Một đàng thì không muốn có con vì sợ vướng bận, sợ cảnh nghèo khó không nuôi nổi đứa con, sợ mất mặt với gia đình, dòng họ, xóm giềng vì không chồng mà bụng càng ngày càng lớn, hoặc đôi khi vui chơi quá độ, quên cả giữ gìn, đến khi tàn cuộc chơi mới biết mình đã lún bùn khá sâu, ôm giọt máu của ai đó đang tượng hình trong bụng mình, do đó mà không ngần ngại phá bỏ thai noãn hay thai nhi.
Việc phá thai không những gây tạo nhiều rối rắm, bất an cho chính cá nhân đó mà còn mang đến khá nhiều phiền toái cho gia đình, tạo ra nhiều tranh cãi đôi khi gay gắt, khó xử cho Cộng Đồng, cho Xã Hội.
Cầu Tự tức là CẦU CON! Chữ Tự nơi đây không dính dáng gì đến chùa chiền cả. Người ta thành tâm cầu khẩn, người ta lạy lục van xin, thiết tha kêu gọi Ơn Trên, gọi Chúa, gọi Phật, gọi các Đấng Thần Linh, gọi tất cả những ai mà họ đã trao trọn tâm linh của mình với lòng tin tuyệt đối để cầu xin một đứa con.
Tại sao người ta tha thiết muốn có một đứa con?
- Đứa con là một biểu hiện rất lớn của một tình yêu sâu đậm, nồng nàn và chân thật giữa một người Nam và một người Nữ. Đó có thể là một cặp Tình Nhân hay một đôi Vợ Chồng.
- Khi mà cả 2 thế hệ Già và Trẻ chưa có được sự cảm thông nhau, cuộc sống vợ chồng sẽ gặp khá nhiều phiền toái do sự thôi thúc không ngừng nghỉ của cha mẹ chồng, nhất là của Bà Mẹ Chồng trong vấn đề sanh con cái để nối dõi tông đường, để có người thừa tự.
- Nếu gia đình Chồng là một gia đình bề thế, giàu có, danh vọng, thông thường họ hay đưa ra điều kiện buộc cô con dâu phải sinh cho họ một đứa cháu trai thì mới được dự phần vào việc phân chia gia sản, nếu không thì sẽ bị loại tên ra khỏi chúc thư.
- Lập gia đình nhiều năm rồi mà vẫn chưa có được đứa con nào, nhìn chung quanh bè bạn tay bồng tay bế, con cái đầy nhà, tiếng cười trẻ thơ luôn vang dội, bỗng thấy lòng mình chùng xuống, có chút gì đó hơi ganh tỵ và nảy sinh ý muốn cầu xin một đứa con.
Thầy đã có một bài Pháp trình bày thật rõ ràng sự tệ hại của việc PHÁ THAI.
Vấn đề CẦU TỰ cũng vẫn là điều mà Chúng Sanh phải thấu triệt để phòng bị, để kịp thời đối phó khi nghiệp lực triển khai.
Trong cái túi A Lại Da Thức của Vong Linh, nghiệp lực giữa Cha Mẹ và Con Cái luôn luôn đứng hàng đầu. Khi một Vong Linh được trở lại kiếp Người, nghiệp lực đó phải được sắp xếp trước tiên vì có Cha Mẹ, Vong Linh mới có thể hiện diện trên cõi Đời được và từ đó những nghiệp lực lớn nhỏ có liên quan đến cái Thân Xác Mới đó mới có dịp hội tụ và triển khai. Chỉ có Vong Linh siêu thoát mới có thể tiếp cận được với Quyến Thuộc của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát và được Ngài giúp đỡ để tìm Cha Mẹ mới của Vong Linh. Ngoài Vị Cổ Đại Bồ Tát này thì không ai có thể đảm nhận công việc này cả.
Thầy đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, đừng thương Thân Nhân mình bằng cái miệng, mà hãy thương bằng hành động, tức là phải đem hết Tâm Lực để SIÊU ĐỘ cho thân nhân trong suốt 49 ngày. Siêu độ không có nghĩa là đem Kinh A Di Đà hay Kinh Địa Tạng ra tụng niệm, mà chính là phải vạch vòi, giúp cho Vong Linh nhận ra được những Tánh Xấu, những Thói Hư mà Vong Linh đã phạm phải khi còn trên Dương Thế. Chính những Tánh Xấu mới là nguyên nhân khiến cho khi còn sống, Thân Xác của Vong Linh đã liên tục gây tạo nhiều nghiệp chướng lớn có, nhỏ có, với người Đồng Loại của mình.
Có nhận chân ra được điều này, Vong Linh mới có thể chân thành, thiết tha Sám Hối Ăn Năn, mới thể hiện được ý chí phục thiện của mình; dù chưa có thể xóa được nghiệp lực, nhưng sự thành khẩn, thành tâm cũng đủ để có thể làm cho tảng đá nghiệp lực nhẹ bớt đi, giúp cho Vong Linh dễ dàng cất bước tìm nơi chốn thác sanh. Kêu gọi sự giúp đỡ, sự cứu rỗi của Đức A Di Đà Phật hay của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, hoàn toàn vô ích!! Dù cho các Ngài hiện diện ngay trước mặt Vong Linh, nhưng Vong Linh không tỏ rõ một thiện chí ăn năn sám hối gì thì cũng vẫn không thể nào cất nhắc nổi đôi chân của mình mà đi theo các Ngài được.
Nhận chân ra được vai trò cực kỳ quan trọng của Bồ Tát Địa Tạng Vương đối với việc trở lại kiếp Người của một Vong Linh, nên Thầy đã không quản công biên soạn quyển Nghi Thức Siêu Độ cho Thân Nhân trong 49 ngày với tất cả những chi tiết cần và đủ để giúp cho Vong Linh giải quyết chớp nhoáng những điều tất yếu, giúp cho Vong Linh nhẹ nhàng di chuyển trong việc chọn lựa 3 nẽo thác sanh: Cõi Phật - Cõi Trời - Cõi Người.
Trở lại với vấn đề Con Cầu Tự!
Người Đời hay ác miệng ác mồm, buông lời dè bỉu, cho rằng “cây độc thì không trái, gái độc thì không con!” Đây là một lời phê bình đầy ác ý và hoàn toàn sai trên phương diện nghiệp lực.
Như Thầy đã nói ở trên, Nghiệp Lực giữa Cha Mẹ và Con Cái là Nghiệp Lực mặt đối mặt, đứng hàng đầu. Nếu người Mẹ không thụ thai, không sanh con, điều đó nói lên rằng nghiệp lực giữa Cha Mẹ và con cái không có, tức là không có nghiệp lực buộc ràng. Nếu Nghiệp Lực được đặt để thì người Mẹ đã thụ thai rồi, dù có muốn tránh cũng không được!!
Đã thoát được cái nghiệp con cái rồi, nhưng lại không cam tâm, Chúng Sanh tự mình cột 2 tay của mình lại để cho giống với mọi người và bắt đầu đi rao hàng, mời gọi, năn nỉ hết kẻ này tới kẻ khác để vào làm CON của mình. Tất nhiên là Vong lang thang, Vong không siêu thoát dày đặc ở các chùa miễu, nhà thờ, vô cùng hoan hỷ và tranh nhau giành giựt để chiếm thế thượng phong, làm con của người đang thành tâm cầu khẩn.
Lời cầu xin được hồi đáp, người Mẹ hân hoan mang trong bụng mình cái Thai Noãn vừa chớm nhụy! Thật ra không phải vì chùa miễu hay nhà thờ linh thiêng, mà chính là một Vong Linh nào đó có sức mạnh hơn những Vong Linh khác đã dành được cái tấm vé “Độc Đắc” là Đứa Con, và từ đây Vong Linh đó đã có Mẹ Cha đủ đầy.
Thế là từ đây, người may mắn không vướng vào nghiệp con cái lại trở nên vướng bận vào con cái.
Chúng Sanh nào cũng quá quen thuộc với Cõi Ta Bà do việc trở đi trở lại không biết bao nhiêu lần từ Vô Thỉ Kiếp cho tới tận hôm nay. Khi thì trở lại với màu da Vàng, có đôi lúc với màu da Trắng, cũng có khi là da Đen hay da Đỏ, tóm lại, tất cả đều là do nghiệp lực dẫn đường. Thân Xác Mới tuy tỏ ra xa lạ cùng nhau, nhưng Thần Thức thì đã nhẵn mặt nhau, cũng đã từng cọ quẹt lẫn nhau, đã từng xỉa xói lẫn nhau, làm tổn thương nhau; tuy nhiên cũng có lúc thương yêu trìu mến nhau, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, dành cho nhau nhiều mỹ cảm, khắc ghi nhiều hình ảnh đẹp.
Do đó mà giữa Chúng Sanh với nhau, bất kể quen hay lạ, vẫn có những nghiệp lực buộc ràng, tuy nhiên với người này thì nhiều, còn đối với người kia thì ít. Có những nghiệp lực nặng nề hoặc Xấu hoặc Tốt, kèm theo với nhiều dây tơ rễ má, những loại nghiệp lực như vậy thường được A Lại Da Thức xếp vào ưu tiên hàng đầu để trở thành nghiệp lực mặt đối mặt.
Sự ra đời của Đứa Con Cầu Tự, nếu đó là một đứa bé trai như lòng mọi người mong đợi thì quá là tuyệt hảo! Đứa bé sẽ được cưng chiều từ tấm mẳn, muốn gì được nấy, ai cũng muốn làm cho bé vui lòng, thỏa thích. Tiếng cười vang của bé gây niềm phấn khích cho mọi người trong gia đình. Mọi người chỉ biết làm vừa lòng bé mà không hề nghĩ đến việc dạy dỗ bé. Ngày qua tháng lại, bé lớn dần theo năm tháng, quen thói được nuông chiều, quen thói sống xa hoa phung phí, thích ban lịnh cho người khác, thích phô trương quyền lực với bạn bè yếu kém hơn mình, và nhất là mang quá nhiều tánh Xấu trên người, dễ dàng gây tạo nghiệp lực lớn nhỏ với người chung quanh.
Con Cầu Tự bản chất không phải là Con Nợ hay Chủ Nợ của Mẹ Cha, cho nên tỏ ra bất cần, hững hờ. Thần Thức mang tính chất “Du thủ du thực”, sẵn sàng tranh giành, xô lấn những Vong Linh khác (trước kia) để đoạt cho được tấm vé độc đắc là ĐỨA CON. Ngày giờ này, với sự hỗ trợ của Gia Đình, Dòng Họ, Đứa Con Cầu Tự này đã trở nên khó dạy, khó biểu, không bao giờ biết lắng nghe, dù là một lời khuyên nhẹ nhàng, thân thiện.
Nếu được sinh ra trong một gia đình giàu có thì quả thật là “Chuột sa hũ nếp”, Đứa con Cầu Tự sẽ tha hồ mà phá của, thẳng tay tiêu xài, không cần biết Cha Mẹ mình có còn đủ tiền cho mình phung phí hay không?
Với bao nhiêu tánh Xấu mang trên người, đứa con này không ngại gieo rắc oán thù khắp nơi; nếu có ai thưa kiện thì đứa con không ngần ngại đưa Mẹ Cha ra gánh chịu. Mẹ Cha có miệng mà không thốt được nên lời, vì chính mình cũng đã dự phần không nhỏ trong những việc làm sai trái của con mình ngày hôm nay, đã không dạy dỗ nó khi còn thơ dại, đã cưng chiều quá sức mà bỏ qua tất cả những lỗi lầm nhỏ nhặt, ngày giờ này những tánh xấu đã trở nên cứng chắc, khó lòng triệt tiêu. Mẹ Cha chỉ còn biết ngày ngày cầu nguyện cho con mình dừng phá phách, bớt ăn chơi, hồi tâm chuyển ý mà lo lập thân, Cha Mẹ đâu có sống đời để mà luôn bảo vệ con mình.
Cháu “Đích Tôn” nối dõi tông môn dòng họ đâu không thấy, chỉ thấy càng ngày càng làm cho cả dòng cả họ thất điên bát đảo, chịu nhiều tai tiếng, búa rìu của dư luận.
Khi gia sản còn đầy ắp, đứa con mặc tình vung tay phá phách; chẳng may họa tai ập tới, Mẹ Cha bỗng chốc trắng tay, dòng họ ly tán, không còn nương tựa lẫn nhau được nữa, đứa con quen thói tiêu xài phung phí, không chấp nhận cảnh đói nghèo, luôn tra gạn tiền nơi Cha Mẹ, tạo sự sân hận giữa đôi bên do lời qua tiếng lại.
Chẳng mấy chốc tình huống không hay xảy tới, với tánh xấu đầy người, không biết thế nào là phép tắc lễ nghĩa, thế nào là lòng hiếu thảo trọng kính Mẹ Cha, đứa con buông lời hỗn xược, xúc phạm Đấng Sanh Thành, đưa đến một cái kết vô cùng buồn tẻ, hoặc Cha hay Mẹ ngất đi vì quá tức giận, điều này dễ dàng đưa đến cái chết cho Cha Mẹ, hoặc có án mạng xảy ra, con giết Cha hay Mẹ, mà cũng có thể là Cha hay Mẹ giết con, vì ly nước sân hận từ bấy lâu nay giữa Cha Mẹ và đứa con ngỗ nghịch này đã quá tràn đầy.
Những hình ảnh nghiệp lực không ngừng khắc ghi trong Tâm Thức của Cha Mẹ lẫn của đứa con. Đứa con mà ngày đêm Cha Mẹ đã cầu khẩn van xin, thậm chí ăn chay nằm đất để tỏ dạ chân thành hết lòng mong mỏi có được, nay đã tạo nghiệp dữ sâu dày với người mang nặng đẻ đau nó, nghiệp này chỉ có thể vào Địa Ngục Vô Gián để suy ngẫm mà thôi!!
Con Cầu Tự là như thế đó, thường rất khó mà dạy dỗ do đã được nuông chiều từ tấm bé. Ngoài ra Con Cầu Tự cũng vẫn có những nghiệp riêng phải trả; nếu nghiệp riêng đó khiến cho đứa bé phải mang nhiều tật bệnh hay một khuyết tật nào đó trên thân thể, Cha Mẹ cũng vẫn phải chia sẻ và gánh chịu cùng đứa bé.
Người biết tu tập hiểu rõ những mối tương quan của nghiệp lực, biết nhận định điều đúng sai, biết phân biệt điều Tốt Xấu, nhất định không Cầu Xin Con Cái. Khi mà tầm nhìn của mình còn quá thô lậu, quá thiển cận thì không nên cưỡng cầu làm theo ý của mình. Tránh được Nghiệp Con Cái là một sự đánh đổi với một Phước Huệ nào đó.
Thông thường người ta cho rằng, được “Hào Của lẫn Hào Con”, câu nói này chỉ đúng trên phương diện Đời, nhưng không đúng trên phương diện Đạo.
Người không tu tập hoặc tu tập không đến nơi đến chốn sẽ cảm thấy tự hào khi mình có nhiều con. Dù là xứ chuyên về Nông Nghiệp hay Công Nghiệp, gia đình đông con vẫn luôn tạo một lực lượng lao động hùng hậu. Công việc làm ăn, phát triển kinh doanh vẫn rất cần người phụ giúp, nếu đó toàn là người trong gia đình đáng tin cậy thì còn gì tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, như Thầy đã nói, giữa Chúng Sanh với nhau, bất kể quen hay lạ, không ít thì nhiều, vẫn có nghiệp lực buộc ràng. Nghiệp lực thường không đơn thuần mà có nhiều mối tương quan, do đó mà tình huống xảy ra cho một người đôi khi cũng khá là phức tạp, không từ một nguyên nhân mà có thể từ nhiều nguyên nhân khác biệt. Với tầm nhìn đơn giản của con người, khó lòng nhận chân ra được thế nào là đúng hay sai.
Nghiệp lực càng bủa vây, con người càng thêm mệt mỏi, nhiều chán nản, do đó mà bớt được nghiệp nào thì mừng nghiệp nấy, nhất là Nghiệp về Con Cái, một nghiệp lực mặt đối mặt, chiếm ưu tiên hàng đầu, vô cùng là nặng nề đối với bậc làm Cha Mẹ.
Đừng thấy con người ta biết hiếu đạo với Mẹ Cha, biết kính trên nhường dưới mà vội nghĩ rằng đứa con nào cũng như thế cả mà ham muốn, mà mong cầu. Nghiệp lực về con cái có rất nhiều dây tơ rễ má chằng chịt với những mối tương quan khó ngờ, không ai giống ai.
Con cái sanh ra đa phần là Chủ Nợ, Mẹ Cha phải gánh vác từ lúc còn thanh xuân, đến tuổi xế chiều đôi lúc còn chưa yên, con gặp hoạn nạn sa chân lỡ bước, phận làm Cha Mẹ đâu nở đứng nhìn, thân già, tay nâng đứa con, tay bồng bế cháu, nước mắt tuôn rơi đau khổ cùng con, hắt hơi bất động mới thật sự vẫy tay chào vĩnh biệt Nghiệp Cái Con.
Có người cho rằng, con cái là sĩ diện của Mẹ Cha, là niềm tự hào của dòng họ; sống trên cõi Đời bắt buộc phải có con cái, nhưng nếu con cái làm cho Mẹ Cha thân bại danh liệt, bôi tro trát trấu lên dòng họ thì cái sĩ diện đó có còn nữa hay không?
Số người trên trái đất hiện nay tròn trèm 9 - 10 tỉ người, trong số đó có biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, có biết bao nhiêu đứa trẻ lạc loài đang trông chờ từng giọt tình thương của những tấm lòng nhân ái. Thật sự nếu quá khao khát một đứa con thì hãy lựa chọn một đứa nào vừa ý nhất, hãy theo dõi, điều tra, tiếp cận để tìm hiểu đứa nhỏ về mọi mặt trước khi quyết định mang nó về nhà. Nên tránh cái việc Cầu Tự, ít nhất khi mình mang nó về nuôi, nó còn biết mang ơn mình, nó không còn phải sống cuộc đời mồ côi, mình cũng đã làm được một việc Thiện lớn lao, ngoài ra mình còn dễ dàng dạy bảo nó theo ý của mình.
Cầu Tự là mời gọi nghiệp lực, mời gọi một cách danh chánh ngôn thuận những điều không ổn vào trong cuộc đời mình.
Không nhất thiết phải là chính con mình sanh ra mình mới thương yêu nó, nuôi đứa nhỏ lâu ngày mến tay mến chân, mình sẽ thấy khó lòng mà rời xa nó. Người ta nói có máu mủ thì mới yêu thương nhau, nhưng có đôi khi, có máu mủ là Mẹ con hay Cha con, là anh em ruột thịt mà vẫn cứ hằn hộc lẫn nhau, cứ cấu xé tranh giành nhau, thậm chí đi đến việc đập lộn nhau, giết chóc lẫn nhau.
Mọi người đã quên rằng, Cha Mẹ, Con Cái đến với nhau vì Nghiệp Lực, đó là nguyên tắc căn bản. Một khi đã đến với nhau vì nghiệp lực thì chỉ có nghiệp lực mới có thể giải quyết được mọi việc mà thôi!!
Đã may mắn thoát được cái Nghiệp lớn lao về Con Cái thì đừng dại dột đi Cầu Tự xin Con, tức là mình tự nguyện đem một sợi dây nghiệp lực to tướng khác quấn vào cổ của mình đó.