỉ đảm trách những công việc thuộc về vấn đề thay đổi địa lý trong Vũ Trụ, Chư Thần không làm những sự thay đổi có liên quan đến tâm Chúng Sanh. Nếu mọi việc xảy ra do ở tâm Chúng Sanh thì Chúng Sanh phải sửa đổi để mới có thể tìm lại Sự An Bình.

Do đó, Chúng Sanh không thể vì Mê Tín Dị Đoan mà có sự cúng vái, tế lễ Chư Thần, thậm chí giết bò, giết trâu, sát hại sinh vật, đôi khi luôn cả mạng người để tế lễ cho Chư Thần cầu xin mưa thuận gió hòa hay việc này, việc nọ. Đó là một hành động mặc nhiên tỏ sự kém tôn trọng những Vị đã đem lại sự yên ổn cho nơi mình cư ngụ.

Thay vì phải chỉnh sửa Tâm - Ý - Tánh của mình để luôn ngời sáng, chung nhau tạo dựng một ánh hào quang bao che cho bản thân mình và cho đồng loại thì trái lại, làm điều tai hại, không tốt đẹp, ảnh hưởng nặng nề đến Tâm - Ý - Tánh của cả một dân tộc. Kết quả thì chính mình cũng không thoát được tai ương, khổ sầu.

Đạo Phật tuyệt đối không dạy cho Phật Tử Mê Tín Dị Đoan. Một người tu tập chân chính phải hiểu rõ một cách tận tường Nhân Quả, Nghiệp Lực và nhất là sự hoán chuyển Tâm - Ý - Tánh của mình từ xấu đến tốt, từ thấp hèn đến cao thượng. Có hiểu rõ mới có thể thăng hoa được.

Đạo Phật đã vạch cho Chúng Sanh thấy rằng: mọi cảnh huống, mọi xáo trộn, mọi khó khăn, mọi gút mắt … đều là kết quả của nhân không lành. Mà một khi đã thấu hiểu được mình bị chi phối bởi cái nhân không lành mà mình đã gieo trồng, có thể đã từ lâu trong quá khứ hay cũng có thể mới vừa xảy ra, trong một thời gian không lâu ở hiện kiếp, cái quả mình nhận được là chuyện đương nhiên; không có ai tự nhiên ném bùn, ném lửa vào người mình nếu mình luôn luôn tạo sự tốt đẹp, niềm hòa khí với mọi người. Đã gieo nhân thì gặt quả, món nợ tôi đã vay thì tôi phải trả, có điều rằng: nếu tôi biết tu tập, hằng ngày tôi luôn sám hối, ăn năn, hành trì đúng việc Sám Hối, Trì Chú, Niệm Phật, xem như tôi đã dùng những phương tiện mà Đạo đã cung cấp, chỉ dẫn cho tôi để giúp tôi biết cách mà đối xử tốt đẹp với những người chủ nợ của tôi, chắc chắn tôi sẽ tránh được những sự khắc khe, sự phá tác của những Nghiệp Lực đến với tôi.

Tất cả mọi việc xảy ra trước mắt tôi, tôi bắt buộc phải dùng hoặc Trí Tuệ, hoặc Trí Huệ để hiểu một cách thấu đáo. Tuyệt đối không nhìn với cặp mắt mờ mờ ảo ảo và không nghe những lời giải thích vô căn cứ.

Thế giới văn minh ngày nay có quá nhiều phương tiện truyền thông vượt bực. Muốn tìm một lời giải thích để có thể thấu đáo được những gì mình đã nghe, đã thấy, chỉ cần một cái gõ mà thôi! Nên nhớ rằng: không có ai hiểu mình bằng chính mình, không ai thấu triệt đời sống tâm linh của mình bằng chính mình. Ngay cả vị Thiện Tri Thức cũng chỉ cho mình lời khuyên và những lời chỉ dạy đó giúp cho mình tự “sờ mó” cái Tâm Linh của mình. Vị Thiện Tri Thức cũng không thể bước vào hẳn trong Tâm Linh của mình để khám phá. Những cảnh huống, những đau buồn, những khó khăn thường xảy ra trong đời sống của mình, trong cuộc đời của mình, xuất phát từ những nghiệp chướng do chính mình tạo nên. Mình đã gây nên thì ngày giờ này chính mình phải chỉnh sửa; mình phải bình tâm lắng đọng Tâm Thức của mình để nghĩ suy từng gút mắt. Những gút mắt đó phải do chính mình giải quyết, phải do tự tay mình tháo gỡ; một ông hay một bà chiêm tinh gia nào dù cho lỗi lạc cách mấy, cũng không thể nào vứt bỏ được cái nghiệp chướng đang đè nặng đôi vai mình. Họ chỉ có thể cho mình biết rằng mình đang gặp chuyện không may, còn việc giúp cho mình một giải pháp để phủi sạch điều không may đó thì họ sẽ vô phương, vì sao? Vì họ không thể nào hiểu được rằng mình đã gây tạo những nghiệp gì? Với ai? Sự thiệt hại đến bao nhiêu? Mức đòi hỏi của sự đền bù như thế nào? Tất cả những điều này, một khi mình biết tu tập một cách chân chính, biết sửa đổi Tâm - Ý - Tánh của mình, tức khắc mình sẽ có câu trả lời với Trí Huệ phát sáng của mình. Đó là chưa kể ông hay bà chiêm tinh gia đó, tự bản thân của họ, cũng sẽ phải loay hoay, lúng túng với những nghiệp chướng đang quấn chặt trên người của họ. Họ đã không thể giải quyết nghiệp chướng của họ thì làm sao có đủ sức để giải quyết nghiệp chướng giùm cho kẻ khác? Hóa ra là mình tự nguyện đem tiền tới dâng cho những người không có khả năng làm được điều gì cho mình cả.

Chúng Sanh thích nghe lời xiểm nịnh, thích nghe những lời tốt đẹp cho nên rất vui vẻ để trả tiền cho những người nào nói những lời tốt đẹp cho mình, đó chính là một tánh xấu: tánh ù lì và thiếu tự tin. Chúng Sanh đã lười biếng để tư duy, cho nên mới có những kẻ lợi dụng cái tánh ù lì, cái tánh lười biếng đó để kiếm tiền rất dễ dàng. Bất kỳ lời của ai nói ra Chúng Sanh cũng đều cho là hay và chớ hề kiểm chứng lại để xem lời nói đó có hợp lý hay không? Việc Mê Tín Dị Đoan khiến cho Chúng Sanh thích nghe, thích làm những gì mà người ta cho là khác thường và hãnh diện với việc thụ đắc sự khác thường đó.

Bên cạnh những ông bà thầy bói thuộc của Đời, còn phải kể đến những vị Thần đã hết phước, không còn được tiếp tục duy trì đẳng cấp “Thần” nữa. Những vị này nương vào một người nào đó để xem bói hay trị bịnh cho Chúng Sanh.

Thông thường, những điều mà Chư Thần mượn miệng của Chúng Sanh để nói với một Chúng Sanh khác là chuyện tương lai của Chúng Sanh đó, tức là cái viễn tượng mà Chư Thần nhìn thấy từ ở phía sau lưng của Chúng Sanh đó.

Phải ghi nhớ rằng: một việc được nhìn thấy từ ở vị trí sau lưng cho đến lúc nó tiến qua được trước mặt và có gây tạo được một cảnh huống hoặc một điều tốt đẹp hay không, tất cả còn tùy thuộc vào cái Tâm của Chúng Sanh đó Lành hay Không Lành, cái Tánh của Chúng Sanh đó tốt hay xấu và Ý tưởng của Chúng Sanh đó Thiện hay Bất Thiện.

Cái khoảng cách từ sau lưng lên đến trước mặt (tức là từ tương lai đến hiện tại) giúp cho Chúng Sanh có đủ thì giờ để có thể lật ngược thế cờ những gì mà vị Thần đó đã nhìn thấy được ở phía sau lưng của Chúng Sanh đó. Nói cho rõ nghĩa hơn:

  1. Nếu là những điều không hay sẽ xảy tới, mà Chúng Sanh đó là một người có Phước Đức, thì vẫn có thể dùng cái Phước của mình để trang trải điều không lành xảy tới. Việc chuyển bại thành thắng vẫn có cơ hội xảy ra.

    Nếu vì quá mê tín dị đoan, đầu óc luôn đắm chìm vào lời tiên tri, Chúng Sanh sẽ bỏ mất dịp may dùng cái Phước báu của mình để làm vật chống đỡ những việc không lành xảy đến. Đôi khi vì thiếu tư duy, Chúng Sanh đã dễ dàng làm điều xằng bậy, tưởng rằng có thể giúp cho mình hóa giải được sự hung hiểm nào ngờ đâu đem đến sự tổn hại cho bản thân mình.
    ​​​​​​​
  2. Khi đã biết một việc không lành sẽ xảy đến cho mình, nếu đó là một người tu tập chân chính thì nhờ vào việc tu tập, đem công đức tu tập mỗi ngày của mình để hồi hướng, hoán chuyển cái việc không lành còn trong viễn tượng, sẽ lần hồi tan biến hoặc giảm đi cường độ rất nhiều, không gây sự phá tác ở hiện tại.

Bịnh hoạn là những bài học Nghiệp Lực mà Chúng Sanh luôn luôn đối diện. Nếu một Chúng Sanh mang bịnh trầm kha hoặc không thể chửa trị được, tức khắc phải hiểu rằng đây là kết quả của một nghiệp chướng mà Chúng Sanh đó phải nhận chịu do hành động quá dữ dằn, thiếu từ bi và đầy sân hận của Chúng Sanh đó trong quá khứ.

Một vị Thần hết Phước, mượn tay của một người để trị bịnh, nhất là những bịnh ngặt nghèo khó chữa lành, người Đời nhìn vào sẽ xuýt xoa, khen thưởng và tán tụng, nhưng, người Đời có biết đâu rằng: vị Thần này đã phạm phải một quy luật rất lớn của Vũ Trụ, đó chính là quy luật về Nghiệp Lực. Vị Thần này đã đi ngược lại với luật Nhân Quả, và những ai đã không hành sử đúng luật của Vũ Trụ, đều sẽ phải nhận chịu hình phạt của Vũ Trụ.

Sự Mê Tín Dị Đoan giúp cho người Đời cổ võ, tán dương và nhất là đánh mạnh vào Tự Ái của vị Thần hết Phước, khiến cho vị này càng ngày càng sa lầy; người được vị Thần này nương vào để trị bịnh cũng không kém phần hả hê, thỏa mãn Tự Ái và khởi lên một sự tự đắc. Người bịnh cưu mang một bịnh Nghiệp, tuy được chữa lành ngày hôm nay, nhưng trong tương lai, bịnh khác lại phát khởi và lần này thì cường độ nặng nề lại có cơ gia tăng gấp nhiều lần hơn trước.

Như Thầy đã nói ở trên, Đạo Phật tuyệt đối không dạy cho Phật Tử Mê Tín Dị Đoan và cũng không cổ võ cho Mê Tín Dị Đoan.

Phật Tử đi đến chùa không để tìm sự An Bình, Thanh Tịnh mà cốt yếu là để đi xin xăm, nhất là vào những ngày đầu năm hoặc mỗi khi Tâm không an ổn trước một khó khăn hay cảnh huống nào xảy tới cho mình.

Là một người con Phật, lòng quyết chí quy hướng về Phật, đã từng có lời phát nguyện vãng sanh về cõi Tịnh Tây Phương, thế mà vẫn còn tìm cầu ở những lời xăm vô thưởng vô phạt, không có một giá trị Tâm Linh nào hết. Lời xăm mang tên nào là xăm Quan Âm, xăm Di Đà, xăm Quan Thánh v.v... Chúng Sanh lười biếng tư duy, nghe đến tên Phật, tên Bồ Tát là hí hửng, đoan chắc rằng đó là lời của Phật và Bồ Tát chỉ dạy. Phật và Bồ Tát không nói lên những lời xăm đó, Chúng Sanh thử tìm trong năm tạng Kinh điển của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật để xem coi Ngài có ghi lại những lời xăm đó hay không? Hoặc trong Kinh A Di Đà, trong 48 lời Nguyện của Đức Phật A Di Đà, hay 12 lời Nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, các Ngài có ghi những lời xăm đó hay không?

Phật và Bồ Tát không dạy cho Chúng Sanh tin vào những điều mà Chúng Sanh không thể thực hiện được. Những điều mà Chúng Sanh được chỉ dạy là kim chỉ nam giúp cho Chúng Sanh thoát được vòng sanh tử, thoát được kiếp luân hồi, tạo được cơ hội để thăng hoa, để về Cực Lạc, để trở thành Bồ Tát, để tiến lên quả vị Phật.

Những lời chỉ dạy của Chư Phật và Bồ Tát giúp cho Chúng Sanh có một đời sống Tâm Linh phong phú, giúp cho Chúng Sanh tự mình tôi luyện bản thân mình, biết đối phó với Nghiệp Chướng, biết đối đãi tốt với tất cả những Chủ Nợ Nghiệp Lực của mình, biết chùi lau cái Kiếng Tâm bám đầy bụi của mình, biết tôi luyện cái Từ Bi Hỷ Xã để cho Tâm Thức của Chúng Sanh rực sáng, tỏa rộng ánh hào quang.

Phật và Bồ Tát không dạy cho Chúng Sanh những điều vu vơ, không có giá trị, không làm cho đầu óc của Chúng Sanh đắm chìm trong ù lì, u tối, Chúng Sanh không cần phải lụy vào những lời xăm không mang một giá trị Tâm Linh, không ích lợi cho việc chuyển sửa Tâm - Ý - Tánh của mình, Chúng Sanh cũng không cần phải cúng sao giải hạn.

Điều Chúng Sanh cần phải làm là năng trau giồi, sửa đổi Tánh của mình. Ngày nào mà mình còn mang quá nhiều Tánh xấu thì tự mình sẽ chiêu cảm biết bao nhiêu điều không lành; ngày nào mà Tâm mình còn xấu ác, mình cũng sẽ mời gọi những cảnh huống, những khó khăn đến với mình; ngày nào mà mình còn đầy những ý tưởng không tốt đẹp, thiếu thanh cao, chắc chắn rằng nạn tai sẽ không dừng lại với mình.

Chúng Sanh hãy tự đặt câu hỏi: khi dâng lên cho ai đó cái bảng cúng sao giải hạn, liệu rằng Nghiệp Lực có được đoan chắc sẽ ngừng lại mà không phá tác mình nữa hay không? Nghiệp Lực không có lời hứa với bất cứ Chúng Sanh nào là sẽ ngưng quấy rối nếu Chúng Sanh có cúng sao giải hạn. Nghiệp Lực không có một tương quan nào cả với các vì sao! Cho nên dù có cúng hay không có cúng sao giải hạn, nếu Chúng Sanh không biết tu tập, không biết chân thành ăn năn sám hối, không biết sửa đổi Tâm - Ý - Tánh của mình thì Nghiệp Lực sẽ khó dừng, Chúng Sanh khó lòng sống đời An Bình và cũng khó lòng tiến đến việc thoát vòng sanh tử, thoát kiếp luân hồi.

Hy vọng cho một cuộc đời tốt đẹp, bình an, ít sóng gió không nằm trong những lời xăm hảo huyền, không nằm trong cái bảng cúng sao giải hạn mà nó nằm trọn trong sự chắt chiu, siêng năng, trì chí, nhẫn nại để tu tập, để trau giồi Tâm - Ý - Tánh của mình và nhất là trong việc hoán chuyển tất cả những thói hư tật xấu của mình để trở thành Từ Bi Hỷ Xã, hổ trợ cho Tâm Thức luôn rực sáng, để tạo thành lớp hào quang bao phủ, chở che mình. Đó mới chính là một sự cầu an, giải hạn, giải nạn, giải tai ương một cách đúng nghĩa và đúng cách.

Nghiệp Lực đến có nghĩa là Chủ Nợ đến để đòi nợ, Chủ Nợ chỉ muốn chính Con Nợ trực tiếp nói chuyện với mình để giải quyết món nợ; con nợ không thể nào kêu gọi một người nào đó đến để giúp mình đối phó với Chủ Nợ Nghiệp Lực của mình, kể cả việc mời thỉnh Phật và Bồ Tát đến giúp mình giải quyết ổn thỏa mọi ân oán mà đã do chính tay mình gây tạo nên. Phật và Bồ Tát tuyệt đối không vướng vào Nghiệp Lực của Chúng Sanh, Phật và Bồ Tát chỉ có thể giúp cho Chúng Sanh những phương tiện để làm cho nhẹ đi tình huống và nếu Chúng Sanh đó hết lòng hết dạ theo đúng những cách thức, những lời chỉ dẫn khi sử dụng những phương tiện mà các Đấng Từ Bi đã trao cho, sẽ không có sự giằng dai, sự nghiêm trọng trong vấn đề giải quyết món nợ Nghiệp Lực, và biết đâu rằng, trong cái quá trình trả nợ đó, Chúng Sanh con nợ lại tạo nên được một sự tương hòa cảm thông với Chủ Nợ để biến Món Nợ Nghiệp Lực trở thành Phước Huệ cho cả đôi bên.

Cho nên, xin xăm, giải hạn, cầu an là những điều không mang lại lợi lạc đúng nghĩa cho người con Phật. Người Phật Tử khi đi đến chùa, đến nơi thờ phượng các Đấng Từ Bi là để ngắm nhìn và đảnh lễ hình tượng của Chư Phật và Bồ Tát với một tấm lòng thiết tha, đặt trọn lòng biết ơn vào các Đấng Cha Lành đã không quản ngại sự cực nhọc, lên xuống cõi Ta Bà để dắt dìu chỉ dạy Chúng Sanh; từ tấm lòng biết ơn sâu xa đó, người Phật Tử dâng lên cho các Đấng Từ Bi trọn tình thương yêu, quý kính của mình, với một lời hứa chân thành sẽ làm đúng những lời chỉ dạy rất là cặn kẽ để luôn xứng đáng là con của Phật.

Ngày hôm nay, các Đấng Cha Lành đã không còn hiện hữu bằng xương bằng thịt trên thế gian nữa, nhưng Tâm Linh của các Ngài vẫn không hề rời khỏi cõi Ta Bà. Các Ngài luôn rơi lệ khi nhìn các con của mình đang còn lặn hụp trong Biển Khổ, lửa rực sáng đang phủ vây, từ từ siết chặt các con mình. Các Ngài đã vô cùng bận bịu, chạy bên này, vòng sang bên kia để dang tay kéo lên từng đứa con một, những đứa con đã chí thành chí cốt dùng những phương tiện của các Ngài trao cho để làm cái phao vượt qua biển lửa.

Người Phật Tử đứng trước hình tượng của Chư Phật và Bồ Tát mà tưởng chừng như đang đứng trước mặt Từ Thân và lắng nghe lời dạy bảo. Chính những giây phút này, cái nội tâm của mình mới thật sự lắng đọng để hiện rõ lên những lời mình đã thâm nhập từ ở những điều chỉ dạy của Đấng Cha Lành! Những lời chỉ dạy này đã giúp cho mình nghĩ đúng, hành đúng và nhất là giúp cho mình một niềm hy vọng chứa chan về một cuộc hành trình mà mình không thể nào bỏ qua được ở phút cuối đời. Có thoát được cái biển khổ mênh mông bát ngát, có thoát được những vòng lửa đỏ lúc nào cũng hừng hực bám sát lấy mình, Người Con Phật mới có cơ hội chuẩn bị một cuộc hành trình tiến về Cực Lạc trong niềm vui bất tận, trong sự nôn nao gặp lại Đấng Cha Lành A Di Đà Từ Phụ.

Không phải Chúng Sanh nào cũng có đầy đủ phương tiện để thiết lập một Đạo Tràng trang nghiêm làm nơi thờ phượng. Từng người con Phật góp một bàn tay, kẻ nhiều người ít tùy ở khả năng mình, chung nhau xây dựng một mái chùa làm nơi tôn thờ các Đấng Cha Lành. Cái Đạo Tràng chung của những người con Phật cùng một tấm lòng luôn vun bồi, xây đấp để cho ngôi chùa ngày càng hưng thịnh, hưng thịnh mang ý nghĩa cả mặt ngoài lẫn mặt trong. Ngôi chùa sẽ được luôn tu bổ, xây dựng, giữ gìn, trang trí để lúc nào cũng giữ được cái hình thái thuở ban đầu, luôn được tô điểm để thêm phần tốt đẹp và rực rỡ.

Tuy nhiên, việc tô điểm cái đẹp ở bên ngoài vẫn không sao sánh được với cái đẹp ở bên trong của ngôi Pháp Tự. Cái đẹp này không nằm vào ở tượng to, tượng lớn hay những đồ bày trí lỉnh kỉnh, mà chính là cái đẹp của một sự phát huy đúng mức toàn bộ gia tài mà Đấng Từ Phụ đã để lại cho các con của Ngài.

Mỗi người con Phật đều hết lòng chăm lo tu tập. Người con Phật khi bước vào Đạo Tràng của chùa, để lại bên ngoài tất cả những phiền não, những âu lo, chỉ còn mang theo mình vỏn vẹn một niềm tin, một lòng yêu kính, cùng một lòng hy vọng vô biên. Trong một môi trường đầy ấp niềm tin, đầy ấp lòng yêu kính, ngập tràn hy vọng của các người con Phật, những phương tiện từ trong gia tài của vị Cha Lành sẽ được mang ra sử dụng một cách tích cực. Mọi người con Phật sẽ cùng chèo, cùng vượt sóng, cùng lèo lái để đưa chiếc thuyền Giác Ngộ tiến qua lần hồi những vực sâu, những ghềnh đá, những dòng nước xoáy. Dưới sự chỉ huy khéo léo, hết lòng của vị trưởng đoàn, các người con Phật mỗi ngày một chút, tiến gần được đến bến bờ. Rồi một ngày nào đó, khi chí đã vững, khi Tâm đã rạng, khi Nghiệp Lực đã nhẹ lần, tánh khí được hoàn toàn chỉnh sửa, đoàn người con Phật nhẹ nhàng đặt chân lên bờ Giác Ngộ, lòng rộn ràng tha thiết mừng vui trước vòng tay mở rộng của Đấng Cha Lành.

Bên trong của ngôi Pháp Tự lúc nào cũng đầy ắp những người con Phật nô nức, háo hức, trông chờ để được bước lên thuyền Giác Ngộ để bắt đầu cuộc hành trình tuy gian nan, cực nhọc ở bước đầu tiên, nhưng một khi đã vững tay chèo rồi thì chiếc thuyền sẽ lướt sóng nhẹ nhàng, nhắm hướng bờ bên kia mà tiến tới.

Vị Cha Lành khuất bóng đã để lại cho các con của mình một gia tài phương tiện quý báu, giúp các con thoát nạn:

Nào là Thuyền Giác Ngộ, thoạt trông qua thì rất mong manh, yếu ớt, nhưng sức chịu đựng vô cùng bền bỉ, dẻo dai; vượt ghềnh, vượt đá, vượt lướt trên lũ lụt, trên dòng nước xoáy không chút khó khăn nào; phong ba bảo tố cũng vẫn không là chướng ngại của thuyền.

Vị Cha Lành cũng đã để lại cho các con của mình 3 Báu Vật, đó chính là Tâm – Ý – Tánh với lời căn dặn thật là tha thiết là hãy cố gắng làm cho ba Báu Vật này luôn rực sáng. Báu Vật có được tôi luyện, có ngời sáng rực rỡ thì cơ hội để gặp lại cha mình mới có thể đến được với các con.

Đứng nơi Chánh Điện của một ngôi Pháp Tự, người con Phật gởi trao về cho vị Cha Lành của mình trọn tấm lòng tha thiết mong gặp lại Cha mình và lời hứa trọn lòng tu tập, chỉ có sự quyết chí tu tập chân chính mới giúp cho người con Phật lèo lái vững chãi chiếc thuyền Giác Ngộ để tới bến bờ một cách êm ả và bình yên.

Người con Phật không để cho Tâm mình quấy động bởi các Mê Tín Dị Đoan, người con Phật phải dùng tấm lưới Trí Tuệ để ngăn chận những cặn cáu của những điều Mê Tín Dị Đoan, người con Phật cũng phải dùng gậy gộc để đập cho tan thành tro bụi cái tánh Mê Tín Dị Đoan.

Đến với chùa chiền không phải đến với những lời xăm huyễn hoặc, vô bổ, thiếu căn cứ, càng làm cho trĩu nặng tâm tư và nhất là không giúp để giải quyết bất kỳ một nghiệp chướng nào cả. Tất cả mọi khó khăn, vướng mắc đến với từng Chúng Sanh trong cuộc sống hng ngày, và luôn cả suốt đoạn đường Đời, đều là Nghiệp Chướng. Nó có thể mang tên này hay mang tên khác, nhưng bản chất của nó chính là Nghiệp Chướng; mà đã là nghiệp chướng thì không giải quyết một cách đơn giản bằng những lời xăm. Nghiệp chướng cũng không dừng được ở việc cúng cầu an, cúng sao giải hạn hay giải bất cứ một cái gì khác. Mang danh là người con Phật, hãy hành như Phật, có nghĩa là không giải đãi. Hãy cố gắng tập, chỉ một tánh không giải đãi của Phật mà thôi, người con Phật sẽ tìm được ngay một cảm giác thật nhẹ nhàng, thật thoải mái sau mỗi khóa lễ hành trì Sám Hối, Trì Chú và Niệm Phật, với tất cả lòng chân thành, tha thiết của kẻ nhận ra được lỗi lầm của mình để sám hối, để ăn năn.

Từ chút, từ chút một, ngày tháng thoi đưa, người con Phật nhìn lại đoạn đường mà mình đã đi qua, nhìn lại sự thay đổi nơi bản thân mình, miệng sẽ mĩm cười trước thành quả tốt đẹp của mình trên bước đường tu tập. Trong bóng đêm của đoạn đường Đời đã thấy lóe lên một vài tia sáng. Niềm hy vọng càng lên cao để được thấy thêm nhiều tia sáng nữa, và rồi sẽ có một ngày mà các tia sáng đã hội đủ để rực lên cùng một lúc, tạo một buổi bình minh thật đẹp, thật chan hòa. Buổi bình minh ở cuối cuộc đời hay buổi bình minh chói rạng ở giữa của cuộc đời, tất cả là do sự quyết định dấn thân của người con Phật vào việc dốc lòng chân chính tu tập.

Kính bạch Sư Phụ,

Có nhiều người cho rằng họ đã chụp hình được rất nhiều hoa Mạn Đà La. Việc này tạo nên một xôn xao lớn vì mọi người đều nôn nóng và háo hức để thấy Mạn Đà La. Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ hoa Mạn Đà La là hoa gì? Có dễ dàng để nhìn thấy hoa Mạn Đà La hay không?

Mạn Đà La là tên của một loại Hoa Trời, hoa mọc ở cõi Trời chớ không phải ở cõi Người, do đó muốn thấy được hoa Trời thì nhất định phải về cõi Trời mới có thể thưởng thức được. Mạn Đà La cũng mọc ở cõi Cực Lạc, đó chính là Hoa Sen Trắng, mùi thơm ngào ngạt, Thánh Chúng của Cực Lạc hay xếp hoa vào giỏ và đem cúng dường Chư Phật trong mười phương.

Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, mỗi lần Đức Bổn Sư nhập định trước khi nói Pháp, Chư Thiên thường hay rưới nhiều loại hoa Trời, trong đó có hoa Mạn Đà La, xuống Đạo Tràng để đón mừng Đức Phật. Mỗi khi có một vị Phật hay một vị Bồ Tát hoặc một vị có chức sắc nào ở cõi Trời đi ngang qua cõi Ta Bà, cũng đều được rải hoa Mạn Đà La để đón chào.

Việc những người nào đó bảo rằng họ đã chụp được rất nhiều hoa Mạn Đà La từ trong bầu trời, điều này có lẽ không được đúng lắm, vì hoa Mạn Đà La không rơi lơ lửng ở trên không như vậy đâu.

Như Thầy đã nói ở trên, hoa Mạn Đà La tức là hoa sen trắng, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, chỉ mọc ở cõi Trời hay cõi Cực Lạc. Nếu một máy chụp hình tối tân chụp được một vật gì có hình dạng của hoa sen thì mới đúng là hoa Mạn Đà La, nhưng mắt thường e rằng khó thấy được hoa, khó thấy được Chư Phật và Bồ Tát, cũng như tất cả các Ơn Trên, mỗi khi các vị đi ngang qua cõi Ta Bà. Chỉ khi nào được cho thấy thì mới có thể thấy mà thôi, do đó, không thể chụp được hình của hoa Mạn Đà La, vì hoa thì đi kèm với Ơn Trên, chụp được hình của hoa, tức nhiên sẽ chụp được hình của các Đấng Từ Bi. Vì vậy, việc này mặc nhiên được xem là không có thật!!

Còn nếu bảo rằng: những đốm sáng hiện lên trên màn ảnh của máy chụp hình là các Chư Thần thì cũng vẫn không đúng. Chư Thần có nơi chốn của Chư Thần, vả lại, Chư Thần cũng không đi lang thang trên không trung để cho Chúng Sanh chụp hình của mình, và Chư Thần sở tại cũng không có quá nhiều, quá đông để rải rác khắp mọi nơi như bụi đâu.

Chúng Sanh vì Mê Tín Dị Đoan nên lúc nào cũng Thần Thánh hóa câu chuyện hay hành động của mình, thêm vào đó là để thỏa mãn tự ái của mình khi khoe với mọi người rằng: mình đã chụp được hình của vị này vị nọ hay bất cứ cái gì thuộc thế giới vô hình. Thật ra Chư Thiên, Chư Thánh, Chư Thần đều có cảnh giới riêng của họ; các vị này thường là không xen vào việc của Chúng Sanh, trừ khi nào công việc của các vị đòi hỏi phải giúp đỡ để làm tăng sức khỏe lợi lạc cho Chúng Sanh trong vùng mình cai quản. Xen vào đời sống của Chúng Sanh hay việc tư của một gia đình Chúng Sanh, Chư Thần chắc chắn không làm việc đó!

Trong không khí có rất nhiều hạt bụi, nhỏ li ti cũng có, đủ lớn để có được một hình dạng cũng có, và những hình dạng này thay đổi rất nhiều chớ không phải chỉ có một hình cố định mà thôi đâu. Những hạt bụi cũng mang một ánh sáng do sự phản chiếu ánh sáng chung quanh. Một máy ảnh tối tân có thể thu hình các hạt bụi này một cách dễ dàng, ở một độ cao hay một độ xa đáng kể, và hiện lên những hình ảnh thật rõ nét của từng hạt bụi.

Chúng Sanh thiếu sự hiểu biết, thiếu sự chiêm nghiệm, lười suy tư qua trí tuệ của mình, cho nên dễ dàng chấp nhận và mạnh dạn chấp nhận sự quyết đoán của mình, để rồi sau đó, đem những gì mình thấy, những gì mình thu thập được, phổ biến khắp mọi nơi. Người người lũ lượt hùa theo, đôi khi còn “thêm mắm dậm muối”, vẽ vời ra, khiến cho một số đông quần chúng bị du vào những điều Mê Tín Dị Đoan; từ một cái lông chim nhẹ hổng, bổng dưng trở thành con chim biết bay, biết nhảy nhót, biết hót vang trời và điều đáng nói là, con chim bây giờ lại biết tạo thần thông, gây sự hoang mang, rối rắm, nghi ngờ cho những người sơ cơ mới bước vào việc tu tập, sẽ vô cùng bỡ ngỡ không tìm được câu trả là: Đạo sai? Hay Chúng Sanh sai?

Bên cạnh những điều mà Chúng Sanh thường Mê Tín Dị Đoan phải kể đến một sự đóng góp khá phong phú và tích cực của Tà Đạo mà điển hình là Bùa Ngải.

Tà Đạo là con đường tắt để đi đến cái rốt ráo. Người theo Tà Đạo muốn đạt thành một ước nguyện nào đó, muốn trở nên một Vị hay một Đấng nào đó với tất cả sự trọng vọng, sự nể vì, sự kính phục và nhất là một sự sợ hãi tuyệt đối của tất cả những người đang phủ phục dưới chân mình.

Người theo Tà Đạo không đường đường chánh chánh đi trên đại lộ, họ tìm những ngỏ ngách, những con đường tắt đầy chông gai, bụi bám để đi cho nhanh cho lẹ, cho mau tới chỗ dừng chân. Người theo Tà Đạo không đặt căn bản trên Từ Bi, trên Hỷ Xả. Họ xây nền móng bằng quyền lợi, bằng tiền tài, nếu được quyền hành thì càng tốt, họ không từ nan thủ đoạn, miễn sao đạt được mục tiêu mà mình nhắm tới. Người theo Tà Đạo lấy chữ THAM làm gốc và sử dụng bùa ngải để phụng sự chữ THAM.

Chúng Sanh Mê Tín Dị Đoan không phân biệt được Chánh, Tà. Bất cứ cái gì làm thỏa được cái Tự Ái của mình, làm cho Sự Sân hận của mình được vơi đi và Quyền Lợi của mình được lên cao, Chúng Sanh sẽ sẵn sàng chấp nhận, mạnh dạn sử dụng và vui vẻ để thanh toán bạc tiền.

Chúng Sanh đã quên một điều rất căn bản, tất cả mọi việc xảy ra trong cuộc đời, do bị chi phối bởi luật nhân quả, nên không tránh được cái phản ứng ngược của việc mình làm. Một cục đá ném vào người của kẻ khác, sức ném sẽ dội ngược có thể gây thương tích khiến mình trặc tay. Dùng bàn tay mình để tát vào mặt của kẻ khác, dù tát ở bề mặt hay ở bề trái, những ngón tay của mình vẫn bị chấn thương. Cầm than hồng chọi vào người khác, kẻ phỏng tay trước tiên lại chính là mình.

Chúng Sanh sử dụng bùa ngải để hại người, để thỏa lòng tham của mình, thậm chí chỉ để làm gia tăng sức khỏe của mình hay giữ gìn hạnh phúc của mình, đều không tránh được những phản ứng ngược do bùa ngải mang tới. Chúng Sanh không am tường được thế giới siêu hình, chỉ thấy mối lợi trước mắt mà không nhận ra được những diễn biến ở sau lưng mình. Một khi đã bị quấn chặt bởi sợi dây vô hình của bùa ngải, Chúng Sanh sẽ khó lòng vùng vẫy, khó lòng thoát được những ác nghiệp ào ào đổ ập lên mình.

Người tu tập chân chính không để cho mình đắm chìm vào Mê Tín Dị Đoan. Tất cả những phương tiện để dẫn dắt người tu tập tiến đến sự thăng hoa đã được các Đấng Từ Bi tận tình chỉ dạy. Mê Tín Dị Đoan không hoán chuyển được con người của mình, không đem lại sự tốt đẹp cho đời sống Tâm Linh, và cũng không làm phương tiện để đưa mình đi về Cực Lạc. Chính sự tu tập chân chính, đúng mức mới giúp cho mình được sanh vào hoa sen của Cực Lạc, mới giúp cho mình trở thành Thánh Chúng và trong tương lai sẽ trở thành một vị Bồ Tát, một vị Phật.

Chư Phật và Bồ Tát đã dắt dìu Chúng Sanh của cõi Ta Bà, trong đó có mình. Rồi một ngày nào đó, nơi cõi Cực Lạc bình an, không sóng gió, mình đã chu toàn xong việc tu tập để đền trả lại những món nợ Nghiệp Lực khi xưa mà mình đã nợ vay, mình lại nối tiếp công việc làm của Phật và Bồ Tát để dắt dìu, cứu độ Chúng Sanh của cõi Ta Bà, trong đó chắc chắn rằng sẽ có bảy đời mẹ cha, anh chị em con cháu và chín đời bà con dòng họ của mình. Những người ra đi cũng may mắn được tiếp độ như mình, sẽ an lòng tu tập trên thai sen; những người còn lại đang đắm chìm trong cảnh trầm luân, chắc chắn rằng họ rất trông chờ sự cứu độ của mình.

Mê Tín Dị Đoan đã không giúp được cho Tâm mình rực sáng, không giúp được cho Thần Thức của mình một nơi an trụ đời đời thảnh thơi, tự tại, mà trái lại, Mê Tín Dị Đoan đã vùi nguyên cái Trí Huệ của mình xuống vũng bùn đen ngòm, tanh hôi, đời đời sẽ không có dịp để bật được ngọn đèn cho sáng chói lên.


+ 62