Các vong linh do chùa chiền siêu độ, sau 49 ngày, các vong linh đi về đâu?
Sau lễ an táng, vong được đưa về chùa, nhập vị và được làm lễ siêu độ tại chùa trong 49 ngày. Sau thời gian siêu độ, những vong linh nào bị đọa vào Tam Đồ thì sẽ theo nghiệp đọa của mình mà đi.
Những vong linh nào được thác sanh vào cõi Người (mà không bị vướng mắc) thì sẽ đi thác sanh.
Những vong linh nào bị vướng mắc, có điều oan ức, có những ẩn tình chưa kịp giải quyết trước phút lâm chung, sau 49 ngày siêu độ, nếu tất cả những vướng mắc không được giải tỏa, vong linh không tìm được sự nhẹ nhàng để cất bước, trước mặt mình toàn một màu tối đen, không tìm ra con đường đúng để đi, những vong linh này chỉ còn có một nơi duy nhất để an trụ, đó chính là chùa chiền, nơi mà vong linh đã được đưa về sau lễ an táng. Nói tóm lại, sau 49 ngày rồi, những vong linh nào không siêu thoát sẽ lẩn quẩn ở ngoài chùa hay chung quanh chùa.
Chùa có Chư Thần, Hộ Pháp, Sơn Thần, Thổ Địa canh giữ, các vong linh không thể vào tận bên trong chùa, nếu không được mời gọi đích danh.
Rồi thì năm qua tháng lại, số vong linh không siêu thoát càng ngày càng đông, tất cả nương nhờ vào những buổi thí thực ở chùa, giậm chân tại chỗ mà chờ đợi ... chờ đợi ... một cơ hội thác sanh.
Vì sao việc siêu độ ở chùa không mang đến một kết quả tốt đẹp cho các vong linh?
Vong chỉ có vỏn vẹn 49 ngày tu tập hầu hoán chuyển cảnh giới.
Các vong linh đều biết rõ việc này, nhưng vì tự mình không làm được, nên rất trông nhờ vào sự giúp đỡ của người trên Dương Thế. 49 ngày thoạt nghe qua thấy lâu dài, nhưng nếu so với một đời Người Tu Tập, mất hằng bao nhiêu năm tháng mà vẫn chưa thành tựu Đạo Quả, thì 49 ngày “nóng bỏng” này, vong linh bắt buộc phải “qua” cho hết, phải dốc lòng, dốc sức tu tập, cải sửa, nếu muốn đạt được ý nguyện “SIÊU THOÁT.”
Việc tu tập của vong linh đòi hỏi phải đi từng bước một, mỗi ngày một chút, vong linh không còn ngũ căn, ngũ thức, việc thâm nhập rất là chậm chạp, không ồ ạt được.
Từng ngày qua là từng lời Pháp giảng, để vong linh thấu triệt mà thâm nhập, có thâm nhập mới có rung động, có rung động mới có siêu thoát được.
Vong khao khát lời Pháp chớ không khao khát thức ăn.
Mỗi ngày trong 49 ngày giúp cho vong linh sám hối, trì Chú, niệm Phật. Trọn 49 ngày vong được uống từng lời Pháp. Như thế, vong mới đủ đầy để cất bước thác sanh.
Nếu chỉ vỏn vẹn có 7 ngày ngắn ngủi của 7 thất siêu độ, e rằng thời gian quá ít ỏi để giúp cho vong linh tìm được điểm sáng, lần theo đó mà cất bước.
Người xuất gia lấy Hạnh Bồ Tát làm đầu, gia công tu tập cũng chỉ để hồi hướng cho Pháp Giới chúng sanh được muôn điều tốt đẹp. Khi bỏ báu thân, an trụ miền Cực Lạc, cũng làm tròn ý niệm Cứu Độ chúng sanh.
Ý nghĩa của “Xuất Gia” là Cắt Ái, Ly Gia. Cuộc đời của một người xuất gia, lấy mái chùa làm “tổ ấm,” lấy chúng sanh làm thân quyến; chúng sanh khổ thì mình đau như cắt, chúng sanh vui thì lòng mình phơ phới, chúng sanh gặp nạn thì mình tìm phương cứu vớt, chúng sanh hạnh phúc thì lòng mình hoan hỷ.
Tất cả cho chúng sanh và vì chúng sanh. Chư Phật và Bồ Tát cũng vì chúng sanh mà lên xuống không ngừng nghỉ.
Người xuất gia chấp nhận Cắt Ái, Ly Gia để noi theo Hạnh Lành của Phật và Bồ Tát. Không có cái gì thuộc về của riêng mình. Biết quên mình để lo cho người, không nệ hà sự cực nhọc, bất chấp mọi phiền toái để giúp đỡ chúng sanh, khi mình còn hơi thở.
Tâm chúng sanh còn quá nhiều vọng động, còn nhiều ham muốn, còn nhiều dục lạc.
Chúng sanh đã không nhìn thấu đáo đoạn đường trước mặt, cứ vui chơi cho thỏa thích, không nhìn lại sau lưng mình, đoạn đường đã đi qua, đã rơi rớt lại bao nhiêu gai góc, bao nhiêu vướng mắc, bao nhiêu điều không tốt đẹp.
Rồi một mai khi không còn sức để vui chơi nữa, hắt hơi cuối cùng, vĩnh biệt cuộc đời, ra đi mà mang theo quá nhiều đá nặng, không cất được bước chân.
Ngày nào vui một kiếp NGƯỜI,
Hôm nay buồn thảm trở thành VONG LINH.
Khi còn sống, không biết chăm chút phần Linh Hồn của mình, ngày giờ này cứ loanh quanh với cái bóng của chính mình, không thoát ra được nghiệp chướng bề bề.
Chỉ vỏn vẹn có 49 ngày đặc ân, tìm đâu ra được người thương yêu giúp đỡ? Gia đình không có, bạn bè cũng không! Chỉ còn biết trông chờ vào lòng “Từ Mẫn” của các bậc xuất gia giúp đỡ mà thôi!
Siêu độ cho một vong linh thoát cảnh đọa đày, an nhiên tự tại để vãng sanh về Cực Lạc, hay nhẹ nhàng thư thả về cõi Trời, hoặc trở lại kiếp Người với nhiều Phước báu, đó chính là “THIÊN CHỨC” của người xuất gia, làm tròn Tâm Nguyện của mình là Cứu Độ chúng sanh cho người sống, lẫn người đã chết.
Sự tu tập chân chính sẽ mang đến cho hành giả một ánh hào quang bao bọc chung quanh người. Làm sao để cho người đó biết được là mình có hào quang?
Vì nhãn căn bị ngăn chận, cho nên không nhìn thấy được cái hào quang. Thậm chí, người tu tập chân chính lâu năm, cũng khó có thể thấy được hào quang của kẻ khác, huống chi là thấy được hào quang của mình.
Khi trì Chú, khi niệm Phật, phải quán tưởng hào quang.
Nếu là một người tu tập chân chính lâu năm đúng cách, quán tưởng hào quang trong lúc trì Chú hay niệm Phật, sẽ thấy được hào quang xuất ra từ ở ngay Tam Tinh.
Nếu người đó không nhìn thấy được cái hào quang phát ra từ ở ngay Tam Tinh, điều đó chứng tỏ rằng, mặc dầu người đó tu tập, nhưng không giữ được tâm bình trong lúc trì Chú, niệm Phật hay sám hối. Người đó vẫn còn bị Tâm Viên Ý Mã, không Định được. Nếu Tâm, Ý vẫn còn động, khi Sám Hối sẽ không đem hết được Tâm Thành của mình để sám hối, khi trì Chú, không đem hết Lực của mình để trì Chú, khi niệm Phật không đem hết Cường Lực của mình để niệm Phật.
Sám Hối, Trì Chú, Niệm Phật đều giúp cho Trí Huệ gia tăng. Khi trí huệ gia tăng, sẽ phối hợp với cái chân khí trong người để làm cho cái chân khí đó được rực sáng lên. Chân khí đi theo vòng tròn trong cơ thể, trí huệ của người đó là ánh đèn, hợp với chân khí để tạo nên ánh hào quang chung quanh người đó.
Chỉ cần tu tập đúng, giữ cho đừng Tâm Viên Ý Mã, tức là phải giữ Tâm Bình, thì có thể nhận ra được hào quang chung quanh mình. Nếu là một người tu tập chân chính có đạo lực, lúc bình thường, dù cho người đó không ngồi xuống để tu tập, cái hào quang vẫn bao bọc toàn cơ thể của người đó, mắt người đó rực sáng khiến người khác nhìn vào bỗng đem lòng kính phục, quý mến và có cảm tình. Toàn thân của người tu tập chân chính toát ra một sự nhẹ nhàng, thoải mái; người ngoài nhìn vào hay tiếp xúc cũng cảm nhận được một sự An Bình khó diễn tả. Đó chính là sức thu hút từ ở ánh hào quang. ビットコイン スポーツベッティング
Một người tu tập chân chính, có đủ đạo lực, hào quang phát sáng, vong nhìn vào là thấy ngay.
Cho nên, việc một người tu tập chân chính thấy được hào quang của kẻ khác, việc đó rất ít. Nhưng chính bản thân của người đó, muốn biết được mình có ánh hào quang hay không, cần phải giữ Tâm Bình trong lúc tu tập. Khi trì Chú, niệm Phật, phải hoàn toàn giữ tâm thanh tịnh thì sẽ thấy ánh sáng phát ra từ ở Tam Tinh của mình. Cố gắng giữ cho ánh sáng đó đừng biến mất. Nếu Tâm Viên Ý Mã, ánh sáng đó sẽ biến mất ngay. Càng tu tập đúng nghĩa, toàn thân người đó sẽ phát ra một ánh sáng rất là dịu dàng, khiến người khác nhìn vào đều có cảm tình, và đem lòng kính phục.
Có sự khác biệt hay không trong việc siêu độ cho một vong linh 80 tuổi và một vong linh 8 tháng tuổi?
Một đứa bé lìa đời khi còn quá sức nhỏ, phải hiểu rằng: đứa nhỏ đó mất đi vì bệnh tật, chớ không phải là không có lý do. Mà nếu vì bệnh tật thì, nó mang bệnh tật để làm gì? Để khiến cho cha mẹ nó phải bỏ thì giờ, bỏ tiền bạc, bỏ công sức để chăm sóc cho nó. Một khi đã đủ số mà nó muốn đòi rồi, lúc đó nó sẽ ra đi. Dưới cặp mắt của người Đời, đứa bé đó đoản mệnh, có nghĩa là không sống thọ. Nhưng, dưới cặp mắt của một người tu chân chính, hiểu đạo, họ biết rằng: nghiệp lực giữa đứa bé và cha mẹ nó đã chấm dứt. Chủ nợ chính là nó. Con nợ chính là cha mẹ nó. Chủ nợ đã đòi đủ số rồi thì chủ nợ ra đi.
Cho nên, siêu độ cho một đứa bé là giúp cho nó được nhẹ nhàng bước qua một kiếp mới và theo nghiệp lực kế tiếp của nó mà đi. Người chủ lễ phải giảng cho cái vong này hiểu được rằng: nghiệp lực giữa nó và cha mẹ nó đã chấm dứt rồi, bây giờ thì đường ai nấy đi. Người chủ lễ sẽ giúp cho nó được nhẹ nhàng để ra đi, theo nghiệp kế tiếp của nó. Tuy nhiên, nếu người chủ lễ có dạ từ bi, thì cũng sẽ siêu độ cho đứa bé này trong 49 ngày, bằng cách sám hối. Sám hối để chi? Để cho cái vong nhỏ bé này, tuy rằng nó mang thân nhỏ bé khi nó mất đi, nhưng nó vẫn là một thần thức lớn, giúp cho nó sám hối, niệm Phật để có lợi cho nó ở kiếp tới, nghiệp lực kế tiếp của nó dẫn đường sẽ nhẹ nhàng hơn. Sỡ dĩ nó mất đi khi nó còn quá nhỏ, là vì nghiệp lực giữa nó và cha mẹ nó cũng chỉ có bấy nhiêu thôi!
Việc giảng Pháp cho một vong linh 80 tuổi và một vong linh 8 tháng tuổi, vẫn không có gì khác biệt cả. Điều quan trọng chính là sám hối, sám hối và sám hối. Tại vì sao? Vì không có bất kỳ một thần thức nào thoát được nghiệp lực cả! Đã làm Người mà còn không thoát được nghiệp lực, huống chi là một thần thức? Ở dạng của một thần thức, hay ở dạng của một thân người, thì cũng vẫn phải bị chi phối bởi nghiệp lực. Nhưng nếu gặp được Thiện Tri Thức dẫn dắt, nghiệp lực kế tiếp dẫn đường cho thần thức đó sẽ làm cho mọi việc nhẹ nhàng hơn, thần thức đó sẽ đi về một hướng tốt đẹp hơn.
Cho nên, vẫn phải hướng dẫn cho thần thức sám hối và niệm Phật. Nên nhớ rằng: lời nguyện của Đức A Di Đà Phật không phải chỉ dành cho người sống, mà còn đối luôn với người chết nữa. Vì vậy mà phải giúp cho người chết niệm Phật rất là nhiều. Nếu họ quyết tâm tu tập, thì sự rung động của họ có thể hoán chuyển nghiệp nặng thành nhẹ, từ cảnh giới thấp có thể lên được cảnh giới cao hơn. Sau 49 ngày, việc họ được vãng sanh về Cực Lạc là việc vẫn có thể xảy ra, chớ không thể nói rằng: không bao giờ có thể xảy ra.
Tóm lại, lời Pháp rất là quan trọng, vì đó là một cách thức để dẫn dắt một chúng sanh. Dù rằng đã bỏ thân rồi, chúng sanh đó vẫn có thể được dẫn dắt để hướng thượng, để đi về một cảnh giới cao hơn.
Đã là một cái vong thì không còn sự cản trở về ngôn ngữ nữa. Tất cả những cản trở về sự hiểu biết, về ngôn ngữ là do ở ngũ căn, thoát được ngũ căn, sẽ không còn bị cản trở nữa. Người tu tập chân chính khi đã đạt thành đạo quả, cũng sẽ hiểu được những cái gì mà ngoài tầm với của ngôn ngữ.
Đó là một điều vô cùng thú vị! Nhờ có cảm nhận được hết tất cả mọi thứ ngôn ngữ, người tu đắc đạo mới có thể hành sử được việc cứu độ chúng sanh. Cứu độ chúng sanh, không phải chỉ cứu độ cho những người cùng tiếng nói với mình, mà còn cứu độ cho tất cả những chúng sanh khác, không cùng ngôn ngữ với mình, và đôi khi cả với những loài vật nữa. Tuy nhiên việc này còn xa tầm với của chúng sanh!
Khi người chủ lễ giảng Pháp cho vong nghe, nếu không đồng ngôn ngữ cũng vẫn không sao cả. Vong cảm nhận được tất cả mọi điều mà người chủ lễ muốn bày tỏ với vong qua cái THỨC.
Ngày thứ 49 là ngày mà vong chánh thức bước vào một cảnh giới mới, làm sao biết được vong đã ra đi?
Muốn biết được vong đã ra đi chưa, người chủ lễ phải giữ Tâm Bình mới có thể nhận được cảm giác đó.
Khi khóa lễ đến phần niệm Phật, vị chủ lễ có thể nhờ một vài thân nhân hay bạn bè quen biết, thành tâm cùng niệm Phật để “tăng sức”, để “cổ võ” cho hương linh. Trong lúc đó, vị chủ lễ khấn Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát để nhờ Ngài tiếp dẫn hương linh. Trong thời gian Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát cùng quyến thuộc của Ngài làm việc, vị chủ lễ sẽ đem hết tâm thành niệm danh hiệu của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát trong khoảng từ 10-15 phút. Sau 15 phút, tiếng niệm Phật chấm dứt, vị chủ lễ ngồi lại tịnh tâm thì có thể cảm giác được là vong vẫn còn hiện diện hay đã đi rồi. Điều này khó diễn tả bằng lời, nó tùy thuộc vào trạng thái Bình của người chủ lễ khi đó. Tuy nhiên, nếu trong suốt 49 ngày, việc siêu độ được hành trì với một tấm lòng tha thiết, với một chân tình thật là sâu sắc, vị chủ lễ tận tâm giảng dạy, dẫn dắt vong linh qua từng lời khuyên, từng lời Pháp, chắc chắn rằng trí huệ của vong linh sẽ bừng sáng, thần thức chân thành rung động, vong linh hoán chuyển cảnh giới rất dễ dàng.
Nếu người chủ lễ có Đạo Lực, việc cảm nhận cũng không khó khăn đâu, chỉ cần người chủ lễ giữ tâm Bình thì sẽ cảm nhận được ngay. Điều này cũng giống y như việc, có uống ly nước rồi, mới biết ly nước đó lạnh hay nóng? Rất khó diễn tả bằng lời lắm!
Còn đối với người chủ lễ không có Đạo Lực, cũng vẫn phải giữ Tâm Bình mới cảm nhận được vong linh đã ra đi chưa? Tuy nhiên, việc đó xem như là một món quà mà thôi.
Khi người chủ lễ khấn Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát để nhờ Ngài dẫn dắt cho vong linh, công việc của Ngài là đưa vong linh đi theo đúng cảnh giới của vong. Điều này đòi hỏi, trong suốt 49 ngày, người chủ lễ dù cho có Đạo Lực hay không có Đạo Lực, có thành tâm thành ý, có đem hết sức của mình ra để siêu độ cho vong linh hay không? Và việc siêu độ có đi từng bước một theo sự hướng dẫn trong quyển sách hay không? Nếu người chủ lễ làm đầy đủ hết tất cả mọi việc ghi trong quyển sách, kèm theo một tâm thành của mình, điều đó nói lên được rằng, người chủ lễ đã giúp cho vong linh tu tập trong suốt 49 ngày.
Nếu đã giúp được cho vong linh tu tập trong suốt 49 ngày, thì chắc chắn rằng vong linh sẽ được Ngài Địa Tạng đưa đi vào ngày thứ 49. Mỗi ngày, vị chủ lễ đều có khấn Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Ngài sẽ để tâm theo dõi việc tu tập của vong linh, và Ngài cũng hỗ trợ để cho vong linh tu tập.
Cho nên, nếu vị chủ lễ không cảm giác được việc ra đi của vong, cũng đừng thắc mắc, không sao cả! Nếu làm đúng hết các bổn phận, các chỉ dẫn, đem hết tâm thành của mình ra để siêu độ cho vong, chắc chắn rằng vong sẽ đi về đúng cảnh giới mà vong đã chọn lựa.
Một điều quan trọng, quan trọng vô cùng mà người chủ lễ phải ghi nhận là: nếu đã có sự Thành Tâm, Thành Ý siêu độ, thì chắc chắn rằng vong không bao giờ bị đọa vào Tam Đồ. Sẽ chỉ có 3 cảnh giới mà vong được chọn lựa, đó là: Cõi Phật, Cõi Trời và Cõi Người mà thôi. Đó là món quà quý giá dành cho người chủ lễ đối với vong linh, mà đó cũng là món quà của vong nếu vong chịu khó tu tập trong 49 ngày. Cho nên, chỉ vỏn vẹn có 49 ngày mà giúp cho một thần thức được thăng hoa, thì thời giờ mình bỏ ra, công sức mình đưa ra, không có gì là quá đáng. Tất cả đều được đền bù một cách tương xứng.
Nếu hành trì đúng việc siêu độ thì cảnh giới thấp nhất để vong thác sanh, sẽ là cảnh giới NGƯỜI, việc đọa TAM ĐỒ, chắc chắn là không!
Tại sao Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát không thể tiếp dẫn được cho một vong linh không tu tập, không sám hối, không buông xả, để đi về một cảnh giới, mà bắt buộc người chủ lễ phải giúp cho vong tu tập trong 49 ngày, rồi sau đó, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát mới có thể giúp cho vong đi một cách dễ dàng?
Vong phải tự phát nguyện sửa đổi mình!
Phải nhớ rằng: Một Con Người hiện diện trên cõi Đời là để làm gì? Để trả nghiệp, và sau đó, nếu không biết tu tập, thì lại tiếp tục tạo nghiệp; còn nếu biết tu tập, thì chỉ lo trả nghiệp và ngừng việc tạo nghiệp.
Nếu bây giờ một người đến để trả nghiệp, rồi lại tạo nghiệp, không biết trả được bao nhiêu nghiệp, mà lại tạo thêm nghiệp, thì chắc chắn rằng, nghiệp lực mà người đó mang, phải lên cao chớ không xuống thấp. Bây giờ người đó mất đi, mà vẫn còn mang những cái nghiệp, hoặc trả chưa xong, hoặc trả được một phần, hoặc có khi trả được rồi, nhưng vì tạo thêm nghiệp, cho nên nghiệp chất chồng, vong linh đó phải làm sao để được ung dung tự tại muốn đi đâu thì đi?
Lấy thí dụ: một người bị giam cầm trong ngục thất, nếu người đó tỏ ra ăn năn sám hối, sửa đổi con người của mình, làm được nhiều điều tốt đẹp, chứng tỏ là tôi đã có một sự sửa đổi thật sự, trở thành ra người tốt, người hữu dụng, khi đó, quan tòa mới có thể xem xét trường hợp của người này để quyết định nên cho người này được tự do ngay hay là hưởng trường hợp giảm khinh, thu ngắn thời gian giam cầm lại.
Một vong linh cũng y như vậy. Lìa khỏi trần thế ra đi, nếu một người có được huệ nhãn, sẽ thấy được rằng, vong linh đó không có đi một cách nhẹ nhàng đâu, mà phải lôi, phải kéo. Lôi kéo cái gì? Lôi kéo những nghiệp lực của mình. Tùy theo mỗi vong linh, mà sự lôi kéo đó sẽ nặng nề nhiều hay ít.
Một vong linh lôi kéo cái gánh nặng như vậy, liệu rằng có thể đi đâu xa được hay không? Chắc chắn là không thể đi đâu xa được hết, nếu không muốn nói là giậm chân tại chỗ.
Nếu bây giờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát chận vong linh đó lại, và nói rằng: “Muốn đi về đâu? Ta sẽ giúp cho.”
Vong linh đó chỉ rằng: “Tôi muốn đi về hướng đó.”
Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát có thể giúp cho vong linh đó đi, nhưng vì cái gánh ở ngoài sau quá nặng, vong linh đó cũng vẫn không đi được. Dù cho Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát có lôi có kéo họ, họ cũng vẫn không đi được. Những nghiệp lực mà vong linh mang theo, có một sức hút rất đặc biệt là nó trì lại, vong linh muốn đi tới, nhưng chính nó trì lại, và khiến cho không lôi kéo được cái gánh nặng đó.
Vì vậy mà Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát cũng đành phải bó tay, trước nghiệp lực của một vong linh.
Chỉ có người chủ lễ, với vai trò Thiện Tri Thức, mới có thể giúp cho vong linh hiểu rõ một cách thâm sâu, là làm thế nào để có thể mất đi cái tầm ảnh hưởng của sức hút của gánh nặng đó. Mà muốn làm giảm đi cái sức hút đó, vong linh phải biết sám hối.
Sám hối với ai? Sám hối với cái gì? Chính là sám hối với những nghiệp lực mà vong linh đã mang theo đó.
Với vai trò là một thiện tri thức, người chủ lễ sẽ chỉ dẫn cho vong linh biết cách sám hối, cách trì Chú, cách niệm Phật.
Để chi?
- Để thể hiện sự ăn năn, hối hận của mình đối với những nghiệp lực mà mình đã mang theo, để làm giảm đi sức trì lại của cái gánh nặng.
- Nhờ có sám hối, nhờ có trì Chú, nhờ có niệm Phật mà Trí Huệ của thần thức được sáng lên.
Một mặt thì giảm sự trì kéo của nghiệp lực mà mình đang mang theo đó, một mặt thì trí huệ được phát sáng, nhận chân ra được mình phải đi về đâu. Lúc đó vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, đưa đi đến đúng cảnh giới của mình. Nhờ có ánh sáng chỉ đường, cho nên biết được đi về đâu, nhờ sức trì kéo được giảm đi, vong linh sẽ đi dễ dàng hơn, với sự giúp sức của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Nên nhớ rằng, trong vấn đề siêu thoát, phải do chính tự thần thức rung động.
Thần thức rung động có nghĩa là gì? Có nghĩa là thần thức nhận chân ra được rằng, cái gánh nặng mà mình kéo đó, chứa toàn là nghiệp lực của mình, mà những nghiệp lực đó là do chính mình tạo nên, thì bây giờ mình phải biết ăn năn sám hối, với những người mà mình đã gây tạo nghiệp chướng. Không thể nói rằng, tôi tha hồ tạo tác, rồi bây giờ thì nhởn nhởn nhơ nhơ, muốn làm gì thì theo tự ý mình. Như thế là không được!
Cõi Âm cũng như Cõi Dương, tất cả đều có một sự bình đẳng ngang nhau, không có vấn đề muốn làm gì thì làm. Tu tập là một sự hoán chuyển từ bên trong của mình, để làm gì? Để làm cho Tâm thức của mình ngời sáng lên, cho Ý thức của mình rực rỡ thêm, cho Tánh xấu của mình giảm bớt xuống. Cho nên sự hoán chuyển phải đi từ ở bên trong, chớ không phải do ở bên ngoài tác động vào.
Do đó, việc Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giúp đỡ là một tác động từ bên ngoài, nhưng muốn nhận được sự giúp đỡ đó, thần thức phải có một sự hoán chuyển từ ở bên trong.
Tóm lại, tu tập là phải tự lực trước, rồi sau đó mới cầu đến tha lực; dù tha lực đó là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát hay là Đức A Di Đà Phật, hay ai đó cũng vậy, then chốt vẫn là cá nhân đó phải tự lực trước.
Không có tự lực thì như người đeo đá, mà đá đó không phải đá bình thường, mà là đá nam châm, cho nên hút xuống, không gỡ lên được. Nếu là một cục đá bình thường, thì trong mười phương, Chư Phật và Bồ Tát hằng hà sa số, đủ để cứu vớt hết tất cả chúng sanh trong cõi Ta Bà rồi.
Mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, Chư Thiên, chư Thánh, tất cả sẵn sàng tiếp dẫn các vong linh. Nhưng, tiếp dẫn là đem xe đến nơi để chở đi, các vong linh phải tự bước lên chiếc xe, nếu không bước lên được, thì xem như đã lỡ chuyến xe rồi.
Mà bước lên không được chỉ vì bị sức trì xuống. Cho nên, giúp cho thần thức tu tập là giúp cho thần thức làm tiêu đi tính chất trì hút của tảng đá nghiệp lực mà mình phải đeo.